Cách đây mấy tháng, trên các báo của Pháp đăng tin
Olivier Faure trở thành chủ tịch Đảng xã hội của Pháp, không ít bài đã có một
dòng nho nhỏ về việc mẹ của ông là người Việt nam.
Cũng cách đây không lâu, em Nguyễn Việt Trung, một tài
năng Piano trẻ người Việt sinh sống tại Ba lan đã chia sẻ với tôi rằng “dù em
có hai quốc tịch Ba lan và Việt nam nhưng khi đi thi giải quốc tế, bao giờ em
cũng yêu cầu xướng tên mình là thí sinh đến từ Việt nam, bởi dù thế nào em vẫn
là người châu Á”.
Cách đây hơn một năm, khi nhà khoa học Ngô Bảo Châu trở
thành viện sĩ Viện hàn lâm khoa học của Pháp, nghĩa là tên của anh sẽ được khắc
đời đời trong kỷ yếu cuả Viện, rất nhiều bạn bè người Pháp của tôi đã chúc mừng.
Cột cờ Lũng Cú
Đến những đô thị lớn trên thế giới, việc công dân bản địa
gọi nôm na những khu phố tập trung công dân đến từ các quốc gia khác bằng nguồn
gốc của họ như khu người Ấn, China town, khu Do thái, Khu Arap, khu người Việt
đã được coi là bình thường. Thậm chí ngay trên bản đồ chỉ dẫn của nhiều nước,
cũng có dòng chữ xướng danh nguồn gốc này.
Tại một trường trung học quốc tế ở Pháp, các em học sinh
đều sinh ra và lớn lên ở Paris nhưng cha mẹ có nguồn gốc khác nhau, khi giới
thiệu về mình một cách thân thiện, các em đều vui vẻ kể: “Bố tôi là người Đức”,
“Mẹ tôi là người Ý”, “Ông tôi là người Island, nhưng cha mẹ tôi sinh ra ở
Pháp”…Vậy đấy, trong bối cảnh toàn cầu hoá, trong sự thay đổi về cấu trúc xã hội
“Cosmopolitan“ đang diễn ra, trong khát vọng bơi ra biển lớn hoà nhập vào dòng
chảy công dân toàn cầu ngày hôm nay thì nguồn gốc của mỗi cá nhân là vĩnh viễn
gắn liền với bản thể cho dù việc chấp nhận sự khác biệt về văn hoá và bản sắc để
cùng chung sống là một trong những yếu tố của khái niệm toàn cầu.
Liệu đó có phải là biểu hiện của sự kỳ thị hay phân biệt
chủng tộc? Có một điều mà cho đến lúc này không còn là sự tranh cãi trên thế giới
nữa đấy là việc phân biệt chủng tộc chỉ được ghi nhận khi nó được hành chính
hoá hay vi phạm luật về quyền con người.
Vậy ở đây, bản sắc văn hoá, đặc tính dân tộc có được coi
là điều quan trọng để xác lập sự khác biệt tích cực trong một nền tảng chung của
văn minh nhân loại? Chắc chắn là có.
Không phải vô cớ mà khi nói về người Nhật, người ta nhắc
đến sự khiêm tốn nhưng ẩn sau nó là lòng tự tôn mạnh mẽ. Khi nói đến người Đức
là nói đến tính kỷ luật, khi nói đến người Pháp là sự lãng mạn và bác ái...
Mỗi dân tộc đều gắn liền với hình ảnh được thể hiện rõ nhất
về bản sắc và tính cách của dân tộc. Phần bản sắc này không phải ở đất nước nào
cũng được khẩu hiệu hoá, nhắc đến thường xuyên trên mặt báo nhưng quan sát kỹ sẽ
thấy nó được thể hiện và chi phối khá nhiều trong đời sống hàng ngày và trong
các chính sách của quốc gia.
Tôi có hỏi nhiều bạn bè nước ngoài của mình rằng hình ảnh
của Tôi – của Việt Nam trong mắt các bạn là gì? Câu trả lời thường thì vẫn là
những đặc tính đã được xác định do các biến cố lịch sử cũ: Lòng dũng cảm, sự
nhanh trí. Hỏi thêm về văn hoá Việt, đa số không xác định được.
Điều đó có bất bình thường không? Tôi nghĩ hiện tại thì
không nhưng với tương lai là có.
Chúng ta chưa có những thành tựu văn hoá lớn lao, bản sắc
dân tộc của chúng ta tuy được nhắc đến nhiều nhưng xác định cụ thể nó là gì? Nó
chi phối đời sống chúng ta hàng ngày ra sao, trở thành một tính cách dân tộc được
định vị với thế giới thế nào thì tất cả đều còn chưa sắc nét.
Đã từ lâu chúng ta hay nói một câu khá dễ dãi và thông dụng
“Tự hào là người Việt nam“. Là người Việt nam thì sao? Chúng ta tự hào về điều
gì khi nói câu ấy? Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, người Việt nam không thể cứ
nói tự hào mãi về lòng dũng cảm trong cuộc chiến đã lùi vào quá khứ.
Vậy thì ngay cả “Lòng tự hào“ cũng cần được định vị lại một
cách mạch lạc trong tư duy cuả dân tộc. Chúng ta tự hào vì điều gì? Nó được
minh chứng trong lịch sử và hiện tại ra sao? Nó sẽ góp phần để người Việt có
tên trên bản đồ thế giới theo cách nào để Việt nam có thể là một nước nhỏ nhưng
không phải một dân tộc yếu kém, để những ngày văn hoá Việt nam ở nước ngoài
không đem mãi những sản phẩm trí tuệ của người xưa là áo dài, rối nước, nhạc
dân tộc đi khoe khắp bốn bể.
Một câu hỏi đặt ra nữa là có cần định vị một bản sắc của
dân tộc không? tôi nghĩ là có. Chắc chắn phải có. Càng bơi ra biển lớn càng cần
có những phẩm chất cốt lõi riêng, những sức mạnh nội tại để tạọ nên giá trị từ
chính sự khác biệt. Những giá trị này không chỉ là thái độ sống mà còn định vị
thương hiệu của một quốc gia trong xu hướng hội nhập toàn cầu.
Một đất nước bé nhỏ nhưng tự trọng không chịu làm nô lệ.
Một dân tộc mà người dân tần tảo, tự xoay xoả để cứu chính mình trong mọi hoàn
cảnh. Một xứ sở mà gia đình luôn là bến đậu cuối, đùm bọc nhau để sống.
Lòng tự trọng, khả năng thích ứng với hoàn cảnh, giá trị
gia đình phải chăng chính là phẩm chất cốt lõi để tạo ra những giá trị mới, để
khi nói về “Lòng tự hào Việt nam“ không chỉ là những từ ngữ mông lung, không biện
giải.
Biển lớn mênh mông, mỗi con thuyền dù có cùng chỉ số kỹ
thuật chung, vẫn mang trên mình màu cờ khác.
NGUYỄN MỸ LINH
Tuần Việt Nam/VNN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét