Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Nguyễn Quang Thiều mãi mãi là ẩn số

Nguyễn Quang Thiều là ai? Câu hỏi ấy cứ mãi ám ảnh tôi. Đã hơn mười lăm năm chơi với anh, càng gần càng hiểu anh thì câu hỏi ấy lại càng ám ảnh tôi, như một ẩn số không bao giờ có lời giải. Ẩn số ngay cả khi tôi cùng nhà thơ Nguyễn Quyến ngồi trà đạo xuyên đêm với Nguyễn Quang Thiều tại ngôi nhà sinh trưởng nên anh ở làng Chùa bên bờ sông Đáy; ngôi nhà và cái làng mà tình yêu, ước mơ và sự hiến dâng của anh dành cho nó cũng là một điều bí ẩn, nhất là từ khi cha mẹ anh cùng ra đi trong vòng một năm: “Thi thoảng tôi thấy khu vườn rực sáng và tôi nhìn thấy cha tôi đang ngồi uống trà dưới vòm lá đào. Nhiều lúc, tôi không nghĩ hình ảnh ấy là của ký ức mà là một hình ảnh của hiện tại. Nó có thật. Và nhiều đêm gần sáng, tôi lại nghe từ căn buồng bên cạnh tiếng mẹ tôi rành rõ gọi tôi lấy cho bà chiếc chậu để bà đi tiểu đêm…”
Hai nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Phan Hoàng

CÓ LẼ KIẾP TRƯỚC LƯỜI NHÁC QUÁ… VÀ THÈM MỘT LẦN ĐƯỢC NGỦ DẬY MUỘN

Với mọi người một giấc ngủ muộn là chuyện bình thường. Nhưng với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đó là cả một niềm mơ ước. Bởi công việc và công việc cứ mãi cuốn lấy anh.

Chẳng những tôi mà nhiều người cũng ngạc nhiên không hiểu Nguyễn Quang Thiều lấy đâu ra thời gian và năng lượng để làm việc dữ dội đến vậy. Anh làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch sân khấu, kịch bản phim, tiểu luận và liên tục in sách. Anh cũng không ngừng xuất hiện cùng các bài báo dưới hàng loạt bút danh khác nhau, rồi biên tập, phỏng vấn trực tuyến. Anh còn là một trong những nhà văn đi nước ngoài như “đi chợ”, thường xuyên dự các hội thảo văn học, liên hoan thơ quốc tế,…

Vậy thì thời gian đâu để Nguyễn Quang Thiều làm… chồng và dành cho những riêng tư của mình? Phải chăng anh có bí quyết sắp xếp thời gian nào đó? Trước boăn khoăn của tôi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thổ lộ:

- Đã có nhiều người hỏi tôi câu hỏi này. Quả thực tôi đã sống như một dòng nước chảy xiết chưa một phút chậm lại. Tôi cứ nghĩ có lẽ kiếp trước mình lười nhác quá, rong chơi nhiều quá… cho nên kiếp này phải trả nợ. Đã nhiều lần tôi muốn dừng lại cường độ làm việc như thế nhưng tôi không thể nào làm được. Tôi không có bí quyết gì trong việc sắp xếp thời gian. Tôi chỉ là kẻ có khả năng say mê mọi công việc. Có những việc lúc đầu tôi bắt tay làm như một sự bắt buộc. Nhưng chỉ ngay sau đó, tôi đã làm như một kẻ tự nguyện điên rồ. Tôi không biết như thế có phải là một sai lầm hay không.

Thời gian dành cho riêng tư tôi thực sự không nhiều. Sống ở thành phố hình như tôi không có thời gian cho những riêng tư. Nhưng tôi may mắn có một làng quê cách Hà Nội không xa. Thế là, cuối tuần lái xe về làng, sống gần như một mình trong ngôi nhà của ông bà, cha mẹ tôi. Tôi đi câu, chăm sóc cây cối trong vườn và đêm xuống tôi ngồi trong vườn uống cà phê, lắng nghe mọi âm thanh của khu vườn.

* Chăm sóc cây cối và cũng phải chăm sóc vợ một chút nữa chứ. Tôi mà là vợ anh thì khó lòng sống với một đấng lang quân suốt ngày chỉ biết tới công việc, chữ nghĩa và làng quê. Tôi cũng nghe nói tác giả Sự mất ngủ của lửaluôn ngủ rất ít, đúng không thưa nhà thơ?

- Tất nhiên tôi cũng phải dành thời gian cho vợ con rồi, nhưng không được như ý muốn. Nhiều năm nay, có những buổi tối tôi hạ quyết tâm ngày mai mình sẽ ngủ dậy thật muộn, sau đó sẽ đi uống cà phê rồi tắt điện thoại và chìm vào một cuốn sách hay những trang bản thảo của mình. Vậy mà cho đến lúc này, cái ngày mai ấy vẫn chưa tới. Tôi vẫn như một cậu bé thèm được một ngày ngủ dậy thật muộn.


Ít ngủ nhưng nhìn anh lúc nào cũng rắn chắc, cũng phong độ, kể cũng lạ. Đã ở tuổi “tri thiên mệnh”, anh quan niệm ra sao về thời gian? Anh có chịu áp lực hay nỗi ám ảnh về thời gian?

- Đúng là quan niệm về thời gian đã thay đổi hoàn toàn trong tôi, không phải ở tuổi tri thiên mệnh mà từ nhiều năm trước. Tôi không “định giá” thời gian theo những chiếc kim đồng hồ mà theo những gì chứa đựng trong khoảng thời gian mình đã sống. Mỗi khi ngồi một mình trong khu vườn ở làng Chùa, lòng tôi ngập tràn những ký ức, những sự kiện và những suy tưởng hay những lúc tôi đang sáng tạo là những lúc thời gian chứa trong đó một trữ lượng khổng lồ của những giá trị sống. Tôi đã từng nhiều lần suy nghĩ về cái chết. Hồi còn trẻ, tôi đã từng trực tiếp bốc mộ hoặc chứng kiến công việc bốc mộ những người thân đã mất. Quả thực lúc đó, ý nghĩ về cái chết đã làm tôi hoảng sợ khôn cùng. Nỗi sợ hãi ấy đã bám theo tôi một thời gian rất dài. Nhưng thời gian với những kinh nghiệm sống và những khai mở trí tuệ, tôi đã nhìn cái chết với một tinh thần khác.

* Anh nhìn cái chết với một tinh thần khác, cụ thể…

- Nó làm tôi chắt chiu những giây phút mình sống. Nó làm tôi chia sẻ, cảm thông và nhân ái với con người hơn. Nó làm tôi có thể ngồi cả buổi chiều trong vườn vào một ngày xuân ngắm nhìn vẻ đẹp diệu kỳ của hoa lá và tiếng chim. Nó làm cho tôi khát khao được chết trong một ngày tại khu vườn quanh ngôi nhà ở làng Chùa đầy gió và hương thơm của hoa nguyệt quế. Khi hiểu được điều đó, chúng ta sẽ nhận ra sự kỳ diệu của thời gian chứ không phải nỗi đe doạ của nó.

Tôi tin tinh thần đối với thời gian và cái chết của anh sẽ giúp khai mở cho không ít tâm hồn đang u uẩn. Theo dòng thời gian, cho tới bây giờ những khoảnh khắc nào trong đời mình mà anh thường nhớ tới?

- Đó là những khoảnh khắc tôi được sống với những người thân yêu như bà nội tôi và cha mẹ tôi. Ngôi nhà ở quê tôi đã được sửa sang sạch sẽ và nhiều ánh sáng, nhưng thi thoảng tôi vẫn nhận thấy trong căn buồng nơi bà nội tôi nằm khi đau ốm vì bệnh bại liệt sực nức mùi thuốc Bắc và mùi nước tiểu của người già. Sau khi cha mẹ tôi mất, tôi về quê và nhiều lúc thức suốt đêm trong ngôi nhà này. Thi thoảng tôi thấy khu vườn rực sáng và tôi nhìn thấy cha tôi đang ngồi uống trà dưới vòm lá đào. Nhiều lúc, tôi không nghĩ hình ảnh ấy là của ký ức mà là một hình ảnh của hiện tại. Nó có thật. Và nhiều đêm gần sáng, tôi lại nghe từ căn buồng bên cạnh tiếng mẹ tôi rành rõ gọi tôi lấy cho bà chiếc chậu để bà đi tiểu đêm. Tôi không rõ những hình ảnh kia và giọng nói kia sẽ tồn tại đến khi nào và có hình ảnh nào, âm thanh nào khác có thể chen vào không.

MỐI QUAN HỆ THIÊNG LIÊNG BÍ ẨN & ƯỚC NGUYỆN XÂY THƯ VIỆN CHO TRẺ EM LÀNG CHÙA

Thật khó khăn nếu như có năm nào đó tôi phải rời xa làng quê Hoà Đồng ở Phú Yên để ở lại Sài Gòn ăn Tết. Làng Chùa đối với Nguyễn Quang Thiều cũng vậy. Anh không bao giờ rời xa cái Tết cổ truyền làng Chùa thuộc xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây cũ mà nay đã nhập vào Hà Nội, nơi anh đã cất tiếng khóc chào đời ngày 13.02.1957. Đặc biệt, ngay cả bây giờ trên cương vị phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, anh vẫn thường xuyên có mặt ở làng khi có thể, rồi “ông phó chủ tịch hàm ngang thứ trưởng” còn lo tổ chức hội thơ, làm thư ký cho cuộc thi thơ làng Chùa. Ngược lại người làng Chùa cũng rất yêu quý, tự hào và trân trọng đứa con tài hoa và nhân ái của làng.

Tôi đinh ninh là người làng Chùa chắc hẳn Nguyễn Quang Thiều rất mê lễ chùa, nhưng theo anh:

- Tôi khác rất nhiều người, tôi rất ít đi chùa vào mùa xuân và thậm chí vào những mùa khác trong năm. Nếu tôi không gặp may mắn thì tôi cũng không dám kêu ca, trách móc Thần Phật sao không phù hộ độ trì cho tôi. Thời gian này, tôi vẫn chỉ muốn về làng Chùa của mình.

* Cái Tết làng Chùa của anh năm Tân Mão này có gì mới?

- Năm nay, tôi trồng thêm được một cây đào trong vườn mà bạn tôi, một người nông dân, chở từ Sơn La về vì biết tôi thích trồng hoa đào trong vườn. Tôi muốn trở về để ngắm hoa mơ, hoa đào nở trắng khu vườn trong sự yên tĩnh đến tột cùng tinh khiết. Tôi muốn chiêm ngưỡng và hưởng thụ những vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên. Và cũng để có thời gian tạm xa thành phố với cuộc sống ngạt thở và quá nhiều trống rỗng mà tôi cũng là một kẻ ít nhiều đóng góp vào nỗi ngạt thở và sự trống rỗng đó. Và để chiều cuối năm, tôi được lang thang trong gió lạnh và mưa bụi trên cánh đồng cuối làng giữa những ngôi mộ của những người thân đã khuất. Tôi thường ngồi lâu hơn trước mộ mẹ tôi. Tôi muốn được nhìn thấy mẹ tôi một lần nữa. Tôi muốn nghe được chính giọng nói mẹ tôi tha thứ cho những lỗi lầm nào đó của tôi với cuộc đời này. Tôi không bao giờ quên được một đêm trăng khi mẹ tôi còn sống. Đêm ấy mẹ con tôi ngồi bên nhau trong khu vườn đầy trăng và ngào ngạt hương nguyệt quế, mẹ tôi nói: “Khi mẹ mất đi rồi, có còn ai yêu con như mẹ nữa không”. Nhưng cho dù chẳng còn ai yêu tôi nữa thì tình yêu thương của mẹ dành cho tôi đủ giúp tôi không cô độc đến hết đời.

* Đúng vậy, trên cõi đời này không tình yêu thương nào lớn lao hơn tình mẫu tử. Và tôi không tin bất kỳ con người nào có thể sống tình nghĩa nếu họ không phải là người con hiếu thảo. Ngoài những ký ức anh vừa thổ lộ thì làng Chùa còn những bí mật gì có sức hút mãnh liệt đối với anh?

- Mỗi người đều có một mối liên hệ vừa mơ hồ, vừa bí ẩn, vừa thiêng liêng và vừa uy quyền với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thực ra, tôi không thể lý giải được rành mạch mối liên hệ này. Nhưng tôi hiểu mối liên hệ này được tạo dựng lên bởi rất nhiều yếu tố vừa cụ thể vừa mơ hồ: ký ức, kinh nghiệm, phong tục, văn hoá, ẩm thực, thổ ngữ, dòng họ, hàng xóm, những ngôi mộ, con sông, cánh đồng, đình làng, những câu chuyện ma thuở nhỏ, những đầm nước, những năm tháng đói rét, những cơn ốm đau, mối tình thuở học trò, những người đàn bà tắm trần trên bến sông, những phiên chợ, những đám tang, những thôn nữ tóc dài, ngực nở rắn chắc tưởng chỉ chạm kẽ là mang thai, những nhân vật đặc biệt của làng… Tất cả những thứ đó đã dựng lên một không gian sống động và huyền ảo mà chúng ta không thể lớn lên nếu không có một không gian như thế và không thể nào đi ra khỏi không gian đó nếu muốn làm người có chút gì lương thiện.

Anh từng có tuyên ngôn thơ về làng Chùa, đứng ra tổ chức hội thơ thi thơ và quảng bá hết mức cho làng. Anh cũng lặng lẽ giúp đỡ bà con láng giềng nghèo khó của làng. Ngoài cái ước mơ kiếp sau làm “con chó nhỏ” canh giữ “nỗi buồn- báu vật cố hương” như thơ anh viết, thì anh còn những tâm nguyện nào chưa thực hiện được cho làng Chùa?

- Câu hỏi này làm tôi lúng túng và sự xấu hổ bắt đầu xâm chiếm tôi. Nhiều lúc tôi nghĩ, những gì tôi đã, đang và sẽ làm cho làng Chùa của tôi hình như chẳng hề an ủi được bao nhiêu cho những người nông dân làng Chùa đang sống một cuộc sống vô cùng vất vả. Tôi không thể có tiền để xây nhà cho tất cả những gia đình ở làng Chùa đang khó khăn, để trợ giúp lệ phí học hành cho con cháu họ, để trợ giá nông sản cho những người nông dân, để xây một trạm y tế điều dưỡng cho những người già đau ốm, để trả lại sự công bằng cho một ai đó, để xây dựng một hệ thống nước sạch cho cả làng… Nhưng là một nhà thơ, tôi muốn cùng những người làng nuôi giữ giấc mơ cho chính làng mình.

Người làng Chùa có nói: “Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người geo trồng”. Tôi nghĩ, đó là sứ mệnh của mọi nền thơ. Tôi muốn người làng Chùa nhận ra phía sau những đói rét, những mất mát, những thiệt thòi trong đời sống thường nhật của họ có những vẻ đẹp kỳ diệu của đời sống này. Nhiều năm nay, tôi nung nấu tổ chức một Đêm làng Chùa. Đó không phải là một đêm thơ nhưng thơ là lý do chính.

* Anh có thể nói rõ hơn cái ý tưởng Đêm làng Chùa.

- Đêm đó, khi bóng tối buông xuống thì một thế giới của những vẻ đẹp và lòng nhân ái tràn ngập mọi ngôi nhà, mọi lối ngõ… của làng Chùa hiện ra. Rồi sáng sau, khi mặt trời lên, tất cả lại biến mất nhưng những gì hiện ra trong đêm trước đó như một nơi chốn nào đấy của Thiên đường là có thật. Con người phải được nhìn thấy Thiên đường một lần trong chính cuộc sống thế gian của mình cho dù chỉ là trong khoảnh khắc. Để những người nông dân tin rằng: cuộc sống của họ không chỉ là lam lũ và đói nghèo mà vẫn chứa đựng trong đó những điều kỳ diệu.

Tôi cũng đang bàn luận với chính quyền địa phương để tôi có thể xây một thư viện cho trẻ em làng Chùa. Một thư viện nổi trên một đầm sen trắng. Nhưng để làm việc này thì tôi phải có cơ hội thầu được đầm nước kia trong một thời gian mấy chục năm. Nhưng mọi chuyện thủ tục đâu dễ như ta nghĩ.

* Với một dự định tốt đẹp và với một người có mối quan hệ rộng như Nguyễn Quang Thiều mà cũng gặp rắc rối về thủ tục với một cái đầm nhỏ vậy sao?

- Chính tôi cũng tự hỏi: vì sao những người nước ngoài có thể đến Việt Nam thuê đất để kinh doanh làm giàu cho cá nhân họ trong khi tôi muốn bỏ tiền ra xây dựng một cơ sở tri thức và văn hoá cho cộng đồng mình thì lại gặp khó khăn. Nhưng cho dù khó khăn thế nào thì tôi cũng không từ bó ý định đó. Xin anh hãy cầu chúc cho những người làng Chùa và tôi thực hiện được mong ước chân chính đó.

KHÔNG THẤY DẤU HIỆU SỰ PHẢN ĐỐI VÀ TỔNG BIÊN TẬP BÁO VĂN NGHỆ KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ CỦA MỘT CÁ NHÂN

Chẳng những cầu chúc mà tôi tin nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và người làng Chùa sẽ sớm thực hiện được mong ước xây thư viện nổi cho trẻ em làng mình trên đầm sen trắng, cái đầm nhỏ thơ mộng nằm ngay trước mặt ngôi nhà tuổi thơ của chính Nguyễn Quang Thiều.

Chuyện làng quan trọng. Chuyện “quốc gia đại sự” càng quan trọng, nhất làkể từ khi Nguyễn Quang Thiều trúng cử ban chấp hành và trở thành phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bằng niềm tin và hy vọng của đông đảo hội viên. Tôi hỏi:

* Thưa “ông” phó chủ tịch, cho tới bây giờ anh tự cảm thấy mình đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm hy vọng của hội viên? Có việc nào anh được Hội giao mà chưa thể thực hiện?

- Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn Việt Nam khoá 8 mới bắt đầu hoạt động, cũng đã vạch ra được lộ trình hoạt động cho nhiệm kỳ này và đã triển khai được một số công việc có ý nghĩa. Hơn nữa, trong cách nhìn của tôi, thời gian qua rất cần thiết cho các uỷ viên BCH hiểu nhau. Phải hiểu nhau thì mới có thể làm việc được một cách hiệu quả.

Nếu các hội viên đặt niềm tin vào cá nhân tôi 100 thì tôi mới làm được 1. Nhưng hãy cho cá nhân tôi nói riêng và cho BCH nói chung thời gian. Có một điều tôi biết rất rõ là: từ khi tham gia BCH thì tôi mất đi thời gian cho riêng tôi, mất đi ít nhiều một số quan hệ, phải đọc, phải nghe những gì mà một số người viết và nói về tôi rất hài hước, thi thoảng lại phải đọc một vài tin nhắn hay thư nặc danh ít thiện chí cho dù không liên quan đến cá nhân mình. Mới đây, tôi nói với một nhà văn là nếu tất cả các hội viên có thể lần lượt tham gia BCH thì chắc họ sẽ chia sẻ với chúng tôi hơn. Nhưng nói chung công việc của BCH bước đầu là khá thuận lợi.

Giả sử có bạn yêu văn học hỏi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rằng: Hội Nhà văn Việt Nam có vị trí và vai trò ra sao đối với đời sống sáng tạo văn học hiện nay, anh giải thích thế nào?

- Chức năng của Hội Nhà văn Việt Namlà tạo ra một không gian sáng tạo cho các nhà văn là hội viên và chưa hoặc không là hội viên. Nghĩa là Hội Nhà văn Việt Namphải tạo ra một môi trường sạch cho sự sáng tạo, làm cho những giá trị sáng tạo văn học và tinh thần của các tác phẩm văn học có khả năng lan toả ngày càng sâu rộng trong đời sống xã hội. Như vậy, Hội phải tôn trọng cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn và tôn vinh, bảo vệ những giá trị của các tác phẩm một cách cao nhất. 

Tôi hiểu cái “môi trường sạch” ấy anh cùng BCH mới bắt đầu thực sự gầy dựng và người quan tâm còn phải chờ đợi. Nếu không có gì bí mật, anh có thể cho biết sự đổi mới về hoạt động của BCH Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay so với trước đây? Ý kiến tranh luận lẫn công việc của từng thành viên BCH đã thực sự dân chủ và hiệu quả?

- Ban Chấp hành Hội mới hoạt động được mấy tháng. Nhưng một điều mà cá nhân tôi nhận thấy là không khí dân chủ được thể hiện rõ ràng và có ít nhiều hiệu quả. Tôi mong không khí dân chủ trong mọi công việc của BCH được duy trì và phát huy. Có một lý do thật đơn giản là khi BCH làm việc vì lợi ích chung của Hội một cách thực sự thì không cần kêu gọi dân chủ mà dân chủ vẫn hiển hiện và BCH sẽ tìm được tiếng nói chung. Sức mạnh của BCH không phụ thuộc về số lượng mà phụ thuộc vào sự đoàn kết và sáng tạo trong công việc. Nếu 15 uỷ viên BCH không đoàn kết thì hiệu quả công việc còn tồi tệ hơn một BCH chỉ có 5 hoặc 7 uỷ viên không đoàn kết. 

Một sự thật mà tôi muốn nói là BCH khoá 8 đang phát huy khả năng đối thoại và tranh luận trong công việc nhưng nó không thấy dấu hiệu của sự phản đối lẫn nhau. Chúng tôi đang làm việc với sự tôn trọng và lắng nghe nhau. Và tôi muốn không khí này sẽ tiếp tục và có chất lượng hơn.

Nhiều hội viên từng ước muốn Nguyễn Quang Thiều sẽ về đứng đầu tuần báo Văn Nghệ, nhưng cho tới nay điều ấy vẫn chưa thể thành hiện thực. Anh có suy nghĩ gì trước nguyện vọng của hội viên? Và nếu trở thành tổng biên tập báo Văn Nghệ, anh có tin rằng mình sẽ làm thay đổi theo chiều hướng tích cực tờ báo này không?

- Trước hết, tôi có thể nói rằng nguyện vọng của nhiều hội viên về sự khởi sắc của báo Văn Nghệ là chính đáng. Đó là hiện thực mà chúng ta phải thừa nhận. Việc cải tổ báo Văn Nghệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của BCH. Còn việc ai làm tổng biên tập tờ báo này là việc xét cho cùng rất đơn giản. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tổng biên tập báo Văn Nghệ không phải vấn đề của một cá nhân mà là vấn đề của một tờ báo, của Hội Nhà văn Việt Nam. Khi chúng ta thấu hiểu điều này thì mọi chuyện sẽ dễ dàng rất nhiều.

Ai làm tổng biên tập báo Văn Nghệ cũng sẽ phải đưa tờ báo đi theo chiều hướng tích cực, thể hiện sống động nhất, phong phú nhất và đa dạng nhất đời sống văn học nước nhà. Đó phải là tờ báo của mọi giá trị sáng tạo và thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn vì tự do của con người và vì dân tộc này. Chắc chắn không ai làm ngược lại cả. Còn cá nhân mình, tôi đang làm việc trong một tổ chức mà tôi tự nguyện chấp nhận. Vì vậy, tôi sẽ làm hết sức mình ở bất cứ công việc nào mà BCH phân công cho dù sự phân công đó không phải là sự lựa chọn của tôi. Ý thích cá nhân và công việc của tập thể thường khác biệt. Nhưng năng lực và sở trường của mỗi uỷ viên BCH thì phải được xem xét một cách nghiêm cẩn để phục vụ sự phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam một cách có hiệu quả nhất.

THƠ PHẢI LÀM MỚI LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ CŨ VÀ LÀM SỐNG LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ CHẾT

Nguyễn Quang Thiều là một tài năng có nội lực mạnh mẽ và giàu cá tính sáng tạo. Đọc thơ, văn hay những bài báo của anh, dù dưới bút danh nào người đọc cũng dễ nhận ra, vì nó có sức hút riêng, hiện đại, sâu sắc, nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, đối với tôi, Nguyễn Quang Thiều trước hết và sau chót đã và vẫn là một nhà thơ cách tân hàng đầu của thi ca Việt đương đại.

Những ngày cuối năm 2010, Nguyễn Quang Thiều đã ra mắt tập Châu thổ - thơ tuyển lần thứ nhất từ sáu tập thơ đã xuất bản của anh: Ngôi nhà 17 tuổi(1990), Sự mất ngủ của lửa (1992), Những người đàn bà gánh nước sông(1995), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca những con chim đêm (1999) và Cây ánh sáng (2009). Thơ Nguyễn Quang Thiều khó đọc khó nắm bắt nếu như không đọc lại nhiều lần. Và giống như để được tiếp cận một người đẹp khó tính, để leo lên được ngọn núi cao bềnh bồng mây trắng, càng khó tôi càng muốn tiếp cận, càng khó tôi càng thích leo… và luôn ở tư thế leo lại từ đầu.

    Tất nhiên, có những văn bản đọc một lần chẳng ai đủ can đảm đọc lại lần thứ hai. Nó trôi tuồn tuột. Nhưng có những văn bản càng đọc càng mở ra cho chúng ta nhiều chiều kích của trí tưởng tượng. Thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều đã mở ra nhiều chiều kích như vậy. Một thế giới tín hiệu không lối mòn, không lặp lại. Một không gian xúc cảm khác lạ. Không ít lần tôi dò theo từng bước “chuyển động” rồi “chuyển dịch” của thế giới thơ anh để khám phá không gian mới của cái đẹp đau buồn tuyệt vọng lẫn hy vọng, của giấc mơ bị huỷ diệt và đang sinh sôi, của những sinh linh hẩm hiu vô danh bị vùi lấp và đang tái sinh… để rồi nhiều khi giật mình tôi thấy chính tôi cũng ẩn hiện trong không gian thơ đa chiều chông chênh hư thực ấy.

Có một điều từ lâu tôi muốn hỏi Nguyễn Quang Thiều mà bây giờ mới có dịp: Ý thức cách tân thơ đến với anh từ khi nào? Và ý thức ấy xuất phát từ nhu cầu nội tại hay do hoàn cảnh khách quan? Anh cho biết:

- Tôi không gọi ra một cách chính xác được là lúc nào mình phải viết khác đi. Nhưng có lẽ là sau tập thơ đầu tay Ngôi nhà 17 tuổi xuất bản năm 1990. Tập thơ này đã lọt vào chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 cùng 3 tập khác. Nhưng tôi đã thực sự không muốn tập thơ đó được giải. Vì sao? Vì nó không hoàn toàn là tôi. Có một phần của ai đó trong những bài thơ tôi viết ra. Tôi nhận thấy lối viết đó đã ít nhiều đi lại lối đi của một số nhà thơ trước đó. Hơn nữa, tôi nhận thấy con người thực sự của tôi vẫn đang đứng sau những bài thơ kia. Có lẽ tôi không ý thức rõ ràng sự cách tân mà chỉ muốn là chính tôi. Và ngay sau đó hai năm, tập thơ Sự mất ngủ của lửara đời. Đó là giọng nói của chính tôi, là thế giới ngôn từ và hình ảnh của tôi, là tất cả những gì mà tôi muốn phơi bày và tưởng tượng…

Với nhiều người, thơ Nguyễn Quang Thiều rậm lời, khó hiểu. Đó có phải là chủ ý của anh?

- Tôi đã từng làm những bài thơ rất ngắn không khó khăn gì. Nhưng ngắn hay dài, khó hiểu hay dễ hiểu không phải những phẩm tính của thơ. Thơ ca không chọn lựa một hình thức riêng biệt nào để sinh ra. Thơ ca chứa đựng trong mọi hành động sống và mọi ngôn từ. Những gì tôi viết ra là thế giới của tôi. Thế giới đó có nhiều điều không giống thế giới của người khác. Nhưng đó lại là điều chúng ta đợi chờ ở một nhà thơ. Tôi biết, nhiều năm trước, các nhà nghiên cứu thơ Mỹ mỗi năm chọn một tờ báo để đặt một câu hỏi: Thơ ca Mỹ đang sống hay đã chết? Một trong những cảnh báo của họ là: nếu mang thơ của nhiều nhà thơ Mỹ cùng in vào một tập và lấy tên một tác giả thì cũng không ai nhận ra. Đó chính là sự giống nhau. Hay nói cách khác đó là sự sáo mòn trong sáng tạo của các nhà thơ. Khi nhà thơ không dựng lên được thế giới riêng biệt của anh ta hay không xác lập được chân dung thơ ca của anh ta thì nghĩa là anh ta đã chết.

Anh từng có nhiều tuyên ngôn, định nghĩa, phát biểu về thơ. Đến giờ nếu có một tuyên ngôn thơ tâm đắc nhất của anh, đó là câu nào?

- Thơ hãy làm mới lại những gì đã cũ và làm sống lại những gì đã chết.

* Điều quan trọng nhất và điều tệ hại nhất của thơ, theo anh là gì?

- Điều quan trọng nhất của thơ là tạo ra sự ám ảnh và điều tệ hại nhất là thiếu trí tưởng tượng.

Không chỉ hướng về cái đẹp, với những giấc mơ nhân bản, thơ anh còn đầy những dự cảm, cảnh báo, thức tỉnh về sự đồi bại, suy tàn, huỷ diệt cái đẹp của cuộc sống này do chính con người gây ra. Tôi có cảm giác anh tin vào sức mạnh của cái đẹp, của thi ca sẽ cứu rỗi thế giới này, mà trước hết là cứu… chính anh?

- Tôi viết rất nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch sân khấu, kịch bản phim, tiểu luận, báo chí… Nhưng thơ ca là nơi duy nhất để tôi giải phóng tôi và để tôi trú ẩn. Một điều tôi muốn nói đến là: có thể những bài thơ cụ thể nào đó không cứu rỗi được thế giới nhưng những gì mang tinh thần của thi ca đã và đang cứu rỗi thế giới.

Một lần, có một đôi vợ chồng làm doanh nghiệp nói với tôi, họ không hề có nhu cầu đọc thơ và thơ ca không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ. Tôi hỏi họ với một số câu hỏi như:

   + Có lúc nào anh chị muốn ngồi một mình ở một nơi tĩnh lặng và nhớ về những năm tháng đẹp đẽ đã đi qua không?

   + Có lúc nào anh chị đang đi trên đường bỗng thầm kêu lên khi nhìn thấy những bông hoa vừa nở không?

   + Có lúc nào anh chị cảm thấy trống rỗng và muốn chia sẻ với một người bạn không?

   + Anh chị mang cảm giác gì khi nắm bàn tay mẹ mình lúc bà đang nằm thở trên giường bệnh?

   +  Anh chị mang cảm giác gì khi thức dậy thấy một ban mai rực rỡ trong khu vườn trước nhà?

Câu trả lời của họ đều tuyệt vời. Và tôi nói với họ rằng tất cả những điều đó chính là thi ca. Còn nhà thơ chỉ là người cố gắng văn bản hoá những khoảnh khắc đó mà ta gọi là bài thơ cho dù quá nhiều những cố gắng của các nhà thơ đều rơi vào thất bại. Năm 2007, tôi tham dự Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ 20 tại thành phố Medellin, Colombia. Đó là một đất nước yêu thơ ngoài trí tưởng tượng của tôi. Đêm khai mạc liên hoan thơ, hơn 2000 người ngồi dưới trời mưa trong suốt hơn 4 giờ để nghe các nhà thơ đọc thơ mà hầu như không có ai bỏ về. Chúng ta đều biết Colombia có những vấn nạn như bạo lực, ma tuý, mại dâm. Vì thế tôi hỏi một nhà thơ Colombia là sứ mệnh của thơ ca như thế nào đối với xã hội Colombia. Ông nói: “Hãy cho rằng xã hội Colombia như một con phố, dãy phố bên này là nhà thơ và bạn đọc, dãy phố biên kia là bạo lực, ma tuý, mại dâm. Các nhà thơ khó có thể chiếm được dãy phố bên kia nhưng họ phải giữ cho dãy phố bên này trong sạch”.

Thơ ca từ khi xuất hiện đến nay không hề thay đổi sứ mệnh của nó. Chỉ có các nhà thơ đã thay đổi và lạc đường mà thôi.

BÁO ĐỘNG VỀ CÁCH HÀNH XỬ ĐỐI VỚI THƠ VIỆT VÀ HOANG MANG VỀ “NHAN SẮC” CỦA MÌNH

Anh đọc nhiều, đi nhiều, luôn tiếp cận thông tin về thi ca thế giới. Theo anh thơ Việt đương đại hiện đứng ở đâu trong nền thơ thế giới?

- Tôi không có cơ hội đọc tất cả thơ của các nền thơ trên thế giới. Nhưng tôi có thể nói nền thơ Việt Nam là một nền thơ đáng được trân trọng trên thế giới. Nhưng vấn đề đáng báo động nhất trong đời sống thơ ca ở nước ta là hành xử của con người chúng ta đối với thơ ca. Con người ở đây bao gồm cả nhà thơ và những người liên quan đến nó. Không ít các nhà thơ lo sợ rằng người ta đang lãng quên thơ. Không phải thế. Chúng ta phải nói chính xác về vấn đề này. Đó là, người ta đang rẽ sang một lối khác, một lối không dẫn tâm hồn họ đến với vương quốc của thơ ca. Nghĩa là, họ không đi trên con đường dẫn đến một tinh thần sống mà đi một con đường khác.

Đến hẹn lại lên, cứ vào Nguyên tiêu là diễn ra Ngày Thơ Việt Nam. Không kể đến chức trách, với tư cách một nhà thơ, hỏi thật anh hướng về lễ hội thơ này bằng tâm thế ra sao?

- Ngày Thơ Việt Nam là một sự kiện văn hoá. Ở đó, không phải chúng ta (nhà thơ và bạn đọc) đến để xem ngày thơ năm nay có “chiêu” gì độc trong việc tổ chức hay không hoặc xem sân “thơ trẻ” có lấn át được sân “thơ già” hay không. Mà chúng ta đến đó phải với tâm thế đang hướng về Cái đẹp. Công việc sáng tạo của nhà thơ có thể diễn ra trong một căn phòng không ai chứng kiến và đầy cô độc. Nhưng ngày thơ hay một hoạt động tương tự là một hành xử văn hoá của chúng ta đối với cái đẹp. Mục đích của ngày thơ hay của những sự kiện văn hoá khác phải tạo lên những sự kiện tâm hồn cho con người. Nó phải làm cho cái đẹp lan toả vào đời sống xã hội cho dù rất chậm và rất mơ hồ.

Tôi từng tiếp xúc nhiều người đẹp yêu thơ yêu văn Nguyễn Quang Thiều. Mà phụ nữ đã yêu văn thì cũng có thể… yêu nhà văn. Có chị nói rằng anh Thiều nội lực con chữ mạnh, nên nội lực con người chắc cũng mạnh lắm đây, nhìn gương mặt và hàm râu đã thấy hấp lực. Có cô thì ái ngại rằng ông Thiều lùn, lưng hơi gù, mà “xuất chữ” nhiều cỡ đó, giờ còn “vướng” thêm chuyện “quan văn” thì còn thì giờ và sức lực đâu mà yêu với đương, mà “làm” với “ăn”. Nghe phụ nữ nói vậy, tôi cũng đâm hoang mang cho anh. Còn anh thì thế nào?

- Còn tôi thì đang hoang mang không biết phải trả lời câu hỏi này như thế nào. Nhưng “chuyện” này luôn luôn là bí mật mà chỉ hé lộ cho hai người biết thôi. Tôi sẽ đợi một người nào đó để hé lộ bí mật ấy.

Anh hãy thử hình dung mười năm nữa, sự nghiệp và con người Nguyễn Quang Thiều sẽ như thế nào?

- Tôi không biết sự nghiệp của tôi như thế nào. Nhưng con người thì có thể hình dung đôi chút. Mười năm nữa tôi sẽ 64 tuổi. Tóc rụng nhiều hơn, râu bạc nhiều hơn, lưng gù nhiều hơn, sai lầm nhiều hơn… và chắc sẽ không có ai thèm hỏi như câu hỏi ở trên anh hỏi tôi nữa. Lúc đó có muốn trả lời thật ngay lập tức cũng không được.

***

64 tuổi với con người hiện đại chưa phải là già, vẫn còn đủ sức cho mọi mơ ước đời mình, cả làm nguyên thủ quốc gia hay bắt đầu tập làm thi sĩ. Đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, như anh nói, hình thể sẽ thay đổi và sự sai lầm có thể nhiều hơn, nhưng về sức làm việc và sáng tạo thì tôi tin anh sẽ còn mạnh mẽ hơn, khát khao hơn. Và đó cũng là lúc mà tôi hình dung thi sĩ đầy ẩn số Nguyễn Quang Thiều sẽ trên đường trở về hẳn với làng Chùa như thơ anh dự cảm trong bài Lễ tạ nổi tiếng:

Con đường
Con đường
Con đường
Dắt ta về hồ nước cũ

Phăng phắc một lá sen già
Đợi ta trên miền nước lặng
Hỡi người hái hoa kiếp trước
Kiếp này có hoá bình không?

Phải đào ba tấc đất sâu
Mới tìm được người uống rượu?
Phải lên đến bảy tầng trời
Mới tìm được người hầu chuyện?

Ngẩng mặt một vầng mây đỏ
Nổ vang tiếng sấm của trời
Cúi đầu một miền cỏ trắng
Nở xoè bên cõi sen tươi

Ra đi từ hồ nước cũ
Con đường
                Con đường
                                 Con đường

PHAN HOÀNG
Nguồn: Đương Thời 2011


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều