Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Niềm tin thơ ngây

Mạng xã hội bùng nổ, người sử dụng mạng xã hội được tiếp cận thông tin nhanh hơn, gần hơn, nhiều góc cạnh hơn nhưng mặt khác, chúng ta cũng dễ bị dẫn dắt và thao túng. Kết quả không chỉ là ai đó trở nên nổi tiếng với “nhiều like và share”. Đó có thể là sự mất mát về uy tín, tính mạng cá nhân, doanh nghiệp bị xóa sổ, tổ chức bị tổn hại, thậm chí ảnh hưởng tới cả an ninh quốc gia chỉ bởi một cơn lên đồng của đám đông.

Chị Hoa, một học viên của tôi, tâm sự về việc chi 3 triệu cho đứa con 6 tuổi đi sinh trắc vân tay. Chỉ vì một thời gian đó là trào lưu. Mọi phụ huynh quanh chị đều hỏi nhau đã cho đi thử lấy sinh trắc vân tay cho trẻ chưa. Thậm chí Internet còn cho ra cả triệu kết quả tìm kiếm nội dung và các dịch vụ lấy dấu vân tay cho trẻ.

Phải đến khi nhìn kết quả nhận được của bé rất chung chung và dần tự tìm hiểu chị mới biết rằng nhiều chuyên gia trên thế giới đã lên tiếng lấy dấu vân tay để định hướng nghề nghiệp cho trẻ là phản khoa học.

Chúng ta đã bao giờ là nạn nhân của trào lưu, hay hùa vào đám đông làm gì đó chưa? Trong nhiều buổi giảng hay nói chuyện về năng lực truyền thông hay mạng xã hội, tôi thường khảo sát nhanh những người ngồi dưới có thực sự click vào đường link các bài báo, hay đi tìm hiểu sâu vấn đề đang nóng trong xã hội khi thấy chúng được chia sẻ? Không khó để nhận ra chỉ khoảng 10 đến 20% trong số họ giơ tay.

Với sự phát triển của công nghệ, chúng ta đang chuyển đổi từ “xã hội của sự thật” sang “xã hội của thông tin”, nơi bất kì ai trong chúng ta với chiếc điện thoại kết nối đều tạo ra thông tin. Chính vì vậy mà sự thật, một nửa sự thật và những lời nói dối đều có thể được trộn lẫn hay sắp xếp theo một mục đích, thuật toán nào đó để vô tình hay cố ý dẫn dắt dư luận.

Gustave Le Bon – tác giả cuốn “Tâm lý học đám đông” - cho rằng, tâm hồn của đám đông không có chỗ cho lý trí, suy luận logic và cũng không có phần cho vị tha và khoan nhượng. Khi đã lên đồng thì họ bị thôi miên, ông từng nói rằng có “sự cào bằng giữa nhà bác học và kẻ ngu đần trong đám đông”, nơi con người dễ hành động một cách sơ khai và nguyên thuỷ. Đám đông dễ bị thao túng bởi người định hướng dư luận mà tôi hay ví như những người thổi sáo, có tiếng nói.

Nếu nhìn ngoài đời thật, thì đám đông đó có thể sẵn sàng xông vào hành hung một cặp vợ chồng đi mua lúa nếu được ai đó dẫn dụ rằng họ là những người bắt cóc trẻ con. Trên mạng xã hội, họ sẽ trang bị những hòn đá vô hình và quyền được mạt sát, nhục mạ người khác theo tập thể để thực thi cái gọi là “quyền được phản biện”. Cứ như vậy, trong thời gian qua chúng ta thấy từ hoa hậu, doanh nhân, giáo sư hay thậm chí là một đứa trẻ ngoài phố đều có thể trở thành tâm bão và là nơi thể hiện ẩn ức của cộng đồng mạng.

Chúng ta vẫn đau đớn thay bao đứa trẻ lâm vào tình trạng nguy hiểm chỉ vì trào lưu “chống vắc xin” “sữa mẹ là thần dược chữa bách bệnh”, hay nhiều người cổ suý cho phong trào “sinh thuận tự nhiên” . Chỉ cần những hình ảnh càng vĩ đại, kinh điển hay mơ hồ được thêu dệt thì đám đông càng dễ dàng bị kích động.

Và tác giả của những làn sóng này có thể là những người làm truyền thông hay những người có ảnh hưởng tới thông tin. Chỉ một thủ thuật, họ có thể thay đổi cả cục diện thông tin trên xã hội. Phần còn lại là nhiệm vụ của công chúng. Và sau mỗi “làn sóng dư luận” với mức độ tác động nhanh chóng trên mạng xã hội, tôi luôn tự hỏi: Đứng sau tất cả những điều này là ai?

Trong bộ phim tài liệu sản xuất năm 2002, Adam Curtis có đề cập tới hành vi “thao túng đám đông” (crowd manipulation). Đó là việc sử dụng các kỹ thuật có chủ ý dựa trên các nguyên tắc của tâm lý đám đông để thu hút, kiểm soát hoặc ảnh hưởng đến mong muốn của một đám đông để chỉ đạo hành vi đối với một hành động cụ thể. Hành vi này phổ biến trong giới chính trị và kinh doanh và có thể tạo thuận lợi cho sự chấp thuận hoặc không chấp thuận hoặc thờ ơ với một người, một chính sách - hoặc phổ biến nhất là với các sản phẩm thương mại. Nhưng vấn đề đạo đức trong hoạt động “thao túng đám đông” thường vẫn là câu hỏi khó trả lời.

Mạng xã hội bùng nổ, người sử dụng mạng xã hội được tiếp cận thông tin nhanh hơn, gần hơn, nhiều góc cạnh hơn nhưng mặt khác, chúng ta cũng dễ bị dẫn dắt và thao túng. Kết quả không chỉ là ai đó trở nên nổi tiếng với “nhiều like và share”. Đó có thể là sự mất mát về uy tín, tính mạng cá nhân, doanh nghiệp bị xóa sổ, tổ chức bị tổn hại, thậm chí ảnh hưởng tới cả an ninh quốc gia chỉ bởi một cơn lên đồng của đám đông.

Chúng tôi từng viết trong các giáo trình của mình, rằng nếu ai hoang mang và hỏi cần làm gì để trở nên tỉnh táo trên mạng xã hội, thì “hoài nghi tất cả” là câu trả lời. Bởi đằng sau những bức ảnh, hay thông tin đâu đó có thể có bàn tay của ai đó đang cố tình giật dây và tạo dư luận xã hội. Nhưng sự hoài nghi đó cần dựa trên nền tảng hiểu biết và trải nghiệm nhất định, mà trước nhất là sự tỉnh táo với những thông tin tiếp nhận.

Câu nói yêu thích của Karl Marx khi được con gái hỏi về câu châm ngôn ưa thích nhất, ông đã nói: “Hãy biết hoài nghi tất cả”.

PHẠM HẢI CHUNG
Nguồn: VNE



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều