Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

LÊ THỊ THANH TÂM & SỰ THỂ TẤT CỦA TRÍ TUỆ

Có 2 logic của 2 câu chuyện trong cuộc tranh luận “nên hay không nên để tác phẩm Chí Phèo trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11”.
TS. Lê Thị Thanh Tâm

Câu chuyện thứ nhất, logic về mặt giáo dục: nên chọn cái gì để có tính giáo dục liên quan đến tâm sinh lý học sinh?

Câu chuyện thứ hai, logic về mặt cảm thụ văn học: tôi không chọn tác phẩm này vì nó dở, xấu.

Những người ở hai câu chuyện này đang tranh cãi về hai câu chuyện khác nhau, với logic khác nhau.

Anh Nguyễn Sóng Hiền nói câu chuyện thứ nhất. Và những người phản đối anh Hiền đang nói câu chuyện thứ hai, hoặc giả thiết rằng anh Hiền cũng đang nói câu chuyện thứ hai. Vậy, suy ra, có một logic thứ ba nằm ở giữa là: hễ động đến câu chuyện thứ nhất thì sẽ có câu chuyện thứ hai. Nghĩa là: câu chuyện thứ hai là hệ quả tất yếu, và nghĩa là, không bao giờ có thể giải quyết câu chuyện thứ nhất, và nghĩa là: đi đường nào cũng về La Mã, nói thế nào cũng sai.

Anh Hiền không nói thay các nhà ngữ văn, cũng không “hỗn hào” gì với giới chuyên môn, rằng anh Hiền không có chuyên ngành văn học mà cũng có ý kiến. Anh Hiền được quyền đề xuất và góp ý từ góc độ một nhà nghiên cứu giáo dục.

Sự nhập nhằng đó khiến người trong cuộc “cũng tan nát lòng”. Người nói câu chuyện thứ nhất không mắc cái tội mà người nói câu chuyện thứ hai kết cho, nhưng anh ta phải chịu tội. Còn người nói câu chuyện thứ hai thì tưởng mình đang nói câu chuyện thứ nhất, hoặc cương quyết muốn hiểu câu chuyện thứ nhất thành câu chuyện thứ hai.

Và thế là có hai hệ quả: một cuộc tranh cãi mà ai cũng thấy bị tổn thương. Người yêu văn chương say đắm, nức nở với tâm sự của Chí Phèo, hoặc cảm thấy tâm đắc vô hạn với mô hình cái làng Vũ Đại năm xưa để nhận thức một xã hội đặc thù của Việt Nam thời Pháp thuộc, thời cũ mới đều bi thiết, thì thấy đau đớn như bị xúc phạm và phải lên tiếng rất quyết liệt. Người đang bàn chuyện về sự phù hợp của tâm lí, lứa tuổi khi tiếp cận kiến thức thì bị xem là tội đồ đốt đền, sinh chuyện, non nớt… Câu chuyện đầy sự chia rẽ, chia tay dữ dội này về quyền được yêu và quyền được “không yêu” đã đẩy đời sống học thuật Việt Nam sang một cánh cửa mới - nơi người ta buộc phải đối thoại với nhau một cách đau đớn. Tôi không tin có ai hả hê được trong chuyện này, và chuyện thắng thua lại càng không tưởng. Chỉ có những sự chia rẽ vô cùng sâu sắc về quan niệm giá trị. Cơn bão táp đổ lên tượng đài bấy lâu, có thể tượng đài không đổ, nhưng lộ ra rêu phong của nó bị giấu kín.

Khi Phan Khôi và Nguyễn Thị Kiêm (Manh Manh nữ sĩ) đăng đàn bảo vệ Thơ Mới, có một sự phi logic đến kì lạ. Hai người này nói về Thơ Mới rất hùng hồn, và làm thơ “mới” rất…dở, họ kiên gan dùng cái dở (thơ dở của mình) để chứng minh cái Mới (của thơ mới). Thế mà cái Mới (Thơ Mới) vẫn ra đời, tất nhiên ra đời với một thế hệ tài năng hiếm hoi, nhưng kẻ khai trí vẫn không bị bỏ quên. Trong tiểu luận tài hoa trác tuyệt “Một thời đại trong thi ca” của Hoài Thanh, ông đã hoàn toàn thể tất điều ấy. Vì ông biết rằng, những người lên tiếng động đến một điều rất nghiêm trọng của thơ ca thời ấy. Họ vẫn xứng đáng là những nhà khai sơn phá thạch, vĩnh cửu có tuổi tên trong chặng đường khai sinh Thơ Mới.

Sự thể tất có tính trí tuệ và trí thức của Hoài Thanh cắt nghĩa nền tảng học thuật trước 1945. Đó là sự thể tất rất tự nhiên, bởi khi có thể nhìn trực diện vấn đề và không cần phải bảo vệ một điều gì đó theo thói quen, thì người ta sẵn sàng thể tất. Đó là thứ phóng khoáng có được từ một tinh thần tự do nhận biết, chịu trách nhiệm về sự nhận biết của mình.

Anh Nguyễn Sóng Hiền đã viết một bài đề xướng đưa tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11. Đó là một mệnh đề có vẻ gây thách thức, nhưng đằng sau nó là cả một sự thật sống về những cái đang bị dồn nén và ứ đọng trong giáo dục, cảm thụ văn học.

Anh Hiền đề xuất khá giản dị và lập luận hơi chủ quan, có phần mộc mạc, nên “nhận được” một sự chống đối không thể lớn hơn, như thể cả một xã hội nổi lên cuồn cuộn, thương tiếc anh Chí đến trào nước mắt. Nhưng nếu nhìn trực diện vấn đề của cảm thụ văn học đối với lứa tuổi và sự chênh, độ chênh (không thể không có) giữa việc tôn vinh tác phẩm Chí Phèo, dạy Chí Phèo cách đây mấy chục năm, đến việc điều chỉnh lại cách hiểu, cách cảm nhận Chí Phèo trong thời kì đương đại của thế kỉ XXI thì chắc rằng, một sự thể tất tự nhiên là hoàn toàn có thể - thể tất cho cách nói đầy sơ hở của một nghiên cứu sinh đang có sự suy nghĩ tâm huyết cho nền giáo dục nhưng chưa thể “kín kẽ”, giàu “kinh nghiệm chinh chiến” như các đấng bậc ở quê nhà.

Ý kiến đề xuất của anh Hiền, tôi muốn nhấn mạnh, là một trường hợp khoa học cần suy nghĩ chính đáng và nghiêm túc.
Hình ảnh Chí Phèo đến nhà Bá Kiến trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy

Tôi tìm lại năm câu hỏi hướng dẫn học trò hiểu về tác phẩm Chí Phèo, bao gồm:

Câu 1: Cách vào truyện độc đáo của Nam Cao và ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo.

Câu 2: Ý nghĩa cuộc gặp gỡ giữa Thị Nở và Chí Phèo và diễn biến tâm trạng của Chí Phèo.

Câu 3: Tâm trạng của Chí Phèo khi bị Thị Nở từ chối chung sống.

Câu 4: Nghệ thuật điển hình hóa nhân vật đặc sắc và tư tưởng nhân đạo của Nam Cao.

Câu 5: Đặc sắc trong ngôn ngữ kể chuyện của tác giả và ngôn ngữ nhân vật.

Trước hết, cần phải nói rằng, không bao giờ có một cuộc chia li vĩnh viễn giữa cảm thụ văn học thuần tuý và cảm thụ văn học từ góc độ tâm lí lứa tuổi. Không ai có thể từ bỏ quy luật này, nếu từ bỏ nó thì giáo dục chẳng còn ý nghĩa bao nhiêu hoặc rất chông chênh. Vì thế, với mỗi câu hỏi trên, sẽ có cách giải thích kết hợp cả các mức độ, khía cạnh cảm thụ.

Về mặt cảm thụ văn học thuần túy, học sinh hầu hết sẽ trả lời các câu hỏi này một cách khá suôn sẻ, vì giáo viên sẽ hướng dẫn họ. Ngoài ra, câu 4 và câu 5 là hai câu hỏi hay, hoàn toàn không có gì để lo lắng, vì đó chính là biệt tài, là di sản khổng lồ của Nam Cao, đáng để học sinh học tập và hiểu thêm (dù khá khó).

Về mặt tâm lý lứa tuổi, trừ những em đặc biệt giỏi hoặc nền tảng nhận thức tốt, đặc biệt là nhận thức hư cấu nghệ thuật (tôi chắc rằng không thể là 100%) thì các em còn lại sẽ phải đối mặt với một hiện thực vô cùng méo mó và ghê rợn (từ câu 1 đến câu 3). Sau đó, các em ấy sẽ trấn tĩnh và hiểu rằng, đằng sau sự méo mó ghê rợn đó là một tâm hồn cao thượng của nhà văn, thương yêu những người dưới đáy xã hội, những người rất mong muốn làm người lương thiện.

Các em ấy sẽ cố nhớ sự cắt nghĩa này để làm bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết, thi học kì và thi đại học. Còn bản thân các em sẽ làm quen dần với những mệnh đề như: tiếng “chửi” xã hội rất có ý nghĩa, Thị Nở và Chí Phèo gặp nhau như một cặp “vừa đôi”, rồi các em sẽ ngạc nhiên sao giọng văn nhà văn bỡn cợt lạnh lùng đến thế, và rồi tiếp tục yên tâm là cô giáo nói, giọng văn (một khái niệm rất khó tư duy ở độ tuổi 16, 17) ấy thể hiện một sự cảm thương vô hạn.

Rồi khi Chí Phèo bị từ chối chung sống với Thị Nở thì tâm lý của nhân vật trở nên biến động dữ dội dẫn đến những cái chết rất thê thảm, các em học sinh tuổi hoa niên sẽ được nhắc nhở rằng Chí Phèo giết Bá Kiến không phải vì say rượu đâu, mà vì hắn nhận ra bi kịch cuộc đời và tuyệt vọng cùng cực. Một học sinh ở tuổi 17 (khung tuổi dễ bị trầm cảm và kích động) có chỉ số IQ và EQ bao nhiêu thì sẽ hiểu rằng: khi tuyệt vọng cùng cực, người ta không nên hành động như Chí Phèo? Nên nhớ, cái vô thức cũng vẫn tham gia chỉ đạo hành xử con người không thua kém ý thức là mấy. Chí Phèo đi vào vô thức - đó là điều đáng nghĩ.

Tôi chỉ làm một phép tính giả thiết đơn giản. Một lớp học có 50 em, tôi “thể tất” cho rằng 49 em đã hiểu trọn vẹn, hiểu sâu sắc, viết hay như người nghiên cứu, (lớp học trong mơ) sau khi được giáo viên “khai thị” thì vẫn còn 1 em rất khó khăn để… quên đi mọi cảm xúc, ấn tượng có phần “ghê rợn” mà tác phẩm mang lại. Một em đó nhân với bao nhiêu em nữa của mỗi lớp, và của cả nước?

Người làm giáo dục hoàn toàn có quyền đặt ra câu hỏi đó. Không có một quyền uy tối thượng nào không cho phép người ta suy nghĩ và giả thiết như thế. Người trí thức làm sang cho nhau bởi giúp nhau suy nghĩ, người ta cần phải suy nghĩ liên tục để tạo một môi trường nghĩ ngợi cho nhau và vì sự nghĩ ngợi mà đi xa hơn trong sự hồi âm chân thành về lý tưởng.

Nếu như cảm thụ văn học tách rời khỏi tâm lý học đường (tôi nhấn mạnh là tâm lý, không phải sự yêu thích thông thường hay khả năng cảm thụ) thì đó chỉ là câu chuyện của giới văn chương. Ở đây là câu chuyện của học sinh. Các em cần được chăm sóc cả về nhu cầu thẩm mỹ, nhận thức và cả sự sợ hãi, lo âu, bế tắc. Các em cần được hình dung như những con người bình thường và đi qua thời trung học như một kỉ niệm của những ngày tháng tốt đẹp, trong lành (không có nghĩa là nhạt nhẽo), chứ không phải những người sẽ thành các nhà bác học về văn chương, hiểu được cả sự sâu xa của làng quê Vũ Đại ngày ấy để… làm hành trang vào đời (!) với khung năng lực mới của kĩ năng thế kỉ XXI.

Khai phóng, lấy học sinh làm chủ, đổi mới giáo dục, những chủ đề đó, định hướng đó chắc chắn không phải đi liền với việc đưa "Chí Phèo" ra khỏi sách giáo khoa, nhưng nó được phép đặt lại câu chuyện về tâm lý giáo dục trong tiếp nhận văn học - tôi nhắc lại, nó được phép, được quyền - mà Chí Phèo là một “trường hợp nghiên cứu điển hình”. Chí Phèo là một ví dụ.

Một em bé 9 tuổi có thể tự đọc sách Những người khốn khổ của Victor Hugo (chính là trường hợp của tôi). Nhưng tác phẩm ấy, để được học và học được, cần đến 10 năm sau hoặc lâu hơn. Đọc sách, yêu và cảm thụ văn học là một chuyện khác hoàn toàn việc phổ cập giáo dục một tác phẩm, vì tác phẩm trong sách giáo khoa là một chiến lược tác động sâu rộng, gần như không có cơ hội để hối tiếc.

Tác phẩm văn học tất yếu không xui khiến người ta làm theo nó, vì nghệ thuật nói chung không phải là thông điệp hành động theo nghĩa đơn giản thô sơ (nghệ thuật là thông điệp của sự lắng đọng và sự ước lượng lại ý nghĩa đời sống), nhưng tác phẩm văn học “chuẩn bị” cho hành động. Xin đừng nói đấy là “xã hội học dung tục” hay “giáo dục học dung tục”, mà đó là nguyên lý của sự tiếp nhận văn học, là sự thật của yếu tố tác động xã hội mà nền văn học nào cũng có.

Ai biết được, trong sự “chuẩn bị” ấy, có cả những thứ bóng tối mà các em đã được biết đến quá sớm và quá khốc liệt, trong khi bối cảnh xã hội và định hướng giáo dục quốc tế đã thay đổi hơn cả thế kỉ. Dạy Chí Phèo trong thời chiến là một sách lược có ý nghĩa. Dạy Chí Phèo thời hậu chiến cũng có thể vẫn còn nhiều cảm xúc. Dạy Chí Phèo trong bối cảnh hiện nay, khi số lượng du học sinh mỗi năm tăng vùn vụt, người sống đã bớt nhu cầu “yêu, căm, chiến, lạc” và có nhu cầu thưởng thức một cuộc sống bình an, hạnh phúc trong tâm hồn thì việc giảng dạy ấy vẫn rất đáng để suy nghĩ, nghĩ đi và nghĩ lại.

Trong những kĩ năng mới của người trẻ bước vào thế kỉ toàn cầu, có mấy kĩ năng rất khó dạy, đó là kĩ năng hợp tác và chịu trách nhiệm về bản thân. Bình thường đã khó để dạy, lại thêm một hình tượng văn học sừng sững kia, có bao nhiêu em học sinh vượt qua sự trải nghiệm của anh Chí để dự cảm rằng, tiếng than vãn khẩn thiết “Ai cho tao lương thiện” sẽ còn có thêm nhiều ý nghĩa khác, ngoài ý nghĩa tố cáo tận cùng một xã hội đau thương và bế tắc.

“Ai cho tao” tức là tao có quyền đòi hỏi, không được thì tao giết? “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn là sự phê phán nhược điểm quốc dân tính Trung Hoa. Còn Chí Phèo của Nam Cao được ưu ái vô hạn, mặc dù khoác lên mình nhiều thứ căn tính “bây giờ đang nhan nhản khắp nơi ở xã hội Việt Nam” nhưng được hiểu theo hướng “chủ nghĩa cảm thương”. Đó là sự khác biệt về tầm vóc.

Phê phán chính dân tộc mình qua hình tượng văn học hoàn toàn không giống phê phán cái gì đó bên ngoài để làm nguội hết sự phê phán dân tộc, biện minh cho sự phê phán. Sự khác biệt căn bản này khiến Chí Phèo chỉ có thể được vinh danh trên thế giới với tư cách là … “một bản sao hơi giống AQ” và mang đặc sản Việt Nam chứ không phải là một sáng tạo kiệt xuất của loài người.

Dạy Chí Phèo ở đại học là một lựa chọn chuẩn xác, khi người học đã qua tuổi 18 và được nâng đỡ một cách chín chắn bởi nền tảng vốn sống, vốn chữ nghĩa đã phần nào đủ để nhìn ra Chí Phèo như một tác phẩm có giá trị mà không bị bất kì một sự ám ảnh non thơ nào. Năng lượng của tác phẩm Chí Phèo cần được phát tiết nhiều hơn ở những vỉa tầng sâu sắc hơn, va đập với hiện thực mới nhiều hơn, và tạo ra những ẩn nghĩa thú vị hơn theo những cách đọc chuyên nghiệp, thậm chí từ góc độ so sánh văn học thế giới. Còn học sinh phổ thông đại trà, trước khi theo được những cách đọc chuyên nghiệp và tròn trĩnh, đọc trang nào cũng rưng rưng nước mắt như những người yêu văn chương, thì họ còn có thêm gánh nặng về một anh Chí bị bóp nát và uốn lượn đủ kiểu để nói cho được “số phận người nông dân bị lưu manh hoá”.

Bênh vực Chí Phèo không khó, nhân vật này càng đau khổ bao nhiêu trong thế giới hư cấu của Nam Cao thì càng có đời sống phong lưu, ngạo nghễ bấy nhiêu trong sự tiếp nhận suốt mấy chục năm qua ở Việt Nam. Nhưng đặt lại và tìm hiểu lại (dù nhức nhối) cái ảnh hưởng có thật của Chí Phèo trong đôi mắt trong suốt của người học thời nay thì không phải ai cũng muốn làm, hoặc dám làm.

Khép lại câu chuyện, tôi đặt câu hỏi: Người bàn câu chuyện thứ hai (như tôi nói ở trên) có đang chắc rằng họ đang bàn câu chuyện thứ nhất không? Nếu họ đang thực sự nói câu chuyện thứ nhất, thì một sự thể tất để có một tiếng nói tranh luận phong nhã là điều hoàn toàn có thể.

Lo lắng “mất” Chí Phèo cao hơn cả sự lo lắng cho cách tiếp nhận và hệ quả tiếp nhận của học sinh - điều đó nói lên một thực tế gì trong não trạng giáo dục? Thực tế thì, Chí Phèokhông bao giờ “mất”, một tác phẩm vĩ đại thế sao có thể mất, còn nhân cách học sinh có thể bị “chuyển biến” mà không ai hay. Và những người dạy học, sau khi “cháy hết mình” trong lớp học, trong tác phẩm, đã về nhà yên nghỉ như “người nông dân cày xong thửa ruộng của mình”, lòng phơi phới vì đã truyền đạt “cái đẹp của văn chương” đến cho các em học sinh thân yêu, thì có bao nhiêu tâm hồn thơ trẻ đang hồi hộp lo âu hoặc lãng quên vĩnh viễn một anh Chí không mấy ăn nhập với đời sống hiện tại.

Có thể sau cuộc tranh luận này, Chí Phèo vẫn được giới chuyên môn trân trọng đặt nằm yên trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, và cách giảng dạy có thể sẽ khác đi phần nào (như là mở rộng “Chí Phèo trên các trường đại học thế giới” chẳng hạn…). Điều đó chưa quan trọng bằng sự việc: đầu thế kỉ XXI, một cuộc tranh luận có thật về một tượng đài văn học hiện thực phê phán đã diễn ra ở Việt Nam.

Cuối cùng thì Chí Phèo của Nam Cao cũng được thoát ra khỏi chiều ca ngợi để đối thoại với chiều đa diện, một bước tiến và vinh dự lớn dành cho anh Chí năm nào, vốn chỉ được “nuông chiều” trong cái làng nhỏ cũ kĩ. Cuộc sắp xếp và thử sức vĩ đại này có thể sẽ mang tên tuổi Nam Cao đi xa, bay cao hơn cả những đỉnh cao mà người ta nghĩ, hoặc trở về với “một sự thật khác” của giá trị. Đằng nào cũng rất tốt đẹp cho các bên tranh luận, vì Sự thật vẫn là thứ có đời sống trường cửu, hơn mọi sự vinh danh ngọt ngào.

 LÊ THỊ THANH TÂM
Theo VNN

__________________________

Nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thị Thanh Tâm sinh trưởng ở Cần Thơ, tiến sĩ văn học, từng giảng dạy tại Khoa Văn học và ngôn ngữ Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang giảng dạy tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Lê Thị Thanh Tâm làm thơ từ thời học sinh, sinh viên và sau này chị còn nghiên cứu văn học Việt Nam, Nhật Bản...


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều