Triết gia Trần Đức Thảo
Tôi nghe tiếng
nhà triết học Trần Đức Thảo từ hồi còn là sinh viên. Đây là người Việt Nam đầu tiên đỗ thạc sĩ triết học
ở Pháp và cũng là người được giới học thuật trên thế giới chú ý, vì đã
tranh luận công khai với Sartre về chủ nghĩa hiện sinh – Sartre là triết gia
Pháp, sáng lập ra chủ nghĩa này.
Trong kháng chiến, tôi được tin anh về nước cùng với mấy
người bạn khác, nhưng không có dịp gặp
anh. Tới khi thành lập trường đại học Tổng hợp Hà Nội, anh được cử về phụ trách
bộ môn Triết học của trường.
Anh đẫy người,
mặt trắng trẻo đầy đặn với cái trán rộng và đôi mắt tươi cười sau cặp kính cận.
Không thấy bao giờ anh thắt ca vát ngay cả trong những buổi lễ long trọng. Đôi
giầy giôn của anh khô da, bạc sắc vì thiếu kem – có lần tôi tò mò hỏi
anh, anh chỉ cười: “Ngay từ thời
sinh viên ở Pháp, không bao giờ moa đánh giầy, vì cớ gì mà đổi thói quen
đó?”. Tôi thầm nghĩ: “Đây quả là triết gia, vì anh không giống mọi người”.
Sau này tìm
hiểu thêm mới biết trước kia anh học
rất giỏi, nên có học bổng sang Pháp, và ở đấy anh vào Ecole Normale Supérieure,
một trường đại học nổi tiếng về trình độ thày giáo và sinh viên.
Anh Trần có cái nội tâm phong phú của nhà tư tưởng. Anh ít nói, nghĩ nhiều nên gần như không
để ý gì đến hoàn cảnh. Không có nhiều người thân cận với anh. Anh có vẻ như cây nấm cô đơn với kho suy nghĩ của mình.
Hồi ở trường,
anh hay truyện trò với tôi, vì cả hai quan tâm tới vấn đề tiến hóa, nhất
là tiến hóa của loài người – anh chú
ý tới vấn đề tiến hóa của tư duy. Nhiều lúc chúng tôi gặp nhau ở thư viện
khoa học kỹ thuật trung ương, cùng phát hiện những tài liệu tham khảo mới và
trao đổi với nhau ý kiến. Tôi thấy nhiều buổi trưa, vì ham đọc, anh ở lại thư
viện, ăn trưa qua loa rồi tiếp tục làm việc tới chiều.
Vào năm 1957, bỗng nghe tin anh liên can tới nhóm Nhân
văn giai phẩm – tức là nhóm văn nghệ sĩ chống đường lối chính sách của Đảng –
và chuẩn bị phải kiểm điểm ở trường, tôi rất ngạc nhiên và không tin. Trong
chuyện trò ngày thường, tôi thấy anh
là người học thuật đơn thuần, ít khi nói tới xã hội, càng không bao giờ
nói tới chính trị.
Tôi nhớ buổi sáng hôm đó, ở giảng đường lớn đại học, người
ta bố trí trên bục một bàn chủ tịch và một bàn thư kí. Chúng tôi, kể cả anh Trần, ngồi ở hàng ghế
dưới, cùng với anh Hà Huy Giáp, hồi đó là thứ trưởng bộ Giáo dục. Tôi không thấy
anh Trần đọc bản kiểm điểm gì, tôi không nhớ rõ – chỉ thấy lúc đó có một
học trò của anh Trần lên tố giác thầy vì chuyện lạm dụng sách của bộ môn, lấy
sách chung làm của riêng. Rồi một anh khác lên nói là thầy sử dụng lao động của
sinh viên để viết sách cho mình. Thật ra đây là phương pháp làm việc của một giáo sư đại học, phân
phát đề tài nghiên cứu cho sinh viên và tập hợp kết quả nghiên cứu của họ. Người
tố giác đó rõ ràng có dụng ý trình bày là thày đã bóc lột sức lao động của
trò.
Tôi liếc nhìn anh Trần ngồi cạnh, anh không có một phản ứng
gì, vẫn cặp mắt sáng nhìn vào khoảng xa. Lúc đó anh dường như đã tách khỏi cái
không khí ồn ào, xỉ vả anh của một số người có dụng ý.
Tôi nhớ cả một ông Vụ trưởng nào đó ở Bộ Giáo dục và một giáo viên ngôn ngữ học ngồi ghế chủ tịch
đoàn, thay phiên nhau phân tích về thiếu sót của anh Trần. Người thì nhấn
mạnh: “với khuyết điểm ấy, ông Trần không phải là nhà khoa học chân chính”, người thì khẳng định: “với tư cách ấy,
ông Trần không xứng đáng với danh hiệu triết gia…”. Tôi không nhớ hết những lời
moi móc, bêu diếu của vài kẻ bất ứng.Tuy nhiên phần lớn trong cử tọa buổi đó đã
giữ im lặng. Riêng anh Trần đã ngồi im lặng không một chút phản ứng.
Tôi thấy rõ ý đồ của cấp quản lý bầy ra chuyện kiểm điểm
này là để đánh đổ uy tín của anh Trần về học thuật – giống như phát động nông
dân đánh đổ uy thế của địa chủ, trong cải cách ruộng đất – nhưng không đạt yêu
cầu. Người dự im lặng tỏ vẻ không
tán thành cách đối xử như trên với một người trí thức, một giáo sư đại học. Sau
đó, dựa vào kết luận của buổi họp, người ta buộc anh Trần phải nghỉ việc.
Từ đấy, tôi ít
khi gặp anh Trần – trước kia anh thường tới phòng làm việc của tôi để
trò chuyện. Thỉnh thoảng có lúc gặp anh ở thư viện, anh không nói gì tới chuyện cũ mà vẫn say sưa bàn về vấn đề tiến hóa luận với những suy nghĩ
trong đầu anh. Tôi biết là từ khi rời trường, anh đã phải dịch tài liệu
cho Ủy ban khoa học xã hội để mưu sinh. Tuy nhiên anh đã không hề nói gì về
sinh hoạt túng thiếu của mình.
Có bữa anh gặp tôi, mặt mũi hớn hở: “Tạp chí La Pensée –
tạp chí duy lí hiện đại của Đảng cộng sản Pháp – vừa đăng một thông báo khoa học
của moa về cấu trúc của xương chậu vượn người – vẫn lại là vấn đề tiến hóa” –
Thông báo xong anh hơi buồn: “Giấy viết hết rồi, mình không biết mua ở đâu, cả
giấy pơ luya nữa, toa kiếm cho moa một ít”, tôi lắc đầu ái ngại: “Giấy moa cũng
lĩnh ở nhà trường, mỗi quý ba
tập, viết thường không đủ”. Đúng là
thời đó còn bao cấp nhiều mặt, nên còn thiếu thốn nhiều thứ thông dụng cần
cho cuộc sống, nhưng không ai tưởng
tượng nổi là các nhà khoa học đã rất thiếu giấy viết!
Một buổi chiều khác, tôi tới thăm anh ở bệnh viện, anh
phàn nàn với nụ cười trên môi: “Moa
vẫn bị cái viêm gan quái ác nó hành hạ, bệnh này tốn quá, phải có nhiều protit
thì mới khỏe, bao nhiêu tiền phải dồn cho protit cả…”. Tuy phàn nàn như vậy, cặp mắt anh vẫn lóng lánh cười vui
và hỏi ngay: “Độ này, toa có đọc được gì mới không?” Tôi hẹn gặp nhau ở
thư viện để trao đổi như cũ. Không
biết anh kiếm đâu được cái xe đạp mini Liên Xô, đạp tới thư viện, trông xa như con
gấu xiếc, ai cũng phải buồn cười.
Có một hôm,
anh nói với tôi rằng anh có người bạn thân, người Pháp, một giáo sư triết học,
sang thăm Việt Nam, tỏ ý muốn đi thăm anh ở khu tập thể Kim Liên. Cần
thêm là căn hộ quá đơn sơ của anh không có gì đáng giá. Cấp quản lí muốn cho
đem tới bộ ghế sa lông để anh dùng tiếp khách cho lịch sự. Anh hồn nhiên trả lời:
“Khỏi lo, hàng chục năm nay sống được như thế này rồi, việc gì phải thêm bàn ghế
cho rắc rối, vả lại ông bạn Pháp của tôi cũng không phải là người hình thức…”
Có lần anh hỏi tôi xem ai có Tư bản luận nguyên bản tiếng Đức không, anh sẽ mua
lại để dùng. Tôi hơi ngạc nhiên: “Thế ra toa vẫn nghiên cứu chủ nghĩa Mác?” anh
gật đầu: “Như một học thuyết khoa học” Tôi tiếp: “Mới đây hay đã từ
lâu?” – Từ hồi ở Pháp – anh trả lời – Chính moa phê phán chủ nghĩa hiện sinh
trên luận điểm chủ nghĩa Mác. Tôi hỏi thêm: “Bây giờ, toa nghiên cứu cụ thể vấn
đề gì của chủ nghĩa Mác?” Anh đáp: “chủ nghĩa Mác Châu Âu (Euro communisme) do
Đảng cộng sản Ý khởi xướng – Mình muốn viết một báo cáo ngắn về vấn đề này cho
một đồng chí lãnh đạo”. Hóa ra anh Trần lại là chuyên gia về chủ nghĩa Mác, ít
người biết, bên cạnh một số lĩnh vực
khác về triết học, ngôn ngữ, tư duy…
Quả ít người
có một tư duy đa dạng, một nội tâm phong phú như anh. Phải ở gần, cùng làm việc
với anh mới thấy được điều này. Chính cái nội tâm phong phú này, đã giúp
anh vượt qua cơn giông tố không đáng
có của cuộc đời, nơi anh là một ngôi sao cô đơn. Trong bầu trời, có nhiều sao lớn
sao nhỏ thi nhau nhiễu loạn ánh sáng, nhưng ngôi sao cô đơn của anh Trần vẫn giữ
nguyên vẹn ánh sáng thật chân chất của nó.
Triết gia như
anh Trần không chắc gì dễ kiếm trong giới trí thức hiện nay.
ĐÀO VĂN TIẾN
Nguồn: Tia Sáng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét