Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

VỀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC HÔM NAY

Một số người viết đang nhân danh cơ chế dân chủ, đang thừa cơ lí thuyết trò chơi để “giải thiêng” lịch sử, hạ bệ thần tượng, đạp đổ, đánh tráo giá trị. Nhiều nhà phê bình cấp tiến tự phong lại “mượn gió bẻ măng”, hoặc là “khen nghi ngút” sáng tác dạng này, hoặc là mượn tác phẩm làm cái cớ, phớt lờ tính biện chứng khách quan của tác phẩm để triển khai “luận đề chính trị” của mình.

1. Những năm gần đây, đời sống văn học Việt Nam chứng kiến sự trỗi dậy của ý thức phê bình, khi những cuốn sách từ nghiên cứu, giới thiệu lí thuyết đến phê bình thực hành ứng dụng liên tục được công bố, từ của người già đến của người trẻ, từ của những tên tuổi quen thuộc đến của những tên tuổi mới mẻ, từ của tác giả trong nước đến của tác giả hải ngoại, từ của nhà phê bình đến của nhà sáng tác, từ của một tác giả đến của nhiều tác giả… Chỉ tính riêng hai năm 2017 - 2018, đã có hàng chục đầu sách nghiên cứu phê bình văn học được trình xuất, như: Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây (2017, Phùng Văn Tửu), Phê bình văn học thế kỉ XX (2017, Thuỵ Khuê), Kí hiệu học văn học (2017, Lê Huy Bắc), Văn học - người đọc - định chế (2017, Hoàng Phong Tuấn), Đến với thơ đương đại (2017, Hà Quảng), Luận chiến văn chương (quyển bốn, 2017, Chu Giang), Lí luận - phê bình văn học: một góc nhìn mới (2017, Cao Thị Hồng), Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương (2017, Nguyễn Thị Tịnh Thy), Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI - lạ hoá một cuộc chơi (2017, Thái Phan Vàng Anh), Giới hạn của những huyền thoại (2017, Nguyễn Thanh Tâm), Phiêu lưu chữ (2017, Hoàng Đăng Khoa), Bóng người trong bóng núi (2017, Lê Thành Nghị), Cuộc phiêu lưu của chữ (2017, Huỳnh Thị Thu Hậu), Những ô cửa nhìn ra vườn văn (2017, Chế Diễm Trâm), Đi tìm những giấc mơ (2017, Trần Hoàng Thiên Kim), Những thế giới song song (2017, Phùng Ngọc Kiên), Di sản văn học lãng mạn - những cách đọc khác (2017, nhiều tác giả, Hoàng Tố Mai chủ biên), Ngày sống đời thơ (2017, Lê Minh Quốc), Hoa rơi hữu ý (2017, Lê Thiếu Nhơn), Phê bình sinh thái là gì? (2017, nhiều tác giả, Hoàng Tố Mai chủ biên), Franz Kafka - người tẩy não nhân loại (2018, Lê Huy Bắc), Phê bình kí hiệu học - đọc văn như là hành trình tái thiết ngôn ngữ (2018, Lã Nguyên), Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam Bộ (2018, nhiều tác giả, Bùi Thanh Truyền chủ biên), Bí mật tuổi trăng non (2018, Thanh Tâm Nguyễn), Song hành & đối thoại (2018, Hoàng Đăng Khoa), Như cánh chim trong mắt của chân trời (2018, Văn Thành Lê), Tiểu sử học - những nguyên tắc thực hành (2018, Phạm Văn Quang), Văn xuôi hiện đại - khảo cứu và suy ngẫm (2018, Lê Tú Anh), An trú miền đọc (2018, Mai Thị Liên Giang)...

Phải liệt kê tương đối đầy đủ như vậy để thấy rằng, nghiên cứu phê bình ở ta hiện nay không hề “mỏng”, “vắng bóng”… Đó là chưa kể hàng loạt đề tài khoa học về văn chương các cấp được nghiệm thu, hàng loạt luận văn, luận án văn học được thẩm định hàng năm, nhiều kỉ yếu hội nghị, hội thảo, toạ đàm về văn chương được công bố, hàng loạt bài nghiên cứu phê bình văn học liên tục được cập nhật, đăng tải trên các báo, tạp chí từ Trung ương đến địa phương…

Chưa bao giờ như bây giờ, mỗi nhà sáng tác cũng có thể đồng thời là một nhà phê bình, qua cách họ viết về chân dung bạn văn, viết về sách mới của đồng nghiệp, nói về tác phẩm của mình, bàn về vấn đề thời sự của văn học… Chưa bao giờ như bây giờ, mỗi người đọc, ở một mức độ nào đó, cũng là một nhà phê bình, qua cách họ viết status hay comment trên facebook, về một vấn đề, hiện tượng văn học. Một số người nổi tiếng ở các lĩnh vực khác, tưởng như “ngoại đạo” với văn chương, nhưng thảng hoặc mang đến những bất ngờ thú vị khi cất tiếng về văn chương, như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, hoạ sĩ Lê Thiết Cương…, và đặc biệt là đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Có nghĩa là đã qua rồi thời mà ý thức, trình độ lí luận phê bình ở ta “mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm”, người sáng tác thì viết bản năng ăn may, còn người đọc thì đọc chủ quan cảm tính. Có nghĩa là, ở cộng đồng văn chương hôm nay, không chỉ người làm nghiên cứu phê bình văn học mà cả người sáng tác lẫn người đọc văn chương đều tự trang bị cho mình một phông lí luận phê bình nhất định.        

Chưa bao giờ các lí thuyết văn chương hiện đại trên thế giới được cập nhật, giới thiệu khá đầy đủ, có hệ thống ở Việt Nam như bây giờ, từ thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, lí thuyết tiếp nhận đến lí thuyết trò chơi, lí thuyết hậu hiện đại, lí thuyết diễn ngôn, lí thuyết sinh thái, lí thuyết liên văn bản, lí thuyết hậu thực dân, lí thuyết nữ quyền… Chưa bao giờ các hội nghị, hội thảo, toạ đàm về văn học nói chung do các viện nghiên cứu, các trường đại học trên cả nước tổ chức, hay về lí luận phê bình văn học nói riêng do Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức… lại diễn ra quy mô, thường xuyên như bây giờ. Công tác xét đầu tư, hỗ trợ, xét giải thưởng, tặng thưởng tác phẩm lí luận phê bình văn học xuất sắc của Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương hay của Hội Nhà văn Việt Nam được diễn ra hàng năm. Chưa bao giờ các trại viết dành riêng cho các tác giả nghiên cứu phê bình văn học lại được một số cơ quan như Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội… ưu tiên tổ chức như mấy năm trở lại đây.

Một bằng chứng cho thấy rõ nghiên cứu phê bình văn học ở ta hôm nay không “yếu”, đang khẳng định sự hiện diện của mình trong đời sống văn học, đó là năm 2017, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam “mất mùa” cả thơ lẫn văn xuôi, trong khi có đến hai tác phẩm lí luận phê bình được vinh danh: Bóng người trong bóng núi của Lê Thành Nghị và Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây của Phùng Văn Tửu; cũng vậy, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội để trống tác phẩm ở hạng mục thơ, trong khi hạng mục lí luận phê bình có tên Phạm Khải với tác phẩm Trang sách mạch đời; rồi nữa, Giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ trao giải thưởng chính thức cho công trình lí luận phê bình Văn chương phương Nam - một vài bổ khuyết của Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thuý.

2. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc như vừa điểm thì tình hình nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, mà những bất cập này vừa là nguyên nhân, vừa là hệ quả của nhau. Thứ nhất, đa phần sách nghiên cứu phê bình được công bố thời gian gần đây hơi kinh viện, hàn lâm, “cao siêu”, chỉ hướng đến người đọc “tinh hoa”, khó mà “đi vào” được người đọc phổ thông. Đang có xu hướng là các tác giả nghiên cứu phê bình khi ra sách thì “nói không” với thứ sách bị gọi là phê bình “hàng xén”, họ muốn trình làng những chuyên luận tập trung đi sâu vào một lĩnh vực chuyên môn hẹp, điều này vô hình trung chỉ có lợi cho thiểu số người quan tâm đến mảng chuyên môn đó, không có lợi cho đa số bạn đọc. Bên cạnh đó là nhiều cuốn sách được xuất bản một cách dễ dãi, tập hợp những bài viết vụn vặt tản mạn, nghèo hàm lượng chuyên môn học thuật. Thứ hai, nghiên cứu phê bình văn học hôm nay thiếu những người thực sự là “thư kí trung thành” của hiện thực văn chương, những người sống cùng, đi cùng với đời sống văn chương hiện thời. Nhiều công trình đi vào nghiên cứu, giới thiệu lí thuyết, hoặc khảo cứu những hiện tượng văn học quá khứ, ít công trình đi sâu giải phẫu những hiện tượng, thực thể văn chương tươi mới, sinh động đang diễn ra. Do vậy, vai trò định hướng, đồng hành, đối thoại, khai phóng, dự báo… của nghiên cứu phê bình chưa thật sự được phát huy. Khoảng cách giữa nghiên cứu phê bình với sáng tác và tiếp nhận chưa được rút ngắn, nếu không muốn nói là đang có chiều hướng nới giãn. Nghiên cứu phê bình hoặc chui vào tháp ngà hàn lâm kinh viện, hoặc cao đàm khoát luận, đao to búa lớn, nhưng khi đời sống văn học cần các nhà nghiên cứu phê bình lên tiếng thì họ lại bặt tiếng. Chẳng hạn, gần đây, trong khi dư luận nóng lên với cuốn tiểu thuyết Mối chúa của Đãng Khấu (Tạ Duy Anh), hay với truyện ngắn lịch sử Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga, chỉ thấy các “thánh phán”, “thánh chửi”, “thánh biết tuốt” lên facebook tung tác, “chém gió”, ít thấy tiếng nói “chính thức” có trọng lượng, có sức thuyết phục cao của các nhà nghiên cứu phê bình. Thứ ba, nghiên cứu phê bình hôm nay chưa thật sự theo kịp sáng tác. Sáng tác đang vào thời của “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, bề bộn, hỗn độn. Đường biên của văn chương nói chung, của các thể loại văn chương nói riêng đang không ngừng trương nở. Bản chất, đặc trưng đã được mặc định của văn chương đang bị lung lay, phân rã, bị “giải cấu trúc”, “giải trung tâm”. Nghiên cứu phê bình chưa bao quát được sự chuyển dịch, biến đổi sâu sắc và toàn diện này của sáng tác, chưa có khả năng “lập biên bản” đời sống văn chương, “gọi đúng tên sự thể” những hiện tượng văn chương như cách nói của Inrasara. Mặt khác, hiện nay, diễn ngôn chính trị đang được tích lồng sâu đậm vào diễn ngôn văn chương. Một số người viết đang nhân danh cơ chế dân chủ, đang thừa cơ lí thuyết trò chơi để “giải thiêng” lịch sử, hạ bệ thần tượng, đạp đổ, đánh tráo giá trị. Nhiều nhà phê bình cấp tiến tự phong lại “mượn gió bẻ măng”, hoặc là “khen nghi ngút” sáng tác dạng này, hoặc là mượn tác phẩm làm cái cớ, phớt lờ tính biện chứng khách quan của tác phẩm để triển khai “luận đề chính trị” của mình.

3. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam hiện nay, thiết nghĩ cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, các cơ quan chức năng quan tâm chú trọng hơn đến công tác giáo dục, đào tạo nghiên cứu phê bình văn học, từ cho học sinh phổ thông đến cho các sinh viên văn khoa, các học viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành văn học. Đây là đội ngũ “nguồn”, “tiềm năng” rất đông đảo, nếu được đào tạo bài bản, nghiêm túc, chất lượng, được “khai thác”, “kích hoạt” đúng cách thì trong số họ sẽ trình xuất nhiều nhà nghiên cứu phê bình sáng giá. Thứ hai, các tổ chức có thẩm quyền tập hợp đội ngũ, có động thái “tiếp lửa” phù hợp để người làm phê bình và người có khả năng làm phê bình bung trổ hơn, dấn thân hơn, đi được dài đường hơn. Thứ ba, ứng xử đúng mực hơn với các lí thuyết phê bình văn học; một mặt đa dạng hoá lí thuyết, cởi mở hơn với các lí thuyết, mặt khác phản biện lí thuyết, tỉnh táo gạn đục khơi trong lí thuyết. Thứ tư, các chương trình tập huấn, hội nghị, hội thảo, toạ đàm về văn học nói chung, về lí luận phê bình văn học nói riêng hướng đến tinh gọn, trọng tâm, có chiều sâu hơn, thiết thực hơn. Thứ năm, các diễn đàn nghiên cứu phê bình, “đất” cho nghiên cứu phê bình trên các báo, tạp chí in được nới rộng hơn, chế độ nhuận bút cho các sách, bài viết nghiên cứu phê bình được cải thiện hơn. Thứ sáu, đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên mảng nghiên cứu phê bình ở các nhà xuất bản, các toà soạn báo, tạp chí nâng tầm hơn, phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm của mình hơn. Thứ bảy, mỗi người làm nghiên cứu phê bình, không ai và không gì có thể thay thế được, phải tự mình làm đầy kiến văn, phông văn hoá, triết mĩ, trau dồi năng lực chuyên môn, lương tâm nghề nghiệp, nâng mình lên cho tương thích với nhu cầu, đòi hỏi của thời đại.
       
HOÀNG PHƯỚC LỘC
Nguồn: VNQĐ

Câu chuyện văn hoá khác:




HỒI KÍ CỦA VĂN NGHỆ SĨ: NHỮNG SỰ THẬT SAU ÁNH HÀO QUANG

Nghệ thuật là món ăn tinh thần không thể thiếu trong xã hội từ xưa đến nay và luôn gắn bó chặt chẽ với diễn trình phát triển của một đất nước. Đời sống vật chất càng nâng cao thì đời sống tinh thần càng được quan tâm, chú ý. Nhưng không phải ai cũng hiểu được những nỗ lực và mất mát mà người nghệ sĩ phải đánh đổi để đạt được thành tựu trong bất kì lĩnh vực nghệ thuật nào đó (hội họa, văn học, âm nhạc hay sân khấu, điện ảnh...).
Nguyễn Hiến Lê là nhà văn có những trang hồi kí đáng để bạn đọc suy ngẫm

Sau năm 1975, nhu cầu giãi bày, hồi cố, tri âm với công chúng của những người làm nghệ thuật đã trở thành nhu cầu chính đáng, bức thiết và ngày càng có điều kiện lan tỏa rộng rãi trong xã hội hiện đại với sự hỗ trợ của cơ chế in ấn thông thoáng và sự lăng xê tích cực của báo chí truyền thông. Đáp ứng nhu cầu “nói thẳng, nói thật” của thời kì Đổi mới, hồi kí của nghệ sĩ sau năm 1975 đã xóa bỏ hình tượng nghệ sĩ đẹp đẽ, đơn sắc trong lòng bạn đọc để tái hiện những con người bình thường nhưng muôn màu muôn vẻ trong phồn tạp đời sống, giúp chúng ta nhìn rõ hơn những chân dung nghệ sĩ sau ánh hào quang lấp lánh của thành công và ngưỡng vọng.

Hồi kí văn học nở rộ chưa từng có với những gương mặt nổi bật như Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Đặng Anh Đào, Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Phùng Quán, Bùi Ngọc Tấn, Huy Cận... Qua những trang hồi kí, chúng ta biết nhiều nhà văn đến với nghề viết bằng sự chuẩn bị và nghiên cứu công phu từ lúc trẻ như Đặng Thai Mai, Vũ Ngọc Phan, Ma Văn Kháng, Tô Hoài… nhưng cũng có người như Phùng Quán bị đưa đẩy vào nghề bởi sự tình cờ của số phận. Trong một lần đi bộ về đơn vị, anh lính trẻ Phùng Quán dừng chân bên một quán nước, bất chợt nhìn ra ven đường có một cái cột cây số sứt mẻ in chữ “Hà Nội 157km” và cũng vì “cái cột số rêu phong xui khiến” mà “đáng lẽ đi về phía Nam thì tôi lại đi ngược ra phía Bắc” (Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào) để rồi cho ra đời tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo đánh dấu sự gia nhập ngoạn mục vào làng văn. Sao Mai đến với nghiệp viết hồn nhiên đến liều lĩnh “… tôi vào nghề này lại như anh điếc không sợ súng” (Sáng tối mặt người). Vũ Bão vốn là một phóng viên nhưng đã đến với nghề viết một cách tự nhiên và thu được những kết quả bất ngờ...

Bên cạnh những câu chuyện đời thường thú vị, phần hấp dẫn nhất trong hồi kí của các nhà văn vẫn là những sự kiện, những giai thoại xoay quanh quá trình lập thân, lập nghiệp, đến những tác phẩm nổi tiếng có tầm ảnh hưởng lớn của họ. Hồi kí Tố Hữu hé lộ hoàn cảnh sáng tác nhiều bài thơ nổi tiếng của tác giả. Bài Một tiếng rao đêm được Tố Hữu sáng tác trong hoàn cảnh: “Đêm đêm, khi đã khuya mà chưa ngủ được tôi thường nghe một tiếng rao của một em bé gái (...) Bỗng nghe tiếng Lung cười to mà như một tiếng nấc: - Con gái út của tao đó (...) Hắn biết tao ở trong này nên cố ý rao to cho tao nghe đó. Thế là ngay hôm ấy, tôi lẩm nhẩm bài Một tiếng rao đêm” (Nhớ lại một thời - Tố Hữu); bài Tiếng hát đi đày được ông khởi thảo “trên cái ghế dài lắc lư của xe tải” trong một hành trình dài, hay bài Con cá chột nưa được sáng tác trong hoàn cảnh tác giả mặc dù bụng đói đến quặn thắt ruột gan nhưng vẫn kiên quyết tuyệt thực để đấu tranh phản đối những tội ác của kẻ thù: “Thực sự đó là một cuộc đấu tranh rất căng thẳng giữa lí trí và bản năng. Tôi mượn thơ để trợ lực cho mình. Thế là tôi lẩm nhẩm trong đầu bài Con cá chột nưa dưới dạng cuộc đấu tranh giữa cái đầu và cái bụng” (Nhớ lại một thời - Tố Hữu). Hồi kí của Anh Thơ tiết lộ những tác phẩm thơ và kịch của bà ra đời trong những đêm nữ sĩ mất ngủ vì mỏi mệt với nhiệm vụ nhưng mỗi tác phẩm vẫn nhẹ nhàng, lãng mạn như không. Tập truyện Phá đám của Vũ Bão được hoàn thành trong bệnh viện nhưng vẫn đầy hấp dẫn. Những tiểu thuyết nổi tiếng của Ma Văn Kháng ra đời trong thời kì bao cấp, khi cả gia đình chui rúc trong căn nhà ổ chuột, nhà văn viết được trang nào lại phải giúi xuống dưới gầm giường cùng lũ xoong nồi bẩn thỉu.

Nếu không có những trang hồi kí “trung thực đến đáy”, bạn đọc sao thấm thía được muôn nỗi nhọc nhằn, đắng đót Nỗi đời cơ cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ của nghề văn. Nói là nghề nhưng có mấy ai sống được nhờ nghề. Biết rõ là vậy nhưng các nhà văn vẫn không buông bỏ niềm say mê với con chữ. Ngay cả khi buộc phải lựa chọn, những người viết chân chính có lẽ cũng sẽ dứt khoát sống chết với nghề mà không chút nao núng như nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê: “Nếu mỗi người phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống giữa sách và hoa, được lòng quý mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách được hàng vạn người hoan hô” (Hồi kí Nguyễn Hiến Lê).

Có thể thấy, quá trình nhà văn bén duyên với nghề cho đến khi xác lập phong cách và tìm được chỗ đứng trong làng văn là một hành trình đầy khó nhọc. Nhưng khi nhìn nhận, đánh giá lại chặng đường đời đã qua, hầu hết các tác giả hồi kí đều không kêu ca, oán thán quá khứ. Viết về hành trình nghề nghiệp của mình, có người dùng giọng tự trào hài hước như Tô Hoài, Quách Tấn, Vũ Bão; có người lấy giọng trữ tình mượt mà làm giọng chủ đạo như Anh Thơ, Phùng Quán, Huy Cận, Đặng Anh Đào; có người lại dùng giọng triết lí suy nghiệm như Đặng Thai Mai, Đặng Thị Hạnh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Hiến Lê, Tố Hữu… Dù bằng cảm hứng hay giọng điệu khác nhau thì xuyên suốt trong những trang viết vẫn là thái độ cầu thị nghiêm túc và niềm say mê, tâm huyết với nghề của các nhà văn. Đó là những nhân cách sống đáng để cho chúng ta phải trân trọng và học tập.

Bên cạnh hồi kí của các nhà văn, còn có hồi kí của các nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực nghệ thuật khác. Mảng âm nhạc có Hồi kí Phạm Duy, Hồi kí Trần Văn Khê, Nguyễn Văn Tý tự họa, Hồi kí Trịnh Công Sơn, Chúng tôi đã sống như thế (tác giả là bà Ánh Tuyết - vợ của nhạc sĩ Phạm Tuyên), Để gió cuốn đi của ca sĩ hải ngoại Ái Vân, Đằng sau những nụ cườicủa ca sĩ Khánh Ly… Mảng sân khấu - điện ảnh có hồi kí của một loạt tên tuổi quen thuộc: Phim là đời của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Lê Vân - yêu và sống của diễn viên Lê Vân, Sống cho người-sống cho mình của kì nữ sân khấu Kim Cương, Một đời giông bão của diễn viên Thương Tín, Tâm thành và Lộc đời của nghệ sĩ Thành Lộc… Những hồi kí này đều mang dáng dấp tự truyện, hầu như được chấp bút bởi những người viết chuyên nghiệp nên rất thu hút độc giả.

Từ góc nhìn thế sự, một số hồi kí đã nhìn nhận về những chặng đường phát triển của nghệ thuật nước nhà cũng như mạnh dạn nêu lên những vấn đề thời cuộc, đã và đang gây nhức nhối trong dư luận thông qua những cách thức trần thuật đa dạng và giọng điệu mang phong cách riêng của người viết. Hồi kí Trần Văn Khê dùng cách viết mạch lạc, cấu trúc sự kiện được định danh gọn gàng qua những địa điểm, thời gian cụ thể để lột tả chân thực hành trình hội nhập của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra thế giới. Mang kiến thức âm nhạc uyên thâm và niềm tự hào cháy bỏng về văn hóa cổ truyền của dân tộc, giáo sư Trần Văn Khê đã gạt đi nỗi tự ti của một dân tộc nhỏ bé trước các cường quốc âm nhạc như Mĩ, Anh, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản để khẳng định tiềm năng và vạch ra con đường cần phải bước tiếp cho âm nhạc Việt Nam trong tương lai. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý qua giọng kể trầm buồn không khỏi chua xót khi nhắc đến những nỗi đau, những “tai bay vạ gió” trong quá khứ vì những ca khúc nổi tiếng của mình như chuyện bài Dư âm liên tiếp bị chất vấn vì tội “làm bài hát lãng mạn khi còn đang kháng chiến” hay bài Dáng đứng Bến Tre bị cấm hát vì… “chưa nói gì về Bến Tre cả”. Với phong cách của một đạo diễn chuyên nghiệp, Đặng Nhật Minh lại biến hồi kí của mình thành những “đúp” phim quay nhanh, phanh phui những sự thật nghiệt ngã của đời sống và nền điện ảnh nước ta thuở đầu. Những chi tiết đắc địa được vị đạo diễn tài ba lựa chọn và kết nối trong dòng chảy của sự kiện đã gây ra hiệu ứng mạnh: cảnh những người dân kêu oan đuổi theo xe ông với những tờ đơn phấp phới, cảnh các liên hoan phim Việt bị thao túng bởi những mưu đồ kinh tế và những sự đấu đá của các ban ngành, chuyện những bộ phim kinh điển của màn ảnh Việt như Bao giờ cho đến tháng Mười vàThương nhớ đồng quê phải chịu bao gièm pha, soi mói khắt khe, chụp mũ thô thiển…

Từ góc nhìn đời tư, nhiều hồi kí là lời tự biện trung thực đến mức tàn nhẫn của người nghệ sĩ về số phận cá nhân gắn chặt với các hoạt động nghệ thuật đặc thù. Và qua mỗi câu chuyện, ta nhận ra dường như những cuộc đời làm nghệ thuật ấy đều có một điểm chung, đó là: chữ tài liền với chữ tai một vần. Lê Vân nhìn thẳng vào những góc khuất của một gia đình nghệ sĩ danh giá để kể lại những câu chuyện trần trụi đến đau lòng về cha mẹ của mình đồng thời không giấu giếm những cuộc tình đầy tai tiếng với ba người đàn ông thuộc ba quốc tịch khác nhau, dám đối diện với dư luận để gọi tên những khát vọng đầy bản năng của người đàn bà luôn muốn “yêu và sống”. Khánh Ly chỉ ra “đằng sau những nụ cười” trên sân khấu rực sáng là biết bao nước mắt, vấp ngã đớn đau của một người phụ nữ tài hoa. Chung mạch cảm hứng, những dòng tâm sự lay động của ca sĩ Ái Vân về giai đoạn vượt biên “kinh khủng, đau đớn, nhục nhã” và cuộc đời thăng trầm của mình khiến người đọc không khỏi xót xa cho một đời cầm ca “hồng nhan bạc mệnh”. Hồi kí Kim Cương với thời gian hoàn thành kéo dài đến 40 năm góp thêm những sự thật “gai người” về gia đình, dòng tộc, xuất thân, chặng đường đời - đường nghề nhiều gian nan nhưng đầy vinh quang của một nghệ sĩ sân khấu hàng đầu.

Dù thế nào, ẩn giấu sau những sự thật nhiều khi gây tranh cãi về lập trường tư tưởng, đạo đức, lối sống luôn là khao khát được tri âm, chia sẻ và cảm thông của người nghệ sĩ, những người đã dùng trải nghiệm đời sống phong phú để đốt cháy mình trong từng tác phẩm. Cũng chỉ sau năm 1975, người nghệ sĩ mới dám phát ngôn và có cơ hội để phơi mở đời tư của mình một cách thẳng thắn và dũng cảm như thế.

TRẦN THỊ HỒNG HOA
Nguồn: NVTPHCM



Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

KIỂM DUYỆT NGHỆ THUẬT

Cách đây vài năm, họa sĩ Thành Chương vẽ bìa cho một tờ báo xuân ở Hà Nội, là bức tranh cô gái ngậm bông hoa, bay trong gió. Nhưng ngay khi phát hành, một quan chức văn hóa yêu cầu thu hồi toàn bộ số báo ấy, với lý do thành phố đang thực hiện nếp sống văn minh, tại sao lại đưa cô gái đầu tóc bù xù lên báo như vậy? Hơn nữa, cô gái ngậm hoa thế khác gì ngậm cỏ, ý nói đất nước khó khăn, nghèo đói, nên phải ăn cỏ à?

Khi ông kể lại câu chuyện đó ở một hội thảo cuối năm 2017, nhiều người ngỡ ngàng: Những tưởng đó là câu chuyện đã qua của mấy chục năm về trước. Nhưng nghệ thuật đương đại Việt Nam vẫn còn nhiều câu chuyện bi hài như thế.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 doanh thu các ngành công nghiệp văn hoá đóng góp 7% GDP. Việt Nam đặt ra nhiều chủ trương đi kèm với sự phát triển cái gọi là “sáng tạo”. Có nhiều lĩnh vực kinh tế mũi nhọn khác gắn liền với nỗ lực sáng tạo trong văn hóa, mang những sứ mệnh tỷ đô, đơn cử như du lịch. Và chính quyền, trong các diễn biến gần đây, luôn tỏ ra hào phóng trong ngân sách với sự nghiệp “thúc đẩy đời sống văn hóa”.

Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy những nguyên tắc căn bản nhất của hoạt động sáng tạo không được tôn trọng, cho dù chúng ta đã bước vào thế kỷ 21 được gần 2 thập niên.

Tháng 4/2017, bỗng dưng Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quyết định tạm thời dừng lưu hành 5 ca khúc sáng tác trước năm 1975 dù đã được cấp phép trước đó gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương).

Lý do được đưa ra bởi hội đồng nghệ thuật do Cục thành lập đã thẩm định và xác định 5 bài hát này dù được cấp phép trước đó nhưng có lời không đúng với bản gốc, không đúng tên tác giả, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, nên phải tạm dừng lưu hành để xác minh cho chuẩn.

Khi đó, tôi chất vấn lãnh đạo đơn vị này, lời bài hát hay tên tác giả đúng - sai phải do các bên liên quan tự giải quyết với nhau chứ? Nhưng câu trả lời nhận được đều vòng vo, không rõ ràng. Vị lãnh đạo này chỉ khẳng định sau khi xác định đúng lời bài hát gốc và đúng tác giả thì mới cấp phép lưu hành trở lại, dù bản thân ông chưa biết khi nào đối chiếu xong. Một quan chức khác thì đặt câu hỏi ngược lại với tôi: “Chiến trường anh bước đi là chiến trường nào?”.

Không bằng lòng với lời giải thích ấy, tôi cố gắng tìm liên hệ của gia đình các nhạc sĩ. Một tối đã khuya, tôi liên hệ được với bà Kha Thị Đàng, vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ. Bà tâm sự, đã có lúc hai vợ chồng bà bàn nhau, nếu nhà nước còn “mặc cảm” với hai câu “Chiến trường anh bước đi" và “Nơi đây phiên gác canh dài” thì sẽ sửa thành "Lối mòn anh bước đi" và "Nơi đây thao thức canh dài". Bà thanh minh, ngày đó tác giả Hồ Đình Phương viết lời như vậy để ăn khách thôi, chứ có chính trị gì đâu.

“Đất nước đã thống nhất hơn 40 năm nay rồi, sao còn nỡ bắt bẻ câu chữ làm tổn thương nhau làm gì?”. Tiếng thở dài của người phụ nữ đã ngoài 80 tuổi ấy ám ảnh tôi nhiều ngày. Hơn một tháng sau, trước sự phẫn nộ của dư luận và báo chí, Cục Nghệ thuật biểu diễn trả tự do cho 5 bài hát và họp đến nửa đêm kiểm điểm các cá nhân liên quan.

Tùy tiện kiểm duyệt và cấm đoán không chỉ xảy ra ở lĩnh vực âm nhạc. Nhiều họa sĩ Việt Nam phải nếm đủ đắng cay, nhọc nhằn trên hành trình mang đứa con tinh thần đến với công chúng.

Mỗi lần nhắc đến chuyện đi xin cấp phép tranh, họa sĩ Hứa Thanh Bình lại bực bội đến mức nổi nóng. Ông kể, khi làm triển lãm mang tên "Về nhà đi thôi" thì có người gọi điện nói sửa đi vì “nhạy cảm”. Ông phải sửa thành "Về nhà".

Hoặc khi ông vẽ bức tranh công nhân ngồi trên ghế. Sau thấy không đẹp, ông xoá chiếc ghế đi. Vậy mà khi mang triển lãm, tranh của ông bị loại vì ban tổ chức căn vặn sao công nhân lại ngồi không có ghế?
Chung số phận ấy, những nghệ sĩ nhiếp ảnh khỏa thân cũng đầy nhọc nhằn và nước mắt mỗi lần có ý định triển lãm. Nghệ sĩ Thái Phiên từng năm lần, bảy lượt gõ cửa khắp nơi xin cấp phép triển lãm ảnh khỏa thân. Năm 2007, lần đầu tiên ông xin được giấy phép triển lãm tại Hà Nội, thì không thể tìm được địa điểm. Một người bạn trong cơ quan chức trách thấy ông khổ sở quá, nên đành nói thật ông đừng cố tìm, bởi “Có lệnh từ trên xuống các nơi không được phép cho mày thuê triển lãm”.

Một năm sau, ông trình lại bộ ảnh cũ thì bị từ chối thẳng thừng bởi: “Cầu Cần Thơ vừa mới sập, nạn cúm gà đang hoành hành, kinh tế đang bất ổn, vật giá leo thang... nên không thể triển lãm vào lúc nhạy cảm này!”.

Nghệ sĩ Lê Quang Châu vì quá bất bình khi không xin được giấy phép triển lãm, đã liều trưng bày ở một studio của người bạn. Nhưng chưa đầy một ngày thì bị tịch thu. Từ đó đến khi qua đời, ông quyết không xin xỏ gì nữa.

Trên hành trình làm báo, tôi còn được biết nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khác mà các nghệ sĩ Việt Nam phải chịu đựng. Sự kiểm duyệt tuỳ tiện, vô lý của quan chức văn hoá như sợi dây thòng lọng lơ lửng trên cổ nghệ sĩ. Sợi dây ấy có thể thít chặt làm nghẹt thở bất kỳ ai. Đến nỗi, nhiều người than rằng, mỗi khi “mang nặng đẻ đau” đứa con tinh thần, lại nơm nớp lo không biết có vượt được ải kiểm duyệt đến với công chúng.

Lại nói chuyện cô gái Hà Nội và hoa. Trên phố bích họa Phùng Hưng bây giờ có tác phẩm Phố nhuộm màu hoa vẽ những phụ nữ tất tả cùng gánh hàng hoa trên phố. Một vị quan chức văn hoá đã yêu cầu phải sửa lại thành những cô gái mặc áo dài ở làng hoa Ngọc Hà. Lý do bởi có thành viên hội đồng nghệ thuật đặt nghi vấn, phải chăng những người gánh hoa trong tranh bị công an đuổi nên mới chạy tán loạn như thế!

VŨ VIẾT TUÂN
Nguồn: VNEX



TIỂU THUYẾT KIM DUNG: CHIỀU SÂU TRÍ TUỆ KHÁC THƯỜNG

Nhà văn Kim Dung, tác giả của hàng loạt tác phẩm võ hiệp danh tiếng: "Tiếu ngạo giang hồ", "Thiên long bát bộ", "Anh hùng xạ điêu"... đã qua đời ngày 30.10, thượng thọ 94 tuổi. Tác phẩm của ông làm say mê nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam kể từ khi được dịch, in ấn ở Sài Gòn trước năm 1975. Xin giới thiệu lại bài viết của tác giả Vũ Đức Sao Biển về tiểu thuyết Kim Dung.
Nhà văn Kim Dung

Đồng thời với Kim Dung, nhiều tác giả khác như Ngọa Long Sinh, Độc Cô Hồng, Nhạc Xuyên… cũng viết thể loại tiểu thuyết võ hiệp nhưng người đọc vẫn không ưa thích bằng ông. Bí quyết nào khiến tác phẩm Kim Dung thành công, vượt xa các tác giả khác?

Đọc một tác phẩm văn học, độc giả luôn tìm kiếm thông điệp mà tác giả muốn gửi đến mình qua đó. Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung có chiều sâu trí tuệ rất khác người. Tác phẩm của ông vẫn là cách kể chuyện theo chương hồi của tiểu thuyết cổ điển Minh - Thanh nhưng vượt xa người xưa với phong cách rất hấp dẫn. Thiên Long bát bộ là ví dụ tiêu biểu của phong cách này.

Tư tưởng triết học phương Đông

Trong “Thiên Long bát bộ”, câu chuyện liên quan đến 7 nước: Tống, Khiết Đan, Tây Hạ, Thổ Phồn, Nữ Chân, Đại Lý, Đại Yên được sắp xếp, liên kết với nhau một cách rạch ròi, khoa học.

Theo kinh điển Phật giáo, “Thiên Long bát bộ” là 8 nhân vật thần phật, yêu quái; mỗi người tượng trưng cho cái thiện hoặc cái ác. Kim Dung cũng xây dựng 8 nhân vật trung tâm tượng trưng cho thiện - ác, mỗi người đi theo một đường lối riêng. Cuối cùng, những nhân vật ác bị loại trừ, 3 nhân vật thiện còn lại là Tiêu Phong (Khiết Đan), Đoàn Dự (Đại Lý) và Hư Trúc (Tống) kết nghĩa anh em, chung sống hòa bình.

Đọc Kim Dung, ta tiếp cận những nguồn tư tưởng lớn trong triết học Đông phương. Có người tượng trưng cho phong thái Nho giáo, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ (Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc - Phạm Trọng Yêm) như Đoàn Dự, vương tử Đại Lý. Cũng có người giả bộ theo phong cách nhà nho để dối dời, dối người mà Kim Dung gọi là ngụy quân tử, như Nhạc Bất Quần - chưởng môn phái Hoa Sơn trong Tiếu ngạo giang hồ.

Đọc Kim Dung, ta bắt gặp thái độ hiền triết, lối sống lãng mạn theo tư tưởng Lão - Trang. Trong Tiếu ngạo giang hồ, Độc cô cửu kiếm mà Phong Thanh Dương dạy Lệnh Hồ Xung là chỉ sử kiếm ý, không sử kiếm chiêu; ý nghĩ đến đâu kiếm chiêu đi theo đến đó; lấy mềm yếu thắng cứng rắn, lấy nhẹ nhàng thắng trầm trọng.

Kim Dung xây dựng hẳn một phái Tiêu Dao (Thiên Long bát bộ), võ công thanh thoát, cầm kỳ thư họa đều giỏi. Phái Tiêu Dao chính là sản phẩm từ chương Tiêu dao du trong Nam hoa kinh của Trang Tử. “Con chim hồng bay cao chín ngàn dặm, nương mây cưỡi gió mà bay” là tinh thần của con người Tiêu Dao.

Tư tưởng Đại thừa, tư tưởng Thiền tông của Phật giáo lại càng đậm nét hơn trong tiểu thuyết Kim Dung. Trong 12 bộ tiểu thuyết của ông, bộ nào cũng nhắc đến các nhà sư phái Thiếu Lâm sẵn sàng hành hiệp giúp người, chống lại nhưng không tiêu diệt kẻ ác.

Nhà sư Thiếu Lâm dùng phương tiện sạn - cây gậy tha thứ cho kẻ khác - làm vũ khí. Họ dùng võ công để khống chế cái ác, chữa bệnh tham si, sân hận cho những kẻ lầm đường; dùng kinh kệ để giảng giải, phong tỏa ma công. Ỷ thiên đồ long ký xây dựng nhân vật Trương Vô Kỵ võ công tuyệt thế, dùng công phu Càn khôn đại na di tan bia vỡ đá cao nhất của Minh giáo mà đấu vẫn không lại 3 sợi dây mềm và tiếng tụng kinh của 3 nhà sư già Thiếu Lâm. Bởi lẽ, ma không bao giờ thắng nổi Phật.

Man di vẫn thắng thiên triều

Hơn các nhà văn khác, Kim Dung dám đặt lại những vấn đề lịch sử, dân tộc. Trước nay, lịch sử Trung Quốc chỉ được nhìn một chiều; người Trung Hoa vẫn tự cho mình là dân tộc cao quý, trăm họ 4 phương toàn là dân mọi rợ. Họ gọi các dân tộc lân bang là tứ di - 4 giống mọi rợ: Đông di, Tây nhung, Bắc địch, Nam man. Vậy mà trong tiểu thuyết Kim Dung, man di vẫn thắng thiên triều!

Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung thuật lại chuyện Triệu Hú (Tống Triết Tôn) vung gươm dọa cho bà nội là thái hậu chết sớm để không còn người ngăn cản y gây chiến với Khiết Đan. Đối lập với Triệu Hú là một Gia Luật Hồng Cơ - hoàng đế Khiết Đan - thông minh, mưu lược, dũng cảm. Kết quả của vụ gây hấn này là 18 châu Yên Vân (trong đó có Yên Kinh, nay là Bắc Kinh) bị Khiết Đan thôn tính; các hoàng đế Tống triều sau đó phải triều cống cho Khiết Đan.

Trong Thư kiếm ân cừu lục, Kim Dung thuật chuyện Càn Long sai Triệu Tuệ làm Định biên tướng quân, đánh qua đất Hồi Hồi (nay là Duy Ngô Nhĩ), bắt Hương Hương công chúa Kha Tư Lệ về nạp phi. Kha Tư Lệ quyết không thần phục, cuối cùng vào một thánh đường Hồi giáo ở Bắc Kinh tự vẫn để bảo vệ mối tình với Trần Gia Lạc, giữ tấm thân mình trong trắng. Kim Dung cho ta thấy cường quyền bạo lực của một hoàng đế không thắng nổi một cô gái Hồi tộc tràn đầy sức mạnh tinh thần.

Trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung hư cấu nhân vật Vi Tiểu Bảo - con của một gái điếm thành Dương Châu - lọt vào hoàng cung, trở thành sủng thần của vua Khang Hy. Vi Tiểu Bảo dùng ngôn ngữ chợ búa, hầm hố của Dương Châu, chửi “tưới hột sen”, gọi thái hậu là “mụ điếm già”, công chúa là “con đượi non”, hoàng đế Thuận Trị là “lão con rùa”…

Với Vi Tiểu Bảo, thứ bậc, giai cấp của triều đình phong kiến đảo lộn hết ráo! Chiếc ghế của Khang Hy trong ngự thư phòng cũng bị Vi Tiểu Bảo ngồi lên và hắn cho là chẳng “sướng gì cái mông” cả! Vậy mà không biết bao nhiêu triều đại phong kiến đã tranh giành nhau chỉ để được ngồi trên cái ghế vô vị đó đọc sách và phê duyệt tấu chương.

Chưa thoát “quỹ đạo thiên triều”

Trung Quốc vừa bình chọn 10 nhà văn lớn có tác phẩm để đời. Trong đó, văn học hiện đại có Lỗ Tấn và Kim Dung. Với AQ chính truyện, Lỗ Tấn giúp bạn đọc nhìn lại con người Trung Quốc qua mấy ngàn năm, một con người muốn “làm bố thiên hạ” nhưng bị đánh, bị mắng, bị phạt vạ và bao giờ cũng tự huyễn hoặc cho mình hơn người: “Thứ mày là cái đồ gì, ông cha nhà ta còn bề thế hơn nhà mày nhiều”!

Hơn cả Lỗ Tấn và những bậc cựu trào tiền bối như Ngô Thừa Ân, La Quán Trung..., Kim Dung thẳng thắn cảnh báo người đọc nên đặt lại những vấn đề lịch sử và dân tộc của Trung Quốc. Tác phẩm của ông chừng mực nào đó có sự công bằng khi nhìn lại phẩm giá của “Tứ di”. Tuy nhiên, là người Trung Quốc - dù là viết tại Hồng Kông - Kim Dung vẫn chưa thoát khỏi cái “quỹ đạo thiên triều” khi nhìn các dân tộc lân bang.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN


Câu chuyện văn hoá khác:





NHÀ THƠ “HÓA GIẢI NỖI BUỒN BẰNG SỰ THẤU HIỂU LẼ ĐỜI VÀ QUY LUẬT”…

Nhà thơ Thu Nguyệt sinh năm 1963 tại Cao Lãnh, Đồng Tháp. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện chị công tác ở Báo Tuổi trẻ TP.HCM. Thu Nguyệt viết ở nhiều thể loại, riêng về thơ của chị tập trung nhiều trong các tậpĐiều thật (1992), Ngộ (1997), Cõi lạ (2000), Hoa cỏ bên đường (2002),  Theo mùa (2006). 

Điểm khác biệt giữa Thu Nguyệt với các nhà thơ nữ cùng thời đó là Thu Nguyệt chọn cho mình một lối đi riêng. Thơ chị dịu dàng, đằm thắm, không đưa ra những phát ngôn gây sốc hay thể hiện một cách mạnh mẽ táo bạo cái tôi cá nhân. Chị cũng không chạy theo trào lưu viết mới theo dấu ấn hiện đại, hậu hiện đại như nhiều người. Chị lặng lẽ viết trên lối thơ truyền thống. Với nhà thơ Thu Nguyệt, chị quan niệm: “Viết theo truyền thống hay hiện đại không quan trọng, cái quan trọng là chuyển tải được gì vào trong thơ và làm sao gây được sự cảm tình đối với độc giả mới là cái đáng quan tâm nhất”.
Hai nhà thơ Thu Nguyệt và Phan Hoàng ở Phú Yên 2017

Thu Nguyệt nhìn cái gì cũng có sự dung hòa, biện chứng, cái gì với chị cũng đều theo quy luật. Chính vì vậy cho nên, dù thấy trong thơ chị có nhiều nỗi buồn nhưng đó là cái buồn man mác, cái buồn vừa phải, không quá bi lụy, sầu thảm hay tuyệt vọng. Nỗi buồn trong trẻo, lấp lánh những tia hi vọng. Chị biết tiết chế nỗi buồn và hóa giải nó… Đọc thơ chị, người đọc nhận thấy: Thu Nguyệt - Nhà thơ “hóa giải nỗi buồn bằng sự thấu hiểu lẽ đời và quy luật”. Chị bình tâm suy xét, nghĩ suy về những điều xảy ra trong đời sống với cái nhìn đầy trách nhiệm, bao dung, tỉnh táo, bản lĩnh và đầy tự tin.

Ta ngồi ngắm mãi bàn tay
Ngửa rồi lại úp, ngắn dài trắng đen…
Biếng lười đếm giọt nhớ quên…
Nhẹ không…
                      lòng cứ hồn nhiên với buồn

                         (Hồn nhiên)

Điều mà Thu Nguyệt quan tâm nhất đó là vấn đề thời gian. Có những điều làm cho nhà thơ trăn trở, day dứt khôn nguôi, tưởng khó có thể lý giải; phải ngược về quá khứ, hướng đến tương lai mới có thể an lòng:

Ta tìm hoài gió trong nhau
Gió tan lại miệt mài đau suốt đời
Ta quên có một bầu trời
Bên ngoài ngọn gió có rồi lại tan

                        (Gió tan)

Từ Đồng Tháp chuyển về Sài Gòn công tác, trong chị không bao giờ quên mảnh đất quê hương nơi đã chôn nhúm rau mình ở đấy. Nơi gắn bó với bao ký ức niềm thương, với ông bà, cha mẹ, người thân, gia đình, hàng xóm, ruộng đồng, bờ bãi, sông nước… Vùng đất Đồng Tháp Mười đã ăn sâu trong từng tế bào, từng huyết mạch của chị. Do vậy, Thu Nguyệt nhớ lắm, nhớ những gì dân dã, chân quê của xứ sở mình. Dù đang sống nơi phồn hoa, phố thị nhưng chị vẫn canh cánh.

Thị thành dù giáp dấu chân 
Nằm mơ vẫn nhớ lời dân miệt đồng 

                       (Bến lở 

Cái gốc quê không chỉ là máu thịt mà nó còn hun đúc bởi cái nôi văn hóa của vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Nỗi nhớ quê, nhớ cha lại trào dâng trong chị.

Đồng ruộng quê mình làm bằng dấu chân ba 
Từ đấy cần cù mọc lên ngọn lúa 
Con lớn lên trên cánh đồng ngậm sữa 
Đứng nơi nào cũng trên dấu chân ba 

                          (Dấu chân Ba

Để rồi nhà thơ tự giãi bày: Ta ra thành phố xa đồng/ Đốt nhang nhìn khói bay vòng mà thương/ Nhớ cồn cào nước kinh mương/ Vắng mình rải lá xem đường nước trôi/ Đã xa thì lỡ xa rồi/ Buồn! Đem thau nước ra soi bóng mình.

Chính quan điểm sống nó đã tạo nên cốt cách con người thơ và con người trong đời sống thường nhật của nhà thơ Thu Nguyệt. Con người thơ - và con người trong đời sống hòa làm một.

Điểm nổi bật và xuyên suốt trong thơ Thu Nguyệt đó chính là chị hướng đến và tìm đến cõi Thiền. Chùa, Thiền, Thiền sư, tiếng chuông, Chân Như, Bồ Đề, tu hành, tâm, ngộ, duyên, kiếp, bụi, nhang, đèn, phù du, vô thường… là những từ thường được chị sử dụng.

Kiếp phù du, giấc phù hoa
Lấy ai ru đá giùm ta sau này ?!
Thôi thì đá ngủ cho say
Để rồi thức giấc ngày mai một mình

                                 (Ru đá)

Lời thơ nhẹ nhàng, trôi chảy cùng với dòng cảm xúc vô tận tạo nên những ấn tượng, dư ba.

- Giá được làm cỏ dại lan man
Vơ vẩn sống, phất phơ đời bên tháp
Vui với nắng sương, mưa trùm gió đập
Lặng lẽ đâm chồi, ta tự trùng tu

                        (Tháp Chàm)

- Nẻo tu hành cứ chung chiêng
Bước trầy bước trật… ưu phiền lắc lư

                              (Thiền giả)

- Gió nương mái cũ đi nhờ
Hiên nhà dấu nước vẫn chờ giọt mưa

                                  (Vẫn y)

Nỗi buồn trong thơ chị bộc lộ nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau nhưng theo chị tất cả đều có nguyên nhân. Chị quan niệm: cuộc sống con người trên trần thế chỉ là cõi tạm. Chính vì cõi tạm cho nên phải sống đúng nghĩa là con người, sống trọn vẹn, tha thiết với tình yêu và cuộc đời, sẵn sàng đón lấy và chấp nhận những buồn - vui như một sự thật hiển nhiên.

- Bước qua không nỗi chữ ngờ
Vô thường áp sát, bến bờ quá xa!

                                   (An)

- Buồn vui như một cái vòng
Điểm đầu tiên, điểm cuối cùng gặp nhau

                                (Hồn nhiên)

Bước đi là bỏ lại rồi 
Hành trang khéo giữ một thời cũng phai 
Thạch sùng nát lưỡi ru ai: 
Muốn về chốn cũ phải quay lại mình.

                   (Bước đi là bỏ lại rồi)

- Muốn được an (alt) cũng bó tay
Đời như kiếp chuột cứ xoay vòng vòng…

                           (Keyboard thơ)

Ta băng qua sự buồn phiền 
Hiểu điều đã mất tự nhiên mãi còn ...  

                         (Sao đổi ngôi)                 
              
Giữa mơ và thực luôn là khoảng cách. Chị nhìn đời bằng con mắt thực tế nhưng cũng ngập tràn cảm xúc trữ tình, man mác.

- Con quỳ trước Phật từ bi/ Sao lòng vẫn nặng nỗi gì đa đoan/ Dám mơ đâu chút Niết Bàn/ Chỉ mong ngày động, tâm an một giờ (An).

- Lẽ đời nắng tắt mưa tuôn
Ta không có bóng vẫn còn có ta
Không cần trái, chẳng cần hoa
Xanh xanh vài chiếc lá là có cây
Lộc non chăm chút tháng ngày
Vậy rồi...
                ta thả lá bay theo mùa.
                      (Theo mùa)

Cám ơn sự vật vô thường 
Để cho ta có khi buồn khi vui 
Vô thường tất cả, trừ... tôi 
Là chi cũng mãi khi vui khi buồn! 

                      (Vô thường)

Rủ sạch mình, em bước qua đêm 
Vo viên giấc mơ ném vào ngọn sóng 
Nhón gót đi giữa biển đời sâu rộng 
Xe cát hai hàng giọt nước mắt sau chân.

                  (Huyền thoại dã tràng)

Những bài thơ như: Chùa xa, Ước, Ru đá, Miền không bay… đưa người đọc đến ranh giới giữa thực và ảo, giữa xao động và bình yên. Đó là lúc thi sĩ đã chạm đến cõi Thiền - thâm nhập vào tận cùng mọi ngõ ngách của tâm hồn, kiếm tìm bản thể để hiểu mình, hiểu đời và tự giải thoát cho mình sau bao thăng trầm, nếm trải, bao vận hạn, tai ương…

- Tháng ngày nhẹ hững đi qua
Những điều gần đó rồi xa… thật thường!

                          (Sẽ đến rồi qua)

- Nghe lòng rung một hồi chuông
Tiếng vang như có lại dường như không

                               (Chùa xa)

- Gió lùa theo hướng chữ DUYÊN
Ta bay chung để đến miền không bay”.

Thơ lục bát có lẽ là một sở trường của nhà thơ Thu Nguyệt. Lục bát là một trong những thể thơ đậm chất trữ tình. Nó bắt nguồn từ ca dao, dân ca và thơ lục bát mang cốt cách Việt Nam. Cuộc sống bình dị của người lao động đi vào ca dao thông qua thể thơ lục bát dễ đi vào lòng người đọc và có sức lan tỏa. Từ văn học truyền miệng đến văn học viết, thể thơ này không ngừng được phát triển và đến ngày nay nó vẫn được kế thừa một cách có sáng tạo, có cách tân trên cả phương diện nội dung và nghệ thuật.

Khảo sát thơ của Thu Nguyệt, ta thấy thơ lục bát chiếm số lượng lớn và nó đã góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công của thơ chị. Ở thể thơ này Thu Nguyệt có nhiều bài thơ hay, hàm súc và ý vị, gây được ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc (Lá giả, Theo mùa, Gió tanMiền không bay, Hồn nhiên…).

Đọc bài Lá giả gợi cho người đọc bao câu hỏi, bao suy ngẫm về con người, cuộc đời. Hóa ra kiếp người cũng chẳng khác chi kiếp lá (lá giả) - là tạm bợ, là tự “cải trang”. Chỉ có cái thật là bụi - những hạt bụi đời đeo bám. Chính vì là giả, cho nên chiếc lá giả kia không thực hiện được điều mà lẽ ra theo quy luật tự nhiên nó phải đạt được. Kết quả là “Cả đời làm một cuộc rơi không thành”…

Tuy nhiên, Thu Nguyệt không phải chỉ có kế thừa ca dao, dân ca. Thơ lục bát Thu Nguyệt vẫn mang hơi thở của thời đại. Nhà thơ đã mang đến cho thơ lục bát một không khí mới, một sắc thái mới: với những cách tân, sáng tạo độc đáo; tạo nên những vần thơ tươi mới, rộn ràng mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Hạt nhân làm nòng cốt cho cái mới của Thu Nguyệt là ở cảm xúc, ở dấu ấn cá nhân.

Cùng với tình yêu, thơ Thu Nguyệt viết về những mối quan hệ khác nhau xung quanh tình yêu, gắn bó và tiếp nối với tình yêu.

Trót sinh con buổi trăng rằm
Cho nên chữ hiếu như trăng khuyết tròn
Lạy ba lạy má đừng buồn
Xưa nay mưa nước từ nguồn đổ xuôi…

(Lời ru)

Đến với thơ Thu Nguyệt, người đọc sẽ tìm thấy một sự đằm thắm, dịu dàng và rất nữ tính. Đó là một thế giới tâm hồn có vẻ như khép kín mà luôn mở rộng, luôn chuyển tiếp, trôi chảy, hướng về ngoại vật, hướng về mọi người. Niềm vui, nỗi buồn được chị nhìn nhận và hóa giải nó trong thơ một cách tự nhiên. Đấy cũng là sức hấp dẫn khiến bao trái tim người đọc cứ mãi say sưa trong vườn thơ của chị

NGUYỄN VĂN HOÀ
Nguồn: Văn Học Quê Nhà

Câu chuyện văn hoá khác:



NHỚ GIÁO SƯ HOÀNG TRINH

Ở Hoàng Trinh, tôi nghiệm ra ông là người ít nói, ít có những cử chỉ xuề xòa, nhưng ông lại có sự quan tâm theo cách của mình. Đường đời của ông khá hanh thông nhưng tiếp xúc, quan sát ông, tôi thấy ông là người khiêm tốn, có phần lặng lẽ...
GS Hoàng Trinh

Khi tôi về nhận công tác tại Viện, tôi được biết ông, cùng với ông Vũ Đức Phúc và ông Nguyễn Minh Tấn là viện phó, giúp điều hành công việc cơ quan cho Viện trưởng Đăng Thai Mai lúc bấy giờ sức khoẻ cũng yếu nên không đến cơ quan thường xuyên được. Hai lần giặc Mỹ ném bom Hà Nội, hai lần Viện Văn học phải sơ tán lên Bắc Giang. Từ cuộc sống của một người sinh ra trong một gia đình thường xuyên được cha mẹ, các chị, vợ con săn sóc, ông phải sống tự lập nên gặp không ít khó khăn. Tôi nghe có anh chị kể rằng, ông đã từng khoe là đã biết giặt áo, biết thổi cơm (!). Bà Trinh vợ ông kể rằng, ông ăn rất ít, rất kén ăn, ăn đạm bạc, chỉ thích món cá kho kiểu truyền thống và cà muối. Có lẽ vì thế mà ông không thích tiệc tùng, chỉ thích về nhà ăn cơm vì hợp khẩu vị.

Từ cuối năm 1971 đó cho đến năm ông được chia căn hộ mới ở khu Kim Liên, năm 1986, tôi là hàng xóm của ông trong khu tập thể 20 Lý Thái Tổ. Đó cũng là nơi ở của các gia đình như Phong Lê - Vân Thanh, Huệ Chi, Tất Thắng, Bùi Công Hùng, Nguyễn Nghiệp, Thạch Phương, Lưu Liên, Nguyễn Phúc, Nguyễn Ngọc Thiện, Mai Hương... Vừa là nhân viên, lại vừa là hàng xóm của ông, tôi nhận ra ông là người rất chịu khó đọc, học và viết, vì thế trong tương quan với những đồng nghiệp cùng trang lứa, ông được coi là người có kiến văn rộng, nhất là trong chuyên ngành lý luận và văn học phương Tây. Từ một cán bộ tuyên huấn, ông nỗ lực trong tự học để trở thành một chuyên gia, một trong số những cán bộ lãnh đạo, quản lý một viện nghiên cứu chuyên ngành. Rồi sau này ông trở thành một Giáo sư- Viện sỹ. Đó là một quá trình khổ luyện. Ngày đó, ông kể với chúng tôi nghe, để viết đượcPhương Tây- văn học và con người- ông đã phải đọc rất nhiều sách tiếng Pháp. Lúc bấy giờ sách vở ngoại văn rất hiếm hoi vì chiến tranh nên có quyển nào là đọc quyển ấy. Vì giao lưu theo hướng mở hãy còn rất hạn chế nên việc áp dụng các lý thuyết hiện đại đó vào công tác nghiên cứu, phê bình lại càng khó đặt ra. Hơn nữa phương pháp nghiên cứu mà ông thường sử dụng trong công việc chuyên môn của mình là phương pháp luận mác xít - một phương pháp được coi là chính thống và gần như là duy nhất trên văn trường trận bút thời bấy giờ. Cho nên cũng dễ hiểu là Phương Tây-văn học con người của ông nặng về phê phán, chưa cho thấy hết được những giá trị tích cực của các tác phẩm và tác giả đó. Điều đáng nói ở đây là chính từ những cuộc “tiếp xúc” này mà dần dần ông đã tạo ra được cho mình một nhãn quan mới hơn, một phương pháp nghiên cứu văn học mới hơn, vượt ra khỏi lối nghiên cứu, phê bình văn học phổ biến hồi bấy giờ. Ông là người sớm áp dụng ký hiệu học, thi pháp học… vào công việc nghiên cứu tác phẩm văn học và ít nhiều cho người nghiên cứu nhận ra được tính khả thi của nó ở Việt Nam cũng như đưa lại cho người đọc những cách tiếp cận mới đầy thú vị và hấp dẫn. Nhiều lần ông ra nước ngoài thuyết trình về văn học Việt Nam và những gì thu lượm được từ sách báo, từ những chuyến đi này, ông lại về truyền lại cho lớp cán bộ trẻ - những người mà vào những năm chiến tranh và thời hậu chiến không có điều kiện để hiểu biết nhiều về văn chương thế giới. Ông đã từng được giải thưởng Rockefelle và được mời sang nghiên cứu ở Đại học Cornell (Mỹ) sáu tháng. Với ông, bể học là khôn cùng. Ông hiểu người nghiên cứu văn chương là người đi giữa đôi bờ khoa học và nghệ thuật, nên, vừa phải có các luận điểm chính xác của người làm khoa học, lại vừa có sự cảm thụ tinh tế của người làm nghệ thuật. Từ sau đổi mới, bút lực của ông sắc sảo và nhuần nhị hơn. Dường như sau những tước vị được phong, những giải thưởng được nhận, ông càng ý thức rõ hơn trách nhiệm của ngòi bút trước đồng nghiệp, trước sự nghiệp văn chương. Trong nhiều năm, cùng với việc giảng dạy chuyên đề cho các lớp nghiên cứu sinh, hướng dẫn và chấm nhiều luận án tiến sỹ ông còn nhiều lần nói chuyện với các cán bộ trẻ về phương pháp nghiên cứu liên ngành, về gắn việc nghiên cứu các lý thuyết phương Tây hiện đại vào thực tiễn nghiên cứu văn học trong nước, với văn hóa dân tộc. Từ những trải nghiệm trong nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn văn học phương Tây hiện đại ông đã ông trẻ hóa được ngòi bút và đưa lại cho các bài viết của mình một sắc diện mới. Những công trình của ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh như Phương Tây - văn học con người, Ký hiệu - nghĩa và phê bình văn học, Về khoa học và nghệ thuật trong phê bình văn học, Đối thoại văn học, Từ ký hiệu học đến thi pháp học là kết quả của của sự tích lũy Đông Tây sau những năm tháng “luôn cố gắng làm việc thầm lặng, hăng say, đeo duổi đến cùng sự nghiệp để có thể trở thành chuyên gia đáng tin cậy”. Sau này ông còn mở rộng sang nghiên cứu văn hóa. Ông cho rằng: “Trong lịch sử văn hóa nhân loại, không một dân tộc nào tồn tại và phát triển nhờ dựa vào văn hóa nước ngoài. Văn hóa là sức sống bên trong, là cuộc vận động trí lực và tạo tác từ lao động, sinh sống và phát triển trong cái nôi địa hình thái (géomorphique) và môi trường của bản thân mình. Càng phát triển, bản sắc dân tộc của văn hóa càng rõ nét, đa dạng và trong xu thế hội nhập, giao lưu với văn hóa các nước. Bản sắc dân tộc nói chung và bản sắc văn hóa nói riêng là biểu hiện cao nhất của tư tương tự chủ, độc lập về chính trị, là biểu hiện của tiềm năng sáng tạo không ngừng của dân tộc. Một nền văn học đóng cửa, tự giam mình trong sự tù đọng của địa phương thì trước sau gì nó cũng bị xói mòn và cuối cùng là sự suy vong của nền văn học ấy”. Sự nỗ lực của ông đã được đền bù xứng đáng: ông đã được nhận học hàm Giáo sư; được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996); được công nhận Viện sỹ danh dự Viện Hàn lâm Khoa học Hunggari (1979) và được bầu giữ trọng trách trong một số tổ chức khác.

Nói đến Giáo sư Hoàng Trinh là có thể nói đến sự năng nổ, bền bỉ trong tự học, trong ý thức tập trung cao độ cho công việc của mình, nhất là việc học ngoại ngữ và sử dụng nó như một chìa khóa để mở cánh của đi vào khoa học, là sự dẻo dai trong công việc. Ông học tiếng Pháp từ thưở nhỏ và là đồng dịch giả của Đất vỡ hoang (Sôlôkhôp). Do thường phải đi công tác nước ngoài, ông càng thấm thía vai trò quan trọng của tiếng Anh trong giao tiếp, công việc nên ông đã hết sức nỗ lực tự học để rồi dần dần làm chủ được ngôn ngữ này mặc dù vào thời điểm đó ông không còn trẻ nữa. Sự tập trung cao độ vào công việc của ông đã gắn với những mẩu chuyện có thật nghe đến như… đùa. Một lần, ông đạp xe đi từ hướng phố Hàng Gai về nhà ở Lý Thái Tổ. Ông cứ cắm cúi đạp xe mà không hề biết rằng tàu điện đang đến. Khi ông lái kịp dừng tàu và hét lên, đúng lúc bánh xe ông gần chạm thành tàu, cả phố đổ mắt vào kinh ngạc thì ông mới biết mình vừa qua một tình huống hết sức nguy hiểm. Một lần khác, thời bao cấp, khi đi bỏ phiếu bầu Quốc hội, ông không hay là mình đang xếp vào dòng người chờ… đổi bún vì nơi đây cũng đang chăng đèn kết hoa rực rỡ. Chỉ đến khi bà hàng hỏi đến gạo ông đâu thì ông mới ớ người. Cũng thời ấy, khu tập thể chúng tôi rất ít nhà có tivi. Chúng tôi thường sang xem nhờ nhà ông. Nhà chỉ có một phòng chừng 16m vuông vừa là nơi làm việc, vừa là phòng ngủ, tiếp khách, xem tivi. Thường ông ngồi cùng xem phim với mọi người nhưng chỉ mấy lần thôi là chúng tôi phát hiện ra ông chỉ “nhìn mà không thấy” bởi khi phim vào đoạn mà mọi người cùng cười phá lên thì ông quay ra ngơ ngác… để rồi khi hết phim, ông lại ngồi vào bàn làm việc. Bà nhà cho hay là ông vẫn có thói quen thường trở dậy từ 4 giờ sáng để viết. Sau này khi đã cao niên, ông vẫn tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước. Nghiêm túc, cẩn trọng không chỉ trong công việc. Ít khi ai đó bắt gặp ông ăn mặc xuềnh xoàng. Bao giờ ông cũng xơ-vin nghiêm chỉnh, gọn gàng và đi đứng nhanh nhẹn. Tôi về cơ quan làm việc dưới quyền của cả năm đời viện trưởng. Có thể nói mỗi ông một tính cách, mỗi ông có một điểm nhấn trong cung cách ứng xử với nhân viên. Ở Hoàng Trinh, tôi nghiệm ra ông là người ít nói, ít có những cử chỉ xuề xòa, nhưng ông lại có sự quan tâm theo cách của mình. Đường đời của ông khá hanh thông nhưng tiếp xúc, quan sát ông, tôi thấy ông là người khiêm tốn, có phần lặng lẽ... Sau ngày nghỉ hưu, thay vì cho việc mời thân hữu đến nhà chơi nhân một dịp gì đó, ông lại đi xe ôm, đi tắc xi đến tận nhà bạn bè, đồng nghiệp. Bên cạnh ông luôn có bà săn sóc, ông bà lại ở chung cùng con cháu, cô con dâu mở quán cà phê nên khi đã cao niên ông không phải sống cô đơn, quạnh quẽ như một số người khác.

Trong hơn thập niên lại đây, nhiều người đã tậu thêm nhà, sắm thêm đồ đạc, chuyển đến nơi ở mới rộng rãi, tiện nghi đầy đủ hơn… nhưng ông vẫn sống trong một căn hộ chung cư cũ kỹ được phân hơn 25 năm về trước. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm ông bà. Những đồ đạc được sắm sanh từ ngày ông mới dọn về nhà mới vẫn còn nguyên, vẫn nước sơn cũ trên tường… Sức vóc ông bà ngày một xuống. Vẫn biết “miếng da lừa” sức khỏe của ông đã còn lại rất ít, nhưng khi được tin ông ra đi, tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng, xúc động và thương tiếc. Mà không riêng gì tôi, bởi ông đi trong một giấc ngủ kéo dài, không ốm đau, không một sự chuẩn bị đối với cả vợ con…

Thế là đôi chân từng đi rất nhiều lần đến các miền đất trên thế giới để tìm hiểu, để học tập, để giao lưu… đã ngừng bước. Đã ngừng đập một trái tim từng đau đáu với sự phát triển của nền khoa học xã hội nước nhà. Vĩnh biệt một giáo sư từng có nhiều công lao trong việc đào tạo nên các thế hệ học trò, các nhà nghiên cứu, một viện phó rồi là viện trưởng đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển của Viện Văn học mà tôi là một thành viên. Vĩnh biệt một nhà nghiên cứu có nhiều đóng góp cho nền học thuật nước nhà!…

Ông ra đi quá nhẹ nhàng thanh thản. Như là ông chỉ ngủ một giấc dài rồi sẽ dậy. Và trước mắt tôi, ông như vẫn còn đó, trong bộ quần áo xơ-vin giản dị, cúi đầu rảo bước nhanh nhẹn trên hè phố Lý Thái Tổ đang mùa rụng lá…

Quan Nhân - Hà Nội ngày 22 tháng 3 năm 2011
TÔN PHƯƠNG LAN

Nguồn: VHNA

Câu chuyện văn hoá khác:



Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

PHẠM CÔNG THIỆN & Ý THỨC MỚI

Bài dịch dưới đây là Lời nói đầu trong tác phẩm Ý thức mới - Phạm Công Thiện, Tư tưởng gia Việt Nam của tác giả Nohira Munehiro. Sách dày 350 trang, do Iwanami Shoten xuất bản tháng 6.2009, và năm 2010 tác phẩm này được nhận giải thưởng của Hội Sử học Đông Nam Á của Nhật Bản. Tác giả Nohira có nhiều năm đọc sách Phạm Công Thiện và khi viết tác phẩm đã sang tận Mỹ để gặp gỡ ông. Đây cũng chính là luận án đệ trình Tiến sĩ tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo. Xin cảm ơn dịch giả Nguyễn Tiên Yên và trân trọng giới thiệu bản dịch đến bạn đọc tham khảo, để hiểu thêm về một nhân vật đã sống và sáng tạo trong một giai đoạn lịch sử biến động ở miền Nam nước ta.
Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện

LỜI NÓI ĐẦU

Sách này sẽ cố gắng giới thiệu đến người đọc tiếng Nhật về nhân vật Phạm Công Thiện (1941-[2011]) - một tư tưởng gia, một thi sĩ đã xuất hiện tại Nam Việt Nam (tức Việt Nam Cộng hoà) thời chiến tranh Việt Nam, cũng như muốn làm sáng tỏ tư tưởng được cho là khó hiểu trong các tác phẩm của ông.

Phạm Công Thiện là một trí thức Phật giáo đại biểu cho Nam Việt Nam thời chiến tranh Việt Nam. Từ khoảng giữa thập niên 1960 trở đi, khi những trước tác của ông liên tục xuất bản, thì tiếng tăm ông lan rộng đến mức trở thành một hiện tượng thịnh hành với tên gọi hiện tượng Phạm Công Thiện, thậm chí còn được tôn sùng như thần tượng của giới trẻ đang sống trong tuyệt vọng chiến tranh(1). Thế nhưng đột nhiên ông mất tích khỏi Việt Nam vào năm 1970. Có thi sĩ gọi ông là ngôi sao băng(2).

Về một Phạm Công Thiện như ngôi sao băng đột ngột xuất hiện ở Việt Nam, xé toang đêm tối của thời đại chiến tranh rồi bất ngờ biến mất, hầu như không được biết đến ngoài lãnh thổ Việt Nam, và ngay ở Việt Nam hiện tại cũng chưa có được một đánh giá nghiêm cẩn(3). Tuy nhiên, theo như tôi thấy, ông không những mười phần xứng đáng để nghiên cứu lại như là nhân vật đã cật vấn rất căn nguyên về địa ngục chiến tranh Việt Nam ngay tại đất nước đương sự, mà tôi cho rằng tư tưởng ông đưa ra chứa đầy tính trọng yếu không thể nào bỏ qua được đối với chúng ta những kẻ đang sống trong thế giới hôm nay mà toàn thể địa cầu đã bị phủ kín bởi tri thức cận đại và khoa học kỹ thuật có nguồn gốc từ Tây phương. Cho nên, lẽ thường, tôi phải giới thiệu ông qua cách giải thích của riêng mình đối với tư tưởng nan giải của ông.

Điều trọng yếu cần phải quan tâm khi nghiên cứu tư tưởng Phạm Công Thiện đó chính là những tác phẩm mà ông đã viết, còn mấy thứ như kinh nghiệm từng trải, quá trình học tập hay công ăn việc làm chỉ dừng ở mức yếu tố thứ yếu. Tuy nhiên, với một nhân vật có thể nói gần như vô danh tại Nhật Bản, dầu sao chăng nữa trước tiên hết, tôi muốn giới thiệu thật đơn giản coi Phạm Công Thiện là nhân vật như thế nào. Để vậy, có lẽ phương pháp tốt nhất là trích dẫn nguyên văn mấy lời tự giới thiệu bản thân rất khác thường do chính ông viết vào những năm giữa tuổi 20. Trong thi tập Ngày Sanh của Rắn xuất bản năm 1966, bài tự giới thiệu được viết như sau:

Sinh vào năm rắn, bên dòng sông Cửu long, vì tranh luận học vấn với giáo sư, nên bỏ học trường lúc 13 tuổi, viết sách lúc 14 tuổi; làm giáo sư sinh ngữ từ lúc 16 tuổi đến 20 tuổi tại những trường ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Đà Lạt, Nha Trang; quyển sách khảo luận đầu tiên được xuất bản vào lúc 16 tuổi(4), viết quyển Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết học vào lúc 20 tuổi; học triết lý tại trường đại học Yale, đệ trình tiểu luận Ý niệm về chân lý trong tư tưởng Platon và Heidegger tại hội thảo triết lý ở Yale; tiếp tục học triết lý tại trường đại học Columbia, khinh bỉ giáo sư và bỏ học bổng của Viện Giáo dục Quốc tế, bị viện mời đi gặp bác sĩ phân tâm học, được mời khéo vào nhà thương điên, lại tranh luận với bác sĩ phân tâm học về giá trị và giới hạn của phân tâm học hiện đại, chỉ trích đời sống nông cạn của Mỹ quốc, sống lang thang lây lất ở xóm nghệ sĩ Greenwich Village tại New York; đã gặp Henry Miller, tại Pacific Palisades ở California, được Henry Miller nhận là Rimbaud lại ở thế kỷ XX, sau đó được một văn sĩ Do thái cho tiền để trốn qua Paris không giấy tờ, không hành lý, sống bơ phờ ở Bretagne, học văn chương tại trường đại học Rennes, khinh bỉ giáo sư, rồi lại bỏ đi và sống lang thang lây lất khắp hang cùng ngỏ hẻm ở Paris, làm clochard đi ăn mày, ngủ dưới cầu, ngủ trên vỉa hè, đói lạnh long đong và bỏ làm luận án tiến sĩ tại Pháp, được Henry Miller gửi tiền nuôi sống và được Henry Miller cho tiền rời bỏ Paris để sống lang thang giang hồ tại Thụy sĩ, Ý Đại Lợi, Ba Tư, Hy Lạp,Thái Lan, vân vân. Lúc ở Paris thì nhập bọn với nhóm nghệ sĩ trẻ ở Popoff, la cà vất vưởng ở xóm Saint Séverin và Saint Germain des Prés, đã gặp Krishnamurti hai lần tại Square Rapp. Hiện đang sống chờ đợi điên và chờ đợi chết, triệt để đứng ngoài tất cả ý thức hệ chính trị, đứng ngoài mọi sự tranh chấp tôn giáo, khinh bỉ tất cả văn hóa nhân loại, thù ghét tất cả mọi tổ chức xã hội, vô cùng kiêu hãnh, chỉ đi một mình và tự nhận là thiên tài độc nhất của Việt Nam.

Thật đúng với những gì tôi đã cảm nhận từ đoạn văn trên, Phạm Công Thiện - hay hậu thân của Rimbaud - là người nổi tiếng có lời nói hành vi cực kỳ quá khích ở Nam Việt Nam nửa sau thập niên 1960. Không chừng chính từ mấy câu tự giới thiệu này mà ông bị mang ấn tượng phải chăng đây chỉ là một nhân vật ma mãnh tự xưng thiên tài, rồi thì nói năng ba hoa, liều lĩnh chống đối quyền uy. Có điều, tất cả không gì khác ngoài ngộ nhận.

Từ thủa thiếu thời Phạm Công Thiện đã đọc thông hiểu một lượng khổng lồ sách vở cổ kim Đông Tây bằng nguyên ngữ, và có dáng vẻ bác học đến nỗi người trong thiên hạ phải gọi là thần đồng, là thiên tài. Nhưng đâu chỉ dừng lại ở bấy nhiêu đó. Ông còn đấu tay đôi với tư tưởng của Nietzsche, Heidegger, Henry Miller, Suzuki Daisetz, Long Thụ; ông lại mạo hiểm phá hoại nền tảng suy tư siêu hình học Tây phương – nơi khởi nguồn của chiến tranh cận đại cũng như phân tâm học; ở chỗ tận cùng của ý thức và tồn tại ông tìm thấy tư tưởng hố thẳm cần phải đối chọi với địa ngục (naraka) của thời đại chính là chiến tranh Việt Nam. Hơn nữa, giống như Henry Miller, sự minh tuệ của ông luôn gắn liền với đời người. Ông không bị cầm tù trong ‘vọng niệm’ như là ‘thường thức’ và ‘tập quán’ - những thứ do thế giới ngôn ngữ hiện tại tạo ra đã trói buộc đời sống con người, ông đốt cháy đời sống tự do của mình, ông sống y nguyên như vốn có. Đoạn tự giới thiệu trên đã bày tỏ chân thật điều đó.

Như chính ông cũng đã ý thức được bản thân “chỉ đi một mình”, trong lòng thét gào rất chính trực và cực cùng cô độc bất chấp bị thế gian cự tuyệt không chút đồng cảm. Vậy thì cái tư tưởng đó thật sự là như thế nào? Bắt đầu từ đây, tôi sẽ đuổi theo quỹ đạo của ngôi sao băng này.

Cấu thành của sách

Đoạn văn tự giới thiệu của Phạm Công Thiện dừng lại ở những ghi chép cho đến giữa tuổi hai mươi khi tập thơ được xuất bản, nhưng ở Chương Mở đầu, một lần nữa, tôi sẽ hết sức tóm tắt theo trình tự thời gian và muốn giới thiệu thật đơn giản về cuộc đời phiêu bạt từ lúc mới sinh cho đến tận hiện tại của ông(5), chủ yếu dựa trên những gì ông đã viết trong các trước tác của mình.

Chương Mở đầu giới thiệu cuộc đời ông đầy những thăng trầm, chỉ bấy nhiêu đó cũng thú vị lắm rồi, nhưng điểm mấu chốt của sách này nói chung không gì ngoài đương đầu với sự khó hiểu, và làm sáng tỏ tư tưởng của ông mà hầu như đã không được đặt thành vấn đề đích đáng. Có điều, chính vì tư tưởng của ông triển khai trên tiền đề là phải thông bác từng chữ Đông Tây kim cổ, vì thế nếu không có một tri thức tiền đề cỡ đó thì chắc chắn sẽ cảm thấy khó hiểu. Hơn nữa thuật ngữ mà ông sử dụng, ví dụ như thuật ngữ chủ yếu là Tính chẳng hạn, thoạt nhìn có vẻ đơn thuần nhưng thực ra bên trong ẩn chứa ý nghĩa độc đáo hoàn toàn khác với thông thường. Sẽ rất khó thâm nhập vào tư tưởng của ông nếu như không hiểu được những thuật ngữ như vậy có ý nghĩa ra sao, dù xét trên bề mặt hay xét về hình thức đi nữa, cho nên ngay từ đầu nhất thiết phải nát óc với những thuật ngữ độc đáo của ông coi chúng mang ý nghĩa là gì. Vì thế, Chương Một sẽ lấy vấn đề ‘ông đã suy nghĩ về chiến tranh Việt Nam như thế nào’ làm manh mối để giải thích về ý nghĩa của thuật ngữ chủ yếu Tính mà ông sử dụng. Sau đó, sẽ khảo sát xoay quanh sự lãnh hội của ông về ‘tư tưởng Heidegger’ và ‘Thiền’– là hai thứ đã làm tiền đề nghĩ ra thuật ngữ đó.

Chương Hai lấy trục chính là thuật ngữ Tính và Việt, tôi chọn ra Im lặng Hố thẳm tác phẩm đại biểu của nửa sau thập niên 1960 đã đề xuất tư tưởng Việt Nam độc đáo ở thời đại chiến tranh Việt Nam, và cố gắng đọc hiểu trước tác nan giải này. Ngoài Tính và Việt vừa nói, còn tiến hành khảo sát chú trọng vào những cụm từ hay danh từ riêng mà tôi cho là tối quan trọng trong trước tác này như Im lặng Hố thẳm cũng là tên của trước tác; như Dịch hoá pháp – chữ mà Phạm Công Thiện chọn làm dịch ngữ cho ‘Dialektik’ của Long Thụ đối kháng lại Biện chứng pháp; và như Không Lộ – cũng là tên của một Thiền sư Việt Nam thời xưa. Ngoài ra, từ Chương Hai trở đi sẽ tích cực sử dụng Lý luận Phân tiết Ý nghĩa Ngôn ngữ của Giáo sư Izutsu Toshihiko để cố gắng làm rõ ràng thêm về ‘tư tưởng của Phạm Công Thiện đã coi thuật ngữ Tính đóng vai trò trung tâm’.

Chương Ba sẽ luận về, ‘tính liên quan tư tưởng giữa Henry Miller, Heidegger và Phật giáo mà Phạm Công Thiện đã tìm ra’, và, ‘sự hình thành tư tưởng độc đáo của Phạm Công Thiện khởi từ đó’. Cụ thể trước hết, liên quan đến Thư ngỏ gửi Henry Miller tố cáo trạng huống chiến tranh Việt Nam, sẽ khảo sát về vấn đề nguyên do tại sao Phạm Công Thiện đã hỏi Miller câu hỏi tồn tại luận còn nặng ảnh hưởng của Heidegger. Tiếp theo, căn cứ trên tư tưởng của Heidegger và Miller mà truy tìm chân ý của mệnh đề táo bạo của Phạm Công Thiện Sein của Heidegger chính là Cunt của Miller. Rồi khảo sát tư tưởng Việt Nam của Cái và Con – mà Phạm Công Thiện đã đề xướng – nghĩa là như thế nào, dĩ nhiên có liên quan mật thiết đến ý nghĩa của mệnh đề trên, nhưng ở đây ông đã lựa chọn Cái và Con gần gũi hơn trong tiếng Việt.

Từ những khảo sát về tư tưởng của Phạm Công Thiện cho đến đây, Chương Bốn chuyển sang khảo sát đặt trọng điểm vào sáng tác của ông. Tôi sẽ chọn ra những sáng tác cụ thể của ông – người coi mình không phải tư tưởng gia cũng chẳng phải triết gia mà là một thi sĩ, và suy nghĩ xem có thể tìm thấy tư tưởng gì ở đó, thêm thay đối với ông thơ và nhà thơ mang ý nghĩa gì? Trước hết, Phạm Công Thiện là người đã phê phán Siêu hình học Tây phương như là nguyên nhân căn bản của chiến tranh Việt nam, như vậy ông đối chọi như thế nào đối với Tự ngã cận đại được hình thành ở nửa đầu thế kỷ XX trong văn học Việt Nam thông qua thuộc địa hóa của thực dân Pháp, đó là ‘khảo sát phương diện phá hoại trong tác phẩm của ông’ đặt trọng tâm vào tác phẩm Mặt trời không bao giờ có thực. Kế tiếp, Phạm Công Thiện đã lý giải như thế nào về mối quan hệ giữa làm thơ và quê hương để rồi biến nó thành tác phẩm, đó là ‘khảo sát phương diện sáng tạo trong tác phẩm của ông’. Rồi ngược về tận nguồn cơn làm thơ mà đối với ông được gọi là Thơ hay Nguồn Trong Trẻo viết hoa, để từ đó nhìn xem thi nhân làm thơ và tư tưởng về quê hương như thế nào bằng tiếng mẹ đẻ, nhờ đó mới suy nghĩ về quan hệ tính căn nguyên của ‘ngôn ngữ’, ‘thế giới’ và ‘thi nhân’.

Ở Chương Kết thúc sẽ nhìn lại những khảo sát từ đầu, chỉ ra cho thấy bước đi của cuộc đời Phạm Công Thiện, là bước đi hướng về chỗ đồng nhất – hiện đang tiềm phục có thể siêu việt thời đại cũng như hai bờ Đông - Tây, nó hình như được đánh dấu nghĩa là Tâm cũng là Nguồn Trong Trẻo; và là sự mạo hiểm mà con người hiện đại hướng về chỗ bên trong bản thân mình vẫn đang chưa biết.

NOHIRA MUNEHIRO
NGUYỄN TIÊN YÊN dịch

____________________
(1) Trần Tuấn Kiệt đã viết như sau về mối quan hệ giữa trước tác của Phạm Công Thiện với giới trẻ trong chiến tranh Việt Nam. “Ý thức Bùng VỡÝ thức Mới đầy phẫn nộ, cuồng bạo của Phạm công Thiện được tuổi trẻ đón nhận ồ ạt, ấy cũng vì tâm hồn người trai trẻ trong sóng gió muốn nương vào chiếc bè gỗ trên sóng gió mà đỡ bớt chới với trong Mê cung địa ngục.” (Trần Tuấn Kiệt, Tác giả tác phẩm, Đời sống và tác phẩm các văn nghệ sĩ Việt Nam, Sài Gòn, 1973, tr. 26–27).

(2) Lời mô tả Phạm Công Thiện của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền. Nhà văn Mai Thảo ghi như sau trong hồi tưởng của ông:

“Tôi nhớ bấy giờ là cuối năm 1970. Phạm Công Thiện, trong tư cách Khoa trưởng Văn khoa Đại học Vạn Hạnh, lên đường đi Âu châu dự một hội nghị đại học quốc tế rồi đi luôn không bao giờ còn trở về Việt Nam nữa. Hết thảy chúng tôi đều sững sờ, khó hiểu. Riêng Thanh Tâm Tuyền không. Bảo tôi: “Anh phải nhìn thấy sớm muộn rồi Phạm Công Thiện cũng phải một lần bỏ đi như thế, đi hẳn thật xa, mất tích. Có như vậy mới đúng là Phạm Công Thiện. Chúng ta ít nhiều là những định tinh. Hắn hơn là một hành tinh. Hắn là một ngôi sao băng”.

(Mai Thảo, Chân dung: mười lăm nhà văn nhà thơ Việt Nam, Văn Khoa xuất bản, California, 1985, tr. 146–147).

(3) Hiện tại trên homepage talawas – một diễn đàn văn hóa tư tưởng nghệ thuật của Việt Nam hiện đại do nhà văn Phạm Thị Hoài sống ở Đức chủ trương, có đăng tải một số tác phẩm xuất bản trước đây tại Nam Việt Nam của Phạm Công Thiện như Ý thức mới trong Văn nghệ và Triết họcMặt trời Không bao giờ Có ThựcHố thẳm Tư tưởngIm lặng Hố thẳm, các bản dịch Heidegger Triết lý là gì?Về Thể tính của Chân lý đã được số hóa từ năm 2006. Có thể duyệt xem tại địa chỉ http://www.talawas.org/.

(4) (nd) Tác giả bỏ sót không dịch câu này.

(5) (nd) Chú ý hiện tại ở đây là tính đến thời điểm sách này được xuất bản vào tháng 6 năm 2009, tức khoảng 2 năm trước khi Phạm Công Thiện qua đời tại Mỹ.

Nguồn: NVTPHCM 



Câu chuyện văn hoá khác:



Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều