Hành xử tùy tiện
Cách đây chưa lâu, một clip ghi lại hành vi phản cảm của
một đôi bạn trẻ trong cụm rạp chiếu phim nổi tiếng ở Hà Nội đã làm dư luận rúng động vì sự táo tợn
trong cách bày tỏ tình cảm ở nơi
đông người. Câu chuyện nhạy cảm này chưa kịp lắng xuống thì ngay sau đó
cộng đồng có thêm một phen “dậy sóng” bởi những hình ảnh ghi lại hành động yêu
đương “quá trớn” của đôi trẻ khác tại một cửa hàng giải khát ở Thái Nguyên...
Trước đó, hàng
loạt tình huống tương tự: Cướp
hoa, dẫm nát cỏ ở phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm... cũng trở thành tâm điểm dư luận,
gây tranh luận về văn hóa ứng xử ở nơi công cộng của giới trẻ hiện nay. Bên cạnh
việc lên án hành động phát tán hình ảnh riêng tư, nhiều người cho rằng chính những người trong cuộc
phải có ý thức giữ gìn hình ảnh, uy tín cá nhân thông qua lối ứng xử văn
hóa, biết tôn trọng người xung quanh.
Những câu chuyện nói trên cho thấy văn hóa ứng xử ở nơi
công cộng chưa được một bộ phận giới trẻ quan tâm, dẫn đến những điều chướng
tai, nghịch mắt. Đến nơi trang nghiêm như đền, chùa, miếu, nhiều người vô tư “diễn” những bộ trang phục hở hang. Những
địa điểm vui chơi công cộng như công viên, sân vận động…, có không ít cảnh chen
lấn, xô đẩy. Sau những buổi tụ họp tham dự sự kiện là vỏ lon nước ngọt, túi đựng
đồ ăn vương vãi khắp nơi.
Trong rạp chiếu phim hay hàng quán vỉa hè, không thiếu hình ảnh người trẻ gác chân lên ghế, vẩy tàn thuốc tứ
tung, chửi thề, văng tục… bất chấp sự khó chịu của những người chứng kiến. Điều
đáng suy nghĩ là việc hồn nhiên phô diễn chuyện riêng tư giữa bàn dân thiên hạ ở
giới trẻ ngày càng xuất hiện nhiều hơn, và sự xuất hiện “phim nóng” trong rạp
chiếu phim thời gian gần đây chỉ là một ví dụ mang tính điển hình.
Tiến sĩ tâm lý Trịnh Trung Hòa, Trung tâm Tư vấn Linh Tâm nhận định: Việc thể hiện tình
cảm táo bạo ở nơi đông người đang có
xu hướng lan rộng trong giới trẻ. Nguyên nhân xuất phát từ nhận thức ở nhóm đối
tượng này có phần lệch chuẩn, thậm chí có thể coi là dị thường.
Còn
theo nhà nghiên cứu xã hội học Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư
luận xã hội (Viện Xã hội học), cung cách ứng xử của một bộ phận giới trẻ Việt
Nam có phần xuống cấp là minh chứng cho thấy công tác giáo dục đạo đức, những
bài học về lối sống, nếp sống chưa
được quan tâm đầy đủ trong nhà trường và gia đình. Sự lệch chuẩn trong
cách ứng xử của nhiều người trẻ là mối
lo lớn của xã hội, không thể nhìn nhận đơn giản là vấn đề mang tính cá
nhân.
Bắt đầu từ nền tảng
đạo đức gia đình
Thời hiện đại, sự phát triển nhanh chóng của khoa học và
công nghệ đã giúp cho giới trẻ có cơ
hội thể hiện tính năng động, nhạy bén trong tiếp thu cái mới. Tuy nhiên, việc
trau dồi, rèn luyện để hình thành nếp ứng xử văn hóa đang bị nhiều người
xem nhẹ. Cùng với đó, việc chưa được nắn chỉnh kịp thời đã tạo nên “lỗ hổng” lớn
trong văn hóa ứng xử của giới trẻ ở nơi công cộng; gia đình, nhà trường có một phần lỗi trong việc này.
Theo Phó Giám
đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng Nguyễn Trọng An, đối với
việc giáo dục nhân cách cho giới trẻ, điều quan trọng nhất bắt đầu từ nền tảng
đạo đức gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều phụ huynh quá mải mê kiếm
tiền, không chú ý đầy đủ đến việc giáo dục con trẻ.
Hơn nữa, nhiều người xem nhẹ ý nghĩa của việc nêu gương, khi ra đường cùng trẻ vẫn vô tư bất
tuân luật pháp. Ở trường học, đâu đâu cũng có khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học
văn” song thực tế, công tác dạy đạo đức vẫn chưa thực chất. Nhiều vụ học sinh ẩu
đả, làm nhục bạn học… xảy ra nhưng nhà trường không nắm được cho đến khi được
báo chí, dư luận phanh phui.
Một khi xác định
rõ nguyên nhân cơ bản thì
cần phải hướng giải pháp vào những vấn
đề cơ bản đó. Theo Tiến sĩ tâm lý Trịnh Trung Hòa, đã đến lúc gia đình,
nhà trường và xã hội cần dành
sự quan tâm đặc biệt đến việc điều chỉnh hành vi ứng xử của giới trẻ. Những bài
học về ứng xử cần được lồng ghép với nội dung giáo dục ý thức bảo vệ môi trường,
văn hóa trang phục, văn hóa giao thông... thông qua hoạt động mang tính giáo dục
nhân cách, định hướng hành động cho giới trẻ. Cộng đồng, cơ quan quản lý văn
hóa, giáo dục cần tham gia vào phần việc này, bằng cách phát động phong trào
thanh niên thi đua sống đẹp, sống có ích; nêu gương điển hình cùng trang lứa để tác động lên tình cảm, lòng tự trọng
cũng như đẩy mạnh tuyên truyền Quy tắc
ứng xử trong giới trẻ…
Quan trọng
hơn, mỗi người lớn phải thực sự là tấm gương trong việc ứng xử có văn hóa ở mọi
lúc, mọi nơi để giới trẻ noi theo. Cùng với đó, cần có những quy định chặt chẽ,
cụ thể hơn về những hành vi được và không được thực hiện ở nơi công cộng. Như vậy
thì giới trẻ mới có ý thức hơn
trong từng hành động, lời nói, góp phần xây dựng xã hội văn minh.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ
em tổ chức ngày 6-8, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc đã bày tỏ băn khoăn về thực trạng hiện nay, nhiều gia đình, “bữa
cơm mỗi người cầm một cái máy vào mạng
suốt, không ai nói một lời”. Đây thực sự là lời cảnh tỉnh đối với rất nhiều gia
đình trẻ trong việc dạy dỗ, giáo dục con cái.
NGUYỄN THANH
Báo Hà Nội Mới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét