Mới đây, trả lời câu hỏi của đại biểu quốc hội về vấn đề
đạo đức, vị bộ trưởng phụ trách lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch thừa nhận,
sự xuống cấp của đạo đức xã hội hiện diễn biến rất phức tạp với nhiều biểu hiện.
Và theo ông, nguyên nhân thì có nhiều nhưng chốt lại, sự sa sút xuất phát từ “kinh tế là cái gốc”.
Tiền có mua được đạo đức?
Nội hàm từ
“kinh tế” khá rộng, có những khía cạnh của kinh tế ảnh hưởng lên đạo đức. Ví dụ,
giải Nobel Kinh tế năm 2018 được trao cho hai nhà nghiên cứu người Mỹ William
Nordhaus và Paul Rome về những khám phá của họ giúp đạt được tăng trưởng kinh tế
toàn cầu bền vững lâu dài cũng là cách đề cao yếu tố đạo đức trong phát triển
kinh tế.
Nhưng nói kinh
tế theo nghĩa là gốc của đạo đức là cách đặt vấn đề cần phải được tranh luận
cho tỏ tường.
Báo chí không
ít lần đề cập chuyện có những người ăn vận sang trọng ngồi xế hộp mà lại quăng
bịch rác ra đường, một số thanh niên vẻ ngoài sang chảnh nhưng lại có hành vi
thiếu chuẩn mực nơi công cộng…
Trên bình
diện quốc gia, GDP nước ta trước đây
trên dưới 1.000 thì nay là trên 2.400 USD, vậy nếu tính sơ sơ một cách cơ học, đạo đức ít ra phải cao… gấp
đôi so với trước chứ?
Nhiều vấn đề tôi gặp trong đời sống cũng cho thấy sự tréo
nghoe giữa đồng tiền và đạo đức, văn hóa.
Một sáng cuối tuần tôi ra chợ gần nhà mua trái cây. Khi
xách bịch quýt đi chục mét thì thấy chị bán hàng chạy theo tay cầm hai trái
quýt nhét vào bịch của tôi, hỏi lý do thì chị không trả lời. Sau này mua quen rồi
hỏi chuyện, chị nói: Đi chợ mua đồ thì phải trả giá, đây nói giá cao chút để
khách trả xuống bán là vừa, anh không trả giá làm cho tui bán mắc... À ra thế, ở
giữa chợ đời có người bán mắc cho khách 5-7 ngàn là run tay, thấy lòng bất an!
Cũng gần khu chợ này có tiệm cơm bình dân thỉnh thoảng tôi ghé ăn. Anh chủ
quán là người ruột để ngoài da, cơm
thêm, trà đá không tính tiền, rau sống ăn thoải mái, mọi yêu cầu của khách đều
được đáp ứng với nụ cười thân thiện. Một hôm ăn xong tôi không có tiền nhỏ đưa
tờ 500 ngàn, chủ tiệm không có tiền thối. Anh nói: để đó lần sau ra ăn rồi
tính.
Tôi qua bên đường
có siêu thị nhỏ mua mấy món đồ lấy tiền trả thì anh tỏ vẻ không vui,
nói: "bộ chê tui nghèo không có tiền cho anh thiếu vài bữa hay sao"?
Nhìn bịch nấm linh chi tôi đang cầm, anh dặn "cái đó đi mấy bước ra chợ
mua cho rẻ, trong đó bán mắc". Thì ra ngoài tính tình rộng rãi, anh còn là
người biết lo việc của người khác!
Tiệm cơm của ông lúc nào khách cũng đông vui chắc một phần cũng từ cái tâm của
chủ tiệm.
Dì Sáu
bán bánh lọc trong con hẻm nhỏ, tôi thích ăn vì gia vị giống món bánh lúc sinh
thời mẹ tôi làm. Nhưng cái hẻm dì
ngồi bán khá nhỏ, có lúc đi công việc về bằng ô tô thèm mà ghé ăn không được.
Nghe tâm sự, dì cho tôi số điện thoại, nói: "khi mô đi xe to thì đứng đầu
đường gọi dì cầm ra cho". Một lần tôi gọi, chốc sau thấy dì tất tả cầm hộp
bánh chạy ra, ngoài tiền bánh tôi gởi thêm chút tiền công dì dứt quyết không lấy:
"Mi bắt tau lấy thì lần sau gọi tau không đem ra mô"... Cái giọng Huế
thần thánh cứ vẳng bên tai mỗi khi tôi có dịp đi qua con đường này!
Tôi có thể kể cả chục câu chuyện tương tác dễ thương của tôi với những người lao động
bình dân, những người ăn bữa
mai lo bữa hôm nhưng cư xử tự trọng, tình nghĩa như thế, họ nghèo mà đạo đức không hề thấp! Chị bán
trái cây, ông chủ tiệm cơm, dì Sáu bánh lọc... là một phần nguyên nhân
làm tôi yêu cuộc sống, khiến những đứa con tha hương dù thành ông này bà nọ, ở
xa cách mấy cũng muốn quay về, nếu chưa về được thì trong lòng đau đáu hai chữ quê hương!
Nhưng tôi cũng
còn những niềm đau đáu khác. Tôi đã đọc một tài liệu về "Những tên
tội phạm cổ cồn trắng" (White - colour crimes) nói về sự phạm pháp của tầng
lớp có địa vị cao trong xã hội như
chính trị gia, giám đốc tín dụng ngân hàng, nhà môi giới chứng khoán nổi tiếng,
chuyên gia đa cấp... Những thành phần trang phục bóng bẩy đi xế đắt tiền, ngồi
phòng máy lạnh... họ có nhiều cơ hội chỉ dạy người khác, thậm chí rao giảng đạo đức. Nhưng ở góc độ tội phạm
học, vi phạm của họ gây tán gia bại sản không biết bao nhiêu gia đình,
có thể gây đình trệ một nền công nghiệp của xã hội, người bị liên lụy đến hàng chục hàng trăm...
Thời gian qua ở
nước ta loại tội phạm này nổi lên khá nhiều và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đó là
những Huyền Như, Vũ Nhôm, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn
Thanh Hóa, Dương Chí Dũng...,
Dẫn những câu
chuyện này ra không phải bởi tôi “kỳ thị” người giàu có. Sự giàu có chính đáng
trong xã hội, thời đại nào cũng đáng trân trọng và cần được trân trọng. Ở
đây, tôi chỉ muốn chia sẻ một khía cạnh mà tôi tán đồng trong phần tranh luận của
vị đại biểu với ông Bộ trưởng trên nghị trường, đó là: Tiền không thể mua được đạo đức xã hội.
Củng cố nền tảng đạo
đức xã hội
Trong một lần chờ xe đi sân bay, tôi vào tiệm sách ở ga
Tokyo, tranh thủ đọc mấy trang sách viết về lòng trắc ẩn. Khi xe đến, trên đường
đi những điều tôi vừa đọc được chứng thực qua cái cách xã hội Nhật quan tâm người khuyết tật như vỉa hè đi bộ, chỗ ngồi
ưu tiên trên xe, nhân viên xã hội xuất hiện khi xe đến trạm...
Một lần khác
khi thấy một anh công dân Nhật dùng chiếc máy xúc lên từng xới đất dưới rãnh
sâu gần 3m nhặt những viên xà bần nhỏ cỡ nắm tay trẻ em lẫn trong đất để riêng
ra, thấy tôi ngạc nhiên thì được giải thích: sắp hạ đặt hệ thống cống nên phải
tìm cho hết các cục xà bần lẫn trong đất để khỏi gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Anh nói thêm, nước ngầm vùng này nổi
tiếng độ tinh khiết...
Tôi tự nhủ
"làm việc không đâu, nước ngầm mà nói tinh khiết ai kiểm chứng"...
Nhưng trên chuyến bay của hãng ANA (All Nippon Airways) tôi được cô tiếp
viên phát chai nước ngoài nhãn
ghi: "Nước đóng chai được lấy từ
nguồn ở thị trấn Nuyzen", tên vùng đất trong câu chuyện tôi vừa kể trên.
Vậy đó, tôi thầm
nghĩ, khi lời nói, sách vở, và thực tế cuộc sống khớp nhau hài hòa như thế thì người dân có lòng tin, coi trọng sách vở, và
ý thức giữ gìn văn minh kỷ luật xã hội sinh ra một cách tự nhiên thành nền tảng
đạo đức.
Thiết nghĩ, văn minh xã hội, đạo đức con người là tổng
hòa của nhiều yếu tố mà kinh tế chỉ là một, còn tựu trung nhất phải kể đến yếu
tố văn hóa giáo dục, pháp luật nghiêm minh, sự gương mẫu của ba giềng mối là nhà trường, gia đình và xã hội. Và nhìn
sâu xa, các giềng mối trên phải được xây dựng trên một cái nền chính trị liêm
chính. Lòng tin của người dân vào thể
chế, ý kiến của người dân phải
được tôn trọng, chính khách nói phải đi đôi với làm, người tài đức phải được trọng
dụng, pháp luật phải công bằng nghiêm minh, người làm công vụ phải trong sạch
minh bạch tài sản v.v... là những điều cần củng cố để xây dựng đạo đức văn minh
xã hội.
Lương không đủ
sống mà một số cán bộ xây dinh cơ biệt phủ rồi nói tài sản do buôn chổi nuôi
heo mà có. Tài sản quốc gia lọt vào tay các nhóm lợi ích hoặc những cá nhân biến
chất, v.v… Những chuyện nghiêm trọng như thế mà không xử lý nghiêm khắc,
đến nơi đến chốn thì dẫu Việt Nam có vươn lên thành cường quốc kinh tế thế giới e cũng không giải quyết được vấn
đề đạo đức, văn hóa xuống cấp.
TRÚC NGUYỄN
Theo TVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét