Ở bài viết ngắn này chúng tôi xin chứng minh danh nhân
Nguyễn Trãi đã dựng lên một mô hình tính cách “tiểu nhân” của bọn xâm lược nhà Minh qua năm đặc trưng cơ bản: hiếu
sát, ngu dốt, tham lam, dối trá, hèn hạ. Năm nét tính cách này tương phản triệt
để với năm phẩm chất Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín của người quân tử. Nguyễn Trãi
không chỉ là quan toà công lý vạch tội kẻ thù mà còn là nhà giáo dục lớn chỉ ra
những lỗi lầm của đám học trò ranh để chúng hối cải mà tiến bộ.
Chân dung danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.
Đấu tranh với kẻ thù hiểm ác, trí trá, trắng trợn nên cha
ông ta luôn tựa vào những điểm tựa chắc chắn của đạo lý, của chân lý chính
nghĩa, điểm tựa của một kiến văn uyên bác thật sự hiếm có, điểm tựa của sự thật
lịch sử cũng như sự thật hiển nhiên trong thực tế… Vì thế ta hiểu vì sao mở đầu
mỗi lá thư, chiếu, biểu thường có mấy chữ tưởng chừng công thức: “Ta nghe…”;
“Ta thường nghe…”; “Cổ nhân nói…”… nhưng chứa đầy sức mạnh của lẽ phải, của sự
hiểu biết, của một tấm lòng yêu hòa bình đến vô cùng. Nguyễn Trãi cố ý dùng rất
nhiều từ nói về chân lý, đạo lý, chính nghĩa như "Đạo trời, Thánh nhân, đại
nhân, cổ nhân, trí giả, nhân giả, nghĩa giả, vương giả, quân tử, bực hào kiệt,
đạo chí thành, chí nhân, thành thực"… để đối lập gay gắt làm bật ra bản chất
tiểu nhân của đối phương.
Trước hết là tội
"hiếu sát". Tội này về sau được Nguyễn Trãi nhấn mạnh trong
“Cáo bình Ngô” bất hủ với những hình ảnh mang tính tố cáo “nướng dân đen”, “vùi con đỏ”, “tàn hại cả giống côn
trùng cây cỏ”… Đó là tội diệt chủng. Ở đây ông vạch đích danh chân tướng Liễu
Thăng “không xét thời trời, không biết việc người, chỉ lấy việc chém giết làm
oai…”. Không xét thời trời là bất chấp đạo lý mà ngạo ngược, không biết việc người là bất chấp nhân luân
mà tráo trở. Không chỉ thế còn “mạo hiểm tiến quân vào sâu "chuyên
việc chém giết, ý định giết hết không để sót người nào”. Kẻ này hiếu sát đến mức
mất hết nhân tính để trở thành loài quỷ!
Đó là tội "ngu dốt": “Bảo cho mày ngược tặc Phương Chính: Kể đạo làm tướng, lấy
nhân nghĩa làm gốc, trí dũng làm của. Nay bọn mày chỉ chuộng lừa dối, giết hại
kẻ vô tội, hãm người vào chỗ
chết mà không xót thương, việc ấy trời đất không dung, người mà đều giận, cho
nên liền năm chinh phạt, hằng đánh hằng thua. Thế mà không biết trước tự cải
quá, lại còn bới bẩn cho thêm thối, hối sao kịp được! Huống chi bây giờ
nước mùa xuân mới sinh, lam chướng bốc
độc, thế không thể chịu lâu được”.
Lừa dối là ngu,
giết hại kẻ vô tội là ngu, hãm người vào chỗ chết là ngu, vì đó là những việc trái với lẽ trời (trời
đất không dung), lẽ người (người mà đều giận). Kẻ ngu thì không thể thấu công
lý, tình người và đâu có biết đến phận
mình, phận người (tự cải
quá), càng không phân tích được thời tiết, môi trường (mùa xuân mới sinh, lam
chướng bốc độc).
Đó là cái ngu
không phân biệt được mục đích và phương tiện: “… cái nỏ nặng nghìn cân
không vì con chuột nhắt mà nẩy máy…”. “Cái nỏ” dù có nặng nghìn cân cũng chỉ là
phương tiện thế mà lại ngắm vào mục
đích “con chuột nhắt” thì đúng là quá ngu, như… con vật vậy!
Đó là cái ngu
không nhìn thấy quân ta có cả một nền văn hóa đánh giặc giữ nước: “nước
An Nam binh tướng thì nhiều, tâm lực đều nhau, chiến khí càng tinh, sĩ khí càng
mạnh, kẻ sĩ trí mưu, các tướng vũ
dũng, chẳng khác cây rừng rậm rạp, răng lược khít nhau vậy… Thế mà không hề lấy
làm lo, lại còn giương vây
nói mẽ, có khác gì nhà đương cháy mà chim én còn nhơn nhơn vui vẻ cùng nhau, há chẳng đáng cười lắm
sao!”.
Đó là cái ngu
của những kẻ kém hiểu biết, đã không biết thời thế lại “tùy tiện”: “Các
ông là tướng lão luyện của
Thiên triều… Sao không xét rõ thời nghi, tùy tiện sắp việc, lui quân ra ngoài bờ
cõi, sai một viên sứ giả mang một lá thư đến đây…”.
Đã
không biết đến người (tri bỉ), không biết đến thời (tri thời) lại không biết đến
cả mình (tri kỷ) nên thất bại là chắc chắn: “Các mặt trông mong ấy đều đã tuyệt
vọng, mà quân nhân mỗi ngày một bị chết, lương thực lại hết thì các ông còn đợi gì mà dùng dằng ở lại không đi
chứ? Sao mà xét việc câu nệ, mưu việc
không sớm thế? Than ôi, chén nước đã đổ khó mà vét lại được nữa…”.
Nguyễn Trãi đưa ra một tương phản trời vực, một bên là “đạo
làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc,
trí dũng làm của” một bên là hành động của tội lừa trời dối người. Đi cướp nước
người, xét đến cùng cũng là ngu: “Nước
mày nhân dịp họ Hồ lỗi đạo, mượn tiếng điếu dân phạt tội, kỳ thực làm việc bạo
tàn, lấn cướp đất nước ta, bóc lột nhân dân ta, thuế nặng hình phiền, vơ vét của quý, dân mọn xóm làng không
được sống yên. Nhân nghĩa mà lại thế ư? Nay ở nước mày, dân oán thần giận, kế tiếp đại tang, thế mà không biết tự
xét lỗi mình, lại còn cùng binh độc vũ, cam lòng xâm lược phương xa, khiến cho sĩ tốt phơi thây, nhân
dân lầm bụi”. Ở đây Nguyễn Trãi vạch cho kẻ thù thấy rõ đối ngoại đã
ngu, đối nội cũng ngu nốt, ở chỗ dân tình thì oán giận, lại liên tiếp có đại
tang, thế mà vô đạo, vô luân, vô pháp vẫn khởi binh xâm lược!!!
Đó là tội "tham lam" vơ vét, bóc lột tàn ác. Giặc Minh sang xâm lược cướp
phá, bóc lột nhưng mồm thì rêu rao “thừa tuyên” tức vâng mệnh Thiên triều
“đi tuyên bố giáo hóa, đức hóa của triều đình”. “Kỳ thực”, chúng “chỉ vụ vét vơ”, “chuyên mặt thu lượm, bóc lột lương
dân, bắt kiếm ngọc tìm vàng, kiệt chằm trơ núi, đòi hỏi nhặt nhạnh, không sót thứ gì. Muốn tiền của có nhiều,
thì đục khoét của dân mà lấp hố dục; muốn nhà cửa cao đẹp, thì cướp việc mùa màng để bắt dựng xây… Quan lại thương
dân chúng tuyệt không có ai, mà xem dân như cừu thù”.
Về hình
thức, lời văn được tổ chức theo nguyên tắc mỉa mai làm nổi bật chân tướng kẻ nói một đằng làm một nẻo đầy mâu
thuẫn. Nói “yên vỗ”, “chăn dân”, “vệ dân” nhưng thực tế, chỉ “chăm bóc lột dân
để sung sướng cho mình”.
Đó là tội "lừa dối". “Điếu dân phạt tội” là thương dân mà vâng mệnh trời đánh kẻ có tội
để cứu dân. Nhà Minh đã lấy danh nghĩa nhân đạo cao đẹp này để cướp nước
ta. Đó là tội lớn nhất, tội lừa dối trời đất, lừa dối đạo lý. Tác phẩm có trên
70 bài viết, dài chưa đầy một trăm
trang sách tập hợp những lá thư luận chiến đanh thép nhưng tần số xuất hiện các
chữ lừa dối, dối trá, giả dối nhiều tới 36 lần: “…tính mạng của mấy vạn đàn
ông, đàn bà ở trong thành, đều bị các ông lừa dối làm hại, làm cho bọn người
không tội một mai bị chết”.
Lừa dối để hại
người: “Thế là ngài không những lừa dối một mình tôi, lại còn lừa dối cả
hơn sáu bảy nghìn người ở vệ sở các thành”. Mang một tội ác
man rợ đến cướp một đất nước nhỏ bé yêu hòa bình công lý thì chúng phải
có cả một “chiến lược” lừa dối.
Nhưng đã phi nghĩa và giả dối thì không thể che mắt được chính nghĩa và
sự thật: “…chỉ lấy lời nói suông cùng lừa dối nhau, muốn đợi quân khác đến cứu
viện như ngày trước đã làm,
ngoài mặt thì hòa giải mà ngầm có mưu
khác…”.
Kẻ thù có dã
tâm như thế thì đương nhiên
là kẻ hèn hạ. Chúng được miêu tả bằng ngôn ngữ chỉ hành vi, tính cách của loài
vật nhỏ bé, nhút nhát, yếu đuối, như con cá (trên thớt), con chuột (trong xó
hang), con bọ ngựa (giơ càng)… Chúng
là loài chim, loài thú “chim cùng thì mổ, thú cùng thì vồ”…
Hèn đến mức thà chịu “cái nhục khăn yếm” chứ không dám
đương đầu với nghĩa quân “cứ đóng thành bền giữ như mụ già là làm sao? Ta e bọn mày không khỏi cái
nhục khăn yếm vậy”. “Khăn yếm” dịch thoát từ hai chữ Hán “cân quắc” chỉ đồ
trang sức chung của phụ nữ. Trong "Tam quốc" có chi tiết Gia Cát Lượng
làm nhục Tư Mã Ý bằng cách sai sứ đưa “cân quắc” đến, tức ví Ý như đàn
bà. Trong quan niệm Nho giáo xưa,
“đàn bà” thuộc “tiểu nhân” với những gì xấu xa, hèn kém, khó “giáo hóa”…
Nguyễn Trãi rất hay ví quân giặc với loài chuột và “đàn bà”: “…không nên ở chúi
trong xó hang cùng và bắt chước thái
độ mụ già như thế!”.
Tôi cứ hình
dung với tập sách này Nguyễn Trãi đã xây ngôi nhà tù cải hoá bằng ngôn từ mang
tên BÌNH NGÔ có năm bức tường tính cách tiểu nhân (còn có thể gọi là Ngũ giác
ngục) để nhốt bọn Vương Thông, Mộc Thạch, Liễu Thăng… Ngôi nhà này có cửa vào
mang tên XÂM LƯỢC, cửa ra có tên HOÀ
BÌNH…
Nguyễn Trãi đã thả chúng ra theo đạo HOÀ HIẾU của bậc đại
nhân!
NGUYỄN THANH TÚ
Nguồn: VNCA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét