Nhà văn Vũ Trọng Phụng
Nói đến Vũ Trọng
Phụng chính là nói đến thời cuộc và tài năng. Một lần nhà văn Nguyễn Khải nói:
"Với tôi, quan trọng là nhờ cái thời". Đó là một cách tự nhận xét
chân tình. Thời thế tạo anh hùng, câu nói đó vẫn có ý nghĩa riêng, thích hợp với
những tài năng được thời thế góp phần tạo nên.
Vũ Trọng Phụng
"gặp thời". Thời kỳ 1930-1945 là một bước phát triển mới rất khác biệt với chặng đường
trước. Những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng đã mang tầm
vóc và kích cỡ của những thành phố hiện đại. Đã có hàng trăm nhà xuất bản và tờ
báo. Năm 1938 với 308 tờ báo là năm báo chí phát triển mạnh nhất so với toàn bộ
chặng đường trước ("Lịch sử báo chí Việt Nam (1865-1945)", Đỗ Quang
Hưng chủ biên, NXB Đại học, 2000). Dư luận xã hội rộng mở trong điều kiện của
thời kỳ mặt trận dân chủ. Về giáo dục, đã có nhiều trường đại học, số lượng sinh viên, học sinh đông đảo
góp phần tạo nên một lớp công chúng mới trong văn học. Về sinh hoạt xã hội,
nhiều rạp chiếu bóng, rạp hát, vũ trường hoạt động, đêm Hà Nội sầm uất không khí chơi bời. Về mặt trái của
thành thị bộc lộ rõ qua nhiều mặt, quyền lực chính trị đã siết chặt qua
nhiều hoạt động, đồng tiền lên ngôi, nạn mại dâm, đĩ điếm, cờ bạc phát triển. Đời
sống thành thị bộc lộ những mặt đối lập rõ rệt trên nhiều phương diện. Thời cuộc là thế, làm sao nhà văn miêu
tả được những bức tranh xã hội phức tạp, nhiều mâu thuẫn đó.
Văn chương Việt Nam trước đây có thế mạnh viết về nông
thôn. Có một khoảng trống là viết về thành thị. Nhiều nhà văn có tài năng nhưng
cũng chưa có những tác phẩm thành công về thành phố. Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất
Tố, Nguyên Hồng đã chạm đến những vấn đề của đô thị nhưng chưa đi sâu, chưa
khái quát, chưa tạo được điển hình và sức hấp dẫn cho trang viết. Nguyên Hồng
là nhà văn của những xóm thợ nghèo khổ. Nam Cao viết giỏi về làng quê và người trí thức nghèo tự thu mình lại
trong những suy nghĩ nội tâm. Tô Hoài rất thành công về người ven thành và chưa vào sâu được đề tài Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi có lần cho rằng: "Chỉ có Vũ Trọng Phụng và
Nguyễn Huy Tưởng là viết thành công
về đề tài thành thị". Tất nhiên cũng phải kể đến những trang viết của Tự lực
văn đoàn, song tác phẩm vẫn thiên về tầng lớp trên trong phạm vi gia đình,
tình yêu, hôn nhân.
Nói thời cuộc là nói về yếu tố khách quan, còn khả năng
tiếp cận, suy nghĩ, tái tạo lại thuộc về khả năng chủ quan. Vũ Trọng Phụng là
người quy tụ đầy đủ những điều kiện
để "tiến công" vào thành trì vững chắc này. Ông sinh ra ở Hà Nội
và sống trọn đời với thành phố lớn tiêu biểu này. Có thể nói Vũ Trọng Phụng hiểu
cái đáy của xã hội không phải từ trên nhìn xuống, từ ngoài nhìn vào mà là người nhập cuộc để thấu hiểu và đưa vào
trang viết. Vũ Trọng Phụng cũng am hiểu bản chất xấu xa của thực dân Pháp và tổ
chức chính trị, guồng máy cai trị, những nhân vật gọi là tai to mặt lớn.
Vũ Trọng Phụng
là người công dân, là nhà báo, là người trí thức. Kết hợp giữa những tri thức,
những hiểu biết với vốn sống thực tế, ngòi bút Vũ Trọng Phụng có những
phẩm chất hài hòa và sắc bén không dễ mấy người viết có thể dễ dàng tạo nên. Theo ký ức của nhà báo Thiều Quang:
"Anh rất ham đọc, khởi điểm từ cái văn học cổ điển Pháp với những cây bút
độc tú của Molierè, Racin, Corneille qua Voltaire, Balzac, rồi đến cái chủ tả
chân cực thịnh của Flaubert, Guy de Maupassant thì dừng lại. Trong cái hệ thống
văn chương chửi đời đó, Vũ Trọng Phụng hồ như tìm thấy sự đồng cảm, đồng điệu,
đồng tình". Bùi Huy Phồn cũng kể lại: "Tôi liếc nhìn xung quanh chỗ
Vũ Trọng Phụng nằm, thấy la liệt một số sách và báo tiếng Pháp, như Nhân đạo (L' Humanité) của Đảng cộng sản
Pháp, báo Gringoire của Đảng xã hội, hầu hết là những tờ báo tiến bộ
Pháp bấy giờ". Vũ Trọng Phụng cũng quan tâm tìm đọc những tác phẩm của văn
học Pháp, của A. Gide, của Freud về phân tâm học, về con người sinh lý, những
điều mà ông cần tìm hiểu cho trang viết của mình.
Về ý thức và nhân cách của người viết, trước những hiện tượng tiêu cực của đời
sống mà tác giả phải nhập cuộc để tìm hiểu, Vũ Trọng Phụng khảo sát kỹ
những hiện tượng phức tạp, tại chỗ,
từ tư liệu gốc để viết những phóng sự như "Kỹ nghệ lấy Tây",
"Cơm thầy cơm cô". Ở những trường hợp phức tạp hơn, ông không nhập cuộc
mà khai thác gián tiếp qua lời kể của người thân để viết. Vũ Trọng Phụng đã
để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ. Tuy nhiên, sự đánh giá về ông qua một chặng
đường dài trên nửa thế kỷ cũng gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Đương thời người
ta ca ngợi nhưng cũng có những ý kiến ghét bỏ, cho là Vũ Trọng Phụng đã khai
thác nhiều mặt xấu, nhiều chuyện đáng kiêng kỵ. Sau Cách mạng Tháng Tám, Vũ Trọng
Phụng cũng không được thuận chiều như các nhà văn Ngô Tất Tố, Nam Cao. Trong
trường đại học, trong nghiên cứu thường
nêu vấn đề Vũ Trọng Phụng với hai điểm yếu, hai dấu hỏi về thái độ chính trị và
miêu tả cái dâm. Dần dà theo thời gian, mọi việc được giải tỏa và nói như Xuân
Diệu về nguyên lý Archimède "cái gì nổi thì nhất định sẽ nổi".
Qua một số lần kỷ niệm về ngày sinh và ngày mất, Vũ Trọng
Phụng đã trở về với tư cách một nhà
văn xuất sắc, một tài năng hiếm có của nền văn học thế kỷ XX. Trong lần kỷ niệm
90 năm ngày sinh Vũ Trọng Phụng do Viện Văn học tổ chức vào năm 2002, Vũ Trọng
Phụng được khai thác, nghiên cứu và tôn vinh về nhiều mặt. Cuộc hội thảo khoa học
kỷ niệm Vũ Trọng Phụng ngoài những nhà nghiên cứu trong nước không chỉ thuộc về
phần văn học hiện đại mà có nhiều nhà nghiên cứu vốn là chuyên gia về văn học
nước ngoài cũng nhiệt tình tham gia như Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, Lộc Phương Thủy. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu với
tinh thần của thi pháp hiện đại cũng có những bài viết hay về Vũ Trọng Phụng.
Trong cuộc hội thảo có sự tham gia của Niculin (Nga) và Zinoman (Mỹ). Niculin
nhấn mạnh đến tính chất hiện đại và xu hướng hiện đại hóa của Vũ Trọng Phụng
khác với những khuynh hướng hiện đại hóa theo lối học đòi phương Tây của Phạm Quỳnh.
Trong một công
trình nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam, tác giả nhận xét Vũ Trọng Phụng
chú ý miêu tả hai loại người trong xã
hội "những kẻ bị quyền lực của đồng tiền dìm xuống đáy xã hội và những kẻ
nhờ thói bịp bợm, bỉ ổi đã đạt tới sự giàu sang và danh giá". Vũ Trọng Phụng
miêu tả cuộc sống của những tầng lớp xã hội khác nhau trong sự vận động và
trong sự biến đổi. Zinoman vốn là một nhà nghiên cứu sử học, sau khi đọc tác phẩm
"Người tù được tha" của Vũ Trọng Phụng, ông say mê tìm đến tác giả
qua những cuốn tiểu thuyết và nhấn mạnh bản sắc hiện đại trong tác phẩm của Vũ
Trọng Phụng. Ông đặc biệt ca ngợi tác phẩm "Số đỏ" đã vượt khỏi giới hạn và phong cách miêu tả quen thuộc
kết hợp giữa sự thực và phóng đại, lối kể chân thực và trào phúng tạo dựng một
thế giới chân thực mà đặc sắc. Nhà văn Niculin cũng đặc biệt ca ngợi "Số đỏ"
"đã sử dụng những thủ pháp phóng đại khi vẽ một gã phiêu lưu khác ấy là Xuân Tóc Đỏ, một kẻ chuyên
nhặt banh quần vợt nhưng sự ngẫu nhiên một cách ngược đời và sự ngu xuẩn đến mực
phi lý của xã hội đã đưa y lên đỉnh vinh quang".
Kỷ niệm 90 năm ngày sinh Vũ Trọng Phụng, Giáo sư Zinoman cảm phục trước tài năng, sức làm
việc của nhà văn. Zinoman nhận xét Vũ Trọng Phụng chỉ sống đến 27 tuổi. Ở tuổi ấy,
nhà văn Pháp Balzac hầu như chưa viết được gì đáng kể" (Báo Thể
Thao & văn hóa số ra ngày 22/10/2002). Trong một lần phát biểu trên Đài Tiếng
nói Việt Nam, ông còn cho rằng Vũ Trọng Phụng không thua kém bất kỳ một nhà văn
lớn nào trên thế giới, đặc biệt sức sáng tạo to lớn đã để lại một khối lượng
tác phẩm đồ sộ trong vòng 9/10 năm sáng tác. Ngày nay, nhiều thanh niên Việt
Nam ở tuổi 27 còn đang tìm việc hoặc bắt đầu khởi nghiệp thì Vũ Trọng Phụng đã
kết thúc sự nghiệp lớn lao của mình với nhiều tác phẩm bất hủ.
Đi sâu vào tìm hiểu Vũ Trọng Phụng, các tác giả: Nguyễn
Đăng Mạnh, Phong Lê, Đỗ Đức Hiểu, Phan Cự Đệ, Lê Thị Đức Hạnh, Trần Hữu Tá, Lại
Nguyên Ân đều có những bài nghiên cứu sâu sắc. Đặc biệt, nhà văn Lại Nguyên Ân
có công sưu tầm nhiều tác phẩm của
Vũ Trọng Phụng, tạo điều kiện để có một cái nhìn sâu sắc, toàn cảnh về
tác phẩm Vũ Trọng Phụng.
Qua những tác phẩm của mình, Vũ Trọng Phụng là người đặt được nhiều vấn đề xã hội như thành thị và nông thôn (qua "Vỡ
đê", "Cơm thầy cơm cô", "Giông tố"), bản chất của đời
sống thành thị, xu hướng hiện đại hóa, thành quả và hậu quả (qua các phóng sự
và tiểu thuyết "Số đỏ"), tình trạng biến chất, tha hóa con người trong xã hội hiện đại; những tệ
nạn xã hội tràn ngập và đâu là phương
thức cứu chữa. Ở mỗi vấn đề đều được chứng minh bằng câu chuyện, sự kiện, nhân
vật góp phần vào sự nhận biết hiện thực, khơi gợi suy nghĩ và thái độ người đọc.
Tôn trọng sự thực, lấy sự thực là chuẩn mực, Vũ Trọng Phụng đã bộc lộ rõ
thái độ qua trang viết. Tuy nhiên, đề xuất vấn đề và cách giải quyết là những
việc khác nhau. Vũ Trọng Phụng cũng có lúc đưa ra những đơn thuốc ngây ngô. Tuy
nhiên, nói như Nguyễn Tuân:
"Nhiệm vụ của nhà văn là phát hiện con bệnh, còn kê đơn và chữa bệnh
lại như vượt khỏi khả năng của người
cầm bút". Phát hiện đúng căn bệnh của xã hội để mọi người có một
thái độ cũng là một đóng góp quan trọng.
Trong các tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, "Số đỏ"
được xem là một tuyệt tác. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu cho rằng: Vũ Trọng Phụng
sáng tạo một loại tiểu thuyết mới, tiểu thuyết cười, tiểu thuyết đa thanh, đa
âm, đa sắc diện. "Số đỏ" là một siêu tiểu thuyết và nhân vật Xuân Tóc
Đỏ là một siêu nhân vật. Nhân vật Xuân Tóc Đỏ đã vượt khỏi giới hạn của một hoàn cảnh, một thành thị
mà trở thành một nhân vật phiêu lưu, có mặt ở nhiều cảnh ngộ trong nhiều nước.
Xuân Tóc Đỏ được xem là một điển hình của văn học hiện thực thời kỳ
1930-1945. Zinoman có liên hệ tác phẩm "Số đỏ" với bộ phim "Vua
lưu manh" (Le roi des resquilleurs) - một bộ phim được ưa chuộng ở Pháp, một
tên lưu manh, tinh ranh, bịp bợm của
thành thị đã "thành công nhờ một chuỗi may mắn khác thường cũng với những mưu mô xảo quyệt".
Không riêng gì "Số đỏ", các tác phẩm "Giông tố",
"Vỡ đê" của Vũ Trọng Phụng đều là những tác phẩm có giá trị trong thời
kỳ mặt trận dân chủ xuất hiện nhiều loại nghị viên như Nghị Quế ("Tắt đèn" - Ngô Tất Tố), Nghị
Lại ("Bước đường cùng" - Nguyễn Công Hoan) và Nghị Hách. Các ông Nghị
trên đều có cá tính riêng nhưng Nghị Hách là sắc sảo hơn cả. Nghị Hách tập
trung những nét tiêu biểu của một kẻ giàu có, làm giàu bằng những thủ đoạn nham
hiểm, bằng tội ác và cũng là một loại người ăn chơi hưởng lạc. Xuân Tóc Đỏ và
Nghị Hách là hai kiểu nhân vật có nhiều nét chung, một bên là kẻ cùng khổ đầu
đường xó chợ, dùng nhiều mánh khóe bịp bợm mà thành "người hùng" và một
bên trở thành triệu phú nhờ những âm mưu lừa gạt.
Ở Việt Nam,
các tác phẩm "Số đỏ", "Giông tố" đều được dựng thành phim.
Cốt cách và giá trị văn học của các tác phẩm đã tạo cho các bộ phim nhiều
nét đặc sắc. Tác phẩm "Số đỏ" cũng được Giáo sư Zinoman dịch ra tiếng
Anh và được xem là một trong số 50 sách dịch hay ở nước Mỹ.
Nói đến tiểu
thuyết phải nói đến nhân vật, Vũ Trọng Phụng có tài khắc họa nhân vật. Trong
tác phẩm "Số đỏ", mỗi nhân vật có một vóc dáng riêng, tính cách
riêng, từ những tên gọi như bà Phó Đoan mà không đoan chính; ông Văn Minh nhưng
thực sự là thụ động, bế tắc; các tên cảnh sát Min Đơ, Min Toa; rồi ông Lang Tỳ,
Lang Phế cho đến em Chã, cụ cố Hồng... Mỗi người đều có những đặc điểm qua hành động, qua ngôn
từ. Nhà nghiên cứu Đỗ Đức Hiểu cho rằng trong "Số đỏ" có những làn
sóng ngôn từ hấp dẫn bất hủ, tiếp nối và đan xen nhau qua những lời thoại độc
đáo. Vũ Trọng Phụng am hiểu xã hội, các loại người đến chân tơ kẽ tóc để góp phần tạo dựng nhân vật.
Ngoài tiểu thuyết, trên dòng phát triển của văn xuôi, Vũ Trọng Phụng
cũng có nhiều truyện ngắn hay.
100 năm đã qua kể từ ngày sinh, và hơn 70 năm kể từ ngày mất, Vũ Trọng Phụng đã
có những đóng góp quan trọng cho văn chương Việt Nam thời kỳ hiện đại. Từ cuộc
đời và tác phẩm của ông có thể giúp chúng ta suy nghĩ về chuyện văn chương và
cuộc sống, hôm qua và hôm nay.
HÀ MINH ĐỨC
CÂU CHUYỆN KHÁC:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét