Năm 2005, tôi
đến thăm một hòn đảo mà nửa thế kỷ trước, ba tôi từng đặt chân tới vào thời điểm bước ngoặt quan trọng của đời
ông.
Nơi đó là Mont
Saint Michel, hòn đảo gồm nhiều công trình tôn giáo cổ, rất nổi tiếng với
con đường độc đạo nối vào đất liền, thường ngập khi thủy triều lên. Quần thể
này và vùng biển lân cận được xem là di sản quý giá hàng đầu của Pháp, được
UNESCO vinh danh "Di sản thế giới".
Ba tôi, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, từng đến thăm hòn đảo
này để lấy ý tưởng và cảm hứng cho đồ án trước vòng chung kết tranh giải thưởng kiến trúc Khôi nguyên La Mã của
Pháp năm 1955. Đề bài yêu cầu thiết kế một thánh đường trên hòn đảo nhỏ vùng Địa
Trung Hải, với tầm nhìn có thể trở thành một di sản văn hóa trong tương lai, phục
vụ hàng chục nghìn khách hành hương.
Như một cơ duyên, ông đã giành giải thưởng này khi chưa đầy 30 tuổi.
Tôi có ấn tượng
sâu đậm khi viếng thăm Mont Saint Michel, không chỉ vì ôn lại những kỷ
niệm mà ba tôi từng kể, mà còn cảm nhận được cách ứng xử của chính quyền và người dân địa phương đối với di sản này.
Ngay từ đầu,
nhà chức trách Pháp đã quy hoạch và cấm xây dựng các công trình du lịch,
bãi đậu xe ở khu vực ven biển - nơi đối diện hòn đảo - để giữ gìn khung cảnh
thiên nhiên sinh thái bao quanh. Tới đây, khách chỉ được đậu xe tại bãi xe
chính cách đảo khoảng 3 km, trong vùng đệm của di sản, từ đó có thể đi bộ hoặc
đi xe bus hay xe ngựa vào hòn đảo cổ xưa này. Đổi lại, họ được sống lại cảm xúc
của người xưa khi không gian xanh sinh thái trên đảo và lân cận hoàn toàn được
bảo vệ. Tất cả tập hợp các công trình tôn giáo được gìn giữ tôn tạo như hiện trạng nhiều thế kỷ trước.
Người Pháp đã
xác định một không gian vùng ảnh hưởng
trực tiếp đến di sản rất rộng lớn và nó cũng được bảo tồn nghiêm ngặt. Không
gian di sản của công trình không chỉ dừng lại trong phạm vi 6,56 hecta của
đảo. Tới 57,51 hecta không gian liền kề của khu vực ven biển nơi tiếp giáp hòn
đảo cũng được bảo tồn. Toàn bộ vùng rộng lớn này bị cấm xây dựng. Nhờ đó, từ
khoảng cách vài km cho đến ngay phía trước hòn đảo và từ mọi góc nhìn, người ta đều cảm nhận được trọn vẹn bức
tranh lịch sử nghìn năm của các lâu đài tôn giáo nơi đây.
Đó là lý
do khiến trong mắt tôi, giá trị của đỉnh Mã Pì Lèng tại Hà Giang không phải chỉ
là dòng sông và sườn núi hùng vĩ mà
còn là một không gian rất rộng lớn xung quanh - như chiếc áo để mặc cho di sản. Trong không gian đó,
dù đứng ở đâu, ta vẫn có thể có cảm xúc đặc biệt về nơi này. Tất cả những vị
trí giúp nhìn thắng cảnh đẹp nhất chính là những địa điểm phải được bảo
vệ cùng với di sản, trên một cơ sở
pháp lý vững chắc.
Trong câu chuyện nhà hàng 7 tầng xây trái phép trên đỉnh
đèo, tôi thấy có 4 "tầng trách nhiệm". Trách nhiệm đầu tiên của chủ đầu
tư do xây không phép.
Thứ hai, huyện Mèo Vạc có trách nhiệm bởi đã không dừng
công trình từ manh nha, để nó ngang nhiên mọc lên. Và cũng không loại trừ khả
năng ai đó có chức quyền đã dung túng cho chủ đầu tư theo kiểu, xây đi rồi sẽ
lo giấy phép.
Trách nhiệm thứ ba lớn hơn thuộc tỉnh Hà Giang. Đó là
trách nhiệm phải tổ chức quy hoạch của khu vực di sản và lân cận, xác định rõ khu
nào không được xây dựng, khu nào xây được để phục vụ du khách, bảo tồn chỗ nào,
đầu tư chỗ nào.
Mã Pì Lèng là một không gian thiên nhiên thuần khiết và tốt
nhất không nên có công trình nào mọc lên ở khu vực di sản lẫn vùng ảnh hưởng của di sản. Việc địa phương có thể
làm ngay là trả lại không gian cho di sản. Nếu không chọn hoàn toàn phá bỏ công
trình thì chỉ nên cải tạo nó theo hướng: dứt khoát không cho phép chức năng khách sạn nhà hàng ở khu vực này
mà chỉ cho phép làm điểm ngắm cảnh, dừng chân, giải khát, có nhà vệ sinh ngầm
giấu kín và xử lý chất thải. Hai tầng nổi trên cùng của công trình phải
bị phá bỏ. Chính quyền có thể xem xét mua lại công trình để chuyển thành điểm dịch
vụ công, phục vụ khách du lịch có thu tiền.
Quan trọng hơn, tỉnh Hà Giang phải gấp rút làm quy hoạch
toàn bộ khu vực, đưa ra giải pháp cụ thể và chi tiết về bảo tồn và phát triển
mà không cần chờ điều chỉnh Luật Di sản vì sẽ quá chậm. Trong đó, phải xác định
lại các vùng lõi và vùng đệm của khu vực, nêu rõ những nơi không được và nơi có thể xây dựng phục vụ du lịch
và dân sinh, nhưng phải đi kèm các quy định khống chế về chiều cao, mật độ,
phong cách kiến trúc, vật liệu, màu sắc... để không gian đô thị quanh di sản được
hài hòa.
Và cuối cùng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ Văn hóa,
Thể thao và Du lịch. Bởi thực tế, ai cũng thấy nhà hàng nằm ở vị trí đẹp nhất
trong quần thể, vi phạm di sản một cách ngang nhiên, nhưng chính quyền chỉ có thể phạt lỗi xây dựng không
phép chứ không đủ cơ sở pháp lý để phạt lỗi vi phạm di sản. Có kẽ hở này
là do Luật Di sản hiện hành có lỗ hổng rất lớn chưa được Bộ "vá" lại.
Luật Di sản chỉ
phân định vùng lõi vùng I và vùng lõi II của di sản là vùng cần bảo vệ,
nhưng thực tế công trình
khách sạn lại nằm ngoài vùng I và II này. Hoặc nói cách khác, phần trách nhiệm
của Bộ Văn hóa rất lớn khi đã phê duyệt di sản Mã Pì Lèng, nhưng lại không xếp khu vực xây nhà hàng vào trong
ranh giới vùng bảo vệ của di sản. Đáng lý ra, khu vực đặt nhà hàng nếu
không được xếp vào vùng II, thì cũng phải được xếp vào vùng đệm có ảnh hưởng trực
tiếp đến di sản, được sự bảo vệ của luật di sản. Bởi đó là nơi có điểm nhìn đẹp và trực diện đến di sản;
và từ trung tâm di sản nhìn ra cũng bao quát nó.
Nếu điều chỉnh được Luật Di sản, chúng ta không chỉ cứu một
mình Mã Pì Lèng mà còn cứu hàng nghìn di sản khác trên toàn quốc. Tôi hy vọng tất
cả những di sản quốc gia của Việt Nam phải đi kèm hồ sơ quy hoạch chứ không "bơ vơ" như bây giờ.
Trong đó, giống như đảo Mont Saint Michel, không gian di sản và vùng ảnh hưởng
của di sản phải được bảo vệ nghiêm ngặt, kèm theo hướng dẫn ứng xử chi tiết cho
mọi người. Muốn làm tốt việc gì, ta cũng phải dựa trên cơ sở nền pháp trị và thứ pháp trị đó phải được mọi
người tôn trọng. Bởi nếu không thì có cũng như không.
KTS. NGÔ VIẾT NAM SƠN
Theo: VNEX
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét