1. Gần đây, khi nói đến văn học thế giới
trong bối cảnh toàn cầu hóa, người ta thường nhắc đến bộ phận văn học di dân
(emigrant literature) và văn học thiểu số (ethnic literature) trong mối băn
khoăn về vấn đề trung tâm - ngoại biên cũng như tính chất “giải lãnh thổ
hóa” của nền văn học.
Trong đó, văn học di dân như một diễn trình tồn sinh của
những tiếng nói bên ngoài đường biên, những tâm thức “ở giữa”, những tha nhân cất
lời giữa hoan ca và bi kịch phận đời. Dẫu cho ở thời hiện đại, không gian không
còn khả năng phân cách, các ranh giới bị xóa nhòa, văn học vẫn không có con đường
chung cho tất cả mọi người. Ở bên ngoài lãnh thổ địa lí của một quốc gia, một
dân tộc thì đã trở thành “tha nhân”, “tha hương” với những ý thức phân li từ cội rễ và những ám ảnh ngoài lề
không bao giờ nguôi dứt.
Văn chương di dân,
tức văn học của các tác giả không sinh sống trên quê hương đất nước của mình, có thể là vì tị nạn,
di cư, hoặc bất cứ lí do nào khác.
Hiểu như vậy, khái niệm văn chương di dân liên quan đến, và có thể bao trùm cả
văn học hải ngoại (oversea literature) vốn khá chung chung, văn học lưu đày
(exile literature) vốn đậm tính chính trị - xã hội, hay một khái niệm
khác là văn chương vô xứ (literature of displacement)... Ngày nay, quan niệm về
văn học di dân đã mở rộng rất nhiều trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cùng với vấn đề
xuyên văn hóa (transculture), xuyên quốc gia (transnation) là sự thích ứng với
bối cảnh, văn hóa và tìm kiếm bản sắc (identity) trong cái chung ngày càng mở rộng.
Văn học di dân vì thế không hẳn là lưu vong, lạc loài, mà còn có một vị thế khác trong sự dịch chuyển
không ngừng của thời đại. Những nhà văn di dân không sống bên lề của văn hóa
dân tộc hay văn hóa của mảnh đất sở tại; họ đi về giữa hai miền tâm thức của thực
tại và quá khứ, hoài vọng nhưng
không nuối tiếc, phê phán nhưng không phủ nhận. Có thể lắng nghe tiếng nói ấy
qua việc tìm hiểu văn học di dân Nhật Bản - mà lực lượng sáng tác lại khá ít ỏi so với các cộng đồng
di dân châu Á khác như Trung Quốc, Ấn Độ...
Văn học Nhật Bản
phát triển khá thuần nhất xuyên suốt các thời kì lịch sử. Yếu tố địa lí
(tính chất đảo), đặc điểm dân cư (chủ yếu là người Nhật thuần chủng) và chính sách chính trị (có những giai đoạn dài bế
quan tỏa cảng nhưng cũng có những cuộc cải cách vĩ đại, mở cửa canh tân kịp thời)
giúp cho văn chương của người Nhật mang đặc điểm khá nhất quán từ cổ đại đến hiện
đại. Dù được mệnh danh là quốc gia Tây hóa nhanh nhất trong khu vực châu Á,
luôn chuộng điều mới mẻ và nhạy bén với sự chuyển biến của thời đại, người Nhật
vẫn giữ tính cách “bảo thủ” và thậm chí “khắc kỉ” kiểu samurai. Cho đến những
năm cuối thế kỉ XX, quan niệm về nền văn học của dân tộc Phù Tang còn
khoanh vùng trong sáng tác của các nhà văn, nhà thơ Nhật Bản sinh sống trong nước, xuất bản trong nước.
Trong khi đó, cùng luồng di dân Nhật Bản sang các nước khu vực Âu - Mĩ bắt đầu
xuất hiện rõ nét kể từ thời đại Minh Trị (từ 1868), sáng tác của người
Nhật đã xuất hiện trên nhiều quốc gia khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xa hơn là ở phương trời các nước Âu
- Mĩ. Hiện tại, người Nhật sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới, có người định cư
hẳn ở nước ngoài và xây dựng một cộng đồng xa quê, nhưng vẫn có nhiều người Nhật
cứ đi về giữa những miền đất lạ - quen. Thành thử, bản ngã của con người xứ sở hoa anh đào hiện nay mở ra nhiều
khả tính dung chứa những dị biệt đa dạng. Diễn ngôn của văn học di dân Nhật
thâu nhận và thực hành nhiều giá trị văn hóa khác nhau, dần được đón nhận cả
trong và ngoài nước.
Văn học di dân
Nhật Bản hiện nay có thể tính đến những nhà văn gốc Nhật nhưng mang quốc tịch
nước khác, hoặc vẫn mang quốc tịch Nhật nhưng đã định cư ở nước ngoài,
trong đó bao gồm các thế hệ thứ hai, ba, tư... của những người di dân Nhật Bản.
Cộng đồng người di dân Nhật Bản đã gìn giữ tiếng nói và bản sắc của mình bằng
văn chương, gây dựng được khá nhiều thành tựu. Các tác giả có thể sáng tác bằng
tiếng mẹ đẻ hoặc bằng ngôn ngữ của quốc gia mình sinh sống. Tác phẩm chủ yếu được
lưu hành trong cộng đồng người Nhật ở nước ngoài hoặc cố gắng nhập vào dòng
chính của văn học sở tại. Ngày nay, văn học ngoài biên giới của nước Nhật đã tìm được sự đồng cảm và đón nhận
từ quê hương, mở ra nguồn sống mới
cho các sáng tác vô xứ. Có thể kể đến một số tên tuổi nổi bật trong dòng
chảy văn học di dân Nhật Bản như:
- Yoshiko Uchida, người Mĩ gốc Nhật, với hàng loạt tác phẩm
khắc họa đời sống người Nhật tha hương, những nỗ lực gìn giữ gốc rễ và hòa nhập
trước xung đột văn hóa.
- Kyoko Mori,
hiện sống và sáng tác ở Mĩ. Những tác phẩm của bà là sự thực chứng, trải nghiệm
của chính bản thân để khám phá sự khác biệt văn hóa giữa Nhật Bản và Mĩ. Các cuốn
sách mang màu sắc tự truyện ấy đồng thời cũng phản ánh rõ nét tâm thức của
người Mĩ gốc Nhật - thực chất là một
thế hệ Nhật Bản đã chấp nhận một biên cương nối dài.
- Yoko Tawada,
hiện sống và sáng tác ở Đức. Bà viết bằng cả hai thứ tiếng Nhật và Đức. Năm
1996, bà được trao giải thưởng dành cho những nhà văn nước ngoài có đóng góp lớn
cho nền văn hóa Đức. Văn chương của Tawada đầy rẫy những yếu tố siêu nhiên, trí
tưởng tượng bén nhọn cùng lối trần thuật pha trộn phong cách Nhật Bản và Đức.
- Ishiguro
Kazuo là nhà văn Anh gốc Nhật. Sinh ra ở Nagasaki, Ishiguro theo gia đình
sang Anh sinh sống từ năm 1960 và trở thành công dân chính thức của nước Anh năm 1982. Ông giành Giải thưởng
Nobel văn học 2017. Cuốn tiểu thuyết Never let me go (Mãi đừng xa tôi)
ra đời năm 2005 được tạp chí Time xếp vào danh sách “100 cuốn sách tiếng Anh
hay nhất từ năm 1923 đến năm 2005” và xếp tác giả của cuốn sách ấy vào danh
sách “50 nhà văn Anh nổi tiếng nhất kể từ sau 1945”. Ishiguro Kazuo được tạp
chí New York Times ngợi ca là nhà văn “between two world” (giữa hai thế giới) với
tiếng nói mãnh liệt, sâu sắc về những giá trị không bao giờ phai nhạt. Hiện
sách của Kazuo Ishiguro được dịch sang tiếng Việt có cuốn Năm câu chuyện về âm
nhạc và đêm buông (An Lý dịch, Nxb Văn học, 2013), Mãi đừng xa tôi (Trần Tiễn
Cao Đăng dịch, Nxb Văn học, 2008) và Người khổng lồ ngủ quên (Lan Young dịch, Nxb Văn học, 2017).
Ngoài ra, còn
có một số nhà văn Nhật di dân khác đang sống ở Mĩ, Pháp và Canada...
2. Nhìn chung, so với nhiều nước trong khu vực châu Á, văn học di dân Nhật Bản
được nhận định ít phát triển hơn và tâm thức di dân cũng không giống nhiều dân
tộc khác như người Mĩ gốc Phi hay người Việt trên phương trời Âu - Mĩ... Có lẽ
người Nhật không mang mặc cảm thân phận nô lệ như những người da đen, cũng
không gắn với kí ức “trốn chạy quê hương” của nhiều người Việt sau năm 1975 hay
tâm thức như một số người có “động chạm” về vấn đề chính trị với đất nước mình
như Cao Hành Kiện, Salman Rushdie...
Tuy nhiên, đối với nhiều nhà văn di dân Nhật - đặc biệt là các nhà văn lớn lên
trong và sau Thế chiến II - ám ảnh về chiến tranh, về bom nguyên tử, về lòng
tự trọng của một dân tộc đề cao tinh thần võ sĩ đạo hẳn cũng tác động phần nào
đến tâm hồn tha hương của họ. Và ở một khía cạnh nào đó, những con người dù bất
cứ lí do gì phải rời xa tổ quốc cũng đều mang nặng như nhau những hoài niệm và
khát khao tìm kiếm gốc rễ cũng như
phương thức tồn tại nơi xứ người. Theo một thống kê, có 56 tờ báo và tạp chí bằng
tiếng Nhật được xuất bản ở Mĩ trong khoảng thời gian từ 1886 đến 1990. Nếu so với
số dân ít ỏi của Nhật lúc ấy thì con số này cũng thật đáng kể, cho thấy
người Nhật di cư đã ý thức và chủ động gìn giữ những giá trị truyền thống thông
qua các hoạt động ngôn ngữ và nghệ thuật. Nhất là trong giai đoạn đầu vượt Thái
Bình Dương đến Tân thế giới, người
Nhật không hề được đón nhận. Họ cũng như rất nhiều dân tộc khác, đứng giữa đường
biên, chẳng thuộc về xứ sở Phù Tang cũng chưa bám rễ được trên vùng đất mới. Họ
sáng tác bằng tiếng Nhật và cả tiếng Anh, sử dụng các thể loại văn học Nhật Bản
truyền thống như thơ tanka, haiku, senryu... hoặc một chất văn xuôi đẫm mĩ cảm
Phù Tang, với những hư huyễn phương Đông và trữ tình man mác (như tiểu thuyết của Ishiguro Kazuo) hoặc
tính nhật kí hành trình (như
văn viết của Kyoko Mori)...
Một bài thơ
tanka khuyết danh lưu truyền trong văn học của cộng đồng người Nhật ở đảo thiên
đường Hawaii đã viết:
Hawaii, Hawaii
như
một giấc mơ
tôi đã đến
Nhưng nước mắt tôi
giờ đây chảy tuôn
trên những cánh đồng
mía
Có thể thấy, văn học di dân Nhật Bản đã chia sẻ một thức
nhận đau đớn về quá trình phân li và nỗ lực hòa nhập. Nếu quá trình đó vô cùng
day dứt bi đát đối với thế hệ di dân thứ nhất, thì nó đã dần dần bớt khó khăn
hơn với thế hệ thứ hai, thứ ba… Văn học di dân theo thời gian và xu thế phát
triển, tất yếu sẽ mang tính lai ghép (hybridity). Ngày nay, lai ghép được xem
là thuộc tính của thời đại toàn cầu hóa. Nó phản ánh tính logic của quy luật
thích ứng tiến hóa. Các thế hệ nhà văn gốc Nhật cũng như các nhà văn di dân
khác trên thế giới đã sống và viết trong nỗi niềm của một bản sắc đã bị lai
ghép sâu sắc. Tiểu thuyết gia, nhà làm phim người Mĩ gốc Nhật từng đoạt nhiều giải thưởng lớn của văn học và điện ảnh,
Ruth Ozeki, từng nói rằng: “Tôi đã sống phần lớn cuộc đời mình như một kẻ ngoài cuộc. Tôi nhớ thời cấp hai
hay bị bắt nạt, chế giễu và bị đánh đập. Tôi là sự lai ghép hai nền văn hóa, là
con lai - mẹ tôi là người Nhật và cha tôi là da trắng. Tôi lớn lên ở
Connecticut, giữa một nền văn hóa da trắng và lớn lên với suy nghĩ tôi là một
người Nhật. Nhưng sau đó, khi tôi đến Nhật Bản, tôi lại nhận ra rằng mình
chính là người Mĩ”. Cảm thức “độ
Tang Càn”(1) như thế cho thấy một cái nhìn không hẳn là ngậm ngùi, mà đối
với nhiều nhà văn như Ozeki, đó lại là một tri nhận mới mẻ, một sự “thấu thị”
sâu sắc cội rễ và những giá trị thực sự trong hoàn cảnh hiện tại. Họ chấp nhận
sự khác biệt của chính mình, thích ứng và đi tìm tiếng nói riêng trong sự lai
ghép ấy.
Hiện nay, xu hướng viết văn bằng ngôn ngữ khác (Anh, Pháp, Đức...) trong nền văn học di
dân Nhật Bản ngày càng lớn. Đó cũng là điều tất yếu đối với nhiều nền văn
chương hải ngoại, đặc biệt khi các thế hệ người Nhật thứ ba, thứ tư... sinh ra
và lớn lên ở nước ngoài, có thể tiếp xúc văn hóa dân tộc trong một không gian
nhỏ bé của căn nhà gia đình, trong khi hoàn toàn hít thở bầu không khí
ngoại quốc khi bước ra ngõ.
Sáng tác bằng thứ tiếng khác cũng là cách hòa nhập, đôi khi là sự thể hiện tất
yếu của lớp trẻ không còn thạo tiếng mẹ đẻ. Văn học di dân Nhật vì thế cũng chứa
đầy yếu tố ngoại lai, pha tạp nhiều giá trị văn hóa.
Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định văn học di dân mang
tính chất “giải lãnh thổ” (deterritorialization). Dù có liên hệ ít nhiều với
quê hương (viết bằng tiếng Nhật, hướng
về cố quốc với tất cả kinh nghiệm và tâm thức lưu vong) hoặc cách biệt hoàn
toàn (sáng tác bằng thứ tiếng khác, lấy bối cảnh không phải là nước Nhật, hướng
đến đối tượng độc giả khác...), những nhà văn “lưu vong” đều sống giữa các biên
giới và luôn trong quá trình “giải lãnh thổ”: giải lãnh thổ trong ngôn
ngữ viết, giải lãnh thổ trong ý niệm về không gian, và giải lãnh thổ trong văn
hóa... Ngay cả xu hướng muốn dùng thứ tiếng tại đất nước mình đang sống để sáng
tác cũng là nỗ lực “vượt biên” để
xây dựng một thế giới, một không gian khả dĩ cho hiện tồn. Chẳng hạn đọc tiểu
thuyết Mãi đừng xa tôi bằng tiếng Anh của Ishiguro Kazuo, độc giả biết
tiếng Anh mới có thể thưởng thức được, hoặc Kazuo chỉ hướng về cộng đồng nói tiếng
Anh, trong đó tác phẩm xây dựng một bối cảnh hiện đại với hình ảnh nước Anh cuối những năm 1990. Nhiều người
cho rằng, trên hình thức Ishiguro Kazuo là nhà văn Anh gốc Nhật, nhưng
tác phẩm của ông không thể gắn mác Nhật mà gần như đã hòa vào văn học Anh dòng chính. Tuy
nhiên, sự nổi tiếng của ông trong làng văn học thế giới chính là minh chứng cho
sự phát triển của văn học di dân Nhật Bản. Không giống Samuel Beckett hay James
Joyce vốn đã thụ hưởng những giá trị
văn hóa Âu châu từ trong máu thịt gốc gác, Ishiguro Kazuo vẫn là người nghệ sĩ
với một bản sắc độc đáo đã được lai ghép.
Bên cạnh việc các nhà văn di dân cố gắng xích gần với cố
quốc, tìm kiếm độc giả trong nước thì văn học Nhật Bản đương đại còn chứng kiến
một xu hướng văn học “giải biên
cương” (borderless) với hàng loạt nhà văn - tác phẩm Nhật ăn khách ở thị trường
nước ngoài. Đặc biệt họ cũng được xem là những tiếng-nói-khác trong dòng
chảy văn học Nhật. Chẳng hạn cái tên sáng chói Murakami Haruki. Murakami Haruki
hiện nay được xếp vào hàng nhà văn Nhật Bản đương đại nổi tiếng bậc nhất. Nhưng
nhiều người Nhật vẫn xem Murakami là đứa con ngoại lai và những sáng tác đình
đám ấy là văn chương tha hương, một món sa-lát trộn các yếu tố Đông - Tây và
văn hóa đại chúng. Như vậy, không phải chỉ những nhà văn bên ngoài mới có những
sản phẩm mang tính lai ghép. Bản thân nền văn học chính thống của đất nước hoa
anh đào cũng xuất hiện nhiều tiếng nói “vượt biên”, giải lãnh thổ hóa. Điều này cho thấy sự vận động tất yếu
của văn chương Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa.
NGUYỄN PHƯƠNG KHÁNH
Nguồn: VNQĐ
_______________
1. Nhà thơ Giả Đảo xưa qua sông Tang Càn mà hốt nhiên “đốn ngộ”:
xa Hàm Dương mười năm luôn ôm nỗi nhớ mong hoài vọng, thế rồi khoảnh khắc “qua
sông” chợt nhận ra đất khách Tinh Châu cũng là nhà (Khước vọng Tinh Châu thị cố
hương). Cũng như thi hào Basho: Về thăm quê
ngoảnh lại/ Edo là cố hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét