Điều đó gây dấu ấn trong văn hóa.
Hiện thời văn hóa Việt Nam đang mang trong nó một số vấn
đề thực sự cản trở sự phát triển. Con người tha hóa, đạo đức xuống cấp, giáo dục
yếu kém, y tế kém nhân văn, chính sách văn hóa bất cập, lễ hội ít văn hóa… là
những vấn đề nóng của bản thân văn hóa Việt Nam.
Vấn đề của tất cả những vấn đề ấy, theo chúng tôi, là sự
sự lệch lạc về giá trị. Bảng giá trị của người Việt hiện nay đã xuất hiện một số ngụy giá trị. Giả dối đã tương đối phổ biến trong nhiều lĩnh vực của
đời sống xã hội.
Việt Nam sẽ khó trở thành quốc gia thành công, nếu ngụy
giá trị vẫn tiếp tục chiếm chỗ của chân giá trị, nếu giả dối vẫn lấn át sự tử tế
và chân thật.
I.Văn hóa xuống cấp: những tác động từ phía xã hội
Hơn 30 năm qua, trong tương quan với sự phát triển, văn
hóa Việt Nam được đánh giá là có nhiều thay đổi theo chiều tiến bộ. Mà thay đổi
lớn nhất là văn hóa ngày nay được hiểu, được cư xử và được sử dụng khác hẳn so
với trước kia. Không chỉ là sản phẩm thụ động của đời sống vật chất, văn hóa đã
thực sự trở thành nhân tố bên trong, là cái quy định hành vi và hoạt động của
con người, cả ở phạm vi cá nhân và cả ở phạm vi các cộng đồng, các tổ chức xã hội.
“Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh
nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc
vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[1] .
Tuy nhiên cùng với sự tiến bộ không thể phủ nhận ấy, văn
hóa Việt Nam với tính cách là sản phẩm thường ngày của đời sống xã hội, lại
chưa đủ bản lĩnh để đề kháng trước những tác động tiêu cực từ bên trong và bên
ngoài. Sự tử tế và tính nhân văn một khi không đủ mạnh để tự vệ và tấn công lại
cái thiếu văn hóa và vô văn hóa, thì chính nó lại bị tha hóa vì những tác động
của cái xấu và cái ác.
Tác động đến văn hóa hiện nay, là một loạt những vấn nạn
lớn và nghiêm trọng về kinh tế - chính trị - xã hội. Như nhiều tài liệu chính
thức và không chính thức đã phản ánh, chẳng hạn, nền kinh tế ngày càng lệ thuộc
nặng nề vào nguồn vốn FDI và vào kinh tế Trung Quốc; tỷ lệ nợ công sắp chạm trần;
sự chuyển đổi mô hình phát triển vẫn rất lúng túng và chậm trễ; tình trạng tham
nhũng và làm ngơ trước tham nhũng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại; hiểm họa của
tình trạng môi trường “gần chết” khó lường; khai thác tài nguyên vẫn khó kiểm
soát; khủng hoảng giáo dục chưa có lối thoát; hoạt động y tế đã xuống cấp ở
chính quan hệ giữa thày thuốc với con bệnh; tình trạng cán bộ công quyền lãnh cảm
với dân và với các bên đối tác chưa bớt; Biển Đông và chủ quyền lãnh thổ bị trực
tiếp đe dọa, v.v…
II.Những vấn đề nhìn từ phương diện văn hóa
Do vậy, không có gì khó hiểu khi thấy văn hóa ngày nay
cũng xuống cấp ở mức độ đáng ngại. Đụng đến bất kỳ lĩnh vực nào người ta cũng
thấy có vấn đề về mặt văn hóa. Trong tương quan với sự phát triển, với tính
cách là giá trị định hướng để đề kháng trước các tiêu cực xã hội, chúng tôi thấy,
văn hóa đang mang trong nó những vấn đề bức xúc, có khả năng cản trở sự phát
triển như sau:
1. Hiện tượng xuống cấp về đạo đức, tha hóa con người
Việc xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam, lấy các giá
trị chân - thiện - mỹ làm cốt lõi, tuy được chú ý từ sớm nhưng chậm có những sản
phẩm khoa học xứng tầm, đủ sức định hướng đời sống nên càng ngày càng trở nên mờ
nhạt, kể cả trong nhận thức và trong chỉ đạo thực hiện.Việc thực hành lối sống
có văn hóa chưa trở thành nhu cầu tự giác, tự nhiên trong đời sống xã hội.
Tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công
chức suy thoái về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tham ô, tham nhũng, yếu kém
năng lực, tham quyền cố vị, cản trở sự phát triển, gây phiền hà, nhũng nhiễu
nhân dân… đang gây mất lòng tin nghiêm trọng vào Đảng vào chế độ. Tình trạng
tham nhũng và làm ngơ trước tham nhũng, mặc dù thời gian gần đây bị lên án kịch
liệt trong đời sống tinh thần xã hội, nhưng dường như vẫn chưa giảm bớt được
bao nhiêu.
Hiện tượng tội phạm gia tăng và có những diễn biến phức tạp
thể hiện sự rối loạn của thang giá trị. Không chỉ có số lượng các vụ phạm tội về
kinh tế hay hình sự gia tăng mà điều đáng sợ là tính chất dã man của các tội phạm
hình sự, đối tượng phạm tội vừa trẻ vừa có kiến thức lại có xu hướng gia tăng.
Trước kia, số vụ án hình sự liên quan đến sinh viên, cán bộ có trình độ đại học
không nhiều, không dã man như mấy năm gần đây. Tội phạm kinh tế lớn hầu hết đều
là cán bộ có chức, có quyền, có trình độ. Tình hình này đã được các phương tiện
thông tin đại chúng phản ánh tương đối rõ. Không phải do dân trí thấp mà sinh
ra tội phạm như quan niệm trước đây. Một trong những nguyên do là thang giá trị
xã hội đang bị rối loạn.
Hiện tượng vô cảm chưa có xu hướng giảm bớt. Tinh thần
“thượng tôn pháp luật” ngày càng kém; tâm lý lách luật kể cả ở các cơ quan có
trách nhiệm trở thành quen thuộc trong tư duy pháp luật.
Tất cả những hiện tượng này gần như xuất hiện hàng ngày
trên báo chí và tính cấp thiết của vấn đề đã được phản ánh và đề cập chi tiết
trong Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII của Đảng (với 27 biểu hiện cụ thể về sự
suy thoái…) do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10/2016: Tăng
cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”
trong nội bộ[2].
2.Giáo dục - đào tạo khủng hoảng ở chính chức năng
của giáo dục
Giáo dục - đào tạo từ nhiều năm gần đây đã được coi là xuống
cấp, đôi khi được gọi là “khủng hoảng”. Nhà nước và Bộ GD & ĐT đã thực hiện
nhiều cải cách để cải thiện tình hình. Đã có một số biến chuyển, thậm chí một số
tổ chức quốc tế đã có những đánh giá tích cực về giáo dục Việt Nam, nhưng giáo
dục nói chung vẫn chưa thể gọi là đã thoát ra được khỏi khủng hoảng.
Đầu tư cho giáo dục tăng nhưng đầu tư công (ngoài Nhà
nước) vẫn thấp. Đào tạo nhiều, các giải pháp nâng chất lượng đã có, nhưng chất
lượng giáo dục - đào tạo vẫn chưa nâng lên như kỳ vọng. Thất nghiệp ở những người
được đào tạo vẫn cao và vẫn tăng. Trong khi đó tình trạng thiếu nguồn nhân
lực chất lượng cao vẫn trầm trọng. Tâm lý thực dụng trong giáo dục ở các đối
tượng được thụ hưởng giáo dục đã hình thành và dường như ngày càng tăng. Đội
ngũ giáo viên và những người làm giáo dục ngày càng gặp nhiều vấn đề gây lo lắng
bất an, trong đó có những vấn đề chủ yếu là do sự yếu kém của công tác quản lý
gây ra.Kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học kết hợp xét tuyển đại học
2017 dù được đánh giá có nhiều ưu điểm, song lại lộ ra tình trạng điểm chuẩn
ngành sư phạm cực thấp, “báo động nguy hiểmvề sự thất bại của cải cách giáo dục”.
Bộ GD & ĐT kêu gọi ngành giáo dục “bình tĩnh” và Bộ phải tính đến quy hoạch
lại toàn bộ mạng lưới các trường sư phạm.
Tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng
cao đang gây lãng phí rất lớn các nguồn lực khác cho phát triển, cản trở và làm
giảm chất lượng tăng trưởng, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Nhưng
giáo dục lại đang là lĩnh vực rất lãng phí, theo nghĩa đào tạo nhiều nhưng chất
lượng đang xuống dần. Đào tạo nhiều, nhưng dùng được ít. Giáo dục và đào tạo của
thế kỷ trước có thể hiệu quả hơn so với hiện nay bởi chi phí ít hơn, tập trung
và có chọn lọc hơn, và chất lượng người học tốt hơn. Trong thực tế, không chỉ
có tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, mà có cả tình trạng giáo viên dậy nhầm chỗ,
vào trường không nhằm thực học mà chỉ để hợp lý hóa bằng cấp. Xu thế thương mại
hóa giáo dục, đào tạo kém chất lượng và sính bằng cấp đang tiếp tục làm suy giảm
chất lượng giáo dục và đào tạo.
Điều gây lo ngại là quản lý vĩ mô về giáo dục - đào tạo vẫn
chưa có dấu hiệu tìm ra được lối thoát khỏi khủng hoảng. Nhiều biểu hiện tiêu cực
trong giáo dục - đào tạo nói lên sự xuống cấp về đạo lý trong quan hệ thày trò,
sự thiếu vắng về lý tưởng và hoài bão ở một bộ phận đáng kể học sinh, sinh
viên. Giáo dục đào tạo chưa thực hiện được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện để
đột phá chất lượng về nguồn nhân lực - một trong số điểm nghẽn của phát triển bền
vững đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Nhiều ý kiến cho rằng giáo dục Việt Nam lâu nay quá chú
trọng dạy chữ, dạy kiến thức mà quên dạy làm người. Bộ trưởng giáo dục và nhiều
chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước tại khắp các diễn đàn đều nhấn mạnh
“triết lý giáo dục là đào tạo con người”. Từ đó các nhà trường đã chữa cháy bằng
việc thiết kế nhiều chương trình về kỹ năng sống, về đạo đức công dân. Rốt cuộc,
nhiều sinh viên ra trường “chỉ chăm chăm làm người” mà không hề biết làm việc,
kể cả những việc thuộc chuyên ngành đào tạo.
Chúng tôi nghĩ rằng, học để làm người dĩ nhiên là phương
châm giáo dục đúng với mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Nhưng giáo dục một cá
nhân, một cá thể thành một con người là chức năng của toàn xã hội. Còn với
ngành giáo dục, trước hết chức năng của nó lại là dạy chữ, dạy tri thức, dạy
làm việc. Chưa thực hiện được chức năng này, đừng nói đến việc dạy làm người.
Vấn đề của giáo dục Việt Nam hiện nay, theo chúng tôi, lại
là quá thiếu hụt về tri thức cần thiết để làm việc. Kiến thức sau đào tạo của
sinh viên đại học nói chung, hổng nghiêm trọng. Bất cứ cơ quan nào, bất cứ
ngành nghề nào, sau khi nhận sinh viên mới tốt nghiệp cũng phải đào tạo lại. Hiện
tượng cử nhân mới tốt nghiệp không soạn nổi một văn bản pháp quy, không biết
cách trình bày một báo cáo nghề nghiệp, không biết cách trích dẫn khoa học,
không hiểu thế nào là vi phạm tác quyền, hoặc thậm chí viết sai chính tả… là
khá phổ biến.
Ngày nay, tri thức nghề nghiệp, kiến thức (rất thiếu
nhưng thường bị chê là) hàn lâm, phương pháp nghiên cứu, kỹ năng thực hành… của
trí thức trẻ nói chung rất yếu. Đó rõ ràng không phải là kết quả của việc quá
chú trọng dạy chữ, dạy kiến thức mà quên dạy làm người. Ngược lại, dạy chữ, dạy
kiến thức như thế thì không có cách gì thành người được.
Đây là điều mà ngành giáo dục theo chúng tôi chưa chú ý ở
mức thỏa đáng.
3.Y tế xuống cấp ở chính quan hệ giữa thày thuốc với
con bệnh
Nền y tế Việt Nam trong nhiều năm qua thực ra là có nhiều
thành tựu, được cộng đồng thế giới ghi nhận. Khoa học y tế ở Việt Nam cũng được
coi là ở trình độ khá cao; có ý kiến còn đánh giá là cao nhất trong số các khoa
học chuyên ngành ở Việt Nam, không thua kém khu vực. Tuy nhiên những vấn đề của
ngành y tế và các vấn nạn xã hội trong y tế lại ở mức đáng ngại: Hệ thống bệnh
viện tư nhân khó phát triển như dự kiến do cơ chế chứ không phải do năng lực.
Các bệnh viện công lại không phát huy được tiềm lựcvì có quá nhiều cái thiếu,
mà thiếu nhất là một hệ thống các quan hệ giữa người với người bình thường trong
hoạt động y tế. Hoạt động ytế xuống cấp, không chỉ ở những hiện tượng tiêu cực
trong khám chữa bệnh, trong dich vụ cung ứng thuốc men, trong thói vô cảm của
người ngoài cuộc… mà ở chính quan hệ giữa thày thuốc với con bệnh. “Lương y” rất
hiếm hoi được coi như “từ mẫu”. Rất ít người xem nghề y là cao quý vì sứ mệnh
chữa bệnh cứu người như trước đây. Quan hệ giữa thầy thuốc với con bệnh ngày
nay khác rất nhiều so với quan niệm có phần thiêng liêng cao quý trong quan niệm
xưa và trong sách giao khoa về y tế. Con bệnh quý trọng và cư xử đúng mực với
thày thuốc ngày càng ít đi.
Cách đây vài năm, trong chuyên mục “dưới con mắt người nước
ngoài”, một bài báo đã nhận xét, “sống giữa một xã hội mà hai người thầy được
trọng nhất (thầy giáo và thầy thuốc) chỉ chấp hành nghĩa vụ tử tế khi có phong
bì, con người không nhẫn tâm và đốn mạt đi mới là lạ”[3].
Bảo hiểm y tế có nhiều bất cập. Tình trạng giá cả thuốc
chữa bệnh bất thường do quản lý kém và do vụ lợi. Các vấn nạn y tế rất nghiêm
trọng nhưng lại được Bộ Y tế và xã hội coi là bình thường [4].
4.Vấn đề của các chính sách về văn hóa
Việc xây dựng chính sách về văn hóa, trên thực tế còn
tình trạng thiếu đồng bộ, chậm trễ. Mặc dù không thể phủ nhận, hơn 30 năm qua,
các chính sách thuộc lĩnh vực văn hóa đã được ban hành khá nhiều và bao quát rộng
khắp các hoạt động, từ văn hóa dân tộc đến văn hóa bên ngoài, từ việc luật hóa
các hoạt động văn hóa tới việc xây dựng các thiết chế văn hóa, từ quảng bá văn
hóa đến đầu tư cho văn hóa… Tuy vậy, việc ban hành chính sách lại lộ rõ sự ôm đồm
của nhà nước trong can thiệp vào hoạt động và đời sống văn hóa. Việc xây dựng
các cơ sở văn hóa không hợp với phong tục tập quán truyền thống của người dân bản
địa đã gây ra lãng phí lớn về ngân sách. Các cấp chính quyền khi quá quan tâm
chỉ đạo trực tiếp lễ hội, trong nhiều trường hợp lại trở thành sự can thiệp ít
văn hóa. Việc thiếu quan tâm đến đời sống văn hóa người dân, chạy theo các danh
hiệu văn hóa, thả nổi trùng tu di tích… đã gây nên tình trạng rối loạn trong hoạt
động văn hóa. Một số văn bản đôi khi được ban hành một cách chủ quan, nóng vội,
mâu thuẫn, thể hiện nhận thức hạn chế về văn hóa, nên không thực hiện được, gây
mất lòng tin của người dân, thậm chí gây phản kháng đối với một vài chính sách
văn hóa. Tình trạng hoài nghi trình độ văn hóa của các cơ quan quản lý văn hóa
và trình độ của một số cán bộ văn hóa có vẻ như ngày càng tăng. Tư tưởng về
trao quyền chủ động cho người dân trong hoạt động văn hóa, nhất là các loại văn
hóa truyền thống, trên thực tế rất ít được thực hiện.
Một số lĩnh vực còn xảy ra chồng chéo giữa các Bộ, ngành
trong quản lý (chẳng hạn vấn đề bản quyền, xuất bản giữa Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch và Bộ Thông tin và truyền thông).
5.Sự chênh lệch về đời sống văn hóa
Sự chênh lệch giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng
miền, đặc biệt là giữa đô thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, hải đảo
về thu nhập, về mức sống, về giáo dục, chăm sóc y tế… đã được nói tới khá nhiều
và biểu hiện của nó khá rõ. Song sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa dường như
còn rất ít được đặt ra.
Phần lớn các hoạt động văn hóa lớn, các lễ hội tưởng niệm,
lễ hội du lịch, các chương trình nghệ thuật, các tuần văn hóa, các hội chợ văn
hóa… đều được tổ chức ở các thành phố lớn, các khu đô thị. Khu vực nông thôn hiện
nay dù đã có các nhà văn hóa nhưng mô hình chung còn đơn điệu, nội dung sinh hoạt
còn chưa đa dạng và thiếu chiều sâu, chủ yếu là dùng để họp hành và giải trí.
Các sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc và miền núi còn chưa được coi trọng,
chưa phát huy được thế mạnh bản sắc riêng về văn hóa.
Xã hội càng phát triển, thế giới của người giàu và thế giới
của người nghèo càng cách biệt. Ngày nay, các thành phố lớn đều chia làm hai -
đô thị của người giàu và đô thị của người nghèo. Có nhiều khu đô thị, nhà hàng,
rạp hát, trung tâm giải trí và sinh hoạt văn hóa… mà người nghèo, kể cả người
không giàu, không thể “có quyền” đặt chân tới. Ẩm thực của người giàu là một thế
giới về văn hóa; nghe tên món ăn đã biết địa vị của người dùng. Tại một số địa
phương có biển, bãi biển cũng chỉ còn một phần rất nhỏ dành cho đông đảo người
nghèo.
Sự chênh lệch về đời sống văn hóa như vậy không bắt nguồn
từ người dân, mà từ thể chế, từ quyết sách vĩ mô của các cơ quan quản lý.
6. Vấn đề về tính văn hóa của các lễ hội
Sự gắn kết giữa tín ngưỡng, lễ hội và du lịchngày
càng trở nên chặt chẽ. Bên cạnh sự phục hồi của tín ngưỡng, lễ hội dân gian
truyền thống, thì xu hướng đua nhau tổ chức những lễ hội mới cũng ngày càng phổ
biến hơn. Những lễ hội mới vừa có nguồn gốc tiếp nhận từ bên ngoàivừa
có những lễ hội nội sinh. Loại hình du lịch lễ hội, du lịch tín ngưỡng, du lịch
hành hương… phát triển không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn mở rộng sự kết nối
ra cả thế giới. Việt Nam vốn đã có nhiều lễ hội, nhưng chưa bao giờ lễ hội lại
nhiều đến như hiện nay.
Vấn đề là ở chỗ, những tiêu cực nảy sinh trong lễ hội lại
khá phổ biến. Cùng với tình trạng quản lý kém, chính quyền can thiệp nhiều khi
không tuân theo quy luật của văn hóa, nên đã làm xấu hình ảnh của con người và
văn hóa Việt Nam, gây bức xúc cho xã hội. Đặc biệt là nạn nhét tiền lẻ ở khắp
nơi trên ban thờ, trên tượng, trên kẽ đá tại những đền chùa. Hàng quán dịch vụ
kém văn hóa la liệt ở khắp mọi cơ sở tín ngưỡng, làm cho văn hóa tâm linh mất
đi vẻ tôn nghiêm cần có. Những tiêu cực của lễ hội đã khiến cho cơ quan Chính
phủ cũng phải quan ngại [5].
III. Vấn đề của những vấn đề - sự lệch lạc về giá
trị: giả dối được coi là bình thường
Ẩn giấu bên trong và xuyên tất cả những vấn đề nói trên
là sự lệch lạc về giá trị. Có thể nói bản chất của những hiện tượng có vấn đề về
mặt văn hóa đó là sự lệch lạc, méo mó về giá trị.
Hiện tượng lệch lạc về giá trị lâu nay đã được báo chí
nói nhiều và thực sự ngày càng phổ biến trong đời sống văn hóa. Nhưng điều đáng
nói là, gần đây sự lệch lạc này dường như dần đã thành quen, trở thành bình thường,
ít gây khó chịu như những năm trước.
Chẳng hạn, những hành vi phản cảm, thời thượng, lố bịch của
giới Showbiz được báo mạng và thậm chí cả TV quảng bá hàng ngày, lớp trẻ mới lớn
tưởng đó là chân giá trị[6]. Khá nhiều danh hiệu hão được
tiếp tay bởi các cơ quan có trách nhiệm, kể cả nhân danh UNESCO. Tạp chí khoa học
gần đây không hẳn là nơi công bố những phát kiến mới của khoa học. Bằng giả,
danh hiệu giả, kiến thức giả… gần như không còn là điều xấu hổ. Tệ nạn “mua điểm”
đã xuất hiện cả ở những trường Phổ thông danh tiếng Hà Nội. Hiện tượng “chạy”
(chạy chức, chạy quyền, chạy tiêu chuẩn, chạy tuổi…) ai cũng thấy nhưng coi như
không biết. Ở nhiều công trình, dự án… mục đích ghi trong văn bản chỉ là phương
tiện, là công cụ cho tham nhũng. Mọi đề án quốc kế dân sinh đều có nguy cơ đổ vỡ
nếu ở đó tham nhũng hay mục đích vụ lợi không thực hiện được. V.v… Nghĩa là gần
như ở đâu cũng có những giá trị mà kẻ vụ lợi có thể có được một cách bất chính.
Rất tiếc là xã hội lại thừa nhận bằng cách làm ngơ coi như không thấy. Quá nhiều
giá trị ngày nay đã méo mó tới mức trở thành “ngụy giá trị”.
Sinh thời, GS. Hoàng Ngọc Hiến đã nhận xét: “Xã hội không
quan tâm đến “sự tử tế”, “sự hẳn hoi” thì dần dà những người tử tế, hẳn hoi sẽ
biến mất; ngược lại, xã hội còn nhớ đến những phẩm hạnh này, thì những
người hẳn hoi, tử tế mới xuất hiện được”[7]. GS.
Nguyễn Văn Trọng cũng thừa nhận: “Một cộng đồng mà đam mê cai trị người khác mạnh
hơn nhiều so với ham muốn có độc lập cá nhân để làm những công việc sáng tạo,
thì đó chính là một cộng đồng săn tìm địa vị theo cách gọi của J.S. Mill”[8].
Giả dối khá phổ biến, làm nản lòng sự trung thực, tử tế.
Có lẽ chỉ trừ môi trường gia đình còn ở đâu người ta cũng bắt gặp cái giả dối
(trong môi trường gia đình, giả dối không phải là không có, nhưng không gia
đình nào chấp nhận điều giả dối, trừ phi giấu diếm được). Còn trong xã hội, sự
bao che cho cái xấu, cái bất minh khá trắng trợn.Khác với vài chục năm trước
đây, ngày nay, con cái dù được tuyển dụng vào môi trường nào, kể cả quân đội,
công an hay cơ quan nhà nước… cũng không đủ làm cho các bậc cha mẹ cảm thấy thật
yên tâm, nếu không có “van an toàn” riêng, vì khó có gì đảm bảo an toàn.
Từ sau Nghị quyết TW 4, sự trắng trợn kiểu như “đúng quy
trình” ít nhiều có bớt đi, nhưng vẫn còn khá nghiêm trọng. Sự tha hóa, lối
sống xa hoa, phù phiếm… có xu hướng ngày càng phổ biến.
Trên thực tế, hai giá trị giữ vị trí thống trị ngày nay rất
tiếc lại là “tiền” và “làm quan”. Khoe tiền, khoe của, khoe giàu sang… rất công
nhiên. Mọi giá trị khác hóa ra đều nhỏ bé, không mấy ý nghĩa nếu không được “đảm
bảo” bằng tiền. Mọi thành đạt cũng chỉ tương đối trong so sánh với “làm quan”.
Người không may mắn trên đường “hoạn lộ” thường ít được cảm thông, mà buộc phải
chịu sự dè bỉu trước hết là của người thân, sau đó mới là của đồng nghiệp và xã
hội.
IV. Kết luận
Văn hóa và phát triển là mối quan hệ quy định lẫn nhau,
đôi khi là nhân quả, nhưng cũng đôi khi không tất nhiên.
Khi đóng vai trò là nhân tố bên trong, là cái nằm ở tầng
sâu của đời sống xã hội, văn hóa Việt Nam quy định sự phát triển của xã hội
ngày nay bằng những giá trị định hướng được xác lập từ lịch sử nhiều nghìn năm
của văn hóa dân tộc. Sự phát triển của xã hội Việt Nam hiện đại dù biến động
theo phương thức nào vẫn chắc chắn sẽ đi theo quỹ đạo của một xã hội tiến bộ,
công bằng, với những con người nhân văn, thông minh, có đủ sức mạnh và trí tuệ
xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Nhưng trong khuôn khổ là nhân tố chịu sự tác động của đời
sống xã hội hiện thời, thì văn hóa Việt Nam hiện nay lại mang trong nó một số hạn
chế, khiếm khuyết, cần phải được chủ động nhận diện và kiên quyết thay đổi để
phát triển.
Qua mấy chục năm tiếp cận với kinh tế thị trường và làn
sóng toàn cầu hóa, nhiều thói hư tật xấu của người Việt và một số yếu kém trong
quản lý vĩ mô, chẳng những vẫn chưa được khắc phục mà còn cộm lên thành những vấn
đề cản trở sự phát triển. Con người tha hóa, đạo đức xuống cấp, giáo dục yếu
kém, y tế kém nhân văn, chính sách văn hóa bất cập, lễ hội ít văn hóa… là những
vấn đề nóng của bản thân văn hóa Việt Nam.
Nhưng ẩn giấu bên trong và xuyên qua tất cả những vấn đề ấy
là sự sự lệch lạc về giá trị. Theo chúng tôi, vấn đề lớn nhất của văn hóa Việt
Nam hiện thời là sự lệch lạc về giá trị. Bảng giá trị của người Việt truyền thống
và hiện đại hiện nay đã vô tình bị xếp sai một số vị trí thành ngụy giá trị.
Thói vụ lợi và thực dụng qua sự kích thích của mặt trái kinh tế thị trường đã
làm cho không ít người tưởng rằng tiền bạc và hoạn lộ là giá trị đỉnh cao của đời
sống. Giả dối được tiếp tay bởi những kẽ hở của cơ chế đã biến thành lối sống,
thành phương thức sống của không ít kẻ vụ lợi.
Sự phát triển đòi hỏi mỗi các nhân và các tổ chức xã hội
phải thật sự nghiêm khắc với những thói hư tật xấu này để bảng giá trị trở lại
với chân giá trị. Xã hội muốn phát triển, ngụy giá trị không thể chiếm chỗ của
chân giá trị, giả dối không thể lấn át sự tử tế và chân thật.
HỒ SỸ QUÝ
Báo Văn hoá Nghệ An
_________________
[1].Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XII. Nxb. CTQG. Hà Nội, tr. 126.
[2].Xem: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 - khoá
XII.https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/14839/nghi-quyet-hoi-nghi-trung-uong-4-khoa-xii
[3]. Rùng mình khi nghĩ đến bệnh viện.http://tuoitre.vn/rung-minh-khi-nghi-den-benh-vien-360266.htm.
[4]. Giá bán lẻ sữa ở Việt
Nam ở mức cao nhất thế giới, gấp đôi Malaysia và gấp 1,5 lần Thái Lan. Giá thuốc
Tây tại Việt Nam thuộc hàng đắt nhất thế giới: theo khảo sát của WHO với 7 nhóm
thuốc thông dụng, giá thuốc tại Việt Nam cao từ 5 đến 40 lần so với giá trung
bình thế giới. Hiện tượng nạo phá thai cao nhất thế giới. Tỷ lệ trẻ em chết đuối ở Việt Nam cao
nhất khu vực Đông Nam Á (khoảng 10 trẻ em độ tuổi 7-15 tử vong vì chết đuối mỗi ngày). Tai nạn giao thông với khoảng
1000 người chết
mỗi năm. Việt Nam vẫn nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp
còi trên phạm vi toàn cầu (Đàn ông Việt Nam có chiều cao trung bình 1m62, thấp nhất ASEAN,
kém cả Campuchia, và thấp hơn nhiều so với Đông Bắc Á).
[5]Trước những diễn biến phức tạp của lễ hội, ngày 9/2/2011, Chính phủ đã có Công điện gửi các Bộ và các đơn vị liên quan, yêu
cầu chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực, phản cảm tại các lễ hội trên cả nước, nhất là dịp đầu năm.
[6]Thái Sơn(2017). Showbiz Việt và những khủng hoảng văn
hóa.http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/Show-biz-Viet-va-nhung-khung-hoang-van-hoa-463845/
[7].Hoàng Ngọc Hiến (2010). Sự hẳn hoi của một chính khách lớn
[8]. Nguyễn Văn Trọng (2010). Tai họa từ lòng ghen tỵ.Thời báo Kinh Tế Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét