Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

Nhà thơ Hoài Vũ: Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng

Thi sĩ Hoài Vũ tâm sự với chúng tôi: “Người ta nói tôi là người Long An cũng phải. Long An đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Ngoài Long An, tôi còn gắn bó với hai vùng đất khác là miền Đông Nam bộ và vành đai ven Sài Gòn, những nơi nuôi dưỡng tôi trưởng thành, cung cấp nguồn sáng tạo vô tận cho trang viết của tôi”!
Từ trái sang, các nhà thơ: Phan Hoàng, Văn Lê, Hoài Vũ, Đặng Huy Giang

Kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, thi sĩ Hoài Vũ cũng chuẩn bị sinh nhật thượng thọ 80 tuổi vào ngày 25-8. Trong niềm vui và hy vọng, ông cũng đau đáu những nỗi xót xa, khi nhìn lại đã có nhiều bạn văn cùng thế hệ một thời chung chiến hào giờ lần lần vắng bóng...

Ký ức oanh liệt và bi thương

Người gốc Quảng Ngãi ở miền Trung nhưng gần cả đời thi sĩ chiến sĩ Hoài Vũ - Nguyễn Đình Vọng gắn bó với Sài Gòn và Nam bộ. Những bài thơ thành công nhất của ông, được chắp cánh thêm bởi âm nhạc, cũng viết về vùng đất này như: Vàm Cỏ Đông, Đi trong hương tràm, Anh ở đầu sông em cuối sông, Hoàng hôn lặng lẽ (Chia tay hoàng hôn),… và nhiều truyện ngắn, bút ký khác.

Với tư cách công dân, ông cũng đã xả thân vì lý tưởng, hoà mình trong dòng thác cách mạng giải phóng dân tộc, tay bút tay súng ngược xuôi khắp miền Đông đất đỏ đến miền Tây sông nước. Nhiều đồng đội đồng nghiệp thân thiết của ông như Trần Hữu Trang, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Lê Vĩnh Hòa… đã hy sinh trong cuộc chiến tranh ác liệt. Những người may mắn sống sót trở về từ chiến khu, sau 40 năm hòa bình, bây giờ kẻ trước người sau cũng đã lần lượt ra đi như các bạn văn: Viễn Phương, Diệp Minh Tuyền, Mai Văn Tạo, Chim Trắng, Võ Trần Nhã, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức,… và cả Trần Bạch Đằng, vừa là đồng nghiệp vừa là lãnh đạo cấp trên trực tiếp của ông.

Vì vậy, đối với thi sĩ Hoài Vũ được sống thượng thọ đến tuổi 80, chứng kiến bao nhiêu đổi thay của đất nước, trong đó có sự phát triển không ngừng của đội ngũ sáng tạo văn học nghệ thuật, là điều ông hết sức vui mừng. Thi sĩ chân thành cho rằng, số mình may mắn, nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Có lúc đang đi thì ông bị bom B.52 hất lấp, may có bụi le ngã gần ông kịp níu lại ngoi lên chứ không thì đã mất mạng. Lần khác ông bơi qua sông Bé, nước chảy mạnh làm đứt dây mây, ông chới với trôi giữa dòng nước dữ lồng lộn, nhưng may tấp vào… một gốc cây to nên lại thoát khỏi tử thần!

Đâu chỉ bom đạn mà rõ ràng trên chiến trường còn bao mối đe dọa nguy hiểm khác luôn rình rập sinh mạng con người. Nỗi ám ảnh lớn nhất với Hoài Vũ là những khi đi chiến trường ba bốn tháng để bám đất bám dân, nhưng có những vùng bị địch hủy diệt thành “vùng trắng” chẳng còn mảy may sự sống. Lúc thủy triều lên nhìn những dòng kênh rất thơ mộng. Lúc nước rút xuống thì xương người phơi trắng xóa, có cả những mái tóc dài thiếu nữ quấn vào thân tram nhìn thật đớn đau. Nỗi ám ảnh ấy cũng đã đi vào thơ ông, như trong bài Vàm Cỏ Đông:

“Có thể nào quên những con người
Tóc còn xanh lắm, tuổi đôi mươi
Dám đổi thân mình lấy tàu giặc
Nụ cười khi chết hãy còn tươi”

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa đời người, nhưng ký ức oanh liệt và bi thương chiến trường thì không thể phai mờ trong lòng thi sĩ Hoài Vũ. Có những đêm ông thức trắng vì một kỷ niệm xốn xang nào đó. Ông kể: “Tôi nhớ anh Lý Văn Sâm, một nhà văn có tài, một chiến sĩ cộng sản vào tù ra khám, suốt đời bám trụ chiến đấu với tất cả tấm lòng. Tôi cũng quý anh Trang Thế Hy, một cây bút tâm huyết, đáng trân trọng. Anh Đoàn Giỏi, một tài năng văn chương đích thực. Anh Nguyễn Văn Bổng, một nhà văn gốc Quảng Nam nhưng chí cốt với Nam bộ, bất cứ nơi nào cần đến là anh có mặt. Và không thể quên anh Giang Nam, một con người chân chất, bình dị, sống có tình, gắn bó mật thiết với nhân dân. Giang Nam với tôi có đầy ắp kỷ niệm với nhau trên chiến trường Nam bộ. Còn nhiều và nhiều nhà văn đáng nói đến nữa, nhất là những người đã đem sinh mạng của mình đổi lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc”.

Khi thi sĩ Giang Nam sáng tác bài Quê hương cũng là lúc thi sĩ Hoài Vũ viết nên bài Vàm Cỏ Đông trong một đêm vượt sông ở Long An. Và cả hai bài thơ đều vượt thời gian, được người đọc các thế hệ mến mộ.

Tác phẩm kết tinh từ tấm lòng và vốn sống thực tế

Những khi trò chuyện với chúng tôi, thi sĩ Hoài Vũ ít nói về mình mà hay nhắc tới người khác, nhất là những đồng nghiệp thời văn nghệ giải phóng đã bám trụ xuyên suốt chiến trường, viết dưới mưa bom bão đạn, cống hiến nhiều tác phẩm có giá trị nhưng bây giờ ít được nói đến.

Từ kinh nghiệm bản thân ông cho thấy, khi nói tới Hoài Vũ nhiều người thường chỉ nhớ tới nhà thơ của những bài thơ tình nổi tiếng mà đầu tiên là Vàm Cỏ Đông vốn được nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ nhạc thời còn chiến tranh. Ít có bạn đọc, nhất là giới trẻ sau này biết Hoài Vũ còn là tác giả nhiều truyện ngắn và bút ký có giá trị nhân văn sâu sắc. Chẳng hạn, những truyện ngắn Người Sài Gòn, Gái thời chiến, Tiếng sáo trúc, Bông huệ trắng, Bông sứ trắng,... của Hoài Vũ một thời được nhiều người tìm đọc và chờ đợi nghe trên đài. Và hàng loạt bút ký của ông nóng bỏng hơi thở chiến trường viết về những tấm gương, đơn vị anh dũng trong chiến đấu: Đồng bằng đổ lửa, Cánh én trên Vườn Thơm, Vàm Cỏ Tây dậy sóng, Gái Lương Hoà, Nữ pháo binh thành phố, Làng hầm,...

Không cầu kỳ câu chữ, văn chương Hoài Vũ luôn mộc mạc, tự nhiên, trẻ trung, da diết và nhân hậu như chính con người của ông, dù đó là thơ tình hay truyện ngắn, ký sự viết giữa lửa đạn.Trải nghiệm thực tế đau thương và hào hùng của chiến trường đã giúp Hoài Vũ trưởng thành và viết nên những tác phẩm trung thực, sâu sắc. Ông thổ lộ: “Một điều tôi lấy làm tự hào là tất cả tác phẩm của mình đều được kết tinh từ tấm lòng và vốn sống thực tế chứ không phải bịa đặt. Đó là vốn sống của chính tôi, vốn sống của đồng đội và nhân dân ngay trên chiến trường khắc nghiệt nhưng cũng đầy tình yêu thương”.

Có điều thú vị, nếu không rõ tiểu sử Hoài Vũ thì nhiều người cứ ngỡ thi sĩ của Vàm Cỏ Đông là người Long An, vì hầu hết sáng tác của ông đều gắn với mảnh đất này. Không chỉ thời chiến mà cả thời bình Hoài Vũ vẫn gắn bó với Long An, như cái tình cháy bỏng thiết tha ông viết Đi trong hương tràm:

“Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hướng thay màu
Dù trái tim em không trao anh nữa
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau
Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu
Có nỗi thương đau có niềm hy vọng
Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng
Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?”

Thi sĩ Hoài Vũ tâm sự với chúng tôi: “Người ta nói tôi là người Long An cũng phải. Long An đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Ngoài Long An, tôi còn gắn bó với hai vùng đất khác là miền Đông Nam bộ và vành đai ven Sài Gòn, những nơi nuôi dưỡng tôi trưởng thành, cung cấp nguồn sáng tạo vô tận cho trang viết của tôi”!

Người xưa bảo: “Đất lành chim đậu”. Thành ngữ ấy rất đúng với đất Nam bộ đã cưu mang Hoài Vũ và nhiều thế hệ văn nghệ sĩ từ khắp nơi không ngừng về đây, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh cứu nước. Mang ơn sâu nặng đất lành này, ông chia sẻ: “Đất Nam bộ trù phú, phóng khoáng, bi tráng, dung chứa nhiều nhân tài. Văn học Nam bộ là sự hội tụ của những tấm lòng, tài năng cả nước. Nhà thơ Nguyễn Bính để lại dấu ấn Nam bộ rất sâu. Nhà văn Nguyễn Thi cả cuộc đời chiến đấu và hy sinh ở đất này. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh vào chiến trường Nam bộ trong chống Mỹ đã có nhiều đóng góp cho văn học kháng chiến…”!

Nếu không gắn bó bền lâu với Nam bộ thì khó có cái nhìn bao quát như thi sĩ Hoài Vũ, mảnh đất làm nên tên tuổi và sự nghiệp ông với những ký ức “Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng” không thể nào quên!

PHAN HOÀNG
Theo SGGP



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều