Trước hết, Nhà
hát là yếu tố quan trọng trong thiết kế tổng thể cho mọi đô thị. Mối quan hệ của
nó với một Thành phố đã được xác lập từ thời cổ đại, khi mà các thị trấn
và thành phố thịnh vượng tự hào về
những tòa nhà công cộng tráng lệ trong đó có các khán đường công cộng (khán
phòng ngoài trời – Amphitheater) là những ví dụ dễ thấy. Ở thời kì Phục Hưng, lịch sử cho thấy rằng đã xuất
hiện những sự quan tâm mới trong các nhà hát, nơi mà không chỉ là nơi diễn ra các vở kịch mà còn là nơi hấp dẫn đối với giới thượng lưu. Có một thực tế
ở giai đoạn này, đó là khi một thành phố trở nên dư thừa về của cải vật chất và
cơ sở hạ tầng được đầu tư dài hạn đã đạt đến độ chín của nó thì các nhà
hát xuất hiện như một sự củng cố về
các khoản đầu tư trung hạn. Mặt khác, nhà hát còn là đại diện cho tinh hoa về văn hóa, nghệ thuật - những
giá trị mà tiền bạc không thể mua được. Do đó, mặc dù có bản chất là một Kiến
trúc bất động (immobility architecture) nhưng Nhà hát đã tạo ra một dạng sống
trong lòng nó và ở cả ở bên ngoài nó. Cho dù Nhà hát nằm ở trung tâm hoặc ở bên
lề của một Đô thị thì nó luôn có liên quan sâu sắc đến cấu trúc và sự tương tác có ý nghĩa dân sự.
Sang đến thời hiện đại, các Nhà hát dường như rũ bỏ lớp vỏ diêm dúa, hào nhoáng – vốn
dành để tượng trưng cho sự dưa thừa về của cải vật chất của giới thượng lưu;
thay vào đó, các nhà hát được thiết kế để hướng tới số đông quần chúng và vẫn
giữ được khả năng làm việc như một điểm nhấn của Đô thị. Các ví dụ có thể lấy
ra như Nhà hát Sydney hoặc nhà hát Oslo với đường dốc thẳng từ vịnh biển lên đến
mái, nó cung cấp cho quần chúng một loạt các khả năng cho hoạt động ngoài trời,
hoàn toàn tự do và cung cấp chất lượng cuộc sống ở mức cao một cách miễn phí (đối
với các không gian ngoài trời). Gần đây, sau 20 năm đàm phán xây dựng, nhà hát
ElbPhilharmonie tại vịnh Hamburg do Văn phòng KTS Thụy Sĩ Herzog &
de Meuron thiết kế đã khánh thành với kinh phí lên tới 789 triệu Euro (tương đương 22 nghìn tỷ VND). Sau
khi hoàn thành, nhà hát này đã đón hơn 4 triệu lượt khách tới xem chỉ trong năm
đầu tiên (tương đương một ga hàng
không). Cũng giống với nhà hát Oslo, Elbphilharmonie cung cấp một platform ở
trên mái của khu vực hành chính, ra vào hoàn toàn miễn phí và tạo ra một điểm
nhìn toàn cảnh vịnh cảng và đường chân trời của cả thành phố. Trong những
tháng đầu đi vào hoạt động, cá nhân mình có kiếm được một vé mời đi xem kịch ở
nhà hát này. Khi nói chuyện với bạn bè, các bạn rất bất ngờ và tỏ ra ghen tị,
sau đó mình kiểm tra lại và được biết rằng vé vào xem tất cả các show diễn của
nhà hát đã được đặt hết trong khoảng 2 năm trở lại. Qua ví dụ nhỏ đó, ta thấy rằng
một nhà hát gần như được coi là một
dạng văn bản đô thị, nó có tính đại diện và sẽ thành công khi đạt được tính đại
diện.
Đằng sau sự
thành công cả về khía cạnh văn hóa vẫn kinh tế của các Nhà hát nổi tiếng trên,
chúng ta có thể nhận ra rằng xuyên suốt chiều dài lịch sử, Nhà hát, được coi là
một hạng mục đầu tư trung hạn trong một Đô thị khi mà Đô thị đó đã đạt đến
độ chín trong các khoản đầu tư dài hạn, như cơ sở hạ tầng, đường xá, không gian công cộng. Nói như các thầy giáo Kiến
trúc sư già cả, thì Nhà hát nó giống như quả sơ-ri nằm trên đỉnh của một chiếc bánh ga-tô. Quả sơ-ri đó luôn là thứ
đầu tiên mà người ta nhìn vào và xuýt xoa tán thưởng nhưng cần phải nhớ là nó luôn nằm trên 1 chiếc
bánh ga-tô (với ngụ ý về các khoản đầu tư dài hạn, tạo nền móng của một
đô thị). Và hẳn nhiên, ta sẽ không bắt gặp một quả sơ-ri nào nằm trên những miếng vụn bánh, hoặc có thể
cũng có nếu ai đó cố làm, nhưng người ta sẽ chẳng bao giờ để tâm tới nó. Nhìn
vào khối đô thị Hamburg, ta thấy đó là cả một khối thống nhất, đồng bộ từ cơ sở
hạ tầng, phúc lợi, nhà ở, hệ thống giao thông công cộng và không gian công cộng.
Tất cả mọi thứ được nghiên cứu bài bản và thực hiện triệt để qua nhiều năm với
nguồn vốn dồi dào. Du khách khi đến thăm thành phố, điều đầu tiên họ nghĩ đến
có thể chính là Nhà hát Elbphilharmonie nằm trên mũi vịnh với tên gọi Hafencity
(thành phố Cảng). Tất nhiên, đó là trong con mắt của quần chúng, của khách du lịch
phương xa. Người làm quản lý
và quy hoạch thì lại không nên có cách nhìn đó. Nói cách khác, nhà hát
Elbphilharmonie là kết cục trong cả một tiến trình phát triển của khu vực
Hamburg Hafencity. Cá nhân mình cảm thấy choáng ngợp trước tổng thể khu vực này hơn, đó là một cách tiếp
cận rất khôn ngoan ở khía cạnh đô thị khi những KTS đã đục khoét vào bên
trong đường bờ sông để tăng chiều dài của nó lên gấp 6 lần, kéo theo đó là việc
xây dựng những khu nhà ở, đường xá, văn phòng, trường học, bệnh viện – trên nền của một khu công
nghiệp cũ đã quá hạn sử dụng (Hamburg trước đây là một trung tâm công nghiệp). Việc tăng chiều dài đường mặt nước
(waterfront) đã biến cả khu vực thành một mỏ vàng cho đầu tư và kêu gọi
vốn từ khối vốn cá nhân. Nhờ vậy, cả khu vực này đã chuyển mình mạnh mẽ cả ở
khía cạnh kinh tế lẫn khía cạnh lịch sử khi mà nó vẫn giữ được bản sắc là một
thành phố hậu công nghiệp. Và rồi khi tất cả những đầu tư dài hạn đó đã đạt đến
độ chín ở khía cạnh phát triển đô thị thì người ta mới đặt lên trên nó, tọa lạc tại một mũi vịnh – một lâu đài bằng
kính, chính là khối nhà hát Elbphilharmonie được thiết kế bởi Herzog & de
Meuron, một trong những Văn phòng Kiến trúc tên tuổi nhất Thế giới (Hai
KTS này chính là những người đã
thiết kế ra Điểu Sào Quốc gia Thể dục trường tại thê vận hội Bắc Kinh 2008) và phải nói thêm là đồ án đã được
thực hiện trong một thời gian dài.
Tóm lại, không khó để chúng ta nhận thấy rằng Hamburg và
Nhà hát nghìn tỷ của nó là một ví dụ điển hình cho phương pháp phát triển và phát huy các nguồn lực vốn
có của một đô thị với những mục tiêu dài hạn và trung hạn cụ thể. Người Đức đã
thành công với cách làm bài bản đó. Mặc dù Elbphilharmonie cho đến hôm nay, sau
2 năm đi vào hoạt động, vẫn còn hứng chịu không ít chỉ trích rằng nó là một
công trình quá đắt đỏ và tốn kém nhất trong lịch sử loài người, nhưng cả Thế Giới vẫn phải thừa nhận rằng nó
là một công trình đẹp và sự thành công của nó có tính chất liên ngành.
Đó là khía cạnh thứ Nhất đối với vai trò của Nhà hát
trong một Đô thị.
Trở lại với bán đảo Thủ Thiêm tại Tp. HCM. Ta thấy có những
vấn đề trái ngược: đầu tư dài hạn chưa có, chưa được lập kế hoạch, có một vài kế hoạch được lập ra trong quá khứ
nhưng thực tế đã chứng minh rằng chúng không làm việc được (bởi vì nếu
nó là kế hoạch tốt thì nó đã xảy ra rồi). Theo nhiều nguồn tin chính thống, Cấp
quản lý thậm chí yếu kém tới mức đã làm mất bản đồ quy hoạch ?!. Thêm vào đó,
những nhức nhối về giải phóng mặt bằng và những sai phạm rõ ràng từ Sở, Ban,
Ngành đã bộc lộ và chính thức trở thành khủng hoảng về sở hữu đất trong nhiều
năm qua. Cho nên không khó để nhận ra rằng việc phê duyệt quyết định xây dựng
nhà hát Thủ Thiêm đã một lần nữa thể hiện sai lầm một cách cố hữu của cấp quản
lý. Có một số nhận định cho rằng TP muốn xây dựng một công trình công cộng tại
đây, kéo theo nhân sự công cộng đổ vào khu vực thì sẽ làm chìm đi những lùm xùm
về sở hữu đất (vốn dĩ đã kéo dài hàng chục năm) với các hộ dân ngụ cư. Thành thực
mà nói, nhận định đó là hoàn toàn có cơ sở bởi việc công cộng hóa các khu vực đất tranh chấp là phương pháp được
coi là khá phổ biến của nhà cầm quyền đương thời trong khủng hoảng đất đai. Bởi
điều này sẽ dần đẩy một cộng
đồng yếu thế đang chịu oan ức vào thế bị cô lập. Tất nhiên, nhìn theo hướng nhân đạo hơn, có thể giới chức Tp.HCM
chưa hẳn đã có dã tâm như vậy,
có thể họ cũng có những thiên hướng tốt đẹp về Văn hóa Nghệ thuật thì
sao?. Ngay cả trong tình huống bớt tồi tệ đó, thì kế hoạch mà họ đang phê duyệt
và triển khai đã hoàn toàn sai cả ở yếu tố tầm nhìn đô thị lẫn yếu tố kinh tế.
Như đã nói ở trên, đó có thể coi là những sai lầm căn bản có tính hệ thống. Nếu
bỏ qua các vấn đề về dã tâm vốn được báo chí chính thống một mực phủ nhận, thì
đây là vấn đề về trí tuệ và năng lực.
Rời xa khỏi khía cạnh thứ Nhất, ta đi vào khía cạnh thứ
Hai của một Nhà hát, đó là tương tác
văn hóa của nó đối với cộng đồng. Ở khía cạnh này, mình xin lấy ví dụ về
thành phố Berlin.
Berlin cũng có dân số cao đến 4 triệu người (gấp đôi
Hamburg) nhưng họ không xây Nhà hát nghìn tỷ mới tại đây, bởi các hệ thống đầu
tư dài hạn chưa đạt đến độ chín.
Thay vào đó, họ tập trung nâng cấp, cải tạo, làm mới các Nhà hát cũ có giá trị
lịch sử, ví dụ như nhà hát Friedrichstad-Palast, nơi vẫn diễn ra các buổi biểu
diễn tầm cỡ thế giới với chuyên môn cao. Hoặc như Cung thể thao Mercedez được sử
dụng như không gian đa chức năng và có thể tổ chức các buổi diễn nhạc, kịch rất
lớn. Hồi đầu năm mình có đi xem hòa nhạc Game of Thrones tại đây, khán
phòng 12 nghìn chỗ ngồi không có lấy một chỗ trống. Ngoài ra thành phố còn có một
số lượng lớn các nhà hát vừa và nhỏ,
nhà hát tư nhân, các cụm rạp chiếu phim nghệ thuật, diễn kịch như cụm rạp
Babylon…. Thậm chí ở ngay đằng sau nhà mình cũng có một Nhà hát nhỏ được
tạo ra rồi hoạt động trong một khu tập thể cũ, nó là nơi để các nghệ sĩ trẻ có chỗ tập luyện và giới thiệu
nghệ thuật của họ với một số lượng khán giả nhất định. Nói cách khác, Nhà hát
nghìn tỷ của Berlin cũng có tồn tại nhưng thay vì ở một chỗ thì nó ở khắp mọi nơi, dưới nhiều hình thức và quy cách hoạt động.
Người ta tự tạo ra các không gian tương tác nghệ thuật phù hợp với khả năng, họ
thể hiện cam kết theo đuổi lâu dài và rồi nhận được không ít sự giúp đỡ và động
viên từ cộng đồng và chính quyền sở tại. Nói cách khác, họ đưa Nhà hát đến với
từng góc phố, đưa các bài hát, vở kịch đến gần với người xem và nhờ đó những
Nhà hát nhỏ này sinh sôi, phát triển trong một môi trường bền vững, lành mạnh. Và sẽ thật nực cười khi
chúng ta nói rằng các hoạt động nghiên cứu và phát triển âm nhạc (từ tự do cho
đến hàn lâm) ở Berlin yếu thế hơn so với Hamburg. Trái lại, chính thành phố
Berlin mới được coi là trung tâm âm nhạc, vũ kịch của cả châu Âu bởi môi trường
đầu tư cởi mở, nét duyên dáng và sự sôi động của nó hấp dẫn tất cả các nghệ sĩ
chân chính trên toàn Thế giới. Người nghệ sĩ, họ không cần một nhà hát lớn,
thay vào đó, họ cần có khán giả và trên hết, họ cần được phát triển thứ Nghệ
thuật của chính họ.
Điều đó đã
chỉ ra rằng, việc có hay không có một nhà hát nghìn tỷ không hề quyết định môi
trường thực hành Văn hóa, Nghệ thuật tại một thành phố. Môi trường thực hành Văn-Nghệ được định hướng và dẫn dắt
bởi các cơ chế và chính sách. Văn hóa-Nghệ thuật luôn đòi hỏi một cơ chế mở, tự do và khuyến khích tất cả các
thành phần của nó hoạt động hết khả năng. Giới chức Tp.HCM thì lại cho rằng
chỉ cần xây Nhà hát nghìn tỷ là sẽ có nền Văn hóa-Nghệ thuật phát triển!? Suy
nghĩ đó còn thua cả suy nghĩ của một đứa trẻ. Có xây vài ba cái Nhà hát nghìn tỷ
mà vẫn còn tồn tại Sở Văn Hóa TP với chất lượng con người như hiện nay thì xây
xong cũng chỉ để tổ chức dăm ba tiệc cưới, chục cái Đại hội Công nhân Viên chức
là cùng. Và đến khi các nhà hát không làm việc hiệu quả như mong đợi, chắc chắn họ sẽ quay sang đổ lỗi cho một
thứ mơ hồ, được gọi là “cơ chế” –đứa con hoang chính họ đẻ ra nhưng chẳng bao
giờ thừa nhận.
Trở lại năm
2015, đồ án Nhà hát nổi Holzmarkt trên sông Spree tại Berlin của cá nhân mình
thiết kế được giải thưởng và lọt vào vòng phê duyệt của Thành phố. Tại thời điểm
đó, mình nhận ra rằng ngay cả với một đồ án nhỏ với nguồn vốn xã hội cũng thu
hút được sự quan tâm của rất đông đảo các giới chức. Người ta thực hiện những
cuộc họp rất nghiêm túc tại trung tâm hội nghị Messe Berlin với sự tham gia của
những đạo diễn chỉ đạo thiết kế sân khấu hàng đầu. Qua đó ta thấy rằng Môi trường
nghệ thuật lành mạnh nó thúc đẩy những người trẻ nhiều đến thế nào. Sự thúc đẩy
đó là vô giá.
Trái lại. Không cần lấy ví dụ xa xôi, hãy nhìn vào Bảo tàng
Hà Nội với chi phí xây dựng 6 nghìn tỷ đồng. Cho đến tận ngày hôm nay, sau 7
năm đi vào hoạt động thì nó tổ chức được bao nhiêu triển lãm Nghệ thuật? bao
nhiêu sự kiện Nghệ thuật? đơn vị vận hành lưu trữ thêm được bao nhiêu hiện vật? Bộ sưu tập các tác phẩm được tăng lên
bao nhiêu? bao nhiêu dự án bảo tồn được thành lập? bao nhiêu nghệ sĩ trẻ nhận
được tài trợ để phát triển sự nghiệp? kết nối được với bao nhiêu cơ sở nghệ thuật
trên toàn Thế giới ?, đào tạo ra được bao nhiêu curator (nhà định hướng Nghệ
thuật)? Tổ chức được bao nhiêu cuộc đấu giá tác phẩm? Bán được bao nhiêu tác phẩm?
Khả năng tự tạo ra của cải và khả năng sinh lãi là bao nhiêu?…. Chẳng ngại
ngần, ta khẳng định tất cả các thông số đó đều tiệm cận với số “0”. Thứ duy nhất
không gần với số “0”, thẳng thắn mà nói, đó chính là chi phí vận hành và bảo
trì công trình, chi phí này, chắc chắn không ít hơn hơn 10 chữ số một năm. Mình vẫn còn nhớ
năm 2010, mình đi thực tập cho Văn phòng Gmp của CHLB Đức (chính là văn phòng
Kiến trúc đã thiết kế ra cái nhà bảo tàng này và cả Trung tâm hội nghị quốc
gia), sếp tổng của VP, thầy Gerkan có dẫn cả nhóm sinh viên lâu nhâu bọn mình
đi thăm quan TT Hội nghị và Bảo tàng Hà Nội. Lúc đi qua TT Hội nghị thầy tỏ ra
đau lòng khi nhìn thấy người ta đang
trang hoàng phần tiền sảnh một cách hơi lòe loẹt để tổ chức một Đại hội
Công nhân viên chức. Lúc sau, khi cả nhóm đi sang nhà bảo tàng, bọn mình thấy
thầy dường như vui hơn vì
công trình lúc đó còn đang thi công dở dang chưa đi vào hoạt động. Ngày nay nếu
có dịp gặp lại, mình có lẽ không dám nói ra sự thật với thầy rằng, chí ít thì
cái TT Hội Nghị vào dịp vắng hội họp thì nó còn tổ chức được đám cưới cho con
cái các sếp to, còn bên nhà bảo tàng thì người ta chả làm được gì. Và ta phải nhìn vào thực tế đó để rút ra các
vấn đề về công tác vận hành. Công trình Văn hóa, dù đẹp, dù sang đến mấy mà thiếu
đi sự sống bên trong lòng nó thì cũng không ổn và tuyệt nhiên không phải cứ xây
cho được cái bảo tàng to đẹp, hoành tráng thì tự thân số lượng nghệ sĩ sẽ nhiều lên, nhiều mẫu vật hơn, có
nhiều tranh hơn, nhiều tác phẩm điêu khắc hơn…. Tất cả những điều đó sẽ chẳng
bao giờ xảy ra khi chúng ta không tạo ra một cơ chế và môi trường cởi mở cho hoạt
động nghệ thuật chân chính.
Có lần mình
mua TV mới, lúc đầu, cháu mình rất thích vì TV mới to, màn hình tinh thể lỏng
và có khả năng chơi video độ phân giải cao, tuy nhiên một thời gian sau cháu chẳng
màng đến nó nữa bởi chiếc TV mới không được cắm cáp truyền hình với các kênh mà
cháu bé yêu thích. Cháu mình quay trở lại xem chiếc TV nhỏ với những chương trình thiếu nhi phù hợp với
cháu. Một em bé 3 tuổi chẳng mất mấy thời gian để nhận ra rằng vấn đề không nằm
ở kích cỡ.
Như vậy, qua hai khía cạnh hẹp của vai trò của Nhà hát đối
với một Thành phố. Chúng ta nhận ra rằng, vào lúc này việc đầu tư nghìn tỷ để
xây Nhà hát nghìn tỷ ở Thủ Thiêm là chưa phù hợp, thay vào đó, hãy đầu tư nghìn tỷ để thúc đẩy hoạt động
Văn hóa – Nghệ thuật một cách bài bản, tạo ra môi trường cởi mở và thân thiện cho người nghệ sĩ (vốn tự
nhận mình là thấp cổ bé họng). Hãy đầu tư nghìn tỷ để tạo ra những người
Nghệ sĩ chân chính, và chính họ sẽ tạo ra Nghệ thuật chân chính và rồi tự khắc
sẽ có Nhà hát hay Bảo tàng nghìn tỷ. Hãy đầu tư để có những con người dám cất
lên tiếng nói, tiếng hát, tiếng đàn của chính mình, dám nhảy những điệu nhảy của
chính mình. Xây Nhà hát nghìn tỷ để làm gì khi những “nghệ sĩ” của chúng ta vẫn
im re trước những bất công, sai
trái, vẫn co ro cúm rúm, bợ đỡ cường quyền? Xây Nhà hát nghìn tỷ làm gì
khi tất cả những thứ “nghệ thuật” được phê duyệt chỉ là thứ nghệ thuật nửa vời,
được tạo ra bởi những người tự xưng là “nghệ sĩ”- đang dò dẫm trong đêm tối và
phó mặc cho sự may rủi sẽ đưa mình đến với cái nơi mà nơi đó vốn dĩ chỉ dành cho những kẻ can đảm và có đức
tin?
Để kết lại xin
trích dẫn lời của William Ralph Inge:
“ Nhà Hát? Hằn
nhiên, nó là phản chiếu của cuộc đời và có lẽ chúng ta nên cải thiện cuộc đời của
chúng ta trước khi nghĩ đến việc chúng ta có thể cải thiện bất cứ nhà hát nào
hay không”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét