Khách đến từ
xa nhưng hóa ra lại gần. Đó là đoàn của Thư viện tỉnh Bến Tre - quê hương của
Petrus Ký. Đoàn mang đến những bông hoa huệ trắng và một giỏ trái cây thơm thảo xứ vườn. Rất cảm động, con cháu quê
nhà vẫn không quên ngày mai - 1.9, chính là ngày Petrus Ký mất, cách đây
chẵn 120 năm.
Petrus Ký thường được biết đến như một bác học, tinh
thông nhiều ngôn ngữ Á và Âu. Từ lâu, Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm nổi tiếng
“Nhà văn hiện đại”, đã xếp Petrus Ký là một trong những người tiên phong mở đầu báo chí và văn chương Việt Nam hiện đại.
Gần đây, qua
câu chuyện giữ lấy “Dinh Thượng Thơ” (59-61 Lý Tự Trọng, quận 1), nhiều
nhà nghiên cứu còn nhắc nhớ nơi này
chính là trụ sở đầu tiên của Gia Định Báo - tờ báo tiếng Việt đầu tiên, do
Petrus Ký điều hành. Thêm nữa, Petrus Ký còn là nhà sử học, trong hoàn cảnh
mất nước, vẫn cố gắng thu thập tư liệu
để viết và truyền bá lịch sử Sài Gòn và nước Việt bằng chữ quốc ngữ và ngay cả tiếng Pháp.
Đoàn Thư viện tỉnh Bến
Tre và một số cựu học sinh trường Petrus Ký
đến dâng hương tưởng niệm tại nhà mộ
Petrus Trương Vĩnh Ký.
Cùng đến thắp
nhang tưởng niệm Petrus Ký dịp này, có anh Nguyễn Đại Hùng Lộc, cựu học sinh
Petrus Ký, hiện là Phó Chủ tịch Hội Tem TPHCM. Anh Lộc đem đến một món quà quý
đó là quyển từ điển Pháp – An Nam do Petrus Ký biên soạn và xuất bản năm 1878. Sách
in tại Sài Gòn, 140 năm rồi nhưng giấy vẫn còn bền, chữ rất sắc nét.
Thật trùng hợp,
người viết cũng vừa nhận được
một bản sao từ điển An Nam – Pháp, in năm 1889, tác phẩm của Petrus Ký
do gia đình Cụ ở Pháp gởi tặng. Bản sách này, ngoài các trang in, còn có một số
trang bản thảo viết tay của Petrus Ký. Chữ viết rất đẹp, trang trọng và kỹ lưỡng.
Đặt hai quyển
sách bên nhau – cặp song sanh quý báu - càng nhận ra công lao vất vả của
Petrus Ký vào thời điểm chữ quốc ngữ còn phôi thai.
Nhà giáo Phạm
Văn Luân, thành viên Hội Di sản Bến Tre cho biết hiện nay nhiều người dân và lãnh đạo Bến Tre vẫn
luôn tự hào có Petrus Ký là danh nhân tỉnh nhà, có nhiều đóng góp văn hóa - lịch
sử cho đất nước. Chính huyện Chợ Lách – nơi Cụ sinh ra và lớn lên, đã đưa hình ảnh
nhà bia tưởng niệm Petrus Ký ở
Cái Mơn vào logo của Huyện.
Trên logo,
ngoài nhà bia, còn có hình ảnh trái sầu riêng Cái Mơn nổi tiếng thơm ngon, được người dân ghi nhớ do
Petrus Ký lấy giống từ Penang (Malaysia) về gầy dựng. Bến Tre còn đưa
khu nhà bia tưởng niệm Petrus Ký
vào danh sách các điểm du lịch.
Từ hai năm trước, huyện Chợ Lách đã có dự án tôn tạo nơi
đây thành Khu lưu niệm Trương Vĩnh Ký, bao gồm nhà bia, công viên và khu triển
lãm hoa trái. Tại Bến Tre, từ lâu đã có trường trung học công lập mang tên
Trương Vĩnh Ký, nơi đặt tượng Cụ do Hội Khoa học lịch sử vận động góp tặng
trong chương trình Giọt đồng đúc tượng danh nhân. Gần đây, một con đường lớn mới
mở ở Bến Tre đã được đặt tên Trương Vĩnh Ký.
Thư viện Bến Tre vừa bắt đầu dự án thu thập tư liệu sách
báo về các danh nhân của tỉnh. Trong đó, tiêu biểu là Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường
Toản, Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị, Trương Vĩnh Ký – những sĩ phu yêu nước
theo nhiều cách đa dạng của mình, trong thời điểm lịch sử đầy éo le.
Anh Dương Tấn Phát - Giám đốc thư viện cho biết hiện thư
viện Bến Tre còn rất thiếu các sách báo về địa chí, địa linh nhân kiệt của tỉnh
nhà. Anh dự kiến thư viện không chỉ tìm mua, sưu tầm và trao đổi để đưa vào
trưng bày và đọc tại chỗ mà còn phải làm số hóa các tài liệu này để hình thành
thư viện điện tử phục vụ bạn đọc trong và ngoài tỉnh hiệu quả.
Thư viện vừa được đại diện trường Viễn Đông Bác Cổ và Tạp
chí Xưa và Nay tặng một số sách quý về danh nhân Bến Tre làm vốn liếng đầu tiên
cho dự án.
Hẳn Petrus và các bậc tiền nhân trên cao đang nở nụ cười
vì thấy con cháu không quên những tấm lòng và nhân cách yêu nước, thương dân.
Càng mong bước qua thế kỷ 21, sẽ không có những nhân vật phải tiếp tục “thở
dài” như lời Nguyễn Du từng tâm sự: “Bất tri tam bách dư niên hậu …” –
300 năm nữa có ai khóc!
PHÚC TIẾN
Báo Người Đô Thị
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét