Nhà văn Lê Văn Thảo
Bạn bè gặp nhau, anh rất ít nói về văn chương mà chỉ say
sưa kể về chuyện đời, nhắc chuyện ở rừng, chuyên ăn uống, sinh hoạt của ông bà
ta ở làng quê ngày xửa ngày xưa xa lắc. Anh nhiều lần ao ước có một đêm ngủ lại
trên một chòi cá ở đầm Thị Tường, Cà Mau, nơi mà anh đã lấy bối cảnh viết cuốn
tiểu thuyết Cơn giông. Một nhà thơ ở chót mũi Cà Mau, nói về anh: Trong số các
nhà văn mà tôi thường giao du, bất luận trẻ già, chưa thấy ai đọc sách, nói rõ
là đọc văn học nhiều như nhà văn Lê Văn Thảo. Đi với anh bất cứ đâu, lúc nào, nếu
có một khoảng thời gian không làm gì hay phải chờ ai, là anh giở sách ra. Trong
sách luôn có miếng bìa đánh dấu chỗ cần đọc tiếp. Những người chơi với anh lâu
ngày đều biết điều này: rất hiếm khi nghe anh bàn luận chuyện văn, cả chuyện
chính trị - xã hội nữa. Chỉ nghe anh nói toàn chuyện chơi, chuyện tào lao. Thoảng
hoặc mới nghe anh nói thích cuốn sách vừa đọc của một tác giả nào đó ở châu Phi
hay châu Mỹ có cái tên lạ hoắc. Chính vì vậy mà anh viết như không và sống như
chơi. Cho nên trong những dòng viết đưa tiễn anh về nơi mây khói, tôi không nhắc
nhiều đến chữ nghĩa mà chỉ là những câu chuyện lúc sinh thời anh thường kể cho
chúng tôi nghe hoặc chúng tôi kể anh nghe.
Anh tên thật là Dương Ngọc Huy. Cũng như nhiều nhà văn
vào chiến khu kháng chiến để tránh bị địch truy lùng họ hàng, anh chọn cho mình
cái tên Lê Văn Thảo, theo họ mẹ.
Thời sinh viên, anh học khoa toán Trường Đại học Khoa học
Sài Gòn. Nhưng tại sao anh lại mê viết văn? Anh nói: Không phải người học toán
là không mê văn chương. Thuở đó, anh rất thích đọc tạp chí Bách khoa và Sáng tạo
rồi cũng tập viết truyện. Năm 1962, anh vào chiến khu và truyện ngắn đầu tay
Đêm Tháp Mười in trên báo Văn nghệ giải phóng. Anh là nhà văn, trưởng thành
trong kháng chiến nên hầu hết các tác phẩm của anh trước đây đều viết về đề tài
chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân. Cảm xúc cái gì thì viết
cái nấy, anh nói. Cho nên Lê Văn Thảo rất thích cuốn Sống để kể lại của nhà văn
Marquez. Tôi viết chân thật tự nhiên, cố tránh giả tạo, màu mè, cố ý làm dáng.
Anh nói, thế hệ cầm bút thời của anh ở Nam bộ không nhiều, lại hy sinh không
ít, có người giữa đường lại rẽ sang ngành nghề khác cho nên bản thân phải hết sức
cố gắng được cái nào hay cái nấy và hy vọng thế hệ sau.
Ngay những ngày kháng chiến gian khổ ở chiến khu, Lê Văn
Thảo đã nhiều lần viết thư cho nhà thơ Bảo Định Giang đang công tác tại Hà Nội.
Một bức thư có đoạn: “Kính thưa chú Bảy, đa số anh em trong tổ văn (cháu, anh
Nhã, anh Anh Đức, Diệp Minh Tuyền, Chí Hiếu) đang chuẩn bị đi công tác ở Sài
Gòn và miền Trung Nam bộ. Cháu và anh Nhã vừa viết xong một truyện vừa, có thể
gửi ra trong dịp này. Anh Đức đang viết phần cuối cuốn tiểu thuyết. Chí Hiếu và
Tuyền cũng làm được khá nhiều thơ. Đó là phần “số lượng” còn “chất lượng” thì
còn “hồi hộp” lắm. Riêng về phần cháu thì thú thiệt cháu đang cố gắng dữ lắm.
Cháu còn nhỏ, mới tham gia cách mạng, nhất là mới “nhảy” sang nghề văn này nên
còn phải sống và học nhiều lắm...”
Cuối thư, Lê Văn Thảo viết những dòng riêng tư đầy xúc động:
“... chú Giang ơi, cháu có hai đứa em ra học ngoài đó, nếu có thể cháu có đồng
nhuận bút nào xin chú lãnh giùm đưa cho hai đứa cháu xài đỡ. Đó là em Dương Quốc
Đạt (giáo viên) và Dương Cẩm Thúy (học sinh) ở Trường Nguyễn Văn Trỗi"
(trích sách Văn nghệ một thời để nhớ, NXB Văn hóa - Văn nghệ
TPHCM, 2014).
* * *
Tôi chợt nhớ trong lúc Lê Văn Thảo đang chống chọi với
căn bệnh quái ác, ngày 27-4-2016, nhiều thế hệ bạn văn của anh cùng Hội Nhà văn
thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức buổi tọa đàm về anh như lời chúc sức khỏe và
thêm một nguồn động viên anh tiếp tục “Những năm tháng nhọc nhằn”.
Hôm đó dù không đủ sức để đến dự, có lẽ Lê Văn Thảo cũng
cảm nhận được không khí xúc động và niềm chân thành đáng quý từ những lời tốt đẹp
dành cho anh. Cô em gái Dương Cẩm Thúy của anh rưng rưng nhớ lại: Hồi thoát ly
vào rừng chị học ở Trường Nguyễn Văn Trỗi với bao gian khổ. Trận càn năm 1970,
đã cướp mất một người chị ruột thứ Sáu, chị Dương Thị Lệ Chi. Lúc ấy, anh Lê
Văn Thảo đang ở nơi khác. Sau trận càn, Cẩm Thúy sơ tán và gặp anh của mình
trên đường hành quân, chị nhớ mãi giây phút anh em gặp nhau, anh Thảo nói: “Em
về với anh!”.
Và cũng mới đây thôi, ngày 16-9 vừa qua, anh gọi tôi đến
nhà “để nói chuyện chơi”. Anh nằm nghiêng trên chiếc ghế xếp, còn tôi thì ngồi
sát bên anh, cạnh góc hè mà mỗi lần đến, anh thường kéo ra đó uống trà. Hôm đó,
bằng trí nhớ tuyệt vời và giọng nói rất hào sảng, từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều,
anh kể tôi nghe biết bao nhiêu chuyện như những lời trăn trối sau cùng và tôi kể
anh nghe những chuyện không đầu, không đũa.
Anh cho biết, anh còn một số đề tài nữa mà chưa viết được,
thấy bứt rứt quá! Tôi nói với anh, không ai có thể làm hết việc của một đời người.
Rồi anh kể trường hợp bác Tư Trang, soạn giả Trần Hữu Trang hy sinh trong trận
bom B52 ngày 1-10-1966 tại suối Cây vùng Xa Mát (Tây Ninh) như thế nào. Giờ
phút nghệ sĩ tài hoa Trần Hữu Trang hy sinh, Lê Văn Thảo có mặt tại đó. Rồi sự
ra đời của bài ca Tiếng chày trên sóc Bom Bo của Xuân Hồng ra sao. Anh vừa kể vừa
ca cho tôi nghe những câu hát quen thuộc của lời bài hát. Anh ứa nước mắt mà
tôi cũng không ngăn được giọt lệ về lời ca mộc mạc luôn nhớ một thời. Toàn là
những câu chuyện lần đầu được nghe Lê Văn Thảo kể. Rồi trường hợp Lê Anh Xuân
hy sinh như thế nào? Chúng ta đã biết trong nhật ký của Lê Anh Xuân, dòng cuối
cùng đề ngày 24-5-1968, Lê Văn Thảo ghi: “Hôm nay là ngày Hiến hy sinh. Khoảng
trưa. Hiến không còn nữa. Hiến chết dưới HBM (Hầm bí mật - NV). Lạ thật. Đến tối,
Thảo và anh em chôn Hiến ở ấp Phước Quang, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước".
Anh bảo tôi về tìm đọc lại bài của nhà thơ Viễn Phương
đăng trên báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 5-1984. Đó là tư liệu
chính xác mà tôi đã cắt gửi anh trước đây.
* * *
Anh Thảo đã ra đi, giờ tôi kể lại cho anh nghe một đoạn
mà hôm đó tôi đã đọc, để tưởng nhớ những người bạn đã hy sinh, cuộc sống
gian khổ mà anh dũng ở rừng:
... Hôm ấy vào khoảng 6 giờ chiều. Cơm nước đã xong xuôi
từ sớm. Trong hoàng hôn chập choạng, mỗi người ngồi riêng một góc, im lìm. Hình
như ở mỗi người đều có một nỗi buồn nhớ riêng tư và vào lúc màn đêm dần xuống...
Chiều ấy, tất cả đều im lặng. Bỗng một bóng người lách
qua cửa bước vào. Con mực hực một tiếng nhưng rồi nó không sủa mà chạy theo ngoắt
đuôi, mừng rỡ.
- Ủa, ai như Lê Văn Thảo? Sao về sớm vậy? - tiếng ai đó hỏi.
Thảo không trả lời và hỏi lại:
- Anh Tám (Nguyễn Văn Bổng - NV) đâu rồi?
Tôi chỉ ra bệ cửa sau. Anh Tám đang ngồi im lặng nhìn ra
cánh đồng xa. Lê Văn Thảo đến nói gì nho nhỏ. Chỉ nghe anh Tám kêu: “Trời ơi!”,
Rồi hai người dắt nhau ra bờ dừa nước. Anh Rum Bảo Việt lật đật chạy theo. Tôi
nghĩ ngay đến một việc chẳng lành.
Mười lăm phút sau, các anh trở vào. Anh Tám đến kề tai
tôi nói nhỏ:
- Lê Anh Xuân và Hồng Tân đã hy sinh cả rồi!
Như nghe tiếng sấm nổ rền, tôi thất thần, im lìm, đứng sững!
Sau này có nhà báo hỏi Lê Văn Thảo:
- Thời kháng chiến, anh thích chơi nhất nhà văn nào?
- Tôi chơi thân với Lê Anh Xuân vì cùng sinh viên vào chiến
khu và ở cùng đơn vị. Chúng tôi cùng tham gia tổng tiến công Mậu Thân 1968 và
tiến vào Sài Gòn. Lê Anh Xuân hy sinh trong trận này và chính tôi đã chôn cất
anh.
Ở vùng đất phương Nam này ít gia đình nào có nhiều thế hệ
đã và đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực giáo dục, văn hóa, văn nghệ, báo chí
như gia đình anh. Quý giá lắm, Lê Văn Thảo ơi!
* * *
Định mệnh khắc nghiệt của tự nhiên không cho phép ai
không bước qua giấc ngủ cuối cùng của mỗi đời người. Sinh tử là một luật trời,
không ai vượt qua. Anh sinh năm 1939, nếu tính chi li cho giới hạn của anh được
hưởng, không ít mà cũng không nhiều. Anh mất vào tuổi cận kề 80, nhưng với tôi,
anh là người chết trẻ, bởi tính tình anh, suy nghĩ, tư tưởng của anh, văn
chương của anh toát lên tâm hồn rất trẻ.
Hôm nay anh về nằm bên cạnh những người sinh thành ra
mình, nằm bên cạnh nhiều vị, nhiều đồng đội, đồng nghiệp chung chiến hào với
anh. Anh Thảo ơi, với nhà văn có thể kéo dài cuộc sống của mình bằng văn nghiệp,
bằng tác phẩm. Sách của anh sẽ sống tiếp trong lòng bạn đọc, kể lại với hậu thế
những điều mà anh đã sống ngắn ngủi trên đời này.
21.10.2016
TRẦN THANH
PHƯƠNG
Theo NVTPHCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét