Cũng thế, khi
những cây bút trẻ trưởng thành sau biến cố tháng 4-1975, rầm rộ lên đường với
chủ tâm chứng tỏ sự hiện diện, hoặc cho thấy “đẳng cấp” của mình; qua
nhiều chọn lựa phong cách chữ, nghĩa khác nhau - Khiến một số người đọc hoang mang, ngơ ngác trước những xu hướng
như:
- Không ngần
ngại dấn sâu vào lãnh vực dục tính...
- “Lên đồng chữ, nghĩa” với những chủ đề lớn như sinh, tử,
triết lý hư vô... (Hoặc)
- Lý luận, biện giải về tình yêu, đời thường với những từ
ngữ “cao siêu” tới mức không ai hiểu, nhằm phô diễn kiến thức “tự đồng thiếp” của
họ...
Trước những hiện tượng này, dư luận thường chẻ đôi: Một số hưởng ứng, ủng hộ.
Cho rằng đó là... “cách tân” là... “đổi mới”. Là ngang tầm... hiện đại. Số khác lắc
đầu! Ngao ngán! Cho là vô nghĩa. Hoặc, chỉ cho thấy nỗ lực “phá sản” chữ, nghĩa
một cách đáng lo ngại!
Đứng ngoài, rất
xa mấy xu hướng trên, may mắn thay, người đọc vẫn gặp được những dòng thơ trong, lành của những cây bút thuộc thế
hệ trưởng thành sau biến cố tháng 4-1975. Có nhiều người rất trẻ. Họ thuộc thế
hệ sinh sau tháng 4-1975.
Trong số những
người trẻ làm thơ, viết văn, thuộc thế hệ vừa kể, tôi thấy có Trần Lê Sơn Ý,
sinh năm 1977, tác giả thi phẩm “Cơn ngạt thở tình cờ”. Người được nhà thơ Ý Nhi cho là có những bài
thơ “rất trong” và, “rất tươi”.
Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý
Không “đồng thiếp chữ, nghĩa” để chứng tỏ “đẳng
cấp” mà, chỉ bằng vào những cảm xúc ghi nhận được từ đời thường, nhưng cõi-giới
thi ca của Trần Lê Sơn Ý
không vì thế mà không mới. Lạ. Thí dụ trong bài “Hẹn nhau một nụ cười”, Trần Lê Sơn Ý viết:
“Hẹn nhau một nụ cười
Giữa những làn xe
Ào ạt
Nụ cười không dừng lại mà trôi
Người đi xuôi ngược
Hẹn nhau một cái gật đầu
Mỗi lần đi ngang ô cửa
Bao giờ cũng tưởng tượng
Hoa tầm xuân giăng biếc góc đường
Hẹn nhau một cơn mưa xuân
Chiếc dù đỏ chói chang chặn bao lời bất tận
Bài hát đành là giai điệu nằm yên
Đợi...”
Và:
“Nụ cười thành đoá hoa bất thần
Nở giữa đi về dào dạt
Tôi cắm trong bình tôi
Ngày mai
Mùa còn đến kịp.”
Ba câu cuối, ở đoạn thơ trên, cho người đọc “đóa hoa bất
thần” được “Tôi cắm trong bình tôi / Ngày mai / Mùa còn đến kịp.”
Hoặc mấy câu trong bài “Đồng thoại”, Trần Lê Sơn Ý
viết:
“...Tôi đã hát những đêm đông xám buốt, những trưa
vàng
Hát trên đầu ngọn sóng, hát dưới đồi sỏi xanh
Hát bằng nỗi sợ hãi của chú ve
Dưới sân khấu chỉ có mùa hè mặc áo đen làm thính giả...”
Hát trên đầu ngọn sóng, hát dưới đồi sỏi xanh
Hát bằng nỗi sợ hãi của chú ve
Dưới sân khấu chỉ có mùa hè mặc áo đen làm thính giả...”
Tôi nghĩ, không cần phải có một khả năng liên tưởng mạnh
mẽ gì, chỉ với chút lắng tâm, nghiêng hồn, ta cũng có thể thấy một loạt hình ảnh
và, những cảm thức đậm thi tính tương tác chặt chẽ với nhau, như một nối kết bất
khả chia, lìa - - Giữa “chú ve, nỗi sợ hãi, sân khấu (mùa hè) thính giả” và,
bất ngờ hình ảnh thật mới mẻ: “mùa hè mặc áo đen”...
(Thính giả nào mặc áo đen trong đoạn thơ
này (?) Nếu không phải chính là chú ve lắng nghe tiếng hát mình dội lại niềm cô
tịch, mang tên “nỗi sợ hãi”?)
Trước đó, Trần Lê Sơn Ý cũng cho người đọc cảm thức
riêng, bất ngờ của cô, khi:
“Chỉ xin làm con phù du đơn độc
Một lần bay chạm mặt bình minh”
Một lần bay chạm mặt bình minh”
Không “đồng thiếp chữ, nghĩa” để chứng tỏ “đẳng cấp”,
không khai thác dục tính để chứng tỏ... “bản lĩnh”... thời thượng như một số những
cây bút trẻ khác, Trần Lê Sơn Ý chỉ bằng vào những cảm xúc ghi nhận được từ đời
thường... Nhưng cõi-giới thi ca của Trần Lê Sơn Ý, tự thân “rất
trong” và “rất tươi”, đã mang lại cho người đọc một
thổ-ngơi khác. Chúng như những cơn gió đưa hơi mát và, chút heo may về giữa đất
trời phỏng, rẫy nắng hạn. Chúng như những trận mưa êm đềm, lay tỉnh ta thức giấc
giữa ngột ngạt đêm; để thấy mình tách thoát khỏi mạch chảy dằn xóc xu hướng “thức
ăn nhanh”, “mì ăn liền” hiện nay:
“Em nhận ra niềm vui kia mang gương mặt của nỗi buồn
Và từ đó nỗi buồn cứ theo em mỗi lần bay lên và rơi xuống”
Và từ đó nỗi buồn cứ theo em mỗi lần bay lên và rơi xuống”
(Trích “Bông tuyết”)
Hoặc:
“Này đôi mắt của bình nguyên
Đừng giấu trong veo trên đầu ngọn cỏ
Tôi sợ mặt trời lên
Đừng giấu trong veo trên đầu ngọn cỏ
Tôi sợ mặt trời lên
Này đôi mắt của bình nguyên
Đừng giấu giọng nói của mình trong mắt lồ ô
Tôi làm sao tìm nổi
Chẳng lẽ ngàn năm ngồi đợi gió mơ hồ
Đừng giấu giọng nói của mình trong mắt lồ ô
Tôi làm sao tìm nổi
Chẳng lẽ ngàn năm ngồi đợi gió mơ hồ
Này đôi mắt của bình nguyên
Đừng giấu đỏ hoe vào sau bờm ngựa
Hãy cứ nhìn tôi như lá cỏ ấy
Cho ngựa ăn đi rồi dắt chúng ra về”
Đừng giấu đỏ hoe vào sau bờm ngựa
Hãy cứ nhìn tôi như lá cỏ ấy
Cho ngựa ăn đi rồi dắt chúng ra về”
(Trích “Đôi mắt bình nguyên”).
Tuy nhiên, một khía cạnh khác trong thơ Trần Lê Sơn Ý khiến
tôi chú ý nhiều nhất, là những câu thơ như những câu hỏi bình thường, nhưng gợi
mở của chúng lại dẫn đắt tôi tới liên tưởng của những... “công án”. Tôi muốn gọi
đó là “công-án-thơ”, trong cõi-giới thi ca Trần Lê Sơn Ý.
Thí dụ trong bài thơ “Gọi mưa”, Trần Lê Sơn Ý viết:
“Đôi mắt em làm tôi nhớ tiếng chuông chùa”
Trước nhất, với tôi, câu thơ này, như cánh cửa mở rộng,
thênh thang cho mỗi người một cảm nhận riêng - - Một câu thơ hôm nay (cũng như)
hôm qua, ít có.
Và, chính tính thênh thang, mở rộng của câu thơ, đem đến
cho tôi câu hỏi: Tiếng chuông chùa nào?
- Tiếng chuông chùa gợi niềm an lạc?
-Tiếng chuông chùa phổ độ chúng sinh?
-Tiếng chuông chùa chiêu hồn quỷ đói?
- Tiếng chuông chùa lưu ý ta cuộc đời vô thường? (Hay)
- Tiếng chuông chùa nhắc nhở ta buông bỏ “ngã chấp”?
...
Cũng thế, chỉ cách hai câu, Trần Lê Sơn Ý viết:
“Và tiếng hát em sẽ trở lại
Những ngôi mộ trên cao cũng bớt u buồn”...
Những ngôi mộ trên cao cũng bớt u buồn”...
Trong tôi, lại dấy lên những câu hỏi: Tiếng hát nào?
- Tiếng hát chia sẻ nỗi buồn, nhập được vào những ngôi mộ?
-Tiếng hát là chiếc cầu nối âm, dương?
-Tiếng hát thâu ngắn khoảng cách giữa hiện thực và cõi u
linh?
- Tiếng hát đem ánh sáng bình minh vào sâu hầm mộ tối?
(Hay)
- Tiếng hát như những lời ru chân thiết, dành cho những
lãng quên, vốn là bản chất lạnh lùng, tàn khốc của thời gian?
Tôi không biết. Tôi không có câu trả lời rốt ráo. Ngay Trần
Lê Sơn Ý, tôi nghĩ, cũng sẽ không có câu trả lời rốt ráo cho “công-án-thơ” của
mình.
Với tôi, đó là những câu thơ hiếm hoi. Những câu-thơ-mở tới
những tầng trời khác.
Bằng vào tự tin khi tách biệt mình khỏi những xu hướng “đồng
thiếp”; bằng vào những “công-án”, tình cờ hiện ra như những điểm son trong thơ
của mình, tôi cho đó là những dấu ấn mạnh mẽ nhất trong cõi-giới thơ Trần Lê
Sơn Ý vậy.
DU TỬ LÊ
Garden Grove, June 2015
Nguồn: dutule.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét