Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

DẠY VÀ HỌC NGỮ VĂN TRONG TRƯỜNG PHỔ THÔNG: NHỮNG GỢI Ý MỞ

Một ý kiến đề xuất bỏ tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao ra khỏi chương trình sách giáo khoa THPT đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên những văn bản ngữ văn trong sách giáo khoa nhận được những tranh luận trái chiều.

Theo PGS TS Đỗ Ngọc Thống - tổng chủ biên chương trình môn Ngữ văn mới, sắp tới chương trình chỉ yêu cầu 6 tác phẩm quan trọng, bắt buộc; tất cả các tác phẩm còn lại chỉ nêu trong một danh mục gợi ý, trong đó tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao.

Những góc nhìn

Khơi mào cho cuộc tranh luận về tác phẩm “Chí Phèo” là ý kiến của anh Nguyễn Sóng Hiền, một nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia).

Theo anh Hiền, xét ở góc độ giáo dục, tác phẩm này tác động tiêu cực tới tâm lý của các em học sinh lớp 11, giai đoạn mà sự phát triển về tâm sinh lý khá phức tạp.

Vì vậy, cần cân nhắc để cắt bỏ hoặc chuyển nó ở cấp học cao hơn dù tác phẩm đó có kinh điển đến như nào nữa.

Anh Hiền cũng khẳng định đây là một góc nhìn mới ở khía cạnh giáo dục để mong rằng các nhà biên soạn và thiết kế sách giáo khoa có một cái nhìn toàn diện hơn với bất kỳ tác phẩm nào khi đưa vào giảng dạy cho các em.

Trên thực tế, những văn bản hiện hành trong sách giáo khoa môn Ngữ văn trong trường phổ thông vẫn luôn nhận được sự quan tâm của dư luận.

Cách đây ít lâu, việc các tác giả viết sách giáo khoa lớp 10 sửa lại đoạn cuối trong truyện cổ tích “Tấm Cám” cũng gặp phải những ý kiến trái chiều.

Thay vì để Tấm đem Cám làm mắm và gửi dì ghẻ ăn như ở văn bản truyện dân gian thì sách đã rút lại ngắn gọn: “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết”…

Không chỉ ở Việt Nam, những tranh luận như thế này cũng diễn ra ở nhiều nước trên thế giới.

Chẳng hạn, ở Anh, một bà mẹ đã đề nghị truyện cổ tích “Nàng công chúa ngủ trong rừng” phải được bỏ ra khỏi chương trình ở trường tiểu học của con trai cô vì nó khuyến khích những hành vi “không thích hợp” ở lứa tuổi này.

Cụ thể, chi tiết khiến bà mẹ này lo lắng là hoàng tử hôn nàng công chúa để đánh thức cô dậy mà chưa có sự cho phép của nàng. Tuy nhiên, người mẹ này cũng gợi ý đây sẽ là một nguồn tài liệu tuyệt vời cho những đứa trẻ lớp lớn, có thể thảo luận với trẻ xung quanh vấn đề này, về sự đồng ý, về cảm xúc của nàng công chúa...

Tôn trọng sự khác biệt

Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT chuyên Biên Hòa (tỉnh Hà Nam) cho rằng, mỗi người đều có quyền đưa ra quan điểm riêng của mình đối với bất kỳ vấn đề gì trong cuộc sống cũng như một tác phẩm văn học.

Cần tôn trọng sự khác biệt trong xã hội. Nhất là với cách dạy học môn Ngữ văn hiện nay đề cao sự gợi mở, dẫn dắt để học sinh bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của mình thay vì giáo viên chỉ áp đặt, yêu cầu 100 học sinh viết 1 giọng văn như văn mẫu thì sẽ giết chết sự sáng tạo của không chỉ trò mà cả người thầy.

Đối với riêng tác phẩm “Chí Phèo”, cô Nhàn nêu quan điểm đây là một kiệt tác của văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945 đã được giảng dạy trong chương trình từ khi cô còn học ở phổ thông.

Lúc đó, nhận thức có khác biệt so với khi trở thành giáo viên, đứng trên bục giảng giảng dạy cho học sinh về tác phẩm này.

Tuy nhiên, cảm xúc chung vẫn là sự kính trọng, khâm phục đối với tài năng của nhà văn Nam Cao, hoàn toàn không cảm thấy có những ảnh hưởng xấu gì từ tác phẩm tới sự trưởng thành của cá nhân mình.

Còn đối với việc giảng dạy, cô luôn cố gắng để học sinh được nêu quan điểm riêng của mình, kể cả là những ý kiến không đồng tình với tác phẩm hay những chi tiết trong đó.

Về vấn đề này, PGS TS Đỗ Ngọc Thống cho biết, trong Dự thảo Chương trình Ngữ văn mới đã hoàn thành, chuẩn bị đưa lên mạng xin ý kiến rộng rãi, việc quy định Ngữ liệu, văn bản được xác định theo một cách làm mới.

Cụ thể, chương trình chỉ yêu cầu 6 tác phẩm quan trọng, bắt buộc; tất cả các tác phẩm còn lại chỉ nêu trong một danh mục gợi ý giúp các tác giả sách giáo khoa và giáo viên hình dung ra đề tài, kiểu loại văn bản và mức độ khó theo từng lớp và nhóm lớp; không bắt buộc. Trong danh mục gợi ý ấy có tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao. Còn việc đưa tác phẩm ấy như thế nào vào sách giáo khoa thì tùy vào tác giả của mỗi bộ sách.

Như vậy, nếu cách làm này được thông qua Hội đồng thẩm định quốc gia, thì ngoài những tác phẩm bắt buộc, việc đưa tác phẩm nào vào trong sách giáo khoa sẽ tùy thuộc vào các nhóm tác giả khác nhau.

Với chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa, những tranh luận, góp ý tích cực từ các tổ chức, cá nhân cũng cần được quan tâm, phản biện để từ đó xây dựng những cuốn sách giáo khoa đảm bảo các tiêu chí quán triệt đường lối quan điểm của Đảng và tuân thủ Hiến pháp, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm yêu cầu tinh giản, thiết thực, kế thừa ưu điểm của sách giáo khoa hiện hành.

Ngoài ra, phải cập nhật với xu thế giáo dục hiện đại trên thế giới; gắn với chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà trường...   

HÀN MINH/ ĐĐK



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều