Không ai khác,
chính người Sài Gòn, nói cách khác chính nền báo chí Sài Gòn đã năng động
tạo ra sự gắn kết ấy.
Tờ báo Nông cổ mín đàm - ẢNH: L.M.Q
Từ “sân chơi” quảng
văn thi cuộc
Trong tập sách Văn chương Sài Gòn 1881-1924 - Văn
xuôi I (NXB Văn hóa Văn nghệ, 2017), nhà báo Trần Nhật Vy cho biết một
chi tiết quan trọng: “Năm 1902, báo Nông cổ mín đàm ở Sài Gòn
đã tổ chức cuộc thi thơ đầu tiên của
lịch sử văn học VN với tên gọi Quảng văn thi cuộc (tr.10). Kiểm chứng lại từ tờ
báo này, ta biết cuộc thi này chính thức diễn ra từ số báo 39 ra ngày
22.5.1902. Bổn báo có lời rao: Nay muốn mở cuộc thông đồng cho văn nhơn
tài tử xa gần vui chơi với nhau cho dễ. Tuy xa cách mặc dầu, chớ cũng đồng
thinh khí. Xưa nay ai nấy đều biết bài thơ Lão kỵ quy y là hay,
không ai họa lại được cho bằng. Vậy nay đổi ngược lại ra đề như sau này mà làm
thử coi có hay chăng: Thanh ny hồi tục. Xin chư dai nhơn tài tử có rảnh làm chơi, vận chi cũng được”.
Xin nhắc, Lão
kỵ quy y (nay thường thấy
ghi Kỹ nữ quy y, Lão kỹ quy y) là tác phẩm của Huỳnh Mẫn Đạt (1807 -
1883), người đã cùng Phan Văn Trị bút chiến với Tôn Thọ Tường đã tạo thành dấu ấn
văn chương lừng danh của miền Nam đầu thế kỷ 20. Theo Tự điển văn học (bộ
mới), Huỳnh Mẫn Đạt là người Gia Định
nhưng cũng có tài liệu cho rằng ông quê Rạch Giá, dù gì thì Nông
cổ mín đàm đã lấy thơ của
thi sĩ người miền Nam. Bản tin trên còn cho biết, các từ đồng
thinh (đồng thanh), dai nhơn (giai nhân) là cách viết/nói
thuở ấy.
Không dừng lại đó, từ số 52 ra ngày 21.8.1902, cuộc thi
được tổ chức lần 2 với “đề thi”: Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ
mới là chân tu. Rõ ràng cuộc thi đã có tác động nhất định trong việc khơi dậy
cảm hứng sáng tác cho các thi nhân miền Nam đầu thế kỷ 20. Theo khảo sát của
nhà báo Trần Nhật Vy, từ cuộc thi này, đã có những tác giả “về sau trở thành những
người có tên tuổi trong làng viết
lách Việt” như các ông Trần Phong Sắc - nhà dịch thuật nổi tiếng đầu thế kỷ 20,
Tống Hữu Định - người góp phần mở đường cho cải lương miền Nam, Đặng Lễ Nghi -
người sáng tác nhiều truyện thơ…
Đến thi tiểu thuyết quốc âm thí cuộc
Khi biên khảo Đất
Sài Gòn và sinh hoạt của người Sài Gòn xưa (NXB Hội Nhà văn - 2017), nhà nghiên
cứu Lê Nguyễn cho biết một thông tin cực kỳ quan trọng cũng từ Nông cổ
mín đàm: “Năm 1906, tờ báo thực hiện một sáng kiến hiếm thấy là mở một kỳ
thi viết truyện với tổng số tiền thưởng đến 150 đồng. Đáng tiếc là sáng kiến
này khá mới mẻ nên chỉ có một người dự thi” (tr.170).
Thử hỏi, 150 đồng
là nhiều hay ít? Chỉ biết chắc chắn rằng, bấy giờ một bữa ăn tại nhà hàng Tây
và cà phê mở tại đường Jaccaréo (nay là đường Tản Đà, Q.5) chỉ tốn 1,4 đồng.
Cuộc thi này,
cụ thể ra làm sao? Khảo sát từ tờ báo trên, ta có thể biết được nhiều thông tin
lý thú. Trên số 262 ra ngày 23.10.1906, ông chủ bút Gilbert Chiếu (tức
chí sĩ, nhà văn Trần Chánh Chiếu 1868 - 1919) cho đăng lời rao Quốc âm thí cuộc,
có đoạn: “Nay bổn quán xin ra đề “Tiền căng báo hậu”. Người Lang Sa gọi là
Roman nghĩa là lấy trí riêng mình mà đặt ra một truyện tùy theo nhân vật phong
tục trong xứ, dường như truyện
có thiệt vậy. Diễn dẫn ra một cuốn chừng 50 tờ giấy lớn. Cách nạp đơn: kể từ
ngày nay cho đến ngày 15.11.1906 vị nào chịu ra thì phải vào đơn cho Bổn
quán chấp. Quá hạn thì không chấp đơn nữa. Vào đơn rồi phải công ra diễn dẫn, hạn
đến tháng 2.1907 nạp vở. Cách nạp vở: phải phong cuốn sách của mình lại cho kỹ.
Ngoài bì, trên đầu đề một câu chữ riêng của mình ngụ ý, kế đó đề: “Nhựt trình
Nông cổ mín đàm, số 199 đường Bourdais - Sài Gòn”.
Đây là cuộc thi tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử nền
văn học Quốc ngữ nước ta. Trên số báo 280 ra ngày 5.3.1907, cuộc thi kết thúc với
kết quả được công bố như sau: “Nguyên khi mở hội thi thì có 3 vị vào đơn xin.
Song đến hạn nạp thì có 1 vị nạp mà thôi là M.Pierre Eugene Nguyễn Khánh Nhương ở Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Truyện của
thầy này đặt tên là Lương Hoa truyện, lời nói vừa phải dễ nghe, không cao không
thấp. Song việc tiền căng báo hậu còn sơ một thứ. Bổn quán nghĩ vì còn một vị nạp vở thì khó mà sánh tài lắm,
cho nên Bổn quán định thưởng “khuyến công” cho M.N.K Nhương là 25 viên bạc (tức
25 đồng) và một năm nhật trình”.
Từ số báo này Lương Hoa truyện được đăng tải lên trên trang 8 của mỗi số
báo. Nội dung có thể tóm tắt: Hai người bạn thân là Bổn và Huy hứa hẹn sẽ kết
thông gia với nhau. Bổn có con gái là Hoa, Huy có con trai là Lương. Huy vì
gia cảnh nên không đi học được, Huy giúp đỡ Bổn ăn học nên đỗ cử nhân. Khi Pháp
đánh chiếm Nam kỳ, gia đình Huy bị cướp phá. Huy chết. Vợ con lưu lạc gặp nhiều tai ách gian truân. Rồi mẹ con
lại gặp nhau, Lương đến nhà cậu nương tựa. Nhớ lời cha dặn, Lương tìm đến
nhà ông Bổn để xin đính ước với Hoa, nhưng ông Bổn đã chết. Sau Lương thi đỗ được bổ làm thư ký ở Nam Vang
(Phnom Penh), vẫn mang ý định tìm Hoa”.
LÊ MINH QUỐC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét