Tròn 10
năm sau khi ông mất, những di sản của "Họa sĩ biếm số một Việt Nam" được tập hợp lại trong tác phẩm
"Nghề cười" - một tuyển tập đồ sộ gồm 100 trang màu tranh hí họa và
biếm họa, những bức thư thật xúc động
mà họa sĩ Chóe viết cho vợ con ông, 17 truyện ngắn, 9 tản văn, 24 bài thơ, 10
ca khúc do ông viết.
"Tôi vẫn
xem công việc hàng ngày của tôi là bọt biển. Nhưng chính bọt biển lại cho tôi
biết được thủy triều, sức gió, sức bão và độ mặn của biển sâu." -
(Họa sĩ Chóe - Nguyễn Hải Chí)
Chóe và "Nghề cười" (2013)
Họa sĩ Chóe
tên thật là Nguyễn Hải Chí, sinh ngày 11/11/1943 tại Chợ Mới, An Giang. Do gia
đình rất nghèo, Hải Chí phải nghỉ học từ rất sớm để đi làm kiếm sống.
Ông làm nhiều nghề trước khi đến với
nghiệp Báo. Tác phẩm chính thức ra mắt độc giả trước hết là truyện ngắn và thơ, sau đó mới vẽ tranh nhưng
lại gây sự chú ý đặc biệt ở nhiều bức tranh hí họa, biếm họa.
Ông từng kể: "Lần đầu tiên tôi vẽ chơi là năm 6 tuổi, học lớp 5 trường làng (bây giờ
là lớp 1). Không hiểu ông thầy giáo nổi hứng sao đó mà bắt lũ học trò mới
học ABC chúng tôi vẽ chân dung tự họa. Tôi được khen vẽ rất giống. Bức vẽ của
tôi được dán lên bảng của trường học.
Thế là tôi "nổi tiếng" chẳng những ở cái lớp Năm của tôi mà còn
"nổi tiếng" cả ở lớp Tư, lớp
Ba nữa. Từ đấy công việc của tôi rất ư là bận rộn."
21 tuổi, Hải
Chí lên Sài Gòn. Tại đây anh làm quen với Loan - một cô gái đất Bắc được
anh mô tả là "có giọng nói ngọt ngào mà liến thoắng". Đeo đuổi cô,
ngoài Hải Chí còn có vài ba người
khác: một anh chàng sinh viên, hai ba chàng sĩ quan, vài chàng con nhà giàu.
"Mặc cảm vì mình trơn
tru thua kém người ta, nghề vẽ lại không đủ để nuôi thân. Tình cờ biết
được cô Loan là độc giả của một tờ tạp chí, tôi bèn làm thơ để gửi cho tờ tạp chí ấy".
Cái duyên "tán gái" như ông kể đưa ông đến với
nghề báo, và sau đó là nghiệp vẽ. Nó mang lại cho ông cả người vợ, sự nghiệp và
những bất trắc trong sự nghiệp. Về cái tên Choé cũng đến rất tình cờ. Nhà văn
Viên Linh, chủ bút mới của tuần báo Diễn đàn khi đó, bảo: “Cậu là Chí, vậy
thì ký là Choé đi". Thế là thành cái tên Chí Chóe. Nghe vui tai.
Nixon - Mao Trạch Đông - biếm họa
nổi tiếng năm 1972
Tháng 1971, Chóe xuất hiện trên nhật báo Sóng Thần và trở thành họa sĩ hí họa từ năm 1972. Biếm họa nổi tiếng nhất của ông có lẽ là bức vẽ Tổng thống Richard Nixon và lãnh tụ Mao Trạch Đông dang tay chào đón nhau, trải dưới chân họ là thân xác người Việt Nam bị kìm kẹp trong gông cùm, đinh sắt. Năm ấy Chóe 29 tuổi.
Một số báo ngoại
quốc tại Mỹ, Pháp, Đức trích in các bức họa của Chóe trên Sóng Thần và nhà xuất bản Glade Publications đã chọn lọc và cho xuất
bản tập tranh của Chóe với tên The World of Chóe vào cuối năm 1973 tại Mỹ.
Cây cọ của ông
không nể nang một ai trong những thời điểm nhạy cảm và nguy hiểm nhất. Cũng vì
thế, ông từng bị chính quyền Sài Gòn bắt giam. Sau giải phóng, tranh của ông lại
tiếp tục xuất hiện trên rất nhiều tờ báo và tạo được phong cách riêng trong việc
phê phán những thói hư tật xấu,
nhũng nhiễu và tiêu cực.
Năm 1990, Chóe
từng chán nản, gần như tuyệt vọng, quyết buông cái nghiệp biếm họa, nhưng rất
may sau đó ông đã gượng lại
được, vẽ cật lực không ngừng. Họa sĩ Lý Trực Dũng - tác giả của "Biếm
họa Việt Nam" (2011) kể về ấn tượng cuộc gặp gỡ đầu tiên của ông với Nguyễn Hải Chí năm 1998: "Choé
là một người to lớn, tướng hao hao văn hào Hemingway, râu ria xồm xoàm, đeo
kính trắng. Anh bắt tay tôi rất chặt".
Cuối đời, bệnh
tiểu đường đã cướp dần đi thị
lực của người họa sĩ. "Khi biết mình bệnh, anh mong sao sống thêm 5
năm để vẽ nốt những mảng đề tài còn dở dang. Nhưng nửa chừng, Choé phải ra đi mãi mãi, mang theo nỗi cô đơn sâu thẳm
trong lòng về số phận con người và
thời cuộc" - Lý Trực Dũng kể lại.
Họa sĩ Chóe
Nguyễn Hải Chí đã trút thở hơi
cuối cùng ngày 12/3/2003 tại bệnh viện Fairfax bang Virginia (Mỹ) và được an
táng tại nghĩa trang nhà thờ Thánh Mẫu, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
"Em vứt đi ngọn lửa
Ta từ bỏ kiếp rơm
Để đời sau không còn là tro bụi."
(Họa sĩ Chóe - Nguyễn Hải Chí)
HỒ HƯƠNG GIANG
Nguồn: VNN 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét