Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Một nhà văn với nỗi khát khao sáng tạo

Nhà văn Nguyên Ngọc

Người ta đi đến một nhận biết
                                                      về lịch sử của thời đại mình
                                         từng bước, và chỉ từng bước.
                                                                                          Hégels

1. Nguyên Ngọc tên thật là Nguyễn Văn Báu, sinh ngày 5.9.1932 tại Thăng Uyên, Thăng Bình, Quảng Nam. Ngoài bút danh Nguyên Ngọc, ông còn có các bút danh Nguyễn Trung Thành (dành cho các tác phẩm văn học giải phóng), Nguyễn Kim (dành cho các bài báo). Thuở nhỏ học ở Hội An, kháng chiến toàn quốc bùng nổ (1946), ông theo gia đình ra vùng tự do, tiếp tục học trường trung học kháng chiến Lê Khiết ở Quảng Ngãi. Năm 1950, ông nhập ngũ và sau khi tốt nghiệp trường lục quân Liên khu Năm, ông ở đơn vị chiến đấu một thời gian rồi chuyển về làm phóng viên báo Quân đội nhân dân Liên khu Năm, hoạt động ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc trong đội hình của sư đoàn 324, được điều về trại viết gương anh hùng của Tổng cục chính trị. Chính thời gian này ông viết tiểu thuyết đầu tay Đất nước đứng lên (1955),và lập tức đạt ngay giải nhất về tiểu thuyết của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955). Đây là tác phẩm đánh dấu quan trọng trên bước đường hiện đại hóa của tiểu thuyết Việt Nam trong việc phản ánh và ngợi ca cuộc chiến tranh yêu nước của dân tộc. Cuốn sách là sự mở đầu vang dội, vừa ra đời đã có tiếng vang trong đời sống văn học và cũng từ đây hình thành lối viết của Nguyên Ngọc theo kiểu Nguyên Ngọc. Lối viết này quán xuyến toàn bộ cuộc đời cầm bút của ông. Đó là viết về những con người có thật trong cuộc sống và chiến đấu anh hùng của nhân dân.

Đầu năm 1957, tạp chí Văn nghệ quân đội thành lập, ông là thành viên ban biên tập đầu tiên, sau này có thời gian ông làm thư ký tòa soạn. Tháng 5.1962, ông trở lại chiến trường Liên khu Năm, có lúc cắm sâu về làm cán bộ xã, từng làm Bí thư Đảng đoàn kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ, Trưởng ban văn học thuộc Tổng cục chính trị quân khu, phụ trách tờ Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ. Sau ngày thống nhất đất nước 1975, ông quay về công tác ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Năm 1979, ông được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II, được cử làm Phó Tổng thư ký kiêm Bí thư Đảng đoàn. Sau đó tiếp tục được bầu vào Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III và khóa IV, làm Tổng biên tập báo Văn nghệ, đại biểu Quốc hội khóa VIISau khi nghỉ hưu, ông là thành viên sáng lập và làm Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An), và hiện nay, khi tuổi đã ngoài tám mươi, ông vẫn còn phụ trách Viện Phan Châu Trinh.

Trên một hành trình hơn sáu mươi năm đánh vật với từng con chữ, đó là chặng đường dài chi chít dấu chân người lính hơn là nhà văn, tất nhiên, trong đó có sự song hành cùng với những cột mốc văn chương cắm sâu trong dòng chảy của dòng sông cuộc đời. Thời gian làm lính, làm công tác cách mạng nhiều hơn là thời gian chăm chuốt cho sự sinh sôi của từng con chữ. Sự nghiệp văn chương thuộc nhiều thể loại của ông quả là không nhiều, nhưng cũng không quá ít ỏi, chỉ xếp vào hàng “thường thường bậc trung” về mặt số lượng: Đất nước đứng lên (tiểu thuyết, 1955), Mạch nước ngầm (truyện vừa, 1960), Rẻo cao (truyện ngắn, 1961), Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc (truyện và ký, 1969), Rừng xà nu (truyện và ký, 1969), Đất Quảng (tiểu thuyết, tập 1,1971, tập 2, mới trích in một vài chương trên báo 1974)), Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ (dịch của Xvetlana Alêchxiêvich, 1987), Tháng Ninh Nông (truyện và ký, 1999), Văn học là gì? (dịch của J.P.Sartre, 1999), Nghệ thuật tiểu thuyết (dịch của Milan Kundera, 1999), Nghĩ dọc đường (ký, 2003), Tản mạn nhớ và quên (ký, 2005). Chính nhà văn cũng đã từng thừa nhận là những gì mà ông và cả thế hệ nhà văn như ông làm được còn quá ít, nhưng đã kịp khắc họa chân dung một kiểu nhà văn trong lịch sử chưa từng có và trong tương lai cũng không hề lặp lại: nhà văn – chiến sĩ. Đó cũng là bước chuyển quan trọng trong lịch sử văn học, từ nhà văn – nho sĩ trở thành nhà văn – chiến sĩ. Nhiều người trong số họ đã hy sinh trên chiến trường: “Có lẽ điều quan trọng không phải là họ đã ngã xuống. Điều quan trọng hơn nhiều là họ đã sống và làm việc như thế nào giữa nhân dân trên chiến trường những tháng năm ấy. Có những người sẽ chẳng còn có tên tuổi gì trong nền văn học vinh quang chúng ta, hoặc giả có người sẽ chỉ còn để lại một cái tên mờ mờ trên trang sách lịch sử văn học chiến tranh giải phóng con em ta sẽ học. Nhưng một nền văn học là gồm những tác phẩm, ưu tú và chưa thật ưu tú, đã đành. Một nền văn học còn là một kiểu nhà văn. Mà đó mới là cái gốc. Kiểu nhà văn nào thì tạo ra nền văn học ấy, với những tác phẩm ấy. Có thể nên suy nghĩ vậy chăng về sự đóng góp của văn học chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam vào sự nghiệp xây dựng nền văn học mới hiện đại của tổ quốc ta” [1, tr.65]. Chính cuộc “sống và làm việc như thế nào giữa nhân dân trên chiến trường” mới là điều quan trọng căn cốt, là cốt lõi khẳng định thái độ sống và quan điểm sáng tác của tác giả. Cũng chính từ đó đã tạo nên “cái gốc” của một nền văn học, đó là chủ thể sáng tạo, một kiểu nhà văn. Một kiểu nhà văn được tạo nên bởi một quan niệm về văn học. Văn học đối với họ không phải là “trò chơi vô tăm tích” [2, tr.316] như thế hệ các nhà văn thời kỳ đổi mới kiểu như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài từng quan niệm, mà văn học là vũ khí chiến đấu, bởi vì kẻ thù luôn dùng tiếng nói của vũ khí để lấn át tiếng hát tiếng cười, đè bẹp sự sống của chúng ta, thì ta phải sử dụng “vũ khí tiếng nói’ để đáp trả kẻ thù [3, tr.118], nghĩa là phải trui rèn sức mạnh tinh thần trở thành một lực lượng vật chất, xếp hàng trong đội ngũ ra trận tiến công kẻ thù… Trong một tiểu luận khác, từ góc nhìn chủ thể sáng tạo thấm sâu từ tâm thức sáng tạo hiện đại là Viết như một phép ứng xử, Phạm Thị Hoài chỉn chu hơn khi khẳng định bản chất của sáng tạo là đem lại giá trị nghệ thuật và thừa nhận bài học đó được rút từ thế hệ đi trước: “ Nhiều nhà văn Việt Nam lớp trước đã trả giá đắt để chúng tôi, những người đến sau, có thể học được điều lớn nhất là: không nên viết như thế nào” [4, tr.333]. Phép ứng xử của Nguyên Ngọc và nhiều nhà văn cùng thời là văn hóa ứng xử của một người yêu nước, khi đất nước có ngoại xâm, người có văn hóa là người phải chiến đấu chống ngoại xâm, thậm chí dẫu phải hy sinh cả tính mạng vì sự tồn vong của đất nước, cái giá phải trả dù phải đắt gấp bao nhiêu nữa cũng phải chấp nhận. Cũng chính quan niệm nghệ thuật ấy đã làm nên sự / sức sống cho tác phẩm nghệ thuật, tạo ra những sinh thể nghệ thuật tồn tại lâu bền trong tâm tưởng nhiều thế hệ người đọc. Không dừng lại ở quan điểm nhận thức, cây bút văn xuôi tài danh Nguyên Ngọc còn ý thức rất rõ và từng lý giải một cách cặn kẻ về mối quan hệ giữa ý thức về cuộc sống và cuộc sống đã được ý thức / thế giới cuộc sống và thế giới nghệ thuật, đồng thời nhấn mạnh đặc trưng ma thuật của thể loại chủ lực của nền văn học là tiểu thuyết, coi nhà tiểu thuyết giống như người làm ảo thuật: “Thế giới, tức cuộc sống, cũng giống như trái đất vậy, vốn cong và nối liền, gồ ghề, lởm chởm, quanh co, phức tạp, là không gian ba chiều (thậm chí dường như ta còn có thể cảm nhận ra những chiều nào đó khác nữa, sâu xa, tinh tế, bí ẩn, được cuộn lại ở đâu đó) nhưng cũng giống như trái đất được vẽ lại trên tấm bản đồ, nó được chiếu trên trang giấy phẳng chỉ có hai chiều của nhà văn bằng những dòng chữ tuyến tính và lại thường xuyên đứt đoạn. Vì vậy, nhà tiểu thuyết là một kiểu nhà ảo thuật, ông ta biểu diễn trên một mặt phẳng hai chiều đơn giản, trắng trơn và nhạt nhẽo cái thế giới ba hay hàng chục chiều vô cùng phức tạp kia, làm cho nó hiển hiện lên, còn sống động hơn (vì tích tụ, cô đọng hơn) chính cuộc sống thật nữa. Công cụ ma thuật duy nhất của ông không có gì khác hơn là các từ. Cho nên ngôn ngữ trong văn học vừa thoạt trông cũng giống như ngôn ngữ bình thường ta vẫn nói vẫn nghe hàng ngày, lại vừa không phải là ngôn ngữ ấy, mà là một thứ mã riêng của nhà văn, thậm chí mỗi nhà văn đều phải tạo ra một thứ mã riêng của mình, để có thể thực hiện cái trò ảo thuật kỳ lạ và kỳ diệu: sáng tạo ra một thế giới nữa bên cạnh, thêm vào cái thế giới đã có này” [4, tr.40]. Thế giới nghệ thuật của Nguyên Ngọc được làm nên bởi mịt mù khói lửa chiến tranh, khi hiển hiện trước mắt, khi lắng lại trĩu nặng suy tư, giằn vặt, cào xé, nghiệm sinh trên cả quãng đường dài, đúc kết thành những tư tưởng – nghệ thuật và cả nảy sinh thành hành động / hoạt động của một nhân cách, mang ý nghĩa văn hóa nhân văn.

Là nhà văn sinh ra và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến, Nguyên Ngọc xuất hiện và khẳng định tròn vai với nhiều tư cách: người lính – người cán bộ cách mạng, nhà báo – nhà văn, nhà văn hóa - nhà dịch thuật, trong nhiều mối quan hệ tích hợp và cộng sinh với nhau, trong đó nổi bật, hoàn chỉnh và đậm màu là chân dung nhà văn và nhà hoạt động văn hóa.

2. Nhà văn Nguyên Ngọc được khẳng định đầu tiên và nổi trội là nhà tiểu thuyết, tác giả của Đất nước đứng lên và Đất Quảng. Cơ duyên dẫn dắt ông đến với văn chương, để có tiểu thuyết đầu tay đạt giải nhất, đối với ông là một may mắn: “Được sống ở Tây Nguyên thời chiến tranh là may mắn lớn nhất đời tôi. Không có cuộc gặp gỡ với mảnh đất ấy, chắc tôi không bao giờ trở thành nhà văn”[6, tr.216]. Phải đến năm năm, là khoảng thời gian ông “đã sống trong các làng của đồng bào Êđê, được cùng đồng bào đi làm rẫy làm nương, đi săn, đi bắt cá, cùng ăn cùng ở, cùng bàn bạc công tác, cùng đánh du kích, cùng dự các ngày vui và được nghe đồng bào kể các sự tích về rừng núi sông suối, về truyền thống bất khuất lâu đời của dân tộc” [7, tr.215]. Những trải nghiệm trầm tích, lắng đọng trong tâm hồn ông lâu ngày chờ khi kết tủa để thăng hoa. Đến “năm 1953, Nguyên Ngọc được gặp anh hùng Núp ở Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua Liên khu Năm. Cuộc gặp gỡ đó ghi dấu ấn khá mạnh vào tình cảm, và khơi nguồn cho cảm hứng sáng tác của Nguyên Ngọc. Tất cả vốn sống của nhà văn trước đây còn tản mạn, sau khi gặp Núp, dường như được quy về một điểm. Nhân vật chính đã được xác định. Mọi kỷ niệm, mọi ấn tượng trong anh sẽ trở về xoay quanh hình tượng trung tâm và tìm được vị trí thích hợp cho nó. Ánh sáng không loãng tan ra mà tụ lại quanh một con người. Nhưng do vậy mà toàn cảnh bức tranh càng sáng rõ” [8, tr.143]. Cuốn tiểu thuyết có 11 chương, chia làm 3 phần. Phần 1 viết về cuộc chiến đấu chống Pháp của nhân dân làng Kông Hoa trước Cách mạng. Phần 2 viết về cuộc chiến đấu từ sau Cách mạng tháng Tám đến đầu những năm 1950. Phần 3 viết về giai đoạn cuối cùng của cuộc kháng chiến cho đến khi làng Kông Hoa tiễn người con yêu dấu của họ tập kết ra miền Bắc. Truyện xoay quanh đoạn đời của một nhân vật có thật là anh hùng Đinh Núp – người mà Nguyên Ngọc được phân công ghi chép giúp thành tích để báo cáo tại Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua Liên khu Năm. Là truyện viết về người thật, nhưng tác phẩm đã vượt hẳn và chuyển sang một chất lượng mới khác với loại truyện kiểu này cùng thời và cả sau này. Nếu Nguyễn Tuân tài hoa là nhà duy mỹ, người suốt đời đi tìm cái đẹp, thì Nguyên Ngọc tài danh xuất thân là người lính nên suốt đời soi ngòi bút săn tìm những sự tích / tính cách anh hùng. Thật ra trong suốt hai cuộc kháng chiến, nền văn học chiến tranh của chúng ta đều tập trung vào đối tượng ấy, và đã có không ít người gặt hái được những thành công. Nhưng người anh hùng trong văn chương Nguyên Ngọc vẫn có những nét riêng, tuy vẫn được xây dựng bằng thủ pháp huyền thoại hóa nhưng vẫn xen lẫn yếu tố phi huyền thoại hóa, “dù được xây dựng theo cách nhìn sử thi, vẫn có sức sống riêng bởi cách thể hiện sinh động của tác giả” [9, tr.290]. Đó là những con người thép, thẳng băng nhọn hoắt, như mũi chông ngọn giáo, như mầm xà nu đâm thẳng lên trời, nhưng lại có vẻ gì đó hồn nhiên, hoang dại. Trái tim họ chất chứa căm thù ngùn ngụt, nhưng tâm hồn trong suốt như ngọc và hết sức hồn nhiên có tính chất bản năng như thuở ấu thơ xa xăm của nhân loại. Vì vậy, nếu nói Nguyên Ngọc đến với Tây Nguyên như cái duyên, vừa là ngẫu nhiên, lại vừa là tất yếu. Con người và tính cách, nhân cách và bút lực như Nguyên Ngọc nhất thiết phải tìm đến những vùng đất dữ, có tính chất sử thi, để gặp những người như Đinh Núp, để nhận ra “ở đồng chí Núp tôi thấy tiêu biểu cho tất cả những điều tôi được biết trước nay về Tây Nguyên, tiêu biểu cho Tây Nguyên bất khuất và hết sức anh dũng” [10, tr.69]. Và, những Bok Pa, Ghíp, Xíp, Tim (Đất nước đứng lên); rồi về sau với những Tnú, cụ Mết, cô Mai, cô Dít (Rừng xà nu), cũng như nhất thiết phải tìm Hà Giang, Mèo Vạc để gặp những ông Cắm, Ykơbin, Vàng Thị Mỹ (Rẻo cao), và rồi xuôi về đồng bằng miền Nam đang sục sôi máu lửa để cùng đồng cam cộng khổ với những ông già sông Trúc, cô Thắm, cô Vi, cô Vân, cháu Thắm (Đất Quảng) và sống Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc. Nhìn lướt qua hệ thống nhân vật mà nhà văn yêu quý, hầu hết đều là người già, trẻ em và nhất là phụ nữ - những con người đối lập với dữ dội của chiến tranh, yếu đuối nhưng rất kiên cường, thách thức mọi sự dã man, tàn bạo và sức mạnh sắt thép của kẻ thù. Chẳng thế, mà sau này, khi đất nước hòa bình, trong xu thế giao lưu và hội nhập với văn chương thế giới, ông đã chọn dịch Chiến tranh không có khuôn mặt phụ nữ (1987) của Xvetlana Alêchxiêvich.

Đất Quảng (phần 1) là tiểu thuyết Nguyên Ngọc tập trung miêu tả về tính chất ác liệt trong cuộc chiến đấu của nhân dân Quảng Nam trong một thời điểm nóng bỏng nhất vào đầu những năm bảy mươi, chủ yếu là khai thác các mối xung đột dân tộc, giai cấp, trong đó có cả mối thù truyền kiếp giữa hai gia tộc: một bên là ba đời cha truyền con nối của các tên ác ôn Hứa Phùng, Hứa Xâng, Hứa Min với vũ khí hiện đại của Mỹ và một bên là bố con Thắm với các chiến sĩ du kích và nhân dân xã Hòa Thanh. Thành công lớn nhất của tiểu thuyết này là tác giả dựng được bầu không khí quyết liệt, căng thẳng, lúc nào cũng tưởng chừng như sắp nổ. Hằn nổi lên giữa từng câu chữ, trong từng trang sách là ý chí bất khuất của nhân dân miền Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ nền đọc lập của tổ quốc, tiêu diệt những kẻ đã gây nên tội ác man rợ cho nhân dân. Đồng thời còn khắc họa được chân dung nhân vật phản diện khá sắc nét, đến mức cha con Hứa Xâng, Hứa Min khi bắt được Quế, chồng Thắm bí thư chi bộ xã, đã cắt tiết người chiến sĩ trung kiên này rồi cả hai cha con hắn cùng uống! Cuối tác phẩm là cái chết bi hùng của bé Thắm và sự phản bội của mụ gián điệp tên là Tám, đã dồn nén mâu thuẫn, chuẩn bị cho những cơn dông có nhiều sấm chớp và đẩy kịch tính đến mức cao trào, mở ra chiều hướng phát triển ngày càng phức tạp, đưa tính cách vận động ngày càng sắc nét. Tiếc thay, phần 2 còn dở dang, chỉ mới công bố một số chương trên Văn nghệ giải phóng và báo Văn nghệ cách đây gần tròn nửa thế kỷ (1974), đến nay chưa thấy tác giả trở lại vấn đề này. Phan Tứ từng cho rằng, Nguyên Ngọc “khó viết tập 2, có lẽ vì tính cach của các nhân vật đã được bày ra hết ở tập 1 rôi. Nếu viết tập 2 thì đó chỉ là ký, là nói thêm sự việc thôi” [11, tr.207]. Bất luận vì lý do gì, thì việc Đât Quảng dỡ dang vẫn là điều đáng tiếc và là nhược điểm lớn nhất trong cuộc đời cầm bút của Nguyên Ngọc.

Truyện vừa có dung lượng tiểu thuyết Mạch nước ngầm (1960) in chung cùng với  Ngõ ngang xóm thợ của Võ Huy Tâm, từng gây xôn xao dư luận, trong đó có cả những qui chụp về lập trường tư tưởng, bởi ngay từ thời điểm miền Bắc bắt đầu kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965), thông qua cuộc đấu tranh tư tưởng giữa hai nhân vật chính là Quả và Thuyết, tác giả đã chỉ ra những tư tưởng hoang mang, dao động, mất đoàn kết nội bộ, thái độ mất tin cậy lẫn nhau diễn ra trong một đơn vị bộ đội miền Nam đang xây dựng trên công trường xây dựng thủy nông. Thực chất, đó là bước đột phá đổi mới trong tâm thức sáng tạo, chỉ ra những eo sèo, những “mạch nước ngầm” đen ngòm trong đời sống lúc nào cũng có, chỉ trong điều kiện nào nó mới bột lộ ra thôi, qua đó nhà văn còn ướm thử những con đường ngầm cho tư duy sáng tạo nghệ thuật.

Nguyên Ngọc còn là cây bút truyện ngắn xuất sắc, tác giả của những truyện ngắn gây ấn tượng lâu bền trong lòng người đọc như Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng, Đứa con, Em gái tôi, Chiện,…trong đó có những truyện được chọn đưa vào chương trình giảng văn bậc phổ thông như Rẻo cao, Rừng xà nu. Hầu hết truyện ngắn của ông đều là những phác thảo đơn sơ về những con người có thật trong đời sống, được thể hiện bằng một nghệ thuật điêu luyện, tài hoa. Trần Đăng Khoa từng khẳng định rằng Rẻo cao là “cái truyện tài nhất trong đời văn Nguyên Ngọc” [12, tr.6]. Truyện không có cốt, tóm tắt rất nhạt. Vì nó chẳng có gì cả. Chỉ có một nhân vật. Tác giả kể về một ông già người Mèo tên là Cắm. Ông bỏ nhà đi hoạt động cách mạng, mải việc nước đến quên cả lấy vợ. Về già, không còn đủ sức đi nữa thì ông về quê, làm cách mạng ở quê. Công việc của ông là chuyển thư từ, báo Đảng xuống các làng bản. Ông không biết chữ, nên thằng cháu ruột của ông, một anh chàng bưu tá huyện đã phải đánh dấu cho ông bằng những sợi chỉ xanh, chỉ đỏ. Chỉ xanh là ông Lý A Pù. Chỉ đỏ là ông Ma Văn Keo, xóm Nà Thăn. Thế là ông cắt rừng đi ngay trong đêm. Với chất liệu như thế chỉ đủ để viết một cái tin vắn, mà tin cũng nhạt phèo, khó mà đọc được. Vậy mà với tài lập ngôn và diễn ngôn khéo léo, Nguyên Ngọc đã dựng thành một truyện ngắn đặc sắc và cuốn hút. Nhân vật cứ lừng lững đi từ trang sách ra đời sống, khiến người đọc cảm động đến chạnh lòng. Khác với Rẻo cao và hầu hết những truyện trong tập truyện ngắn cùng tên, Rừng xà nu có cốt truyện hoàn chỉnh. Nhằm tái hiện chân thực cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân Tây Nguyên trong những ngày đánh Mỹ. Phát huy truyền thống anh hùng của cha ông thời đánh Pháp, thế hệ tiếp nối trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, mà cái ác của kẻ thù càng man rợ và dữ dội gấp nhiều lần, những con người kiên trinh như Tnú, cụ Mết, Dít, bé Heng và đàng sau là dân làng Xoman, hiện thân của những cánh rừng xà nu bạt ngàn “nối tiếp tới chân trời”. Dù bị kẻ thù tra tấn dã man, đốt cháy cả mười đầu ngón tay để không bóp được cò súng, Tnú vẫn giữ vững ý chí kiên cường, cùng nhân dân chống giặc, với sức sống mạnh mẻ như những rừng cây xà nu bạt ngàn không thể nào tiêu diệt nổi. Một thời gian ngắn, một ngày sống với làng quê của Tnú mở ra cả một chân trời, một quãng đường dài của nhân dân và cách mạng, từ quá khứ đến tương lai, từ những đau thương lớn lao đến một cuộc đồng khởi vĩ đại “cả làng Xoman ào ào rung động, và lửa cháy khắp rừng” [13, tr.27]. Trước khi có Rừng xà nu, Nguyên Ngọc đã có truyện ngắn đầu tay cũng viết về vùng đất mà anh gắn bó máu thịt là Kỷ niệm Tây Nguyên (1957), nhưng phải đến truyện này, tác giả mới chứng tỏ được tài năng xuất sắc từ việc chọn lựa hiện thực phản ánh, tư tưởng chủ đề, đến kỹ thuật dựng truyện và ngôn từ nghệ thuật.
Truyện ngắn của Nguyên Ngọc thường sử dụng kết cấu liên tưởng, đi gần với lý thuyết liên văn bản “thời thượng” của các nhà hậu hiện đại sau này, nhưng ở đây, nhà văn chỉ sử dụng thủ pháp nghệ thuật truyền thống, có sự đan xen giữa các sự kiện, con người và cảm quan nghệ thuật của nhà văn (Rẻo cao, Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng, Pồn, Chiện) hoặc với Rừng xà nu là kết cấu đầu cuối tương ứng, mở và đóng tác phẩm cùng một chi tiết, một hình tượng rừng cây “xà nu ấy trông ra xa đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tới chân trời” [14, tr.8]. Bên cạnh đó, tác giả còn ý thức rất rõ sức mạnh của các chi tiết và ngôn ngữ hình tượng, tinh tế trong phát hiện và chọn lựa những phương tiện tối ưu để tạo nên không khí truyện sinh động, tạo nên những sinh thể nghệ thuật làm lay động tâm hồn người đọc nhiều thế hệ. Hãy xem một đoạn ngắn, được quan sát tường tận, đầy ắp các chi tiết tinh tế và ngôn từ giản dị nhưng mượt mà đến ngọt lịm đầu môi cong mềm: “Thoạt đầu là một đóa hoa trắng trong sáng và trinh bạch, nở một mình giữa đám thuốc phiện còn xanh. Rồi lốm đốm những hoa trắng nở đây đó; rồi thì đột ngột, bừng nở một bông hoa tím quyến rũ lẳng lơ và yếu đuối lạ lùng. Gần đài hoa màu tím sẫm lại như ướt. Gió thổi bạt cánh hoa mong manh” [15, tr.6]. Ngôn từ văn chương Nguyên Ngọc, nhất là ở truyện ngắn, ông rất chú ý đến lối dùng từ phái sinh để tạo hương vị riêng cho chỉnh thể nghệ thuật của mình. Có thể cảm nhận được một thứ văn chương có nhung, có tuyết, có vị ngọt rất cuốn hút và hấp dẫn người đọc trong truyện ngắn Dũng cảm nói về tình cảm một cô giáo trẻ ở thủ đô lên dạy học và tự nguyện gắn bó lâu dài với những “rẻo cao” (chứ không phải vùng cao, trong cái nhìn của tác giả): “Rừng bạt ngàn chạy đến chân núi xa, là một thế giới riêng mà cô nửa tin nửa ngờ, ở đấy có những người thỉnh thoảng đến với Tuyết, như từ xa lắm, đến rồi lại đi, mất hút trong màu xanh chạy dài đến chân mây” [16, tr.36].

Không thể chuyên sâu và có những đóng góp xuất sắc như các cây đại thụ Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhưng ký của Nguyên Ngọc vẫn có vị trí riêng, ngất ngưỡng trong văn học giải phóng miền Nam. Vốn coi văn chương là lẽ sống, một cách thế nhập cuộc và thành tâm khao khát bằng ngòi bút có thể góp sức vào cuộc “đấu tranh vì quyền sống của cả dân tộc”, ký của ông là vũ khí đánh giặc, gồm các tiểu loại như ký sự (Đất lửa), bút ký (Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, Người dũng sĩ dưới chân núi Chưpông, Chị Thuận, Cát cháy), tùy bút (Đường chúng ta đi, Trận đánh bắt đầu từ hôm nay), và tản văn (Tản mạn nhớ và quên, Nghĩ trên đường)… Ký là thể văn phản ánh trực tiếp cái đang diễn ra, đang vận động, những sự kiện và con người có thực trong đời sống, vừa có khả năng đáp ứng những yêu cầu bức thiết có tính chất kịp thời vừa giữ được âm vang xa rộng, sâu sắc của nghệ thuật. Với Nguyên Ngọc, đó là những người anh hùng, mang nặng nợ nước thù nhà, cùng gắn bó chặt chẽ với đồng chí, đồng bào. Mỗi người đều là kết tinh của truyền thống cao quý của dân tộc và văn hóa nhân văn của thời đại. Đó là bảy chiến sĩ dũng cảm Trong giếng cạn, hoặc Kơlơng, Người dũng sĩ dưới chân núi Chưpông. Đó còn là người chiến sĩ diệt xe tăng địch Lê Văn Nghiêu hoặc là những chị Thanh, anh Hạ, cô Liền, anh Hoành, cô Định, mẹ Lúa…những người dân bình thường đã vượt qua đau thương gian khổ để lập nên những chiến công.

Nguyên Ngọc đã sớm nhận ra trong sự vận động của văn học, ký không tự bó mình trong những tiêu chí của thể loại, mà có thể tự phá vỡ khuôn khổ, trong yêu cầu xâm nhập thể loại, vận động và chuyển hóa. Do đó, ký của ông luôn thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa khả năng miêu tả và bình luận, tự sự và trữ tình. Ông tạo chiều sâu trên nhiều bình diện, tạo nhiều mối quan hệ và rung động thẩm mỹ. Trong ký trữ tình, đặc biệt ở những thiên tùy bút hiện thực luôn được bình giá, phân tích, cảm thụ. Viết tùy bút dường như Nguyên Ngọc không nhằm thông tin sự thật mà là thông tin tâm trạng. Đến với Đường chúng ta đi và Trận đánh bắt đầu từ hôm nay, người đọc cảm nhận rằng, sự thật chỉ là cái cớ để chủ thể bộc lộ nội tâm, là “cái đinh” để móc treo lên bức tranh tình cảm của chính nhà văn. Sự thật mà ông đưa vào các tác phẩm này rất ít ỏi và tản mạn, chủ yếu là ông dùng liên tưởng và tưởng tượng để dẫn dắt người đọc đi rất xa trong không gian và thời gian. Tuy không nói nhiều về sự việc và chất liệu cụ thể của đời sống nhưng lại gây cảm xúc lắng sâu về tâm tưởng. Đường chúng ta đi là một tuyệt bút rất hay, nếu không muốn nói là hay nhất trong văn chương chống Mỹ, miêu tả tâm trạng của người lính trước giờ xuất kich. Lòng dạt dào cảm xúc khi lắng nghe và khám phá chiều sâu thăm thẳm của một điệu dân ca, nghe tiếng hát như nghe tiếng ngân nga của mặt đất, của dòng sông, của thôn xóm, ruộng đồng: “Một giọng hát dân ca, ngân nga bát ngát như cánh cò trên đồng lúa miền Nam chạy tới chân trời, có lúc rụt rè e thẹn như khóe mắt người yêu mới gặp, có lúc tinh nghịch, duyên dáng như đôi chân nhỏ thoăn thoắt gánh lúa chạy trên con đường làng trộn lẫn bóng tre và bóng nắng” [17, tr.31]. Một thứ văn xuôi khi đọc lên  ngân nga như thơ, và có lẽ cả khi hát lên nghe như nhạc. Với cảm quan hiện thực của mình, Anh Đức hoặc Phan Tứ luôn có ý thức cắm sâu vào trang văn những chi tiết chân thực đến lạnh lùng để biểu hiện cuộc sống với tất cả vẻ ghồ ghề, gai góc của nó, thì trái lại Nguyên Ngọc thường ngước nhìn những chi tiết giàu chất thơ, có khả năng lay động tâm hồn ông một cách mạnh mẽ. Vì thế, cảnh vật, con người và cuộc sống trong trang văn của ông bao giờ cũng đẹp một vẻ đẹp huyền ảo, sáng trong nhờ được lọc qua tâm hồn như một khối kim cương trong suốt của nhà văn, nó mang màu sắc lãng mạn, làm cho người đọc say sưa, ngây ngất: “Chúng tôi đóng ở trong làng. Bây giờ đã khuya, bốn bề im lặng. Cho đến ngôi sao sa ngoài khung cửa cũng đứng im, lóng lánh như giọt nước mắt vui lặng lẽ của người vợ ở quê ta gặp chồng sau mười năm trời gian lao và cách biệt. Gió se lạnh, thoang thoảng hương lúa lên đòng thơm như sữa của một người mẹ trẻ… Có gì đây đang trào dậy trong lòng tôi… như một linh cảm mơ hồ, như một hơi men say, một cơn sóng ngầm xao động ở tận chỗ sâu kín nhất của tâm hồn” [18, tr.30]. Vốn chú ý đến tính khách quan trong miêu tả, ông chọn những chi tiết sống cụ thể để cho sự việc tự nó nói lên. Ông còn đặc biệt quan tâm đến tình huống phù hợp, tạo không khí cho mạch văn thiết tha hùng tráng, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc.

Là người viết văn xuôi, Nguyên Ngọc luôn cày cấy trên cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu của thực tế cuộc sống và chiến tranh cách mạng. Văn chương của ông vừa đậm chất văn xuôi tự sự vừa thẩm đẫm chất thơ trữ tình. Ở ông, có sự kết hợp nhuần nhị giữa hiện thực và lãng mạn, cuộc sống và lý tưởng, số phận con người và lịch sử.

3. Nhà văn hóa Nguyên Ngọc không phải đợi đến những hoạt động văn hóa từ sau ngày hòa bình thống nhất đất nước mới có, mà văn hóa, nhất là văn hóa Quảng Nam, đã ngấm vào tận xương tủy của ông từ thuở mới lọt lòng, trưởng thành cùng với nhân cách và biểu hiện qua hành vi cầm súng rồi cầm bút chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Người có văn hóa bao giờ cũng là người yêu nước và nhà văn trước hết phải là nhà văn hóa. Nhà văn là một trí thức, nhưng muốn trở thành trí thức phải có quá trình rèn luyện, hun đúc và tích lũy tri thức văn hóa, mà vốn liếng đầu tiên của nó nằm ở dưới đáy, làm nền tảng, đó là tấm lòng và thái độ ứng xử của anh đối với quốc gia, dân tộc. Người làm văn chương mà không yêu nước, thì văn chương của anh ta chỉ là đồ giả, một thứ văn chương làm dáng, rỡm đời.  

Nguyên Ngọc là người hơn sáu mươi năm cầm súng – cầm bút, tham gia vào hai cuộc kháng chiến trường chinh của dân tộc, đến khi hòa bình thống nhất tiếp tục chiến đấu cho tư tưởng đổi mới, rồi mở trường đại học, mong đào tạo một lớp người mới, bổ sung một nguồn nhân lực có đủ trình độ tri thức hiện đại và đạo đức nhân văn để dựng xây đất nước. Không kể những năm đầu khi mới nhập ngũ, trực tiếp cầm súng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, ngay cả những giai đoạn khó khăn khi hoạt động ở chiến trường Quảng Nam, ông đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu hoặc làm xã đội trưởng một xã vành đai khó khăn nhất, để có được tiểu thuyết Đất Quảng sau đó. Ông đã từng kể rằng, vào khoảng giữa năm 1965, ông về Điện Hòa (Điện Bàn), một xã vành đai trắng quanh căn cứ Đà Nẵng, gặp lúc Mỹ đang chuẩn bị càn, bí thư xã đang lúng túng chưa biết sắp xếp cho ông ở đâu, nhưng “tôi đã có kinh nghiệm những lúc như thế này. Tôi để anh bí thư đó, đi tìm anh trung đội trưởng du kích. Không tự giới thiệu gì cả (càng không nên tự xưng ngay anh là “nhà văn”. Ở đây “nhà võ” quan trọng hơn nhiều), tôi hỏi anh trung đội trưởng nọ các anh đang bố trí đánh địch như thế nào. Hai chúng tôi ngồi xổm ngay xuống đó, bên bờ sông La Thọ, dùng ngón tay vẽ luôn một cái sơ đồ ra đất. Tôi chỉ cho anh phải điều ngay một tổ du kích đánh chặn chỗ bến lội qua sông, còn hai tổ thì bám chặt đường xe lửa, cứ địa thế cao đó mà bắn khống chế không cho chúng tràn qua cánh đồng. Rồi phân công luôn: anh nắm lấy tổ chặn bờ sông đi, tôi ra chỗ đường sắt… Chiều hôm đó chúng tôi đánh lui đợt càn thủy quân lục chiến Mỹ, có thể chính là cái tụi Mỹ tôi đã chứng kiến rầm rộ đổ lên Chu Lai hai năm trước. Tối chúng tôi tập trung ở quán bà Cửu Trấu, bà mẹ của tất cả du kích, cán bộ ở đây. Bà Cửu đãi chúng tôi một bữa mì Quảng” [19, tr.69]. Bên canh đó, Tây Nguyên đối với ông không chỉ là chiến trường, mà còn là vùng văn hóa – thẩm mỹ làm nên phẩm chất con người và văn chương ông. Ông không chỉ am hiểu đến tường tận về đất và người, sông suối và núi rừng, tâm tư tình cảm và phong tục tập quán, ngôn ngữ và tiếng nói của nhiều dân tộc, mà còn có cả vốn liếng tri thức khá đồ sộ về truyền thống văn hóa lịch sử, cội nguồn của sức sống vững bền mang ý nghĩa văn hóa nhân văn. Trong ông đầy ắp cả một “rừng” văn hóa Tây Nguyên rậm rạp, và chắc chắn là chưa trang trải hết ra trên trang giấy. Trong bài viết Cuộc đời và tác phẩm Nguyên Ngọc đã nhận thức rằng: “Nói đến Tây Nguyên, người ta thường nghĩ ngay đến thiên nhiên, núi non, rừng nước, cảnh quan lạ lùng của nó. Tất nhiên, cái đó là đúng và cũng tác động đến người mới đến đây nhưng còn quan trọng hơn nhiều, theo tôi là cái nền văn hóa của nó. Các dân tộc Tây Nguyên đã cấy trồng trên đất đai núi rừng của mình một nền văn hóa lớn, cực kỳ độc đáo và đặc sắc, lâu đời và bền vững” [20, tr.91]. Trong những trang viết đặc sắc của ông về Tây Nguyên, chỉ tính riêng Đất nước đứng lên thôi, cũng có thể nhận ra, có lẽ đó là tiểu thuyết hiện đại đầu tiên viết về đất này, trước đó dường như trống vắng quá, sau đó thưa thớt mới có Bão rừng (1957) của Nguyễn Văn Xuân và các tiểu thuyết của Trung Trung Đỉnh sau này… Nhưng những gì hiển ngôn thành câu chữ, thành hình tượng sống động trên trang sách như Đất nước đứng lên, Rừng xà nu, Kỷ niệm Tây Nguyên, Tháng Ninh Nong, Tản mạn nhớ và quên… chỉ mới là một phần nhỏ trong gia sản đồ sộ trong tri thức văn hóa của ông, và không biết có nên so sánh với các nhà nghiên cứu văn hóa hay không, nhưng với riêng ông, chỉ chừng ấy cũng đủ tiêu chuẩn “phẩm hàm” để gọi ông là nhà văn hóa Tây Nguyên.

Nhưng có thể khẳng định, cái lớn hơn Nguyên Ngọc vẫn là nhà văn hóa yêu nước. [...]. Chỉ căn cứ trên bình diện thi pháp hình thức, làm một thống kê cơ học giản đơn các tiêu đề tác phẩm hay nhất của ông, ta dễ nhận ra, trong suốt cuộc đời cầm bút của mình, ông luôn đau đáu về quê hương, đất nước: như một điệp khúc cứ lặp đi lặp lại với tầng số cao số vốn từ như “đất, nước” (Đất nước đứng lên, Đất Quảng, Đất lửa, Cát cháy, Rẻo cao, Mạch nước ngầm, Trong giếng cạn), “quê hương, rừng núi, đường sá” (Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, Rừng xà nu, Người dũng sĩ dưới chân núi Chưpông, Đường chúng ta đi, Đường mòn trên biển, Nghĩ trên đường)… một tư duy tập trung, một tâm thức sáng tạo được neo đậu vững chắc vào một bến bờ là dân tộc và cội nguồn văn hóa Việt không lay chuyển như ông, không thể nghi ngờ gì về tấm lòng nồng thắm với đất nước của ông.  Ngay cả cách chọn bút danh của ông cũng phần nào nói lên điều đó. Về văn học, không còn nghi ngờ gì khi lý thuyết thi pháp học đã chứng minh, tên tác phẩm, tên nhân vật thể hiện quan niệm của tác giả và có giá trị nội dung nhất định. Vậy, tên người ở ngoài đời cũng ít nhiều ứng với tính cách và số phận của người đó. Trong đời sống, tên của chúng ta là do cha mẹ đặt, đôi khi do ngẫu nhiên hoặc gắn liền với một sự việc, một biến cố nào đó. Nhưng bút danh của nhà văn là do chính nhà văn chọn lựa. Và, khi cố tìm mọi cách để xin tổ chức cho trở lại miền Nam chiến đấu, trong yêu cầu phải giữ bí mật, ông đã chọn cho mình bút danh mới mang đầy ý nghĩa là Nguyễn Trung Thành! (Hiện tượng các nhà văn vào Nam chiến đấu có hai bút danh và bút danh sau cũng nổi tiếng ngang ngửa hoặc có khi lấn át cả bút danh trước, là một hiện tượng thú vị trong văn học nước ta thời chống Mỹ: Nguyễn Văn Bổng – Trần Hiếu Minh, Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi, Bùi Đức Ái – Anh Đức, Lê Khâm – Phan Tứ, Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành, Bùi Minh Quốc – Dương Hương Ly, Dương Thị Minh Hương – Dương Thị Xuân Quý…). Người cầm bút chân chính, luôn tự hào về tên tuổi của mình. Phải từ bỏ bút danh từng nổi tiếng của mình để chọn một bút danh mới cũng là hành động yêu nước và văn hóa chọn bút danh cũng là văn hóa yêu nước.

Trong hoạt động văn hóa và tham gia lãnh đạo các tổ chức văn hóa nghệ thuật, chỉ tính riêng thời kỳ làm Phó Tổng thư ký kiêm Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam hoặc Tổng biên tập báo Văn nghệ, Nguyên Ngọc là một trong những người tiên phong trong tiến trình đổi mới tư duy trong lĩnh vực văn học nghệ thuật: “ Không phải đợi đến đại hội lần thứ VI, tháng 12 năm 1986, Đảng đề xướng công cuộc đổi mới, lý luận phê bình mới bắt đầu “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” (Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, ngày 15.12.1986), mà có lẽ đã có mầm mống từ trước, từ phát biểu Đề dẫn trong Hội nghị đảng viên Hội Nhà văn Việt Nam (diễn ra trong ba ngày 11, 12 và 13, tháng 6. 1979) của Nguyên Ngọc, từ sự lãnh đạo của Ban Văn hóa văn nghệ trung ương mà đứng đầu là Trưởng ban Trần Độ và Phó trưởng ban Nguyễn Văn Hạnh, đưa đến sự khởi đầu một cách mạch lạc trong bài Về một đặc điểm của nền văn học ta trong giai đoạn vừa qua (báo Văn nghệ số 23, tháng 6.1979) của Hoàng Ngọc Hiến” [21, tr.32]. Ông không chỉ phất cờ đứng tiên phong trong hàng ngũ những người đổi mới, mà còn bằng hành động cụ thể, với tư cách là Tổng biên tập báo Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam, ông đã có tầm nhìn chiến lược một cách mới mẽ, vận động và cổ vũ cho công cuộc đổi mới, cho in những tác phẩm như Cái đêm hôm ấy…đêm gì? của Phùng Gia Lộc, dám chịu trách nhiệm và đối thoại với búa rìu của dư luận. Trong lịch sử dân tộc và lịch sử văn học, những người có khát vọng và đi đầu trong việc canh tân đất nước đều là những trí thức, những nhà văn hóa. Con người luôn mang tâm thức và khát vọng đổi mới là những nhà văn hóa. Nếu không sợ tư tưởng thiên vị có tính cục bộ địa phương, thì dân “Quảng Nam hay cãi” đứng trong hàng ngũ phát động công cuộc canh tân, đổi mới trong lịch sử từ xưa đến nay không phải là ít: Phạm Phú Thứ, Lương Khắc Ninh, Phan Khôi, anh em nhà họ Nguyễn Tường… Hóa ra, đổi mới là hệ lụy của “hay cãi”, có cãi, có cọ xát, có phản biện xã hội mới phát hiện và đưa đến đổi mới.

Người làm sáng tạo nghệ thuật là người thường trực khát vọng sáng tạo ra cái mới, tư tưởng và tâm thức sáng tạo của anh ta thường xuyên đổi mới. Nhà phê bình nghệ thuật Xô viết Lunasacski cho rằng: “Nghệ sĩ có giá trị chính là người khai hoang, là người bằng trực cảm của mình, thâm nhập vào những vùng mà khoa thống kê và lý luận khó thâm nhập” [22, tr.123]. Nguyên Ngọc là một trong những con người như vậy, người đã tạo ra được bản sắc, phong cách và cá tính sáng tạo độc đáo của nền văn học Việt Nam hiện đại; với tính cách năng động, tấm lòng chân thành với cuộc sống, khát vọng thanh khiết hóa tâm hồn con người và bản thân cuộc sống để ươm mầm những mẫu người văn hóa cho tương lai. Với những gì đã trải nghiệm, đã nghiệm sinh, Nguyên Ngọc thật sự in đậm chân dung một nhân cách trong đời sống xã hội, một văn cách trong đời sống văn học, chỉ của riêng ông.

  PHẠM PHÚ PHONG
Nguồn: VHNA

________________________

[1,19] Nguyên Ngọc (1983), Chiến trường những năm tháng ấy, sống và viết, in trong Về một vùng văn học, Viện Văn học – Hội văn học nghệ thuật Quảng Nam Đà Nẵng xuất bản
[2,4] Phạm Thị Hoài (1993), Từ Man nương đến AK và những tiểu luận, Nxb Hợp lưu
[3,13,14,17,18] Nguyễn Trung Thành (1969), Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc, Nxb Giải phóng
[5] Nguyên Ngọc (2009), Suy nghĩ nhân đọc thơ dịch của Khương Hữu Dụng, in trong Văn nghệ sĩ Liên khu Năm, lý tưởng, nhân cách, sáng tạo, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội
[6,7,20] Nguyên Ngọc (2005), Cuộc đời và tác phẩm, dẫn theo Nguyễn Đăng Mạnh, Những bài giảng về tác gia văn học Việt Nam hiện đại, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội
[8] Phong Lê (1983), Nguyên Ngọc – Nguyễn Trung Thành, in trong Về một vùng văn học, sđd
[9] Tôn Phương Lan (2006), Tự điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam, tập 2, Nxb Giáo dục
[10] Nguyên Ngọc (1956), Tôi viết “Đất nước đứng lên”, tạp chí Văn nghệ quân đội, số 12, ngày 15.4.1956
[11] Dẫn theo Thanh Quế (2015), Bút ký và chân dung, Nxb Văn học, Hà Nội
[12] Trần Đăng Khoa (2000), Nhà văn Nguyên Ngọc – tác giả trong nhà trường, báo Giáo dục và thời đại, số 46,47
[15,16] Nguyên Ngọc (1980), Rẻo cao, Nxb Văn học, Hà Nội              
[21] Xin xem Phạm Phú Phong (2016) Lý luận phê bình văn học thời kỳ đổi mới, in trong Văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới (1986-2016)-sáng tạo và tiếp nhận (Kỷ yếu hội thảo quốc gia Thành tựu văn học Việt Nam ba mươi năm đổi mới 1986-2016), Nxb Văn học         
[22] Nhiều tác giả (1987), Nhà văn bàn về nghề văn, Nxb Tác phẩm mới  


CÂU CHUYỆN KHÁC:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều