Nhà thơ Vũ Thanh Hoa
Mỗi lần viết về
một nhà thơ tôi thường rất lo lắng. Tôi rất dị ứng với bài bình theo lối “Tầm
chương trích cú” rồi bình tán ban phát vài câu, một tí khen, một tí gợi ý gọi
là… Thơ thực thơ không cần cái món điểm tâm lõng bõng nước ấy. Nó cần một sự thấu
hiểu, chí ít là trình bày những thấu hiểu (dù chủ quan), sự thấu hiểu của phía
được tặng với người đã lao lung sáng tạo.
Khi đọc “Ngày
đi qua” của Hà Đình Cẩn, tôi đã rất đỗi ngạc nhiên khi bạn tôi, một nhà viết
ký và viết kịch lại xuất hiện tập thơ có nhiều mồ hôi và cả máu trong chữ. Vì
thế tôi mới hân hoan rằng “Anh cứ nghĩ anh chỉ chăm chăm với văn xuôi thôi, cuộc
đời nào có đơn giản vậy. Thơ, có khi nó nằm ngay bên lề trinh trắng trang văn
mà anh không thình lình nhận thấy đấy thôi. Người ta đã đo được thời gian có
khi trước cả văn minh sông Hằng, tôi đoan chắc các nhà thơ còn có thể cân được
thời gian xem nặng, nhẹ thế nào từ thủa con người biết hát ca tiếng nói”. Vũ
Thanh Hoa tôi biết trước hết là tiếng văn. Nhưng tiếng thơ có lẽ mới Vũ Thanh
Hoa nhất. Tôi cứ tưởng khi Hoa nhờ viết lời bạt cho “Nỗi đau của lá”, thì thơ với
Hoa chỉ là một cuộc dạo chơi cho đỡ “cuồng cẳng”. Lúc ấy tôi nghĩ, cái công
viên tráng lệ thi ca có đường pit, vậy thì cứ thư dãn, dạo hoặc chạy trên đưởng
pit thơ bổ, khỏe chứ có làm mấy ai sai khớp, gẫy chân. Mà, cái cô có tiếng văn
trẻ trung này thì… chả cái gì không dám thử!
Trên giá sách
của tôi giờ đĩnh đạc ba tập thơ của Vũ Thanh Hoa đặt cùng hàng một số tác phẩm
của các nhà thơ nữ mà tôi có: “Nỗi đau của lá” (2005), “Trong tôi có người đàn bà khác” (2009),
“Lời cầu hôn đêm qua” (2012). Ba tập thơ với 182 bài thơ, trên 270 trang
in, 12 năm dồn nén 43 năm sống, mà chắc chắn mới chỉ như chặng đầu của cuộc đi
lao lực và đầy bất trắc trong cái công viên bao la có bao nhiêu là tráng lệ,
nhưng đã nhằng nhịt các lối người đời khai mở. Tôi “nhìn” thấy bước chân Vũ
Thanh Hoa đi có ý thức trên một lối riêng tự mở trong cái công viên ấy. Vì thế
tôi linh cảm rằng thơ mới là Vũ Thanh Hoa nhất. Đành rằng, thi thoảng tôi vẫn đọc
văn xuôi của Hoa, thi thoảng có ghé cái web đầy màu sắc mà Hoa xây riêng cho
mình, để chơi, và dành cả những tòa văn trang trọng cho bè bạn văn chương cả
trước, và cả người cùng thời…
1.
Trời đã
khuya rồi, tôi ngẩn ngơ
Ngắm nhìn
ngọn núi phủ mây mờ
Gió ơi gió
có về nơi ấy
Cho gửi
lòng này một ý thơ
(Không đề
-1985)
Tôi phải trích
cẩn thận, ghi rõ năm Vũ Thanh Hoa viết bài thơ có lẽ thuộc những bài thơ đầu
tiên trong vô số thơ kiểu học trò, thơ học mót “chả biết vì sao tôi buồn” thì
sinh ra … cái sự. Một bài tứ tuyệt của người thích làm thơ. Thế thôi. Chắc bây
giờ mỗi lần đọc lại, cô nữ sĩ với bút pháp mới và hiện đại, cô nữ sĩ làm ta
choáng ngợp với lập ngôn thơ tình khai nguyên, tươi tắn và tràn trề ý thức về
tình yêu: “24 giờ vòng quanh tờ lịch mỏng/ 24 giờ trống rỗng/ 24 giờ ngổn
ngang/ 24 giờ đấu giá từng giây từng phút/ Lơ lửng giấc mơ tỉa tót” (24
giờ); cô nữ sĩ có đôi mắt nhân hậu nhìn vết sẹo làm đau cô như một bông hoa vừa
nở, sẽ không khỏi tự mỉm cười, tự độ lượng. Bài thơ này nữ sĩ in trang trọng mở
đầu tập thơ con so “Nỗi đau của lá”. Vì sao Vũ Thanh Hoa làm thế? Vì muốn trung
thực được với người thì trước hết phải tập trung thực với mình. Nó là một bài
thơ quá tầm thường, dĩ nhiên. Nhưng Hoa lại in trang trọng cho tập thơ chào bạn
đọc, như thế là tự trọng, là Hoa công khai rằng có thể bạn sẽ chê bài thơ con
con và rất đỗi tầm thường khai nghiệp của tôi, nhưng tôi là tôi, tôi bắt đầu có
thể từ một cái gì không đáng kể. Đã có bao tài danh cũng bắt đầu để dựng một sự
nghiệp từ cái… không đáng kể!
Trong cái lời
bạt viết cho tập thơ đầu tiên của Vũ Thanh Hoa 12 năm trước, tôi nhớ rằng, cái
cô nữ sĩ thuộc về thì tương lai rất gần từng nhiều năm theo cha, mẹ (các nhà
ngoại giao) sống không ổn định ở nhiều nước khác nhau vùng Phi Châu rộng lớn,
táp cháy và xa xôi. Tôi đã từng nêu một phỏng định rằng có bao nhiêu phần trăm
cái tinh thần “Phi” trong văn thơ Vũ Thanh Hoa khi cô đối thoại trước trang viết
để dần thành một cá tính chữ, một bản sắc chữ, một thể chất nghĩ?
Có ngay đây:
“Đứng trước
biển rộng, em nói: Em yêu anh
Ngước mặt
nhìn trời xanh, em nói: Em yêu anh
Giữa phố
đông người, em nói: Em yêu anh
Khi gặp
anh, em lạnh lùng thinh lặng
Em nghe thấy
có muôn vàn tiếng vọng
Giữa biển,
giữa trời, giữa nghìn người, Anh nói:
Anh yêu em
(Tiếng vọng)
Đây nữa:
“Trước bão
giông em bình thản
Trước thị
phi em mỉm cười
Trước núi
cao, biển rộng, vực sâu em cắn răng bước đi
đôi chân trần
rướm máu
Thế nhân đổi
trắng thay đen, thế nhân ô trọc,
thế nhân lọc
lừa, em ngẩng đầu kiêu hãnh
(Trước Anh)
Có một chiều
hoàng hôn xuống thấp, mặt trời dường như đã bị những con sóng Thái Bình Dương
chờ chực nuốt chìm. Tôi ngồi với Xa Di, anh bạn làm thuê khoan dầu người Phi
Châu da đen. Chúng tôi cùng nhìn ra biển. Xa Di nhớ Phi Châu. Xa Di khe khẽ
hát: “Mặt trời vội vàng thế/ Mặt trời thiêu đốt và cát xám mênh mông của ta
cũng thiêu đốt/ Sao không ở lại thêm với nhau/ Ta biết rồi/ Mặt trời lại đi tìm
biển/ Người yêu ta hàm răng đều và trắng như ngà voi/ Người yêu ta nước da đồng
hun và bộ ngực nở trần lấm tấm bụi cát/ Người yêu của ta đã bỏ ta rồi/ Chỉ còn
xa mạc và ta chơ vơ trên mặt đất/ Ta vẫn hát/ Ta hát chia tay mặt trời và chia
tay em…”. Tôi không hiểu hết tinh thần của lời ca Xa Di. Một giai điệu đăm đăm ẩn
ức. Một giai điệu mênh mang và buồn se thắt. Khi “Thế nhân đổi trắng thay đen,
thế nhân ô trọc, thế nhân lọc lừa” mà “ngẩng đầu kiêu hãnh” là một sự tự trọng.
Chứ sao? Cái tinh thần “Phi” nó ngấm trong thơ Hoa lúc nào, tôi không biết. Mà
sao lại cần phải giải thích? Hãy cứ đọc: “Phút anh nói yêu em, em nghe
thổn thức trong lòng/ Phút ôm anh trong vòng tay, em thấy buồn bất tận/ Thời
gian có dừng lại đâu, đang dần trôi về sáng/ Đến ngày mai anh có còn của em?/ Đến
ngày mai anh vừa lạ vừa quen/ Là người đàn ông đi qua em như bao người đàn ông
khác…” (Hư ảo).Khi “chữ” dám đi tới tận cùng của sự trung thực “chữ”
trở nên kiêu hãnh. Một nhà thơ đã nói với tôi như thế!
Tôi đã dừng rất
lâu trước bài thơ “Gửi chồng cũ”. Bài thơ này Vũ Thanh Hoa viết ngày 1 tháng 5
năm 2004. Thật trớ trêu. Cái ngày Quốc tế lao động, cái ngày loài người lựa chọn
làm lễ hội tưng bừng cho những người lao động cải tạo và xây nên thế giới thì nữ
thi sĩ một mình lặng lẽ viết gửi người chồng cũ:
“Vầng trăng
mãi xẻ đôi, câu thề đành bỏ ngỏ
Chẳng thể
nào bắt trái tim lặng vắng
Dập dồn
cung bậc nồng say
Càng cố ngọt
ngào càng nhận lắm đắng cay
Bi kịch của
đời người khi tình yêu giả dối
Anh có lỗi
hay em có lỗi?
Tìm làm
chi, câu thơ đã nhạt nhòa”
Không! Câu thơ
sẽ không nhạt và cũng sẽ không nhòa. Thơ Vũ Thanh Hoa nhất định sẽ không nhạt
và không nhòa. Sự thương tổn có thể giết chết con người, nhưng, sự thương tổn với
nhà thơ, đôi khi, lật một trang không định trước. Bởi vì: “Lũ trẻ sẽ lớn
lên, hai ta sẽ già/ Theo thời gian, lỗi lầm thành bé nhỏ/ Ta chắt chiu sợi tình
còn sót lại/ Đan lẫn vào tấm thảm của ngày mai” (Gửi chồng cũ). Bởi
vì sức chịu đựng của con người trước những tổn thương, trước thất vọng còn quá
nhiều bí ẩn. Phàm các nhà thơ hay lô loa rằng họ là cái loài dễ bị thương, dễ bị
chèn ép, dễ bị đánh khuỵu nhất. Ngoa quá. Những nhà thơ thực tài là những cây
phong ba. Mọi bão táp chỉ làm họ thêm cứng vững. Vũ Thanh Hoa là một cây phong
ba, cây phong ba trong cơn bão đời Hoa. Hoa khảng định mình khi gửi cho người
chồng cũ, người chồng từng mơ mộng và hy vọng chở che, nương tưa. Và, ở cái
khúc ngoặt không mong muốn ấy chứng minh một Vũ Thanh Hoa không chịu ngã: “Trên
nhành cây, gió ngừng thổi bao giờ…/ Thơ chẳng giống hôm qua, đã sang bài thơ
khác/ Mỗi bình minh em vẫn khe khẽ hát/ Đã lỗi nhịp rồi, giai điệu của ngày
xưa” (Gửi chồng cũ).
Trạng thái trầm
cảm, bị bỏ rơi, thất vọng, tan nát có lẽ không tránh khỏi. Vũ Thanh Hoa không
che đậy hay phủ định nó. Sự cô đơn, đôi khi cô độc sau cú sốc nghiệt ngã dễ gì
không để lại sẹo. Vũ Thanh Hoa cũng không ảo tưởng chối bỏ hay hắt hủi: “Tàn
tro của mùa đông/ Ủ những cánh hoa rơi…”, cho nên sau mất mát ta có thể cảm
thông khi Hoa viết: : “Tàn tro của mối tình đánh mất/ Cứa vết sẹo dài,
đau buốt số phận người rỉ máu…”. Ta có thể tìm thấy tâm trạng ấy trong
“Tàn tro”, Soi gương”, “Ngoảnh lại” và rất nhiều bài thơ trong thi tập đầu
tiên. Ta cũng có thể thấy cả gai xước và một cách tự trình bày điềm tĩnh, trần
trụi, váng vất, có khác thường nhưng cũng đầy khao khát trong nhiều bài thơ của
Hoa ở tập thơ này. Có thể tâm trạng bạn đọc khi đọc “Nỗi đau của lá” sẽ dừng lại
giống tôi ở các bài thơ mà thi tập này không bỗng dưng mang tên. Nhưng, đó lại
là những câu chuyện dễ gây mất ngủ. Nếu phải viết thêm, nói thêm về tập thơ
này, tôi không muốn. Cứ để cho lớp da non trở lại dần tươi nhuận trên vết sẹo
phũ phàng hôm nào. Tôi chỉ những muốn một lần nữa nhắc lại câu thơ Hoa đã viết: “Trên
nhành cây, gió ngừng thổi bao giờ”. Gió vẫn ngầm thổi, nhiều tái tê và còn
thổi. Đúng thế. Câu thơ đã nói. Và, nghĩa là Vũ Thanh Hoa đã bộc bạch và thú nhận.
Ta sẽ nhiều bất ngờ với một thi sĩ Vũ Thanh Hoa khác đi ở hai tập thơ nối tiếp.
Hai tập thơ khảng định con đường thơ vào chín đã và đang gọi mời, đĩnh đạc lật
qua trang, đã và sẽ gọi tên một giọng điệu riêng, một tư duy mới và trẻ, một hướng
cách tân thơ cám dỗ.
2.
Trên thi đàn
Việt thế kỷ XX, Hoàng Cầm là ông hoàng thơ tình tôi yêu thích nhất. Hồn thơ ông
là đôc đáo, còn hơn thế, là đôc nhất vô nhị. Ông yêu khăng khăng vũ trụ quan
yêu của riêng ông, nên thơ Việt bi tráng và diễm lệ mới hữu sinh cây thảo quế
Hoàng Cầm:
Chiều nay
cuốc gọi ngoài đê
Chị em thui
thủi về quê với bà
Bao giờ chạch
đẻ ngọn đa
Cáo nằm
chung gối thì ta lại về
Bấy giờ em
hát chị nghe
Không còn
tiếng cuốc sang hè nữa đâu
(Mưa đêm –
Hoàng Cầm)
Cũng trên thi
đàn Việt thế kỷ XX, một tài nữ bất tử nữa mà tôi nghiêng mình thi lễ duy chỉ một
Xuân Quỳnh. “Thơ tình cuối mùa thu”, “Thuyền và biển”, “Sân ga chiều anh đi”…
và bao nhiêu thi phẩm của tài nữ thi nhân đã là tài sản chung không mấy ai
không đọc, hoặc đã nghe, hoặc hát lên dẫu chỉ một lần!
Một đôi lần
tôi đã nghe Vũ Thanh Hoa hát ca khúc phổ thơ Xuân Quỳnh. Và cũng có lần tôi
nghe người thi sĩ trẻ thông minh và dễ mến trò chuyện với các đồng nghiệp về vẻ
đẹp duy mỹ trong thơ Hoàng Cầm. Như thế, cũng có nghĩa thơ của thế hệ đi trước
được Hoa nâng niu, trọng thị và lưu một góc trong sâu thẳm.
Quan trọng
hơn, Vũ Thanh Hoa đang chăm chỉ một bàn tiệc thơ tình với chất liệu và cách thức
của riêng Hoa, vị cuốn hút của riêng Hoa. Có đắng, có chua chát, có cay tê và
có ngọt ngào. Có gì đó trong sắp đặt, trong cấu tứ, thi ảnh, cách nghĩ mới mẻ,
sáng trưng và trực diện. Có tinh khôi và có đâu đó còn đôi ba vết xước. Nhưng
chỉ việc dốc lòng làm một bàn tiệc tặng bao cung bậc của tình yêu và dâng tặng
con người sao lại không vui mừng trước bữa tiệc nhọc nhằn và nhiều công phu ấy.
Vũ Thanh Hoa là một trong đội ngũ tươi mới những nhà thơ thế hệ mới như Vi Thùy
Linh, Phan Huyền Thư, Lê Mỹ Ý, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn
Thu Phương, Hoàng Chiến Thắng, Trịnh Sơn, Nhụy Nguyên và… Thơ của mỗi họ có thể
chưa mĩ mãn cho mọi đòi hỏi nhiều khi quá đơn chuẩn, có khi là những đòi hỏi võ
biền và lạ kỳ, nhưng đích là những bàn tiệc, những bàn tiệc đầy màu sắc và
hương vị mới. Họ thuộc một thế giới cụ thể chứ không quá đa cảm, cả tin, nhiều
duy lý. Một thế giới khó khăn hơn, đa chiều, nhiều quyết liệt và cũng bộn bề
hơn. Họ xả thân, đôi khi đơn độc đối mặt với chiều ngược lại để khảng định
mình, để tồn tại hòa đồng và rắn giỏi mở cánh cửa ra thế giới. Cũng có người bỏ
dở, lưỡng lự, so đo. Có người đã hoặc đang gây sức nóng và thu hút được những
ánh mắt tin tưởng. Hãy tôn trọng quyền chọn đường thơ của họ. Họ là đội ngũ những
nhà thơ của thế kỷ XXI. Họ sẽ thay chúng ta xây một thế giới thi ca mới. Sẽ rất
lâu, sẽ rất dài, sẽ nhiều thành công nhưng nhiều hơn là những thất bại. Phải mất
bao nhiêu năm Thơ Việt mới vượt thoát cớm bóng thơ luật Đường? Thơ luôn luôn
đòi hỏi những cách tân. Mà đội ngũ cách tân cho thơ dòng chủ đạo ắt là những
thi sĩ trẻ. Điều ấy không cần bàn cãi!
Có một người
đàn bà khác trong Vũ Thanh Hoa, đó là người đàn bà thơ của tín ngưỡng thơ mới,
hiện đại và mạnh mẽ – đó là thơ quyết tìm hướng khác với ngôn ngữ,thi ảnh và nhịp
điệu đang thúc bách để ứng xử tương thích với thời đại không giống hôm qua. Người
đàn bà khác ấy có tự vấn thì cũng tự vấn và tự trả lời không thể như cái nếp sống
chậm, mơ mơ của văn hóa đình làng, bến nước, cây đa và tre lũy, hay nhịp một
hai trong đô thị nho nhỏ, xinh xinh với ôn hòa trước đó. Họ hào phóng hơn, mạnh
mẽ hơn, ít thời gian hơn, gấp gáp hơn nên quà thơ có khác: “Anh hỏi: Anh là
gì của em/ Là mặt trời/ Là vì sao/ Là một nửa/ Tất cả vẫn đúng đấy/ Nhưng anh
yêu/ Thiên hạ nói rồi…”. Và cách Hoa trả lời thật ngắn gọn,
không thể phủ nhận sự mới mẻ, trực ngôn, độc đáo. Đây là cách trả lời mang tên
Vũ Thanh Hoa:
“Nốt ruồi
nhỏ trên ngực em
Anh thấy
Từ lúc mẹ
sinh em
Đến khi em
chết
Em gọi đó
là Anh”
(Định nghĩa
anh)
“Bây giờ mận mới
hỏi đào/ Vườn hồng đã có ai vào hay chưa/ Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng
có lối nhưng chưa ai vào”. Bây giờ người ta không yêu thế đâu, đa phần ngưới ta
yêu…ào một cái. Đấy là thời xa xôi, thời cụ cố chúng ta yêu nhau. Có nuối thì
cũng: “Từ thủa ấy/ Em cầm chiếc lá/ đi đầu non cuối bể/ Gió quê vi vút gọi/
Diêu bông hời!…/…ới diêu bông!” (Hoàng Cầm). Thời ấy cả thẹn vân vi mận mận đào
đào không phải của thời mở cửa, thời công nghiệp hóa, thời nối mạng với toàn thế
giới.. Quần bò, áo phông, la tốp, phôn tay… thì phải “Nốt ruồi nhỏ trên ngực
em” đàng hoàng, kiêu hãnh. Kiêu hãnh đến độ “Em gọi đó là Anh”. Tháng năm gần gặn
Vũ Thanh Hoa hơn là thế giới thơ Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh sẽ định nghĩa về người
yêu của chị thế nào? Khác nhiều chứ: “Anh thân yêu, người vĩ đại của em/ Anh là
mặt trời, em chỉ là hạt muối/ Một chút mặn giữa đại dương vời vợi”. Ba vẻ đẹp của
ba thời đại chuyển luân. Thời mận mận đào đào là nón thúng ấp e, là áo mớ bảy mớ
ba, là mượn lá diêu bông để nói hộ lòng mình. Thời của Xuân Quỳnh nữ sĩ là vẻ
đoan trang của người đàn bà luôn nhận mình thua thiệt. Nhưng, thời của Vũ Thanh
Hoa là thời người đàn bà mạnh mẽ “Trong em có người đàn bà khác”.
Trước thời mở
cửa, trước thời công nghệ thông tin tặng cho con người cái công năng vô biên của
nó thì Hoàng Cầm phải đi tìm bóng hình người thương cô lẻ quá:
“Nếu có
ngày mai anh trở gót
Quay về
lãng đãng bến sông xa
Thì em còn
đấy hay đâu mất?
Cuối xóm buồn
teo một tiếng gà
(Nếu anh còn
trẻ)
Còn thời @, thời
Vũ Thanh Hoa chỉ cần:
“Dỗi lòng ảo
ảnh thôi mà
Mong manh nối
mạng như là chiêm bao
Đường truyền
bất chợt chênh chao
Cúi đầu mật
mã gánh bao la buồn”
(Lục bát
internet)
Thế là một cái
cô đơn một cái buồn bã của anh đi bộ, quá lắm là cưỡi cái xe đạp Sít – tẹc-
linh. Còn một cái cô đơn, cái bất chợt buồn không kịp bã hôm nay là la tốp và
siêu xe bao nhiêu là nhãn hiệu.
Nhưng chớ vội
chì chiết rằng thời la tốp và siêu xe người ta lòng dạ khô ngói và quá nhiều vô
cảm. Tất nhiên có nhưng đâu phải loài thi sĩ. Người thi sĩ mọi thế hệ đều dễ buồn,
buồn nhân bản:
“Nhận dòng
tin nhắn vu vơ
Lặng mình
ngơ ngẩn bây giờ… ngày xưa
Chợ chiều tất
tả bán mua
Một mình
xuôi phố mưa lưa thưa
… buồn
(Lục bát phố)
Tôi tìm vào thế
giới thơ Vũ Thanh Hoa càng nhận ra mình bảo thủ. Thời đại công nghiệp hơn nhưng
cũng thực dụng hơn. Thời đại tốc độ hơn, nhanh yêu và cũng có thể chóng tàn. Một
thời đại có thể thổi lệch mọi giá trị. Mà mình khư khư níu lại thời gian đã mất
thì chính mình rất có thể biến mất. Anh là con chim vặn dây cót, có thể, nhưng
anh là metal toys hay là con chim đầy sức sống có tiếng hót của họa mi lại là
chuyện khác.Thơ Vũ thanh Hoa hiện sinh hơn, bắt kịp, đúng lúc, hòa vào chứ
không chối bỏ đương đại. Nữ thi sĩ biết tiếp nhận những biến thiên và cả biến
thái, bình tĩnh và gọi tên nó vang lên trong thơ mình: “Em giật mình tỉnh
dậy/ giấc mơ ngủ lại trên giường/ mặt trời lay/ đồng hồ gọi/ tích tắc em trôi
vào phố đông/ những đứa bé trên phố đều giống con em/ những người đàn bà trên
phố đều giống em/ vội vã/ nặng trĩu/ lập trình”. Nhưng, Hoa biết tìm
ra sự cân bằng của chính mình trong cái thế giới tốc độ ấy: “còn xanh
trời và trắng mây yên ả/ lá rơi/ vàng hoe phố/ thu/ xa…” (Phố lá). Thật
hay, nhịp thơ ngắn, gọn, cô quánh, nhanh, hiện đại, mà vẫn gợi, điều đó rất rõ.
Tôi không theo kịp và chậm dần rồi thở dốc trong nhịp sống ấy. Nhưng may thay
Vũ Thanh Hoa đã chỉ dẫn cho tôi rằng những người đàn bà trong thế giới công ngiệp
và thực dụng hôm nay vẫn nguyên vẹn trái tim biết yêu và… dễ mủi lòng, chỉ có
cách yêu có lẽ nhanh hơn, cuống quýt hơn và khang khác mà thôi: “khi em
hờ hững lạnh lùng/ trong em có người đàn bà khác”… “khi em nói lời đắng cay/
trong em có người đàn bà khác”…”khi em nói lời chia tay/ trong em có người đàn
bà khác”. Không! Em thề là không,thực ra em vẫn là người đàn bà yếu
lòng, nên: “người đàn bà nồng nàn hơn lửa/ muốn đốt cháy anh”…”người
đàn bà mong manh yếu ớt/ muốn khóc trên vai anh”… “ngưới đàn bà muốn ôm anh thật
chặt/ vùi anh trong biển mưa hôn” (Trong em có người đàn bà khác). Đây
là bài thơ xứng đáng chọn vào tuyển tập thơ tình.
Trong bài “Phố
thở” lại là một bài thơ gọi đúng cái nhịp điệu quá nóng hôm nay. Tôi thích bài
thơ vì nó vẫn cứ là thơ tình theo cách Vũ Thanh Hoa. Nghĩa là dù thế nào, nói
điều gì thì chất liệu trữ tình, ngôn ngữ biểu cảm trữ tình, thi ảnh trữ tình vẫn
là chủ thể. Không phải ai cũng viết được thơ tình theo cách ấy:
“mở cửa
ngày
sáng nghe
phố thở
…
những mặt
người kín mít khẩu trang
tay đeo
găng
đầu bảo hiểm
…
Em lẫn vào
thế giới mộng du
múa theo điệu
valse của nộm
cười nụ kĩ
thuật số
phát âm lập
trình
Nhưng chỉ gọn
ba câu: “trả khói bụi về màn hình computer trắng/ đêm nghe phố thở/ em
lạc trong giấc mơ anh” là lập tức nguyên vẹn thơ tình- thơ tình hiện đại
và mới mẻ Vũ Thanh Hoa.
3.
Trong một lần
về quê mấy năm trước, tôi có dịp dự một tiệc văn mini với vài nhà thơ đàn chị,
đàn anh ở Hà Nội. Đêm ấy lạnh buốt, gió bấc vỗ và rít qua khe cửa kính nhỏ mà
tiệc văn có nóng lên bất chợt . Có nóng không vì rượu, tôi vốn miễn nhiễm rượu.
Các anh, chị đêm ấy cũng không ai quá chén. Mà khổ quá, viêm túi triền miên đâu
dễ lu bù. Nói như người Nam, quá lắm vài xị đế. Cái nóng bất thình lình vì một
nhà thơ bỗng nói: Cánh trẻ bây giờ nhiều đứa mình hãi quá. Mình mới viết một
bài phê bình tháng trước, cũng chỉ là điểm qua loa một số câu thơ làm tình làm
tội ngữ pháp và quá gợi dục, dẫn bình mấy câu thơ nhàn nhạt nói về cái buồn chả
biết buồn gì, thế là cô ta lên blog nhảy dựng viết bài sỉ vả, có ghê không! Bạn
văn cười ồ nêm vui chút ớt tỏi, tuy thực chất không ai ác ý. Chỉ hơi lạ là
không có sự bình tĩnh lái đi làm cho lời chê sục sạo sang đàm tiếu những sinh
hoạt ngoài văn chương. Tôi, kẻ đi sau, lại trú tỉnh lẻ, đành giữ miệng. Quả là
thi thoảng cũng có những phản ngôn thái quá. Cô nọ khăng khăng từ chối giải thưởng
nọ. Chị kia phân phát mấy trang đánh máy ngay Đại hội Nhà văn, kèm một ông văn
trẻ trai tốt mã tháp tùng phấn chấn. Kể ra người đàn anh buông lời phàn nàn
cũng là dễ hiểu. Vì ông bức xúc. Tôi là nhà thơ chả có thành tựu gì, tuy nhiên
ngoài sự ứng xử quả có cương thái, tôi nghĩ, thời buổi dễ dàng công bố tác phẩm
và văn chương mạng bùng nổ, xem ra vẫn ít cái sự đọc nhau chu đáo và hệ thống
cho đến nơi đến chốn. Ấy là chưa kể có không, cả sự ngộ văn (tôi không viết: ngộ
nhận). Mà ngộ văn đâu chỉ lớp trẻ!
Tôi không
trung dung. Sách in la liệt, cho, biếu, tặng là chính. Tuy thế cũng có đọc chứ.
Vẫn cố đọc cả trẻ lẫn già khi kiếm được sách. Mình là anh nhà thơ quê lại trú tỉnh
lẻ, cũng cố gắng đọc để bớt ngu. Tôi cứ nghĩ cảm tính thế này: Cuộc cách tân
văn chương xin đừng khe khắt. Nó là tất yếu, chưa bao giờ ngừng, sẽ là mãi mãi
khi loài ngưới còn cần văn chương. Song hành với tất yếu ấy luôn là sự cố gắng
thử tìm ra cách diễn đạt khác đi, nên diễn tiến ấy chênh chao đôi chút, cả thi
hình, thi ảnh, nghữ pháp, văn ngôn có khi nghịch nhĩ ngược quán tính, cương sốc
bất thình lình trong một số tác giả trẻ quãng tuổi nào đó chứ không là tất cả.
Vũ Thanh Hoa
viết:
“góa phu
kí sinh
hoài niệm
non nõn mộng
hoa
nhập nhòe
vàng hiu cuống lá
hổn hển hồi
sức những chùm lông tơ
thoi thóp mọc
trên vết rạn của kỳ sinh nở”
(Kí sinh)
Đọc đoạn trích
này, chắc người đàn anh của tôi trong tiệc mini bữa nọ sẽ đăm chiêu. Nó sex à?
Đã “Hổn hển hồi sức những chùm lông tơ” lại còn “Thoi
thóp mọc trên vết rạn của kỳ sinh nở”. Nó tả “cái kia” à? Dạ
thưa không. Khi Hoa viết tiếp “chuốt búp măng/ những móng tay xây xát nợ
nần/ đánh phấn tô son/ nhằng nhịt chân chim nơi chân trời bí mật/ vớt mùa/nhớ/
quên/ vương vãi/ ký sinh trườn dậy/ ký sinh dãy chết/ hoài niệm vỡ tan giữa viện
bảo tàng” sao lại bảo nó tả cái kia? Người đàn bà muốn quẫy thoát khỏi
kiếp buộc vào sống ký đấy ạ. Nếu đọc tiếp đoạn kết tái tê của bài thơ: “góa
phụ âm thầm/ đếm/ mảnh/ vết thương” (Ký sinh), rõ những thằng sở nó
gây ra sự hồi tỉnh và công phẫn đấy ạ. Chưa bàn đến hay, hay chưa hay theo tiêu
chí quán tính. Ngôn ngữ thơ trẻ gắt chói lên như thế, vì bóng tối ê chề là trơ
trẽn có thật. Những bóng tối tàn nhẫn mang khuôn mặt nhơn nhơn cần vả cái bốp.
Cần thứ thơ với biểu đạt mạnh có lẽ phải thế. Mới và vì sao không hay. Tôi ao ước
học hỏi cách mới của thơ. Nhưng không làm được! Vậy quán tính của tôi có chịu vỡ
ra để nhận lấy và có nên khư khư quán tính?
Ở bài thơ “Nỗi
buồn mặc định” Vũ Thanh Hoa viết như có thể hát lên, câu thơ rất ngắn, mát rượi
và đẹp tinh vi, ấm nóng và nồng nàn dư ba:
“em nắm tay
em
thầm thì
gió gọi
mây đổ xuống
chiều rưng rức mưa”
Rồi Hoa lại viết:
“úp mặt vào
yêu
em đọc kinh
sám hối
xin từ bi về
ngụ cư
nhắm chặt mắt
…
người bước
đi
bóng lại trở
về”
Khi tự họa,
cũng là lúc Vũ Thanh Hoa vừa nhìn thấy thực mình và bóng hồn bằng thi điệu cùa
một nữ sĩ còn trẻ nhưng đã mang vấp vỡ vừa của ngoại cảnh vừa đoan dị số phận.
Nhịp thơ trầm đi, nhạc thơ nhiều quãng lặng, nhưng thi ảnh, thi hình đậm đặc
tâm hồn đa cảm, như nến cháy dịu dàng: “tôi vẽ hình nhân tôi/ bóng đổ
dài bức tường lạnh/ tôi khóc tôi cười/ hình nhân thinh lặng/ tôi hao mòn/ hình
nhân tinh nguyên/ tôi đếm trên tay những sợi gân xanh/ chằng chịt mùa thay giấc/…tôi
cúi đầu thay áo/ hình nhân bất tận son môi”. Nhà thơ trẻ không giả chữ
hay che đậy chữ lên thông minh, vì thế: “tôi vẽ hình nhân tôi/ tôi gặp
bóng/ tôi gặp bão/ tôi gặp mùa”. Cảm xúc như sóng lớp trong lòng nữ sĩ,
chao… và ru.
Vũ Thanh Hoa
muốn đi tới gốc giấc mơ số phận mình, nên :”trong giấc mơ đêm qua/ tôi cầu
hôn/…tôi kết một chiếc nhẫn/ đeo vào ngón tay mình/ tôi nói: đồng ý”.(Lời cầu
hôn đêm qua). Rất nhiều bài thơ trong tập thứ 3 đắc dụng một kết cấu thi ảnh
linh động, gợi nghĩ, đan cài không diễn ngôn thuần, chủ động hé một không gian
mở cho bạn đọc thoại cùng nhà thơ.
Cuộc hôn nhân
với thi ca là đừng từ hôn chính mình. Vũ Thanh Hoa là một trong những tiên
phong của cuộc đi không dễ dàng này.
Thơ Vũ Thanh
Hoa không chối bỏ cách chọn và tiếp nhận tinh hoa của người đi trước. Những
cung bậc trong thơ nữ thi sĩ đã và đang gọi tên một giọng điệu riêng, đa thanh
và đa sắc.
Tôi cố gắng
tìm hiểu hướng cách tân của nữ thi sĩ, dù biết rằng 182 bài thơ của ba thi tập
mở hàng là thách thức cám dỗ. Bài viết còn đại cương này chỉ là mới khởi đi việc
tìm những hạt vàng vừa thấy. Hy vọng sẽ trở lại với các bài viết chuyên đề, các
lời bình một hoặc nhiều bài thơ cụ thể đối với khu vườn Thơ Vũ Thanh Hoa!
Vĩ thanh
riêng
Anh Đỗ Hằng!
Tôi vừa dạo
rón rén vườn thơ Vũ Thanh Hoa. Bỗng nôn nao nhớ anh. Cái ngày thu năm 1986, nắng
biển còn gắt, trong cái khuôn viên Sở Ngoại vụ Đặc khu khi ấy anh dúi vào tay
tôi mấy gói thuốc lá Sài Gòn, cái món khói hiếm quý cho cánh phóng viên hay viết
đêm sở hữu đặc sản chuyên dụng là Mai, Đà Lạt đen. Con bé nó chạy ào vào như
cơn gió, tóc tai bã bết mồ hôi, cười như nắc nẻ, khoanh tay “Em chào anh! Con
chào ba!” rồi nó lại chạy biến đi chơi. Anh cười cười: Con gái cưng đấy… hiếu động
lắm, chả biết mai sau thế nào!
Anh ạ! Vũ
Thanh Hoa đã là một nhà thơ. Tôi không nói quá lên nguyên nghĩa của từ này. Vũ
Thanh Hoa sinh ra là cho thơ. Vũ Thanh Hoa có thể không tiếp nối ba và mẹ làm
nhà ngoại giao, nhưng xin anh thật vui, cô con gái nuông cưng của anh đang nối
những tâm hồn con người với con người. Ngày nào anh từng nói vui khi bắt thóp
tôi có làm thơ qua loa, rằng: Những nhà thơ chính là những nhà ngoại giao cao
quý. Anh nói đấy nhé! Tôi vẫn nhớ cái cách anh nói tinh tế và động viên cho đứa
em đỡ ngượng khi bất chợt biết tôi đang vật vã vần điệu cho một bài trám báo với
chữ nghĩa tàng tàng.
Hoa đã tự mở lối,
dù lối ấy còn đâu đó chút gợn sự chưa thật hoàn hảo giữa cái công viên thi ca
khổng lồ, lộng lẫy, đã chi chít những con đường lớn nhỏ. Lại nhớ một hôm anh
sang buổi đêm soát lại một bài anh viết theo đặt bài của tòa soạn. Phút nán lại
chuyện phiếm với chúng tôi, anh hỏi: Các cậu nghĩ nên ví sự có khác nhiều ít giữa
các thế hệ như thế nào? Mỗi người nói một cách ví theo liên tưởng riêng. Thấy
tôi chỉ cười, anh nhắc vui: Hoàng Quý chớ đánh trống lơ, cậu nghĩ thế nào? Tôi
nói đại: Em nghĩ như cầu Thăng Long công nghệ bê tông với cầu Long Biên, cầu
Tràng Tiền chủ yếu là sắt thép. Anh cười lớn, Thú vị, rất thú vị…
Giờ mác nhãn
nhà thơ, lại đang viết về nhà thơ kế cận là con gái cưng của anh, thật không ngờ
câu trả lời tam toạng cho vui khi ấy lại có nghĩa, như anh nhận ra trước và kêu
to: rất thú vị. Nhớ lại chi tiết ấy, thú thật trong khi viết ít dòng về Thơ Vũ
Thanh Hoa lại nghĩ những thế hệ cây cầu. Qua dòng chảy không dễ sống sót của
thơ từng là các thế hệ lớp lớp đã bắc những cây cầu định mệnh. Có lẽ vẻ đẹp của
các thế hệ những cây cầu cũng có điểm gì đó liên đới anh ạ. Thơ – cầu kim loại
mang vẻ đẹp cổ điển hay là có thể ví với Long Biên, Tràng Tiền. Thơ – cây cầu kềnh
càng hơn nhưng đẹp chứ, mạnh mẽ chứ, có thể ví với Thăng Long và nhiều nữa. Thơ
– cây cầu công nghệ mới cần đổi thay, hay ta tạm ví là cầu dây văng tinh khôi Mỹ
Thuận chăng. Nếu anh vẫn chia sẻ với cách ví von hồi nào thì anh ạ, Vũ Thanh
Hoa hôm nay đang vừa là người thiết kế, vừa là người thợ thi công thêm một cây
cầu dây văng mang tên Vũ Thanh Hoa. Phải suy nghĩ không ngừng nghỉ, ma ám, với
cảm xúc bùng nổ và tìm hệ mĩ cảm mới, để có thể dần bắc một cây cầu thi ca mới
tới bờ hun hút mà người yêu thi ca chờ đón trên dòng thi giang nhiều bất trắc.
Nếu coi nó như một lối đi, một con đường thì tôi đã ghi sự ước định phần nào ở
tên bài viết.
Thưa anh! Cây
cầu ấy, lối đi ấy đang vút đi. Nếu ta coi mỗi bài thơ đạt tới ngưỡng hay, mới mẻ
là một nhịp vừa bắc, hoặc một đóa thảo thi để lại trên lối vừa mở, thì Vũ Thanh
Hoa đã làm được:
Cuối năm dọn
nhà
thấy mình
trong tấm ảnh cũ
thấy mình
trong chồng sách cũ
thấy mình
trong câu thơ cũ
thật lạ
cuối năm dọn
nhà
thấy người
trong tấm ảnh cũ
thấy người
trong chồng sách cũ
thấy người
trong câu thơ cũ
thật quen
cuối năm dọn
nhà
nhặt nhạnh
một cũ
hai cũ
những cũ
rất nhiều
cũ
nhận ra
vết sẹo góc
nhà
đột ngột nở
hoa
(Cuối năm dọn
nhà)
Anh sẽ lại bảo:
Cậu bình thế nào? Thú nhận với anh: Thêm lời bình vào nhịp hoàn mỹ hay đóa thảo
thi đó nữa sao? Sẽ vô duyên… có thể!…
Vũng Tàu - Noel, 2012
HOÀNG QUÝ
__________________
1. Nhà Ngoại giao Đỗ Hằng tên thật là Vũ Thanh
Hà (1924 – 1997). Ông
là thân sinh thi sĩ Vũ Thanh Hoa. Ông
tốt nghiệp Khoa triết Đại học Tổng hợp Hà Nội niên khóa 1959 – 1963. Giỏi nhiều
ngoại nghữ, đặc biệt là tiếng Pháp. Là nhà ngoại
giao xuất sắc từng đảm nhiệm các chức vụ ở Bộ Ngoại giao, vụ Tây Á Phi Châu, rồi
Ba Lan, Tanzania.
Năm 1974, ông là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Tanzania kiêm nhiệm 5 nước Châu Phi khác:
Nammibia, Botswana, Zimbabwe, Mozambique, Swaziland…
Năm 1982 ông về nước đảm nhiệm chức vụ Giám đốc
Sở Ngoại vụ Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo đến khi mất (1997). Đảm nhiệm chức vụ
Giám đốc Sở Ngoại vụ tiếp ông là người vợ, thân mẫu nữ thi sĩ – đối tượng của
bài viết này.
2. Thực ra năm 1986,
Vũ Thanh Hoa đã khá lớn. Cô bé con gái cưng của nhà ngoại giao tôi gặp buổi ấy
gầy nhẳng, khuôn mặt như lứa trẻ còn hồn nhiên, kết bạn tất với mọi đứa bé
quanh cái phố nhỏ. Còn nhớ anh Đỗ Hằng nói vui: Nhẽ tuổi hay soi gương rồi đấy
chứ, thế mà gày nhom, lười ăn lắm. Anh thở dài: Cuộc sống gay go vá víu quá. Trẻ
con không lớn được… Những ngày ấy cơn bão thiếu thốn sau 75 thổi bạc mặt người.
Các con tôi cũng gày ốm liêu xiêu… Thật may, sự hồn nhiên và kỳ diệu trong tâm
hồn trong veo của chúng thắng tất cả. Tôi những định viết rõ trong bài. Rồi thấy…
không cần!
Theo NVTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét