Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Nguyễn Quang Thiều mãi mãi là ẩn số

Nguyễn Quang Thiều là ai? Câu hỏi ấy cứ mãi ám ảnh tôi. Đã hơn mười lăm năm chơi với anh, càng gần càng hiểu anh thì câu hỏi ấy lại càng ám ảnh tôi, như một ẩn số không bao giờ có lời giải. Ẩn số ngay cả khi tôi cùng nhà thơ Nguyễn Quyến ngồi trà đạo xuyên đêm với Nguyễn Quang Thiều tại ngôi nhà sinh trưởng nên anh ở làng Chùa bên bờ sông Đáy; ngôi nhà và cái làng mà tình yêu, ước mơ và sự hiến dâng của anh dành cho nó cũng là một điều bí ẩn, nhất là từ khi cha mẹ anh cùng ra đi trong vòng một năm: “Thi thoảng tôi thấy khu vườn rực sáng và tôi nhìn thấy cha tôi đang ngồi uống trà dưới vòm lá đào. Nhiều lúc, tôi không nghĩ hình ảnh ấy là của ký ức mà là một hình ảnh của hiện tại. Nó có thật. Và nhiều đêm gần sáng, tôi lại nghe từ căn buồng bên cạnh tiếng mẹ tôi rành rõ gọi tôi lấy cho bà chiếc chậu để bà đi tiểu đêm…”
Hai nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và Phan Hoàng

CÓ LẼ KIẾP TRƯỚC LƯỜI NHÁC QUÁ… VÀ THÈM MỘT LẦN ĐƯỢC NGỦ DẬY MUỘN

Với mọi người một giấc ngủ muộn là chuyện bình thường. Nhưng với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đó là cả một niềm mơ ước. Bởi công việc và công việc cứ mãi cuốn lấy anh.

Chẳng những tôi mà nhiều người cũng ngạc nhiên không hiểu Nguyễn Quang Thiều lấy đâu ra thời gian và năng lượng để làm việc dữ dội đến vậy. Anh làm thơ, viết truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch sân khấu, kịch bản phim, tiểu luận và liên tục in sách. Anh cũng không ngừng xuất hiện cùng các bài báo dưới hàng loạt bút danh khác nhau, rồi biên tập, phỏng vấn trực tuyến. Anh còn là một trong những nhà văn đi nước ngoài như “đi chợ”, thường xuyên dự các hội thảo văn học, liên hoan thơ quốc tế,…

Vậy thì thời gian đâu để Nguyễn Quang Thiều làm… chồng và dành cho những riêng tư của mình? Phải chăng anh có bí quyết sắp xếp thời gian nào đó? Trước boăn khoăn của tôi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thổ lộ:

- Đã có nhiều người hỏi tôi câu hỏi này. Quả thực tôi đã sống như một dòng nước chảy xiết chưa một phút chậm lại. Tôi cứ nghĩ có lẽ kiếp trước mình lười nhác quá, rong chơi nhiều quá… cho nên kiếp này phải trả nợ. Đã nhiều lần tôi muốn dừng lại cường độ làm việc như thế nhưng tôi không thể nào làm được. Tôi không có bí quyết gì trong việc sắp xếp thời gian. Tôi chỉ là kẻ có khả năng say mê mọi công việc. Có những việc lúc đầu tôi bắt tay làm như một sự bắt buộc. Nhưng chỉ ngay sau đó, tôi đã làm như một kẻ tự nguyện điên rồ. Tôi không biết như thế có phải là một sai lầm hay không.

Thời gian dành cho riêng tư tôi thực sự không nhiều. Sống ở thành phố hình như tôi không có thời gian cho những riêng tư. Nhưng tôi may mắn có một làng quê cách Hà Nội không xa. Thế là, cuối tuần lái xe về làng, sống gần như một mình trong ngôi nhà của ông bà, cha mẹ tôi. Tôi đi câu, chăm sóc cây cối trong vườn và đêm xuống tôi ngồi trong vườn uống cà phê, lắng nghe mọi âm thanh của khu vườn.

* Chăm sóc cây cối và cũng phải chăm sóc vợ một chút nữa chứ. Tôi mà là vợ anh thì khó lòng sống với một đấng lang quân suốt ngày chỉ biết tới công việc, chữ nghĩa và làng quê. Tôi cũng nghe nói tác giả Sự mất ngủ của lửaluôn ngủ rất ít, đúng không thưa nhà thơ?

- Tất nhiên tôi cũng phải dành thời gian cho vợ con rồi, nhưng không được như ý muốn. Nhiều năm nay, có những buổi tối tôi hạ quyết tâm ngày mai mình sẽ ngủ dậy thật muộn, sau đó sẽ đi uống cà phê rồi tắt điện thoại và chìm vào một cuốn sách hay những trang bản thảo của mình. Vậy mà cho đến lúc này, cái ngày mai ấy vẫn chưa tới. Tôi vẫn như một cậu bé thèm được một ngày ngủ dậy thật muộn.


Ít ngủ nhưng nhìn anh lúc nào cũng rắn chắc, cũng phong độ, kể cũng lạ. Đã ở tuổi “tri thiên mệnh”, anh quan niệm ra sao về thời gian? Anh có chịu áp lực hay nỗi ám ảnh về thời gian?

- Đúng là quan niệm về thời gian đã thay đổi hoàn toàn trong tôi, không phải ở tuổi tri thiên mệnh mà từ nhiều năm trước. Tôi không “định giá” thời gian theo những chiếc kim đồng hồ mà theo những gì chứa đựng trong khoảng thời gian mình đã sống. Mỗi khi ngồi một mình trong khu vườn ở làng Chùa, lòng tôi ngập tràn những ký ức, những sự kiện và những suy tưởng hay những lúc tôi đang sáng tạo là những lúc thời gian chứa trong đó một trữ lượng khổng lồ của những giá trị sống. Tôi đã từng nhiều lần suy nghĩ về cái chết. Hồi còn trẻ, tôi đã từng trực tiếp bốc mộ hoặc chứng kiến công việc bốc mộ những người thân đã mất. Quả thực lúc đó, ý nghĩ về cái chết đã làm tôi hoảng sợ khôn cùng. Nỗi sợ hãi ấy đã bám theo tôi một thời gian rất dài. Nhưng thời gian với những kinh nghiệm sống và những khai mở trí tuệ, tôi đã nhìn cái chết với một tinh thần khác.

* Anh nhìn cái chết với một tinh thần khác, cụ thể…

- Nó làm tôi chắt chiu những giây phút mình sống. Nó làm tôi chia sẻ, cảm thông và nhân ái với con người hơn. Nó làm tôi có thể ngồi cả buổi chiều trong vườn vào một ngày xuân ngắm nhìn vẻ đẹp diệu kỳ của hoa lá và tiếng chim. Nó làm cho tôi khát khao được chết trong một ngày tại khu vườn quanh ngôi nhà ở làng Chùa đầy gió và hương thơm của hoa nguyệt quế. Khi hiểu được điều đó, chúng ta sẽ nhận ra sự kỳ diệu của thời gian chứ không phải nỗi đe doạ của nó.

Tôi tin tinh thần đối với thời gian và cái chết của anh sẽ giúp khai mở cho không ít tâm hồn đang u uẩn. Theo dòng thời gian, cho tới bây giờ những khoảnh khắc nào trong đời mình mà anh thường nhớ tới?

- Đó là những khoảnh khắc tôi được sống với những người thân yêu như bà nội tôi và cha mẹ tôi. Ngôi nhà ở quê tôi đã được sửa sang sạch sẽ và nhiều ánh sáng, nhưng thi thoảng tôi vẫn nhận thấy trong căn buồng nơi bà nội tôi nằm khi đau ốm vì bệnh bại liệt sực nức mùi thuốc Bắc và mùi nước tiểu của người già. Sau khi cha mẹ tôi mất, tôi về quê và nhiều lúc thức suốt đêm trong ngôi nhà này. Thi thoảng tôi thấy khu vườn rực sáng và tôi nhìn thấy cha tôi đang ngồi uống trà dưới vòm lá đào. Nhiều lúc, tôi không nghĩ hình ảnh ấy là của ký ức mà là một hình ảnh của hiện tại. Nó có thật. Và nhiều đêm gần sáng, tôi lại nghe từ căn buồng bên cạnh tiếng mẹ tôi rành rõ gọi tôi lấy cho bà chiếc chậu để bà đi tiểu đêm. Tôi không rõ những hình ảnh kia và giọng nói kia sẽ tồn tại đến khi nào và có hình ảnh nào, âm thanh nào khác có thể chen vào không.

MỐI QUAN HỆ THIÊNG LIÊNG BÍ ẨN & ƯỚC NGUYỆN XÂY THƯ VIỆN CHO TRẺ EM LÀNG CHÙA

Thật khó khăn nếu như có năm nào đó tôi phải rời xa làng quê Hoà Đồng ở Phú Yên để ở lại Sài Gòn ăn Tết. Làng Chùa đối với Nguyễn Quang Thiều cũng vậy. Anh không bao giờ rời xa cái Tết cổ truyền làng Chùa thuộc xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây cũ mà nay đã nhập vào Hà Nội, nơi anh đã cất tiếng khóc chào đời ngày 13.02.1957. Đặc biệt, ngay cả bây giờ trên cương vị phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, anh vẫn thường xuyên có mặt ở làng khi có thể, rồi “ông phó chủ tịch hàm ngang thứ trưởng” còn lo tổ chức hội thơ, làm thư ký cho cuộc thi thơ làng Chùa. Ngược lại người làng Chùa cũng rất yêu quý, tự hào và trân trọng đứa con tài hoa và nhân ái của làng.

Tôi đinh ninh là người làng Chùa chắc hẳn Nguyễn Quang Thiều rất mê lễ chùa, nhưng theo anh:

- Tôi khác rất nhiều người, tôi rất ít đi chùa vào mùa xuân và thậm chí vào những mùa khác trong năm. Nếu tôi không gặp may mắn thì tôi cũng không dám kêu ca, trách móc Thần Phật sao không phù hộ độ trì cho tôi. Thời gian này, tôi vẫn chỉ muốn về làng Chùa của mình.

* Cái Tết làng Chùa của anh năm Tân Mão này có gì mới?

- Năm nay, tôi trồng thêm được một cây đào trong vườn mà bạn tôi, một người nông dân, chở từ Sơn La về vì biết tôi thích trồng hoa đào trong vườn. Tôi muốn trở về để ngắm hoa mơ, hoa đào nở trắng khu vườn trong sự yên tĩnh đến tột cùng tinh khiết. Tôi muốn chiêm ngưỡng và hưởng thụ những vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên. Và cũng để có thời gian tạm xa thành phố với cuộc sống ngạt thở và quá nhiều trống rỗng mà tôi cũng là một kẻ ít nhiều đóng góp vào nỗi ngạt thở và sự trống rỗng đó. Và để chiều cuối năm, tôi được lang thang trong gió lạnh và mưa bụi trên cánh đồng cuối làng giữa những ngôi mộ của những người thân đã khuất. Tôi thường ngồi lâu hơn trước mộ mẹ tôi. Tôi muốn được nhìn thấy mẹ tôi một lần nữa. Tôi muốn nghe được chính giọng nói mẹ tôi tha thứ cho những lỗi lầm nào đó của tôi với cuộc đời này. Tôi không bao giờ quên được một đêm trăng khi mẹ tôi còn sống. Đêm ấy mẹ con tôi ngồi bên nhau trong khu vườn đầy trăng và ngào ngạt hương nguyệt quế, mẹ tôi nói: “Khi mẹ mất đi rồi, có còn ai yêu con như mẹ nữa không”. Nhưng cho dù chẳng còn ai yêu tôi nữa thì tình yêu thương của mẹ dành cho tôi đủ giúp tôi không cô độc đến hết đời.

* Đúng vậy, trên cõi đời này không tình yêu thương nào lớn lao hơn tình mẫu tử. Và tôi không tin bất kỳ con người nào có thể sống tình nghĩa nếu họ không phải là người con hiếu thảo. Ngoài những ký ức anh vừa thổ lộ thì làng Chùa còn những bí mật gì có sức hút mãnh liệt đối với anh?

- Mỗi người đều có một mối liên hệ vừa mơ hồ, vừa bí ẩn, vừa thiêng liêng và vừa uy quyền với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thực ra, tôi không thể lý giải được rành mạch mối liên hệ này. Nhưng tôi hiểu mối liên hệ này được tạo dựng lên bởi rất nhiều yếu tố vừa cụ thể vừa mơ hồ: ký ức, kinh nghiệm, phong tục, văn hoá, ẩm thực, thổ ngữ, dòng họ, hàng xóm, những ngôi mộ, con sông, cánh đồng, đình làng, những câu chuyện ma thuở nhỏ, những đầm nước, những năm tháng đói rét, những cơn ốm đau, mối tình thuở học trò, những người đàn bà tắm trần trên bến sông, những phiên chợ, những đám tang, những thôn nữ tóc dài, ngực nở rắn chắc tưởng chỉ chạm kẽ là mang thai, những nhân vật đặc biệt của làng… Tất cả những thứ đó đã dựng lên một không gian sống động và huyền ảo mà chúng ta không thể lớn lên nếu không có một không gian như thế và không thể nào đi ra khỏi không gian đó nếu muốn làm người có chút gì lương thiện.

Anh từng có tuyên ngôn thơ về làng Chùa, đứng ra tổ chức hội thơ thi thơ và quảng bá hết mức cho làng. Anh cũng lặng lẽ giúp đỡ bà con láng giềng nghèo khó của làng. Ngoài cái ước mơ kiếp sau làm “con chó nhỏ” canh giữ “nỗi buồn- báu vật cố hương” như thơ anh viết, thì anh còn những tâm nguyện nào chưa thực hiện được cho làng Chùa?

- Câu hỏi này làm tôi lúng túng và sự xấu hổ bắt đầu xâm chiếm tôi. Nhiều lúc tôi nghĩ, những gì tôi đã, đang và sẽ làm cho làng Chùa của tôi hình như chẳng hề an ủi được bao nhiêu cho những người nông dân làng Chùa đang sống một cuộc sống vô cùng vất vả. Tôi không thể có tiền để xây nhà cho tất cả những gia đình ở làng Chùa đang khó khăn, để trợ giúp lệ phí học hành cho con cháu họ, để trợ giá nông sản cho những người nông dân, để xây một trạm y tế điều dưỡng cho những người già đau ốm, để trả lại sự công bằng cho một ai đó, để xây dựng một hệ thống nước sạch cho cả làng… Nhưng là một nhà thơ, tôi muốn cùng những người làng nuôi giữ giấc mơ cho chính làng mình.

Người làng Chùa có nói: “Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người geo trồng”. Tôi nghĩ, đó là sứ mệnh của mọi nền thơ. Tôi muốn người làng Chùa nhận ra phía sau những đói rét, những mất mát, những thiệt thòi trong đời sống thường nhật của họ có những vẻ đẹp kỳ diệu của đời sống này. Nhiều năm nay, tôi nung nấu tổ chức một Đêm làng Chùa. Đó không phải là một đêm thơ nhưng thơ là lý do chính.

* Anh có thể nói rõ hơn cái ý tưởng Đêm làng Chùa.

- Đêm đó, khi bóng tối buông xuống thì một thế giới của những vẻ đẹp và lòng nhân ái tràn ngập mọi ngôi nhà, mọi lối ngõ… của làng Chùa hiện ra. Rồi sáng sau, khi mặt trời lên, tất cả lại biến mất nhưng những gì hiện ra trong đêm trước đó như một nơi chốn nào đấy của Thiên đường là có thật. Con người phải được nhìn thấy Thiên đường một lần trong chính cuộc sống thế gian của mình cho dù chỉ là trong khoảnh khắc. Để những người nông dân tin rằng: cuộc sống của họ không chỉ là lam lũ và đói nghèo mà vẫn chứa đựng trong đó những điều kỳ diệu.

Tôi cũng đang bàn luận với chính quyền địa phương để tôi có thể xây một thư viện cho trẻ em làng Chùa. Một thư viện nổi trên một đầm sen trắng. Nhưng để làm việc này thì tôi phải có cơ hội thầu được đầm nước kia trong một thời gian mấy chục năm. Nhưng mọi chuyện thủ tục đâu dễ như ta nghĩ.

* Với một dự định tốt đẹp và với một người có mối quan hệ rộng như Nguyễn Quang Thiều mà cũng gặp rắc rối về thủ tục với một cái đầm nhỏ vậy sao?

- Chính tôi cũng tự hỏi: vì sao những người nước ngoài có thể đến Việt Nam thuê đất để kinh doanh làm giàu cho cá nhân họ trong khi tôi muốn bỏ tiền ra xây dựng một cơ sở tri thức và văn hoá cho cộng đồng mình thì lại gặp khó khăn. Nhưng cho dù khó khăn thế nào thì tôi cũng không từ bó ý định đó. Xin anh hãy cầu chúc cho những người làng Chùa và tôi thực hiện được mong ước chân chính đó.

KHÔNG THẤY DẤU HIỆU SỰ PHẢN ĐỐI VÀ TỔNG BIÊN TẬP BÁO VĂN NGHỆ KHÔNG PHẢI LÀ VẤN ĐỀ CỦA MỘT CÁ NHÂN

Chẳng những cầu chúc mà tôi tin nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và người làng Chùa sẽ sớm thực hiện được mong ước xây thư viện nổi cho trẻ em làng mình trên đầm sen trắng, cái đầm nhỏ thơ mộng nằm ngay trước mặt ngôi nhà tuổi thơ của chính Nguyễn Quang Thiều.

Chuyện làng quan trọng. Chuyện “quốc gia đại sự” càng quan trọng, nhất làkể từ khi Nguyễn Quang Thiều trúng cử ban chấp hành và trở thành phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bằng niềm tin và hy vọng của đông đảo hội viên. Tôi hỏi:

* Thưa “ông” phó chủ tịch, cho tới bây giờ anh tự cảm thấy mình đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm hy vọng của hội viên? Có việc nào anh được Hội giao mà chưa thể thực hiện?

- Ban Chấp hành (BCH) Hội Nhà văn Việt Nam khoá 8 mới bắt đầu hoạt động, cũng đã vạch ra được lộ trình hoạt động cho nhiệm kỳ này và đã triển khai được một số công việc có ý nghĩa. Hơn nữa, trong cách nhìn của tôi, thời gian qua rất cần thiết cho các uỷ viên BCH hiểu nhau. Phải hiểu nhau thì mới có thể làm việc được một cách hiệu quả.

Nếu các hội viên đặt niềm tin vào cá nhân tôi 100 thì tôi mới làm được 1. Nhưng hãy cho cá nhân tôi nói riêng và cho BCH nói chung thời gian. Có một điều tôi biết rất rõ là: từ khi tham gia BCH thì tôi mất đi thời gian cho riêng tôi, mất đi ít nhiều một số quan hệ, phải đọc, phải nghe những gì mà một số người viết và nói về tôi rất hài hước, thi thoảng lại phải đọc một vài tin nhắn hay thư nặc danh ít thiện chí cho dù không liên quan đến cá nhân mình. Mới đây, tôi nói với một nhà văn là nếu tất cả các hội viên có thể lần lượt tham gia BCH thì chắc họ sẽ chia sẻ với chúng tôi hơn. Nhưng nói chung công việc của BCH bước đầu là khá thuận lợi.

Giả sử có bạn yêu văn học hỏi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rằng: Hội Nhà văn Việt Nam có vị trí và vai trò ra sao đối với đời sống sáng tạo văn học hiện nay, anh giải thích thế nào?

- Chức năng của Hội Nhà văn Việt Namlà tạo ra một không gian sáng tạo cho các nhà văn là hội viên và chưa hoặc không là hội viên. Nghĩa là Hội Nhà văn Việt Namphải tạo ra một môi trường sạch cho sự sáng tạo, làm cho những giá trị sáng tạo văn học và tinh thần của các tác phẩm văn học có khả năng lan toả ngày càng sâu rộng trong đời sống xã hội. Như vậy, Hội phải tôn trọng cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn và tôn vinh, bảo vệ những giá trị của các tác phẩm một cách cao nhất. 

Tôi hiểu cái “môi trường sạch” ấy anh cùng BCH mới bắt đầu thực sự gầy dựng và người quan tâm còn phải chờ đợi. Nếu không có gì bí mật, anh có thể cho biết sự đổi mới về hoạt động của BCH Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay so với trước đây? Ý kiến tranh luận lẫn công việc của từng thành viên BCH đã thực sự dân chủ và hiệu quả?

- Ban Chấp hành Hội mới hoạt động được mấy tháng. Nhưng một điều mà cá nhân tôi nhận thấy là không khí dân chủ được thể hiện rõ ràng và có ít nhiều hiệu quả. Tôi mong không khí dân chủ trong mọi công việc của BCH được duy trì và phát huy. Có một lý do thật đơn giản là khi BCH làm việc vì lợi ích chung của Hội một cách thực sự thì không cần kêu gọi dân chủ mà dân chủ vẫn hiển hiện và BCH sẽ tìm được tiếng nói chung. Sức mạnh của BCH không phụ thuộc về số lượng mà phụ thuộc vào sự đoàn kết và sáng tạo trong công việc. Nếu 15 uỷ viên BCH không đoàn kết thì hiệu quả công việc còn tồi tệ hơn một BCH chỉ có 5 hoặc 7 uỷ viên không đoàn kết. 

Một sự thật mà tôi muốn nói là BCH khoá 8 đang phát huy khả năng đối thoại và tranh luận trong công việc nhưng nó không thấy dấu hiệu của sự phản đối lẫn nhau. Chúng tôi đang làm việc với sự tôn trọng và lắng nghe nhau. Và tôi muốn không khí này sẽ tiếp tục và có chất lượng hơn.

Nhiều hội viên từng ước muốn Nguyễn Quang Thiều sẽ về đứng đầu tuần báo Văn Nghệ, nhưng cho tới nay điều ấy vẫn chưa thể thành hiện thực. Anh có suy nghĩ gì trước nguyện vọng của hội viên? Và nếu trở thành tổng biên tập báo Văn Nghệ, anh có tin rằng mình sẽ làm thay đổi theo chiều hướng tích cực tờ báo này không?

- Trước hết, tôi có thể nói rằng nguyện vọng của nhiều hội viên về sự khởi sắc của báo Văn Nghệ là chính đáng. Đó là hiện thực mà chúng ta phải thừa nhận. Việc cải tổ báo Văn Nghệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của BCH. Còn việc ai làm tổng biên tập tờ báo này là việc xét cho cùng rất đơn giản. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tổng biên tập báo Văn Nghệ không phải vấn đề của một cá nhân mà là vấn đề của một tờ báo, của Hội Nhà văn Việt Nam. Khi chúng ta thấu hiểu điều này thì mọi chuyện sẽ dễ dàng rất nhiều.

Ai làm tổng biên tập báo Văn Nghệ cũng sẽ phải đưa tờ báo đi theo chiều hướng tích cực, thể hiện sống động nhất, phong phú nhất và đa dạng nhất đời sống văn học nước nhà. Đó phải là tờ báo của mọi giá trị sáng tạo và thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn vì tự do của con người và vì dân tộc này. Chắc chắn không ai làm ngược lại cả. Còn cá nhân mình, tôi đang làm việc trong một tổ chức mà tôi tự nguyện chấp nhận. Vì vậy, tôi sẽ làm hết sức mình ở bất cứ công việc nào mà BCH phân công cho dù sự phân công đó không phải là sự lựa chọn của tôi. Ý thích cá nhân và công việc của tập thể thường khác biệt. Nhưng năng lực và sở trường của mỗi uỷ viên BCH thì phải được xem xét một cách nghiêm cẩn để phục vụ sự phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam một cách có hiệu quả nhất.

THƠ PHẢI LÀM MỚI LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ CŨ VÀ LÀM SỐNG LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ CHẾT

Nguyễn Quang Thiều là một tài năng có nội lực mạnh mẽ và giàu cá tính sáng tạo. Đọc thơ, văn hay những bài báo của anh, dù dưới bút danh nào người đọc cũng dễ nhận ra, vì nó có sức hút riêng, hiện đại, sâu sắc, nhiều ý tưởng. Tuy nhiên, đối với tôi, Nguyễn Quang Thiều trước hết và sau chót đã và vẫn là một nhà thơ cách tân hàng đầu của thi ca Việt đương đại.

Những ngày cuối năm 2010, Nguyễn Quang Thiều đã ra mắt tập Châu thổ - thơ tuyển lần thứ nhất từ sáu tập thơ đã xuất bản của anh: Ngôi nhà 17 tuổi(1990), Sự mất ngủ của lửa (1992), Những người đàn bà gánh nước sông(1995), Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca những con chim đêm (1999) và Cây ánh sáng (2009). Thơ Nguyễn Quang Thiều khó đọc khó nắm bắt nếu như không đọc lại nhiều lần. Và giống như để được tiếp cận một người đẹp khó tính, để leo lên được ngọn núi cao bềnh bồng mây trắng, càng khó tôi càng muốn tiếp cận, càng khó tôi càng thích leo… và luôn ở tư thế leo lại từ đầu.

    Tất nhiên, có những văn bản đọc một lần chẳng ai đủ can đảm đọc lại lần thứ hai. Nó trôi tuồn tuột. Nhưng có những văn bản càng đọc càng mở ra cho chúng ta nhiều chiều kích của trí tưởng tượng. Thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều đã mở ra nhiều chiều kích như vậy. Một thế giới tín hiệu không lối mòn, không lặp lại. Một không gian xúc cảm khác lạ. Không ít lần tôi dò theo từng bước “chuyển động” rồi “chuyển dịch” của thế giới thơ anh để khám phá không gian mới của cái đẹp đau buồn tuyệt vọng lẫn hy vọng, của giấc mơ bị huỷ diệt và đang sinh sôi, của những sinh linh hẩm hiu vô danh bị vùi lấp và đang tái sinh… để rồi nhiều khi giật mình tôi thấy chính tôi cũng ẩn hiện trong không gian thơ đa chiều chông chênh hư thực ấy.

Có một điều từ lâu tôi muốn hỏi Nguyễn Quang Thiều mà bây giờ mới có dịp: Ý thức cách tân thơ đến với anh từ khi nào? Và ý thức ấy xuất phát từ nhu cầu nội tại hay do hoàn cảnh khách quan? Anh cho biết:

- Tôi không gọi ra một cách chính xác được là lúc nào mình phải viết khác đi. Nhưng có lẽ là sau tập thơ đầu tay Ngôi nhà 17 tuổi xuất bản năm 1990. Tập thơ này đã lọt vào chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 cùng 3 tập khác. Nhưng tôi đã thực sự không muốn tập thơ đó được giải. Vì sao? Vì nó không hoàn toàn là tôi. Có một phần của ai đó trong những bài thơ tôi viết ra. Tôi nhận thấy lối viết đó đã ít nhiều đi lại lối đi của một số nhà thơ trước đó. Hơn nữa, tôi nhận thấy con người thực sự của tôi vẫn đang đứng sau những bài thơ kia. Có lẽ tôi không ý thức rõ ràng sự cách tân mà chỉ muốn là chính tôi. Và ngay sau đó hai năm, tập thơ Sự mất ngủ của lửara đời. Đó là giọng nói của chính tôi, là thế giới ngôn từ và hình ảnh của tôi, là tất cả những gì mà tôi muốn phơi bày và tưởng tượng…

Với nhiều người, thơ Nguyễn Quang Thiều rậm lời, khó hiểu. Đó có phải là chủ ý của anh?

- Tôi đã từng làm những bài thơ rất ngắn không khó khăn gì. Nhưng ngắn hay dài, khó hiểu hay dễ hiểu không phải những phẩm tính của thơ. Thơ ca không chọn lựa một hình thức riêng biệt nào để sinh ra. Thơ ca chứa đựng trong mọi hành động sống và mọi ngôn từ. Những gì tôi viết ra là thế giới của tôi. Thế giới đó có nhiều điều không giống thế giới của người khác. Nhưng đó lại là điều chúng ta đợi chờ ở một nhà thơ. Tôi biết, nhiều năm trước, các nhà nghiên cứu thơ Mỹ mỗi năm chọn một tờ báo để đặt một câu hỏi: Thơ ca Mỹ đang sống hay đã chết? Một trong những cảnh báo của họ là: nếu mang thơ của nhiều nhà thơ Mỹ cùng in vào một tập và lấy tên một tác giả thì cũng không ai nhận ra. Đó chính là sự giống nhau. Hay nói cách khác đó là sự sáo mòn trong sáng tạo của các nhà thơ. Khi nhà thơ không dựng lên được thế giới riêng biệt của anh ta hay không xác lập được chân dung thơ ca của anh ta thì nghĩa là anh ta đã chết.

Anh từng có nhiều tuyên ngôn, định nghĩa, phát biểu về thơ. Đến giờ nếu có một tuyên ngôn thơ tâm đắc nhất của anh, đó là câu nào?

- Thơ hãy làm mới lại những gì đã cũ và làm sống lại những gì đã chết.

* Điều quan trọng nhất và điều tệ hại nhất của thơ, theo anh là gì?

- Điều quan trọng nhất của thơ là tạo ra sự ám ảnh và điều tệ hại nhất là thiếu trí tưởng tượng.

Không chỉ hướng về cái đẹp, với những giấc mơ nhân bản, thơ anh còn đầy những dự cảm, cảnh báo, thức tỉnh về sự đồi bại, suy tàn, huỷ diệt cái đẹp của cuộc sống này do chính con người gây ra. Tôi có cảm giác anh tin vào sức mạnh của cái đẹp, của thi ca sẽ cứu rỗi thế giới này, mà trước hết là cứu… chính anh?

- Tôi viết rất nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch sân khấu, kịch bản phim, tiểu luận, báo chí… Nhưng thơ ca là nơi duy nhất để tôi giải phóng tôi và để tôi trú ẩn. Một điều tôi muốn nói đến là: có thể những bài thơ cụ thể nào đó không cứu rỗi được thế giới nhưng những gì mang tinh thần của thi ca đã và đang cứu rỗi thế giới.

Một lần, có một đôi vợ chồng làm doanh nghiệp nói với tôi, họ không hề có nhu cầu đọc thơ và thơ ca không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ. Tôi hỏi họ với một số câu hỏi như:

   + Có lúc nào anh chị muốn ngồi một mình ở một nơi tĩnh lặng và nhớ về những năm tháng đẹp đẽ đã đi qua không?

   + Có lúc nào anh chị đang đi trên đường bỗng thầm kêu lên khi nhìn thấy những bông hoa vừa nở không?

   + Có lúc nào anh chị cảm thấy trống rỗng và muốn chia sẻ với một người bạn không?

   + Anh chị mang cảm giác gì khi nắm bàn tay mẹ mình lúc bà đang nằm thở trên giường bệnh?

   +  Anh chị mang cảm giác gì khi thức dậy thấy một ban mai rực rỡ trong khu vườn trước nhà?

Câu trả lời của họ đều tuyệt vời. Và tôi nói với họ rằng tất cả những điều đó chính là thi ca. Còn nhà thơ chỉ là người cố gắng văn bản hoá những khoảnh khắc đó mà ta gọi là bài thơ cho dù quá nhiều những cố gắng của các nhà thơ đều rơi vào thất bại. Năm 2007, tôi tham dự Liên hoan Thơ quốc tế lần thứ 20 tại thành phố Medellin, Colombia. Đó là một đất nước yêu thơ ngoài trí tưởng tượng của tôi. Đêm khai mạc liên hoan thơ, hơn 2000 người ngồi dưới trời mưa trong suốt hơn 4 giờ để nghe các nhà thơ đọc thơ mà hầu như không có ai bỏ về. Chúng ta đều biết Colombia có những vấn nạn như bạo lực, ma tuý, mại dâm. Vì thế tôi hỏi một nhà thơ Colombia là sứ mệnh của thơ ca như thế nào đối với xã hội Colombia. Ông nói: “Hãy cho rằng xã hội Colombia như một con phố, dãy phố bên này là nhà thơ và bạn đọc, dãy phố biên kia là bạo lực, ma tuý, mại dâm. Các nhà thơ khó có thể chiếm được dãy phố bên kia nhưng họ phải giữ cho dãy phố bên này trong sạch”.

Thơ ca từ khi xuất hiện đến nay không hề thay đổi sứ mệnh của nó. Chỉ có các nhà thơ đã thay đổi và lạc đường mà thôi.

BÁO ĐỘNG VỀ CÁCH HÀNH XỬ ĐỐI VỚI THƠ VIỆT VÀ HOANG MANG VỀ “NHAN SẮC” CỦA MÌNH

Anh đọc nhiều, đi nhiều, luôn tiếp cận thông tin về thi ca thế giới. Theo anh thơ Việt đương đại hiện đứng ở đâu trong nền thơ thế giới?

- Tôi không có cơ hội đọc tất cả thơ của các nền thơ trên thế giới. Nhưng tôi có thể nói nền thơ Việt Nam là một nền thơ đáng được trân trọng trên thế giới. Nhưng vấn đề đáng báo động nhất trong đời sống thơ ca ở nước ta là hành xử của con người chúng ta đối với thơ ca. Con người ở đây bao gồm cả nhà thơ và những người liên quan đến nó. Không ít các nhà thơ lo sợ rằng người ta đang lãng quên thơ. Không phải thế. Chúng ta phải nói chính xác về vấn đề này. Đó là, người ta đang rẽ sang một lối khác, một lối không dẫn tâm hồn họ đến với vương quốc của thơ ca. Nghĩa là, họ không đi trên con đường dẫn đến một tinh thần sống mà đi một con đường khác.

Đến hẹn lại lên, cứ vào Nguyên tiêu là diễn ra Ngày Thơ Việt Nam. Không kể đến chức trách, với tư cách một nhà thơ, hỏi thật anh hướng về lễ hội thơ này bằng tâm thế ra sao?

- Ngày Thơ Việt Nam là một sự kiện văn hoá. Ở đó, không phải chúng ta (nhà thơ và bạn đọc) đến để xem ngày thơ năm nay có “chiêu” gì độc trong việc tổ chức hay không hoặc xem sân “thơ trẻ” có lấn át được sân “thơ già” hay không. Mà chúng ta đến đó phải với tâm thế đang hướng về Cái đẹp. Công việc sáng tạo của nhà thơ có thể diễn ra trong một căn phòng không ai chứng kiến và đầy cô độc. Nhưng ngày thơ hay một hoạt động tương tự là một hành xử văn hoá của chúng ta đối với cái đẹp. Mục đích của ngày thơ hay của những sự kiện văn hoá khác phải tạo lên những sự kiện tâm hồn cho con người. Nó phải làm cho cái đẹp lan toả vào đời sống xã hội cho dù rất chậm và rất mơ hồ.

Tôi từng tiếp xúc nhiều người đẹp yêu thơ yêu văn Nguyễn Quang Thiều. Mà phụ nữ đã yêu văn thì cũng có thể… yêu nhà văn. Có chị nói rằng anh Thiều nội lực con chữ mạnh, nên nội lực con người chắc cũng mạnh lắm đây, nhìn gương mặt và hàm râu đã thấy hấp lực. Có cô thì ái ngại rằng ông Thiều lùn, lưng hơi gù, mà “xuất chữ” nhiều cỡ đó, giờ còn “vướng” thêm chuyện “quan văn” thì còn thì giờ và sức lực đâu mà yêu với đương, mà “làm” với “ăn”. Nghe phụ nữ nói vậy, tôi cũng đâm hoang mang cho anh. Còn anh thì thế nào?

- Còn tôi thì đang hoang mang không biết phải trả lời câu hỏi này như thế nào. Nhưng “chuyện” này luôn luôn là bí mật mà chỉ hé lộ cho hai người biết thôi. Tôi sẽ đợi một người nào đó để hé lộ bí mật ấy.

Anh hãy thử hình dung mười năm nữa, sự nghiệp và con người Nguyễn Quang Thiều sẽ như thế nào?

- Tôi không biết sự nghiệp của tôi như thế nào. Nhưng con người thì có thể hình dung đôi chút. Mười năm nữa tôi sẽ 64 tuổi. Tóc rụng nhiều hơn, râu bạc nhiều hơn, lưng gù nhiều hơn, sai lầm nhiều hơn… và chắc sẽ không có ai thèm hỏi như câu hỏi ở trên anh hỏi tôi nữa. Lúc đó có muốn trả lời thật ngay lập tức cũng không được.

***

64 tuổi với con người hiện đại chưa phải là già, vẫn còn đủ sức cho mọi mơ ước đời mình, cả làm nguyên thủ quốc gia hay bắt đầu tập làm thi sĩ. Đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, như anh nói, hình thể sẽ thay đổi và sự sai lầm có thể nhiều hơn, nhưng về sức làm việc và sáng tạo thì tôi tin anh sẽ còn mạnh mẽ hơn, khát khao hơn. Và đó cũng là lúc mà tôi hình dung thi sĩ đầy ẩn số Nguyễn Quang Thiều sẽ trên đường trở về hẳn với làng Chùa như thơ anh dự cảm trong bài Lễ tạ nổi tiếng:

Con đường
Con đường
Con đường
Dắt ta về hồ nước cũ

Phăng phắc một lá sen già
Đợi ta trên miền nước lặng
Hỡi người hái hoa kiếp trước
Kiếp này có hoá bình không?

Phải đào ba tấc đất sâu
Mới tìm được người uống rượu?
Phải lên đến bảy tầng trời
Mới tìm được người hầu chuyện?

Ngẩng mặt một vầng mây đỏ
Nổ vang tiếng sấm của trời
Cúi đầu một miền cỏ trắng
Nở xoè bên cõi sen tươi

Ra đi từ hồ nước cũ
Con đường
                Con đường
                                 Con đường

PHAN HOÀNG
Nguồn: Đương Thời 2011


Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Tản mạn Sài Gòn cà phê

Đôi lúc, ngồi trong những quán cà phê-biệt thự, một mình nhàn tản với ly cà phê hay tán gẫu với bạn bè, tôi luôn tự hỏi: sự biến đổi từ biệt thự thành quán cà phê có gì đáng tiếc hay có gì đáng mừng?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu

Quán cà phê vỉa hè 

Từ nhỏ tôi đã thuộc lòng tuỳ bút Cây tre Việt Nam của nhà văn Thép Mới.  Nhiều lần lang thang quán xá tôi chợt nghĩ có thể dùng lối ví von như thế để nói về cà phê ở Sài Gòn. Này nhé: Sài Gòn có muôn vàn quán xá khác nhau, quán nào cũng đẹp, quán nào cũng mát… nhưng thân thuộc nhất vẫn là quán cà phê. Cà phê vỉa hè, cà phê máy lạnh, cà phê nhạc, cà phê sách, cà phê sân vườn, cà phê salon văn hoá… Đâu đâu ta cũng có quán cà phê làm bạn. Quá được, phải không?


Nói đến cà phê Sài Gòn đầu tiên phải nói đến cà phê vỉa hè vì nó có mặt khắp nơi, từ người bình dân đến công chức, từ già đến trẻ hay sồn sồn trung niên, từ đàn ông đến đàn bà… đều có thể tạt vô mua một ly mang đi, hoặc kéo ghế nhựa ngồi uống một mình hay trò chuyện chốc lát cùng bạn bè, có thể sáng ghé rồi trưa lại ghé, có thể chiều đi làm về cũng ghé, ngồi lề đường nghe ngọn gió trên cao lùa về mát rượi, thấy lòng thanh thản sau một ngày vất vả mưu sinh.


Bất cứ quán “Cà phê vỉa hè” nào cũng có “không gian địa lý” là vỉa hè một con đường nào đó, dưới tán cây cao hay cạnh bức tường loang lổ vôi bạc màu, hay sát lề con hẻm nhỏ xe cộ ra vô thường xuyên… Cà phê vỉa hè ở gần công sở, cửa tiệm, khu dân cư, trường học, có khi ở ngay những con hẻm toàn biệt thự sang trọng… vậy nên “không gian xã hội” của mỗi quán là dân văn phòng, công chức, có quán chủ yếu là sinh viên học sinh, có quán chỉ bán cho bà con trong hẻm, quán lại phục vụ khách qua đường là chính… Nhưng mọi quán đều giống nhau: thức uống chính là cà phê, dĩ nhiên, cà phê “vợt”, cà phê phin đen như than, cà phê sữa nâu sẫm, và cà phê nào cũng rất đắng! Vài chai nước ngọt, sữa đậu nành, có khi có thêm vài trái cam hũ chanh muối… rồi tủ thuốc lá với mấy cây kẹo Singgum. Dù là khách quen hay lạ thì chủ quán cũng đón tiếp vui vẻ, chiều theo sở thích, có quán còn khuyến mãi ly trà đá… Bình dân và bình đẳng là cà phê vỉa hè. 


Ở cà phê vỉa hè có thể bắt gặp ai đó yên lặng một mình, mở laptop xài ké Wifi của công sở gần bên, hay nhóm đông bạn bè “tám” chuyện trên trời dưới đất chuyện quốc nội quốc ngoại…; có những người đến đó gặp nhau bàn công chuyện, uống ực cái hết ly cà phê thì chuyện cũng xong, lại lao ra đường đi làm ăn tiếp. Lại có khi nhìn thấy anh chị kia ngồi rù rì chốc lát rồi lên xe chở nhau đi mất…  Ở cà phê vỉa hè giải trí có, làm ăn có, lãng mạn có, chuyện thế sự có, và chẳng làm gì, ngồi “giết thời gian” cũng có… Ở đó tràn đầy sự năng động nhưng cũng là những khoảng lặng đáng yêu của người Sài Gòn.


Bạn tôi là một nhà thơ, nói: nhiều tác phẩm văn chương đã ra đời từ những quán cà phê vỉa hè Sài Gòn. Tôi chẳng phải dân văn thơ nhưng cũng đồng ý với bạn: cà phê vỉa hè Sài Gòn luôn mang lại cho người Sài Gòn những ý tưởng và sức sống mới. Hơn thế, nó làm cho ai một lần đến Sài Gòn, ngồi cà phê vỉa hè sẽ không quên ấn tượng về nó, bởi mỗi quán cà phê vỉa hè là một Sài Gòn thu nhỏ.


Vỉa hè của quán cà phê

Sài Gòn có hàng ngàn quán cà phê lớn nhỏ trong những ngôi biệt thự, nhà phố, chung cư… khác nhau, hợp thành một loại quán “có nhà” khác với quán lề đường, vỉa hè hay cà phê bệt ở công viên. Hầu hết những quán này thuộc 2 loại cà phê sân vườn hoặc quán có máy lạnh, hoặc kết hợp cả hai. Không khí dễ chịu hay không của một quán cà phê thường được tạo nên bởi 3 yếu tố: chủ quán (sở thích, thẩm mỹ, ý tưởng) – khách đến quán – không gian (nội, ngoại thất) của quán. Những quán như vậy thường không quá sang trọng, giản dị thôi nhưng trang trí khá bắt mắt, có “gout” riêng tạo nên sức hấp dẫn với nhiều khách hàng. 

Có những quán dường như không bao giờ đông khách, chủ quán cũng không trông chờ điều đó mà chỉ mong chờ vài người khách “ruột” đến đấy chỉ ngồi yên lặng lắng nghe một bản nhạc jazz hay ngắm một bức tranh. Có những vị khách chỉ thích tìm quán vắng, nghiền ngẫm một cuốn sách hay lặng lẽ lướt web, ngồi cả buổi với ly cà phê đá đã cạn và đã thêm vài ly trà đá… Chủ quán cũng không sốt ruột. Một sự sẻ chia thầm lặng đã kết nối chủ và khách, đó là cà phê hay là gì khác?

Nhiều quán như vậy ta có thể bắt gặp trên bất cứ con đường nào. Đó là những căn nhà phố dùng mặt tiền mở quán cà phê. Quán không lớn, thậm chí nhỏ thôi, thường có 2 không gian rõ ràng là trong nhà và ngoài vỉa hè, ngăn cách nhau bằng tấm cửa kính mờ. Trong nhà là quầy nước, nơi tính tiền, vài bộ bàn ghế hay salon khác nhau từng quán, máy lạnh mát rượi, nhạc êm dịu, ánh sáng vừa đủ… bên ngoài dưới mái hiên hay dưới mấy cây dù là hai, ba cái bàn, vài cái ghế nép sát cửa nhà

Vì sao những quán cà phê này luôn có một phần quán trước cửa nhà như vậy? Có thể trả lời được ngay: là để tận dụng mặt bằng “công cộng” mở cho không gian của quán rộng thêm một chút. Khoảng vỉa hè này, nhà nào buôn bán cũng “lấn chiếm”, khi để xe của khách, khi trưng bày hàng hoá sáng mang ra đến chiều tối lại mang vô. Nhiều nơi còn có gánh hàng rong chiếm cứ. Vậy thì tại sao không tận dụng để bộ bàn ghế, cây dù, vừa thêm chỗ ngồi vừa “tiếp thị” cho người đi đường dễ nhận biết về quán.

Nhưng có lẽ không chỉ là như vậy. Ngoài vỉa hè có khi nắng sớm nắng chiều chói chang, có khi mưa tạt ướt hết, vậy mà hầu như lúc nào cũng có khách ngồi đây. Ngồi đây quay mặt ra đường, buổi sáng khách thong thả đọc báo và uống cà phê, buổi chiều có thể ngồi đó một mình nhìn ngó đường phố tấp nập hay vắng lặng, trong ngày có khi chỉ ghé qua, dựng vội chiếc xe, kêu một ly cà phê đá, uống nhanh rồi xuống đường đi tiếp. Chủ quán chỉ cần nghe kêu là nhanh chóng phục vụ, có khi mời anh/ chị vô trong nhà mát hơn, khi lại nói anh chị ngồi ngoài này cho thoáng… Vỉa hè trước cửa như không gian mở rộng của từng căn nhà phố. Nó là nơi giao thoa của đường phố và căn nhà, thể hiện cái riêng của từng ngôi nhà trong cái chung của đường phố, của khu vực ấy. Có thể cảm nhận không gian văn hóa riêng – chung của nhà và phố không cắt rời mà linh họat kết nối với nhau bằng khoảng vỉa hè, như người Sài Gòn phóng khóang cởi mở trong giao tiếp mà vẫn tạo ra khỏang riêng tư cho mỗi con người.

Nhiều người nói những quán cà phê mở ra khoảng không gian vỉa hè ở Sài Gòn là tiếp thu từ phong cách cà phê Paris (nói riêng, hay là phong cách cà phê Pháp nói chung). Ngồi đó, nhàn tản ngắm người qua đường và cuộc sống đang diễn ra trước mắt, phiếm đàm về thời cuộc về văn chương… ấy là cà phê Paris của văn nghệ sĩ, của tầng lớp trung và thượng lưu. Dấu ấn ấy, nếu có ở Sài Gòn thì nay còn thấy ở những quán cà phê lâu đời trên đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… thuộc khu trung tâm thành phố. Còn những vỉa hè của quán cà phê mà tôi kể trên đây có mặt trên các con đường lớn nhỏ ở khắp các quận huyện của thành phố, nó là của phần đông người Sài Gòn luôn năng động nhưng nhiều lúc cũng cần cho mình khoảng lặng bình yên.

Cà phê vỉa hè và vỉa hè của quán cà phê là hai không gian văn hoá cà phê đặc trưng của Sài Gòn. Khi nghe tôi bảo tôi là dân cà phê vỉa hè, bạn nói thì tôi cũng hay ngồi cà phê vỉa hè đấy chứ. Tôi cười: vâng, ông ngồi cà phê vỉa hè Hàn Thuyên bàn cao ghế nệm có người phục vụ đeo tạp dề tinh tươm, làm sao sánh được với tôi ghế thấp bàn nhựa, tự phục vụ và có thể… ký sổ nợ thoải mái nếu chưa đến ngày lãnh lương.

Vậy nên viết cái tạp bút này, biết đâu có vài đồng nhuận bút để bon chen cà phê Hàn Thuyên với bạn, xem mình có thể trở thành “thượng lưu” được chút nào không? Mà thôi, nếu có nhuận bút thì rủ bạn ra cà phê vỉa hè, mình cứ là mình là tuyệt nhất, phải không?

 Những ngôi biệt thự và những quán cà phê

Ở Sài Gòn, Hà Nội và một vài thành phố khác ta dễ dàng nhìn thấy những quán cà phê sân vườn trong khuôn viên các ngôi biệt thự xưa, kiểu Pháp, được xây dựng trong khoảng nửa đầu thế kỷ XX.Có lẽ những quán cà phê như thế này nở rộ từ sau 1975, khi mà chủ nhân của hàng loạt các ngôi biệt thự ở Sài Gòn đã lần lượt được thay thế bằng những người khác.

Thật ra việc có một lớp cư dân khác đến sống trong các ngôi biệt thự kiểu Pháp bắt đầu từ Hà Nội sau 1954, nhưng trước 1975 ở Hà Nội hầu như ít thấy quán cà phê sân vườn trong biệt thự, mà nếu có, lại là vài… quán bia hơi trong khuôn viên những ngôi biệt thự trở thành cơ quan nhà nước. Ngoài số ít biệt thự ở khu Ba Đình còn khá nguyên vẹn, phần lớn biệt thự khác biến thành nhà tập thể của nhiều hộ gia đình. Quá trình chung đụng, phân chia, cơi nới làm cho những ngôi biệt thự trở nên xộc xệch, manh mún, nhếch nhác… như một người từng có thời trẻ tuổi đẹp trai nhưng nay ốm đau bệnh tật, lại phải khoác lên mình những bộ quần áo cũ không vừa, vá víu và bẩn thỉu, vì vậy, càng làm người ta tiếc nuối vẻ hào hoa một thời của chàng.

Trước 1975 Sài Gòn cũng giống như Paris vậy: quán cà phê thường là những căn nhà trên phố, lại mở ra khoảng không gian vỉa hè. Ngồi đó, dưới tán dù che mát hay dưới bóng cây xanh, nhàn tản ngắm người qua đường và cuộc sống đang diễn ra trước mắt, phiếm đàm về thời cuộc về văn chương… ấy là cà phê Paris của văn nghệ sĩ, của tầng lớp trung và thượng lưu.Ở Sài Gòn thì nay chỉ còn thấy phong cách này ở vài quán cà phê lâu đời trên đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… thuộc khu trung tâm thành phố.

Từ khoảng sau 1980 trong nhiều biệt thự vắng chủ lần lượt có những gia đình đến ở. Lại quá trình chung đụng, phân chia, cơi nới… lần này còn thảm hơn: trong khuôn viên đẹp như thế mà nhiều hộ gia đình phải làm chuồng nuôi heo, xây bể nuôi cá trê phi để “cải thiện” cuộc sống… Cũng may quá trình này không kéo dài như ở Hà Nội, khoảng gần mười năm sau thì có chủ trương “hoá giá” nhà biệt thự. Nhiều biệt thự được mua đi bán lại, không còn cảnh là nhà tập thể. Những chủ nhân mới đã biết khai thác giá trị của biệt thự, hoặc cải tạo lại cho người nước ngoài thuê, hoặc phổ biến hơn, biến thành quán cà phê, vì không có gì kiếm tiền nhanh bằngchủ nhà cho thuê lại biệt thự (một phần hoặc tất cả), và không đầu tư gì kiếm lời nhanh như mở quán cà phê.Vả lại, kinh tế “mở cửa” vài năm nên cuộc sống có phần dễ thở hơn, các thành phố trở lại nếp sống đô thị mà cà phê là một trong nhiều thói quen sinh hoạt hàng ngày của thị dân. Có thể nói, từ lúc này phong cách “cà phê biệt thự” của Sài Gòn nhanh chóng lan toả đi nhiều thành phố khác.

Những ngôi biệt thự trước đây và những quán cà phê hiện nay có điểm gì chung nhỉ?

Ở khu vực đô thị cũ (quận 1, quận 3) cà phê – biệt thự dù ở mặt tiền hay trong hẻm đều có khuôn viên rộng, nhiều cây xanh. Kiến trúc nhà thường một trệt một lầu, tầng trệt thông thoáng tầng lầu có ban công nhẹ nhàng bên khung cửa mở rộng. Ban ngày ánh nắng nhẹ hơn khi xuyên qua vòm lá xanh, ban đêm ánh đèn dịu dàng khuất sau rèm thưa. Không gian tràn ngập tiếng nhạc thánh thót piano da diết violin trầm lắng guitare… Tiếng hát ở đây như vẳng ra từ băng catsette của dàn Akai những năm 80 vậy, nhạc Pháp, nhạc Trịnh Công Sơn Khánh Ly , Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Ngọc Lan Trịnh Nam Sơn… những hoài niệm, những chia ly, những đớn đau mà tràn đầy dịu dàng tràn đầy thương nhớ. Người ra vào đông hơn chủ nhân nhà biệt thự xưa nhưng nhiều quán cà phê vẫn giữ được không gian yên ả, không ồn ào, biệt lập, không xô bồ như những quán cà phê sân vườn mới mở ở những khu vực khác mới đô thị hóa. Sự phong lưu, tinh tế, có khi sang trọng còn được lưu lại trong trang trí nội thất: những bộ salon, bàn ghế, vài bức tranh, bình bông đẹp mà đơn giản… Những quán cà phê biệt thự ở Sài Gòn được chủ nhân chăm chút về thiết kế và trang trí nội thất, tạo ra phong cách riêng độc đáo và quyến rũ, phần nào cho biết tính cách của chủ nhân.

Hiện nay nhiều cà phê biệt thự còn là những quán “cà phê sách”. Những kệ sách nhiều kiểu dáng, những cuốn sách hay… càng tạo cho quán một không khí ấm cúng như trong một ngôi nhà. Bên ly cà phê, cuốn sách đang mở, và sự thoải mái trên những gương mặt chăm chú đọc… Có cần gì hơn nữa, phải không?

Vậy còn gì khác nhau?

Thay cho những tường cao cổng kín là hàng rào thưa thoáng hoặc chỉ ngăn cách với đường bằng bức tường thấp hoặc bãi cỏ nho nhỏ xanh mượt, nối liền không gian quán cà phê với con đường tấp nập ngoài kia. Những chiếc dù vươn ra vỉa hè mời gọi, hơi nước phun sương mờ mát cả trời trưa nắng hè gay gắt khiến người đi qua không thể không muốn ghé vào. Vào quán cà phê Sài Gòn bạn có thể kêu một món ăn nhẹ, bánh ngọt, buổi trưa dùng một phần cơm văn phòng, và tất nhiên không chỉ có cà phê mà còn nhiều loại thức uống khác. Bây giờ đã có một số quán cà phê chỉ có thức ăn chay, những quán này buổi trưa rất đông khách là nhân viên văn phòng, công chức… Quan sát xu hướng của cà phê-biệt thự Sài Gòn có thể nhận biệt xu hướng sinh hoạt của thị dân đô thị lớn nhất nước này.

Đôi lúc, ngồi trong những quán cà phê-biệt thự, một mình nhàn tản với ly cà phê hay tán gẫu với bạn bè, tôi luôn tự hỏi: sự biến đổi từ biệt thự thành quán cà phê có gì đáng tiếc hay có gì đáng mừng? Ngẫm đi nghĩ lại có lẽ sự biến đổi này “được” nhiều hơn “mất”. Trong cơn lốc đô thị hóa vài chục năm gần đây, sự biến đổi cảnh quan đô thị là hệ quả của lối sống thị dân “chưa hoàn chỉnh”, nếu không có những người chủ quán cà phê đã bảo tồn không gian và kiến trúc của những ngôi biệt thự đẹp như cổ tích này thì không biết Sài Gòn có còn gì là “hồn đô thị”?

NGUYỄN THỊ HẬU

CÂU CHUYỆN KHÁC:



Hoàng Cầm đời người, đời thơ

Nhà thơ Vi Thùy Linh trong đêm thơ tưởng nhớ tác giả Lá diêu bông đã viết: "Không ai biết Hoàng Cầm đã yêu bao nhiêu, có bao nhiêu cuộc tình. Ông đã đi mải miết trên con đường tình, qua mùa mùa ái ân và không ngừng khắc khoải. Cả hụt hẫng, khổ đau, yếu đuối cũng không gục ngã".
Nhà thơ Hoàng Cầm (1922 - 2010). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Mối tình si của cậu bé 12 tuổi

Nói về đời thơ Hoàng Cầm không thể không nhắc đến những mối tình lạ lùng nhất trong thơ ông. Theo lời ông Bùi Hoàng Anh, con trai của Hoàng Cầm, những năm cuối đời, tuy không còn sức khỏe, nhưng ông vẫn rất hóm hỉnh và hài hước khi được hỏi về cái thuở ban đầu lưu luyến, lúc mới bước chân vào văn chương, trường tình, trường đời.

Mối tình năm lên tuổi 12 là một câu chuyện tình đơn phương của ông với một cô gái hơn nhà thơ rất nhiều tuổi. Ngày đó, Hoàng Cầm mê "chị" như điếu đổ, suốt ngày lũn cũn theo bước chân của cô gái Kinh Bắc xinh đẹp ấy. Có lẽ, đó là mối tình đầu đời của Hoàng Cầm, là giấc mơ ngọt ngào nhưng cũng là vị thuốc khác trong đời để khi ông choàng tỉnh giấc, ông cũng ngạc nhiên với chính dư âm của nó là những vần thơ kì lạ.

Cuốn sách tập hợp hồi kí Hoàng Cầm vẫn để lại những dòng tâm tư trĩu nặng về mối tình câm này. Ông viết: "Chị ấy tên là Vinh. Bố mất sớm, nhà rất nghèo. Chị ở cùng mẹ và một đứa em lên năm tuổi. Họ cất một gian nhà ở phố để bán hàng kiếm ăn. Suốt từ năm 8 đến 12, 13 tuổi, lúc nào đi theo chị được là tôi đi ngay, không rời nửa bước. Cũng nhờ đi theo chị, tôi mới có những kỉ niệm để sau này trở thành Lá diêu bông. Trong một buổi tối thanh niên, trai gái ở làng tụ họp nhau để hát đối, chị vịn lấy vai tôi mà hát. Rồi chị bảo bọn trẻ chúng tôi: "Đứa nào tìm được lá diêu bông, ta sẽ gọi là chồng". Nghe thấy thế, mặt tôi đỏ lên. Rồi một hôm nắng vàng giời lạnh, buổi chiều tha thẩn ra sân, tôi thấy chị đi ra phía cánh đồng liền cũng đi theo. Giữa đồng, chị một mình mê mải vạch từng cái lá, cành cây như đang tìm một cái gì đó. Tôi liền hỏi: "Chị Vinh ơi, chị tìm cái gì đấy?". Chị nhìn tôi đáp lời: "Ờ, chị đi tìm cái lá... (chị nói tên một cái lá gì như là lá thuốc)".

Hai mươi lăm năm sau, năm 1954, sau khi trở về Hà Nội mấy năm, một đêm, trong chính căn nhà 43 Lý Quốc Sư, tôi trằn trọc không sao ngủ được. Độ 2, 3h sáng, giữa tĩnh lặng như thế, chợt tôi nghe cất lên một giọng đọc rất thong thả, rõ ràng: "Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng... ". Bài thơ Lá diêu bông đã ra đời như thế. Có lẽ, nó đã ăn sâu vào trong mình rồi bật ra thành thơ, khiến những lúc say sưa viết lại kỷ niệm đó, tôi cứ tưởng có ai đó đang đọc cho mình chép".

Cùng với "Lá diêu bông", "Cây tam cúc", "Quả vườn ổi"..., tập thơ "Về Kinh Bắc" được viết trong những năm 1959-1960, khi nhà thơ ngồi ở nhà lặng lẽ với những ưu tư về cuộc sống, không giao du với ai đã trở thành tác phẩm xương sống trong đời thơ Hoàng Cầm.

Và những người đàn bà đẹp...

Với thời gian, những bóng hồng trong mộng sẽ chỉ còn lại mãi mãi trong những vần thơ của Hoàng Cầm. Còn ở ngoài cuộc đời, mỗi người lại có một thân phận khác nhau. Nói về chị Vinh - mối tình đầu đẹp nhất của cậu bé 12 tuổi, nhà thơ từng chỉ thốt lên một câu thật ngắn ngủi, buồn thương: "hồng nhan bạc mệnh". Một người "chị" khác với mối tình Cây Tam Cúc, nghe đâu hiện đang ở Thủ Đức, nhưng bà không dám nhận mình là người đã từng "gọi đôi cây trầu cay má đỏ, kết xe hồng đưa Chị đến quê em" (thơ Hoàng Cầm).


Đời ông có bút danh là Hoàng Cầm thì gần như cũng gắn liền với chữ "Hoàng". Người vợ đầu là Hoàng Thị Hoàn, do cha mẹ ông cưới cho, mất lúc ông đi kháng chiến. Bà đã sinh hai đứa con cho thi sĩ. Con trai đầu là nhà báo Hoàng Kỳ, thứ nữ là nghệ sĩ kịch Hoàng Yến tài sắc vẹn toàn nhưng bạc mệnh đã sớm qua đời.

Người vợ thứ hai của nhà thơ, bà Tuyết Khanh, vào vai Kiều Loan (vở kịch nổi tiếng của Hoàng Cầm), đã hạ sinh cho ông một nàng tố nữ đặt tên nhân vật vở kịch để kỷ niệm, cũng là mối tình lớn mà những thi sĩ cùng thời thường hay trầm trồ, bàn tán. Nhất là khi thuở trẻ, bà còn là mối tình si của nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Chính điều này đã tạo nên câu chuyện tình tay ba nổi tiếng có một không hai trong lịch sử kịch thơ Việt Nam thuở ấy.

Mối lương duyên giữa Tuyết Khanh và Hoàng Cầm tuy đẹp nhưng cũng để lại nhiều vết thương đau lòng. Sinh hạ được Kiều Loan, bà Tuyết Khanh phải bế con về Hải Phòng để nuôi dưỡng và chờ ngày thắng lợi đón chồng trở về. Nhưng sức chịu đựng của người đàn bà cũng chỉ có giới hạn. Sau mấy năm, trước một cảnh ngộ éo le, bà đã đành "đi bước nữa", rồi cùng con riêng và chồng vào Nam năm 1954.

Ở lại chiến khu đến năm 1950, Hoàng Cầm đã gặp một thiếu nữ tài sắc tên là Minh Xuân. Khi ấy Minh Xuân đang ở trong một hoàn cảnh trớ trêu, bà bị ép phải lấy một cán bộ chỉ huy mà không hề có tình yêu. Cảm thương cảnh tình đó, Hoàng Cầm đã đem lòng yêu Minh Xuân và cũng được giai nhân đáp lại một cách nồng nàn. Song chiến dịch biên giới đã khiến họ mất liên lạc với nhau. Mãi sau khi Hoàng Cầm gặp lại một người bạn chung của hai người thì mới được nghe câu chuyện tang thương về giai nhân bạc mệnh này. Nàng đã trẫm mình xuống dòng suối sâu vì nỗi cô đơn, trống vắng sau sự xa cách với nhà thơ và bị ép duyên đến nghiệt ngã.

Người vợ thứ ba, người sau cùng đã sống với nhà thơ cũng là người sống với ông lâu nhất là bà Lê Hoàng Yến. Nhưng bà cũng đã mất từ trước ông rất lâu, để ông ở lại với những năm tháng bĩ cực. Hoàng Cầm đã viết những câu thơ tê tái sau cái chết đột ngột của bà: "Em xa anh và rất gần nước mắt".

Ngôi nhà ở 43 Lý Quốc Sư là nhà bà Hoàng Yến. Người đàn ông phong tình, đa đoan là Hoàng Cầm chỉ sống một mình 25 năm đằng đẵng. Trong ba người vợ của Hoàng Cầm thì bà Lê Hoàng Yến là người cùng chồng chịu đựng bao thăng trầm suốt ba mươi năm có lẻ (từ năm 1955 đến khi bà mất, năm 1985). Bà cũng là người dinh dưỡng cho nguồn thơ Hoàng Cầm, trong đó có Về Kinh Bắc bất hủ.

Ngoài những bóng hồng có tên cụ thể, Hoàng Cầm còn có những mối tình chóng vánh, không tên nhưng cũng không kém phần lãng mạn, mãnh liệt. Câu chuyện tình của ông trong quá trình theo học ở Hà Nội (mặc dù đã có vợ con) với một cô gái nhảy có tên Phương Tuyết từng làm xôn xao dư luận lúc bấy giờ. Nghe nói nàng đã từng nuôi dưỡng chàng đèn sách suốt nửa năm ròng. Mặc dù chóng vánh nhưng cô gái cũng đã kịp trở thành một nàng thơ nồng nàn, tha thiết trong tâm hồn ông.

Nhà thơ Vi Thùy Linh trong đêm thơ tưởng nhớ tác giả Lá diêu bông đã viết: "Không ai biết Hoàng Cầm đã yêu bao nhiêu, có bao nhiêu cuộc tình. Ông đã đi mải miết trên con đường tình, qua mùa mùa ái ân và không ngừng khắc khoải. Cả hụt hẫng, khổ đau, yếu đuối cũng không gục ngã".

Số phận của vở kịch thơ “Kiều Loan”

Hoàng Cầm viết vở kịch thơ Kiều Loan năm 1942, năm ấy ông mới 20 tuổi. Ấy vậy mà phải 65 năm sau, tuyệt tác đó mới được công diễn. Tác phẩm kể về câu chuyện của một chinh phụ dưới chế độ cũ, có lòng yêu chung thủy, sâu sắc nhưng cuối cùng lại đau đớn vì sự thay đổi nghiệt ngã của chính người chồng.

Ngoài số phận long đong, nghiệt ngã của tác phẩm, ít ai biết đến câu chuyện bi thảm về nguyên bản nàng Kiều Loan thật ở ngoài cuộc đời. Nàng là hoa khôi xứ Bắc Giang, 18 tuổi đã từng làm tan nát trái tim bao anh học trò làm thơ như Hoàng Cầm, nhưng thật bi thảm vì bị giết chết vào một buổi tối mùa hè năm 1940.

Năm đó, quân Nhật đổ bộ vào Việt Nam, Bắc Giang thành trại lính, hàng chục sĩ quan xứ Phù Tang vì mê cô hoa khôi đã sinh ghen ghét, thù hận nhau. Viên chỉ huy thấy không thể để mất danh dự của quân đội Thiên Hoàng nên chỉ có cách tốt nhất là trừ tận gốc nguyên nhân. Kiều Loan bị bắt uống thuốc ngủ khi đang ốm. Cái chết của cô gái khiến Hoàng Cầm đau đớn đến sững sờ. Mười ngày sau ông bắt tay viết tác phẩm này. Năm 1942, công sứ Bắc Ninh không cho diễn. Về Hà Nội cũng bị trả lại bản thảo và rơi vào sự im lặng. Cho đến tháng 11/1946, vào một buổi sáng sớm, Kiều Loan được công diễn một buổi duy nhất. Sau lần đó, vì nhiều lý do, vở kịch lại rơi vào sự im lặng và im lặng thật lâu. Vì sau đó, bà Tuyết Khanh vì chiến tranh gian khổ mà không thể chờ đợi người chồng, đành bỏ đi biệt xứ, cách xa đến nửa vòng trái đất. Hoàng Cầm mải mê theo kháng chiến, qua "Bên bia sông Đuống" mà đánh mất cả người vợ xinh đẹp, cô con gái bé nhỏ.

Cả vở kịch đã viết bằng máu và nước mắt cũng phải chìm đắm trong sự câm lặng cho đến 59 năm sau lần công chiếu đầu tiên.Và phải đến năm 2005, kịch thơ Kiều Loan mới lại được công chiếu. Vở kịch đã thực sự làm xúc động sâu sắc những ai có mặt trong buổi biểu diễn hôm đó. Không ít khán giả đã trầm trồ nuối tiếc cho một tuyệt tác đã bị lãng quên và phủ bụi quá lâu. Sau đêm diễn, Hoàng Cầm đã khóc. Ông nói trong nước mắt: "Vậy mà tôi cứ tưởng số phận của Kiều Loan chỉ có được một đêm duy nhất ngày ấy"

ĐÀO BÍCH
Nguồn: ANTG

CÂU CHUYỆN KHÁC:



Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Viết quảng cáo có thuộc về văn chương?

Chuyện văn chương xưa nay vốn là của riêng cánh nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, cơi nới một chút thì thêm cánh nhà báo. Những tưởng chuyện này vốn không có gì để bàn cãi, cho đến khi khái niệm copywriter ra đời.

Copywriter, hiểu nôm na là những người viết quảng cáo, cái danh xưng ấy bản thân nó đã mang hai tiếng “writer” - người viết, dù giới viết lách truyền thống hiếm ai thừa nhận copywriter ở ngang trình độ với các writer thứ thiệt. Và họ sẽ tiếp tục không thừa nhận, cho đến khi, tình cờ, họ đọc được một đoạn quảng cáo của lọ Chanel No.5 chẳng hạn.

Khái niệm văn chương bành trướng

Trước khi quay trở lại chủ đề liệu quảng cáo có nên được xếp như một chi mới trong họ nhà “Văn” hay không, hãy thử nhìn vào sự mở rộng của biên giới văn chương theo dòng thời gian cái đã.

Năm nay, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển không trao giải thưởng Nobel Văn học, còn vào năm ngoái, họ trao cho Kazuo Ishiguro, một văn sĩ lão làng được lòng từ giới phê bình lắm điều đến khán giả đại chúng hời hợt và cả “bè lũ” Hollywood vốn giỏi đánh hơi ra tiền - ngắn gọn là không có gì để bàn cãi. Nhưng liên tiếp 2 năm trước đó thì không sóng yên bể lặng như thế.

Năm 2015, khi dân cá cược đang thi nhau đặt cửa cho Haruki Murakami và Ngugi wa Thiongo thì một tin “sét đánh ngang tai” đến: giải Nobel Văn học được trao cho Svetlana Alexievich.

Chuyện không ai biết người phụ nữ này là ai đã đi một nhẽ nhưng vấn đề lớn hơn nằm ở chỗ Svetlana là một nhà báo và thể loại sở trường của bà là các loại sách phi hư cấu (non-fiction). Svetlana không phải người đầu tiên được vinh danh dù không theo lối văn chương truyền thống.

Trước bà đã có Theodor Mommsen, Bertrand Russell và Winston Churchill - những người viết luận hoặc viết sử. Nhưng dù sao cũng đã hơn 50 năm qua chuyện này không lặp lại.

Một số nhà bình luận gật gù trước quyết định của Viện Hàn lâm vì đã thừa nhận vai trò của thể loại phi hư cấu - đứa con ghẻ của văn học. Và thành thực là, không ai đọc tới đoạn các nữ chiến sĩ lao ra con sông dẫu bên kia quân thù đang bắn, chỉ vì các cô muốn gột sạch dấu vết của kì kinh nguyệt, mà lại không xúc động rơi nước mắt.

Văn chương phi hư cấu cũng có sức lay động không khác gì văn chương hư cấu vậy. Nhưng, nhiều người không nghĩ như thế. Và họ gần như phát điên vì sự kiện này. “Các cây viết phi hư cấu chỉ là công dân hạng hai. (...) Chúng tôi không thể hiểu được. Nó làm tôi phát cáu” - một phản ứng của giới nhà văn trưởng giả.

Lùm xùm của Nobel Văn học năm 2015 mới lắng xuống chưa được bao lâu thì Viện Hàn lâm lại khiến văn đàn xôn xao một lần nữa khi năm 2016, Hội đồng Hoàng gia trao giải Nobel cho Bob Dylan - một nhạc sĩ. Người ta vẫn thường gọi Dylan là nhà thơ trong âm nhạc. Không ai phản đối hết.

Nhưng nếu dừng lại là nhà thơ của âm nhạc thôi thì được, chứ "nhà thơ" nhận giải Nobel ư? Không thể tưởng tượng nổi. Còn hàng tá các nhà văn nhà thơ đích thực đang chờ đến lượt mà chưa được, tại sao Bob Dylan được ưu ái? Hẳn lại là một sự can thiệp về chính trị đang diễn ra?

Trong diễn từ nhận giải của mình, chàng lãng tử du ca một thuở cố gắng phân trần sự công bình của giải thưởng, rằng hãy nhìn Homer - người đã nói “Hãy hát tôi lên, nàng thơ, và thông qua tôi, hãy kể những câu chuyện của mình”, và hãy nhìn Shakespeare - các vở kịch của Shakespeare là để diễn trên sân khấu, chứ không phải để đọc trên giấy, thì những lời thơ của Dylan cũng vậy, được dùng để hát chứ không dùng để đọc chay.

Lý lẽ nghe rất xuôi tai. Nhưng chẳng ai quan tâm cả. Người ta chỉ quan tâm tới nghi án bài diễn từ của Bob Dylan đạo văn trên mạng. Cụ thể là đạo đoạn tóm tắt tiểu thuyết Moby Dick trên một website phân tích văn chương.

Có người hóm hỉnh nhận xét: hội đồng xét tuyển lười đọc nên lựa tạm một ông nhạc sĩ nhận giải, ai dè ông nhạc sĩ cũng lười đọc nốt nên đi... đạo tóm tắt.

Mặc dù thế, sự thừa nhận từ giải thưởng văn chương danh giá nhất hành tinh đã chính thức làm những biên giới văn chương bốc hơi. Mọi thứ đều có thể là văn học: từ phóng sự, lời bài hát, đến luận văn, hồi ký, sử học, bên cạnh những thể loại cũ như tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, tạp văn. Đó dường như là một quy luật rất đỗi tự nhiên.

Sự phân biệt thể loại ngày càng phức tạp: Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân vừa là truyện ngắn mà cũng là tùy bút. Phù dung ơi, vĩnh biệt của Vũ Bằng là tiểu thuyết mà cũng là hồi ký. Bỉ vỏ là tiểu thuyết có tính phóng sự.

Còn nói về văn học phương Tây, có thể nhìn rõ nhất vào trường hợp tiểu thuyết Cold blood (nhan đề tiếng Việt là Máu lạnh) của Truman Capote. Cuốn tiểu thuyết theo chân một vụ án có thật và gần như là một bản phóng sự mang tính văn chương.

Khi mới ra mắt, một số người cười nhạo rằng thể loại này thì đến một cây bút bất tài của tờ New Yorker cũng dễ dàng viết được. Nhưng thời gian đã chứng minh Cold blood là một kinh điển của lịch sử văn học.

Quảng cáo là môn nghệ thuật đích thực?

Vậy thì liệu chăng có một ngày nào đó, copywriting - viết quảng cáo cũng được thừa nhận như một nhánh của văn học hay không, mặc dù điều này thoạt nghe thì thấy giống như một sự “sỉ nhục” dành cho những người viết “chân chính”.

Lưu Quang Vũ từng viết: “Ta đã làm gì? như lũ viết thuê/ Chạy theo những biển hàng ngắn ngủi (...)”. Âu cũng là một cách khinh bạc nghề bán chữ cho mục đích kinh doanh thuần túy, còn nghệ thuật ở mức độ tối cao, nó đâu cần tiền, nó khinh rẻ tiền và những chiêu trò thương mại.

Trong một cuốn tiểu thuyết của mình, George Orwell đã đả kích quảng cáo bằng cách xây dựng nhân vật chính là một người đàn ông với nhiều tham vọng viết văn nhưng mắc kẹt trong công việc của một kẻ viết quảng cáo, cả ngày chỉ tìm cách nặn ra những câu vần vần bắt tai.

Gần hơn, Frédéric Beigbeder châm biếm copywriter trong chân dung của một kẻ bị chủ nghĩa tiêu dùng biến thành nô lệ. Điều đó vẫn tương đối đúng trong thời điểm hiện tại, khi mà với nhiều doanh nghiệp, triết lý quảng cáo vẫn đi theo lối càng ngớ ngẩn càng dễ tiếp cận công chúng.

Nhưng trong một xã hội tri thức, những nguyên tắc cũ cũng dần lỗi thời.

Bạn có tin được không, khi Salman Rushdie - tác giả của những cuốn tiểu thuyết đồ sộ ngồn ngộn chữ với một vốn từ khổng lồ - đã từng trưởng thành nhờ nghề copywriter?

Trước khi viết Những đứa trẻ lúc nửa đêm, Rushdie là tác giả của những câu slogan huyền thoại trong ngành quảng cáo.

Đáng nhớ nhất có lẽ là câu “Nhìn vào gương ngày mai - bạn sẽ thích những điều bạn thấy” cho tờ báo lá cải Daily Mirror (ông chơi chữ từ “Mirror” nghĩa là tấm gương).

Vậy Salman Rushdie nói gì về việc viết quảng cáo? Ông cho hay: “Nó dạy cho tôi cách viết lách như một công việc nghiêm túc. Giả sử bạn có một vị khách tới vào buổi chiều với ý tưởng về chiến dịch quảng cáo sắp tới của họ, bạn không thể nói: Tôi có thể sẽ viết ra một cái gì đấy. Bạn phải viết ra một cái gì đấy. Chưa hết, cái bạn viết ra còn phải hay”.

Tuy điều này không có giá trị chứng minh copywriting nên được xếp chung với văn chương nhưng nó cho thấy việc viết quảng cáo cũng là một công việc phức tạp, đòi hỏi sự động não không thua gì viết một bài thơ cả.

Văn phong quảng cáo, thường xuyên, khá đơn giản, nhưng Hemingway cũng là người hành văn đơn giản và hầu như không bao giờ sử dụng những từ ngữ lạ. Chính xác thì các copywriter ngày nay coi Hemingway như chuẩn mực của một bài quảng cáo hiệu quả. Và viết như Hemingway thì dễ sao?

Không chỉ Salman Rushdie mà nhiều nhà văn nổi tiếng khác cũng đá qua đá lại với ngành quảng cáo, trong số đó phải kể tới F. Scott Fritzgerald, Martin Amis, Don Delillo, Joseph Heller - toàn những nhân vật có tác phẩm lọt vào danh sách 100 tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20.

Từ sự ra đời của series tranh cà chua đóng hộp hiệu Campbell của nghệ sĩ trường phái Pop-art Andy Warhol, người ta đã dần (một cách tự nguyện hay miễn cưỡng) công nhận các hình ảnh quảng cáo cũng là một phần hội họa.

Sự sáng tạo trong các thiết kế quảng cáo, từ Louis Vuiton cho đến Coca-cola, có lẽ chỉ phân biệt với các sản phẩm nghệ thuật thuần túy ở mục đích chứ không phải vì gu thẩm mỹ kém tinh tế.

Cũng như vậy, copywriting cũng có thể được viết với cùng tầm vóc của một bài thơ đích thực, nên không có lí do gì để từ chối kết nạp nó như một anh chị em họ xa của viết lách truyền thống, nhất là trong thời đại mà biên giới văn chương đã mờ nhòe?

Và hãy thử đọc những dòng này: “Bộ hành trên con đường thanh xuân, qua miền đất ấu thơ, qua căn nhà, qua những gì có thực. Ở bên tôi, chỉ lối cho tôi, luôn đứng kề sát tôi. Cho tôi tự do. Tự do. Hãy lang thang qua nơi đây, rộng lớn và quen thuộc. Sân chơi ngày nào trong kí ức. Chúng ta là những kẻ lữ hành, không bao giờ lạc lối...”.

Bạn nghĩ đó là một bài thơ ư?  Hoàn toàn không. Bạn có thể bất ngờ, nhưng đó là một đoạn quảng cáo về Johnny Walker.

HIỀN TRANG/ ANTGCT



Đinh Hùng – bức mật mã huyền bí

Đinh Hùng là một trong những nhà thơ rất tiêu biểu cho trường phái thơ tượng trưng Việt Nam. Đây là nhà thơ mà cuộc đời có nhiều thăng trầm và nhiều nỗi đau. Ngay cả cho đến giờ, dù rất nhiều người thừa nhận tài năng của ông nhưng những vần thơ của ông vẫn ít được độc giả biết đến. Bên cạnh đó, việc giải mã những bài thơ tượng trưng của ông vẫn là một thách thức lớn cho nhiều nhà nghiên cứu, phê bình.
Nhà thơ Đinh Hùng

  1. Những biểu tượng đẹp:

Đinh Hùng viết rất nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp con người, vẻ đẹp thiên nhiên. Đó không chỉ là vẻ đẹp khiến cho thi sĩ cảm thấy rung động và muốn viết nên những bài thơ ca ngợi như nhiều nhà thơ vẫn thường làm. Vẻ đẹp trong thơ Đinh Hùng có sức mạnh rất ghê gớm. Nó khiến nhà thơ yêu cuồng nhiệt, muốn tan chảy vào đó, hòa vào đó. Đó là vẻ đẹp dù không cần đến chất men cũng khiến người ngắm phải say và điên đảo.

Trước hết, đó là biểu tượng người kỳ nữ:

Ta thường có những buổi sầu ghê gớm
Ở bên em-ôi biển sắc rừng hương!
Em rực rỡ như một ngàn hoa sớm
Em đến đây như đến tự thiên đường

……

Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết
Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết
Rộn xuân tình lên bệ ngực thanh tân
……
Hỡi kỳ nữ! Em có lòng tàn ác
Ta vẫn gần- ôi sắc đẹp yêu ma
Lúc cuồng si nguyền rủa cả đàn bà
Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết
Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn

Đinh Hùng đã xây dựng một hình tượng kỳ nữ rất đẹp, rất tinh khiết, thanh cao. Đó là một giai nhân tuyệt sắc tựa như ngàn hoa buổi sớm, như biển sắc rừng hương hay như một thiên sứ đến từ thiên đàng. Nếu sắc đẹp ấy khiến nhà thơ muốn chiếm lĩnh thì cũng chẳng có gì là lạ bởi vì các nhà thơ lãng mạn vẫn thường làm thế:

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.

(Mưa xuân – Nguyễn Bính)

Thế nhưng Đinh Hùng đã nâng hình tượng của kỳ nữ lên một nấc cao hơn khiến cho cô trở thành biểu tượng của cái đẹp chứ không đơn giản chỉ là hình ảnh của giai nhân. Sắc đẹp ấy vừa khiến nhà thơ muốn gần gũi, chiếm lĩnh vừa làm cho ông phải đứng xa tôn thờ. Nó cứu rỗi tâm hồn ông để ông mãi sống với biểu tượng đẹp ấy: Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết. Nhưng nó cũng làm cho ông phát điên và khát khao được chết dưới cái hôn của người đẹp để cả hai cùng hòa lại làm một:

Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn

Và ông còn khám phá ra một bản chất khác của cái đẹp là cái ác. Đây là điều mà các nhà thơ lãng mạn không hề nói tới bởi lâu nay người ta vẫn quan niệm đẹp là trong sáng, là thánh thiện, là thanh cao. Thế nhưng không phải Đinh Hùng không có lý vì xưa nay bao nhiêu vương triều sụp đổ cũng có sự tham gia của người con gái đẹp. Câu chuyện về Đác Kỷ và Trụ Vương, Bao Tự và vua Kiệt, Phi Yến và Hán Vũ Đế, nàng Tây Thi và vua Ngô Phù Sai, nàng Điêu Thuyền và Đổng Trác, nàng Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng…vẫn còn đó như một minh chứng lịch sử về tai họa do cái đẹp gây ra. Do đó, Đinh Hùng đã gọi kỳ nữ:

Hỡi kỳ nữ! Em có lòng tàn ác
Ta vẫn gần- ôi sắc đẹp yêu ma

Cho dù cái ác xuất hiện song hành với cái đẹp, một sắc đẹp ma quái nhưng cái ác ấy vẫn không làm cho nhà thơ run sợ bởi cái đẹp đã thắng thế. Cho dù biết cô gái có lòng tàn ác thì nhà thơ vẫn muốn gần gũi. Cho dù biết rằng sắc đẹp ấy sẽ giết chết mình, nhà thơ vẫn tình nguyện được chết trong đôi môi của người đẹp.

Quả thực, Đinh Hùng đã xây dựng được một biểu tượng người phụ nữ rất đẹp. Nó vừa thực vừa mộng, vừa lung linh, vừa huyền ảo. Đối với ông, biểu tượng ấy có sức mạnh vạn năng khiến ông có lúc tưởng như nó ở trên thiên đường để ông tình nguyện sống mãi và tôn thờ. Tuy nhiên, ở một thời điểm khác, ông lại thấy nó mang hình ảnh của yêu ma để rồi ông lại tình nguyện chết vì nó mà không hề hối tiếc.
Không chỉ dừng lại ở người kỳ nữ, đối với Đinh Hùng, thần chết đôi khi cũng là một biểu tượng của cái đẹp:

Nàng nằm mộng suốt đêm hè dưới nguyệt,
Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao.
Xa nấm mồ, chúng ta cuồng dại hết,
Để yêu tà về khóc dưới non cao.

(Tìm bóng tử thần)

Rõ ràng, khi nhà thơ gán cho Tử thần vẻ đẹp của người con gái, lập tức tử thần trở thành một biểu tượng lung linh, huyền ảo. Thi sĩ không chỉ nhìn thấy vẻ đẹp hình thể của người con gái khi còn sống mà dưới ánh trăng mờ ảo, sắc đẹp ấy trở nên diệu kỳ hơn bao giờ hết. Con người và thiên nhiên chan hòa làm một, cùng vẽ nên một bức tranh tuyệt sắc. Không những thế, thiên nhiên còn say đắm vẻ đẹp của Tử thần: Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao. Và dĩ nhiên Đinh Hùng cũng không thoát khỏi sự quyến rũ đó. Sắc đẹp khiến ông vượt qua nỗi sợ hãi trong lòng để đi đến quyết định táo bạo: yêu Tử thần:

Ta cười suốt một trang thơ,
Gặp hồn em đó còn ngờ yêu ma.
Giáng Tiên đâu? Thế kỷ gian tà,
Dạo chơi bình địa tưởng qua hai tần.
Đi đi, cho hết dương trần,
Ngày mai tìm bóng Tử thần mà yêu!

Có thể thấy, lâu nay nói đến Tử thần là người ta hay nghĩ đến biểu tượng của cái chết, của sự hủy diệt. Do đó, có lẽ chỉ có Đinh Hùng mới tìm thấy ở người sự quyến rũ của cái đẹp, của tình yêu và thậm chí là cả một tâm hồn thanh cao. Bởi vì, những điều nhà thơ chứng kiến trên thực tế, trong cõi thực khiến nhà thơ cảm thấy quá chán nản và thất vọng:

Cây Từ Bi hiện đóa Ác Hoa đầu,
Hồn gặp Hồn, ai biết thiện căn đâu?

Và giờ đây, ông chỉ tin vào những điều ở thế giới bên kia, ở một nơi huyễn hoặc, mộng ảo. Ông thành khẩn van xin nàng tin rằng, cho dù mình khác thế giới với nàng nhưng vẫn giữ tấm lòng trinh bạch:
Xin Thần Nữ tin lòng tôi trinh bạch,
Đốt kỳ thư còn mộng nét văn khôi.

Quả thật, Đinh Hùng đã xây dựng cho mình một biểu tượng tử thần mới, biểu tượng của tình yêu, cái đẹp và sự thanh cao.

Nếu đọc hết những bài thơ của Đinh Hùng, người ta chắc chắn sẽ gán cho ông tên gọi thi sĩ của tình yêu như họ đã từng gọi nhà thơ tình Xuân Diệu. Ông đã dựng nên rất nhiều bức tượng đài về cái đẹp, về tình yêu nhưng có lẽ biểu tượng đẹp nhất, lung linh nhất theo cảm nhận của người viết là biểu tượng con đường tình yêu trong bài: Đường vào tình sử, một biểu tượng được ghép lại từ rất nhiều biểu tượng khác nhau tạo nên một con đường vừa đẹp, vừa buồn, vừa nhuốm màu sử thi, hoài cổ:

Phơi phới thuyền ta vượt bến,
Từ đêm hồng thuỷ ra đi.
Lòng ta dao cắt
Chia đôi
Biên thuỳ,
Dòng máu kinh hoàng chợt tỉnh cơn mê.
Chúng ta đi vào lá hoa Tình Sử,
Hơi thở em hoà sương khói Đường thi.
Anh đọc cho em những dòng cổ tự
Ai Cập và Cổ Ly Hy.
Anh viết cho em bài thơ nho nhỏ
Bài thơ xanh ánh mắt hẹn tình cờ,
Có những chữ Hoa yểu điệu,
Không phải đại danh từ.

Con đường tình yêu này rất dài, rất dài. Nó có hoa, có hương thơm, có âm thanh, có màu sắc. Tất cả là hiện thân của tình yêu. Nhưng tình yêu không chỉ đơn giản vậy:

Chúng ta đến nghe nỗi sầu tinh tú
Những ngôi sao buồn suốt một chu k ỳ
Những đám tinh vân sắp sửa chia ly,
Và sao rụng biếc đôi tay cầu nguyện.
Ôi cặp mắt sáng trăng xưa hò hẹn,
Có nghìn năm quá khứ tiễn nhau đi.

Tình yêu có lúc vui và có lúc buồn. Những lúc buồn, tác giả cảm thấy như vũ trụ này cũng đang tan chảy, cũng thấm màu biệt ly. Và chặng đường đi tìm người yêu là chặng đường mà tác giả phải vượt qua rất nhiều nơi trong trái đất, vượt qua rất nhiều vòng quay của vũ trụ từ quá khứ đến tương lai. Có rất nhiều biểu tượng mà nhà thơ đã bắt gặp trên con đường ấy: lá hoa Tình Sử, bài thơ xanh, chữ Hoa yểu điệu, đôi hồn tình tự, cung đàn hoài vọng, khúc nhạc lang thang,…

Có thể thấy, mỗi người có thể có một cách đi tìm tình yêu của riêng mình. Thế nhưng, cách mà Đinh Hùng đã đi tìm tình yêu quả là rất lạ. Một con đường đầy rẫy những sự hóa thân hư hư thực thực, mờ mờ ảo ảo. Dù sao đi nữa, Đinh Hùng cũng đã xây dựng cho mình một con đường đi đến trái tim đầy thú vị bằng chính sự giao cảm tâm hồn của người đang yêu.

2. Giao cảm với cõi hư vô:

Cũng như các nhà thơ tượng trưng khác, Đinh Hùng cũng có những sự giao cảm bí mật với vũ trụ, với thế giới tâm linh.

Khi miếu Đường kia phá bỏ rồi
Ta đi về những hướng sao rơi
Lạc loài theo hướng chân cầm thú
Từng vệt dương sa mọc khắp người

Rồi những đêm sâu bỗng hiện về
Vượn lâm tuyền, khóc rợn trăng khuya
Đâu đây u uất hồn sơ cổ
Từng bóng ma rừng theo bước đi

(Những hướng sao rơi)

Như vậy, thời gian và không gian trong thơ ông đã hòa lại làm một. Con người và vũ trụ, linh hồn không có sự phân biệt. Chính những cảm xúc cuồn cuộn trong lòng đã làm cho sự giao cảm của nhà thơ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết:

Từng buổi hoàng hôn xuống lạ kỳ
Ta nằm trên cỏ lắng tai nghe
Thèm ăn một chút hoa man dại
Rồi ngủ như loài muôn thú kia

(Những hướng sao rơi)

Nỗi khát khao giao cảm, khát khao hòa mình với thế giới tâm linh, với vũ trụ làm cho các câu thơ mang màu sắc sử thi, huyền hoặc:

Ta lảo đảo vùng đứng lên cười ngất
Ghì chặt nàng cho chết giữa mê ly
Rồi dày xéo lên sông núi đô kỳ
Bên thành quách ta ra tay tàn phá
Giữa hoan lạc của lâu đài, tình tạ
Ta thản nhiên đi trở lại núi rừng
Một mặt trời đẫm máu phía sau lưng"

(Bài ca man rợ)

Rõ ràng, nhà thơ muốn phá bỏ hết những trói buộc xung quanh mình, muốn hét thật to trong vũ trụ, muốn giải phóng cái tôi để làm những gì mình muốn, mặc sức yêu và mặc sức điên cuồng. Ông muốn xóa bỏ khoảng cách giữa mình và vũ trụ.

Có lẽ Đinh Hùng đã yêu vũ trụ, yêu thế giới tự nhiên và yêu cái đẹp trên cả mức mong muốn chiếm hữu. Ông viết về chúng như một thứ tôn giáo để tôn thờ, để khám phá bằng sự hòa hợp tâm linh. Chỉ có như thế mới mong thỏa mãn được những khát khao cháy bỏng trong tâm hồn tác giả:

Trời cuối thu rồi em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu…"

(Gửi người dưới mộ)

Ở Đinh Hùng, cái chết chẳng có gì đáng sợ cả bởi ông có thể đi qua đi lại trên ranh giới giữa sự sống và cái chết. Chẳng gì có thể ngăn cản ông thực hiện mong muốn của mình:

Ta hát bài kinh, thoảng dã hương
Từng đêm chiêu niệm bắt hồn nàng
Lời ra cửa biển tìm sao rụng
Rỏ xuống mộ em giọt lệ thương…"

(Màu sương linh giác)

Có thể nói rằng, những câu thơ, những bài thơ thể hiện sự giao cảm một cách đầy bí ẩn của nhà thơ với thế giới tâm linh, thế giới mộng ảo đã chứng tỏ một điều rằng, trên đời này, chẳng có gì có thể làm cho con người cảm thấy sợ hãi kể cả cái chết. Tâm hồn con người luôn luôn có một sức mạnh và một phép màu nhiệm hết sức kỳ lạ trong vũ trụ. Nó có thể thỏa sức tung hoành làm những gì nó muốn, nó có thể xóa nhòa ranh giới giữa thời gian và không gian, có thể xóa nhòa giữa sự sống và cái chết. Điều đặc biệt nhất, nó có thể khám phá được cả những nơi u tối nhất, kỳ ảo nhất của vũ trụ mà không cần nhờ đến những khám phá khoa học.

3. Tắm mình trong những nốt nhạc thơm:

Từ nhạc luôn luôn có một vị trí quan trọng trong thơ tượng trưng và Đinh Hùng đã không quên điều đó. Những câu thơ của ông được sắp xếp chặt chẽ tạo thành hiệu ứng của một bản tình ca ngọt ngào khiến người đọc cảm thấy như đang đắm mình trong một bản nhạc chứ không phải là một bài thơ:

Giữa hư không tìm lại vết chân Người,
Ôi xứ Đạo có bao mùa tình tự?
Trong bản hát thiêng
Của bầy thanh nữ,
Có ai về ngự,
Giữa lòng thuyền quyên?
Trong mộng trần duyên
Của hồn thiên cổ,
Có ai vào ngủ
Một giấc cô miên?
Trời ơi! Đây nguyệt vô biên
Trong lòng người đẹp nằm quên dưới mồ!
Ta cười suốt một trang thơ,
Gặp hồn em đó còn ngờ yêu ma.

(Tìm bóng tử thần)

Bằng cách kết hợp giữa thơ lục bát dân tộc và thơ mới cùng cách gieo vần chân hiệu quả, Đinh Hùng đã mang đến cho người đọc một bản nhạc thực sự êm ái, sâu lắng. Điều này đã góp phần tăng hiệu quả nghệ thuật cho bài thơ, đưa người đọc đắm mình vào chốn hư hư thực thực.

Trong một bài thơ khác, nhà thơ học tập cách sáng tác thơ văn xuôi của Boudelaire để nói lên nỗi lòng của mình:

Lũ chúng ta:

Mấy kẻ không nhà, tưởng dành bạc đức với nhân tình nên mê tràn tâm sự, có buổi vò nhung xé lụa, chưa mời giăng một tiệc đà nhắc giọng Lưu Linh;

Từng giờ thoát tục, đã quyết vô tâm cùng thể phách thì đốt trọn tinh anh, đòi phen khóc nhạc, cười hoa, chẳng luyến mộng mười năm cũng nổi tình Đỗ Mục.
                                                                                              (Thần tụng)

Rõ ràng, cái tạo nên tính nhạc cho kiểu thơ văn xuôi ở đây là phép đối. Phép đối đã làm cho hai câu thơ song hành tạo âm hưởng. Thơ xuôi làm cho nhịp điệu hùng hồn, đanh thép, góp phần tăng thêm khí phách cho lời thơ.

Ở trong bài Đường vào tình sử, nhà thơ sử dụng nhiều tiết tấu khác nhau khá hiệu quả, đặc biệt là tiết tấu vắt dòng, câu gãy:

Phơi phới thuyền ta vượt bến,
Từ đêm hồng thuỷ ra đi.
Lòng ta dao cắt
Chia đôi
Biên thuỳ,
Dòng máu kinh hoàng chợt tỉnh cơn mê.

Sự thay đổi nhịp điệu đột ngột trong những câu thơ này tạo hiệu quả cho người nghe như chính họ đang cùng nhà thơ ngồi trên con thuyền vượt sóng. Thỉnh thoảng, chính họ cũng nghe thấy sóng lòng trong chính nhà thơ.

Cho dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phương Tây thì âm nhạc dân tộc vẫn chảy trong hồn thơ Đinh Hùng khiến những câu thơ của ông trở nên mượt mà như những bài dân ca, ngâm khúc. Ông đã sử dụng rất hiệu quả thể thơ lục bát và song thất lục bát của dân tộc. Trở lại bài thơ Thần tụng, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:

Hồn lại đặt cơn mê cơn tỉnh,
Hồn lại bầy đêm quạnh đêm vui.
Hồn xui rượu nói lên lời,
Khói dâng thành ý, nhạc cười ra hoa.
Hồn bắt ai tiêu ma ngày tháng,
Hồn giúp ai quên lãng hình hài.
Hồn từ siêu thoát phàm thai,
Sầu trong tà dục, vui ngoài thiện tâm.
Hồn ở khắp sơn lâm, hồ hải,
Hồn sống trùm hiện tại, tương lai.
Mênh mang một tiếng cười dài,
Hồn lay bốn vách Dạ Đài cho tan.

Có thể thấy, Đinh Hùng chịu sự ảnh hưởng rất rõ từ các nhà thơ tượng trưng Pháp như Boudelaire, Rimbaud…Những biểu tượng, những sự khát khao giao cảm hay những từ nhạc trong thơ ông đều mang dáng dấp của thi pháp thơ tượng trưng Pháp. Bên cạnh đó, những vần thơ của ông còn mang dáng dấp của chủ nghĩa siêu thực. Tuy nhiên, cái làm nên vẻ đẹp của thơ Đinh Hùng là ở cách phối âm của những câu thơ gãy khúc với thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát.

Cho đến bây giờ, với nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, Đinh Hùng vẫn là một bức mật mã đầy bí ẩn. Muốn tìm được chiếc chìa khóa cho bức mật mã này thì phải đọc đi đọc lại những tập thơ của ông, nhập tâm cùng ông, thả hồn theo những bài nhạc của ông mới hy vọng có thể thẩm thấu từ từ từng nét từng chữ trong bức mật mã diệu huyền.

ĐÀO LÊ NA
ĐH KHXH&NV TPHCM




Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều