Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

NHÀ VĂN VÕ HỒNG MỘT NGƯỜI ANH MỘT NGƯỜI BẠN

Trong số các tài liệu tôi có được về anh, tôi rất thích thú với số đặc biệt của tạp chí Văn dành để giới thiệu riêng về nhà văn độc đáo của miền Trung này (số ra ngày 1/3/1974). Bài phỏng vấn của tạp chí, các bài viết của bạn bè văn nghệ sĩ và trí thức miền Nam quen thuộc hồi đó: Tuệ Sỹ, Cao Huy Khanh, Phạm Công Thiện, Trần Thiện Đạo, Mang Viêng Long, Trần Hữu Cư, Châu Hải Kỳ. Có thể nói, hầu như các tác phẩm của Võ Hồng đã được xem xét, bình phẩm dưới nhiều góc độ khác nhau: chiến tranh và tình yêu, hoài niệm; quê hương và trí nhớ con người; về nguồn; ý nghĩa giáo dục trong tác phẩm Võ Hồng…

Tin nhà văn Võ Hồng, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ra đi vĩnh viễn ở tuổi 92 (1921-2013) không bất ngờ đối với tôi nhưng đã gây xúc động lớn trong bạn bè văn nghệ sĩ có mặt hôm ấy tại thành phố Hồ Chí Minh. Rất tiếc do hoàn cảnh công tác tôi không về kịp để tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi lật từng trang tập thơ “Thời gian mây bay” có thủ bút của anh “Thân tặng nhà thơ Giang Nam” xuất bản năm 1996 đọc lại bài “Di ngôn” ở cuối tập:

“Sau khi tôi chết
Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết
Của những ngày u buồn 
trĩu nặng hồn tôi
… Nơi sân thượng 
xin để nguyên ghế đá
Kê sát lan can, 
hướng xuống mặt đường
Nơi những đêm dài 
trong tối đầy sương
Tôi ngồi lặng mắt chong chờ đợi
Đợi một người đi 
không hẹn ngày trở lại.
(1989)

Tôi biết cuộc đời anh đã trải qua nhiều thử thách và nói chung “buồn nhiều hơn vui”. Tuy nhiên, khi đọc những trang sách thơ, văn viết cho thiếu nhi anh luôn tỏ ra hóm hỉnh, lạc quan yêu đời để các em “vui mà học”. Cái khoảng trời riêng u buồn ấy hình như anh chỉ dành riêng cho mình.
Từ trái qua: Võ Hồng, Đào Xuân Quý, Nguyễn Gia Nùng, Giang Nam, Nguyễn Định Lực.

Tôi đọc văn anh từ rất sớm, những năm công tác ở nội thành và vùng ven Sài Gòn (1959-1975) trong kháng chiến chống Mỹ. Với nhiệm vụ được giao: sáng tác, nghiên cứu văn học – nghệ thuật, đấu tranh chống văn nghệ phản động, đồi trụy của địch, tập họp những văn nghệ sĩ yêu nước, tiến bộ trong thành, hình thành mặt trận văn nghệ và Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam. Theo sự chỉ đạo của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, cơ sở bí mật trong nội thành có trách nhiệm cung cấp cho chúng tôi tác phẩm của các nhà văn sống trong vùng địch chiếm, từ những nhà văn yêu nước, tiến bộ đến những cây bút chống cộng, nói xấu cách mạng và kháng chiến, làm “tâm lý chiến cho địch”.

Tôi biết Võ Hồng từ đó với những tác phẩm viết về Phú Yên, quê anh với làng Ngân Sơn bên bờ đầm đầy thơ mộng; về Nha Trang, Đà Lạt nơi anh đã sống nhiều năm và cuối cùng anh đã chọn thành phố Nha Trang để sống, để làm quê hương thứ hai của mình. Trong số các tài liệu tôi có được về anh, tôi rất thích thú với số đặc biệt của tạp chí Văn dành để giới thiệu riêng về nhà văn độc đáo của miền Trung này (số ra ngày 1/3/1974). Bài phỏng vấn của tạp chí, các bài viết của bạn bè văn nghệ sĩ và trí thức miền Nam quen thuộc hồi đó: Tuệ Sỹ, Cao Huy Khanh, Phạm Công Thiện, Trần Thiện Đạo, Mang Viêng Long, Trần Hữu Cư, Châu Hải Kỳ. Có thể nói, hầu như các tác phẩm của Võ Hồng đã được xem xét, bình phẩm dưới nhiều góc độ khác nhau: chiến tranh và tình yêu, hoài niệm; quê hương và trí nhớ con người; về nguồn; ý nghĩa giáo dục trong tác phẩm Võ Hồng… Như thế theo tôi đã là hạnh phúc lắm rồi đối với một nhà văn.

Thật tình đối với chúng tôi hồi đó, tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá nhà văn là thái độ chính trị qua tác phẩm và qua các hoạt động xã hội khác. Về mặt này Võ Hồng là nhà văn thật đặc biệt: vừa là nhà văn, vừa là nhà giáo, luôn say mê tận tụy với nghề, đã sống qua mấy chế độ: thời Pháp thuộc; thời Việt Nam độc lập (vùng tự do khu 5); thời đế quốc Mỹ thống trị ở miền Nam; và sau 1975 là thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất. Trong tâm hồn và tác phẩm của anh có sự kết hợp giữa đạo đức truyền thống và nhu cầu thay đổi để tiến lên, tính nhân văn, lòng yêu thương con người và lòng tự hào dân tộc, cổ vũ làm điều thiện, và lên án cái ác, cái giả dối…

Sau 1975, tôi về Nha Trang với mong ước được gặp anh, một tác giả của quê hương miền Trung mà tôi từng ngưỡng mộ. Những buổi gặp đầu tiên thật thú vị. Anh ít nói, luôn lắng nghe và tôn trọng người đối thoại. Tôi báo tin vui: Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam sẽ hợp nhất thành các chuyên ngành: Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ, Hội Điện ảnh, Hội Sân khấu… Anh tỏ ý rất đồng tình. Dù lớn hơn tôi đến 8 tuổi, anh luôn gọi tôi là anh, là bạn, khi cao hứng còn dùng tiếng Pháp rất thân mật: moa, toa (có thể dịch là anh, tôi; bạn tôi; cậu, tớ).

Một việc bất ngờ xảy ra khiến tôi vừa buồn cười, vừa xấu hổ với anh. Năm ấy tôi công tác ở Sài Gòn về thăm gia đình. Chưa kịp đến chào anh thì anh đã đạp xe lọc cọc đến gặp tôi tại nhà. Sau vài chung trà, vài lời chào hỏi, đột ngột anh hỏi tôi giọng tỉnh bơ:

- Giang Nam biết không, tôi vừa nhận được công văn của Hội Nhà văn. Anh biết công văn viết gì không? Rằng Ban Chấp hành quyết định kết nạp tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam, làm hội viên dự bị của Hội. Thật hết biết! Các anh làm ăn kiểu gì vậy?

Tôi biết anh chị em ở Văn phòng Hội ở Hà Nội đã làm sai, vô tình xúc phạm anh. Tôi vội vàng nắm tay anh, xin lỗi:

- Anh Hồng ơi, tôi xin thay mặt Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam xin lỗi anh. Anh chị em ở Văn phòng căn cứ theo Điều lệ: “Nhà văn mới được kết nạp phải trải qua một thời gian dự bị một năm” mà gởi văn bản. Các anh chị ấy không biết anh là nhà văn kỳ cựu đã viết từ năm 1939, là thầy của lớp nhà văn kháng chiến như tôi. Cũng có phần lỗi của Văn phòng vì đây là đợt kết nạp đặc biệt mà không giải thích cho các anh chị ấy. Chẳng lẽ các anh chị như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Phương Đài, Vũ Hạnh, Lữ Phương, Võ Hồng của Sài Gòn mà còn phải được thử thách về nghề nghiệp sao? Tôi sẽ liên lạc với Hà Nội để các bạn ngoài ấy rút kinh nghiệm.

***

Như trên tôi đã viết, anh cố giấu nỗi buồn về gia đình (với sự ra đi vào cõi vĩnh hằng rất sớm của người vợ nghệ sĩ và hiền thục của anh), về bệnh tật và nỗi cô đơn. Tôi quý anh nhưng cũng có lúc lo lắng sợ anh “bỏ nghề” vì không chịu nổi gánh nặng về tinh thần và vật chất của mình. Và tôi đã có một bài thơ tặng anh trong thời kỳ mà tôi nhận xét anh có “khủng hoảng”. Anh đã đọc và đã bắt tay cám ơn tôi. Có lẽ trong các anh chị bạn văn thơ của tôi chưa có ai dám đường đột như vậy, vì tôi vẫn luôn coi anh như một người anh, một người bạn mà tôi quý mến. Bài thơ có tựa đề: Mừng bạn mùa xuân (Tặng nhà văn Võ Hồng):

Tết trước đến thăm anh
Nhà trống sau trống trước
Một chậu cúc hoa vàng
Hình như đang khát nước
*
Giá sách tôi từng quen
Niềm tự hào nho nhỏ
Của một thời chưa xa
Đã không còn thấy nữa
Cầm bàn tay mỏng manh
Ôi đâu rồi ngọn lửa
Nung cháy tim chúng mình
Từng trang văn máu ứa
Chia tay trong im lặng
Vị đắng bỗng dâng trào
Người ơi, xuân về đó
Tiếng quê hương ngọt ngào
*
Năm nay về thăm anh
Dẫu mùa xuân chưa đến
Hoa đã vàng góc sân
Đầu nhà con én lượn
Anh ngồi bên bàn viết
Chồng bản thảo xếp dày
Không rượu ngon đãi bạn
Hai chúng mình vẫn say
Anh kể cho tôi nghe
Những gì tôi chẳng nhớ
Một chút hồng trên má
Nỗi riêng chung vơi đầy
Mừng anh cầm bút lại
Mừng anh lại lên đường
Có phải người năm cũ
Từng gối đất nằm sương
Chia tay trong im lặng
Mà hiểu nhau ngàn lần
Cuộc đời đang mới lắm
Hạnh phúc và gian truân.

Miền Trung, Xuân 2017
GIANG NAM

Nguồn: VĂN NGHỆ



Câu chuyện văn hoá khác:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều