Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

SHAKESPEARE LÀ NGƯỜI PHÓNG ĐÃNG, LƯỠNG TÍNH?


Văn hào Shakespeare là người được ngợi ca vì những cống hiến cho nghệ thuật, nhưng bao quanh con người tài năng ấy lại là những giai thoại gây xôn xao.

Các giai thoại về William Shakespeare có  nhiều, và rất khó kiểm chứng. Tuy nhiên, nó cho chúng ta thấy một cái nhìn khác về đại văn hào, những thông tin mà “giáo viên của bạn không bao giờ kể trong các chương trình giảng dạy văn chương”.

Một số giai thoại ấy được viết trong cuốn Bí mật cuộc đời các đại văn hào (tác giả Robert Schnakenberg). Được sự đồng ý của Nhã Nam - đơn vị nắm bản quyền tiếng Việt cuốn sách - Zing.vn trích đăng một phần các giai thoại.
William Shakespeare làm việc trong phong của mình khoảng năm 1610. Tranh của họa sĩ AH Payne.

Bị bắt, bị tra tấn vì săn trộm nai?

Phải chăng đại thi hào, nhà soạn kịch được yêu quý nhất Anh quốc lại là một “kẻ xấu xa”? Giai thoại được nhiều người biết tới kể rằng vào khoảng những năm 1580, chàng Shakespeare trẻ tuổi đã bị bắt vì săn trộm nai trên đất của một vị thẩm phán quyền lực thuộc Thomas Lucy.

Không bao lâu sau khi Shakespeare qua đời, giáo sĩ Richard Davies đến từ Gloucestsshire đã viết rằng, “khi còn là một thanh niên, nhà soạn kịch liên tục hứng xui xẻo trong các vụ săn trộm hươu và thỏ”, và rằng Lucy “thường cho người quất roi và thi thoảng giam giữ, cuối cùng là khiến chàng trai trẻ phải cao chạy xa bay khỏi miền đất quê hương, để đến nơi gặt hái sự tiến bộ vượt bậc”.

Dù lý do có là gì, Shakespeare đúng là đã chạy khỏi Stratford để đến London vào quãng thời gian đó. Thậm chí chàng có lẽ còn báo thù được phần nào kẻ đã tra tấn mình. Nhân vật ngài Thẩm phán Shallow trong Các bà vợ vui vẻ ở thị trấn Windsor và Henry VI, Phần 2 được cho là hình ảnh châm biếm được che đậy mỏng manh về Lucy.

Người trốn thuế

Đến năm 1597, Shakespeare đã là người khá giàu có theo tiêu chuẩn xã hội vào thời của ông. Và rõ ràng là ông đã khám phá ra chiến lược truyền thống để duy trì sự thịnh vượng của một kẻ giàu có: lách luật để trốn thuế.

Thi hào được liệt vào danh sách những người trốn thuế trong Danh sách Đánh thuế của Cơ quan hỗ trợ thu thuế cho Đức vua năm đó. Ba năm sau, có vẻ như món nợ của ông vẫn chưa được trả.

Một chứng từ thuế vào năm 1600 có ghi rằng “một hóa đơn thuế 13 silinh và 4 xu vẫn còn chưa được thanh toán” và chuyển món nợ còn khất của nhà soạn kịch cho Giám mục xứ Winchester, người có thẩm quyền đối với cả nhà tù khét tiếng dành cho các con nợ ở London.

Các ghi chép sau đó có nói rằng Shakespeare - hay một ai đó đại diện cho ông - rốt cuộc cũng đã chịu nhả tiền ra.

Có con rơi?

Những đứa con hoang chiếm vai trò chủ đạo trong một vài vở hài kịch của Shakespeare, thế nên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chính ông cũng “làm ra” một đứa trẻ như thế.

Nhà soạn kịch dành hầu hết thời gian ở London, để mặc vợ, Anne Hathaway, một tay nuôi dạy những đứa con của họ. Khi về quê thăm gia đình, ông thường đi ngang qua thị trấn Oxford. Ở đây, ông thường nghỉ chân tại quán trọ của ông John Davenant, một người bán rượu vang giàu có.

Davenant có một cô vợ hấp dẫn tên là Jane, và, ui chà, người ta đồn rằng nàng Jane và chàng Billy Shakes (một biệt danh khác của Shakespeare) đã gian díu với nhau.

Con trai của cô, có tên là - e hèm - William Davenant, sinh vào tháng Hai năm 1606. Shakespeare là cha đỡ đầu của đứa trẻ. Khi cậu bé lớn lên, cậu bắt đầu có những nét giống với “nguyên bản” theo đồn thổi đến kinh ngạc.

Will Davenant trở thành một nhà soạn kịch, quản lý nhà hát và nhà thơ được trọng vọng, và sau này được chỉ định là nhà thơ Hoàng gia Anh vào năm 1637. Thậm chí ông còn cộng tác với John Dryden để soạn lại vở Giông tố (The Tempest) vào năm 1667.

Samuel Bulter có lần nói về Davenant như sau: “Dường như ông cho rằng mình đang chắp bút với tinh thần của chính Shakespeare, và có vẻ khá hài lòng khi được gọi là Shakespeare ‘con’”. Không có kiểm tra ADN, chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết được liệu lời tuyên bố trên có đúng không.

Lưỡng tính

Chuyện Shakespeare sống có phần phóng đãng thì khỏi cần phải bàn cãi. Dẫu gì thì ông cũng từng dành 26 bài thơ xo nê (sonnet) màu sắc dục cho một người phụ nữ khuyết danh đã có chồng mà ông gọi là Quý bà Bóng tối. Nhưng liệu nhà thơ được sùng bái nhất thế giới kia thi thoảng có qua “chơi ở đội bên kia” không?

Các học giả vẫn còn bàn cãi về việc Shakespeare có phải là người song tính luyến ái hay không. Những người ủng hộ ý kiến này nhắc đến 126 bài sonnet khác mà ông đã viết cho một người đàn ông, được biết đến dưới cái tên Chàng trai trẻ Khôi ngô, hay Quý ngài Khôi ngô. Bài sonnet duy nhất được xuất bản khi ông còn sống được dành tặng cho một “Ông W.H.” bí ẩn.

Và trong di chúc của mình, Shakespeare đã để lại tiền bạc cho những người bạn nam của mình là John Heminges, Richard Burbage, và Henry Condell, chỉ để cho họ có thể mua những chiếc nhẫn kỷ niệm để tưởng nhớ tình thân ái giữa ông với họ. Kiểu chứng cứ như vậy đã kích thích sự suy diễn của giới học giả trong nhiều thập kỷ.

Thi thể của thi hào

Nhằm can ngăn những kẻ đào mộ đào xác mình lên và mang nó vào bên trong hầm hài cốt (một tập tục thông thường thời bấy giờ), Shakespere đã cho khắc một lời nguyền lên trên hầm mộ của mình. Bài văn bia như sau đã được khắc lên mộ:

"Hỡi người bạn quý đừng đào lên, vì Chúa
Nắm cát bụi nằm sâu ở trong đây!
Phước lành ban cho ai không động đến những tảng đá này
Kẻ nào di dời xương cốt ta ắt sẽ bị nguyền rủa"

Một số học giả đã đề nghị khai quật hài cốt của Shakespeare lên, vừa để nghiên cứu hộp sọ của ông kỹ hơn, nhằm xác định rõ hơn diện mạo của ông khi còn sống, và cũng để xác minh lời đồn là ông được chôn cất cùng với một tập các kiệt tác chưa được xuất bản. Thế nhưng cho đến bây giờ, chưa một ai có đủ can đảm để bất chấp lời nguyền của Thi hào.

Nguồn: Zing

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều