Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

VĂN NGUYÊN LƯƠNG KHỞI TỪ SÓNG CHỮ SÔNG QUÊ

Là con của một gia đình nông dân nghèo miền Trung, Văn Nguyên Lương vượt khó học hành và trên con đường gập ghềnh trắc trở mưu sinh anh lấy thơ làm điểm tựa giải tỏa nỗi lòng: “Nhóm ngọn lửa vui bằng củi ưu phiền/ Luôn nở nụ cười trong cơn bão tố” (Nốt trầm). Tập thơ Sóng chữ sông quê của anh do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 9/2017 là nỗ lực sáng tạo đáng ghi nhận.
Nhà thơ trẻ Văn Nguyên Lương

Hành nghề giáo dục khoa học tự nhiên nhưng Văn Nguyên Lương lại rất yêu văn chương và có năng khiếu sáng tác thơ. Đó cũng là lẽ thường tình của một người con sinh ra ở vùng đất giàu truyền thống thi ca Quảng Ngãi. Ký ức tuổi thơ, nỗi nhớ quê nhà, kỷ niệm tình đầu cùng nỗi truân chuyên khắc khoải trên hành trình phiêu bạt, sự đồng cảm với những số phận bất hạnh là nguồn cảm hứng cho những tứ thơ đầu tiên của Văn Nguyên Lương, đồng thời cũng phát lộ một con đường thơ mới, tâm huyết, có ý thức sáng tạo với những tín hiệu đáng chờ đợi.

Dần dần bước qua những vần thơ nên vần nên điệu, với vốn văn hóa căn bản của một người chịu khó học và đọc, Văn Nguyên Lương tự tin tạo dựng một không gian thơ riêng mình trên cơ sở tiếp nối có chọn lọc tinh thần thi ca của những người đi trước. Trong bài thơ Nơi tôi sinh ra, anh giới thiệu về mình:

“Tôi mở mắt đón ánh sáng cuộc đời
Phía ngọn núi Đồi say nồng giấc ngủ
Dòng sông Thoa chảy dọc tiếng Quảng thiết tha
Hàng cau vẫy tay ngoài ngõ
Bầy chim sẻ ríu rít rủ nhau về làm tổ
Bóng dừa nghiêng nghiêng rơi tiếng chìa vôi”

Lời thơ gần gũi chân thành mà sâu lắng, tinh tế bằng sự kết hợp, liên tưởng hàng loạt thi ảnh giàu sức gợi cảm. Không thấm đẫm hồn quê, tình quê và khả năng biến hóa ngôn từ thì khó mà viết được những câu thơ sinh động như vậy. Tình yêu quê hương sâu nặng trong thơ anh còn thể hiện qua hình ảnh “ngọn đèn dầu thức thâu đêm” của mẹ, “tiếng bài chòi ngoại hát” thay lời ru, dòng sông trăng “gặp nhau trong nỗi nhớ quê” với chị, tiếng ve khóc cười “giục cánh phượng rơi ngời ánh lửa”, “chùm hoa khế ủ hương” vỡ òa kỷ niệm, “ngồi đếm lá nhớ cố hương” những chiều gió lùa… và từ đó anh đi tìm lại bản thể chính mình, với bao Câu hỏi không lời:

“Ai mang tơ buộc loạn tim mình
Câu hỏi gửi trời xanh, biển thẳm
Thanh âm vút lên lúc trầm lúc bổng
Rơi xuống hố thẳm khôn cùng ...
Ai giải giùm ta,
Câu hỏi không lời...”
Tập thơ Sóng chữ sông quê của Văn Nguyên Lương

Tự hỏi rồi tự âm thầm suy ngẫm, mạnh mẽ vươn lên như “loài cây lớn theo chiều thẳng đứng” giữa bầu trời đôi khi “khô héo niềm tin” vì những điều phi lý, như trong bài Tìm anh viết:

“Vắt kiệt giọt sữa cuối cùng
Mẹ mớm tôi tiếng khóc
Mớm cả tiếng cười trong bão táp mưa sa
Tôi như loài cây lớn theo chiều thẳng đứng
Vươn giữa bầu trời học triết lý đường cong
Học cả những điều phi lý...”

Với một người trẻ thì tình yêu lứa đôi bao giờ cũng chiếm lĩnh tâm hồn. Trong tập thơ đầu tay của Văn Nguyên Lương, thơ tình cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo kể từ khi anh Vấp tình: “Từ độ vấp ánh mắt em/ Anh chơi vơi giữa cuộc đời mộng mị/ Đắp nỗi nhớ lên giấc ngủ/ Gối đầu về phía không em”. Anh ngơ ngác phát hiện ở người yêu “Ánh mắt dài như sợi chỉ/ Khâu nỗi buồn anh hóa kiếp” để rồi:

“Chợt ngày tím biếc bằng lăng
Đỏ bói chùm phượng vĩ
Chú ve non thức tiếng dậy thì
Giục chúng mình hẹn ước”

               (Bức thư tình đầu)

Hẹn ước rồi lỗi hẹn là câu chuyện muôn thuở của tình yêu. Và có khi vì chuyện lận đận áo cơm đành Lỗi hẹn mà phải trả giá: “Ngày anh về/ Đồi chè xanh tàn úa bên đường/ Em tươi cười trong vòng tay người khác”. Cuống cuồng yêu thương, hờn giận, cách xa, nhớ nhung chia tay, trả giá, đau khổ là lẽ thường tình của những lứa đôi trong cuộc đời này. Và chính sự trong sự khổ đau mà thơ tình đã cất lên tiếng nói, dù biết tình yêu muôn đời là nghịch lý “Biết không còn gì/ Sao vẫn vấp/ Tình ơi…” (Vấp tình).

Như nhiều người trẻ yêu văn chương khác, Văn Nguyên Lương đầu tiên đến với thơ như trò chơi giải trí giải tỏa những u uẩn nỗi tình. Nhưng càng dấn thân vào thế giới thi ca kỳ diệu, anh càng phát hiện vẻ đẹp của thơ và năng lực tiềm ẩn chính mình. Bây giờ thì với Văn Nguyên Lương thơ không còn là trò chơi giản đơn như thả diều, bắn bi, nhảy lò cò của tuổi thơ mà là trò chơi “trời cho” đầy đam mê sáng tạo “đất hứa” chữ nghĩa: “Ta đi tìm vùng đất hứa đời ta/ Chở nắng gió bao mùa cày ải/ Sinh sôi.../ Câu thơ ngập nắng vàng tươi” (An nhiên). Anh cũng hy vọng hành trình thơ của mình, mà khởi đầu là Sóng chữ sông quê, sẽ chạm được “bờ vui” tri âm bằng “tay chèo tràn đầy sinh lực” vượt biển đời cam go thử thách với ước mơ “bừng lên hương sắc tình người”: “Chở đôi thúng chữ/ Vượt biển vô thường/ Cơm áo nửa đường rơi/ Từ bến sông mơ ước/ Ngọn nồm ý chí thổi lộng cánh buồm” (Sóng chữ).

Khởi từ Sóng chữ sông quê, hành trình dấn thân và đam mê của Văn Nguyên Lương hy vọng sẽ còn mang lại nhiều mới lạ khi anh hòa nhập vào biển đời thi ca mênh mông và quyến rũ.

PHAN HOÀNG
(Lời tựa tập thơ Sóng chữ sông quê của Văn Nguyên Lương)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều