Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2018

NHỜ CÓ VĂN HÓA MÀ CON NGƯỜI KHÔNG LẦM LẠC

Văn hóa giúp một quốc gia có thể ngẩng cao đầu, có thể sánh vai với các quốc gia khác trên thế giới…

1/ Đã qua một vòng tuần hoàn của trời đất. Trong vòng ấy, chỉ kể riêng giới văn hóa nghệ thuật đã có những tổn thất, thiếu vắng đáng kể: Các Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hán Văn Tình, Duy Thanh, Lê Dân, Phạm Bằng, Quang Lý, NSND Thanh Tòng, ca sĩ Minh Thuận; các nhạc sĩ: Lương Minh, Nguyễn Đức Toàn, Thanh Tùng; các đạo diễn, nhà quay phim: Châu Huế, Hùng Cường, Quốc Hương; các nhà văn: Lê Văn Thảo, Nguyễn Khắc Phục, họa sĩ Võ Xuân Huy… Con số có vẻ như lớn nhất từ trước tới nay trong vòng một năm.

Sự ra đi của họ đã giúp tôi nghĩ về họ nhiều hơn, về những đóng góp của họ với cuộc đời thông qua sự nghiệp văn học nghệ thuật của mỗi tên tuổi… Và nhắc tôi nhớ đến những lời khuyên trong cuốn sách “Ai rồi cũng sẽ chết” của Bác sĩ Atul Gawande. Ông khuyên rằng, hãy cố gắng không ngừng để sống một cuộc đời xứng đáng, được cống hiến cho đam mê, để được hạnh phúc bên cạnh những người mình yêu thương... và khi tuổi già hay cái chết cận kề cũng đừng lo sợ…

Nói cách khác, điều cần nhớ là mình đã làm được gì, chưa làm được gì so với khát vọng chính đáng của bản thân. Rồi nghĩ đến một mùa xuân mới đang đến: Lá non lại đang mọc lên xanh tươi, sau những lá vàng rụng xuống. Lớp này kế tiếp lớp kia để làm nên một đời sống văn hóa. Nhờ có văn hóa mà con người không lầm lạc. Văn hóa khiến cho một quốc gia có thể ngẩng cao đầu, có thể sánh vai với các quốc gia khác trên thế giới…

2/ Trong vòng tuần hoàn của đất trời không chỉ có “sinh lão bệnh tử”- dĩ nhiên, mà còn những cái mất mát khiến chúng ta ngẫm ngợi khôn nguôi, nhất là về lòng tham của con người. Lòng tham khiến cho những người đã tưởng “lập được công danh trong trời đất” bỗng chốc bị người đời chê trách, dị ứng.

Lòng tham tiềm ẩn trong bất kỳ ai, có người biết chế ngự nó nhờ có văn hóa. Văn hóa giúp cho con người không bị lóa mắt trước những thứ không thuộc về mình, mình không có quyền hưởng….

3/ Tôi đã sống hơn nửa đời người, đi nhiều nơi, càng đi càng thấy yêu thương đất nước mình, nhưng cũng càng thấy xót xa. Nước Việt nhờ có văn hóa mà thắng ngoại xâm, nhờ có văn hóa mà trường tồn, nhờ có văn hóa mà không ít người Việt được nể trọng khi sống ở các đất nước đa sắc tộc, các nước văn minh. Nhưng, với tất cả yêu thương, tôi cũng phải nói rằng, dường như chúng ta đã chủ quan, cứ tưởng văn hóa là có sẵn, cứ thừa hưởng mà không cần đắp bồi. Thậm chí chúng ta còn lầm tưởng kinh tế sẽ là lực kéo để kéo văn hóa.

Than ôi. Thiếu văn hóa (tầm nhìn, thẩm mỹ…) khiến cho nhiều cao ốc hiện đại mọc lên chen chúc mà quên nghĩ đến môi trường sống lành mạnh, đến không gian xã hội chung… Thiếu văn hóa khiến cho nmột số người có tiền sống trong những căn hộ sang trọng, đi siêu xe, quên mất cách ứng xử giữa người với người, sao cho phải…

Đôi khi tôi xấu hổ với những người bạn đến từ những quốc gia khác. Trong câu chuyện họ nói với nhau, tôi hiểu rằng, họ không hiểu vì sao chúng ta lại có những cái ví như: tượng đài xấu xí, băng rôn áp phích màu sắc phản cảm, không gian đô thị lộ cà lộ cộ….

4/ Ấn tượng cuối cùng của tôi là chuyện cộng đồng Việt làm từ thiện qua câu chuyện của MC Phan Anh. Một cộng đồng có văn hóa cần phải nhìn ra đâu là nơi đáng để “của tin gọi một chút này làm ghi”.

Bốn ấn tượng đó trong tôi khép lại một năm cũ đã qua, hy vọng chia sẻ với nhau để năm mới với những hy vọng mới. Kìa, bạn có thấy: “Tiếng gà nghe đã gáy sôi mái tường.”

TRẦN THỊ TRƯỜNG
Nguồn: TVN

Câu chuyện văn hoá khác:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều