Thứ Sáu, 19 tháng 10, 2018

PHAN HOÀNG VỚI BƯỚC GIÓ TRUYỀN KỲ

Trường ca “Bước gió truyền kỳ” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2016) của Phan Hoàng, theo nhà văn Văn Lê là “Cảm hứng lịch sử và cảm hứng thời đại... đã cuốn hút tôi ngay từ đầu không chỉ bằng ngôn từ mà còn bằng sự suy tư của một công dân, một nghệ sĩ...” .
Nhà thơ Phan Hoàng bên chiến hạm Rạng Đông trên sông Neva

Bước gió truyền kỳ bao gồm phần mở đầu, phần I, II, III và phần vĩ thanh, dựa theo sự hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc Việt trong quá trình dựng nước, giữ nước và mở cõi, như ngọn gió “truyền kỳ” thổi dọc dài đất nước từ Bắc vào Nam, ngọn gió thiêng liêng, đầy ám ảnh và nhiều những hình ảnh trong quá khứ của cha ông: “Ơi lớp lớp người người/ hiên ngang đôi cánh ước mơ chim Việt.../ Bước gió vó ngựa uy phong Lê Thánh Tôn.../ Bước gió Nguyễn Hoàng/ bước gió Lương Văn Chánh/ bước gió Nguyễn Hữu Cảnh/ bước gió những đoàn quân vô danh/ bước gió những lưu dân vô danh/ bước gió những nghệ sĩ vô danh/ bước gió những mỹ nữ vô danh.../ nhập hồn xóm làng/ nhập hồn sông suối/ nhập hồn núi rừng/ nhập hồn biển đảo...”, đó là những bước gió của một con người, của mỗi thời đại mà bao trùm lên tất cả là những bước “gió vô danh” đau đáu thân phận và cũng tràn đầy cảm xúc rưng rưng.

Họ là ai? Phan Hoàng đã dẫn ra: “Người mới con trai người vừa con gái/ ước mơ căng tràn ngực gió thanh xuân/ Người lên đầu non người xuôi cuối bể/ xác hoá mây bay hồn về đất mẹ/ Người từ ngàn năm người quên tên tuổi/ bỗng gió theo về bỗng gió bay đi...”. Chính xác là lớp người: “Lớp lớp người người/ tay kiếm tay cờ/ lớp lớp người người/ tay rìu tay giáo/ mắt chớp lửa mặt trời phương Nam/ lẹ hơn sóc/ mạnh hơn hổ báo/ nhanh hơn tiếng hú rừng hoang/ lẫm liệt lao mình .../...mở cõi.../...giữ nước”. Họ không ai khác hơn chính là nhân dân. Những người dân Việt yêu đất nước mà cha ông đã xây dựng, trao truyền...

Gió trong trường ca là gió “truyền thuyết”“truyền kỳ” ấn tượng của mùa gió Lào khắc nghiệt của khúc hẹp miền Trung gian khó, hay hào phóng, phóng khoáng của gió quê nhà Phú Yên? Là ngọn gió Nam cồ thổi thông thốc, quét sạch những bụi bẩn, ẩn ức của những đóng kín, chật hẹp tâm hồn. Gió có vị mặn của biển, của muối, giọt mồ hôi, nước mắt mặn đắng và bỏng rát của máu hy sinh vì quê hương đất nước: “Những ngọn gió mở ra vùng đất mới/ từng giọt mồ hôi nhỏ xuống/ từng giọt máu đào đổ xuống/ từng sinh mạng ngã xuống/ từng lớp người nằm xuống/ gió dâng lên dòng sông chín khúc hoá rồng cuồn cuộn ước mơ” và: 

“Bước gió dịu dàng kiệu hoa Huyền Trân
tay gạt nước mắt tay cầm nhan sắc
không tướng không quân  
xông pha đắp bồi hình hài đất nước

Bước gió vó ngựa uy phong Lê Thánh Tôn
lưng kiếm túi thơ
rừng nghinh biển đón
phất cờ mở rộng biên cương Tổ quốc”. 

Lịch sử ẩn mình vào thơ mà tâm sự, dòng cảm xúc cứ bật ra, để những đồng cảm lan tỏa vào những con tim cùng nhịp đập quê nhà...

Bước gió chính là bước chuyển mình của lịch sử, không vần vè hóa mà là thi ca hóa những hình tượng lịch sử, là thông điệp nhắc nh mọi người về bản chất con người yêu nước, ngoái nhìn cội nguồn để trân trọng: “Thức dậy trong ta bước chân huyền thoại/ thức dậy trong ta ngọn gió trăng rằm/ thức dậy trong ta nỗi buồn cổ tích/ thức dậy ước mơ khí phách cha ông/ Ước mơ bao dung tình sông/ ước mơ hiên ngang dáng núi/ ước mơ ủ mầm khí thiêng/ bật từ đất đai ngàn xưa trấn biên/ âm vang bước gió truyền kỳ”.
Bước gió truyền kỳ với Phan Hoàng là ngôn ngữ thi ca cộng với sự sáng tạo nghệ thuật để hình tượng của Bước gió có hồn cốt của truyền thống thông qua câu chuyện lịch sử của dân tộc, dung dị, uyển chuyển nhưng chất chứa sự cảm xúc của người yêu và hiểu lịch sử dân tộc mình, cũng chẳng phải là chuyện mượn thơ để diễn nghĩa lịch sử mà muốn tạo cảm hứng trong tâm hồn người đọc, đưa người đọc đến tâm thức hòa nhập, đồng điệu: 

Những ngọn gió mở đường trĩu nặng ước mơ/ khởi từ tình yêu bùn lầy sỏi đá dựng ruộng dựng nương/ từ câu hát then ới la đằm thắm váy hoa núi đồi đất Tổ / từ câu quan họ liền anh liền chị hẹn hò Kinh Bắc cởi áo trao nhau/ từ câu bài chòi hò khoan đối đáp duyên hải miền Trung sóng vỗ/ sông nước nhớ thương đọng lại nỗi buồn nông sâu thành câu vọng cổ / nỗi buồn ngọt ngào gió chướng phương Nam se se cay đắng/ nỗi buồn ly hương dựng mới quê hương...”và đây nữa: “Gió ngược phương ta năm eo duyên hải / gió xuôi chiều em chín khúc sông rồng/ đường gió minh mang tình tang đồng bằng/ rực đỏ vùng vùng phù sa/ nóng chảy dòng dòng xích đạo/ giàn lửa hoa em mông muội đồng nội Cửu Long/ hoả thiêu từng tế bào ta ngựa hoang đại ngàn Trường Sơn/ hoả thiêu cả giấc mơ bí mật giống đực/ giấc mơ sinh trưởng/ giấc mơ không trọng lực”.

Gió hình tượng xuyên suốt giấc mơ tâm cảm của Phan Hoàng, xâu chuỗi các sự kiện: “Dòng máu Lạc Hồng như tùng bách non cao/ phong ba đảo xa/ trúc mai khu vườn trầm tư minh triết,/ nếu tìm được con đường ánh sáng khác/ tiết kiệm sông máu núi xương đại dương nước mắt/ tiết kiệm thời gian lạc hậu đói nghèo,/ mở ra bầu trời mưa thuận gió hoà/ mở ra cánh đồng bình yên hoa cỏ,/ nếu tìm được con đường ánh sáng khác / tư duy tự do độc lập / trí tuệ rộng mở sinh sôi/ tâm hồn lãng mạn bay tới giấc mơ không ranh giới nhạy cảm,/ chúng ta hãy như ngọn gió mạnh mẽ tự tin bước tới”.

Gió không chỉ có ở đất liền mà còn đến tận các hải đảo xa, mang khát vọng từ do hòa bình độc lập. Khao khát tự ngàn xưa, vẫn không ngừng nung nấu bước chân con người Việt: “Nếu tìm được đường bay vàng hội nhập bình yên/ rộng mở chân trời nhân văn giống nòi Lạc Việt/ hãy tự tin trúc mai/ hiên ngang phong ba/ vững vàng tùng bách/ mạnh mẽ như ngọn gió thiêng dựng thành lũy biên cương.” Một khao khát, ước mơ cháy bỏng thường trực trong mỗi người chúng ta trong thời buổi bây giờ: “Tổ quốc ban mai tráng niên/ sau mỗi cơn đêm ngả nghiêng địa chấn,/ đất nước huyền thoại những con đường/ khởi từ trái tim máu chảy về phía bình yên cỏ hoa.”Vâng nếu kể về bốn ngàn năm lịch sử, Tổ quốc ta vẫn mới chỉ là “tráng niên” còn lắm những bước đi phía trước.

Và cuối cùng, Phan Hoàng vẫn không quên những gì đã qua, xa khuất, trịnh trọng cất lời: “Cảm ơn người mở đường,/ hoá thân bước gió truyền kỳ / ta lang thang khắp mọi ngả đường Tổ quốc,/ uống dòng hào khí bi hùng ngàn năm/ dòng hào khí đánh đổi tinh hoa lớp lớp người người / vẫy vùng thiên tai/ hiên ngang chiến trận,/ ta ngẩng đầu / nhoà nước mắt/ khóc những sinh linh chưa kịp trọn hình hài hoá những vì sao mồ côi/ khóc những gái trai chưa một ngày vợ chồng vẫn phiêu bồng khao khát”, ngưỡng vọng để cùng mong đợi: “Hoá thân bước gió truyền kỳ/ ta bay giữa những đám mây tụ đầy khí thiêng/ cùng những vì sao nhấp nháy nhấp nhổm nụ cười / lẩn trốn hơi thở nóng bỏng lứa đôi sum họp/ ngàn năm tuổi xanh ra đi nhập hồn non nước/ bênh bông bềnh bồng đỏ mặt rạng đông!” Phan Hoàng đã thêm những mộng tưởng vào trường ca mà phần kết với nhiều ước mơ mộng tưởng đã gần hơn với hiện thực? Chợt nhớ câu nói của Napoleon Hill nhà văn, nhà diễn giả một trong những người sáng lập nên một thể loại văn học hiện đại người Mỹ: “Trong lịch sử nhân loại, nếu cắt bỏ những mộng tưởng, ai còn muốn đọc lịch sử khô khan nhạt nhẽo đó nữa? Người mộng tưởng là tiên phong của nhân loại, là người dẫn đường cho chúng ta tiến lên phía trước”. Phan Hoàng chẳng phải là người đầu tiên, và anh đang kế tục theo hướng đưa những mộng tưởng vào trường ca, giúp người đọc yêu hơn lịch sử nước mình.

Mười lăm năm để hình thành một trường ca, thời gian không ngắn cũng không dài so với “bước gió” của lịch sử, nhưng cũng vừa đủ độ chín cho một tác phẩm. Người viết xin nhường chỗ để bạn đọc tự thưởng thức và khám phá, sau những điều cảm nhận riêng tư này...

TRẦN HOÀNG VY
Nguồn: VNPY


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều