Thứ Tư, 13 tháng 6, 2018

Ngày thường với nhà văn Trang Thế Hy

Dễ có gần hai mươi năm, tôi nghĩ là vậy, ông giã từ Sài Gòn với một lời chia tay thật ấn tượng: “Tôi già rồi… giờ phải đi chỗ khác chơi”. - Đi chỗ khác chơi… Nhiều đồng nghiệp và tôi coi câu trả lời của ông như một dấu hỏi, mỗi người một góc săm soi, xem ông - một người đã “chơi” tới đỉnh vinh quang của nhân tình thế sự và văn nghiệp bây giờ còn tìm được chỗ nào hay hơn để chơi! Và sao ông có quá nhiều chỗ để mà chơi vậy?….
Nhà văn Trang Thế Hy

Đã nhiều lần, tôi vẫn thường xuôi theo những con suối nhỏ, dòng nước trong veo , chảy thành khe từ rừng sâu núi thẳm. Thú vị nhất là khi nhìn những dòng nước nhỏ mát lạnh, từ triền cao đổ xuống dội lên tấm lưng của tảng đá già tạo thành từng tiếng kêu… róc rách. Tiếng róc rách của suối hoà cùng một giọng xào xạc của gió đại ngàn, cộng với tiếng véo von của chim muông rừng rú… dễ làm cho ta ngất ngây, mê đắm. Những lúc như thế tôi thường hay nhớ đến một chữ Tình. Và rồi theo qui luật tự nhiên, dòng nước của con suối nhỏ lại đổ về một con sông lớn, con sông lớn ấy luôn tạo cho mình một phong cách rất riêng: lúc quanh co vật vã, lúc luyến lái đa tình nhưng cuối cùng vẫn phải về với biển.

Trước sân nhà tôi có một cây xoan. Vào mùa xuân, lá xoan xanh mởn, hoa trắng nở đầy… Sức sống của cây, vẻ đẹp của hoa và lá lồ lộ một sự sung mãn giống như con người ta bước vào tuổi trăng tròn mười tám. Vào hạ, lá và hoa đã hút no đầy linh khí của trời đất, tạo ra vô số những chùm quả nhỏ. Rồi đến mùa thu, cũng là lúc những quả trên cây chín mộng, còn đám lá xanh non giờ đã chuyển sang màu vàng rực rỡ. Nhưng chỉ một chút đông thôi, những chiếc lá vàng cuối cùng trên cây đã rơi về nguồn cội…

Tôi không có ý so sánh ông với một dòng sông… Lại càng không cố tình thần thánh hoá ông với một rừng thu vàng lá. Nhưng cái cách mà ông nói - phải đi chỗ khác chơi, cũng giống như dòng sông phải về biển cả… Như chiếc lá vàng về với cội rễ đất đai.

Ông nói “Gìa rồi…đi tìm chỗ khác chơi”. Nhưng nơi ông tìm không phải chỗ chơi, ông đang trở về nơi ông đã ra đi. Ở nơi đó có “Nắng đẹp miền quê ngoại”; có “Tiếng khóc và tiếng hát”… Ông còn làm chủ một xưởng dược "tinh thần": “Bào chế thuốc giảm đau" cho đời”…

Qua phà Rạch Miễu (bây giờ là cầu) về hướng xứ Dừa Bến Tre chừng mươi cây số, ở đó có một con đường nhỏ. Con đường ấy bây giờ vẫn chỉ là con đường đất trộn đá, vào mùa mưa nước đọng thành từng vũng, mùa nắng thì chỉ cần dập mạnh gót chân, bụi mù đã tung tẩy bay lên từng đám lớn. Trong con đường đó có căn nhà nhỏ của ông. Bạn bè cho biết, để có mấy công đất ruộng và căn nhà nhỏ ấy, ông đã phải làm việc miệt mài cả một đời văn. Từ ngày ông về, tức là ông đã tìm được “chỗ khác để chơi”, thì con đường đất hướng vào nhà ông trở nên nhộn nhịp bởi những bạn văn khắp nơi kéo tới. Người đã thành danh cũng nhiều, kẻ mới tập tạnh theo kiểu nhà văn tỉnh lẻ như tôi cũng lắm. Đặc biệt nhất là có nhiều người, cả đời chưa viết nổi một câu thơ… họ chỉ là bạn đọc, thương những nhân vật do ông sinh ra mà tìm đến tỏ bày cảm xúc. Đối với một nhà văn cả đời tận tuỵ với nghề, sống đẹp với đời thì đó là món quà trên cả tuyệt vời.

Tôi đã nhiều lần tới căn nhà nhỏ của ông. Căn nhà nhỏ nên những vật dụng trong nhà đều nhỏ, trước sân lại là một mảnh vườn nhỏ, ở đó ông trồng vài cây dấp cá, năm bảy bụi tía tô, một hai cây bưởi… Sau nhà là vườn dừa sum xuê quanh năm cho trái. Tôi đoán, ngoài lương hưu thì thu nhập lớn của một nhà văn nổi tiếng như ông là chính vườn dừa. Cũng lô gích thôi, ông viết đâu có nhiều, mỗi năm chỉ vài truyện ngắn… Từng ấy tác phẩm, nhà văn không thể sống bằng văn chương. Trước giờ đã có nhiều “cây cao bóng cả” trong làng văn và phê bình văn học đã viết về con người, sự nghiệp của ông. Người thì cho rằng ông là “Người hiền của văn học Nam bộ”; người nhận thấy “Ông là người hóm hỉnh và thâm thuý”… Có người lại tìm được ở ông “Một sự khó tính mến yêu”…

Tiếp xúc với ông nhiều, tôi còn thấy ông là một người rộng lượng, mến khách và rất hiểu tâm tính người khác. Nếu là người cùng nghề, ông thừa biết “nghề ngỗng” của người đó chẳng đi tới đâu, nhưng ông vẫn trải lòng với nghiệp văn chương. Còn người không cùng nghề, ông vẫn có nhiều câu chuyện thú vị về đời để hàn huyên cùng họ. Ông là người khó tính! Đúng thế, nhưng đúng hơn thì ông khó với bản thân và văn chương của mình. Ông là người yêu sự thanh tịnh, ghét thói bê tha, hời hợt. Trong các mối quan hệ, kể cả những việc nhỏ trong sinh hoạt thường ngày, ông luôn tôn trọng qui tắc ứng xử phải có văn hoá. 

Có lần ông nói: - Ở tuổi ông bây giờ đang là giai đoạn mục rữa,nhưng mục rữa cũng phải như thế nào để coi cho được… không lẽ một ông già tám mươi lại đi uống bia ôm… Cái đó thì không thể được rồi. Có nhiều tác phẩm, đáng ra bây giờ đã đến tay bạn đọc, nhưng chỉ vì còn vài chữ mà ông chưa vừa lòng và không chấp nhận công bố coi đó là một sự dở dang cần phải tiếp tục hoàn thiện. Ông khó tính với chính mình và văn mình là như vậy. Ông là người giàu “cá tính”. Điều đó thì đúng rồi. Quí ông ở chỗ, ông không có thói quen áp đặt cái tôi của mình lên người khác. Đối với những người mà ông mến yêu, ông thường nhắc tên với vài lời khen nhẹ nhàng. Còn với người không hợp tạng thì ông chỉ cười và lái câu chuyện sang một hướng khác… Có lẽ đối với ông ở thế gian này không có ai là tuyệt đối xấu, có chăng là họ chưa kịp sống tử tế mà thôi.

Mỗi lần đến thăm ông, ông thường hay mời uống rượn. Không nhiều đâu, chỉ một hai ly, có khi là rượu tây, có bữa là một cốc đế thơm ngon đúng điệu. Với ông, rượu chỉ là chất kích thích giúp cho câu chuyện bớt đi phần nhạt, còn uống tèm lem, say bí tỉ thì ông chẳng thích chút nào. Ngày xưa ông học trường Tây nên ông yêu thích văn học Pháp. Ông hay nói: - Các nhà văn Pháp họ viết nhiều hơn nói. Riêng đối với Hê-min-uê, ông coi là nhà văn bậc thầy. Ông thường mượn những câu chuyện của Hê-min-uê để gửi gắm thông điệp về chuyện nghề với những người trẻ. Ông kể, khi trả lời một nhà báo người Áo về những điều kiện cần có của một nhà văn, Hê-min-uê đã trả lời rằng: - Có năm điều kiện. Một là thái độ chính trị, thứ hai là đàn bà, thứ ba là chất kích thích, thứ tư là tham vọng và điều kiện thứ năm chính là thiếu bốn điều kiện trên.

Với tôi, ông là bậc cha, chú lại được ông coi như chỗ thâm tình, mỗi khi gặp mặt, ông vẫn thường hay lựa lời nhắc nhở. Ông nói: - Ở cái tuổi như tôi (thế hệ 6x) là cái tuổi đang phát hoả của một đời người. Vậy thì phải biết phát hoả như thế nào cho đúng điệu, đúng cách, phát hoả bằng năng lực và sự thành tâm của chính bản thân… Còn phát hoả theo kiểu hoả hoạn, xicanđan... thì oẹ lắm.

Bây giờ “ông già của tôi” đã qua tuổi tám mươi rồi. Nhưng ông vẫn giữ được sự tinh anh, thâm thuý, tuy rằng tiếng bước chân đi đã có phần nặng nhọc. Ông thường hay dùng cụm từ “mục rữa” để nói về quá trình lão hoá tự nhiên của một con người. Vẫn biết văn chương của ông không có tuổi. Nhìn dáng ông đi từng bước chậm, tôi lại nhớ đến tâm sự của người nghệ sĩ trong truyện ngắn “Tiếng khóc và tiếng hát”: - Nhắc nhở người cầm bút đừng bao giờ đánh mất điểm tựa đáng tin cậy của mình là nỗi đau lớn nhất của một số đông thầm lặng.

Thiên lương của người nghệ sĩ trong ông thật đẹp. Cái đẹp, cái thiện nó không chỉ phát tiết ra từ trang văn, nó còn hiện hữu ngay cả trong những ngày thường lặng lẽ.

PHAN TẤN HÀ
Theo vannghesongcuulong.org.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều