Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018

Tản mạn chuyện đạo văn trong khoa học

Hiện tượng đạo văn ngày càng được nhắc đến nhiều hơn trên báo chí, và nhận được sự quan tâm của xã hội. Trong bài này, chúng tôi muốn bàn tới khía cạnh học thuật của hiện tượng này.

Các hành động đạo văn thường được nhắc tới như sau:

Phát hiện: Trong bài báo của A và B có những đoạn giống hệt nhau. (Bằng chứng rõ ràng: bản sao của hai bài báo.) Vì bài của A viết trước của B, và xác suất hai người khác nhau viết một câu dài (hay một đoạn văn vài ba câu) giống hệt nhau là hầu như bằng không, chắc chắn B đã đạo văn của A.

Kết luận: Đạo văn là không thể chấp nhận được trong nghiên cứu khoa học. B cần phải được xử lý.

Hai bước này gần như rất logic và thống nhất với nhau. Nhưng thật ra giữa chúng có một bước ẩn. Đó là ta đã đồng nghĩa việc bài báo có những câu giống nhau với việc sao chép kết quả nghiên cứu. Việc không thể chấp nhận được trong khoa học là việc sao chép kết quả và phương pháp nghiên cứu mà không có trích dẫn.

Để có thể hiểu rõ mối liên quan giữa việc đạo văn một cách hình thức (hai bài báo có những đoạn giống hệt nhau) và sự kiện tác giả B sao chép kết quả và phương pháp nghiên cứu của A, có lẽ chúng ta cần đi sâu thêm một chút.

Trước khi nói về đạo văn, trước hết ta cần chỉ rõ: văn là gì? Trong khuôn khổ bài viết này, văn là một bài báo khoa học. (Chúng tôi xin nói thêm đạo văn trong khoa học và văn học có những chỗ khác nhau, nhưng ta sẽ không bàn ở đây.)

Một bài báo khoa học thường có cấu trúc như sau:

(1) Mở bài: Giới thiệu vấn đề, lịch sử của vấn đề, các kết quả đã có, các phương pháp đã được dùng vv.

(2) Thân bài: Giới thiệu kết quả mới, so sánh với các kết quả cũ.

(3) Thân bài: Thảo luận về phương pháp dẫn đến kết quả mới, độ tin cậy của phương pháp. Một số ngành, như toán, đòi hỏi chứng minh chặt chẽ.

(4) Cuối bài: Thảo luận các vấn đề liên quan, phương hướng nghiên cứu trong tương lai.

Trên thực tế, rất hay có trùng hợp ở phần mở bài (1). Chẳng hạn, trong một nghiên cứu về chuối, Tiến sĩ A viết:

…Trong bài báo”Một số nghiên cứu cơ bản về chuối”, tạp chí Chuối cả nải, số 21, năm 1978, các tác giả X,Y, Z, sử dụng phương pháp ngoại cảm và tích phân trong không gian đa chiều, đã chứng minh một cách tường minh rằng chuối khi chín vỏ sẽ màu vàng, tuy vậy trên một số quả chuối nhất định, vỏ có thể màu vàng chanh…

Vài năm sau, trong một nghiên cứu mới hơn về chuối, tiến sĩ B viết lại y hệt câu này.

Vậy đây có đích xác là một hành động không thể chấp nhận được?

Bài báo của XYZ là môt bài rất nổi tiếng trong chuối học, và kết quả của họ là kinh điển. Nếu cả ông A và B viết về kết quả kinh điển này giống nhau, không phải chuyện quá ngạc nhiên. Thật ra viết khác nhau mới là lạ.

Phần mở bài, nếu mục đích là liệt kê lịch sử của một vấn đề đã được nghiên cứu lâu, thì các tác giả viết trùng nhau nhiều là điều dễ hiểu. Nếu vấn đề của tác giả A nghiên cứu là hoàn toàn mới và thú vị, do chính ông ấy nghĩ ra, và một thời gian sau, ông B đặt lai vấn đề này với những từ ngữ y hệt như của ông A, và coi nó như mới, khi đó là lúc vấn đề trở nên nghiêm trọng. Và nó nghiêm trọng ngay cả khi ông B không dùng những câu y hệt như của A.

 (2) Nếu kết quả hai bài báo giống hệt nhau thì sao? Bạn sẽ bảo, ồ thế thì đạo đứt đuôi rồi còn gì.

Nếu kết quả của bài báo A là “chúng tôi thực hiện tiêm Vaxin 456F tại Nigeria, và trong số 124 hà mã được tiêm, 32 con có phản ứng rõ rệt, cụ thể là béo lên rất nhanh”, và ông B viết lại y hệt câu này như một kết quả của ông ấy, trong khi chưa bao giờ đặt chân đến châu Phi (và rất có thể cũng chưa bao giờ nhìn thấy hà mã) thì chính xác, hành động của ông không thể được chấp nhận.

Nhưng trường hợp sau thì sao?

Ông A: “Chúng tôi chứng minh giả thiết ‘rùa đi rất chậm’ của giáo sư C, đặt ra năm 1902, là hoàn toàn đúng, trên cả hai phương diện lý thuyết và thực nghiệm.”

Ông B: “Chúng tôi chứng minh giả thiết ‘rùa đi rất chậm’ của giáo sư C, đặt ra năm 1902, là hoàn toàn đúng, trên cả hai phương diện lý thuyết và thực nghiệm.”

Trong trường hợp này, kết quả chỉ là giả thiết là đúng hay sai thôi.

Nếu A và B cùng chứng minh môt giả thiết, thì kết quả của họ (nếu cùng đúng) giống nhau là điều tất nhiên. Nếu đây là môt giả thiết nổi tiếng, thì chắc chắn họ buộc phải trích dẫn kết quả của nhau, vì tất cả các nhà nghiên cứu trong ngành sẽ biết về các kết quả này. Nếu họ chưa làm, biên tập của tạp chí mà họ gửi bài chắc chắn sẽ nhắc nhở họ.

Nếu giả thiết không có gì thú vị, khả năng A và B chả biết gì về nghiên cứu của nhau là có, vì rất có thể cả hai cùng không tin là có người thứ hai trên đời quan tâm đến vấn đề này. Và gần như chắc chắn biên tập cũng không biết gì về vấn đề này hết để có thể nhắc nhở họ.

(3) Phương pháp và lý luận: Thật ra đây mới là phần đạo văn dễ xảy ra nhất. Và nó không xảy ra ở dạng mà ta nêu ra ở đầu bài, tức là ông nọ sao chép y bản chính toàn bộ lý luận của ông kia vào. Làm như vậy quả thật quá dốt, và tác giả xứng đáng được xử lý.

Cái nguy hiểm thật sự của đạo văn trong khoa học, thật ra là đạo ý tưởng.

Ý tưởng mới hay phương pháp mới chính là phần quan trọng và tinh tuý nhất trong nghiên cứu. Nhưng nó cũng là thứ khó đóng khung nhất.

Bởi ý tưởng có thể thể hiện qua rất nhiều cách, mà nhìn qua chúng có vẻ khác nhau. Một nhà nghiên cứu, cả đời may mắn có 2,3 ý tưởng hay phương pháp mới mà thôi. Trong âm nhạc, một nhạc sĩ cũng chỉ sáng tác theo 2,3 phong cách. Đôi khi cả đời chỉ một phong cách cũng có rất nhiều. Nicolas Cage là một diễn viên nổi tiếng, nhưng trong phần lớn các phim, anh chỉ thoại theo một kiểu.

Tác giả lấy ý tưởng người khác, xào nấu theo một cách khác, hoặc thay đổi một vài chi tiết, và lấy đó làm ý tưởng chủ đạo của mình, cái này mới thật sự là vấn đề lớn trong khoa học, gây ra vô số tranh cãi. Học trò thầy giáo nhiều khi không nhìn mặt nhau là thường. Trong khi đó, các bài báo của họ không có câu nào trùng nhau hết.

Cách tự vệ của nhiều nhà nghiên cứu là đặt cho ý tưởng (phương pháp) mới của họ môt cái tên dễ nhớ, như “chuối lượng tử” (tên khoa học đầy đủ: xác định độ dày của vỏ chuối bằng phương pháp lượng tử), gần như một dạng đăng ký bằng phát minh.

Cách này có thể thành công, nếu ý tưởng mới rất đặc biệt, hoặc nhà nghiên cứu nọ là một cây đa cây đề không ai dám trêu vào, hoặc nhiều năng lượng đi vòng quanh quả đất quảng bá cho công trình của mình. Nếu không, rất dễ ý tưởng đó sẽ được nhắc lại, dưới một dạng hơi khác, và với một cái tên khác.

Qua đây ta có thể thấy việc đạo văn trong khoa học phức tạp hơn lộ trình hai bước nêu ở đầu bài một chút, và trong rất nhiều truờng hợp, cần đến ý kiến của các chuyên gia. Nếu tuân thủ theo lộ trình 2 bước trên một cách cứng nhắc, thì có một ngày gần đây các chương trình máy tính sẽ trở thành các quan toà, và điều đó chưa chắc mang lại lợi ích cho khoa học.

(Các tên gọi và trích dẫn trong bài này hoàn toàn là tưởng tượng. Bất kỳ sự trùng hợp nào là ngẫu nhiên. Tác giả cũng xin thành thật xin lỗi hà mã vì đã gọi chúng là béo.)

VŨ HÀ VĂN

Đăng lại từ bài viết “Đạo văn” trên Hocthenao.vn
(Học Thế Nào là trang mạng do GS. Ngô Bảo Châu,
Nhà giáo Phạm Toàn, GS. Vũ Hà Văn đồng sáng lập)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều