Nhà thơ Huy Cận (giữa) và con trai - TS. Cù Huy Hà Vũ
và con dâu - Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà
Người ở lại gồm tất cả thành viên còn lại cùng Huy Cận(2),
người bạn tri âm, tri kỷ của "chàng Xuân" và cũng là "chuẩn
thành viên" của Văn Đoàn. Tiệc tất có rượu và những người tham dự tất trở
thành "tiên ông", dù nhiều dù ít. Thế rồi "rượu vào lời
ra". Có điều các "tiên ông" ở đây đều là các văn sĩ, thi sĩ nổi
tiếng bậc nhất nên không có gì lạ là "lời ra" này là một bài thơ.
BÁT TIÊN QUÁ CHÉN
"Bỗng dưng thi sĩ hóa tây Đoan
Nửa mặt nhà văn, nửa mặt quan
Chén rượu tiễn đưa thơ khó nghĩ
Nỗi niềm cách biệt ý khôn toan
Hôm nay nhớ bữa chia bùi ngọt
Lát nữa còn vui cảnh tóp chan
Ví thử anh em đều xuất cả
Còn tuôn ra lắm mạch thơ gàn…"
Nghĩa là chỉ bốn năm sau khi xuất hiện trên văn đàn,
chứ không phải đợi "cái quan định luận", Huy Cận đã đĩnh đạc ở "Bàn
Nhất" của Thơ Mới.
Hoàng Đạo mở đầu, tiếp đó là Nhất Linh, Thạch Lam, Huy Cận,
Thế Lữ, Tú Mỡ, Khái Hưng và Xuân Diệu. Trong bài thơ này, câu hay nhất chắc chắn
là "nửa mặt nhà thơ nửa mặt quan" của Nhất Linh, vị thủ lĩnh của Văn
Đoàn. Thế nhưng trên thực tế câu thơ này không ứng với Xuân Diệu là mấy, vì chỉ
sau hai năm, cuối năm 1942, Xuân Diệu đã từ cái chức "quan thuế" ấy
và trở về Hà Nội sống cùng Huy Cận, khi đó đã đậu kỹ sư canh nông và bắt đầu đi
làm ở Sở Nghiên cứu Tầm tang để có điều kiện tiếp tục làm thơ và làm Nhà xuất bản
Huy - Xuân. Cả quãng đời sau này làm việc cho chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa rồi Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có 15 năm làm Đại biểu Quốc
Hội, Xuân Diệu cơ bản hoạt động với tư cách nhà văn. Ngược lại, "Nửa mặt
nhà thơ nửa mặt quan" lại rất nghiệm với bạn ông, Huy Cận.
Huy Cận lần đầu tiên đến với bạn đọc khi bài lục bát Chiều
Xưa của ông được đăng trên số Tết 1938 báo Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn. Hai
năm sau, 1940, thi sĩ họ Cù đã có tập thơ của riêng mình, Lửa Thiêng, do Nhà xuất
bản Đời Nay cũng của Tự Lực Văn Đoàn ấn hành. Hai năm sau nữa, trong tiểu luận
Một Thời Đại Trong Thi Ca mở đầu Thi nhân Việt Nam, cuốn sách nghiên cứu, phê
bình xuất sắc nhất về phong trào Thơ Mới, Hoài Thanh viết: "Chung quanh
đôi bạn Xuân Diệu - Huy Cận có vô số thi sĩ bàn nhì bàn ba…."
Nghĩa là chỉ bốn năm sau khi xuất hiện trên văn đàn, chứ
không phải đợi "cái quan định luận", Huy Cận đã đĩnh đạc ở "Bàn
Nhất" của Thơ Mới - một cuộc Đại Cách mạng, thậm chí là một "Big Bang"
- Vụ Nổ Lớn, tạo ra một vũ trụ hoàn toàn mới cho Thi ca Việt Nam.
'Chính khách thành công'
Không chỉ thành đạt trong địa hạt văn chương, Huy Cận còn
thành công với tư cách chính khách.
Ngày 2/9/1945, ở tuổi 26 với tư cách Bộ trưởng không bộ
trong Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Huy Cận đã cùng Chủ tịch
Chính phủ Hồ Chí Minh và các bộ trưởng khác ký Tuyên Ngôn Độc Lập của Việt Nam,
chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của Pháp rồi của Nhật. Ba ngày trước đó, ngày
30/8/1945, ông cùng Trần Huy Liệu và Nguyễn Lương Bằng thay mặt Chính phủ lâm
thời tiếp nhận sự thoái vị của Hoàng Đế Bảo Đại trên lầu Ngọ Môn của Hoàng
thành Huế, chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ ở Việt Nam. Như vậy, Huy Cận là
"Khai Quốc Công Thần" của nước Việt Nam Độc lập và cũng là của chính
thể Cộng hòa.
Kể từ "Cái buổi ban đầu dân quốc ấy" cho đến
1987, Huy Cận giữ nhiều vị trí khác nhau trong Chính phủ: Bộ trưởng Bộ Canh
nông kiêm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ
Canh nông, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Tổng Thư ký Hội đồng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ
Văn hóa, Bộ trưởng Đặc trách công tác Văn hóa - Thông tin tại Văn phòng Hội đồng
Bộ trưởng kiêm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật
Việt Nam. Tóm lại, Huy Cận là người giữ hai kỷ lục ở cấp Chính phủ: bộ trưởng
trẻ nhất mọi thời đại và thâm niên nhất với 42 năm phục vụ liên tục.
Trên thực tế thì Trường Chinh chủ động móc nối Huy Cận.
Làm thơ là "nghề tự do", tồn tại hay không tồn
tại hoàn toàn do bản thân. Thơ hay thì báo đăng, nhà xuất bản in, rồi nhạc sĩ
phổ nhạc; vinh dự hơn nữa, thì được lưu lại trong trí nhớ của người đời. Xuân
Diệu đã nói: "Nhà văn tồn tại ở tác phẩm. Không có tác phẩm thì nhà văn ấy
coi như đã chết". Ngược lại, để làm "quan"thì phải có tổ chức,
phải có êkíp, điều này thì ai cũng rõ. Vấn đề là tại sao "một người thi sĩ
lành như suối nước ngọt, hiền như cái lá xanh" (chữ của Xuân Diệu về Huy Cận
trong Lời tựa viết cho thi phẩm Lửa Thiêng xuất bản năm 1940), xem ra chả ăn nhập
gì với nghề "làm quan" vốn đòi hỏi phải "dữ" để thực thi
quyền lực, lại thoắt trở thành "thượng thư" của nền Cộng hòa đầu tiên
của nước Việt? Hỏi tức trả lời. Chính năng lực thi ca kiệt xuất gắn liền với sự
nổi tiếng của Huy Cận đã đưa ông vào "tầm ngắm" của các lãnh tụ chính
trị, cụ thể là của các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng sản.
Cha tôi kể: "Sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, Tổng
bí thư Trường Chinh gặp bố nói: "Tôi đã đọc Tràng Giang của anh ngay khi
bài thơ xuất hiện trên báo Ngày Nay năm 1940. Đất nước trong Tràng Giang sao mà
đẹp thế. Tôi nói với các đồng chí xung quanh: "Với tấm lòng yêu quê hương,
yêu đất nước nồng nàn như vậy, nhất định Huy Cận sẽ đi vào con đường cách mạng
để giải phóng dân tộc". Trên thực tế thì Trường Chinh chủ động móc nối Huy
Cận. Khi tôi đến thăm "ông trùm tình báo" Trần Quốc Hương, tức Mười
Hương (gọi là "trùm tình báo" vì Mười Hương là người tổ chức và cũng
là cấp trên trực tiếp của những điệp viên chiến lược cộng sản nổi tiếng nhất
trong Chiến tranh Việt Nam: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Phạm Ngọc Thảo và Phạm
Xuân Ẩn), ông nói: "Anh Cận hoạt động bí mật rất giỏi. Tôi là liên lạc
viên đơn tuyến giữa anh Cận và Tổng bí thư Trường Chinh đấy".
Huy Cận cũng được lãnh tụ Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý ngay
lần gặp đầu ở Quốc Dân Đại Hội tổ chức tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh
Tuyên Quang vào trung tuần tháng 8 năm 1945. Cha tôi kể rằng Hồ Chí Minh thấy
ông đang nói chuyện với các đại biểu khác thì ngoắc tay gọi ông lại và hỏi:
"Đồng chí hoạt động ở tỉnh nào về?". Sau khi nghe Huy Cận nói ông mới
hoạt động ba, bốn năm tại Hà Nội trong sinh viên, trí thức, nhất là trí thức
khoa học, Hồ Chí Minh nói với ông: "Làm cách mạng thì không phân biệt người
trước người sau, người hoạt động lâu năm với người mới vào phong trào, cốt nhất
là có nhiệt huyết với sự nghiệp giải phóng dân tộc" (3).
Sự tín nhiệm của Hồ Chí Minh và Trường Chinh, cũng là những
người làm thơ (4), giải thích vì sao Huy Cận được Quốc Dân Đại Hội bầu
vào Ủy ban Dân tộc giải phóng có sứ mệnh tổ chức tổng khởi nghĩa giành chính
quyền để rồi ngay sau đó trở thành bộ trưởng của Chính phủ đầu tiên của chính
thể Cộng hòa. Cha tôi nhớ lại: "Ông Trần Huy Liệu giới thiệu Huy Cận vào Uỷ
ban Dân tộc giải phóng với lời giới thiệu: "Nhà thơ Huy Cận, bây giờ đã
"bỏ bút nghiên theo việc đao cung", xin Đại hội bầu vào Uỷ ban Dân tộc
giải phóng". Bỗng nhiên, ở hàng đầu có một ông dáng cao cao đứng lên nói:
"Tôi không đồng ý!". Huy Cận chột dạ, chắc ông này không muốn bầu
mình vào Uỷ ban. Ông Trần Huy Liệu mới hỏi tại sao, thì ông phản đối mới nói thế
này: "Tôi không đồng tình với việc "bó bút nghiên theo việc đao
cung"; bầu nhà thơ Huy Cận nổi tiếng vào Uỷ ban thì tôi đồng tình, nhưng
mà bỏ bút nghiên là không đúng. Bút nghiên cũng là vũ khí đấu tranh cho độc lập
dân tộc". Người ấy là ai? Người ấy là đồng chí Tống, bí danh của đồng chí
Phạm Văn Đồng. Cả ông Liệu và tôi thở phào một cái..."(5).
Tiếp tục bút nghiên?
Thế nhưng công việc của "quan cách mạng" mà ông
được bổ ngay sau đó đã không cho phép Huy Cận tiếp tục "bút nghiên"
theo nghĩa sáng tác văn chương. Bù đầu vì chính quyền còn non trẻ, mọi cái đều
bắt đầu từ con số "không". Chính phủ lại phải đối mặt với "tồn tại
hay không tồn tại" khi phải giải quyết nạn đói làm 2 triệu người chết mà
phát xít Nhật gây ra trước đó (6), đặc biệt sự chống đối vũ trang của
Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Quốc dân đảng thân Quốc Dân Đảng Trung Hoa,
nhất là khi thực dân Pháp đã tái xâm lược (7). Quan trọng hơn cả là
cái "cái tôi" đã làm nên "Thơ Mới" (8) đã không
có chỗ trong "văn nghệ cách mạng"!
Bẩm sinh là thi sĩ mà lại không làm thơ được nên Huy Cận
không tránh khỏi bi quan. Một đêm trăng tại một đồn điền ở Tuyên Quang thuộc
ATK (An toàn khu do Việt Minh hoàn toàn kiểm soát), Huy Cận tâm sự với Xuân Diệu
về bước đường làm thơ. Cha tôi nhớ lại: "Lúc đó tôi thấy làm thơ sao khó
quá, mặc dù rất muốn làm, và tôi đã hơi bi quan, thầm nghĩ không biết mình có
còn tiếp tục được sự nghiệp văn thơ không" (9). Điều này giải
thích vì sao chỉ đến khi kháng chiến chống Pháp kết thúc thì "nửa mặt nhà
thơ" của cha tôi mới dần dà trở lại.
Vậy nên Huy Cận mong Hồ Chí Minh góp ý cho tập thơ của
ông âu cũng là "có đi có lại" giữa "bạn thơ" với nhau
Đó là Đoàn thuyền đánh cá (1958), Mưa Xuân trên biển
(1959), Anh Viết Bài Thơ (1959), Các vị La Hán chùa Tây Phương (1960), Trò Chuyện
Với Kim Tự Tháp (1962)… Giữa năm 1963, Huy Cận gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh tập
thơ “Bài thơ cuộc đời” của ông mới xuất
bản với mong muốn nhận được lời phê bình. Cha tôi kể rằng trong những năm kháng
chiến chống Pháp ở Việt Bắc, mỗi lúc Hồ Chí Minh làm bài thơ mới nào bằng chữ
Hán, hoặc bằng tiếng Việt thì lại gọi ông đến đọc cho nghe, và bao giờ cũng hỏi
có ý kiến gì góp không. Tác giả "Nhật
ký trong tù" còn nhờ Huy Cận dịch bài thất ngôn tứ tuyệt "Trăng
vào cửa sổ" bằng tiếng Hán và cha tôi đã diễn ra bằng bốn câu lục bát như
sau:
"Trăng vào cửa sổ đòi thơ,
Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau.
Chuông lầu gọi tỉnh giấc thu,
Ấy tin thắng trận biên khu mới về."
Nhà thơ Huy Cận (phải) và phu nhân, bà Ngô Thị Xuân
Như,
em gái của nhà thơ Xuân Diệu (trái) tại Chiến khu Việt Bắc
Vậy nên Huy Cận mong Hồ Chí Minh góp ý cho tập thơ của
ông âu cũng là "có đi có lại" giữa "bạn thơ" với nhau. Mấy
hôm sau, Việt Phương, thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, mang đến cho cha tôi
một tờ giấy có một bài tứ tuyệt viết tay của vị Chủ tịch nước như sau:
"Cảm ơn chú biếu Bác quyển thơ,
Bác xem quyển thơ suốt mấy giờ.
Muốn Bác phê bình, khó nói nhỉ!
Bài hay chen lẫn với bài vừa."
Thơ trước cách mạng của anh, tôi mê, thơ sau cách mạng
của anh tôi chưa mê (Lê Duẩn)
Bí thư thứ nhất Lê Duẩn, người cầm chịch "cuộc kháng
chiến chống Mỹ cứu nước", thì thành thật hơn. Năm 1964, khi gặp Huy Cận ở
bến phà Ròn, Quảng Bình, Lê Duẩn nói với tác giả Lửa Thiêng: "Thơ trước
cách mạng của anh, tôi mê, thơ sau cách mạng của anh tôi chưa mê" (10).
Còn "nhà thơ cộng sản tiêu biêu biểu" Tố Hữu, từng
là Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên huấn hay "ông trùm văn nghệ"
của Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng bộ trưởng, thì
thốt lên "nhớ Xuân Diệu lắm!" rồi nghẹn ngào đọc "Vạn lý
tình" sáng tác năm 1940 của Huy Cận, ngay trên sân khấu của Lễ kỷ niệm 100
năm trường Quốc Học Huế tổ chức năm 1996 tại Hà Nội mà tôi tham dự:
"Người ở bên trời, ta ở đây;
Chờ mong phương nọ, ngóng phương nầy.
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm,
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây.
Nắng đã xế về bên xứ bạn;
Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy.
Trông về bốn phía không nguôi nhớ,
Dơi động hoàng hôn thấp thoáng bay.
Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt,
Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày.
Chiếu chăn không ấm người nằm một
Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay."
Đến một "nhà thơ cộng sản tiêu biêu biểu" từng ở
đỉnh cao quyền lực như vậy mà trước nhân tình thế thái (11) còn phải
lấy Xuân Diệu và Huy Cận của Thơ Mới đầy nhân tính để trải lòng thì rõ là
"Mọi lý thuyết đều màu xám, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi" như tuyên
ngôn của đại thi hào Đức Goethe (12).
Tiến sỹ Luật CÙ
HUY HÀ VŨ
Nguồn: BBC, tác giả gửi từ Virginia, Hoa Kỳ
Bài viết phản ánh
quan điểm riêng và thể hiện lối hành văn của tác giả, con trai Huy Cận (1919-2005),
nhân đánh dấu lần thứ 100 năm sinh nhà thơ(31/5/1919 - 31/5/2019).
Chú thích:
(1) Xuân Diệu, tên thật là Ngô Xuân Diệu, là bác ruột
(anh ruột bà Ngô Thị Xuân Như, vợ Huy Cận) và là cha nuôi của tác giả.
(2) Huy Cận, tên thật là Cù Huy Cận, thân phụ của tác giả.
(3) Huy Cận - Hồi ký Song Đôi - Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.
(4) Hồ Chí Minh là tác giả của Nhật ký trong tù bằng tiếng
Hán; Trường Chinh làm nhiều bài thơ, trong đó có bài Là Thi sĩ, với bút danh
Sóng Hồng
(5) Sách đã dẫn.
(6) Ngày 3/9/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa đã họp phiên đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa xác định 6 vấn đề cấp
bách mà "Phát động phong trào tăng gia sản xuất để chống nạn đói, mở ngay
cuộc lạc quyên gạo để giúp đỡ người nghèo" đứng ở vị trí thứ nhất. Bộ trưởng
không bộ Cù Huy Cận ngay sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Canh Nông để giải
quyết vấn đề cấp bách thứ nhất này. Kết quả là nạn đói đã được đẩy lùi.
(7) Với tư cách Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, Huy Cận được Chủ tịch
Hồ Chí Minh giao giúp Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng thực hành Quyền Chủ tịch
nước trong khi Chủ tịch sang Pháp đàm phán (31/5/1946 - 21/9/1946). Cũng với tư
cách lãnh đạo Bộ Nội Vụ, Huy Cận phụ trách Nha Công an vụ, tiền thân của Bộ
Công an, ký Nghị định số 215/NĐ-P2 ngày 25 tháng 6 năm 1946 thành lập Trường Huấn
luyện Công an, "lò" của các "lò" đào tạo công an và an
ninh. Huy Cận cũng giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc
Kháng chuẩn y tấn công trụ sở Quốc Dân Đảng tại phố Ôn Như Hầu và trụ sở đảng Đại
Việt tại số 132 Duvigneau, Hà Nội vào tháng 7/1946.
(8) Trong "Một thời đại trong thi ca", Hoài
Thanh viết: "Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề
sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu
trong trường tình của Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên,
ta say đắm cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng
rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận…").
(9) Sách đã dẫn.
(10) Sách đã dẫn.
(11) Thơ Tố Hữu thoát thai từ Thơ Mới nên Tố Hữu bày tỏ
ngưỡng mộ Huy Cận và Xuân Diệu khi gặp lại hai ông sau Cách mạng tháng 8
(1945). Trong kháng chiến chống Pháp, Tố Hữu viết thư nài nỉ Xuân Diệu về làm
thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ của Hội Văn Nghệ Việt Nam (tiền thân là Hội
Văn Hóa Cứu Quốc). Tuy nhiên, khi ở vị trí quyền lực từ sau 1954, Tố Hữu chỉ đạo
"đánh" Thơ Mới nói riêng, văn chương trước Cách mạng tháng 8 nói
chung nhằm khẳng định vị trí độc tôn của "thơ văn cách mạng" mà ông
là biểu tượng. Trước thực tế phũ phàng ấy, Xuân Diệu đã phải thốt lên: "Một
số tác phẩm đã đạt tới một mức nghệ thuật nào và đã có một khuynh hướng tiến bộ
so với hoàn cảnh thời đó, thì vẫn còn lại một giá trị văn học nghệ thuật. Hoàn
toàn vứt cả, coi nó là "dưới Zê-rô", là không có quan điểm lịch sử
trong phê bình" (Xuân Diệu - Những bước đường tư tưởng của tôi - NXB Văn
hóa 1958). Thời gian này tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng, Hà Nội nơi Tố Hữu ở
luôn có một đơn vị công an vũ trang túc trực và khách thì nườm nượp. Sau khi Tố
Hữu bất ngờ bị loại ra khỏi quyền lực tại Đại hội Đảng lần thứ 6 tổ chức năm
1986 mà trước đó ông được dự kiến nắm chức Tổng bí thư, nhà ông không còn lính
gác và khách xưa hầu vắng bóng, trên sân xào xạc lá táo vàng rơi. Huy Cận cha
tôi thỉnh thoảng vẫn lại thăm Tố Hữu, có đưa tôi theo cùng.
(12) Bài thơ "Cây đời mãi mãi xanh tươi" và bài
tiểu luận "Và cây đời mãi mãi xanh tươi" in trong tập tiểu luận cùng
tên của Xuân Diệu lấy cảm hứng từ tuyên ngôn này của Goether.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét