Nhà văn Lê Minh Khuê
ĐẶT VẤN ĐỀ NGHIÊN
CỨU
Trong số các nhà văn đương đại Việt Nam, nếu có thể nói,
Lê Minh Khuê là một hiện tượng văn chương đáng quan tâm vì nhiều lẽ. Trước hết
bà là một nhà văn “trụ hạng” được với truyện ngắn, một thể loại vốn rất khắt
khe với những ai dễ dãi trong sáng tác. Đã có không ít người lầm tưởng truyện
ngắn chỉ là “bài tập”, chỉ là “giấy thông hành” để bước vào làng văn. Thậm chí
có người còn nói quá lên rằng truyện ngắn chỉ là “dao găm súng lục”, đánh gần
mà không đánh xa được. Tinh thần trụ hạng này là nhờ chủ yếu vào sức bền của
ngòi bút, phẩm tính này giúp bà chung thủy chỉ với truyện ngắn và thành danh nhờ
nó. Sự nghiệp văn chương của Lê Minh Khuê gắn với những thành công, thành tựu về
truyện ngắn. Cho đến nay bà đã sở hữu 12 tập truyện ngắn, mỗi tập đánh dấu một
bước đi vững chắc trong nghề văn: Những ngôi sao xa xôi (1973), Cao
điểm mùa hạ (1978), Đoạn kết (1980), Một chiều
xa thành phố(1986), Bi kịch nhỏ (1993), Lê Minh
Khuê - Truyện ngắn (1994), Trong làn gió heo may (2000), Những
dòng sông buổi chiều cơn mưa (2001), Màu xanh man trá (2005), Một
mình qua đường (2007), Những ngôi sao, trái đất, dòng sông(2008), Nhiệt
đới gió mùa (2012).
Trong thời buổi hội nhập, toàn cầu hóa sôi động, văn
chương Việt Nam đang cố gắng thoát khỏi tình trạng “nhập siêu” để tiến đến một
sự cân đối khi có thể “xuất khẩu” ra thế giới với ý nghĩa là một thị trường khó
tính. Theo thời gian, các tác phẩm của các nhà văn đương đại Việt Nam đã có cơ
may “đổ bộ” vào lãnh thổ các nước có truyền thống văn chương lớn như Pháp, Mỹ,
Anh,…Truyện ngắn Lê Minh Khuê đã được dịch sang tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ. Tập
truyện ngắn Những bi kịch nhỏ đã được dịch ra tiếng Đức, đoạt
giải thưởng xuất bản sách tại Hội chợ sách Frankfurt. Nhờ truyện ngắn mà Lê
Minh Khuê đã đặt chân được đến nước Mỹ. Báo chí Mỹ nhận xét khá tinh về tác phẩm
của bà: “Độc giả Mỹ của ngày hôm nay đã đến mức đòi hỏi tính ẩn dụ tinh tế. Lê
Minh Khuê thực sự làm chủ được phép so sánh chính xác. Dưới ngòi bút của bà, lối
so sánh này không gì khác hơn là mang tính giản dị…Từng truyện ngắn khuấy động
để người đọc nghĩ ngợi xa hơn, đưa con người đến một tương lai mà nhà văn hàm ý
hơn là nói trực diện” (Báo Tin Sáng Dallas), “Đây là những truyện nên được
dạy trong những giờ văn học và lịch sử trên toàn nước Mỹ, cả ở trường trung học
phổ thông lẫn đại học” (Báo The Pilot), “Qua bản dịch, hiện lên hình ảnh
tác giả, một người có văn phong đẹp, nghiêm trang, cùng với sự châm biếm tinh
tường, đồng thời có khả năng trong những nhận xét đầy sức khơi gợi” (Thời
báo New York).
Những cống hiến của Lê Minh Khuê trong lĩnh vực văn
chương đã giúp bà nhận được những giải thưởng trong nước và quốc tế: Giải thưởng
Hội Nhà văn Việt Nam 1987 cho tác phẩm Một chiều xa thành phố, Giải
thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 cho tác phẩm Trong làn gió heo may,
Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012. Năm 2008 Lê Minh Khuê đã nhận được Giải
thưởng văn học quốc tế mang tên Byeong Ju Lee (nhà văn lớn Hàn Quốc, 1921-1992)
cho tập truyện ngắn Những ngôi sao, trái đất, dòng sông.
Lê Minh Khuê thuộc số ít các nhà văn đương đại Việt Nam
có tác phẩm được chọn đưa vào chương trình sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 9
(truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi). Giả sử nếu chỉ được phép chọn
năm tác giả truyện ngắn thời kì đổi mới văn chương rất có thể Lê Minh Khuê sẽ nằm
trong “top” đó: Nguyễn Minh Châu – Nguyễn Huy Thiệp – Lê Minh Khuê – Trần Thùy
Mai – Phan Thị Vàng Anh.
Sở dĩ nói Lê Minh Khuê là một hiện tượng còn vì sáng tác
của bà thường hay “chia đôi dư luận” (ví dụ như Bi kịch nhỏ, Đồng đô la
vĩ đại, Những kẻ chờ sung, Anh lính To-ny D, Nhiệt đới gió mùa, Ráp Việt…).
Sáng tác của Lê Minh Khuê là đối tượng nghiên của nhiều khóa luận tốt nghiệp,
luận văn thạc sỹ ở các trường đại học, viện nhiên cứu văn học. Truyện ngắn Lê
Minh Khuê có nhiều độc giả, đặc biệt nhiều độc giả trung thành với nhà văn mấy
chục năm qua, kể cả những người thích đọc nhanh hoặc đọc chậm. Điều đặc biệt
đáng nói hơn là sáng tác của nhà văn thường “gây hấn cảm xúc”, tạo nên những cuộc
tranh luận thú vị (chẳng hạn xung quanh Bi kịch nhỏ xuất hiện
vào đầu những năm chín mươi thế kỉ trước, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều
nhau). Gần đây nhất tập truyện Nhiệt đới gió mùa(2012) sau buổi giới
thiệu sách ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội lập tức hâm nóng dư luận.
CẢM HỨNG THẾ SỰ
Có thể nói cảm hứng thế sự là cảm hứng chủ đạo trong sáng
tác truyện ngắn của Lê Minh Khuê. Cảm hứng thế sự trong sáng tác của nhà
văn thể hiện ở tinh thần dấn thân, nhập cuộc; ở cái cách “áp sát đời sống”, biết
lắng nghe, biết quan sát tất cả mọi diễn biến phức tạp của nhân tình thế thái.
Trong truyện ngắn Một ngày đi trên đườngnhân vật Tôi (người kể chuyện)
vừa ở chiến trường ra Hà Nội, đến thăm một người bạn tên Đức “Không khí chiến
trường còn chế ngự toàn bộ con người tôi. Tôi tới nhà Đức rất mong thấy một cái
gì mới mẻ ở anh. Nhưng tôi thấy anh đang ngồi ở hàng hiên có treo nhiều phong
lan. Con rùa tha thẩn gần anh (…). Mình ở chiến trường về cứ tưởng ở đâu cũng bốc
lửa. Thì ra đây là cái góc bé nhỏ của Hà Nội và tiếng súng ở chiến trường rất
xa, ở đây không nghe thấy được. Anh lấy chân đẩy con rùa ra xa. Con rùa rụt cổ
vào mai nhưng rất nhanh, nó thò cổ ra ngay và đi vào phòng Đức. Cũng như con
rùa, Đức đủng đỉnh đi vào nhà (…). Tôi bất giác lật một cuốn sách của anh, thấy
một câu của ai đó, được anh ghi vào lề cuốn sách: “Chúng ta biết những sự bất hạnh
tồi tệ và trước hết là sự bất hạnh phải sống”.
Cũng trong truyện ngắn này độc giả chứng kiến cái nhìn
“áp sát đời sống” của Lê Minh Khuê khi nhà văn miêu tả cái cảnh sống nhếch nhác
của những thị dân của một thành phố lớn “Khu nhà tôi ở rất đông người, phải
ngăn, phải chia ra nhiều khu vực, nhiều phòng tạm. Ban đêm chuột hoành hành dữ
dội. Nó bò cả lên chân, nó lách qua người đang ngủ để tìm lối đi, giấc ngủ cứ bị
ngắt quãng luôn. Sáng dậy đã nghe tiếng cãi nhau. Mang chậu quần áo xuống nhà
làm vệ sinh thì gặp quá đông người. Ai cũng vội, ai cũng cần, có hôm chỉ rửa mặt
qua loa rồi lên thôi còn phải nhường người khác vì nước trong máy chảy nhỏ ra
nhỏ như cái đũa…”. Cái cảnh sống tập thể nhếch nhác sau này còn được nhà văn tả
rất kĩ trong truyện Nhiệt đới gió mùa “Suốt ngày lối đi lênh
láng nước. Nhiều gia đình chứa đồ bằng cách đóng đinh chi chít lên tường loại
tường phải khoan bằng máy để treo bị treo túi đựng quần áo sách vở”. Sự nhếch
nhác hình như cứ đeo bám những con người ở phố thị trong truyện Những kẻ
chờ sung “Hơn chục năm sau, đám người mới đến đã sinh sôi nảy nở như
ruồi, biến cái nhà này thành một cái nhà ga, thành khu ổ chuột chính cống.
Cái nhà xí máy trước kia sạch như li như lau bây giờ phải hút một tuần một lần
mà cứt đái cứ ngập ngụa ra cả lối đi, và chuột bọ cũng sinh sôi nhanh như người.
Đêm đêm chuột cống to xù như cái vại ngang nhiên đi dạo ở cá lối
đi. Người thì suốt ngày chí chóe chuyện điện nước, chuyện rác rến và đã có vụ
đâm chém nhau vì tranh chỗ để xe đạp”. Và đây là cảnh sống của sinh viên ở ký
túc xá thời bao cấp trong truyện Bi kịch nhỏ: “Tôi nằm tầng giường
dưới và bị dị ứng mũi vì hứng trọn số bụi giát giường trên, vì cô bạn gái ở tầng
trên không bao giờ giũ giường trước khi đi ngủ. Thời đó, bọn con trai đi ăn cơm
ở bếp tập thể không cần bát. Cơm đổ vào chậu, thức ăn đổ vào cùng, và các chàng
mỗi người một thìa cắm đầu vào múc. Những cầu thang ký túc xá sinh viên ngập ngụa
rác và nước tiểu. Những trí thức tương lai suốt ngày ngồi uống chịu nước trà ở
cổng, tóc tai bù xù, mặt mũi xanh xao vì thiếu ăn. Có những bữa cơm không có, mỗi
người được một quả đấm – một nắm bột mì cứng như đá, cắn một miếng kéo ra được
cả một cọng rau muống dài hàng sải, dùng làm nhân”.
Nói nhà văn “áp sát đời sống” không có nghĩa là chỉ có
nhìn gần, nhìn kĩ sự nhếch nhác của đời sống mà còn nói đến cái nhìn xuyên thấu
tim đen quá trình tha hóa của con người thời đại. Trong sự tha hóa của con người,
nhà văn chú ý đến hai “chủng loại” chính: do lòng tham vật chất và do lòng tham
quyền lực. Lòng tham là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bi kịch đời sống.
Cảm hứng thế sự trong sáng tác của Lê Minh Khuê hiển thị qua những bi kịch,
tiêu biểu nhất phải kể đến truyện Bi kịch nhỏ. Ông Tuyên là một cán
bộ cao cấp (nhà ông ở có lính gác, ông đi xe vonga), ông là người thành danh và
thành đạt trên quan lộ. Nhưng ông rơi vào bi kịch khi chính mình là nguyên nhân
sâu xa gây nên cái chết của Quang –đứa con trai năm xưa ông cố tình xa lánh
cùng người mẹ xấu số của nó. Ông quyết xa lánh vợ con vì “ngửi thấy mùi tử khí
bắt đầu tỏa ra trong không khí chính trị ở nông thôn, đã viết thư cho vợ là yên
tâm chờ, ông sẽ về khi nào yên hàn” Nhưng ông Tuyên đã “lặn mất hút trong cái
biển chính trị sôi sục lúc ấy”. Sự chia cắt về không gian và thời gian khiến
cho hai anh em cùng cha khác mẹ (Quang và Cay) không nhận biết gốc tích để rơi
vào nghịch cảnh trở thành vợ chồng. Nhận ra sự thật thì đã quá muộn. Phải có một
người ra khỏi “cuộc chơi của số phận” đắng cay này, không ai khác chính là
Quang. Anh ta đã tự sát. Tác giả viết: “Chuyện đó có lẽ kết thúc như thế. Nhưng
tôi không thể chịu được cái ấn tượng về khuôn mặt đẹp đẽ của anh tôi sẽ dần tan
đi, rữa nát trong đất đen”.
Một dạo Bi kịch nhỏ đã gây sóng gió cho
nhà văn. Nhưng với thời gian, bây giờ nhìn lại, mới thấy cách đặt vấn đề của
nhà văn trong truyện quả thật là gai góc, động chạm đến không ít người có địa vị
- sự mất nhân cách do tha hóa, sự tha hóa do dục vọng quyền lực. Có một kiểu
tha hóa khác gây nên do lòng tham vật chất. Lòng tham khiến đạo đức con người bị
méo mó, biến dạng như trong Những kẻ chờ sung, Đồng đôla vĩ đại, Anh
lính To-ny D,…Cha con, anh em có thể chơi xấu nhau vì đồng tiền. Vì đồng tiền
huynh đệ có thể tương tàn, cảnh “nồi da nấu thịt” là điều không khó xảy ra.
Tinh thần phê phán quyết liệt cái xấu, cái ác trong truyện ngắn Lê Minh Khuê vì
thế có thể nói lên tới cao trào. Không ít độc giả cho rằng nhà văn quyết liệt đến
mức cay nghiệt trong phê phán đồng loại. Điều đó không sai. Nhưng cần khách
quan khi phân tích thái độ phê phán của nhà văn như một sự tham gia tích
cực vào cuộc đấu tranh của cái thiện chống lại cái ác đang diễn ra từng
ngày xung quanh chúng ta.
Cảm hứng thế sự trong nhiều trường hợp giúp nhà văn nhìn
ra cái không bình thường trong đời sống. Trên tinh thần “phóng đại thẩm mỹ”,
trong nhiều trường hợp nhà văn đã soi chiếu những trường hợp đời sống mang màu
sác khác lạ như trong các truyện Ronan Keating, Thầy giáo dạy triết, Đồ
cũ,…Nhân vật con người không hợp thời ở đây là những thầy giáo dạy văn học,
dạy triết học, một viên chức về hưu. Họ là những con người tốt, có thể nói là mẫu
mực cũng được, xét từ phạm trù đạo đức. Nhưng họ đôi khi đóng vai “người thừa”,
“kẻ bảo thủ” trong xã hội vì cái tư chất kẻ sĩ của mình – giữ tiết tháo, lòng
trung thực và tinh thần nhân văn. Nhưng trong dòng đời cuộn chảy hôm nay họ đôi
khi tỏ ra ngây thơ và lạc lõng một cách đáng yêu. Họ trở thành những người chỉ
có thể “kính nhi viễn chi” mà thôi.
Gần đây nhất khi tập truyện Nhiệt đới gió mùa của
bà ra mắt, bạn đọc một lần nữa lại cảm nhận được một cách rõ ràng cảm hứng thế
sự thấm đượm trong từng trang viết. Nhưng nổi bật nhất có lẽ phải kể đến truyện Nhiệt
đới gió mùa được dùng dặt tên cho cả tập. Chất liệu là chất liệu của một
cuốn tiểu thuyết nhưng được dồn nén tối đa trong hình thức một tuyện ngắn có “mầm
mống tiểu thuyết” vì tôn trọng độc giả (không muốn làm mất thời gian đọc của
các “Thượng đế”), như lời trần tình của nhà văn trong buổi giới thiệu sách ngày
27-12-2012 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội. Qua câu chuyện của một gia đình
tác giả muốn đặt ra một vấn đề còn khiến 90 triệu người Việt Nam suy nghĩ và
trăn trở dù chiến tranh đã trôi qua mấy thập kỉ - xóa bỏ hận thù, cùng nhau hòa
giải và hòa hợp dân tộc. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong cuộc trả
lời phỏng vấn gần đây cũng đã nhấn rất mạnh đến vấn đề này: “Nếu nhìn vào những
hi sinh mất mát to lớn, xét về nguyên tắc là không thể nhân nhượng, bỏ qua.
Nhưng xét về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, đã 40 năm rồi, thì trong quan hệ có
thể cởi mở, mềm dẻo, đối xử nhẹ nhàng”. Đó chính là “tinh thần đại xá” của người
Việt Nam (Vietnamnet.vn, 27-4-2015). Bằng con đường văn chương nhà văn
Lê Minh Khuê đã góp phần vào hóa giải hận thù, khơi thông lòng người thuộc hai
chiến tuyến cả trong chiến tranh và thời hậu chiến qua câu chuyện cảm động của
hai anh em cùng cha khác mẹ do hoàn cảnh chiến tranh đã rơi vào cựu thù: “Vùng
nhiệt đới gió mùa mang theo hơi ẩm từ biển vào luôn gây ra cho con người những
cơn bức bối khó chịu không biết trút vào đâu người ta hay trút vào nhau. Dải đất
hẹp trần trụi chạy dọc biển Đông nhiều khi nhìn trên bản đồ thấy mong manh như
làn khói gió biển thổi mạnh là có thể cuốn phăng, con người lại không biết sự
mong manh đó cứ cố sống cố chết chạy theo thù hận. Thù hận làm đời ta ngắn lại”.
NGHỆ THUẬT TRUYỆN
NGẮN
Thế giới nhân vật mà nhà văn Lê Minh
Khuê tạo ra trong truyện ngắn hết sức đa dạng, phong phú. Trong giai đoạn sáng
tác đầu (vào những năm bảy mươi đến đầu những năm tám mươi thế kỉ XX), Lê Minh
Khuê viết nhiều về những người trẻ tuổi, tự nguyện dấn thân, tham
gia cuộc chiến tranh ác liệt với tất cả sức mạnh của lí tưởng cách mạng và sức
trẻ có thể dời non lấp biển. Trong Cao điểm mùa hạ (1978)
và Đoạn kết (1980) – hai tập truyện đã khẳng định tên tuổi Lê
Minh Khuê trên văn đàn – người đọc thường bắt gặp những nam nữ thanh niên xung
phong, những người lính trẻ trên các cung đường Trường Sơn thời chiến tranh. Họ
tươi tắn, trẻ trung, yêu đời và vô tư lự. Giữa tác giả và nhân vật có một mối đồng
cảm lớn vì cùng đều thế hệ và cùng trải nghiệm chiến tranh. Những ngôi
sao xa xôi là một ví dụ sinh động, ở đó độc giả bắt gặp những con người
của một thời trong sáng, vô tư, sống hết mình. Họ mang vẻ đẹp thuần khiết của một
thế hệ sống quên mình vì nghĩa lớn (có lẽ vì thế truyện này được chọn đưa vào
sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 9). Sau chiến tranh họ may mắn trở về với đời sống
thường nhật với bao nhiêu lo toan, buồn vui rất thực tế. Nhìn bề ngoài tưởng
như họ bị nhấn chìm vào đời thường và lãng quên quá khứ. Nhưng thực ra không phải
như thế, trái lại họ đang “chiến đấu” với chính mình để vươn lên. Trong truyện Một
ngày đi trên đường, độc giả thấy có một chàng trai đẹp đẽ làm nghề phiên dịch.
Bề ngoài anh ta rất hào hoa phong nhã, lại có nhiều tiền (qua quần áo và trang
sức). Nhưng thực ra thì chàng trai đó đã được thử thách qua” lửa đỏ và nước lạnh”
của chiến tranh – trước đây anh từng là lính tên lửa. Từ chiến trường trở
về anh đã kịp học xong đại học ngoại ngữ, đã tìm được việc làm phù hợp. Họ là
những người có tinh thần dấn thân, nhập cuộc.
Chiến tranh kết thúc, đời sống hòa bình mở ra nhiều phía,
con người dễ dàng thay đổi theo nhiều hướng phức tạp. Nhà văn coi tâm hồn con
người cũng như một dòng sông: khúc khuỷu, bên lở bên bồi, chỗ rộng chỗ hẹp, nơi
nước chảy xiết nơi lặng lờ…Tìm cho mình sự cân bằng tâm thế luôn là hành
xử tích cực của nhân vật trẻ tuổi trong truyện ngắn Lê Minh Khuê giai đoạn đầu
sáng tác. Một chiều xa thành phố (1986) là tập
truyện thể hiện cuộc bứt phá của Lê Minh Khuê trong truyện ngắn. Nhà văn quan
sát sự chuyển động âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt “cơn lũ quét” của đời
sống hiện đại đang cuốn phăng con người vào những “mê cung” của nó (đời sống tiện
nghi, tâm lí tiêu dùng, thói lãnh cảm với đồng loại…).
Bi kịch nhỏ (1993) thật sự là lối rẽ trong
sáng tác truyện ngắn của Lê Minh Khuê, nơi mà phê phán là âm điệu chủ yếu
và con người tha hóa hiện lên như một nhân vật trung tâm của
tác phẩm. Vì địa vị xã hội và tham vọng quyền lực mà ông Tuyên đã nhận lấy cái
kết cục bi đát khi đứa con đẻ của mình tự tử. Một cái chết có tính “ân oán
giang hồ”, “cha ăn mặn con khát nước”. Trong truyện Anh lính To-ny
D nhà văn miêu tả mối quan hệ cha con bị rạn nứt và băng hoại vì đồng
tiền. Vì tiền mà đứa con trai ép cha đẻ mình phải thề thốt, phải chặt đứt một
ngón tay để chứng minh lòng trung thực của mình. Vì tiền mà thằng Thán, đứa con
bất hiếu đã đay nghiến, dồn ép ông Thiến - cha đẻ của mình : “Thề đi! Chặt đi đồ
sâu bọ. Chặt ngay không là thụt lưỡi với thằng này”. Trong truyện Đồng
đôla vĩ đại nhà văn miêu tả cảnh “huynh đệ tương tàn”, anh em trong một
nhà vì đồng tiền mà nhẫn tâm sát hại nhau (thằng An giết vợ thằng Khang, tức chị
dâu của mình đang mang thai, nó lĩnh án tử hình vì một lúc tước đoạt mạng sống
của hai người).
Trong truyện ngắn Lê Minh Khuê xuất hiện kiểu nhân
vật cô đơn mang nỗi buồn vốn được coi như là biểu hiện của
một trạng thái tinh thần xã hội. Trong truyện Mong manh như là tia nắng,
nhân vật người mẹ lúc nào cũng buồn: “Tôi vẫn không hiểu sao vào những lúc rỗi
rãi, mẹ vẫn buồn. Gia đình như vậy là khá giả (…). Nhưng không hiểu sao mẹ vẫn
buồn”. Đoạn kết truyện ngắn lại vẫn ngân lên một điệu buồn: “Mẹ vẫn cứ buồn vào
những lúc không phải cắm cúi kiếm ăn. Mỗi người có một bí mật, một nỗi buồn, một
kỉ niệm. Tôi biết mẹ sống đến hôm nay mà được như vậy chắc nhờ những bí mật, nỗi
buồn và niềm khao khát ấy”. Trong những truyện khác như Một buổi chiều
thật muộn, Cơn mưa cuối mùa, Trong làn gió heo may,…với điệu cảm trữ
tình, Lê Minh Khuê đã khá tinh tế trong việc khắc họa “gương mặt buồn” của các
nhân vật nữ. Buồn có thể là sự nuối tiếc những kỉ niệm đẹp đẽ, buồn cũng vì con
người cố gắng giãy giụa để thoát khỏi sự thiếu thốn tình cảm, nhưng cuối cùng
hóa ra hạnh phúc là một cái gì đó hết sức mong manh, dễ vỡ, vụt đến vụt đi.
Nhưng đến Nhiệt đới gió mùa thì dường như nỗi buồn lại
càng trĩu nặng hơn trên đôi vai của những người đàn ông. Không còn là nỗi buồn
của “phái yếu” nữa, giờ đây “phái mày râu” lâm trận và đa mang nỗi buồn xứ sở bị
chia cắt vì thế lòng người phân tâm, bao nhiêu là nghịch cảnh trớ trêu và phi
lí đổ ập xuống những thân phận như Hiếu, như Phong (là anh em cùng cha khác mẹ).
Cả hai đã giáp mặt nhau trong tư thế là đối phương, thậm chí là kẻ thù của
nhau. Hiếu là người lính giải phóng, còn Phong là lính quốc gia của Việt Nam Cộng
hòa. Có nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn do cảnh “huynh đệ tương tàn”, “nồi da nấu
thịt” đến với không chỉ anh em Hiếu và Phong. Nỗi buồn ở đây sâu lắng và đau đớn
hơn với Hiếu và những người có lương tâm- làm thế nào để xóa bớt lòng thù hận
vì “thù hận làm đời ta ngắn lại”.
Những kẻ kì dị cũng là một nét đặc sắc trong
thế giới nhân vật của Lê Minh Khuê. Nhà văn đã vận dụng cái gọi là “nghịch dị ”
(grotesque) trong quá trình xây dựng nhân vật. Lão Luốc trong truyện Bến
tàu mùa đông là một ví dụ. Lão có một hành tung bí ẩn, có một cuộc sống
đượm vẻ giang hồ phiêu lưu. Trong căn bản lão là một người tốt, ít nhất trong
con mắt mẹ con mụ Tư Héo. Lão phải chạy trốn cái ác do đồng loại sẵn sàng đổ
lên đầu: “Cách đây một năm cháu ạ, ta còn ở đoàn kịch. Ta may quần áo cho cánh
diễn viên. Rồi ta phát giác ra một đường dây làm ăn kinh tởm (…). Họ đi lùng ta
mấy tháng nay. Ta đã phải bán nhà, ta đã cho vợ con đi vào Nam. Ta còn ở đây đến
hôm nay vì có việc. Xong việc rồi vì thế họ càng muốn giết ta.. Nói cho đúng ra
họ sẽ không giết. Họ dọa thôi. Họ muốn biết một điều mà chỉ ta nắm được. Nhưng
đừng hòng, ta sắp đi”. Thằng Nghẽo tàn tật, dị dạng đáng thương trong truyện Đồng
đôla vĩ đại cũng là một điển hình của những kẻ kì dị: “Thằng Nghẽo bị
bệnh gì mà lở lói khắp người (…). Nó rét. Nó cũng biết ra vườn nhặt củi vào đốt
lửa sưởi, người ngứa thêm. Nó cởi quần áo ra, và nó bóc từng mảng vẩy đóng tren
người nó. Bỏ vào than nướng cháy khét lẹt rồi cho vào mồm ăn. Nó ăn vẩy của nó
có vẻ ngon lành lắm”. Thằng Cảnh trong truyện Ráp Việt cũng là
một “kì nhân”. Hắn giết người không ghê tay, người bị hắn giết là một cô gái
tên Lan Hương, người đoạt giải thưởng trong cuộc thi kể chuyện truyền thống.
Người trở thành tấm gương để mọi người noi theo là ông nội Cảnh. Vì thế Cảnh
cho rằng Lan Hương đã xúc phạm ông nội hắn, một người mà “cả quê hương tôn vinh
suốt những năm chiến tranh”.
Chi tiết nghệ thuật không phải là cứu
cánh nhưng là nét đặc sắc trong truyện ngắn Lê Minh Khuê. Trong bài Hỏi
chuyện Lê Minh Khuê (Báo Văn hóa Chủ nhật, số 967 năm 2004) do Bùi Việt
Thắng thực hiện, nhà văn xác nhận: “ Với tôi, chi tiết đóng
vai trò quan trọng trong truyện ngắn. Bởi vì muốn truyện ngắn gây ấn tượng
không thể không có chi tiết đặc sắc (…). Truyện ngắn của các
tác giả cổ điển trong nước và ngoài nước, từ trước đến giờ, tôi vẫn thích
Sêkhôp, Lỗ Tấn, Nam Cao. Truyện của họ giàu các chi tiết đặc
sắc. Đọc họ, ấn tượng đọng mãi không phai là nhờ các chi
tiết”. Trong truyện Bi kịch nhỏ, có chi tiết bức ảnh lúc nào
Quang cũng mang theo bên mình chụp anh lúc còn nhỏ, trong đó có hình người đàn
bà và phía sau có dòng chữ “Cu Tỵ ơi, con giữ lấy ảnh này để biết mẹ con, hãy
thương mẹ Hàn như mẹ. Làng Sầm – 1953”. Nhờ tấm ảnh này mà ông Tuyên nhận ra
Quang (tên ở nhà gọi là Tỵ), chính là con trai của mình sau mấy chục năm cách
biệt. Còn Cay là em của Quang (cùng cha khác mẹ), suýt nữa thì thành vợ thành
chồng. Bi kịch đổ ập xuống gia đình ông Tuyên, và Quang là người phải ra
đi. Anh đã tự tử để giải thoát cho mình và cho người khác. Trong truyện Nhiệt
đới gió mùa có chi tiết Hiếu bị kẻ thù móc mắt: “Hai thằng nhân viên lực
lưỡng nhảy như con báo về phía Hiếu đang ngồi, xô ngã cái ghế và một thằng ôm cứng
vai anh thằng kia lấy con dao biệt kích nhọn hoắt làm một động tác thành thạo.
Ngửa đầu Hiếu ra sau nó thọc mũi dao vào một bên mắt khoét một vòng rồi hất một
cục như hòn bi cùng với da thịt dính theo xuống nền xi măng. Hiếu chưa kịp hiểu
vì sao chúng cầm dao nhọn về phía anh thì toàn thân thân anh như bị ném ở độ rất
cao xuống vì cơn đau của mũi dao đâm vào vùng mắt (…). Thế là huề nhá, anh Hiếu!
Tôi xin một mắt của anh đền cho mẹ tôi! Phong nhặt cái cục thịt đẫm máu trong
đó có con mắt của Hiếu cho vào túi ni lông như giữ tang vật”. Hai anh em cùng
cha khác mẹ vì một mối hận trong nội bộ gia đình nay đối xử với nhau như thế
đã để lại “thù hận trong lòng Hiếu mới nảy sinh mạnh mẽ từ lúc ấy”.
Tuy nhiên cũng phải nói rõ hơn: Chi tiết đôi lúc như con
dao hai lưỡi nếu nhà văn không biết tiết chế. Trong một vài trường hợp, những
chi tiết rùng rợn hay tự nhiên chủ nghĩa đã làm tổn hại đến hình tượng nhân vật
cũng như chủ đề tác phẩm. Trong một số truyện như Đồng đô la vĩ đại,
Anh lính To-ny D, Những kẻ chờ sung, Chó điên, Ráp Việt, …Lê
Minh Khuê tỏ ra hứng thú chạy theo các chi chi tiết gây cấn, tạo cảm giác mạnh,
thậm chí gây sợ hãi, mà quên mất cái “ngưỡng” cần thiết của nó, nói cách khác
là “độ dừng” của nó. Truy tìm nguyên nhân của khía cạnh này, theo chúng tôi, có
thể xuất phát từ một cái nhìn của nhà văn thường nghiêng về phát hiện cái bản
năng, phần hoang dã tự nhiên trong bản tính con người thời hiện đại. Đôi chỗ
nhà văn thậm chí còn áp sát miêu tả cái tâm lí bầy đàn như một động lực xui khiến
con người hành động trong vô thức và bản năng.
Đoạn kết truyện ngắn Lê Minh Khuê khá
độc đáo khi bà ý thức được nó như một “cú đấm nghệ thuật” có thể chinh phục
hoàn toàn độc giả khi tiếp xúc với tác phẩm. Có thể dẫn ra những đoạn kết hay,
nhiều ấn tượng trong Bi kịch nhỏ, Đồng đô la vĩ đại, Bến
tàu mùa đông, Nhiệt đới gió mùa, Màu xanh man trá,…Những đoạn kết
được Lê Minh Khuê viết ra một cách tự nhiên như thể cuộc sống ắt phải diễn
ra như thế, giản dị và không hề gò ép, khiên cưỡng. Không ít người viết non tay
phải ghen tị về cách viết đoạn kết truyện ngắn của Lê Minh Khuê. Bi kịch
nhỏ là một ví dụ về cách dẫn dắt truyện ngắn đi nhanh tới một kết thúc
“không có hậu”, một lối kết thúc “phi truyền thống” (mặc dù truyện khá dài, gần
50 trang). Tốc độ phát triển của cốt truyện, sự nối kết các tình tiết, cách tạo
dựng tình huống bất ngờ cố kết tạo nên một sức mạnh tổng lực khiến cho sức nặng
của câu chuyện được kể ngưng đọng và tạo trọng lực ở đoạn kết. Đó là cách tạo
những “bước hụt”, tạo bất ngờ như khi chứng kiến cái chết của Quang: “Tôi mở cửa
vào nhà. Một bức điện luồn qua dưới khe cửa, nằm ngay ở lối vào. Tôi mở xem:
“Quang tự tử tại khách sạn M. Tầng 5 phòng…Nạn nhân đề nghị nhân viên khách sạn
báo cho cô. Mời cô vào giải quyết…”. Trong truyện Màu xanh man trá,
cũng bằng thủ pháp tạo “bước hụt”, nhà văn gây bất ngờ cho độc giả khi đang
theo dõi một “pha” trốn vợ đi theo người tình của một người đàn ông tên Đạt.
Nhưng trước giờ máy bay cất cánh, anh ta đổi ý muốn trở về nhà vì có hẹn mang
thuốc về cho con trai. Trở về nhà gần gũi vợ con, anh ta lại một lần nữa
đổi ý với Sương – người tình: “Thôi, mọi chuyện khoan khoan em ạ. Thằng Tuấn nó
đau! Đạt biết sau câu ấy là nước mắt của sương. Nhưng rồi chắc sẽ nhẹ đi”. Có
thể nói nhà văn rất có thức tìm “lối thoát” cho nhân vật của mình, lối thoát đó
thường được mở ra đúng lúc ở những đoạn kết truyện ngắn “Chuyện đó có lẽ kết
thúc như thế”. Hai chữ “có lẽ” trong trường hợp này hay khác hàm ý nghĩa giả định
nhưng lại như một khẳng định, tuân thủ theo chân lí nghệ thuật.
Có thể nêu một nhận xét khác về đoạn kết trong truyện ngắn
Lê Minh Khuê thường để lại một cái gì đó chưa thành, chưa tới, nó cứ
lơ lửng và thách thức cả nhân vật lẫn độc giả. Nói cách khác đó chính là những
giả thiết tạo ra khoảng rộng cho suy tư về tương lai (thường mờ mịt) của nhân vật,
kiểu như “Ngày mai sẽ chuyện gì (…). Ngày mai lại lo tiếp” (Xe Camry ba chấm),
“Chờ đứa trẻ ra đời để xem nó là trai hay gái. Cũng chưa biết làm gì tiếp theo”
(Lãng mạn nửa mùa).
Đối thoại được Lê Minh Khuê quan tâm
trong sáng tác truyện ngắn, được coi như một cách thức “đưa đẩy” câu chuyện. Được
biết bà rất mê nhà văn Mỹ E.Hêminguê, đặc biệt mê lối viết đối thoại ngắn gọn,
sắc bén và làm nổi bật thần thái nhân vật và câu chuyện. Bà cho biết đã đọc đi
đọc lại nhiều lần truyện Những rặng đồi tựa đàn voi trắngcủa E.
Hêminguê, coi đó là một mẫu mực viết đối thoại truyện ngắn. Trong truyên Anh
lính Tô-ny D, đối thoại giúp bộc lộ “chân tướng” nhân vật: Thằng Thán là đứa
con bất hiếu, còn ông Thiến là người bố nhu nhược và tội nghiệp. Đây là cuộc đối
thoại giữa hai cha con nhân một vụ thằng con kêu mất tiền: “Thằng Thán về
nhà trước và khi bố nó vừa bước qua cái cửa cót ép, nó túm cổ lão Thiến:
-Tiền đâu?
Lão Thiến sửng sốt:
-Sao lại hỏi tao tiền?
-Tiền tôi để dưới cục gạch này, bố đem đâu rồi?
Lão Thiến chỉ biết lắc đầu, lùi xa bàn tay cứng như gọng
sắt của thằng con. Lão không nói nên lời. Thằng Thán thấy bố như vậy càng nghi
ngờ một cách điên dại.
-Ông nôn ra. Tiền mồ hôi nước mắt của thằng này, ông nuốt
không trôi đâu. Ba triệu đồng của tôi không phải của thiu thối!
-Tao không lấy!
-Ông không lấy thì chó vào đây à? Nôn ra!”.
Đoạn văn đối thoại trên giống như một tiểu phẩm đầy kịch
tính phản ánh sự băng hoại đạo đức, sự tha hóa của con người dưới áp lực của đồng
tiền.
Lê Minh Khuê có ý chăm chút cho đối thoại trong truyện ngắn.
Có truyện như Cơn mưa cuối mùa, chỉ có 20 trang mà chứa đến
130 dòng đối thoại. Nhà văn Hồ Anh Thái nhận xét: “Lê Minh Khuê khéo viết đối
thoại. Gọn gàng, chắc chắn, hiếm khi thừa lời và có ấn tượng. Những đối thoại
chính xác, chứa đầy thông tin và ngổn ngang tâm lí”. Khi nói về “tốc độ” như một
đặc điểm của văn phong Lê Minh Khuê chính là nói về ưu thế viết đối thoại của
nhà văn trong truyện ngắn.
BÙI VIỆT THẮNG
Nguồn: Tạp chí NV&TP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét