Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

ĐỖ BÍCH THUÝ VỚI VĂN HỌC VÀ ĐIỆN ẢNH

Thật thú vị khi được thưởng thức hai "phiên bản" văn học và điện ảnh của nhà văn Đỗ Bích Thúy cùng lúc. Tiểu thuyết Lặng yên dưới vực sâu (NXB Hội Nhà văn liên kết Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam, 4.2017) ra mắt gần như đồng thời với bộ phim truyền hình cùng tên (do chị là tác giả kịch bản) dài 32 tập, phát trên VTV1 vào các chiều thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ năm và là cuốn sách thứ mười bảy của nữ nhà văn sinh năm 1975, kể từ khi chị bất ngờ xuất hiện trên văn đàn với Giải nhất truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1999.
Nhà văn Đỗ Bích Thúy

Những năm gần đây Đỗ Bích Thúy ra sách đều đều, hầu như năm nào cũng có sách mới, chứng tỏ sự sung sức đáng khâm phục. Kể từ sau tác phẩm Tiếng đàn môi sau bờ rào đá được chuyển thể thành phim Chuyện của Pao, chị bắt đầu bén duyên với điện ảnh. Đưa tác phẩm văn chương lên màn ảnh là việc bình thường, nhưng trường hợp của Đỗ Bích Thúy hơi... khác thường. Lặng yên dưới vực sâu vốn là một truyện vừa, từng công bố cách đây mấy năm trên Báo Văn Nghệ, rồi được đặt hàng chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập. Sau khi viết xong kịch bản phim, chị phát triển truyện vừa đó thành tiểu thuyết. Tương tự, truyện ngắn Người yêu ơi của Đỗ Bích Thúy in trên Báo Nhân Dân hằng tháng số Tết Ất Dậu 2015, cũng đang được chị "viết mới" thành tiểu thuyết sau khi hoàn thành kịch bản phim truyện điện ảnh cùng tên. Bằng cách này, không phải nhà văn kéo dài tác phẩm mà là mang lại cho nó một đời sống và số phận khác.

Lặng yên dưới vực sâu là những câu chuyện tình của Vừ, Phống, Súa, Xí, Chía..., những thanh niên người Mông ở vùng núi U Khố Sủ. Tóm tắt sơ lược thì Vừ và Súa yêu nhau. Phống cướp Súa về làm vợ. Xí, bạn thân của Súa yêu Vừ. Chía, em dâu họ của Phống lại yêu anh rể... Chuyện tình yêu muôn đời rắc rối đầy chất "xi-nê-ma" hứa hẹn mang lại sự hấp dẫn cho bộ phim và quả thật những tập đầu vừa công chiếu đã làm được điều đó. Nhưng trong văn chương, chuyện rắc rối ấy nếu không được xử lý một cách khéo léo rất dễ trở thành sự sắp đặt chủ ý, thậm chí khiên cưỡng. Người đọc vừa hồi hộp theo dõi số phận các nhân vật trong "phiên bản" tiểu thuyết, vừa so sánh với những gì mình đã đọc trong truyện vừa trước kia. Phống không chỉ tàn bạo, máu lạnh mà còn rất yếu đuối, đáng thương. Vừ chân chất, nặng tình, là nhân vật chính diện nhưng nhiều lúc lại làm người đọc bực mình vì sự bế tắc, bất lực "không biết mình thật sự muốn gì". Súa là một cô gái đầy đau khổ, bị kẻ không ra gì cướp đi cuộc đời và hạnh phúc, dù cố gắng vùng vẫy nhưng sự vùng vẫy đó dường như chưa đủ, nên trở thành người cam chịu, lãnh cảm. Xí trong sáng, mong manh, lương thiện nhưng cũng có lúc mạnh mẽ, giống như dòng suối mát chảy qua cơn khát của đá núi khắc nghiệt. Cô đã đoạn tuyệt với Vừ vào giờ phút chót không phải vì tình yêu đã chết mà vì đã tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi "Súa à, hai người ở với nhau mà không thương nhau thì có ở được không?", và bởi "Cái gì không phải của mình thì đừng cố lấy về". Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với Phống, Xí là một trong những nhân vật thành công nhất trong cuốn sách này. Phải chăng đây là hình mẫu cô gái người Mông hiện đại mà tác giả gửi gắm? Chía, cô gái câm xuất hiện thấp thoáng trong truyện vừa thì nay được tác giả chăm chút để có một vị trí riêng trong tiểu thuyết. Nếu Súa là nạn nhân của bạo lực hôn nhân, gia đình thì Chía là nạn nhân của tảo hôn, luôn khát khao hạnh phúc. Em chỉ thật sự yên bình với một kết cục khá bất ngờ...

Bằng bút pháp trữ tình chừng mực, sử dụng nhiều câu ngắn, chi tiết đắt và sắc, con người và cuộc sống ở một vùng núi phía bắc dần hiện lên đầy nhân văn và cũng vô cùng khốc liệt. Phải là người am hiểu sâu sắc văn hóa bản địa, yêu quý và gắn bó với miền đất ấy thì mới có những trang viết ám ảnh, lay động như thế. “Phiên bản” tiểu thuyết đã khác hẳn với truyện vừa, đã được nâng lên một tầm cao khác. Nếu còn điều gì người đọc cảm thấy hơi “lăn tăn”, hụt hẫng trong Lặng yên dưới vực sâu thì đó chính là cái kết. Nó có vẻ hơi vội trong cái mạch dày dặn, cuốn hút của cuốn sách.

Ngoại trừ tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là viết về đời sống thị dân hơi tách ra khỏi dòng đề tài chủ đạo của Đỗ Bích Thúy, hầu hết những sáng tác thành công nhất của chị đều gắn với đất và người vùng cao, nơi chị sinh ra, lớn lên và nặng lòng trong từng trang viết. Qua Lặng yên dưới vực sâu, một lần nữa nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa về Đỗ Bích Thúy "là một trong những cây bút nữ quan trọng nhất hiện nay ở mảng văn học về đề tài miền núi" được khẳng định.

Người đọc và người xem truyền hình sẽ được tiếp tục theo dõi, so sánh những hình dung về nhân vật của Thúy từ trang sách lên màn ảnh. Sẽ có những kết cục và số phận nhân vật bất ngờ không giống như trên trang sách, nhưng điều đó chỉ làm tăng thêm sự thú vị cho người thưởng thức, trong đó có chính tác giả. Và ít ai có được hạnh phúc hai lần "lặng yên" như Đỗ Bích Thúy. Đó không chỉ ngẫu nhiên, mà là kết quả đương nhiên của nỗ lực lao động nghệ thuật không ngừng và đáng trọng.

HỮU VIỆT
Nguồn: Nhân Dân


CÂU CHUYỆN KHÁC:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều