Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

NHÀ THƠ VÕ VĂN TRỰC: NGƯỜI CỦA LÀNG

Đang chạy xe trên đường thì nhận được tin Nhà thơ Võ Văn Trực đã qua đời lúc 2 giờ sáng ngày 5/4/2019 (tức 1/3 âm lịch), tôi không quá bất ngờ nhưng vẫn có cảm giác nôn nao, dẫu biết rằng cái chết là một sự giải thoát cho cho ông, bởi lâu nay ông ốm liệt giường và không hay biết gì nữa cả. Nhà thơ Võ Văn Trực là người để lại nhiều hình ảnh trong kí ức tuổi thơ tôi, một con người hiền lành, sâu sắc, kiệm lời, khiêm nhường và yêu quý trẻ con. Thực sự trong tôi vừa cảm thấy nhẹ lòng vì ông đã thoát khỏi kiếp trầm luân trong cõi người này, nhưng cũng cảm thấy buồn và trống vắng vì cuộc đời này vừa mất đi một con người tử tế, một con người mang đặc phẩm chất xứ Nghệ quê hương ông.

Dưới đây là bài tôi viết về ông cách đây gần chục năm, khi đó ông đã yếu nhưng vẫn còn có thể trò chuyện được, giờ xin đưa lại như một nén nhang tưởng nhớ đến ông. Xin vĩnh biệt ông và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nhà thơ Võ Văn Trực kính mến.
Nhà thơ Võ Văn Trực

Quả thực định viết về nhà thơ Võ Văn Trực đã lâu, nhưng cứ ngồi vào bàn rồi tôi lại đứng dậy, bởi buổi gặp hôm đó giữa tôi và ông để có thêm chi tiết cho bài viết này cũng thật ngắn ngủi. Sau một thời gian bị tai biến, sức khỏe của ông yếu đi, không thể tiếp khách lâu được. Còn tôi thì cũng không dám hỏi nhiều vì sợ ông mệt. Ngay lúc này đây, khi đang gõ những dòng chữ này, trước mặt tôi là mấy cuốn sách ông tặng với nét chữ nguệch ngoặc, lên xuống liêu xiêu, tôi cứ bị ám ảnh suy nghĩ về thời gian. Thời gian cho chúng ta tất cả nhưng cũng lấy đi của chúng ta tất cả, để rồi đến một ngày lại trở về con số không. Nhưng thôi, đó là quy luật của trời đất, là vòng quay sắc sắc không không của cái vũ trụ vô biên này, mà thân phận con người thì quá nhỏ bé. Đâu có ai làm thay đổi được điều đó. Tất cả rồi cũng chỉ là huyễn giả vô thường mà thôi. Nhưng tôi lại tin có một điều sẽ còn mãi. Và, sau khi đọc những cuốn sách ông đã tặng, với một chút chiêm nghiệm về con người ông, tôi lại càng tin điều đó. Cái điều còn lại đó chính là phần Người trong mỗi Con Người. Cái phần Người sẽ định vị chúng ta ở một chấm nhỏ xíu nào đó trong vũ trụ bao la này.

Quay ngược thời gian với hơn hai mươi năm về trước, khi đó tôi đang là một cậu học sinh tiểu học, ông vẫn thường đạp xe đến nhà tôi chơi. Cái căn nhà cấp bốn dột nát chật hẹp của gia đình tôi hồi đó lúc nào cũng ấm áp bởi những người bạn văn chương của bố tôi. Còn nhớ, hôm nào có ông đến chơi là bố tôi lại bảo mẹ ra chợ mua một rổ khoai lang về luộc và không thể thiếu một bát cà muối ròn tan. Ông bảo khoai lang ăn với cà pháo là nhất, nó gợi cho ông nhớ về quê hương. Phải rồi, với những người con xứ Nghệ như ông và bố tôi thì món ăn dân dã của quê hương còn là món ăn mang tính tinh thần. Trong mỗi gia đình ở xứ Nghệ, nhà nào cũng phải có một vại cà muối đặt ở góc bếp hay góc sân. Quanh năm, trong mỗi bữa cơm đều không thể thiếu bát cà muối. Có thể nói đó vừa là món ăn bình dân nhưng cũng vừa là món ăn quý tộc của người Nghệ. Bên rổ khoai lang với bát cà pháo, ngoài chuyện văn chương ông rất hay kể những câu chuyện dân gian ở quê ông cho mọi người cùng nghe, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ, như chuyện Cố Bợ, chuyện núi Hai Vai…mà sau này ông đều viết thành sách. Ông có giọng nói nhẹ nhàng rủ rỉ, ấm áp khiến cho người nghe phải lắng lại cùng với câu chuyện của mình. Mỗi khi ông đến chơi là tôi lại sà vào lòng và thế nào cũng nhận được vài cái véo yêu của ông.

Sau này lớn lên, ấn tượng của tôi về ông còn là một bài thơ tình rất hay của ông được học sinh sinh viên truyền nhau chép vào sổ tay. Đó là bài Thu về một nửa, trong đó có những câu thơ khién cho những trái tim yêu đương thổn thức đến nao lòng:

Anh cầm trên tay giọt nắng vàng tươi
Lá lốm đốm thu mới về bỡ ngỡ
Một nửa màu xanh còn ấm nhựa
Cuống lá run run lưu luyến đậu trên cành

Những câu thơ mang tính ẩn dụ thật lãng mạn và tài tình khác hẳn với sự mộc mạc nhưng sâu sắc mà ta vẫn thường thấy trong thơ ông. Những câu thơ như càng chứng minh một điều, tình yêu đâu có phân biệt tuổi tác, người lớn tuổi cũng giống như các cô cậu mới lớn, cũng bối rối, cũng vụng về cũng lúng túng, cũng xao xuyến.

Mới đây, khi tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở khu Yên Hoà, một ngôi nhà sang trọng có thang máy, ông vẫn nhanh chóng nhận ra tôi. Ông hỏi thăm từng người trong gia đình, thậm chí ông hỏi thăm cả những người mà ông đã từng gặp ở nhà tôi trước đây. Bản chất con người ông là vậy, sâu sắc và tình cảm.

Bên cạnh chiếc giường của ông là một cái bàn với rất nhiều sách báo xếp chồng trên đó. Tôi hỏi ông:

- Bác vẫn làm việc được à?

- Bác chỉ thỉnh thoảng đọc thôi, tay yếu đâu có viết được nữa. Không còn làm việc được buồn lắm cháu ạ. Chẳng thà ông trời cho mình chết đi còn hơn sống mà không được làm việc. – giọng nói của ông vẫn rủ rỉ nhưng có hơi run run.

- Thôi bác ạ, ai rồi cũng có lúc già yếu. Làm gì có ai thoát khỏi cái quy luật đó đâu. Cả một đời cống hiến cho văn chương như bác cũng là đáng kính nể rồi. Cũng để lại chút gì cho đời và cho nền văn học rồi bác ạ.

Tôi nhìn lên bàn làm việc của ông thấy cuốn sách “Địa chí văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh” của Nguyễn Đổng Chi được đặt ngay ngắn, ở giữa có kẹp một tờ giấy để đánh dấu trang sách mà ông đang đọc. Còn ông thì nhìn xa xăm ra ngoài khung cửa sổ của căn phòng ở tầng hai. Cuộc sống hàng ngày của ông giờ đây hầu như chỉ vỏn vẹn trong căn phòng nhỏ và ô cửa sổ để nhìn ra thế giới bên ngoài. Phía bên trong khung cửa sổ là một cuộc sống tĩnh lặng nhưng đầy chiêm nghiệm. Còn bên ngoài kia là một thế giới sôi động, đầy sắc mầu không ngừng trôi. Đó là một thế giới có nhiều yêu thương nhưng cũng đầy bất trắc mà ông đã từng trải nghiệm bằng cả máu và nước mắt với gần trọn đời mình. Dường như mấy chục năm qua, gương mặt ông không có nhiều thay đổi, chỉ có mái tóc là bạc trắng, nay vì ốm yếu nên cắt ngắn cho gọn. Thật kì lạ, gương mặt hồn hậu của ông luôn tạo cho người đối diện một cảm giác tin cậy và gần gũi nhưng luôn ẩn chứa một nỗi buồn xa xăm. Một nỗi buồn trong suy tưởng mà ông cất giữ bằng chiếc khoá thời gian. Cũng phải thôi, cuộc đời này có ai là không có nỗi buồn. Và tôi chợt nhớ đến một câu hát của Trịnh Công Sơn: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Có thể với những tâm hồn nghệ sĩ thì nỗi buồn ám ảnh nhiều hơn, nó còn là nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác cho họ, bởi ai đó cũng đã nói rằng, nỗi buồn là mẹ đẻ của thi ca. Tôi cũng tin rằng, nếu ai đó sống một cuộc đời không biết đến buồn đau thì chắc hẳn đó là một cuộc đời rất tẻ nhạt. Còn với nhà thơ Võ Văn Trực, ngay cả khi cười, ta vẫn có thể thấy nỗi buồn phảng phất trên gương mặt ông. Trong mỗi một kiếp người có biết bao buồn đau, mất mát mà ta phải trải qua. Và trong cái xã hội mà chúng ta đang từng ngày phải đương đầu và nếm trải này có biết bao những điều ngang trái, bất an đang diễn ra, đang rình rập từng phút từng giây khiến ta phải lo âu, suy nghĩ. Huống chi với một trái tim đa sầu đa cảm như nhà thơ Võ Văn Trực không thể không nhức buốt, không rung lên da diết theo từng nhịp đập đó của cuộc đời. Những nỗi buồn cứ chất chứa trong ông và ông cất giấu. Những nỗi buồn không làm ông gục ngã. Ông cũng không lãng quên chúng mà đem khâu nó lại, bện chặt nó lại như hành trang để tiếp tục đương đầu với cuộc đời, cùng buồn cùng vui trên những chặng đường tiếp theo. Và mỗi khi một mình đối diện với nỗi buồn, ông lại tìm đến thơ, như tìm đến một người tri kỉ, thuỷ chung trọn đời.

“Tiếng mèo kêu xé ngang đêm
Vàng thu lá động trước thềm gọi đông
Chuyện đời bao nỗi đục trong
Câu thơ đáy chén tận cùng buồn vui
Mảnh trăng rụng xuống bên trời
Mùa thu đã chết tuyệt vời trong ta”

               -Đêm cuối thu-

Hay trong bài “Nhà tôi” thì nỗi buồn đó được cụ thể hoá như một bức tranh về cái xã hội mà chúng ta đang sống. Ở giữa đám đông ông tự cô lập mình, để mà cảm, để mà đau với những cái mà người đời đang hả hê, tung hô. Đó là sự cô lập có lương tri của một người nghệ sĩ:

“… Cuộc đời nhí nhố vây quanh
Nửa quê kệch, nửa thị thành đan nhau
Khi buồn ngắm chiếc thuyền câu
Khi vui lại ngắm nhà cao nắng đầy

Cuộc đời dở tỉnh dở say
nửa kia điện sáng nửa này sương dăng,
Bia trào bọt phía cao tầng
Bờ hồ con đĩ tụt quần nằm chơi.

Cuộc đời dở chuột dở dơi
Nửa bóng tối, nửa mặt trời nhá nhem
Hai tờ sách mở hai bên
Tôi nằm ở giữa khâu bền sợi đau”

                                -Nhà tôi-

Trong lúc trò chuyện, tôi bảo ông kể về những thăng trầm trong cuộc đời, bởi tôi muốn có những chi tiết để làm nên thân phận của một nhà thơ như ông, cho bài viết của mình. Ông chỉ lặng yên, nhìn ra ngoài khung cửa. Bỗng ông quay lại nhìn tôi, rồi lại rủ rỉ kể những câu chuyện về quê hương, về tuổi thơ của ông. Trong câu chuyện đó tôi nhìn thấy ánh mắt ông sáng lên, giọng nói của ông linh hoạt hẳn lên, chốc chốc lại nở một nụ cười. Và cứ như thế ông say sưa kể lại những kí ức của sáu, bảy chục năm về trước. Tôi chợt hiểu ra rằng khi con người ta đã bước vào cái tuổi gần đất xa trời thì mọi kí ức đều có thể trở thành vô giá nhưng cũng có thể trở thành vô thường. Khi đứng trước cái ranh giới đó thì ta phải biết cân bằng chính mình. Kể từ phút đó tôi không hỏi thêm gì nữa mà chỉ ngồi nghe ông kể lại những chuyện gì mà ông ghi nhớ, muốn chia sẻ với người khác.     Ông bảo, quê hương chính là thượng nguồn của mọi cảm xúc trong suốt cuộc đời cầm bút của mình. Trong câu chuyện, ông đã đưa tôi về với cái làng Hậu Luật, mảnh đất chôn nhau cắt rốn của ông. Ở cái làng Hậu Luật đó có ngôi đền Bạch Y, có đình Trung, có ngôi mộ cổ rộng cả mẫu đất của cụ Hùng Lễ Bá Võ Phúc Tuy, một danh tướng của Lê Lợi, người dân làng ông vẫn gọi là mộ cụ Hùng, có cánh đồng Lao, có đồi Di Lĩnh, có cổng làng rêu phong, có con đường gạch mà ngày trước cụ nghè đã bái tổ vinh quy. Ông lại kể cho tôi nghe về ngọn núi Hai Vai, con sông Bùng trong xanh với bao truyền thuyết, kể về cây đa, cây muỗm của làng Hậu Luật có hàng mấy trăm năm tuổi. Ông say sưa kể về người bạn nối khổ từ thuở mục đồng có tên là Bá; những đêm theo chúng bạn đi hát đối hát dặm trong làng và ở các làng lân cận. Ông bảo, ông mê mẩn những làn điệu dân ca, những câu hò, vè, ca dao, tục ngữ quê mình. Mê đến nỗi, khi được địa phương cho đi học ngành ngân hàng ở Trung Quốc, ông đã từ chối vì không muốn xa quê hương, không muốn phải rời xa những làn điệu dân ca, hò vè mà ông vẫn nghe, vẫn hát hàng ngày. Ông cười tươi và bảo đó là cái may mắn đầu tiên của ông. Bởi nếu không sau này, ông đã trở thành một cán bộ ngân hàng rồi. Còn điều may mắn thứ hai của ông, đó là sau khi tốt nghiệp trường Đại học Tổng Hợp, ông được nhận về làm việc ở Bộ ngoại giao. Sau khi làm việc ở đó được một năm, cảm thấy công việc không phù hợp với mình nên ông  đã xin chuyển. Có nhiều người bảo ông là gàn là dại. Cũng có thể bây giờ thành một ông to nào đó rồi cũng nên. Nhưng với ông thì đó là may mắn. Những người thân, bạn bè làng Hậu Luật cũng bảo đó là may mắn. Nhờ vậy mà làng Hậu Luật mới có một  nhà thơ Võ Văn Trực.

Chỉ cách đây khoảng 3 năm thôi, năm nào ông cũng về quê ba bốn lần, sau này yếu thì mỗi năm một lần. Cho đến hồi đầu năm nay, khi bị tai biến, ông không còn đủ sức để được về với làng Hậu Luật thân yêu của ông nữa, điều đó làm cho ông buồn và day dứt. Ông kể, cách đây độ sáu, bảy năm, ông mua chục cái quần soóc và chục cái mũ lưỡi chai, để mang về quê tặng mỗi người bạn từ thuở chăn trâu cắt cỏ một bộ. Rồi, họ cùng mặc bộ đồng phục đó để gặp gỡ nhau, đi chơi khắp xóm làng, vui vẻ hồn nhiên như thuở thiếu thời vậy. Chính vì nặng nợ với quê hương như vậy mà hình ảnh quê hương cứ đi vào trong các tác phẩm của ông một cách tự nhiên và mộc mạc. Bạn bè văn chương gọi ông là người có nhiều trang viết về quê hương nhất trong Hội Nhà văn Việt Nam. Rồi sau này, trải qua những năm tháng biến cố của lịch sử, mà đã từng được cho là “đổi mới” “cải cách” của chính quyền, cái làng Hậu Luật của ông đã bị tàn phá nặng nề. Đến mức, sau đó, ông không dám về làng khi trời còn đang sáng, mà phải chờ trời tối mịt mới dám bước chân qua cổng làng. Ông bảo, thời đó, họ dồn hết Thánh, Thần, Phật…tập trung vào một nơi thờ cúng, để còn lấy chỗ làm kho chứa. Ngay cả đến ngôi mộ cổ của cụ Hùng mà dân làng vẫn thờ cúng bao đời nay cũng bị đào lên cùng hàng trăm ngôi mộ của bà con để rồi chôn chung vào một chỗ. Một cảm giác đau xót, ớn lạnh chạy dọc sống lưng khi ta đọc bài Lưu lạc giữa quê nhà của ông:

Một khoảng trời bỗng hoang vắng cô đơn
Khi cây muỗm đầu làng không còn nữa
Lòng tôi cũng bơ vơ cùng tiếng gió
Thổi về đâu mây trắng dạt trời xa

Một mùa đông bỗng xô về hiu hắt
Khi đã tan hoang miếu mạo đình chùa
Đồ tế khí ngả nghiêng thành gỗ nát
Cuốn gia phả tả tơi thành bụi cát
Mấy chục năm lưu lạc giữ quê nhà.

Một làng vui bỗng lạnh tựa tha ma
Khi tiên tổ ông bà không còn mộ
Mồ côi cả đất đai và ngọn cỏ
Lũ chim non khản giọng lạc bài ca
Mấy chục năm lưu lạc giữa quê nhà.

Tôi quỳ sụp cổng làng, đầu cúi xuống
Chắp tay lạy nhưng ngôi mồ tưởng tượng
Nghìn vong linh ám ảnh cả làn da
Trái tim nhỏ tụ về muôn giọt máu
Mấy chục năm lưu lạc giữa quê nhà.

Có gì như đau đớn, có gì như uất nghẹn, có gì như hối tiếc tự thẳm sâu, nhưng tất cả đã quá muộn rồi. Than ôi lũ chim non khản giọng lạc bài ca mất rồi.

Trong cái biến cố khủng khiếp đó, ông cũng phải chịu một nỗi đau là mất mộ mẹ. Sau này, mỗi lần về quê, ông lại đốt một bó hương thật to, rồi cứ lang thang khắp cánh đồng để cắm hương và khấn nguyện mẹ mình trong đau thương và trong nước mắt. Chính từ nỗi đau đó ông làm bài thơ “Tìm mộ mẹ”, một trong những bài thơ hay nhất, đau buồn nhất của ông, khiến cho bất kì người đọc nào cũng có thể bật khóc:

“Mẹ mới khuất mười năm, không còn mộ
Con đi tìm, dẫm nát cỏ đồng quê
Nén hương khấn mười năm không tắt lửa
Mẹ nơi đâu? Xin hãy gọi con về.

Mất mồ mẹ con lang thang tìm kiếm
Như đứa con hoảngày rạc tả tơi
Chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trùng song biển
Bến bờ nao con định hướng cuộc đời?

Canh cánh mãi bên lòng đau xé ruột
Giữa chiêm bao giấc ngủ nặng như chì
Mơ thấy một tay ôm vầng cỏ mọc
Mở mắt ra chăn gối ướt đầm đìa

Trên trần thế mười năm con phiêu dạt
Đất nơi đâu cũng thấy mẹ đang chờ
Hài cốt mẹ suốt mười năm lưu lạc
Con đốt trầm lạy bốn hướng vu vơ…”

Có thể nói đó là một bức tranh đen tối của một thời ngu muội. Một thời kì cần phải lãng quên trong thùng rác của lịch sử.

Trong chốc lát, ông im lặng nhìn tôi, rồi lại nhìn quanh căn phòng của mình như muốn kiếm tìm một điều gì đó. Lúc này tôi mới để ý, bên dưới tủ sách đồ sộ của ông, có rất nhiều báo cũ, tài liệu, bản thảo được ông xếp thành hai hàng dài, ngay ngắn trên nền gạch. Những tờ báo cũ, những trang bản thảo bằng giấy pơ luya đã ố màu thời gian vẫn được ông cất giữ nâng niu. Rồi ông đứng dậy, từ từ đi lại cái tủ sách. Tôi định dìu ông lại đó, ông bảo: “Để bác tự đi được”. Ông rút ra mấy quyển sách đem lại tặng tôi. Có thể nói, nhà thơ Võ Văn Trực có một sức lao động rất đáng nể. Kể từ khi nghỉ hưu ông đã sáng tác hàng mấy trăm bài thơ, độ dăm cuốn tiểu thuyết, ngoài ra còn có những cuốn khảo cứu, sưu tầm về văn hoá dân gian. Đọc tác phẩm của Võ Văn Trực, ta có thể thấy được phần nào con người ông, thời đại ông đang sống ở trong đó. Những đau thương mất mát, vui buồn trong đời ông, những ngang trái bất công của xã hội cứ ăm ắp trong tác phẩm của ông đã chạm đến trái tim người đọc. Sau khi tặng sách cho tôi, ông bảo: “Kể từ khi bác bị ốm. Anh em báo Văn Nghệ đến thăm nhiều lắm. Mọi người chu đáo lắm”. Tôi thầm nghĩ bụng, một con người hiền lành và nhân ái như ông thì làm sao mọi người có thể không nhớ đến được kia chứ. Kể từ lúc nghỉ hưu cho đến cách đây độ hai, ba năm thôi, năm nào ông cũng tổ chức một bữa cơm vào dịp gần tết, rồi gọi tất cả đám thanh niên báo Văn Nghệ đến để liên hoan. Đối với cánh thanh niên của báo Văn Nghệ, ông vừa là một thủ trưởng cũ, vừa như người cha, chú và cũng như một người bạn. Bởi khi còn là Phó tổng biên tập báo Văn Nghệ, ông luôn luôn chan hoà, gần gũi, sẻ chia và nâng đỡ cánh trẻ.

Kể từ ngày nghỉ hưu ông tránh xa mọi cuộc hội hè đoàn thể. Mọi thứ công danh đều trở thành vô nghĩa, chỉ còn lại cái tình tri kỉ với một số bạn bè, với văn chương mà thôi:

Bạn bè tan tác cả rồi
Còn dăm ba đứa ta ngồi với nhau
Lẽ đời thấu hết nông sâu
Chén vui chưa cạn chén đau đã đầy
Một lời tỉnh hai lời say
Nồng nàn bằng hữu chua cay nhân tình
Thôi thì mình tự yêu mình
Vứt cha cái bả công danh mà về
Chính trường càng ngẫm càng ghê
Lưỡi tê vị đắng tay tê chén cầm
Nhìn nhau nước mắt ướt đầm
Giọt vui nâng chén, giọt bầm ruột gan.

                              -Uống rượu với bạn-

Rồi thỉnh thoảng lại thấy ông lóc cóc đạp cái xe đạp mi ni đến thăm một số bạn bè cũ. Khi đã đi gần hết cuộc đời, nhìn lại chặng đường đa qua, nhìn lại những được và mất trong cuộc đời, con người ta mới sực nhận ra rằng cuộc đời này vốn rất giản đơn, nhận diẹn trắng đen cuộc đời bằng cái cười mỉm, nhận diện thế thời bằng nỗi chua cay:

Một cành cây gẫy
Thảng thốt cánh chim

Một luồng gió độc
Bóp chết ngọn đèn

Một tiếng chó sủa
Bóp nát bình yên

                    -Đêm-

Với hàng nghìn trang sách viết về quê hương, viết về người thân ruột thịt, về bạn bè ở cái làng Hậu Luật có lẽ nên gọi ông là Người của làng. Bởi trái tim ông luôn hướng về mảnh đất quê hương, vui buồn vì nó. Ngay cả khi đau yếu này ông vẫn luôn nghĩ về nơi ấy. Và tôi xin được kết thúc bài viết này bằng câu thơ của ông:

“Tình cốt nhục, nghĩa lân bang
Quý hơn gấp triệu lạng vàng cầm tay”
TRẦN VŨ LONG
Nguồn: Văn Nghệ

 ______________________________


Nhà thơ Võ Văn Trực sinh ngày 28/1/1936 tại làng Hậu Luật, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An. Năm 1958 ông ra Hà Nội học đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã xác định theo đuổi con đường văn chương. Dù ông từng được Bộ Ngoại giao nhận về nhưng cuối cùng vẫn xin được chuyển sang làm việc tại một cơ quan văn hoá. Năm 1962, ông về làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Thanh niên. Đến năm 1977, ông về làm việc tại báo Văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu.

Cầm bút từ những năm sáu mươi, ông viết nhiều thể loại: thơ, văn, bút ký và biên khảo. Võ Văn Trực là tác giả nhiều tập thơ trong đó có Trăng phù sa, được giải thưởng Hội văn nghệ Hà Nội năm 1983. Ngoài thơ, bạn đọc còn biết đến Võ Văn Trực với những tác phẩm viết về quê hương, như tập bút ký Truyền thuyết núi hai vai, hay cuốn tiểu thuyết Chuyện làng ngày ấy viết năm 1990, được nhà xuất bản Lao động tái bản tại Hà Nội năm 2005, đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.

Một số tác phẩm chính: Chú liên lạc đội Xích vệ (1972), Trận địa quê hương (1972), Người anh hùng đất Hoan Châu (1976), Ngày hội của rạng đông (1978), Hành khúc mùa xuân (1980), Trăng phù sa (1983), Tiếng ru đồng nội (1990), Hương trong vườn bão (1995)

Ông cũng đã được trao nhiều giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam và các Hội văn nghệ, các cuộc thi sáng tác: Giải thưởng Hội văn nghệ Hà Nội năm 1983 với tập thơ Trăng phù sa; Giải thưởng Bộ Giao thông Vận tải 1987 với tập bút ký Đèo lửa đèo trăng…

Trước khi nghỉ hưu, nhà thơ Võ Văn Trực là Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ. Có thể gọi nhà thơ Võ Văn Trực là người điển hình cho tính cách người xứ Nghệ: hiền lành, thủng thẳng nhưng gàn và cục tính. Ông cương trực như chính cái tên cha mẹ đặt cho mình, luôn thẳng thắn và quyết liệt đấu tranh với những thói rởm đời dù ông hoàn toàn nhận thức được rằng, sự đấu tranh đó không phải lúc nào cũng mang lại cho ông những điều may mắn.

Về nghỉ hưu, nhưng nhà thơ Võ Văn Trực vẫn không rời trang viết. Ông viết về quê hương, về những chiêm nghiệm của cuộc đời. Song tuổi già, sau lần tai biến cứ dần nuốt chửng trí nhớ và sức lực của ông. Ông không nhớ gì nhiều, khoảng ký ức đậm nét nhất là hình bóng quê nhà, ở làng Hậu Luật, xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ở đó có con sông, bến đò quê hương, có cả một tuổi thơ ngập tràn trong tiếng đùa nghịch của ông và chúng bạn thời thơ ấu...

Nhà thơ Võ Văn Trực từ trần hồi 2h42 phút sáng thứ sáu ngày 5/4/2019, thọ 84 tuổi.

Tang lễ nhà thơ được tổ chức từ 9h15 đến 11h ngày thứ ba, mồng 9 tháng 4 năm 2019, tức ngày mồng 5 tháng 4 năm Kỷ Hợi tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn quận Hai bà Trưng, Hà Nội.


LÊ VĂN THẢO - NHÀ VĂN MANG TRÁI TIM VÀ TÂM HỒN NGƯỜI LÍNH CÁCH MẠNG

Có thể nói, một trong những địa danh mà anh chúng tôi gắn bó là vùng đất Đồng Tháp Mười, quê hương cha chúng tôi, bên sông Vàm Cỏ Tây. Với anh, Đồng Tháp Mười là kho tàng vô tận về những kỷ niệm, dấu ấn không quên…
Nhà văn Lê Văn Thảo và gia đình người em Lê Văn Duy

Trên mặt trận văn nghệ

Thuở nhỏ anh vào chiến khu Đồng Tháp Mười học trường kháng chiến. Năm 1950, mẹ chúng tôi về Long Xuyên, anh theo học tại Trường Trung học Thoại Ngọc Hầu, thị xã Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sau đó, anh lên Sài Gòn học Trường Đại học Khoa học, khoa Toán Lý và ở giai đoạn này anh bắt đầu biểu lộ năng khiếu sáng tác văn thơ của mình.

Năm 1962, anh thoát ly tham gia kháng chiến ngay tại Lò Gò, chiến khu Tây Ninh theo lời nhắn của ba chúng tôi là ông Dương Văn Diêu, cán bộ miền Bắc tập kết trở về. Lúc đó ba chúng tôi là trưởng tiểu ban giáo dục miền Nam, anh Thảo là cán bộ giáo dục. Sau đó anh chuyển sang công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng, viết văn tại B2 thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Năm 1964, mẹ đưa các em chúng tôi cùng vào chiến khu, tất cả gia đình đều công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Đây là khoảng thời gian anh chúng tôi tham gia nhiều chiến dịch lớn ở Đông Nam bộ cùng các sư đoàn chủ lực như Sư đoàn 9, Sư đoàn 7, Sư đoàn 5 và đã có những tác phẩm văn học nổi tiếng mang hơi thở của chiến trường Nam bộ. Một trong các tác phẩm đó là truyện Ông cá hô. Câu chuyện này bắt nguồn ngay tại khúc sông Hậu cạnh nhà anh em chúng tôi. Chuyện chính là về mối tình của một nông dân chân chất với một cô gái. Nhưng thật ra đây cũng là mối tình của chính bản thân anh với sông nước, với quê hương, làng xóm và nói rộng ra là mối tình với đất nước.

Có thể nói, một trong những địa danh mà anh chúng tôi gắn bó là vùng đất Đồng Tháp Mười, quê hương cha chúng tôi, bên sông Vàm Cỏ Tây. Với anh, Đồng Tháp Mười là kho tàng vô tận về những kỷ niệm, dấu ấn không quên. Một trong những tiểu thuyết đầu tay của anh chính là viết về Đồng Tháp Mười và đó cũng là tác phẩm anh yêu thích nhất, tiểu thuyết Một ngày và một đời (giải thưởng Văn học nghệ thuật TPHCM và giải thưởng Văn học Việt Nam). Nhà phê bình, nghiên cứu văn học Hoài Anh ghi nhận về tiểu thuyết Một ngày và một đời như sau: “Có thể nói cuốn Một ngày và một đời của nhà văn Lê Văn Thảo viết về cuộc nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có nhiều cái mới. Tác giả viết theo trình tự thời gian. Câu chuyện xảy ra được nhìn lại từ ngày hôm nay để đánh giá lại một câu chuyện quá khứ. Hiện lên hình ảnh người đàn ông ích kỷ - viên chỉ huy bạc nhược đối lập với hình ảnh một phụ nữ anh dũng tuyệt vời, hy sinh tất cả trong đời sống cũng như trong đời tư. Mỗi đoạn chuyện được kể bằng từng ngôn ngữ riêng, giọng điệu riêng, thông qua tính cách của từng người, tâm lý từng người”.
Họp mặt giới thiệu sách Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp,
do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức ngày 21.3.2017

Người anh, người bạn của văn chương TPHCM

Anh chúng tôi đã nhiều lần được mời sang Mỹ dự các hội thảo văn học của cựu chiến binh chiến trường Việt Nam. Đối tượng là nhà văn cựu binh Việt Nam và nhà văn cựu binh Mỹ. Cả hai bên đều từng tham gia cuộc chiến tại Việt Nam. Theo các nhà văn Mỹ thì đỉnh điểm cuộc chiến là chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Trong đoàn nhà văn cựu binh Mỹ có một nhà văn chuyên sưu tầm về chiến dịch Mậu Thân. Anh ấy đã tìm anh chúng tôi để trao đổi thông tin, tài liệu. Sau chuyến thăm, anh chúng tôi càng hiểu rõ hơn sự lớn lao của chiến dịch này.

Một trong những bạn văn, đồng hương, được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học như anh chúng tôi là nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng nhận xét: “Cho đến bây giờ Lê Văn Thảo là nhà văn có nhiều vốn sống đầy ắp. Vốn sống về chiến tranh. Tác phẩm Một ngày và một đời là viết về chiến tranh từ trong thời bình. Tất cả những tác phẩm văn học của chúng tôi đều thoát khỏi cơ chế thị trường. Nhưng chúng tôi vẫn đi trên con đường văn học viết về chiến tranh. Từ nay cho đến cuối đời chúng tôi vẫn sẽ viết về một cuốn sách tâm đắc nhất về chiến tranh đã qua”.

Ghi nhận ấy của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã được anh chúng tôi thực hiện từ lâu với tác phẩm như tiểu thuyết Cơn giông, Sóng nước Vàm Nao… và ngay cả trong những ngày anh chúng tôi bắt đầu mang triệu chứng căn bệnh nan y tiềm ẩn.

Anh chúng tôi luôn sống mẫu mực, khiêm tốn, không bon chen ham mê danh vọng, giàu sang và phú quý mà chỉ chuyên tâm phụ trách tờ báo Văn nghệ Giải phóng và Tuần báo Văn nghệ TPHCM. Anh chúng tôi thích làm công tác hội vì nặng lòng thương mến anh chị em bạn bè đồng nghiệp. Có thể nói, anh chúng tôi có rất đông bạn bè trong cả nước yêu thương và đông đảo độc giả quý mến. Thuở sinh thời, anh chúng tôi đi đến đâu cũng được bạn bè những nơi đó đón tiếp chu đáo và nồng nhiệt.

Từ lúc ba má chúng tôi qua đời thì anh nhận vai trò là con trai trưởng chăm lo, yêu thương các em và con cháu trong gia đình. Trong khoảng thời gian cuối đời, giữa những cơn đau thắt ngặt, anh chúng tôi vẫn vui vẻ kể lại những giai thoại đời văn và những hồi ức khao khát viết về những ký ức một thời chiến đấu chưa xa với bạn bè đồng nghiệp và anh em chúng tôi mà không một chút bi quan.

Anh chúng tôi là một người dũng cảm mang trái tim và tâm hồn người lính cách mạng. Anh chúng tôi đã mang nụ cười về nơi chín suối.

 LÊ VĂN DUY
Nguồn: NVTPHCM



Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

NGUYỄN TRÃI - BẬC THẦY CỦA MỸ HỌC CHÂM BIẾM

Châm biếm là một dạng của văn học trào phúng dùng lời lẽ sắc sảo, cay độc, thâm thuý để vạch trần bản chất cái đáng cười. Không phải nhà trào phúng nào cũng có thể sử dụng châm biếm, mà phải thường là người tham bác rộng rãi cả văn và đời, phải là tầm trí tuệ hiểu sâu tâm địa đen tối của đối phương.

Nói tiếng cười là trí tuệ thì trước hết phải nói tới lĩnh vực châm biếm. Chúng tôi xin giới thiệu mỹ học châm biếm Nguyễn Trãi qua tập “Quân trung từ mệnh tập” - một văn kiện ngoại giao nhưng lại mang màu sắc văn hóa châm biếm đuổi giặc độc đáo, đặc sắc, hiếm có.
Chân dung đại thi hào Nguyễn Trãi.

Tác phẩm nổi bật hai tiếng cười châm biếm lớn là châm biếm trí tuệ và châm biếm đạo lý. Chỉ có tầm trí tuệ kiệt xuất mới có thể dùng tiếng cười vạch ra cái ngu và cái tham của kẻ hiếu chiến, hiếu sát của quân Minh một cách đích đáng. Chỉ có tầm hiểu biết, tấm lòng bao dung nhân nghĩa như trời biển mới có thể dùng tiếng cười chỉ ra sự dối trá đáng nguyền rủa và sự hèn hạ thảm hại của kẻ xâm lược một cách rõ ràng, hả hê.

Để tiếng cười tăng cường thêm sức mạnh lột phăng cái mặt nạ giả tạo bóng bẩy “điếu dân phạt tội” (thương dân mà phạt kẻ có tội), làm trơ ra bộ mặt thật đểu giả, gian ác rồi xoáy vào tim đen gan ruột của bọn ăn cướp, Nguyễn Trãi luôn tựa vào những điểm tựa chắc chắn là đạo lý, chân lý chính nghĩa, là một kiến văn uyên bác thật sự hiếm có, một sự thật lịch sử cũng như những sự thật hiển nhiên trong thực tế… Vì thế, mở đầu mỗi lá thư thường có mấy chữ tưởng chừng công thức: “Ta nghe…”, “Ta thường nghe…”, “Cổ nhân nói…”… nhưng chứa đầy sức mạnh của lẽ phải, sự hiểu biết, của lòng yêu hòa bình.

Ông cố ý dùng rất nhiều các từ nói về chân lý, đạo lý như Đạo trời, Thánh nhân, đại nhân, cổ nhân, trí giả, nhân giả, nghĩa giả, quân tử, bực hào kiệt, đạo chí thành, chí nhân, thành thực… để đối lập triệt để, tương phản gay gắt với kẻ thù tàn ác, dối trá, hèn hạ.

Bản chất cái hài là sự mâu thuẫn giữa các mặt đối lập, giữa nội dung và hình thức, giữa đạo đức và phi đạo đức, giữa hèn kém và cao thượng, giữa dốt nát ngu đần và trí tuệ hiền minh… Nhưng để có tiếng cười thì phải đợi đến vai trò quyết định của chủ thể tiếng cười, phải trí tuệ để nhìn thấy những mâu thuẫn hài; phải có sự phẫn nộ của lý trí muốn đòi lại lẽ phải, sự công bằng; phải có trái tim đầy yêu thương con người, căm thù cái xấu bênh vực cái tốt đẹp; phải có năng khiếu trời phú, có tài năng mỹ học về cái hài biết đẩy mâu thuẫn hài đến kịch tính… Nguyễn Trãi có đầy đủ những yếu tố ấy để đưa ông trở thành nhà trào phúng vĩ đại, chỉ qua một tập sách này.

Giặc Minh trắng trợn cướp nước ta, chém giết dân ta với danh nghĩa “Thiên triều” sang “cứu giúp dân”. Đấy là mâu thuẫn khủng khiếp mang tính bi kịch của lịch sử, thách thức cả công lý, đạo lý và chân lý… Lịch sử đã trao cho Nguyễn Trãi sứ mệnh dùng tiếng cười xé toạc, thổi bay cái sự thật mĩ miều bên ngoài, mà thực chất bên trong bẩn thỉu để toàn nhân loại thấy rõ dã tâm kẻ cướp. 

Tác phẩm dài chưa đầy một trăm trang sách là sự tập hợp những lá thư luận chiến đanh thép nhưng tần số xuất hiện các chữ lừa dối, dối trá, giả dối cao ở mức rất đáng chú ý (36 lần): “…tính mạng của mấy vạn đàn ông, đàn bà ở trong thành đều bị các ông lừa dối làm hại, làm cho bọn người không tội một mai bị chết”.

Ở tư cách bậc thầy, Nguyễn Trãi giảng cho đối phương về đạo lý trong quan hệ láng giềng lân bang thì chữ “tín” là hạt nhân: “Kể ra, Vương giả không lừa dối bốn biển, Bá giả không lừa dối bốn láng giềng, cho nên Văn hầu không đánh ấp Nguyên, Thương quân không bỏ việc thưởng người dời cây gỗ; người mà không có tin thì làm gì được”.

Ở đây ông dùng “điển cố”, tức nêu những sự việc và con người mang tính mẫu mực đời trước để đời nay làm theo. Theo sách “Tả truyện”, Tấn Văn Công nói sẽ đánh ấp Nguyên trong ba ngày. Vây đúng ba ngày ấp Nguyên không chịu hàng, Văn Công bỏ không vây. Nội gián báo ra ấp Nguyên sắp hàng nhưng Văn Công cứ lui quân vì cho rằng nếu cứ vây nữa là thất tín. Về sau việc này trở thành điển hình cho chữ “tín” trong việc quân sự.

Sử Trung Quốc kể, thời Tần, Thương Ưởng dựng cây gỗ cửa Nam thành, nói ai dời sang cửa Bắc sẽ thưởng 10 lạng vàng. Không ai dám làm. Ông ta nói tiếp, ai dời sẽ thưởng 50 lạng vàng. Có người làm, Thương Ưởng cho ngay 50 lạng vàng để chứng minh chữ “tín” của mình. Các điển cố này có trong văn hóa cổ đại Trung Quốc ai cũng biết. Đó là cách mỉa kẻ thù: Văn hóa cha ông các người như thế mà sao các người thất tín làm vậy!

Mang một tội ác man rợ đến cướp một đất nước nhỏ bé yêu hòa bình công lý thì chúng phải có cả một “chiến lược” lừa dối. Nên chúng phải khoác lác, khoác lác ngay cả khi thế đã cùng lực đã kiệt: “Hẳn nếu giỏi công thủ thì sao không đánh ta ngay thuở ở Khả Lam hãy còn nhỏ yếu, mà bây giờ lại giương vây khoác lác như thế ư?... Huống chi lại bưng bít tai mắt người ta, đặt điều lừa phỉnh nói phao là viện binh sắp đến, Trương Phụ lại sang”.

Nhưng đã phi nghĩa và giả dối thì không thể che mắt được chính nghĩa và sự thật, Nguyễn Trãi vạch ra bản chất lời nói dối: “chỉ lấy lời nói suông cùng lừa dối nhau, muốn đợi quân khác đến cứu viện như ngày trước đã làm, ngoài mặt thì hòa giải mà ngầm có mưu khác, rồi đại quân kéo đến… như thế thì ngu phu ngu phụ cũng còn chẳng tin được, huống chi tôi là kẻ tuy không có mưu trí mà lại tin thế ư?”.

Tiếng cười ba lần hạ bệ đối phương. Lần thứ nhất, lật tẩy âm mưu trò hề làm trơ ra sự thật “ngoài mặt thì hòa giải mà ngầm có mưu khác, rồi đại quân kéo đến”. Lần hai bị hạ bệ qua mệnh đề “như thế thì ngu phu ngu phụ cũng còn chẳng tin được”. Và lần ba “huống chi…?”.

Nguyễn Trãi đã thay mặt công lý để nói với cả nhân loại rằng kẻ thù này thì lừa dối là bản chất nhưng họ lại coi đó  là một “đắc sách”: “Sau lại bảo ta sai người dâng biểu cầu phong, mà nói rằng “sau khi dâng biểu lập tức rút quân”. Đến lúc biểu đã đệ đi mà quân chưa thấy rút, lại còn dựng thêm rào lũy, sắm sửa đồ binh, tự cho là đắc sách lắm. Bội ước thất tín đến thế là cùng…”.

Lấy điểm tựa “nhân nghĩa” mà Nguyễn Trãi gọi là “nhân giả”, “vương giả” để cười kẻ thù trong tình trạng “vật hóa”:

“Ta nghe: quân của vương giả chỉ có dẹp yên mà không có đánh chém. Việc làm nhân nghĩa cốt để yên dân”. Thế mà kẻ thù thì hoàn toàn ngược lại, gây ra những tội ác tày trời: “chuyên làm hà ngược, sinh linh lầm than, thiên hạ ta oán, đào phần mộ ở ấp ta, bắt vợ con của dân ta, người sống bị hại, người chết ngậm oan”. Chúng không chỉ giết người cướp của, tàn phá di sản văn hóa của ta mà còn làm tổn thương các giá trị đời sống tinh thần như “đào phần mộ ở ấp ta” (người Việt coi trọng cuộc sống tâm linh, sống vì mồ vì mả…).

Tiếng cười vạch ra 4 tội: một là, chống lại lệnh “Thiên triều” (khi Liễu Thăng đã xuất quân, triều Minh hai lần “sắc thư” gọi về, nhưng lấy cớ “Tướng quân toàn quyền tại ngoại” hắn cứ đi). Hai là tội chống lại mệnh trời gặp họa đắm thuyền “trời bảo cho biết” mà vẫn tiếp tục âm mưu gây họa. Ba là tội ngu, là tướng mà “không xét thời trời, không biết việc người”. Bốn là tội hiếu sát “chỉ lấy việc chém giết làm oai”.

Biết thời điểm lá thư này gửi cho Vương Thông, Sơn Thọ cùng “song hổ phù” (một biểu tượng quyền lực) và “ấn bạc” của Liễu Thăng sau khi bị ta chém chết ở Chi Lăng càng thấy rõ hơn mục đích của Nguyễn Trãi là kể tội Liễu Thăng để “uy hiếp” tinh thần, cũng là làm rõ điều hơn lẽ thiệt cho bọn Vương Thông. Còn một mục đích hòa bình xa hơn, như muốn nói: Liễu Thăng chết là do tội của nó, tội đáng chết (chứ không hoàn toàn do ý chúng tôi)!

Trong thư gửi Mộc Thạnh (vào nước ta sau đạo quân Liễu Thăng) có nói kỹ hơn: “Tôi đã hai ba lần gửi thư nói kỹ về thiên thời, về nhân sự, nói đi nói lại không rờm lời, mà Liễu công (tức Liễu Thăng) cho lời nói của tôi là không đáng tin, bèn mạo hiểm tiến quân vào sâu chuyên việc chém giết, ý định giết hết không để sót người nào. Nhưng không biết đạo trời ưa sống, lòng người ghét loạn. Thành hay bại, phúc hay họa, chỉ trong khoảng trở bàn tay thôi”.

Cần nói rõ hơn, Mộc Thạnh đã từng làm quan cai trị nước ta trước đó nên phần nào hiểu tinh thần yêu nước, sức mạnh của quân dân ta, do vậy dù là tướng chỉ huy một đạo quân khác nên hắn tiến quân có phần thận trọng. Càng thấy chiến thuật “tâm công” của Nguyễn Trãi cực kỳ nhân nghĩa, vô cùng linh hoạt, hiệu quả, chiến lược, ngăn ngừa cuộc chiến tranh trả thù sau này!

Một nguyên tắc của mỹ học châm biếm Nho gia là hay dùng hình ảnh để “vật hoá” đối phương được Nguyễn Trãi tận dụng để cười kẻ thù và hạ bệ chúng xuống hàng những con vật nhút nhát, yếu đuối, bất lực như con cá (trên thớt), con chuột (trong xó hang), con bọ ngựa (giơ càng)… Có một ẩn dụ mỉa cực đau đối với các tướng “thiên triều” vốn kiêu ngạo: “Ta e bọn mày không khỏi cái nhục khăn yếm vậy!”. “Khăn yếm” dịch thoát từ chữ Hán “cân quắc” chỉ đồ trang sức chung của đàn bà (không chỉ là khăn yếm!).

Tiếng cười châm biếm Nguyễn Trãi tiêu biểu và đại diện cho một nền văn hóa chính nghĩa và nhân nghĩa cười kẻ thù xâm lược phi nghĩa, hiếu sát, hiểm ác, tráo trở. Đó là một thứ vũ khí cực kỳ sắc bén, quyết liệt mà vẫn thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam anh hùng, trí tuệ, sắc sảo mà nhân ái, bao dung, tinh tế. Đó là tiếng cười hai chiều vừa hủy diệt, vừa tái sinh, hủy diệt tính cách lừa dối, tham tàn, bạo ngược để tái sinh kẻ ăn năn hối cải, kẻ biết yêu hòa bình, yêu sự sống!

NGUYỄN THANH TÚ
Theo VNCA



VĂN HÀO PHÁP HONORÉ DE BALZAC: CUỐI CÙNG CÒN LẠI TÌNH YÊU

Honoré de Balzac dự định bộ "Tấn trò đời" của ông sẽ có 143 tập. Tuy nhiên, ông mới chỉ kịp hoàn thành 90 tập. Dẫu vậy, đó vẫn là bộ sách khổng lồ và vĩ đại, miêu tả sâu sắc và rộng rãi không chỉ bức tranh xã hội Pháp đương thời mà còn nêu bật được những "tấn trò đời" vĩnh cửu với những tiểu thuyết xuất sắc qua nhiều thời đại như "Miếng da lừa" (1831), "Eugenie Grandet" (1833), "Cha Goriot" (1834), "Vỡ mộng" (in năm 1843), "Bước thăng trầm của kỹ nữ" (1845)...

Honoré de Balzac sinh ngày 20/5/1799 tại thành phố Tours. Cha ông, Bernard-Franois Balssa, là viên chức thuộc ngành quốc phòng, chuyên cung cấp quân trang quân dụng cho sư đoàn đóng ở đô thị nhỏ này.
Văn hào Honoré de Balzac của Pháp

Khi nhà văn tương lai cất tiếng khóc chào đời, người cha đã ở tuổi 53. Người mẹ, Anne-Charlotte-Laure Sallambier, vốn là cô con gái ngoan trong một gia đình tư sản ở Paris, kém chồng tới 32 tuổi. Ông Bernard-Franois Balssa đôi khi nửa đùa nửa thật khoe về dòng dõi quý tộc cổ kính Balzac d'Entraigues mà dường như ông là một hậu duệ.

Về sau, người con trai đã biến câu chuyện vui này thành một sự kiện bất khả bác bỏ và lấy đó làm họ cho mình và ghi lên trên các lá thư và các cuốn sách. Nhà văn cũng sử dụng gia huy Balzac d'Entraigues để vẽ trên xe ngựa của mình khi đi tới Vienna. Trong khi đó, tất cả những tài liệu còn lại cho tới hôm nay đều không có gì minh chứng cho dòng dõi quý tộc của nhà văn.

Tuổi thơ của nhà văn đã trôi qua ở ngoài tổ ấm gia đình. Ngay từ khi còn đỏ hỏn, Honoré đã được vú nuôi, một phụ nữ nông dân bình dị, nuôi dưỡng. Từ khi lên 4 tuổi tới năm 11 tuổi, cậu đã phải trải qua nhiều học xá khác nhau.

Những ngày tháng u ám nhất trong tuổi thơ của nhà văn tương lai là bảy năm sống trong Trường Vendôme, một học xá khá kín nằm dưới quyền điều hành của các tu sĩ theo dòng Oratory ở Saint Philip Neri (những tu sĩ sống với cộng đồng tôn giáo nhưng không tuyên thệ). Hai trăm học trò đã phải nhất nhất tuân theo kỷ luật khắc nghiệt của các tu sĩ. Phạm bất cứ lỗi lầm nào dù nhỏ đến mấy cũng bị phạt nặng bởi roi vọt hay bị giam trong phòng kín lạnh lùng.

Ngay từ nhỏ, Balzac đã nổi tiếng là một học trò cẩu thả, có tính tình u uẩn. Chính trong hoàn cảnh sống như thế, Honoré đã sớm tìm tới sách vở. Cậu bé thường ngồi lỳ trong thư viện của trường. Và mày mò tự viết nhưng đã chỉ khiến đám bạn đồng lứa chế giễu và mỉa mai đặt cho biệt danh "Thi sĩ".

Khi Balzac 15 tuổi, người cha được chuyển về Paris. Đó là năm 1814, khi đế chế của Napoléon vừa sụp đổ. Nước Pháp lại trở thành vương quốc của dòng họ Bourbon. Theo đòi hỏi của cha, nhà văn tương lai vào học Trường Luật, đồng thời làm một chân thư ký ở Văn phòng luật sư Jean - Baptiste Guillonnet - Merville. Tuy nhiên, Blazac cũng giấu cha mẹ để dự giảng những tiết về văn học ở Sorbonne và say mê đọc những cuốn sách lịch sử và triết học ở thư viện.

Tới năm 1819, Balzac tốt nghiệp xuất sắc Trường Luật nhưng đã khiến cha mẹ ngạc nhiên khi quyết định chỉ chuyên về viết văn. Khi đó, cha ông đã về hưu và cả gia đình chuyển tới ở một thầnh phố nhỏ gần thủ đô. Một mình Balzac ở lại Paris, trong một khu công nhân và tá túc ở một căn phòng áp mái nhỏ trong cảnh túng bấn. Viết thư cho em gái, nhà văn lớn tương lai hài hước: "Anh trai của em, người đang được hứa hẹn một vinh quang như thế, hiện ăn uống hoàn toàn như một vĩ nhân, nói cách khác tức là đang chết đói".

Thử nghiệm văn học đầu tiên trong thể loại bi kịch của Balzac đã bị "hội đồng gia đình" phê phán kịch liệt. Thấy vậy, Honoré đã chuyển sự chú ý sang các tiểu thuyết "gôtích", thế giới của những ác nhân không trái tim, nơi nảy sinh những tội ác dã man tàn bạo nhất, nơi khám phá ra những tội ác rùng rợn nhất và những mỹ nhân mềm tính luôn ở hiền gặp lành.

Trong giai đoạn đầu kéo dài tới 5 năm, Blazac kết hợp với một "thợ văn" giàu kinh nghiệm cho xuất bản tới cả chục cuốn tiểu thuyết nhưng vẫn không sao thoát khỏi cảnh sống "bóc ngắn cắn dài". Túng thiếu, cho tới tuổi tam thập, Blazac cố tình duy trì cảnh sống không vướng víu đàn bà. Đó là giai đoạn mà nhà văn vĩ đại trong tương lai tỏ ra rụt rè, nhút nhát tới... bệnh hoạn, chỉ đơn giản bởi ông cũng cảm thấy sợ sức mạnh dục tình trong chính lòng mình.

Thêm vào đó, hiểu rõ mình chỉ là một gã đàn ông chân ngắn, vụng về, ông rất sợ trở thành kệch cỡm nếu hành xử như những trai lơ thời ấy trước mặt các mỹ nhân sắc nước hương trời. Và họa hóa phúc, chính nỗi sợ giáp mặt mỹ nhân đã khiến Balzac sống trong cô độc lại giúp ông ngồi lâu hơn cạnh bàn viết và sáng tạo.

Từ Paris, thi thoảng Balzac trở về thành phố ngoại ô sống cùng cha mẹ. Và tại đó, năm 1821, ông đã làm quen với Laure de Berny, một phụ nữ đã ở tuổi 45, có không chỉ một đứa con, rất bất hạnh trong đời sống gia đình. Chồng của chị, Gabriel de Berny, con trai một thống đốc, thành viên tòa án Hoàng gia, hậu duệ của một dòng họ quý tộc lâu đời.

Thị lực của Balzac khi đó ngày một trở nên tồi tệ hơn. Thân mẫu của nhà văn buộc ông phải cùng làm việc với con trai của Laure. Hai người gần như là đồng niên. Chẳng bao lâu sau, thân mẫu của nhà văn mới phát hiện ra một số chi tiếp khiến bà phải "cảnh giác". Bà có cảm giác như cậu con trai tài hoa của bà đang phải lòng cô bé xinh đẹp kém mình vài ba tuổi Emmanuel, con gái của Laure de Berny. Thế nhưng, thực ra, trái tim của nhà văn trẻ lại thổn thức vì "mẫu hậu" Laure, người đàn bà đã sinh cho chồng mình tới 9 đứa con!--PageBreak--

Laure de Berny, mối tình đầu của Balzac, đã đóng một vai trò trọng đại trong cuộc sống của ông.

"Nàng đối với tôi vừa là mẹ, vừa là bạn gái, vừa là khách đồng hành, vừa là gia đình, cố vấn, tri âm tri kỷ. - Sau này Balzac nhớ lại. - Nàng đã biến tôi thành nhà văn, an ủi tôi khi còn non tơ, nàng đánh thức trong tôi thẩm mỹ, nàng khóc và cười với tôi, nàng luôn tới với tôi như một giấc mơ hạnh ngộ, làm dịu đi mọi nỗi đau đớn của tôi... Không có nàng hẳn là tôi đã chết...".

Laure de Berny đã làm mọi việc mà một người phụ nữ có thể làm được vì Balzac. Mối quan hệ giàu nhục cảm giữa hai người kéo dài qua không chỉ một thập niên, từ năm 1822 tới năm 1833. Balzac về sau đã viết: "Không gì có thể so sánh được với tình yêu của người phụ nữ dâng hiến cho người đàn ông hạnh phúc của mối tình đầu".

Laure de Berny đã không ngay lập tức đáp lại niềm cảm xúc của Balzac nhưng đã không thể cứng lòng mãi được trước sự chân thành và nồng nhiệt của nhà văn trẻ. "Trời ơi nàng đẹp quá trong lễ hội đêm qua! Nàng đã quá nhiều lần về với tôi trong mơ, rạng rỡ, cuốn hút, nhưng tôi xin thú thực là, đêm qua nàng đã vượt lên trên đối thủ duy nhất của mình, tiên nữ trong giấc tôi mơ...".

Và một đêm tháng 5 ấm áp, Laure de Berny đã quy thuận nhà văn. Balzac hào hứng: "Ôi Laure yêu quý! Anh viết về em và xung quanh anh đang là bầu im lặng của đêm, cái đêm đang sống động trong anh ký ức về những nụ hôn nồng cháy của em! Tôi còn có thể nghĩ về điều gì khác nữa? Tôi lúc nào cũng thấy trước mắt cái ghế đá mà trên đó ta đã ngồi, tôi cảm thấy đôi bày tay thân thiết của em lúc nào cũng ôm ấp trìu mến lấy tôi và những cánh hoa trước tôi dẫu đã héo vẫn nguyên mùi hương thanh khiết...".

Bà Laure de Berny khi ấy còn đầy nhiệt huyết. Nhưng rồi mối quan hệ giữa hai người bị tiết lộ. Xã hội lên án. Trong khi đó các dự án in ấn của Balzac đều thất bại. Laure giúp đỡ ý trung nhân không chỉ bằng lời nói, mà cả bằng những hành động vật chất cụ thể. Họ đã là bạn của nhau tới phút cuối của cuộc đời bà, năm 1836.

Laure de Berny đã là nguyên mẫu của một trong những nhân vật nữ trong tiểu thuyết "Những bông huệ đồng bằng", dẫu rằng chính Balzac đã nói nhân vật văn học chỉ là sự phản chiếu yếu ớt của người đàn bà trong đời thực. Cũng chính từ bà Laure de Berny, Balzac chỉ nhìn thấy niềm hứng khởi của mình ở những người phụ nữ vượt lên trên ông ở kinh nghiệm đời sống và tuổi tác. Những mỹ nữ trẻ trung đòi hỏi nhiều và chỉ có thể đáp ứng được ít, không còn làm ông quan tâm nữa. "Nàng tứ thập làm ta hứng khởi, nàng hai mươi có nghĩa gì đâu...".

Nữ công tước D' Abrantès, goá phụ của tướng Junot, khi Balzac làm quen với nàng vào năm 1829, ở Versailles, đang bị chìm trong nợ nần và không được xã hội thượng lưu kính trọng. Nàng đã buộc phải mang hồi ức của mình ra mặc cả với đời. Nữ công tước đã không phải khó khăn gì lắm để lôi nhà văn trẻ Balzac ra khỏi vòng tay của người phụ nữ luống tuổi Laure de Berny.

Không rõ vì một lý do gì đó nhưng cho tới phút cuối cùng của đời mình, Balzac luôn bị mê hoặc bởi những tước vị quý tộc. Và ông cảm thấy hãnh diện khi có được mối quan hệ tình cảm với nữ công tước D' Abrantès. Mặc dầu giai đoạn "hương nồng lửa đượm" không kéo quá dài nhưng về sau, quan hệ giữa hai người vẫn là thân hữu. Nữ công tước D' Abrantès đã giúp Balzac vào với salon của bà Récamier và một số những nhân vật thượng lưu khác. Còn nhà văn thì giúp mỹ nhân này hoàn thành những hồi ức của nàng.

Cũng trong thời gian đó, Balzac đã gặp gỡ với một người phụ nữ nữa, rất không xinh đẹp nhưng đã yêu ông như cơ hội hạnh phúc duy nhất của đời mình. Và họ đã có với nhau những ký ức khó quên, đầy cảm hứng sáng tạo.

Quả thực là không có phụ nữ xấu, quan trọng là ta biết nhìn ra giá trị nhan sắc của họ. Nàng đã giúp cho nhà văn thấu hiểu hơn giá trị tâm hồn của người phụ nữ sống là dâng hiến: "Một phần tư giờ mà tôi có thể ở cạnh nàng đã cho tôi nhiều hứng khởi hơn cả đêm ở trong vòng tay của một nữ nhân trẻ tuổi...".

Tuy nhiên, người đàn bà đứng tuổi đó hiểu rằng, chị không có sức quyến rũ đàn bà có thể gắn bó nhà văn một lần là mãi mãi. Hơn nữa, chị cũng không thể tiếp tục lừa dối chồng mình hay bỏ ông ta trong cảnh bất hạnh. Và vì thế, chị chỉ muốn có một tình bạn dịu dàng với nhà văn thôi.

Trong những lá thư gửi Balzac, chị công khai nói những ý kiến của chị về các tác phẩm của nhà văn. Balzac cảm ơn chị: "Nàng chính là độc giả của tôi. Tôi tự hào vì đã làm quen được với nàng, với người đã giúp tôi có được khát vọng luôn phải trở nên hoàn thiện hơn...".

Trước khi chết, Balzac, nhìn lại đoạn đời đã qua, đã thú nhận rằng, người đàn bà không xinh đẹp ấy mới chính là người bạn gái tuyệt vời nhất của ông. Và ông cầm lấy bút, sau một thời gian dài biệt vô âm tín, viết thêm một lá thư cuối cùng cho chị...

HOÀNG PHONG
Nguồn: CAND

Câu chuyện văn hoá khác:



Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

SẮC SẢO VÀ TINH TẾ ĐỖ LAI THÚY

Tôi đọc Đỗ Lại Thúy từ nhiều năm trước, nhưng chủ yếu chỉ là những bài viết của anh đăng rải rác ở các báo, cùng với cả những bài báo của một vài nhà phê bình phản biện Đỗ Lai Thúy. Cũng lại đã đôi ba lần gặp anh, cùng ngồi chung bàn nhậu với anh ở đâu đó, chủ yếu do tình cờ.
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy

Chuyện thế sự là chính, chứ thực sự chưa có khi nào bàn thảo riêng với nhau về văn chương, về học thuật. Lý do đơn giản là bởi vì chúng tôi cũng chỉ mới quen biết nhau, công việc của anh cũng khác tôi đôi chút. Vả chăng, mới gặp anh, cảm thấy anh bề ngoài có vẻ hơi lạnh lùng, ít sự vồn vã sôi nổi như nhiều người khác, nên thực lòng, tôi cũng có phần giữ kẽ. Còn nhớ một lần, ở tư gia trung tướng Phùng Khắc Đăng, có tới hàng chục các vị “khoa bảng” gặp nhau cuối năm, ngồi “uống nước xơi trầu”. Trần Ngọc Vương, Đỗ Lai Thúy, Đinh Công Vĩ, Nguyễn Hữu Sơn v.v… Cũng có trao đổi đôi chút về văn học Trung Hoa cổ đại và một chút về văn học trung đại Việt Nam. Trần Ngọc Vương và Đinh Công Vĩ nói là chính, chứ Đỗ Lai Thúy và tôi chỉ im lặng ngồi nghe. Nhưng gần đây, đọc những cuốn sách của Đỗ Lai Thúy đã xuất bản, mới hay rằng, bên trong cái bề ngoài có vẻ lạnh lùng, hơi kiêu kiêu một tý ấy, là một Đỗ Lai Thúy rất giàu nội tâm, điềm đạm, nho nhã, kiến văn uyên bác.

Đỗ Lai Thúy là một nhà sư phạm, PGS Văn học, Tiến sĩ Lịch sử Văn hóa Nghệ thuật, một nhà nghiên cứu và phê bình văn học tài năng. Biết anh quê gốc xứ Đoài, một địa chỉ văn hóa đáng nể, lại cùng tuổi Mậu Tý (1948) với tôi, nên trước lạ sau quen. Thêm nữa, anh cũng từng là sinh viên Đại học Sư Phạm Hà Nội như tôi, rồi cũng có cả mấy năm làm “lính Cụ Hồ”, nên cảm thấy có những điểm tương đồng. Đến khi có thời gian thích hợp, tôi tìm đọc anh nhiều hơn, kỹ hơn và có hệ thống hơn…

Đỗ Lai Thúy đã xuất bản mấy chục đầu sách. Cuốn nào của anh cũng khá đồ sộ, cả về dung lượng và chất lượng chuyên môn. Càng đọc, tôi càng thấy thích Đỗ Lai Thúy ở cách nhìn các hiện tượng văn học một cách “phi truyền thống”. Ở anh, tố chất một nhà nghiên cứu khoa học rất nổi trội. Anh “nhìn ngó”, “xăm soi” các hiện tượng, các vấn đề văn học và nghệ thuật bằng Tuệ nhãn văn hóa, bằng cái tâm Phật, bằng mỹ cảm nhân văn và ý chí khám phá những điều huyền diệu, huyền bí, còn đang lấp ló ở phía “chân trời chưa có người bay”, ở phía sau văn chương, trộn lẫn trong văn chương và cả trong văn hóa người.

Quan niệm về một nhà phê bình văn học chân chính, Đỗ Lai Thúy viết: “Một nhà phê bình nhất thiết phải có hiểu biết lý thuyết. Biết, nhưng không phải để thồ chữ, mà để kết hợp với kinh nghiệm sống và kinh nghiệm thẩm mỹ nhằm kiến tạo những mô hình nghiên cứu. Nhờ đó, khám phá và diễn giải tốt hơn các hiện tượng của văn học Việt Nam”. Tôi tán đồng quan niệm của Đỗ Lai Thúy và cũng rất đề cao một lối phê bình văn học có văn, không ưa lối phê bình chỉ rặt những lý thuyết hàn lâm, máy móc và cơ học. Một nhà phê bình có tài, phải biết giấu đi, biết cách hòa tan cái mùi vị hàn lâm trong văn, khiến bạn đọc có cơ hội tiếp nhận văn bản một cách dễ chịu, chả khác gì thưởng thức một tác phẩm văn chương vậy.
Ở cách nhìn các hiện tượng văn học “phi truyền thống”, Đỗ Lai Thúy đã là người đề xuất cách lý giải các hiện tượng văn chương khá mới mẻ ở nước ta, mặc dù anh cũng tiếp thu và phát triển nó trên thành quả của những nhà nghiên cứu trước đó ở nước ngoài, đặc biệt là ở phương Tây. Trước đây vài chục năm, tôi cũng đã phản biện về cách hiểu một số bài thơ của Hồ Xuân Hương, ví như các bài thơ Bánh trôi nước, rồi thì chùm thơ Tự tình, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, từ phổ thông đến đại học. Mặc dù những bài viết của chúng tôi đã được báo chí đăng tải, nhưng vẫn còn không ít bạn đọc, nhất là một số giáo viên xưa nay chỉ biết tin vào những “tín điều” dường như đã được “mặc định” của các sách Hướng dẫn giáo viên, không dễ dàng chấp nhận, mặc dù khi ấy tôi chưa được đọc Đỗ Lai Thúy, hoặc giả là anh cũng chưa đi sâu vào nghiên cứu chuyên đề này? Thế nên, đọc cuốn Hồ Xuân Hương Hoài niệm phồn thực của Đỗ Lai Thúy, tôi thấy có sự đồng cảm sâu sắc. Chỉ có điều hơi khác, là anh trình bày các vấn đề dưới góc nhìn lý luận, đặt nó trong mối quan hệ với văn hóa và sự điềm tĩnh khoa học, sâu hơn, toàn diện hơn…

Bút pháp của ham muốn là một chuyên luận kỹ lưỡng về phân tâm học. Từ lý thuyết chung, đặc sắc Đỗ Lai Thúy là anh vận dụng lý thuyết này vào việc soi chiếu một số tác phẩm tiêu biểu của văn chương Việt, từ cổ chí kim. Ngoài Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đỗ Lai Thúy phân tích rất kỹ tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều. Tác giả cho rằng, “thế giới của Nguyễn Gia Thiều tràn ngập những bóng: bóng dương (bóng người đàn ông, nhả vua), bóng thỏ (mặt trăng), bóng đèn, bóng nguyệt, bóng bội hoàn (đồ trang sức bằng vàng ngọc), bóng huỳnh (đom đóm), bóng câu (bóng ngựa, bóng thời gian), bóng râm, chiếc bóng (chỉ người cung nữ), bào ảnh (bóng nước, bóng sáng), nhân ảnh (bóng người)… Tác giả kết luận: “Thế giới trập trùng bóng. Bóng của Nguyễn Gia Thiều đổ vào tác phẩm là người cung nữ; những chiếc bóng của người cung nữ; bóng của những sự vật, đồ vật soi chiếu vào nhau; bóng lồng bóng, bóng của bóng, bóng bội nhân như trong nhà kính vạn gương, tạo ra một ý niệm trùng phức về cái bóng. Đó là chưa kể đến thi ảnh của bóng, cũng là một thứ bóng. Có thể nói, trong “Cung oán ngâm khúc” cái bóng là lăng kính của Nguyễn Gia Thiều, cái nhìn thế giới của ông, cái nhìn nghệ thuật của ông”… Theo tôi, có thể xem đây là một phát hiện rất thú vị của Đỗ Lai Thúy. Với “bút pháp của ham muốn” này, Đỗ Lai Thúy cũng lý giải một cách sắc sảo và tinh tế về thơ Hoàng Cầm, Chế Lan Viên, Xuân Diệu và một số tác giả khác. Nói chung về điều này, nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy đã góp thêm một cách nhìn đầy đủ và độc đáo về một số hiện tượng văn học ở nước ta, bằng phương pháp kiểm chứng phân tâm học...

Thực ra, theo Jacques Lacan, “phân tâm học không phải là một văn bản. Đó là một tiền văn bản. Nó không lời mà sinh ra lời. Nhà phân tâm học không phải chỉ lý giải một văn bản của vô thức đã có sẵn, anh ta vừa lý giải vừa sinh ra nó”. Ở phương Tây khoảng đầu thế kỷ 20, phê bình phân tâm học đã một thời được xem là một phương pháp phê bình được nhiều người ưa thích, mặc dầu, đó không phải là một phương pháp phê bình độc tôn. Ở nước ta cũng vậy, khoảng đầu thế kỷ trước, phê bình phân tâm học cũng đã có một thời làm nên sóng gió, đem đến cho đời sống văn học một sinh khí mới, mà Trương Tửu là một đại diện tiêu biểu. Thế nhưng nó đã sớm chết yểu, vì những lý do ngoài văn chương và khoa học. Kể từ khi có sự đổi mới từ nghị quyết cởi trói của đảng cầm quyền, phương pháp phê bình phân tâm học lại được nhìn nhận lại, công bằng hơn, thấu đáo hơn. Đến Đỗ Lai Thúy thì dường như nó được sống lại một cách đàng hoàng, đem lại không khí hồn nhiên cho đời sống phê bình văn học. Lý thuyết phân tâm học của S.Freud (người Áo) và của nhà tâm lý học phân tích K.Jung (người Thụy Sĩ) lại có cơ hội được khuấy lên, trước hết là ở các giảng đường đại học, bởi giá trị vốn có của nó trong hệ thống các giá trị tư tưởng và nhận thức thẩm mỹ của nhân loại.

Đỗ Lai Thúy là một nhà nghiên cứu và phê bình văn học viết chân dung các nhà văn, nhưng anh viết chân dung nhà văn bằng một cách rất riêng. Nói về hai tác phẩm thuộc thể loại này của mình, tác giả viết: “Từ Chân trời có người bay, đến Vẫy vào vô tận là cùng một bút pháp: tùy bút chân dung. Chân dung nhìn nghiêng, chân dung học thuật. Nhưng nếu ở cuốn trước các vấn đề được triển khai theo chiều ngang, chiều xã hội, chiều hữu thức, thì ở cuốn sau lại chủ yếu theo chiều dọc, chiều siêu thức, tâm linh. Tuy vậy, bạn đọc cũng có thể bắt gặp tọa độ của hai chiều kích này đậm nhạt ở mỗi chân dung”. Và tác giả kết luận: “Thế hệ các nhà khoa học đã qua không có chân trời, hoặc chỉ có một chân trời mà họ cố công tìm kiếm. Đấy là chiến công mà cũng là giới hạn của họ. Thế hệ mới hôm nay có nhiều chân trời để bay. Vấn đề là khát vọng bay. Viết Chân trời có người bay và Vẫy vào vô tận không để tôn vinh quá khứ, mà để kiến thiết một hiện tại”.

Viết chân dung văn học theo hơi hướng thể loại tùy bút, nhà văn Đỗ Lai Thúy đã thêm vào hành trang viết của mình một hướng tiếp cận tác phẩm và tác giả khá mới mẻ và hình như nó đã tạo ra một lực hấp dẫn riêng. Vấn đề cốt lõi là qua những trang tùy bút chân dung văn học, Đỗ Lai Thúy bao giờ cũng đưa ra được những nhận xét thấu đáo và chuẩn xác về nhân vật chân dung, hay là chân dung tác giả văn học. Đấy mới là chỗ khả thủ của anh vậy!

Nhìn chung, Đỗ Lai Thúy thành công ở phương diện phê bình học thuật. Ở phương diện này, anh như một người lính xung trận, đôi khi với tư cách một người mở đường. Trong mấy chục năm qua, những tìm tòi của anh không hẳn là hoàn toàn mới mẻ, nhưng nó được anh xây dựng và vận dụng lý thuyết vào việc làm sáng tỏ bản nguyên, đầy đủ các giá trị của tác phẩm văn học và nghệ thuật. Sức hấp dẫn của các công trình nghiên cứu của Đỗ Lai Thúy, chính là ở sự nhuần nhuyễn giữa lý luận và tác phẩm văn chương, tạo ra một cấu trúc phê bình mới, một loại hình tư duy mới trong phê bình văn học.

“Mọi con đường đều dẫn đến thành Rôm”. Mỗi hình thức phê bình đều có giá trị riêng, sức mạnh riêng, nhưng đều góp phần làm cho đời sống phê bình văn học thêm phong phú, giàu tính nhân loại và nhân văn. Thêm nữa, nó còn có giá trị định hướng cho sự phát triển phong phú của một nền văn học.

Lặng lẽ khiêm nhường, âm thầm bền bỉ tích lũy kinh nghiệm và kiến văn, không ngừng sáng tạo, theo tôi, nhà văn, nhà lý luận phê bình Đỗ Lai Thúy chính là một nhân cách và một tài năng đáng trân trọng!

VŨ BÌNH LỤC
Nguồn: Văn Nghệ số 12/2019



Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều