Nhà thơ Phan Hoàng trò chuyện tại buổi tọa đàm - Ảnh:
T.HÀ
Nhà thơ Phan Hoàng nói rằng, anh xúc động trước
tình cảm của giới văn nghệ sĩ Phú Yên. Cũng bởi cánh văn nghệ sĩ
Phú Yên trân trọng tấm chân tình của nhà thơ khi chọn buổi ra mắt
sách mới đầu tiên trên chính quê hương mình, tạo cơ hội để văn nghệ
sĩ khắp nơi có cơ hội trau dồi thi ca trên vùng đất Phú.
NHÀ THƠ CỦA TRI THỨC VÀ TÂM THỨC
Tại buổi gặp mặt và tọa đàm với nhà thơ Phan
Hoàng vừa qua, nhà thơ gạo cội Triệu Từ Truyền đã bày tỏ niềm yêu
thích thơ của Phan Hoàng bằng cách chọn đọc một bài thơ của anh là
“Một người đàn bà đích thực”: …Tất cả nguồn năng lượng mặt trời dường như thu
hết vào lồng ngực nàng/ tất cả mọi dòng sông dường như trôi hết vào cơ thể
nàng/ tất cả mọi bông hoa dường như khép mình bên từng đường cong giới tính của
nàng/ tất cả vui buồn cuộc đời dường như gom hết vào ánh mắt nàng/ Đừng hỏi
nàng là ai và từ đâu đến/ nàng chưa bao giờ bước vào giấc mơ của tôi và bạn/
nhưng nàng có thể là người đang ở cạnh bạn và tôi/ nàng không hiện hữu trên thế
giới này/ nhưng nàng có thể ẩn hiện trong trái tim mỗi con người…
Người đàn bà đích thực của Phan Hoàng vừa gần
gũi như đang hiện hữu vừa xa xôi không thể chạm đến. Cách miêu tả
hình tượng nhân vật vừa thực vừa hư trong thơ của Phan Hoàng hàm chứa
chiều sâu của tri thức và tâm thức theo cách nói của Triệu Từ
Truyền.
Nhà thơ Triệu Từ Truyền cho rằng, thơ Phan Hoàng
được viết theo bút pháp hiện thực rõ ràng, dễ cảm. Về tri thức,
Phan Hoàng “lặn sâu” vào tri thức xã hội tìm ra viên ngọc thẩm mỹ để
rồi tạo ra viên ngọc thơ. Bất cứ bài thơ nào cũng mang dấu ấn tri
thức xã hội: lịch sử, địa lý, khoa học phản ánh qua các hình tượng
thẩm mỹ trong thơ. Hình tượng “Bước gió” trong tác phẩm mới nhất
trường ca “Bước gió truyền kỳ” của Phan Hoàng khiến người đọc liên
tưởng tới sựdi chuyển, mở mang. Bút pháp hiện thực kết hợp cảm xúc
chân thật tạo ra những vầng thơ vừa lý trí vừa hồn nhiên. Bên cạnh
đó, Phan Hoàng còn sáng tạo bằng tâm thức như vị thiền sư cảm nhận
tâm linh.
Nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết: “Tôi đọc đi đọc
lại trường ca “Bước gió truyền kỳ”. Bước gió đã mang tôi theo bước
chân những người mở cõi phương Nam. Trong những bước chân mở cõi ấy
có bước chân của người vô danh. Hình tượng người vô danh được miêu tả trong
tập trường ca đã đạt đến trạng thái trực giác tâm linh”.
Trường ca Bước gió truyền kỳ
“CHÀNG THƠ” CỦA LÒNG NGƯỜI
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Ngọc Quang chia sẻ: “Mùng 4
tết, nhà thơ Phan Hoàng lặn lội trở về quê hương tổ chức Đêm thơ xã
Hòa Đồng, vận động bạn thơ địa phương trổ tài thi phú. Phan Hoàng
cũng đã nhiều lần phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức
nhiều hội trại văn học nghệ thuật tại Phú Yên. Đọc thơ Phan Hoàng,
tôi cảm nhận tình yêu sâu đậm anh dành cho quê hương xứ sở. Phan Hoàng
mong mỏi được kết nối văn học Phú Yên với văn chương cả nước”.
Nhà thơ Nguyễn Tường Văn (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật
Phú Yên) nói: “Tôi yêu thơ Phan Hoàng và theo dõi bước đường sáng tác
của anh đã lâu. Càng yêu thơ anh tôi càng quý trọng nhân cách của anh.
Tôi được biết, Phan Hoàng hầu như không bỏ lỡ những chuyến đi làm từ
thiện. Trong đời sống, Phan Hoàng đem tấm lòng của mình đối đãi với
người. Anh là nhà thơ rất có trách nhiệm công dân”.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Hiệu trưởng
Trường đại học Phú Yên, thơ Phan Hoàng dấn thân, thơ mộng và độc đáo,
đặc biệt thể hiện ở 2 tác phẩm là tập thơ “Chất vấn thói quen” và
trường ca “Bước gió truyền kỳ”. Thơ Phan Hoàng mở ra một bầu trời thi
ca rộng lớn chứ không phải là một cuộc dạo chơi trên con đường quê.
Phan Hoàng là nhà thơ, nhà báo thành công. Phan Hoàng là tấm gương
khích lệ sinh viên, giới trẻ nỗ lực theo đuổi đam mê sáng tác thi ca.
***
Nhà thơ Phan Hoàng (SN 1967) là một người con của xã Hòa Đồng (huyện Tây Hòa). Hiện nay, Phan Hoàng cống hiến cho nền văn chương Việt Nam với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP
Hồ Chí Minh, phóng viên Báo Văn Nghệ và giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân
văn TP Hồ Chí Minh. Nhà thơ Phan Hoàng đã xuất bản các tập thơ:
“Tượng tình”, “Hộp đen báo bão”, “Chất vấn thói quen”, “Bước gió
truyền kỳ” cùng nhiều tác phẩm văn chương và báo chí khác.
Nhà thơ Phan
Hoàng chia sẻ: “Tình cảm yêu quý của văn nghệ sĩ là nguồn động viên,
cổ vũ tôi trên bước đường sáng tác. Điều quan trọng trước nhất với
tôi là tình nghĩa. Tôi trân trọng tình cảm với những người bạn đã
đồng hành cùng tôi trong nghiệp văn chương và cuộc sống. Tôi tin rằng
con người sống chân thành với nhau và hết mình với niềm đam mê thì
may ra mới đóng góp điều gì đó ý nghĩa cho cuộc sống”.
DIỆU ANH
Báo Phú Yên
22.3.2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét