Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Sơn Nam - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê

Đọc sách Sơn Nam và nghe Sơn Nam nói chuyện mới thấy rõ ở Sơn Nam không có sự tách bạch giữa văn nói và văn viết, chính vì thế những trang văn của Sơn Nam lúc nào cũng mộc mạc, đi thẳng vào câu chuyện, không vòng vo, cà kê, có nhấn nhá, nhịp nhàng nhưng không dông dài.

Sáng ngày 22.8, tại hội trường của Nhà xuất bản Trẻ đã diễn ra buổi giao lưu kỷ niệm mười năm ngày mất nhà văn Sơn Nam. Tôi giật mình, mười năm rồi sao?

Nhớ hôm nhận được tin Sơn Nam mất, tôi bần thần một hồi như vừa mất đi người thân thuộc. Sơn Nam gần với những người miền Tây chúng tôi lắm, gần qua tác phẩm của ông thì ít mà bởi ông thường xuất hiện trên sóng truyền hình.

Ở chỗ tôi ngày ấy chỉ bắt được chưa đến chục đài, cũng không phát 24/24 như bây giờ, nhưng hễ có chương trình về văn hóa địa phương thì nhất định sẽ xuất hiện Sơn Nam.
Bà Đào Thúy Hằng - con gái cả của nhà văn Sơn Nam (thứ hai từ trái) tại
chương trình “Mười năm nhớ Sơn Nam” do  Nhà xuất bản Trẻ tổ chức. Ảnh: Phương Quyên

Với dáng người gầy gầy, áo sơ mi, khuôn mặt nhăn nheo như thể sinh ra đã già, cái chất giọng Nam bộ ấy kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện thật như là huyền thoại, về một miền Tây nơi tôi đang sống, tưởng rất thân quen mà trở nên lạ lẫm qua những câu chuyện của Sơn Nam. Đối với đứa trẻ như tôi hồi đó, nhà văn Sơn Nam là cả một kho huyền thoại, huyền thoại như Bác Ba Phi, như rừng U Minh, những hòn, những viên đá, ngôi sao… cũng ẩn chứa những câu chuyện, bao trùm cả một lịch sử vừa mang dáng vẻ bí hiểm vừa gợi biết bao điều thú vị.

Tôi đã nghe danh Sơn Nam trước khi biết ông với tư cách nhà văn, đã biết kiến văn sâu rộng của ông trước cả khi đọc tác phẩm của ông. Sơn Nam nối dài truyền thông văn học truyền khẩu bằng cách dành suốt mấy mươi năm ròng đi điền dã, sưu khảo, biến chúng thành hàng ngàn trang sách có giá trị tư liệu, được hàng triệu bạn đọc yêu thích.

Đọc sách Sơn Nam và nghe Sơn Nam nói chuyện mới thấy rõ ở Sơn Nam không có sự tách bạch giữa văn nói và văn viết, chính vì thế những trang văn của Sơn Nam lúc nào cũng mộc mạc, đi thẳng vào câu chuyện, không vòng vo, cà kê, có nhấn nhá, nhịp nhàng nhưng không dông dài.

Trong biên khảo của Sơn Nam, chất văn lúc nào cũng mạnh, lắm lúc thiên hẳn sang thể tùy bút, nó thể hiện cái tính phóng khoáng rất Nam bộ, một vùng tự do để ngòi bút tung tẩy trên nền tư liệu. Dù vậy, cái sự phóng túng này nhiều khi thành bất lợi, như ở trong cuốn này “ông già” nói vậy, nhưng trong cuốn kia “ông già” lại nói khác, làm cho người đọc đâm ra bối rối (mong là đơn vị đã mua tác quyền trọn đời của Sơn Nam, là Nhà xuất bản Trẻ, sẽ bỏ công hiệu chỉnh để chi tiết trong các quyển sách được thống nhất).

Nhưng có hề chi, độc giả tìm đến Sơn Nam nhiều khi đâu phải để coi một công trình khoa học, họ đơn giản chỉ muốn mình được như hồi nhỏ, nằm trên võng đong đưa nghe ông bà kể chuyện, những câu chuyện thoạt nghe hoang đường mà khiến chúng ta tin đến sái cổ, tin vì ẩn sau tất cả những gì mà người thời nay xem là hoang đường ấy là lớp trầm tích lịch sử của cả một vùng đất, đó từng là một miền đất hứa, nơi mà những lưu dân tìm đến khai khẩn, dựng nhà, lập ấp cùng cộng sinh với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, tin rằng vạn vật hữu linh, nên mỗi gốc cây, cục đá cũng chứa đựng linh hồn, một linh hồn để con người tín ngưỡng.

Sơn Nam là người ghi lại lịch sử ấy, bằng biên khảo, bằng tùy bút, bằng truyện ngắn với Hương rừng Cà Mau, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Bến Nghé xưa, Lịch sử khẩn hoang miền Nam... đã ghi lại tâm tư tình cảm của con người, lịch sử vùng đất, đã làm cho bạn đọc cả nước thấy được vùng đất Nam bộ phong phú thế nào, con người Nam bộ đôn hậu ra sao.

Năm 2008, khi nghe tin Tuổi Trẻ Cuối Tuần ra số kỷ niệm Sơn Nam, tôi đã lật đật mua về, trong ấy có chụp lại thủ bút của Sơn Nam viết bài thơ đề từ cho tập Hương rừng Cà Mau, một bài thơ được Sơn Nam viết trong tù, một bài thơ như nói cạn tấm lòng của những người Nam bộ.

Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
“Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả”
Tới Cà Mau - Rạch Giá
Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mù như sương
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút
Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò... ơ theo nước chảy chan hòa
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...

HUỲNH TRỌNG KHANG
Báo Người Đô Thị



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều