Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Tính đến nay, nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã công bố sáu tập
truyện ngắn: Gió lạnh (1999), Vàng xưa (2003), Thất huyền cầm (2006), Sẫm
violet (2013), Hương mỹ nhân (2016) và Vườn mộng (2018).
Trong nghiệp văn, có người lóe sáng ngay từ khi mới cầm bút, nhưng về sau không
giữ được khí sắc; có người thì “chầm chậm tới mình”. Nguyễn Văn Thọ thuộc
kiểu nhà văn thứ hai, càng viết càng đằm sâu, quyến rũ.
Liên tiếp trong hai năm vừa qua, nhà văn ra mắt liền hai
tập truyện ngắn đầy đặn, có tiếng vang trên văn đàn là Hương mỹ nhân (24 truyện) và Vườn mộng (18
truyện); như một sự tổng kết sự nghiệp sáng tác truyện ngắn. Ông tuyên bố “chia
tay” truyện ngắn, chỉ dồn sức viết tiểu thuyết. Nhưng độc giả thì ngược lại, vẫn tin tưởng Nguyễn Văn Thọ tiếp
tục “xuất thần” với thể loại này.
Nếu coi truyện
ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Thọ là một bức tranh nhiều màu sắc về đời sống xã
hội và con người thời hiện đại, có
thể nhận ra ba mảng màu nổi bật trong Hương mỹ nhân và Vườn mộng, đó là: chiến
tranh - hậu chiến, Hà Nội xưa – nay và thân phận cộng đồng người Việt Nam ở nước
ngoài. Tuy là ba mảng màu khác nhau, tưởng như không có mối liên hệ nào, nhưng
thực ra chúng được cố kết bằng một “sợi chỉ đỏ”, đó là tâm thế, bản tính, thân
phận của người Việt Nam trong những hoàn cảnh sống khác nhau.
Từng hơn mười
năm trực tiếp cầm súng ở chiến trường cho nên đề tài chiến tranh và người lính
luôn được nhà văn quan tâm sâu sắc. Ông viết sự thật chiến tranh qua con mắt của
người lính binh nhì, trực tiếp từ chiến hào, đem đến những tác phẩm ròng
ròng sự sống. Tấm chăn màu huyết dụ, Lời hứa của chiến tranh, Vàng xưa, Vô danh trận mạc, Mùi thuốc súng, Người
Hà Nội, Lửa thơ Zippo, Rồi chúng con sẽ trở lại quê hương, Ám ảnh, Sương đêm,
Thằng Phoóng em tôi,...
là một chuỗi ký ức trận mạc được đánh giá qua chiêm nghiệm. Nếu được chọn
mười truyện ngắn hay nhất trên văn đàn đương đại về chiến tranh, theo tôi, Nguyễn
Văn Thọ có thể góp vào Mùi thuốc súng. Chiến tranh đầy tàn khốc, nhưng có thể con người lớn lên trong nỗi
đau. Bài học về lòng nhân ái, vượt qua định kiến, thù hận, đề cao khoan dung, hòa hợp là tư tưởng then chốt trong truyện ngắn xuất sắc
này thông qua một chuỗi nỗi đau của người lính và nhiều thân phận quanh họ thời
hậu chiến.
Lại có hơn 20
năm bươn chải ở xứ người (tại nước Đức trước và sau thống nhất), cho nên Nguyễn
Văn Thọ hiểu tận chân tơ kẽ tóc đời sống của cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài.
Không có miền đất hứa; không có tự do nhiều đến mức như người ta hay tưởng tượng;
không dễ dàng kiếm được nhiều tiền nếu không bán mặt cho đất, bán lưng cho trời,...
Nghĩa là ở đâu trên Trái đất này, con người cũng phải quần quật lao động vì
mưu sinh. Lá bùa, Một người
Đức, Trên tàu, Vườn Maria, Bản năng, Bản ngã, Chuyện của Huệ, Thật
là giản đơn, Phải sống, Trong bão tuyết,... là những truyện dường như được chắt ra từ nước mắt khi viết, vì
chính tác giả trước hết thấm thía nỗi
cơ hàn của kẻ ly hương.
Phấn đấu vì
miếng cơm manh áo nơi xứ người đến một
lúc nào đó có thể tạm ổn thỏa; nhưng để ngẩng cao đầu vì mình có thể đối
thoại văn hóa với người ta hay không lại là chuyện “vượt vũ môn”. Những truyện viết về cộng đồng người
Việt Nam ở xứ người có sự vật vã, bền bỉ, âm thầm của một cuộc giao
tranh, đối thoại văn hóa khi Trái đất là một “thế giới phẳng”. Chính vì quan
tâm đến vấn đề căn cốt này mà tác phẩm có được chiều sâu và hàm lượng văn hóa.
Mảng tác phẩm
khác khiến độc giả thú vị là những truyện về Hà Nội xưa và nay. Văn học Việt
Nam từng có Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Vũ Bằng,... viết tài hoa và sâu lắng
về Hà Nội trước đây. Nay lại có thêm Băng Sơn, Ma Văn Kháng, Nguyễn Văn Thọ,
Nguyễn Ngọc Tiến, Trần Chiến,... mỗi người một vẻ. Nguyễn Văn Thọ có vẻ như vạch
ra một nẻo lối vào văn chương khi viết Vườn mộng, Phố cũ I, Phố cũ II,
Lạc tiên, Tình yêu người thợ giày, Muối mặn, Lạc cõi giang hồ,... Nghĩa là “chuyện
cũ” nhưng không hề cũ ý
nghĩa, thậm chí dẫu có “muôn năm cũ” thì vẫn là hồn cốt của xứ Kinh kỳ.
Tuy gốc gác không phải Hà Nội, nhưng Nguyễn Văn Thọ cũng như nhiều người, quyết
không coi mình là dân ngụ cư ở
trung tâm văn hóa của cả nước. Ông viết bằng cả một tình yêu Hà Nội,
không phải ngòi bút nào cũng làm được nếu chỉ theo lối “cưỡi ngựa xem hoa” hay
“ham thanh chuộng lạ” như cách nói dân gian. Mỗi trang viết ở chủ đề này tác giả
đều cố gắng giữ được cái “chất Hà thành” của người và cảnh của một vùng, một không gian địa linh nhân kiệt.
Nguyễn Văn Thọ
là một cây bút truyện ngắn có nghề. Ông quyến rũ độc giả trước hết bằng tình
cảm đắm đuối với cuộc sống và con người, trân trọng và đề cao giá trị văn hóa tinh thần, chủ nghĩa nhân văn,
tâm thế hòa giải, hòa hợp và khoan dung. Nhưng đồng thời nhà văn có ý thức tạo hấp
lực của tác phẩm văn chương bằng các yếu tố nghệ thuật đa dạng. Truyện ngắn
Nguyễn Văn Thọ hấp dẫn về cốt truyện, đặc sắc về chi tiết, đa dạng về giọng điệu;
có “mầm mống tiểu thuyết”. Bằng chứng là từ truyện ngắn đến tiểu thuyết chỉ một
bước như trường hợp tiểu thuyết Quyên được xây dựng trên hai
truyện ngắn Bản năng, Bản ngã.
Văn chương của ông có nhịp điệu khẩn trương phù hợp nhịp
sống hiện đại, câu văn thường ngắn, chủ yếu sử dụng từ thuần Việt. Tuy nhiên, tổng
thể tác phẩm và truyện ngắn Nguyễn Văn Thọ cũng có những “hở sườn” nhất định.
Đó là việc tác giả vẫn còn “tham lam” khi kể, thiếu tiết chế cho nên truyện thường dài, đôi khi lan man. Tác giả đóng
vai “người cha tinh thần” của nhân vật nên có lúc dẫn đến tình trạng
“bao cấp tư tưởng”; độc giả đôi chỗ
có chút tiếc nuối vì nhà văn đã nói hết, giải quyết hết mọi chuyện, trí
tưởng tượng của người đọc ít nhiều bị
hạn chế. Theo tôi, chùm năm truyện ngắn hay nhất Nguyễn Văn Thọ đã viết,
có thể là: Vàng xưa,
Sẫm violet, Hương mỹ nhân, Vườn mộng và Mùi thuốc súng.
BÙI VIỆT THẮNG
Nguồn: NVTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét