Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

NHỚ GIÁO SƯ HOÀNG TRINH

Ở Hoàng Trinh, tôi nghiệm ra ông là người ít nói, ít có những cử chỉ xuề xòa, nhưng ông lại có sự quan tâm theo cách của mình. Đường đời của ông khá hanh thông nhưng tiếp xúc, quan sát ông, tôi thấy ông là người khiêm tốn, có phần lặng lẽ...
GS Hoàng Trinh

Khi tôi về nhận công tác tại Viện, tôi được biết ông, cùng với ông Vũ Đức Phúc và ông Nguyễn Minh Tấn là viện phó, giúp điều hành công việc cơ quan cho Viện trưởng Đăng Thai Mai lúc bấy giờ sức khoẻ cũng yếu nên không đến cơ quan thường xuyên được. Hai lần giặc Mỹ ném bom Hà Nội, hai lần Viện Văn học phải sơ tán lên Bắc Giang. Từ cuộc sống của một người sinh ra trong một gia đình thường xuyên được cha mẹ, các chị, vợ con săn sóc, ông phải sống tự lập nên gặp không ít khó khăn. Tôi nghe có anh chị kể rằng, ông đã từng khoe là đã biết giặt áo, biết thổi cơm (!). Bà Trinh vợ ông kể rằng, ông ăn rất ít, rất kén ăn, ăn đạm bạc, chỉ thích món cá kho kiểu truyền thống và cà muối. Có lẽ vì thế mà ông không thích tiệc tùng, chỉ thích về nhà ăn cơm vì hợp khẩu vị.

Từ cuối năm 1971 đó cho đến năm ông được chia căn hộ mới ở khu Kim Liên, năm 1986, tôi là hàng xóm của ông trong khu tập thể 20 Lý Thái Tổ. Đó cũng là nơi ở của các gia đình như Phong Lê - Vân Thanh, Huệ Chi, Tất Thắng, Bùi Công Hùng, Nguyễn Nghiệp, Thạch Phương, Lưu Liên, Nguyễn Phúc, Nguyễn Ngọc Thiện, Mai Hương... Vừa là nhân viên, lại vừa là hàng xóm của ông, tôi nhận ra ông là người rất chịu khó đọc, học và viết, vì thế trong tương quan với những đồng nghiệp cùng trang lứa, ông được coi là người có kiến văn rộng, nhất là trong chuyên ngành lý luận và văn học phương Tây. Từ một cán bộ tuyên huấn, ông nỗ lực trong tự học để trở thành một chuyên gia, một trong số những cán bộ lãnh đạo, quản lý một viện nghiên cứu chuyên ngành. Rồi sau này ông trở thành một Giáo sư- Viện sỹ. Đó là một quá trình khổ luyện. Ngày đó, ông kể với chúng tôi nghe, để viết đượcPhương Tây- văn học và con người- ông đã phải đọc rất nhiều sách tiếng Pháp. Lúc bấy giờ sách vở ngoại văn rất hiếm hoi vì chiến tranh nên có quyển nào là đọc quyển ấy. Vì giao lưu theo hướng mở hãy còn rất hạn chế nên việc áp dụng các lý thuyết hiện đại đó vào công tác nghiên cứu, phê bình lại càng khó đặt ra. Hơn nữa phương pháp nghiên cứu mà ông thường sử dụng trong công việc chuyên môn của mình là phương pháp luận mác xít - một phương pháp được coi là chính thống và gần như là duy nhất trên văn trường trận bút thời bấy giờ. Cho nên cũng dễ hiểu là Phương Tây-văn học con người của ông nặng về phê phán, chưa cho thấy hết được những giá trị tích cực của các tác phẩm và tác giả đó. Điều đáng nói ở đây là chính từ những cuộc “tiếp xúc” này mà dần dần ông đã tạo ra được cho mình một nhãn quan mới hơn, một phương pháp nghiên cứu văn học mới hơn, vượt ra khỏi lối nghiên cứu, phê bình văn học phổ biến hồi bấy giờ. Ông là người sớm áp dụng ký hiệu học, thi pháp học… vào công việc nghiên cứu tác phẩm văn học và ít nhiều cho người nghiên cứu nhận ra được tính khả thi của nó ở Việt Nam cũng như đưa lại cho người đọc những cách tiếp cận mới đầy thú vị và hấp dẫn. Nhiều lần ông ra nước ngoài thuyết trình về văn học Việt Nam và những gì thu lượm được từ sách báo, từ những chuyến đi này, ông lại về truyền lại cho lớp cán bộ trẻ - những người mà vào những năm chiến tranh và thời hậu chiến không có điều kiện để hiểu biết nhiều về văn chương thế giới. Ông đã từng được giải thưởng Rockefelle và được mời sang nghiên cứu ở Đại học Cornell (Mỹ) sáu tháng. Với ông, bể học là khôn cùng. Ông hiểu người nghiên cứu văn chương là người đi giữa đôi bờ khoa học và nghệ thuật, nên, vừa phải có các luận điểm chính xác của người làm khoa học, lại vừa có sự cảm thụ tinh tế của người làm nghệ thuật. Từ sau đổi mới, bút lực của ông sắc sảo và nhuần nhị hơn. Dường như sau những tước vị được phong, những giải thưởng được nhận, ông càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của ngòi bút trước đồng nghiệp, trước sự nghiệp văn chương. Trong nhiều năm, cùng với việc giảng dạy chuyên đề cho các lớp nghiên cứu sinh, hướng dẫn và chấm nhiều luận án tiến sỹ ông còn nhiều lần nói chuyện với các cán bộ trẻ về phương pháp nghiên cứu liên ngành, về gắn việc nghiên cứu các lý thuyết phương Tây hiện đại vào thực tiễn nghiên cứu văn học trong nước, với văn hóa dân tộc. Từ những trải nghiệm trong nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn văn học phương Tây hiện đại ông đã ông trẻ hóa được ngòi bút và đưa lại cho các bài viết của mình một sắc diện mới. Những công trình của ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh như Phương Tây - văn học con người, Ký hiệu - nghĩa và phê bình văn học, Về khoa học và nghệ thuật trong phê bình văn học, Đối thoại văn học, Từ ký hiệu học đến thi pháp học là kết quả của của sự tích lũy Đông Tây sau những năm tháng “luôn cố gắng làm việc thầm lặng, hăng say, đeo duổi đến cùng sự nghiệp để có thể trở thành chuyên gia đáng tin cậy”. Sau này ông còn mở rộng sang nghiên cứu văn hóa. Ông cho rằng: “Trong lịch sử văn hóa nhân loại, không một dân tộc nào tồn tại và phát triển nhờ dựa vào văn hóa nước ngoài. Văn hóa là sức sống bên trong, là cuộc vận động trí lực và tạo tác từ lao động, sinh sống và phát triển trong cái nôi địa hình thái (géomorphique) và môi trường của bản thân mình. Càng phát triển, bản sắc dân tộc của văn hóa càng rõ nét, đa dạng và trong xu thế hội nhập, giao lưu với văn hóa các nước. Bản sắc dân tộc nói chung và bản sắc văn hóa nói riêng là biểu hiện cao nhất của tư tương tự chủ, độc lập về chính trị, là biểu hiện của tiềm năng sáng tạo không ngừng của dân tộc. Một nền văn học đóng cửa, tự giam mình trong sự tù đọng của địa phương thì trước sau gì nó cũng bị xói mòn và cuối cùng là sự suy vong của nền văn học ấy”. Sự nỗ lực của ông đã được đền bù xứng đáng: ông đã được nhận học hàm Giáo sư; được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996); được công nhận Viện sỹ danh dự Viện Hàn lâm Khoa học Hunggari (1979) và được bầu giữ trọng trách trong một số tổ chức khác.

Nói đến Giáo sư Hoàng Trinh là có thể nói đến sự năng nổ, bền bỉ trong tự học, trong ý thức tập trung cao độ cho công việc của mình, nhất là việc học ngoại ngữ và sử dụng nó như một chìa khóa để mở cánh của đi vào khoa học, là sự dẻo dai trong công việc. Ông học tiếng Pháp từ thưở nhỏ và là đồng dịch giả của Đất vỡ hoang (Sôlôkhôp). Do thường phải đi công tác nước ngoài, ông càng thấm thía vai trò quan trọng của tiếng Anh trong giao tiếp, công việc nên ông đã hết sức nỗ lực tự học để rồi dần dần làm chủ được ngôn ngữ này mặc dù vào thời điểm đó ông không còn trẻ nữa. Sự tập trung cao độ vào công việc của ông đã gắn với những mẩu chuyện có thật nghe đến như… đùa. Một lần, ông đạp xe đi từ hướng phố Hàng Gai về nhà ở Lý Thái Tổ. Ông cứ cắm cúi đạp xe mà không hề biết rằng tàu điện đang đến. Khi ông lái kịp dừng tàu và hét lên, đúng lúc bánh xe ông gần chạm thành tàu, cả phố đổ mắt vào kinh ngạc thì ông mới biết mình vừa qua một tình huống hết sức nguy hiểm. Một lần khác, thời bao cấp, khi đi bỏ phiếu bầu Quốc hội, ông không hay là mình đang xếp vào dòng người chờ… đổi bún vì nơi đây cũng đang chăng đèn kết hoa rực rỡ. Chỉ đến khi bà hàng hỏi đến gạo ông đâu thì ông mới ớ người. Cũng thời ấy, khu tập thể chúng tôi rất ít nhà có tivi. Chúng tôi thường sang xem nhờ nhà ông. Nhà chỉ có một phòng chừng 16m vuông vừa là nơi làm việc, vừa là phòng ngủ, tiếp khách, xem tivi. Thường ông ngồi cùng xem phim với mọi người nhưng chỉ mấy lần thôi là chúng tôi phát hiện ra ông chỉ “nhìn mà không thấy” bởi khi phim vào đoạn mà mọi người cùng cười phá lên thì ông quay ra ngơ ngác… để rồi khi hết phim, ông lại ngồi vào bàn làm việc. Bà nhà cho hay là ông vẫn có thói quen thường trở dậy từ 4 giờ sáng để viết. Sau này khi đã cao niên, ông vẫn tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước. Nghiêm túc, cẩn trọng không chỉ trong công việc. Ít khi ai đó bắt gặp ông ăn mặc xuềnh xoàng. Bao giờ ông cũng xơ-vin nghiêm chỉnh, gọn gàng và đi đứng nhanh nhẹn. Tôi về cơ quan làm việc dưới quyền của cả năm đời viện trưởng. Có thể nói mỗi ông một tính cách, mỗi ông có một điểm nhấn trong cung cách ứng xử với nhân viên. Ở Hoàng Trinh, tôi nghiệm ra ông là người ít nói, ít có những cử chỉ xuề xòa, nhưng ông lại có sự quan tâm theo cách của mình. Đường đời của ông khá hanh thông nhưng tiếp xúc, quan sát ông, tôi thấy ông là người khiêm tốn, có phần lặng lẽ... Sau ngày nghỉ hưu, thay vì cho việc mời thân hữu đến nhà chơi nhân một dịp gì đó, ông lại đi xe ôm, đi tắc xi đến tận nhà bạn bè, đồng nghiệp. Bên cạnh ông luôn có bà săn sóc, ông bà lại ở chung cùng con cháu, cô con dâu mở quán cà phê nên khi đã cao niên ông không phải sống cô đơn, quạnh quẽ như một số người khác.

Trong hơn thập niên lại đây, nhiều người đã tậu thêm nhà, sắm thêm đồ đạc, chuyển đến nơi ở mới rộng rãi, tiện nghi đầy đủ hơn… nhưng ông vẫn sống trong một căn hộ chung cư cũ kỹ được phân hơn 25 năm về trước. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm ông bà. Những đồ đạc được sắm sanh từ ngày ông mới dọn về nhà mới vẫn còn nguyên, vẫn nước sơn cũ trên tường… Sức vóc ông bà ngày một xuống. Vẫn biết “miếng da lừa” sức khỏe của ông đã còn lại rất ít, nhưng khi được tin ông ra đi, tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng, xúc động và thương tiếc. Mà không riêng gì tôi, bởi ông đi trong một giấc ngủ kéo dài, không ốm đau, không một sự chuẩn bị đối với cả vợ con…

Thế là đôi chân từng đi rất nhiều lần đến các miền đất trên thế giới để tìm hiểu, để học tập, để giao lưu… đã ngừng bước. Đã ngừng đập một trái tim từng đau đáu với sự phát triển của nền khoa học xã hội nước nhà. Vĩnh biệt một giáo sư từng có nhiều công lao trong việc đào tạo nên các thế hệ học trò, các nhà nghiên cứu, một viện phó rồi là viện trưởng đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển của Viện Văn học mà tôi là một thành viên. Vĩnh biệt một nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp cho nền học thuật nước nhà!…

Ông ra đi quá nhẹ nhàng thanh thản. Như là ông chỉ ngủ một giấc dài rồi sẽ dậy. Và trước mắt tôi, ông như vẫn còn đó, trong bộ quần áo xơ-vin giản dị, cúi đầu rảo bước nhanh nhẹn trên hè phố Lý Thái Tổ đang mùa rụng lá…

Quan Nhân - Hà Nội ngày 22 tháng 3 năm 2011
TÔN PHƯƠNG LAN

Nguồn: VHNA

Câu chuyện văn hoá khác:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều