Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp
Xuất hiện tại Anh, Mỹ vào những năm cuối thế kỷ XX, trong
bối cảnh môi trường sinh thái toàn cầu bị khủng hoảng trầm trọng, Phê bình sinh
thái (hay còn có tên gọi khác là Nghiên cứu Xanh) đã nhanh chóng lan rộng đến
nhiều quốc gia và trở thành bộ môn khoa học có khả năng thu hút sự quan tâm của
tất cả những ai quan tâm đến vấn nạn môi trường. Đây là bộ môn nằm ở vị trí
giao thoa giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn, có mục đích chung
là nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, văn học và môi trường
sinh thái. Bởi thế, về bản chất, tiếp cận theo hướng nghiên cứu phê bình sinh
thái là hướng tiếp cận liên ngành.
Thuật ngữ sinh thái học (Ecology) có nguồn gốc từ tiếng
Hy Lạp, bao gồm Oikos (chỉ nơi sinh sống) và Logos (học thuyết). Theo đó, sinh
thái học là bộ môn nghiên cứu về nơi sinh sống của các sinh vật, đối tượng của
nó là toàn bộ mối quan hệ giữa các loài sinh vật với môi trường. Trong cái nhìn
của sinh thái học, giữa các loài sinh vật và môi trường sống luôn có mối quan hệ
chặt chẽ, một khi sinh thái bị đảo lộn, sự sống của muôn loài cũng chấm dứt.
Trong thế giới sinh vật, con người được coi là sinh vật phát triển cao nhất, bởi
thế, từ chỗ tập trung nghiên cứu mối quan hệ “cơ thể - môi trường”, sinh thái học
dần chuyển sang nghiên cứu mối quan hệ “con người - tự nhiên”, “xã hội - sinh
quyển”. Cùng với những chuyển dịch theo hướng mở rộng, sinh thái học đã vượt ra
khỏi “phạm vi sinh vật học thuần túy; tiếp cận với những vấn đề triết học”
Từ Hoa Kỳ và Anh quốc, phê bình sinh thái nhanh chóng ảnh
hưởng đến các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á, trong đó
có Việt Nam. Ngay từ đầu thế kỷ XXI, một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã bắt tay
dịch và giới thiệu về phê bình sinh thái, tạo đà cho bộ môn khoa học này thâm
nhập vào các trường Đại học, các Viện nghiên cứu, trở thành một hướng nghiên cứu
trong các luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ.
Đến nay, sự xuất hiện của phê bình sinh thái được hiểu
như là một chuyển hướng đầy thích ứng của nghiên cứu văn học trước bối cảnh văn
hóa đương đại, nhưng về bản chất, đây là khuynh hướng mở, vì thế, nó cho phép
các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học và môi trường trong
các thời đại văn học khác nhau, từ tiền hiện đại đến hậu hiện đại. Với một hướng
nghiên cứu giàu tiềm năng như phê bình sinh thái, còn rất nhiều vấn đề cần đến
sự chung sức tìm hiểu của giới nghiên cứu, giảng dạy văn học và của đông đảo những
ai quan tâm đến chủ đề sinh thái trong các diễn ngôn văn học, nghệ thuật.
Phê bình sinh thái bắt đầu được nói đến ở Việt Nam trong
khoảng trên dưới vài chục năm qua. Trước hết, trong lĩnh vực sáng tác, người đọc
có thể nhận thấy tư tưởng sinh thái xuất hiện trong sáng tác của Nguyễn Minh
Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Tư, Mai Văn Phấn, Đỗ
Bích Thúy, Cao Duy Sơn,… Có thể coi Sống mãi với cây xanh của
Nguyễn Minh Châu là tác phẩm mở đầu cho khuynh hướng văn học sinh thái ở Việt
Nam đương đại. Trong lĩnh vực học thuật, bài thuyết trình của GS. Karen
Thornber (Đại học Harvard – Hoa Kỳ) tại Viện Văn học vào năm 2011 là cú hích
quan trọng để các nhà nghiên cứu Việt Nam hứng thú tìm hiểu về phê bình sinh
thái. Mối quan tâm về phê bình sinh thái gần đây đã được nhiều nhà nghiên cứu
hưởng ứng, trong đó đáng chú ý là các công trình của Trần Đình Sử, Đỗ Văn Hiểu,
Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Lê Lưu Oanh, Trần Thị Ánh Nguyệt, Huỳnh
Như Phương, Nguyễn Đăng Điệp, Đặng Thị Thái Hà,… Đặc biệt, hai chuyên luận về
phê bình sinh thái của Trần Thị Ánh Nguyệt - Lê Lưu Oanh và Nguyễn Thị Tịnh Thy
đã được xuất bản.
So với văn học sinh thái, phê bình sinh thái xuất hiện muộn
hơn và gây nhiều tranh cãi hơn. Nhiều người cho rằng, những sáng tác đầu tiên của
văn học sinh thái đã xuất hiện trong thời kỳ lãng mạn thế kỷ XIX, trong bối cảnh
con người bị cuốn theo phát triển kinh tế và choáng ngợp bởi những thành tựu của
văn minh công nghiệp, gần như sao lãng môi trường sinh thái, thờ ơ với những
thương tổn môi trường do chính con người gây ra. Từ thời đại khởi đầu công nghiệp
hóa ấy, một số cây bút nhạy cảm của chủ nghĩa lãng mạn đã bắt đầu nhìn thấy được
mặt trái của văn minh - đó là sự tước đoạt tàn nhẫn môi trường sinh thái của
con người.
Phê bình sinh thái giai đoạn sơ kỳ coi trọng vấn đề bảo tồn
đa dạng sinh học và sự bình yên của môi trường sống ở các địa phương. Đến giai
đoạn sau, nhất là từ thế kỷ XXI đến nay, phê bình sinh thái gắn với nhân học và
văn hóa học, đặt bình diện xã hội làm trung tâm, đặc biệt quan tâm đến vấn đề
đô thị hóa và công lý môi trường. Thực tế, ngay từ cuối thập kỷ 80, trong nhiều
báo cáo về môi trường, người ta đã bắt đầu quan tâm đến sự biến đổi khí hậu, mức
độ của carbon dioxide trong khí quyển và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, làn sóng
tị nạn môi trường do hạn hán, bão lụt, mưa axit diễn ra ở nhiều nơi. Tiến trình
phá hủy sinh quyển ở quy mô lớn đã khiến cho nhiều loại sinh vật bị tuyệt chủng,
nhiều dòng sông bị bức tử, ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Những kêu gọi của các nhà khoa học theo chủ nghĩa môi trường
hầu như bị lờ đi trong thực tế. Trước thực trạng ấy, sự vào cuộc của văn học
sinh thái và phê bình sinh thái có ý nghĩa như một cam kết tự nguyện về trách
nhiệm của nhà văn trước vấn nạn môi trường. Trong cái nhìn của các nhà phê bình
sinh thái “mọi hành vi của con người đều làm biến đổi môi trường”. Vì thế, xây
dựng đạo đức môi trường trên tinh thần nhân văn hiện đại phải được coi là câu
chuyện liên quan đến bất cứ ai và ở bất cứ quốc gia nào, không phân biệt giới
tính, giàu nghèo, địa vị xã hội.
Trước hết, sự xuất hiện của phê bình sinh thái có ý nghĩa
như một đối thoại văn hóa, khi nó đề xuất tư tưởng lấy sinh thái làm trung tâm
thay thế tư tưởng coi con người là trung tâm.
Thứ hai, như là hệ quả của việc định vị tư tưởng triết học
sinh thái trung tâm, các nhà phê bình sinh thái không đối lập mà luôn tìm kiếm
mối quan hệ giữa “văn hóa” và “tự nhiên”, “văn minh” và “hoang dã”. Họ nhận thấy
một thực tế hiển nhiên rằng, xã hội ngày càng phát triển và quá trình đô thị
hóa ngày càng diễn ra với tốc độ cao thì sự tàn phá của con người đối với tự
nhiên nhiên ngày càng khủng khiếp. Sức tác động này không chỉ đơn giản dừng lại
ở việc chặt phá một cánh rừng, giết chết một dòng sông mà ở mức độ lớn hơn, có
thể làm đảo lộn chu trình sinh học tự nhiên, từ đó, gây mất cân bằng và phá vỡ ổ
sinh thái, đe dọa đến sự sống còn của chính con người. Những nghiên cứu của phê
bình sinh thái về văn học châu Á cũng đem đến những phát hiện bất ngờ. Trong tư
tưởng triết học và văn học phương Đông, người ta bắt gặp đầy rẫy các câu nói thể
hiện thái độ tôn trọng tự nhiên, ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên, coi con người
chỉ là một phần của vũ trụ.
Bởi vậy, bên cạnh các nguồn nghiên cứu đến từ phương Tây,
một số nghiên cứu về phê bình văn học sinh thái của Trung Quốc, Nhật Bản cũng bắt
đầu được giới thiệu khá công phu. . Hơn nữa, văn minh nông nghiệp kéo dài ở
phương Đông cũng đã phần nào khiến cho văn học viết về thiên nhiên phát triển mạnh.
Nhưng thực tế không hoàn toàn diễn ra êm đẹp như thế. Có rất nhiều bằng chứng để
nói về sự xâm hại của con người đến tự nhiên, thậm chí mang danh để bảo vệ tự
nhiên nhưng lại cưỡng bức tự nhiên để tạo nên những công trình, khu vườn nhân tạo.
Karen Thornber trong Mơ hồ sinh thái. Khủng hoảng môi trường và Văn học
Đông Á đã dẫn lại lập luận của Suzuki Takehiro, Tổng Giám đốc Hiệp hội
du lịch Hẻm núi Shosen tháng 8 năm 2008 để nói về hiện tượng này. Nói thế để thấy
rằng, sự can thiệp của con người đến môi trường chưa bao giờ dừng lại kể cả khi
con người nghĩ đến những viễn cảnh “nhân đạo” nhất trong quá trình sắp xếp lại
tự nhiên bởi đó là sự sắp xếp để thu hút khách du lịch, mà ai cũng biết, phía
sau nó là lợi ích kinh tế.
Có thể thấy ý nghĩa khoa học của phê bình sinh thái là hết
sức rõ nét, nó được toát lên từ tư tưởng tìm kiếm sự hài hòa giữa con người với
tự nhiên. Đây có thể coi là một tư tưởng thấm đầy tính nhân văn nhằm góp phần
điều chỉnh mâu thuẫn trong phát triển, không vì mục tiêu phát triển mà hủy hoại
môi trường sinh thái, bởi hủy hoại môi trường sinh thái chính là việc con người
tự hủy hoại mình và hủy hoại mưu cầu hạnh phúc của toàn nhân loại.
Hội thảo khoa học quốc tế Phê bình sinh thái: Tiếng
nói bản địa, tiếng nói toàn cầu do Viện Văn học tổ chức trong dịp này
chính là nhằm nỗ lực thiết tạo một diễn đàn khoa học thực sự dân chủ, mời gọi
những bàn thảo, đối thoại về phê bình sinh thái, khẳng định ý nghĩa và vị thế của
nó trong khoa học nhân văn hiện đại. Hy vọng, những phân tích, diễn giải và bàn
luận của các nhà khoa học Việt Nam và thế giới tại diễn đàn khoa học này sẽ góp
phần làm sâu sắc hơn nền tảng triết – mỹ và những vấn đề trọng yếu nhất của phê
bình sinh thái, từ đối tượng đến bản chất, chức năng, nhiệm vụ và phương pháp
tiếp cận, phương pháp phân tích văn bản,… Với tư cách là một diễn ngôn khoa học,
phê bình sinh thái tất nhiên không thể thể đưa ra những giải pháp trực tiếp, tức
thời để khắc phục những vấn nạn môi trường, nhưng trên cơ sở phân tích và truy
vấn mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, nó sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức
của cộng đồng, điều chỉnh những nhầm lẫn tại hại về môi trường sinh thái,
từ đó có những ứng xử phù với tự nhiên, biết lắng nghe tiếng nói của tự nhiên
vì mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là lý do để chúng ta hy vọng, với sự
xuất hiện của sinh thái học nhân văn, một trào lưu nhân văn mới sẽ được hình
thành trên cơ sở hài hòa giữa tam vị nhất thể: con người – xã hội – tự nhiên
trong ngữ cảnh văn hóa đương đại.
NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP
Nguồn: VĂN NGHỆ, 50/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét