Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2018

BƯỚC GIÓ TRUYỀN KỲ: CẢM HỨNG LỊCH SỬ VÀ CẢM HỨNG THỜI ĐẠI!

Tôi đang cầm trong tay tập trường ca Bước gió truyền kỳ của nhà thơ Phan Hoàng. Đọc xong tập trường ca của anh, tôi vừa bất ngờ vừa xúc động. Tôi không thể không xúc động. Mừng cho anh! Ngay sau đó, tôi “a-lô” cho Phan Hoàng chia sẻ với anh vài nhận xét bước đầu của mình.
Nhà thơ Phan Hoàng

Anh rụt rè bảo: “Nếu không cảm thấy bất tiện, bác viết cho em vài chữ”. Phan Hoàng là thế. Nho nhã. Sẽ sàng. Gọi là viết lời giới thiệu thì hơi quá. Bởi lẽ, anh cũng là một nhà thơ. Vì quý anh, tôi nhận lời nhưng hẹn là, nếu tôi viết mà không có cảm xúc thì mong anh bỏ đi. Coi như là tôi chưa viết...

Thực lòng mà nói, tôi biết Phan Hoàng đã lâu, thường là đọc các sáng tác của anh, nhưng lêu lổng với anh thì mới đây thôi. Tôi thương Phan Hoàng ở cái tính vui vẻ, bông phèng, nhưng lao động nhà văn, anh lại rất nghiêm túc. Đối với anh, thơ chính là cảm xúc và là sự thách đố của số phận. Anh mê sảng với thơ, đánh vật với thơ hệt như người nông dân đánh vật với ruộng đồng, như ngư dân đánh vật với biển khơi vậy. Bước gió truyền kỳ của anh đã chứng tỏ điều đó. Nó cũng là một bước đi mang đầy cảm xúc và sự sáng tạo của anh. Với ba chương trong tập sách, không tính phần mở đầu và kết luận, Bước gió truyền kỳ đã cuốn hút tôi từ đầu không chỉ bằng ngôn từ mà còn bằng sự suy tư của một công dân, một nghệ sĩ.

Người mới con trai người vừa con gái
ước mơ căng tràn ngực gió thanh xuân

Người lên đầu non người xuôi cuối bể
xác hoá mây bay hồn về đất mẹ

Người từ ngàn năm người quên tên tuổi
bỗng gió theo về bỗng gió bay đi…

Có vẻ như Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng được viết từ cảm hứng lịch sử và cảm hứng thời đại. Khi dùng hình tượng ngọn gió làm trung tâm, xuyên suốt tập trường ca là anh có dụng ý nói về cái đã qua, đã muộn, đã trở thành quá khứ, thành lịch sử. Anh đã khéo léo kéo xa về gần, đưa cội nguồn về với hiện tại. Cả tập trường ca là một câu chuyện truyền kỳ về công cuộc mở cõi và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta. Những vấn đề mà anh đặt ra trong thơ luôn làm cho người đọc phải thảng thốt, giật mình. Anh không sử dụng những ngôn từ bóng bẩy, đa nghĩa nhưng lại có sức cảm hoá người đọc, dồn ép người đọc, tấn công người đọc từ mọi phía, mọi hướng, từ gần đến xa, từ cao xuống thấp giống như gió Tuy Hoà quê hương vậy. Anh đã đưa vào tập trường ca của mình một không gian mở đầy máu và nước mắt kéo dài hàng ngàn ngàn năm, thậm chí còn dài hơn thế:

Lớp lớp người người
tay kiếm tay cờ
lớp lớp người người
tay rìu tay giáo
mắt chớp lửa mặt trời phương Nam
lẹ hơn sóc
mạnh hơn hổ báo
nhanh hơn tiếng hú rừng hoang
lẫm liệt lao mình
       máu
       máu
       máu
     mở cõi
       máu
       máu
       máu
   giữ nước!

Khi viết ra những dòng thơ mang tính hiệu ứng này, không phải là anh kể công việc mở nước và giữ nước thay cho ông cha, mà anh muốn người đọc hiểu ra một vấn đề mang tính muôn thủa là, để có một non sông liền dải như ngày nay, tổ tiên ta đã phải trả giá như thế nào, từ đó, mỗi người tự tìm ra cách ứng xử với ông cha thế nào cho đúng. Điều đáng nói là khi viết về lịch sử Phan Hoàng không sử dụng những ngôn từ xơ cứng, lặp lại những chiến công xưa cũ của cha ông, mà đưa ra những lập luận khác và những khái niệm khác - Những khái niệm mang đầy tính lịch sử và nhân văn. Do truyền tải thông điệp một cách mới mẻ, anh đã làm cho người đọc không có cách gì mà không sẻ chia nguồn cảm hứng và những suy nghĩ với anh.

Ơi lp lớp người người
hiên ngang đôi cánh ước mơ chim Việt…
              
Bước gió vó ngựa uy phong Lê Thánh Tôn…

Bước gió Nguyễn Hoàng
bước gió Lương Văn Chánh
bước gió Nguyễn Hữu Cảnh
bước gió những đoàn quân vô danh
bước gió những lưu dân vô danh
bước gió những nghệ sĩ vô danh
bước gió những mỹ nữ vô danh…
nhập hồn xóm làng
nhập hồn sông suối
nhập hồn núi rừng
nhập hồn biển đảo…
Trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng
Nhà thơ, đạo diễn Văn Lê (thứ 2 từ trái sang)

Phan Hoàng đã cung cấp cho người đọc một nguồn thông tin mới qua từng số phận và từng địa danh lịch sử. Những dữ liệu mà anh cung cấp không chỉ làm phong phú tri thức cho người đọc, mà còn giúp cho họ có được một cái nhìn khách quan bằng văn chương khi tiếp cận lịch sử.

Có thể từ nguồn cảm hứng lịch sử mà tập trường ca của anh giống như một bài hát với những âm giai khắc khoải, ngợp buồn và đầy nỗi khát khao. Bài hát của anh vừa thực vừa hư. Thực trộn lẫn hư. Hư hoà trong thực. Anh gọi đó là những ngọn gió vô danh. Hiểu theo nghĩa trần trụi thì nó không phải là gió Đông, gió Tây, gió Nồm, hay gió Bấc. Ngọn gió ấy được hình thành qua những cuộc thiên di văn hoá từ đất Tổ về phương Nam, qua những cuộc đổ bộ văn minh từ đất Phong Châu vào đồng bằng Nam Bộ.

Những ngọn gió mở đường trĩu nặng ước mơ
khởi từ tình yêu bùn lầy sỏi đá dựng ruộng dựng nương
từ câu hát then ới la đằm thắm váy hoa núi đồi đất Tổ
từ câu quan họ liền anh liền chị hẹn hò Kinh Bắc cởi áo trao nhau
từ câu bài chòi hò khoan đối đáp duyên hải miền Trung sóng vỗ
sông nước nhớ thương đọng lại nỗi buồn nông sâu thành câu vọng cổ
nỗi buồn ngọt ngào gió chướng phương Nam se se cay đắng
nỗi buồn ly hương dựng mới quê hương…

Đọc Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng, người xem hoàn toàn không có cảm giác bị áp đặt. Nó ngấm vào lòng người một cách tự nhiên, như lịch sử vốn có. Thông qua ngọn gió, bước đi của gió, anh đã gởi gắm bao điều tâm sự vừa xa xăm, diệu vợi lại vừa nóng hổi hơi thở hiện tại. Cách thể hiện thơ của anh thoắt ẩn, thoắt hiện, khi chìm đắm, lúc lửng lơ, làm cho người xem cứ phải đuổi theo, rượt bắt những câu chữ của anh. Cũng bằng nguồn cảm hứng lịch sử, Phan Hoàng đã biết cách khai quật lãng quên, buộc người đọc phải nghiền ngẫm, nhìn lại những giá trị cũ bằng cách tiếp cận mới. Anh khẳng định một cách chắc nịch là không có dân tộc nào, không có đất nước nào phải oằn vai gánh mười bốn cuộc chia ly không dám hẹn ngày về như dân tộc Việt Nam. Cũng không có một dân tộc nào phải gánh chịu nhiều oan trái như dân tộc Việt Nam này.

Khi lịch sử gồng mình trước những cơn bão lớn
mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương.

Phan Hoàng đã lôi kéo người đọc cùng đồng hành với anh cuốn theo ngọn gió lịch sử, ngẫm ngợi cùng anh những nỗi đau mà mỗi người dân đều phải gánh chịu, để rồi nâng niu cùng anh những khát khao và cả niềm hy vọng.

Có thể nói Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng là một tập thơ được thể hiện bằng một tư duy sáng tạo nóng hổi, trong đó phẩm chất nhà thơ và phẩm chất công dân hoà quyện với nhau một cách khăng khít, khó có thể phân chia một cách rạch ròi.

Cảm ơn người mở đường
hoá thân bước gió truyền kỳ
ta lang thang khắp mọi ngả đường Tổ quốc
uống dòng hào khí bi hùng ngàn năm
dòng hào khí đánh đổi tinh hoa lớp lớp người người...

Gấp tập sách lại, người xem như vẫn còn nghe văng vẳng từ ngàn xưa tiếng vó ngựa, tiếng gươm khua và cả tiếng hát ngợp buồn của những người mở cõi. Ta còn nghe đâu đó tiếng cày cuốc lập ruộng đồng, tạo dựng non sông của những lưu dân khẩn hoang, làm ra văn hoá và thóc gạo cho mình.

VĂN LÊ
(Lời tựa trường ca Bước gió truyền kỳ)

____________________________

Nhà thơ Phan Hoàng tên thật là Phan Tấn Hùng, tuổi Đinh Mùi, sinh ngày 10.10.1967 ở cuối dòng sông Đà Rằng (hạ nguồn sông Ba) thuộc thành phố Tuy Hoà; lớn lên ở quê nhà Hoà Đồng, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên. Học phổ thông cơ sở ở Hoà Đồng, học phổ thông trung học ở Trường PTTH Lê Hồng Phong, từ nửa năm lớp 10 bắt đầu thi vào học lớp năng khiếu chuyên văn đầu tiên của tỉnh Phú Khánh (cũ) ở Trường PTTH Nguyễn Huệ (Tuy Hoà) và Trường PTTH Lý Tự Trọng (Nha Trang).

Tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ Khoa Ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, nay là Khoa Văn học - ngôn ngữ Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Từng làm phóng viên - biên tập viên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay, Chủ biên tờ Đương Thời (trước đây là Người Đương Thời).

Uỷ viên Ban Chấp hành - Trưởng ban Nhà văn trẻ kiêm phụ trách báo chí - truyền thông Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khoá VI (2010-2015), Chủ biên website nhavantphcm.com.vn.

Phó Chủ tịch - Thường trực Hội kiêm Chủ tịch Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn TP.HCM khoá VII (2015-2020), Chủ biên website nhavantphcm.vn - nhavantphcm.com.vn.

Từ ngày 01.01.2015, nhà thơ Phan Hoàng còn là Chủ nhiệm Văn phòng miền Nam báo Văn Nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản:

Tượng tình (thơ 1995)
Hộp đen báo bão (thơ 2002)
Chất vấn thói quen (thơ 2012, tái bản 2015)
Bước gió truyền kỳ (trường ca 2016)
- Phỏng vấn Tướng lĩnh Việt Nam (3 tập 1997-2000, tái bản 4 lần)
Phỏng vấn Người Sài Gòn (2 tập 1998-1999)
- Phỏng vấn Người Hà Nội (2 tập 1999-2000, tái bản 2 lần)
Dạ, thưa thầy! (2 tập 2000-2002, tái bản 2 lần)
Sài Gòn đất lành chim đậu (ký sự nhân vật tập I-2016, tái bản 1 lần 2016; tập II-2018)
Sài Gòn đất thiêng khí tụ (ký sự nhân vật 2017, tái bản 1 lần 2018)
Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra (tản văn 2018)

Giải thưởng:

- Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 cho tập thơ Chất vấn thói quen.
- Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM năm 2012 với tập thơ Chất vấn thói quen.
- Giải ba cuộc thi thơ nhạc Đây biển Việt Nam với hai bài thơ Mặt trời trong ngôi nhà đầy sóng đầy gió, Gió hợp hôn đất nước, do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và báo VietNamNet tổ chức năm 2011-2012.
- Giải tư thơ tạp chí Văn Nghệ Quân Đội năm 2003-2004 với bài Bước gió truyền kỳ.
- Giải nhì thơ sinh viên - học sinh Thành phố Hồ Chí Minh năm 1989 với bài Áo trắng trong mơ.
- Giải nhất bút ký báo Khoa Học & Đời Sống năm 1998 với bài Khi nhà thơ làm kinh tế.

Quan niệm về văn học:

Thi ca đối với tôi là một không gian thẩm mỹ riêng, một thế giới thiêng liêng để tôi được đắm chìm vào đó, tìm thấy vẻ đẹp của con người quá khứ lẫn hiện tại, tự phát hiện bản thể chính mình. Nhà thơ phải biết náu mình để cho cái đẹp thi ca lên tiếng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều