Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

CẦN TỈNH TÁO VÀ LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN

Càng ngày, những vấn đề chính trị, thời sự của xã hội đất nước càng được quần chúng nhân dân quan tâm nhiều hơn, bàn luận nhiều hơn. Gia tăng không khí tranh biện sôi nổi có thể xem là một tín hiệu tích cực, dân chủ trong lộ trình phát triển văn hóa xã hội. Người dân đang ngày càng cởi mở và có trách nhiệm hơn đối với xã hội và đất nước - một thể hiện rõ nét của ý thức công dân.

Nhưng văn hóa tranh biện đang bộc lộ những lỗ hổng, những khiếm khuyết, lệch lạc… khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều. Điều này xuất hiện không chỉ trên mạng xã hội mà ngay cả trên báo chí và hệ thống truyền thông chính thống.

Người Việt hiếu thắng khi tranh luận. Người Việt hăng tranh cãi để giành phần hơn, phần thắng nhưng rất thiếu chỗ dựa, cơ sở lý tính đầy đủ và chính xác để làm sáng tỏ chân lý. Điều này dường như trùng khít với một nhận định được đưa ra trong cuốn "Tâm lý học đám đông" của Gustave Le Bon: "Cái đáng sợ nhất là người ta không nói bằng tiếng nói của bản thân, mà luôn núp sau một tập thể, nâng cao nó thành tiếng nói của một giai tầng trong xã hội và tự cho mình là chính nghĩa tuyệt đối".

Người ta dễ thấy rằng người Việt đang trong giai đoạn thiếu, hoặc yếu nền tảng văn hoá tranh luận. Chúng ta chỉ có ngôn từ để cãi vã và hơn thua.


Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, vì vậy tranh luận trên mạng xã hội nếu không kiểm soát được cảm xúc, dễ gây tổn thương cho người khác. (Ảnh mang tính minh họa)
Trên mạng xã hội, người ta dễ bị ảnh hưởng bởi đám đông, hoặc ưa lợi dụng tâm lý đám đông để che giấu trách nhiệm của bản thân. Tự nhiên chủ nghĩa, người ta cho rằng không cần tôn trọng đối thủ tranh biện, tha hồ xỉ vả, văng tục, “chụp mũ” người đối thoại... Đó là cách tự hạ mình, lưu manh hóa khi tranh luận. Dữ kiện đưa ra không giúp trở thành lập luận làm sáng tỏ vấn đề, chỉ thỏa mãn việc trút bức xúc của bản thân và chà đạp đối thủ. Tinh thần cao cả, trong sáng, hướng thượng trong tranh luận biến mất.

Đặc trưng của mạng xã hội là tính tương tác thuận lợi và nhanh chóng. Trên mạng xã hội, người ta dễ dàng gặp những người cùng sở thích, cùng yêu hoặc ghét những thứ như nhau. Mỗi người tham gia mạng xã hội đều có xu hướng xích lại gần nhau trong một nhóm có cùng khuynh hướng suy nghĩ, đồng dạng lập luận và phù hợp sở thích. Tương tác trên mạng xã hội dễ bị ảnh hưởng bởi chính ý kiến mà người chủ trang nêu ra.

Phản ứng xã hội mang tính nhị nguyên: hoặc đồng thuận, hoặc phản đối. Lâu dần, người tham gia mạng xã hội sẽ có xu hướng loại bớt khỏi danh sách bạn bè thường xuyên giao tiếp những người có chính kiến hoặc cách nhìn không phù hợp và tụ họp thành nhóm những người đồng tình.

Rốt cục, sau một quá trình tương tác lâu dài, người ta chỉ được cung cấp những thông tin một chiều, được đọc những lời vừa ý. Theo thời gian, vì thiếu tỉnh táo, người ta sẽ hoàn toàn không hiểu được các quan điểm khác mình.

Điểm thiếu hụt chính là nhận thức. Hạn hẹp hiểu biết cộng với niềm tin ngây thơ, bị lôi kéo vào hội chứng đám đông đang đẩy đa số người phát ngôn trên mạng sa vào vũng lầy dân túy chủ nghĩa, có xu hướng đả phá, truy tận gốc, “bức tử” giới mà họ coi là có quyền chức, là lớp tinh hoa, nhiều đặc quyền đặc lợi.

Và họ chính là "đám đông" mà đám dân chủ cơ hội (tôi không nói những người mang tư tưởng dân chủ thực sự) muốn lợi dụng, kích động để tạo "hậu thuẫn". Các KOLs (Key opinion leaders - những người có ảnh hưởng đối với cộng đồng ở trên mạng) đều có một lượng lớn người hâm mộ (fans) đông đảo dạng này.

Người hâm mộ luôn tung hô, ủng hộ điên cuồng các “thần tượng” nhưng chưa chắc đã biết là đang ủng hộ cái gì, đúng hay sai. Các bài viết lợi dụng đám đông, sặc mùi dân túy đó cũng thường chẳng có nội dung gì hay ho, chỉ đơn giản là chửi chế độ, chửi nhà nước - chính quyền hoặc nói lấy được, thậm chí bịa đặt và nói càn...

Tuy đông đảo, nhưng lượng người hâm mộ không thể thành một lực lượng xã hội thật sự. Họ chỉ là tập hợp một số đông thiếu chủ kiến, dễ bị lung lay và bị lợi dụng, kích động. Họ rất dễ cùng công kích thóa mạ một chủ trương, một chính sách, một hiện tượng, một vụ việc khiến họ bất mãn, để rồi ngay sau đó quay sang công kích, mạ lị lẫn nhau. Họ mang sẵn trong óc tinh thần hư vô chủ nghĩa, không có mấy ý thức chính trị rõ ràng. Họ chỉ áp đảo dư luận bằng số đông.

Ngay cả các “hot KOLs” cũng rất dễ sa lầy vào cái bẫy do chính mình tạo ra. Sự tung hô của đám đông khiến họ ngày càng lún sâu vào việc viết, trình bày sao cho hợp khẩu vị đám đông, để rồi chính họ sẽ rơi tõm vào vũng bùn tha hóa. Họ trở nên ảo tưởng độc tài truyền thông, một dạng cá nhân ảo tưởng vĩ cuồng khi được đám đông dại dột và thiếu tỉnh táo sùng bái, tung hô thành thần tượng.

Trong bài viết khá dài có tựa "Narrative Techniques of Fear Mongering" (Kỹ thuật thổi phồng nỗi ám ảnh sợ hãi), nhà báo Mỹ Barry Glassner đã từng nhận định: "Lúc tốt nhất, mạng xã hội đem lại tiếng nói cho những người yếm thế, đưa bất công ra ánh sáng; còn lúc tệ nhất, nó là vũ khí huỷ diệt thanh danh hàng loạt, khuếch đại những phỉ báng, bắt nạt sự ngu ngốc vô tình của con người. Mạng xã hội là một con dao hai lưỡi. Chọn cách kiểm soát và sử dụng nó như một người đầy tớ tốt hay chấp nhận nó chi phối như một ông chủ xấu của chính ta, điều đó hoàn toàn phụ thuộc và sự sáng suốt của mỗi cư dân mạng".

Chọn sự tỉnh táo, có trách nhiệm với bản thân và xã hội hay cảm tính thả mình trôi theo sự vô trách nhiệm, dạt dần về phía hư vô chủ nghĩa, đó vừa là phẩm chất, vừa thể hiện năng lực của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, cần nhớ rằng bất kỳ trong hoàn cảnh hay trường hợp nào, một lập luận tốt là một lập luận dựa trên lý lẽ và bằng chứng. Nó phải thỏa mãn hai điều kiện là tính hiệu lực và tính đúng đắn.

NGUYỄN HỒNG LAM
Nguồn: VNCA


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều