Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

SỐNG CHẬM CUỐI TUẦN: HỌC ĐI

Ông cha ta có câu “Học ăn, học nói, học gói, học mở” để nói về cái việc học đầu đời của mỗi con người. Nhờ được "học ăn, học nói, học gói, học mở" ngay từ thuở ấu thơ nên con người đã hình thành nên nhân cách, hiểu được cách ứng xử trong cuộc đời. Nhưng sao chỉ có học ăn, học nói, học gói, học mở mà không có “học đi”?
Tranh của họa sĩ Hữu Lộc (Tranh dự thi Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam 2018)

1. Người ta chỉ nói “tập đi" chứ chẳng ai nói "học đi" cả. Người xưa nghĩ: Đi là cái bản năng của con người. Sinh ra, lớn lên tự khắc sẽ biết đi. Tương tự, bây giờ mới phổ biến từ "học bơi", chứ trước kia thường nói "tập bơi", hẳn cũng vì quan niệm: trẻ em sống ở vùng biển, vùng sông nước, tự khắc theo bè bạn nhảy tùm xuống nước rồi sẽ biết bơi.

Vì thế, chỉ cần "tập đi", "tập bơi" là đủ. "Tập" tức là học cách làm theo người khác. Tập đi cũng khác nào sau này là tập đi xe đạp. Cứ làm theo là khắc biết đi, chẳng cần học hành cho mất công.

Lối tư duy ấy nó phù hợp với một xã hội nông thôn, nông nghiệp của đất nước ta thuở xưa. Nông thôn xưa thì làm gì có đường sá, xe cộ, quanh quẩn chỉ trong lũy tre làng. Đường sá trong làng chỉ dăm chục mét sống trâu xây gạch để đi khỏi lầy lội. Qua khỏi cổng làng là đường đất gồ ghề đầy ổ trâu, ổ gà và bị băm nát bởi lốt chân trâu. Mưa xuống thì lầy lội. Giá có cái xe đạp đi lại cũng thật khó khăn. Trừ khi có việc lên huyện, ra tỉnh mới được biết thế nào là đường cái quan, thế nào là xe cộ.

Bởi thế, việc học đi, học cách đi lại thế nào cho an toàn, cho phải luật, phải lệ cũng chẳng có ai đặt ra cả. Có chăng người ta chỉ bảo nhau đi đứng thế nào cho cái dáng người nó đàng hoàng, thanh thoát.

Nhìn cái dáng đi dáng đứng mà đoán được cái tính nết, cái tư cách của con người. Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà đi là cái thế đi của kẻ trượng phu. Đi đứng ngả nghiêng, khuỳnh khuỳnh, chân chữ bát, đi đứng xiêu vẹo hay khúm na khúm núm, lùi ra lùi vào là lối đi của kẻ tiểu nhân…

2. Việc học đi thuở xưa chẳng có ai đặt ra mà có đặt ra thì cũng chẳng biết dạy đi như thế nào vì làm gì có đường sá, xe cộ, luật lệ đi lại, xử phạt mà dạy.

Nay, nông thôn chúng ta đang tiến nhanh trên con đường đô thị hóa. Đường sá mở ra tới tận thôn xóm. Hầu như nhà nào cũng có xe đạp, xe máy và có hộ đã sắm xe công nông, xe tải, xe con. Việc đi lại khắp nơi trên đất nước không còn giản đơn như xưa nữa. Ra đường không thể theo lối “đường ta, ta cứ đi”. Muốn đi phải thì đi phải, muốn đi trái thì đi trái. Muốn rẽ ngang rẽ tắt là cứ tùy tiện mà rẽ. Bởi thế, việc học đi đã trở thành một nhu cầu học tập của tất cả mọi người.

Trẻ em ở nông thôn, thành thị ngày nay đến lớp mẫu giáo hay vào trường tiểu học đều phải học đi theo đúng luật giao thông. Các em đã được dạy cách qua đường, nhận biết đèn xanh đèn đỏ và đi bên phải đường…

Tuy nhiên, nhiều ứng xử phức tạp trong việc đi lại trong hệ thống giao thông hiện đại thì chỉ học như vậy cũng chưa đủ. Ở cấp mẫu giáo, tiểu học trong nhiều vùng nông thôn miền núi, theo chương trình học tập, các em cũng biết khi thấy đèn đỏ thì dừng lại, đèn xanh thì vượt qua nhưng thực tế tại quê mình thì làm gì có đèn giao thông, đại lộ. Lớn lên, các em lên tỉnh, ra thành phố học tập, làm việc lại phải có thời gian làm quen và lập phản xạ giao thông đô thị. Đó cũng là một quá trình học tập và thích ứng.

Nhiều người lớn từ nông thôn ra thành phố, nếu không được học và được thực hành tham gia đi lại cũng rất bỡ ngỡ và khó khăn trong thích ứng đi lại nơi đô thị.

3. Cũng phải nói một điều nữa rằng tổ chức giao thông đô thị của chúng ta còn quá nhiều bất cập. Nhiều người nước ngoài sống trong các đô thị lớn, với họ, luật giao thông quá rành nhưng khi phải đi lại trên đường sá Thủ đô hay các đô thị lớn của ta họ cũng chẳng biết đi như thế nào nữa vì dù có bật đèn xanh ở nơi ngã tư đường thì người đi bộ vẫn phải tìm cách lách mà qua các làn xe. Sang Việt Nam, lại phải học cách đi lộn xộn của người Việt chẳng giống ai.

Có nhà khoa học nước ngoài chỉ vì thích thú nghiên cứu các dòng người đi lại lộn xộn ở Thủ đô ta để tìm ra cái quy luật của người đi lộn xộn, nêu thành học thuyết về sự đi lại hỗn độn nên đã bị tử nạn khi qua đường!

Bởi vậy, học cách đi lại là một chuyện, tổ chức sao để đi lại cho khoa học cũng là một vấn đề vô cùng quan trọng để đảm bảo cái quyền đi lại an toàn của mọi người.

Có chuyện ông bố đèo con trên xe máy, tới ngã tư, đèn đỏ, mắt trước mắt sau không thấy cảnh sát giao thông đứng gác góc phố là phóng vèo qua. Thằng con ngồi sau nhắc bố “Sao đèn đỏ bố lại vượt qua"? Ông bố trả lời “Ối dào! Làm gì có công an mà sợ”. Thầy cô giáo dạy một đằng, cha mẹ lại dạy con một nẻo. Bố dạy con đi lại như thế thì chuyện học đi ở nhà trường phỏng có ý nghĩa gì?

Lại đây đó có chuyện cảnh sát giao thông rình hễ ai chạm vạch là cầm dùi cui ra chặn để phạt, thậm chí “làm luật”. Không phải nơi nào cũng được như cảnh sát giao thông ở Đà Nẵng thấy xe tỉnh lạ không thuộc đường thì ân cần giải thích và hướng dẫn người đi cho đúng luật mà không đe nẹt phạt nặng hay “làm luật”.

Rõ ràng trong giao thông của đất nước ta còn quá nhiều điều cần phải học. Từ cách học đi cho đúng luật, học tổ chức giao thông cho văn minh hiện đại và học cách ứng xử giữa người đi đường với nhau, cách ứng xử giữa cảnh sát với nhân dân cho phải phép.

Có lẽ nên thêm vào bài học đầu đời của dân Việt ta ngoài “học ăn, học nói, học gói học mở” cần phải có thêm “học đi” nữa. Không thể muốn đi thế nào thì đi.

VŨ THẾ LONG
Nguồn: TTVH



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều