Khá im ắng sau tiểu thuyết Thể xác lưu lạc (2009),
nhà văn Tiến Đạt vừa trở lại với 2 quyển sách gây chú ý: tập truyện ngắn Truy
đuổi tâm trạng mỹ nhânvà sách du ký Lữ khách - gió bụi xa gần,
kịp tung ra trong Hội Sách TPHCM lần VIII - 2014. Anh đã dành một cuộc trò chuyện
thú vị xoay quanh những cuốn sách, những chuyến đi, sự trôi giạt của lữ khách
và thân phận mỹ nhân…
Từ trái sang: Phan Hoàng, Giản Thanh Sơn, Tiến Đạt, Trần
Nhã Thuỵ
trên đỉnh đèo Gió ở Bắc Kạn 27.5.2012
* Năm 2009, sau khi khá gây tiếng vang với tiểu
thuyết Thể xác lưu lạc, thấy anh có vẻ im tiếng. Nhà văn, có nhiều trường hợp “ở
ẩn luyện bút”, là sự nghỉ ngơi của một chu kỳ làm việc, hoặc cũng có khi bị bí
đề tài, thiếu đam mê sáng tạo?
- Phía trước, trong và sau khi phát hành cuốn sách, luôn
thể hiện đời sống của một nhà văn. Ở nước ta, tỷ lệ nhà văn chỉ sống bằng nghề
viết rất hiếm. Tôi cũng rơi vào trường hợp phải làm nhiều việc khác bên cạnh viết
văn. Viết, theo mình như một đam mê chữ nghĩa, khó dứt ra được. Sau khi
phát hành tiểu thuyết Thể xác lưu lạc, tôi cũng âm thầm viết một số cuốn mới.
* Có phải tập truyện ngắn Truy đuổi tâm trạng mỹ nhân
và cuốn du ký Lữ khách, gió bụi xa gần anh kịp tung ra tại Hội Sách TPHCM diễn
ra vào cuối tháng 3 này?
- Việc in sách trùng thời điểm Hội Sách chỉ là sự tình cờ
của cá nhân tôi, hoặc là chủ ý của Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ (đơn vị mua
bản quyền - NV). Thật ra, tôi cũng rất lười trong việc in ấn. Rất may, lần này
có sự hỗ trợ khá nhiệt tình và chuyên nghiệp của nhà xuất bản, nên tôi mới
nhanh chóng hoàn thành các bản thảo của mình, kịp in và phát hành đúng thời
gian diễn ra Hội Sách.
* Theo thông tin chúng tôi nắm được, trong kế hoạch
in sách tháng 3 năm nay, riêng cá nhân anh in cùng lúc 3 cuốn chứ không phải 2.
Nếu điều này xảy ra, đây là điều rất hiếm của một nhà văn Việt Nam.
- Đáng lẽ cùng lúc tôi sẽ in 3 cuốn. Một cuốn truyện ngắn,
một cuốn du ký và một cuốn tản văn, 3 đề tài khác nhau. Cuốn tản văn, tựa đề Sự
quyến rũ của bước chân, đáng lẽ cũng sẽ in vào dịp này, tuy nhiên, sau khi
xem xét kỹ các yếu tố, chúng tôi dời phát hành sang thời điểm khác, có thể
trong năm nay.
* Trong lời bạt tập truyện ngắn Truy đuổi tâm trạng
mỹ nhân, Tiến sĩ - nhà phê bình Trần Hoài Anh và nhà văn Trần Nhã Thụy đã có
bài viết khá công phu về tác giả và tác phẩm. Theo nhà phê bình Trần Hoài Anh:
“Đây là sự ám ảnh của một tâm thức hiện sinh... vừa thực lại vừa mộng, vừa
lãng mạn lại vừa trần trụi. Trong các câu chuyện tình, ta thấy rõ sự đan xen giữa
khát vọng tính dục với những đam mê rất Người, đó là những vấn đề thấm đẫm chất
nhân sinh mang tính nhân bản sâu sắc”. Tôi có sự tò mò, anh có chọn sex là
phương cách, trào lưu để gây chú ý, như một vài tác giả trẻ hơn anh hiện nay?
- Tôi chưa bao giờ có chủ ý viết về tính dục, và cũng
không báng bổ đề tài này. Quan trọng, phải hợp với nhân vật, bối cảnh, không
gian, thời gian… Tính dục, chỉ là một trong những yếu tố làm đậm đặc cá tính
nhân vật, giúp đẩy vấn đề đi đến tận cùng. Khai thác các yếu tố tính dục, với
tôi, chỉ là một phép thử để qua đó nhân vật bộc lộ tính cách và nhân cách của
mình. Bạn đọc tinh ý lắm, nhà văn chẳng lừa họ được bằng những trang viết cố
tình khiêu gợi nhưng chẳng ăn nhập gì với đề tài.
Đề tài nổi bật nhất trong tác phẩm của tôi là thân phận,
sự cô đơn và trôi giạt của con người. Những nhân vật ấy, có niềm cô đơn sâu kín
và sự trôi giạt như đã thành định mệnh.
* Sự trôi giạt của lữ khách và niềm cô đơn thân phận mỹ
nhân là những đề tài đang theo đuổi của anh?
- Tôi thích viết về lữ khách và mỹ nhân. Lữ khách và mỹ
nhân là những đại diện nhân vật nam và nữ trong các tác phẩm. Họ đa phần không
tên, chỉ có đại từ Anh và Nàng thay thế.
* Lữ khách - gió bụi xa gần, theo nhận xét của giới xuất
bản, là tập sách du ký được đầu tư lớn nhất và in 4 màu công phu, đẹp nhất
trong thể loại sách du ký từ trước đến nay. Chính vì thế, giá bán cũng khá cao.
Anh có thể chia sẻ ít nhiều về nội dung chuyển tải và các cung đường anh viết
trong cuốn sách này?
- Đây là tập hợp các bài viết theo thể loại du ký trong
thời gian trên 15 năm làm trong ngành du lịch của tôi. Nội dung là những câu
chuyện liên quan khoảng 40 thành phố của khoảng 20 nước trên thế giới và khoảng
30 tuyến điểm du lịch có sức hấp dẫn, nét riêng tại nước ta mà tôi có cơ hội đi
qua trong vai lữ khách.
Những địa danh tôi có cơ may đi qua nằm trong miền ký ức.
Thật khó để đưa ra nhận định nơi nào có sức quyến dụ nhất đối với du khách/lữ
khách. Không phải chỉ có phong cảnh đẹp hùng vĩ, giàu bản sắc văn hóa bản địa, ẩm
thực phong phú, nhiều giai thoại mỹ nhân, sầm uất trung tâm mua sắm xa xỉ… thì
lưu lại lâu trong bộ nhớ lữ khách/du khách. Không hẳn địa danh trở thành tuyến
điểm du lịch nổi tiếng được đưa vào các ấn phẩm du lịch trong và ngoài nước lưu
lại ấn tượng đẹp và sâu lắng nhất cho tất cả mọi người. Cái đẹp của từng vùng đất,
và lưu lại trong nỗi nhớ của người lữ khách, nhiều khi phụ thuộc vào duyên.
Cuốn sách này chỉ là tập hợp của những bài viết mang tính
ngẫu hứng, và dậy lên niềm xúc cảm về những vùng đất tôi từng đi qua. Vì, còn
có nhiều nơi tôi từng đặt chân đến, nhưng thật khó khi trải lòng ra trang viết.
Có thể, còn chờ ủ thêm chất men, hoặc phải quay trở lại khơi nguồn mạch chảy
suy tư du ký.
* Niềm vui đi, dịch chuyển có trong tất cả chúng ta.
Anh làm trong ngành du lịch, lại là nhà văn, nên khá thuận lợi trong việc chuyển
tải câu chuyện từng nơi anh đặt chân đến. Đi, dịch chuyển, với anh là cơ hội,
hay là định mệnh?
- Khởi thủy của con người, có lẽ là dịch chuyển, hành
trình tìm kiếm, khám phá thế giới rộng lớn bên ngoài về bí ẩn nội tâm.
Trong ký ức trẻ thơ, những câu chuyện lang bạt kiếm sống
trải nghiệm nơi xa lạ, hòa vào dòng đời phức tạp đầy sinh động, nhiều màu sắc,
cung bậc của người đàn ông thợ chẻ đá trong gia tộc tôi thời họ trai trẻ đã
kích thích trong tôi sự tò mò và nuôi đam mê trở thành lữ khách. Lữ khách của
người thợ chẻ thể hiện bản lĩnh phóng khoáng vùng vẫy, mạnh mẽ của người đàn
ông phải tự làm chủ, tự đạo diễn cuộc đời mình. Thợ chẻ là lữ khách bất đắc dĩ
của bao chênh vênh nhọc nhằn phận người.
Những người thợ chẻ, trong câu chuyện mỗi lần gặp mặt, họ
vẫn nhớ về khoảng thời gian bôn ba, lưu luyến những vùng đất. Cũng giống như
tâm cảm của người thợ chẻ, tôi bị quyến rũ mê hoặc vẻ đẹp quê hương xứ sở, và
âm thanh vang vọng, réo gọi qua bao cung đường.
* Được biết, du ký đang là thể loại khá ăn khách, vì
đánh trúng tâm lý mê đi của độc giả. Anh có tin sách của mình sẽ trở thành một
trong những tác phẩm best-seller?
- (Cười) Tôi luôn nuôi niềm hy vọng! Cũng rất vui, vì
sách chưa phát hành, nhưng đã có nhiều độc giả, và các công ty du lịch, trong
đó có Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist đặt mua đợt đầu vài trăm cuốn để tặng
du khách. Tôi có niềm tin, thông qua sách, mình chuyển tải hộ được cảm xúc cho
độc giả, những người mê sự rong ruổi qua các cung đường.
THANH TUẤN
SGGP THỨ 7
________________________
Nhà
văn Tiến Đạt họ tên đầy đủ là Nguyễn Tiến Đạt, sinh ngày 01.5.1975 ở Quảng
Ngãi. Tốt nghiệp Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện
làm việc tại Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist).
Nhà
văn Tiến Đạt là Phó ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh
khoá 6 (2010-15). Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014.
Tác phẩm đã xuất bản:
- Có
con chim lạ trong thành phố (tập truyện ngắn - 2003).
- Tội
lỗi tự nhiên (tập truyện ngắn - 2006)
- Thể
xác lưu lạc (tiểu thuyết - 2009)
- Truy
đuổi tâm trạng mỹ nhân (tiểu thuyết - 2014)
- Lữ
khách - gió bụi xa gần (du ký - 2014)
Giải thưởng văn học:
-
Tặng thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2014 cho tập truyện ngắn Truy đuổi tâm
trạng mỹ nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét