Nhà thơ Nguyễn Bính
Gần đây, vì
công việc cá nhân nên tôi tìm đọc lại Nguyễn Bính, chủ yếu là lục bát. Đọc chậm,
nhẩn nha kiểu “trâu gặm cỏ”, khoanh tròn, tô đậm từng câu, từng bài để tìm điều
mình mong muốn. Lúc này, mới thấy những nhà làm tổng tập tác giả thật… “vĩ đại”.
Thay vì phải mò mẫm, lần theo tiểu sử để truy nguyên lại các tác phẩm đã xuất bản
thì giờ chỉ cần một cuốn sách là gom đủ toàn bộ sáng tác của cả đời văn, rất thuận
tiện cho việc tra cứu, nghiên cứu.
Về lục bát Nguyễn Bính, mọi người, dù là trong hay ngoài giới văn chương, hẳn đều
biết đến một đặc điểm phong cách nổi bật, bao trùm, đó là sự thấm đượm chất dân
gian, hồn quê của dân tộc. Cho đến nay đã có rất nhiều công trình nghiên
cứu, phê bình ở nhiều cấp độ chứng minh tính xác thực của nhận xét trên. Tuy
nhiên, khi đọc lại tiểu sử nhà thơ,
trong đầu tôi chợt nảy ra một thắc mắc. Nguyễn Bính sinh ra, trưởng thành trong
thời điểm Hán học đã suy tàn nhưng những bậc túc nho còn nhiều, văn chương chữ Hán vẫn có hấp lực
nhất định đối với những người cầm bút. Câu chuyện về Nguyễn Bính thi dịch thơ
chữ Hán với Lê Tràng Kiều, họa sĩ Nguyệt Hồ ở tòa soạn báo Tiểu thuyết
thứ 5 dẫu mang tính chất giai thoại nhiều hơn sử liệu nhưng đã chỉ ra một điểm rằng
Nguyễn Bính là người am hiểu về Hán
học. Một con người có hiểu biết như thế, sinh ra trong hoàn cảnh văn chương như
vậy chả lẽ trong sáng tác lục bát chỉ thuần mang hồn cốt làng quê Việt?
Để giải đáp
cho thắc mắc đó, không cách nào khác ngoài việc quay lại với lục bát Nguyễn
Bính theo hướng truy tìm những dấu vết Hán học, cụ thể là việc sử dụng
các điển tích, điển cố văn học. Sau khoảng thời gian “cùng ăn cùng ngủ” với những
câu “sáu nổi, tám chìm” của họ Nguyễn, kết quả tìm được rất đáng khích lệ.
Trong tổng số 133 bài lục bát (theo Nguyễn Bính toàn tập do
Nguyễn Bính Hồng Cầu biên soạn)(1), có 14 bài Nguyễn Bính sử dụng điển
tích, điển cố với số lượng trích dẫn là 20 lần. Trong 20 điển tích, điển cố văn
học ấy, chỉ có duy nhất một điển tích thuộc về văn học Việt Nam, đó là trường hợp Nguyễn Bính đề cập tới tích truyện
nàng Thị Kính qua câu thơ Oan Thị Kính, oán tày đình trong bài Xây
hồ bán nguyệt. 19 điển tích còn lại đều thuộc về văn học Trung Quốc.
Bên cạnh những điển tích, điển cố khá quen thuộc với nhiều người như Chiêu Quân
cống Hồ (Chiêu Quân lên ngựa mất rồi - Một con sông lạnh), mây tần (Mây
tần lạc nẻo cố hương mất rồi
- Nửa đêm nghe tiếng còi tàu), Tư Mã Tương Như cầu hôn
Trác Văn Quân (Người xưa đã phụng cầu hoàng - Ngọc vô duyên),
thanh nhãn (Mắt xanh thiên hạ thiếu gì - Con nhà nho cũ), Kinh Kha ám
sát Tần Thủy Hoàng (Đã qua sông Dịch thì thôi không về - Nửa đêm nghe tiếng
còi tàu), Hạng Vũ tự ải (Phải đâu Ba Thục hay bờ Ô giang - Nam kì cùng
gió cùng mưa), Đào Uyên Minh khí tiết sáng ngời (Cẩn
giờ lại hóa Uyên Minh họ Bùi - Con nhà nho cũ), Ngũ Tử Tư một đêm bạc tóc (Một
đêm mái tóc quá quan thay màu - Nghĩ làm gì nữa), Bạch Cư Dị viết Tì bà hành (Lệ Giang
Châu thấm cho đầy áo xanh - Một đêm li biệt), Thôi Hộ đề thơ (Hoa đào nở
phụ gió đông - Xin chớ Hải Đường), thanh điểu (Lòng vàng lạc cánh chim
xanh - Quê tôi), Nguyễn Bính còn sử dụng những điển tích có độ phổ biến ít
hơn như “phá phủ trầm chu”, “chuyện Vĩ Sinh”… Nhìn vào hệ thống điển tích, điển
cố kể trên, chúng ta cũng cảm nhận được phần nào cuộc đời và tâm trạng của ông.
Lang thang khắp nơi trên dải đất hình
chữ S, khi ở Hà Nội phù hoa, lúc ngược
lên miền núi sơn cước, khi vào ăn dầm ở dề trong cơn mưa Huế hàng mấy tháng trời,
lúc vào Sài Gòn nắng chang chang mà nhớ tết, khi về Hà Tiên vãn cảnh,
Nguyễn Bính không lúc nào nguôi nỗi nhớ quê. Hình ảnh vân hoành Tần Lĩnh gia hà
tại là gợi nỗi nhớ quê hương thầm
kín trong ông. Những điển tích về Kinh Kha, Hạng Vũ, Ngũ Tử Tư, những bậc anh
hùng tài danh nhưng đều thất bại trong sự nghiệp, cũng là hình ảnh của
Nguyễn Bính về giấc mộng công hầu dang dở của mình. Sự tích về Thôi Hộ, Trác
Văn Quân, Chiêu Quân kín đáo phản ánh những mối tình dở dang của Nguyễn Bính với
những bóng hồng trong cuộc đời mình. Với việc sử dụng điển tích, điển cố với mật
độ tương đối: 14 bài trên tổng số 133 bài, chiếm tỉ lệ 10,5%, Nguyễn Bính đã
cho thấy lục bát nói riêng và toàn bộ tác phẩm của mình nói chung bên cạnh vẻ
chân quê “hương đồng gió nội” còn
mang tính... bác học. Thiết nghĩ đây là điểm cần hết sức lưu tâm trong việc
nghiên cứu lục bát nói chung và thơ
Nguyễn Bính nói riêng.
2. Văn học dân
gian là “mã nguồn mở” để các nhà thơ lựa chọn chất liệu đưa vào trong sáng tác của mình. Với thể thơ sinh ra từ văn học dân gian, cụ thể là
ca dao như lục bát, điều này là tối quan trọng. Quay trở lại truyền thống, cách
tân, đưa vào truyền thống hơi thở thời đại mình là “công thức” thành
công của các nhà thơ thành danh bằng
lục bát. Mỗi nhà thơ lại tùy biến công thức trên theo những cách khác nhau. Tản
Đà và cụ Á Nam Trần Tuấn Khải bê nguyên từ hồn cốt đến hình thức ca dao
vào trong sáng tác. Với kiểu “cắt dán 100%” này, bằng nghệ thuật dụng chữ điêu
luyện, Tản Đà và Trần Tuấn Khải đã tạo cho bạn đọc những “nhầm lẫn” thú vị khi
coi những bài phong dao do mình sáng tác là những bài ca dao dân gian(2).
Tố Hữu chủ yếu mượn ca dao giọng điệu
tâm tình ngọt ngào đằm thắm với đỉnh cao Việt Bắc. Nguyễn Duy thơ hóa
thành ngữ, tục ngữ thành những bài lục bát gợi cảm, vừa quen thuộc vừa mới lạ. Tre
Việt Nam, bài thơ xây nền cho vị
trí của Nguyễn Duy trên văn đàn, được cấu tạo từ hàng loạt câu thành ngữ, tương
ứng với đó là những câu lục bát giàu hình ảnh, đượm chất trữ tình. Ví như thành ngữ Cần cù bù thông minh được
ông chuyển thành hình ảnh thơ: Rễ
siêng không ngại đất nghèo/ Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù; thành ngữ Cha
truyền con nối được chuyển thành Chẳng may thân gãy
cành rơi/ Vẫn nguyên cái gốc
truyền đời cho măng;
hay Năng nhặt chặt bịchuyển thành Có gì đâu
có gì đâu/ Mỡ màu ít chất dồn lâu hóa nhiều… Và với riêng mình, Nguyễn Bính
đã lựa chọn cấu trúc câu thơ trong
ca dao. Cấu trúc câu thơ ca dao là những mô hình đã được xác lập, định
hình qua hàng ngàn phép thử. Do ổn định trong thời gian dài nên cấu trúc câu thơ ca dao trở nên hết sức quen thuộc và dễ
nhận biết. Nguyễn Bính giữ lại cái vỏ cấu trúc câu thơ trong ca dao, đưa vào đó
tư tưởng, tình cảm mới. Chúng ta bắt gặp hàng loạt cấu trúc ca dao trong
thơ ông như bao giờ, ai đem, ai xui,
ai đi, có cô, bao nhiêu - bấy nhiêu, anh đi, anh về, nào đâu…
- Bao giờ
chạch đẻ ngọn đa (ca dao)/ Bao giờ bến mới gặp đò (Tương tư).
- Ai đem
con sáo qua sông (ca dao)/ Ai đem trăng sáng giãi lên vườn chè (Thời trước).
Chính cách làm
“bình cũ rượu mới” này đã
tạo nên sự gần gũi, đồng cảm giữa bạn đọc với thơ Nguyễn Bính. Cái hồn cốt làng
quê trong lục bát Nguyễn Bính cũng nằm chủ yếu ở đây chứ không hẳn ở những hình
ảnh mang tính biểu tượng như cây đa,
bến nước, sân đình, trầu cau, con tằm…
3. Ở Việt Nam, Truyện Kiều phổ biến
ngang Kinh Thánh nơi trời Tây. Trước
tác của Nguyễn Du có tầm ảnh hưởng như thế nào đến các “đại gia” lục bát Việt
trong thế kỉ XX? Hai trong số các nhà thơ thành danh bằng lục bát chịu ảnh hưởng Truyện
Kiều nhiều nhất đều là người miền Nam, hai cái tên quen thuộc: Bùi
Giáng và Phạm Thiên Thư. Chỉ trong hai tập thơ Mười hai con mắt và Bèo
mây bờ bến, chúng ta đã bắt gặp hàng loạt những bài thơ có dấu ấn của Truyện Kiều như Đờn
bà phụ nữ, Cậy em, Liều là vui lắm, Nguyễn Du, Của em, Thiên nhai ngẫu hứng, Vô
tận, Thượng thừa, Tình yêu của Từ Hải, Thúy Kiều Từ Hải, Mười hai con mắt… Nhà thơ hoàn tục từ Phật giới Phạm Thiên
Thư hâm mộ tác phẩm của Nguyễn Du đến mức dám mạo phép tác giả… viết phần hai với
tên gọi Đoạn trường vô thanh, gồm 3296 câu lục bát, hơn “phần một”
tận 42 câu. Đây là một truyện thơ mang màu sắc Phật giáo rõ nét, có nhiều
câu thơ hay, chỉ đáng tiếc dường như
bị cái tên “vô thanh”… vận vào nên ít được bạn đọc, nhất là bạn đọc phổ thông
biết đến.
Trái ngược với
hai nhà thơ miền Nam, Nguyễn Bính chịu ảnh hưởng rất ít, thậm chí có thể nói là
không chịu ảnh hưởng từ Truyện Kiều. Trong di sản lục bát của mình,
Nguyễn Bính chỉ trích dẫn Truyện Kiều đúng hai lần, đó là các
câu Trời cao sông rộng một màu bao latrong bài Con nhà nho
cũ và Trước
lầu Ngưng Bích khóa xuân ở bài Qua nhà và viết một bài tập Kiều mang tính chất ứng
mệnh. Nguyễn Bính cũng tuyệt nhiên không có những bài theo dạng “cảm hoài” về
nàng Kiều, Nguyễn Du như Tản Đà, Tố Hữu, Nguyễn Duy hay nhiều nhà thơ khác. Đây
là một điều lạ với một người hâm mộ cụ Tố Như bậc nhất như Nguyễn Bính. Phải
chăng Nguyễn Bính học theo cụ Tam nguyên Yên Đổ, “kính nhi viễn chi” với lục
bát Nguyễn Du? Không hẳn, vì
cụ Tam nguyên cả đời không làm một bài lục bát nào, còn Nguyễn Bính thành danh
nhờ thể loại này. Sự “tránh” này theo tôi có lẽ là biểu hiện cao nhất của lòng
hâm mộ. Nguyễn Du đưa lục bát lên đỉnh cao, giúp văn học Việt tỏa hào quang của
mình ra thế giới. Nguyễn Bính với khả năng “viết lục bát dễ như viết văn xuôi”
chắc cũng luôn ấp ủ trong mình giấc mộng Tulong văn chương ấy. Và để giấc mộng
trở thành hiện thực, cách tốt nhất có lẽ là tìm một con đường đi riêng cho
mình, tránh xa những ảnh hưởng từ tiền
nhân. Tôi nghĩ vậy, không biết có đúng không.
ĐOÀN MINH TÂM
Theo VNQĐ
______________________
1. Tôi không tính những truyện thơ như Tì bà truyện, Tiếng trống đêm xuân…
2. Đó là các bài: 1)
Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương/ Nhớ ai dãi nắng dầm sương/ Nhớ ai tát nước bên đường
hôm nao. 2) Rủ nhau thăm cảnh Kiếm Hồ/ Thăm cầu Thê Húc, thăm chùa Ngọc Sơn/
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn/ Hỏi
ai tô điểm nên non nước này. 3) Rủ nhau xuống bể tìm cua/ Mang về nấu quả mơ chua trên rừng/ Em ơi! Chua ngọt
đã từng/ Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.
4) Chiều chiều em đứng em trông/ Trông non non biếc, trông sông sông dài/ Trông
mây mây kéo ngang trời/ Trông giăng giăng khuất, trông người người xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét