Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

NHỮNG CON CHÓ

2008 là năm cuối đời của cha tôi. Ông sống ở quê mà các con lại công tác xa nên cuối tuần mới về thăm được. Lúc rảnh việc, tôi lại về với cha và đỡ đần ông cơm nước, thuốc men. Cha bị ung thư phổi. Ông không nằm giường được mà phải nằm trên một chiếc ghế đệm có độ dốc cho dễ thở. Thời gian ở bên cha, tôi xúc động khôn nguôi khi phát hiện ra những hành vi của con chó tên Lu mà cha nuôi từ nhỏ.

Từ khi ông đau ốm, con chó không nằm ngoài hiên hoặc đi loanh quanh khu nhà như trước nữa. Nó vào nằm bên cạnh chiếc ghế cha nằm. Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy như suốt nhiều tháng ông ốm đau cuối đời, con Lu đã không ngủ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Vì ung thư giai đoạn cuối nên cứ sau hai, ba tiếng đồng hồ, cha tôi phải uống thuốc giảm đau và đi tiểu tiện. Mỗi lần thấy ông rên vì đau hay có ý ngồi dậy, con chó đang nằm tưởng như ngủ lại vội đứng dậy đến bên ông. Nó nhìn ông với đôi mắt thương yêu và chia sẻ. Tôi thường để chuông báo thức điện thoại, cứ một tiếng rưỡi thì dậy một lần để canh cha uống thuốc và vệ sinh. Nhưng có đêm mệt quá hoặc để nhầm giờ mà tôi không thức dậy lúc cha tôi đau hay cần giúp đỡ, và những lúc như thế, con Lu đã tìm cách đánh thức tôi dậy. Nó nhìn tôi, rồi nhìn về phía cha tôi. Nó không nói được tiếng người nhưng tôi hiểu nó đã nói gì với tôi. Sau khi uống thuốc, cha lại nằm thở nhè nhẹ và chìm vào giấc ngủ vì mệt và vì thuốc, tôi thấy con chó vẫn đứng bên ông cho đến khi nó nghĩ chủ đã ngủ thì nó mới nằm xuống dưới chiếc ghế của ông.

Sau này, ngồi nhớ cha, tôi lại nhớ đến con Lu. Trong sâu thẳm lòng mình, tôi mang ơn nó. Lu đã thay anh chị em tôi khi chúng tôi đi vắng, chăm sóc cha tôi theo cách của một con chó.

Ngày cha mất, Lu không đến gần ông. Nó đứng từ xa, nhìn về phía con cháu đang vây quanh cha tôi khóc đau đớn. Và tôi thấy con chó khóc. Đôi mắt nó giàn giụa. Rồi nó bỏ ra góc vườn nằm, không chịu ăn uống suốt mấy ngày tang lễ. Sau khi cha tôi mất, con chó lại ra hiên nhà nằm khi đêm xuống như trước. Nhưng thi thoảng nó bước vào căn buồng nơi chủ nằm khi còn sống. Nó đứng im lặng trong căn phòng. Tôi tin nó đang nhớ cha tôi.

Cũng từ khi cha tôi mất, người ta không nghe Lu sủa đêm nữa. Nó buồn bã trong im lặng và biếng ăn. Và sau 49 ngày của cha tôi, con chó ra góc vườn nằm, rồi chết. Anh chị em tôi đã chôn Lu trong khu vườn nhà mình. Những buổi chiều về quê, tôi thường ngồi lặng lẽ trên hiên nhà đến khuya. Tôi nhớ về cha tôi. Những lúc như thế hình ảnh con chó suốt bao đêm lặng lẽ bên cha cũng hiện lên như một con người có trái tim đa cảm, yêu thương. Chỉ là nó phải đội lốt thú mà thôi.

Lúc này tôi lại nhớ đến một người bạn Mỹ tên là John Baca. Ông là một cựu binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam. Baca sống cô đơn sau khi từ chiến trường Việt Nam trở về.

Năm 1990, ông cùng một nhóm cựu binh Mỹ sang Gia Lâm, Hà Nội để xây dựng trạm xá Yên Viên bằng tiền của họ và quyên góp từ các cựu binh Mỹ khác. Hồi đó tôi làm phiên dịch cho nhóm cựu binh này. Cứ chiều chiều, John Baca lại ngồi dưới mái hiên của khu nhà khách ở Yên Viên và không nói gì. Sau này tôi biết được rằng ông đang nhớ con chó của ông ở Mỹ.

John Baca bị thương nặng ở chiến trường Việt Nam. Khi trái gió trở trời những vết thương ấy lại hành hạ ông. Nhưng lúc đó, con chó cứ liếm nhẹ nhàng lên vết thương. Sự ấm áp đó đã làm cơn đau của ông dịu đi. Cha mẹ ông không còn, anh em ở quá xa, người yêu chưa có, nên con chó là niềm an ủi duy nhất trong những lúc ông cô đơn và đau đớn. Năm 1992, tôi đã đến thăm ngôi nhà nhỏ bé của ông trên một ngọn đồi. Tôi đã gặp con chó ấy, người tri kỷ nhất của John Baca. Hơn hai năm sau, con chó của ông mất, John Baca đã viết mấy dòng thư ngắn ngủi cho tôi thông báo con chó đã chết. Từ đó, ông không viết thêm lá thư nào cho tôi nữa.

Thế gian nhỏ bé nhưng có lúc trở nên mênh mông vô tận bởi sự cô độc. Tôi đã biết có những niềm an ủi từ một con chó. Có lẽ chính vì thế mà hầu hết các dân tộc trên thế giới rất yêu quí loài chó, chưa kể đến lịch sử mối quan hệ đặc biệt giữa con người và chó từ thuở hồng hoang.

Tôi phải thú thực rằng, tôi đã nghĩ nhiều tới những con chó như con chó của cha tôi. Bởi có những điều nó làm với cha mà tôi thực sự chưa làm được. Trong tôi vang lên một câu hỏi: Vì sao loài chó lại dành tình cảm đặc biệt như một con người nhân ái đối với người? Và câu trả lời cho tới giờ của tôi là: Khi ta đối xử với một con chó bằng tình yêu thương thì nó sẽ đáp trả một tình cảm mà ta không ngờ tới.

NGUYỄN QUANG THIỀU
Nguồn: VNE



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều