Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

NHỮNG CÂU CHUYỆN ÍT BIẾT VỀ NGUYỄN SÁNG

Danh họa Nguyễn Sáng (01/8/1923 – 16/12/1988) kết hợp tư duy và thủ pháp của hội họa hiện đại Tây phương vào nghệ thuật dân gian Việt Nam để tạo ra những cách tân lớn trong tranh sơn dầu và sơn mài. Cuộc đời ông đi nhiều, giao du rộng, đồng nghiệp đông, nhưng nhìn lại thì rất ít bạn. Lên chiến khu Việt Bắc (12/1946), sau đó về thị xã Tuyên Quang, năm 1953 thì gặp một người đồng hương Nam bộ và chơi với nhau đến cuối đời. Trong cuộc trò chuyện khá dài với người bạn đặc biệt này (ông Nguyễn Kim Sơn, sinh 1927, hiện sống tại TP.HCM), TT&VH bước đầu khắc họa đôi nét tính cách của một danh họa lớn, nhưng thuộc diện kín tiếng...
Danh họa Nguyễn Sáng

Khắt khe trong tình bạn

“Từ trước 1953, tôi chưa hề quen biết Nguyễn Sáng, ngay cả với giới hội họa, tôi là kẻ ngoại đạo, ông Nguyễn Kim Sơn nay đã 81 tuổi nhưng còn khá minh mẫn, bắt đầu câu chuyện. Qua giới thiệu tôi về nghỉ an dưỡng ở gia đình nghệ sĩ nhiếp nh nổi tiếng Hồng Tranh (thị xã Tuyên Quang). Trong thời gian ở đây tôi có gặp Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Phan Kế An… và nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng khác. Nhưng rốt cuộc, hai anh chàng đồng hương Nam bộ dễ dàng chơi thân với nhau. Khi rảnh rỗi, Nguyễn Sáng hay cùng tôi đi lai rai “quốc lủi” (rượu quê) ở vài quán quen. Sáng thuộc kiểu người ít nói, anh thích rượu ngoại và thuốc lá 555 hộp sắt, 50 điếu, không đầu lọc, nhưng thỉnh thoảng mới có”.

Ông kể tiếp: “Suốt ngày, những lúc tôi rảnh, gần như Sáng chỉ thích thú uống rượu với tôi. Trước khi lên Việt Bắc, thời ở Hà Nội, Sáng sống chung với một cô Pháp lai, đến cách mạng tháng Tám, thì hai người chia tay, cô ấy về nước. Khoảng 1978, Sáng lấy cô Nguyễn Thị Thủy (1955-1979), nhưng ở với nhau được khoảng 1 năm thì cô ấy cũng mất do bạo bệnh. Trong các câu chuyện giữa chúng tôi, Sáng luôn nhắc về người mẹ ruột sống ở Mỹ Tho, người buôn gánh bán bưng, ráng dành tiền cho anh ra Hà Nội học mỹ thuật; anh cũng thường ân hận, vì suốt đời mình chưa phụng dưỡng mẹ già”.

Nguyễn Sáng vẽ gần như không đủ cân đối thu và chi, dù ông luôn miệt mài sáng tác, điều này thì trong giới mỹ thuật nhiều người biết. Nhưng vẽ để trả nợ cho ai, thì ông Sơn biết có 2 nơi là ông Đức Minh và Lâm Toét (cà phê Lâm, 60 Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội). Thỉnh thoảng cần số tiền để mua sắm toan, sơn dầu, thuốc vẽ… thì đến ông Đức Minh tạm ứng, sau đó gán tranh trừ dần dần; còn ăn sáng uống cà phê thì đến quán của Lâm Toét ghi sổ. Có tranh mới như sơn dầu, sơn mài thì nhà buôn Nhật thu mua, ngay cả các ký họa, vẽ nháp, vẽ phác thảo… người ta cũng lượm nốt. Ít khi nào trong nhà Nguyễn Sáng có sẵn các họa phẩm.

Có lần tôi hỏi Sáng: tại sao không chơi, không giao du với đám nhà giàu, họ sẽ trợ giúp chuyện tiền nong, vật liệu? Sáng cười và nói, nhưng người ta không hiểu mình, tìm một người để đi uống rượu, ngay trong giới với nhau, cũng hiếm lắm…

Sau khi hòa bình lập lại, mọi người nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, ít ai chú ý đến chuyện tranh pháo, do đó việc ông Lâm Toét có nhiều tranh đẹp của các họa sĩ nổi tiếng ở Thủ đô thời bấy giờ thì cũng không có gì ngỡ ngàng cả”.

Khắt khe trong tác phẩm

“Khi Sáng vẽ tác phẩm Giặc đốt làng tôi (khổ 127 x 87cm, sơn dầu) vào cuối năm 1953 ở Tuyên Quang, mà sau này nổi tiếng. Cả mấy tháng trời, ngày đi nhậu khuya thức dậy vẽ, một hôm Sáng kêu tôi dậy xem tác phẩm này, tôi nói đẹp vì đầy lòng căm thù đối với kẻ xâm lăng. Sáng ậm ừ, rồi lấy ngay con dao cạo bỏ bức tranh mà mình đã ôm ấp mấy tháng và chỉ nói: để như vậy không ổn, rồi vẽ lại. Sau khi phiên bản mới hoàn thành, tôi thấy vẫn bố cục, nhân vật, phong cảnh vùng núi Tây Bắc, nhưng Sáng vui lắm. Sáng chỉ gởi mỗi bức này đi dự triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần đầu (1954) và đoạt giải Nhất. Trước khi gửi đi, tôi hỏi sao không gởi tối đa 3 bức giống như quy định? Sáng trả lời: một bức không đậu thì có 30 bức cũng rớt”.

Ông Sơn cũng cho biết cá tính Nguyễn Sáng là người trực tính, dễ nổi nóng và thậm chí cộc cằn đến dễ sợ…

Nguyễn Sáng sống chân thành nhưng không dễ chan hòa trong giao du, ngoài các bức chân dung vẽ gia đình ông Lâm Toét, Đức Minh, Kim Sơn… thì cũng sẵn sàng nhận vẽ cho những người có hiểu biết về hội họa, và cả cá tính. Ông Sơn kể: “Ở Hà Nội, có một quan chức giàu có yêu cầu Sáng vẽ chân dung cho vợ mình là một hoa khôi, nhưng ông ta cứ ngồi xem và thỉnh thoảng góp ý, đến khi hoàn tất thì Sáng không ký tên mà nói ông kia ký. Khá căng thẳng, tôi dàn xếp cũng không xong, bỗng nhiên Sáng rọc bức chân dung ấy ném vào thùng rác. Sáng nói: nếu ông muốn tôi ký tên thì ông đừng hiện diện nơi đây. Tất nhiên ông chồng đành chấp nhận”. Ông Sơn khẳng định: “Dù nhiều lần vẽ theo yêu cầu, nhưng Sáng khá khắt khe và cực đoan. Như bức sơn mài Hai con mèo (khổ 80 x 54cm) treo ở nhà tôi đây, được vợ chồng ông Phạm Ngọc Tây (đã mất) và bà Trần Thị Mai đang định cư nước ngoài nhượng lại với giá hữu nghị, Sáng vẽ theo yêu cầu của họ (năm 1983), nhưng đầy cá tính của mình”.

Kỷ lục về “lương bổng” của Nguyễn Sáng thuộc về chân dung vẽ mẹ dược sĩ Cao Xuân Toàn, khi vị này về Pháp đã trả thù lao cho tác giả một chiếc xe hiệu PEUGEOT 102 màu đỏ, một áo lạnh đặc biệt, một cái mền dạ có dây kéo. Nhưng chiếc xe cũng nhanh chóng “đội nón” ra đi, và cuộc đời Nguyễn Sáng vẫn thanh thản, lạc quan trong thiếu thốn, nhưng khi rủng rỉnh thì khá phong lưu, chơi hết mình. Những năm cuối đời ở Sài Gòn ông triền miên, ngất ngưởng với chất men, mắt mờ tay run, ông mất cùng năm 1988 với hai danh họa khác là Dương Bích Liên và Bùi Xuân Phái.

VĂN BẢY/ TTVH (ghi)

Câu chuyện văn hoá khác:




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều