Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

SẮC SẢO VÀ TINH TẾ ĐỖ LAI THÚY

Tôi đọc Đỗ Lại Thúy từ nhiều năm trước, nhưng chủ yếu chỉ là những bài viết của anh đăng rải rác ở các báo, cùng với cả những bài báo của một vài nhà phê bình phản biện Đỗ Lai Thúy. Cũng lại đã đôi ba lần gặp anh, cùng ngồi chung bàn nhậu với anh ở đâu đó, chủ yếu do tình cờ.
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy

Chuyện thế sự là chính, chứ thực sự chưa có khi nào bàn thảo riêng với nhau về văn chương, về học thuật. Lý do đơn giản là bởi vì chúng tôi cũng chỉ mới quen biết nhau, công việc của anh cũng khác tôi đôi chút. Vả chăng, mới gặp anh, cảm thấy anh bề ngoài có vẻ hơi lạnh lùng, ít sự vồn vã sôi nổi như nhiều người khác, nên thực lòng, tôi cũng có phần giữ kẽ. Còn nhớ một lần, ở tư gia trung tướng Phùng Khắc Đăng, có tới hàng chục các vị “khoa bảng” gặp nhau cuối năm, ngồi “uống nước xơi trầu”. Trần Ngọc Vương, Đỗ Lai Thúy, Đinh Công Vĩ, Nguyễn Hữu Sơn v.v… Cũng có trao đổi đôi chút về văn học Trung Hoa cổ đại và một chút về văn học trung đại Việt Nam. Trần Ngọc Vương và Đinh Công Vĩ nói là chính, chứ Đỗ Lai Thúy và tôi chỉ im lặng ngồi nghe. Nhưng gần đây, đọc những cuốn sách của Đỗ Lai Thúy đã xuất bản, mới hay rằng, bên trong cái bề ngoài có vẻ lạnh lùng, hơi kiêu kiêu một tý ấy, là một Đỗ Lai Thúy rất giàu nội tâm, điềm đạm, nho nhã, kiến văn uyên bác.

Đỗ Lai Thúy là một nhà sư phạm, PGS Văn học, Tiến sĩ Lịch sử Văn hóa Nghệ thuật, một nhà nghiên cứu và phê bình văn học tài năng. Biết anh quê gốc xứ Đoài, một địa chỉ văn hóa đáng nể, lại cùng tuổi Mậu Tý (1948) với tôi, nên trước lạ sau quen. Thêm nữa, anh cũng từng là sinh viên Đại học Sư Phạm Hà Nội như tôi, rồi cũng có cả mấy năm làm “lính Cụ Hồ”, nên cảm thấy có những điểm tương đồng. Đến khi có thời gian thích hợp, tôi tìm đọc anh nhiều hơn, kỹ hơn và có hệ thống hơn…

Đỗ Lai Thúy đã xuất bản mấy chục đầu sách. Cuốn nào của anh cũng khá đồ sộ, cả về dung lượng và chất lượng chuyên môn. Càng đọc, tôi càng thấy thích Đỗ Lai Thúy ở cách nhìn các hiện tượng văn học một cách “phi truyền thống”. Ở anh, tố chất một nhà nghiên cứu khoa học rất nổi trội. Anh “nhìn ngó”, “xăm soi” các hiện tượng, các vấn đề văn học và nghệ thuật bằng Tuệ nhãn văn hóa, bằng cái tâm Phật, bằng mỹ cảm nhân văn và ý chí khám phá những điều huyền diệu, huyền bí, còn đang lấp ló ở phía “chân trời chưa có người bay”, ở phía sau văn chương, trộn lẫn trong văn chương và cả trong văn hóa người.

Quan niệm về một nhà phê bình văn học chân chính, Đỗ Lai Thúy viết: “Một nhà phê bình nhất thiết phải có hiểu biết lý thuyết. Biết, nhưng không phải để thồ chữ, mà để kết hợp với kinh nghiệm sống và kinh nghiệm thẩm mỹ nhằm kiến tạo những mô hình nghiên cứu. Nhờ đó, khám phá và diễn giải tốt hơn các hiện tượng của văn học Việt Nam”. Tôi tán đồng quan niệm của Đỗ Lai Thúy và cũng rất đề cao một lối phê bình văn học có văn, không ưa lối phê bình chỉ rặt những lý thuyết hàn lâm, máy móc và cơ học. Một nhà phê bình có tài, phải biết giấu đi, biết cách hòa tan cái mùi vị hàn lâm trong văn, khiến bạn đọc có cơ hội tiếp nhận văn bản một cách dễ chịu, chả khác gì thưởng thức một tác phẩm văn chương vậy.
Ở cách nhìn các hiện tượng văn học “phi truyền thống”, Đỗ Lai Thúy đã là người đề xuất cách lý giải các hiện tượng văn chương khá mới mẻ ở nước ta, mặc dù anh cũng tiếp thu và phát triển nó trên thành quả của những nhà nghiên cứu trước đó ở nước ngoài, đặc biệt là ở phương Tây. Trước đây vài chục năm, tôi cũng đã phản biện về cách hiểu một số bài thơ của Hồ Xuân Hương, ví như các bài thơ Bánh trôi nước, rồi thì chùm thơ Tự tình, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, từ phổ thông đến đại học. Mặc dù những bài viết của chúng tôi đã được báo chí đăng tải, nhưng vẫn còn không ít bạn đọc, nhất là một số giáo viên xưa nay chỉ biết tin vào những “tín điều” dường như đã được “mặc định” của các sách Hướng dẫn giáo viên, không dễ dàng chấp nhận, mặc dù khi ấy tôi chưa được đọc Đỗ Lai Thúy, hoặc giả là anh cũng chưa đi sâu vào nghiên cứu chuyên đề này? Thế nên, đọc cuốn Hồ Xuân Hương Hoài niệm phồn thực của Đỗ Lai Thúy, tôi thấy có sự đồng cảm sâu sắc. Chỉ có điều hơi khác, là anh trình bày các vấn đề dưới góc nhìn lý luận, đặt nó trong mối quan hệ với văn hóa và sự điềm tĩnh khoa học, sâu hơn, toàn diện hơn…

Bút pháp của ham muốn là một chuyên luận kỹ lưỡng về phân tâm học. Từ lý thuyết chung, đặc sắc Đỗ Lai Thúy là anh vận dụng lý thuyết này vào việc soi chiếu một số tác phẩm tiêu biểu của văn chương Việt, từ cổ chí kim. Ngoài Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Đỗ Lai Thúy phân tích rất kỹ tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều. Tác giả cho rằng, “thế giới của Nguyễn Gia Thiều tràn ngập những bóng: bóng dương (bóng người đàn ông, nhả vua), bóng thỏ (mặt trăng), bóng đèn, bóng nguyệt, bóng bội hoàn (đồ trang sức bằng vàng ngọc), bóng huỳnh (đom đóm), bóng câu (bóng ngựa, bóng thời gian), bóng râm, chiếc bóng (chỉ người cung nữ), bào ảnh (bóng nước, bóng sáng), nhân ảnh (bóng người)… Tác giả kết luận: “Thế giới trập trùng bóng. Bóng của Nguyễn Gia Thiều đổ vào tác phẩm là người cung nữ; những chiếc bóng của người cung nữ; bóng của những sự vật, đồ vật soi chiếu vào nhau; bóng lồng bóng, bóng của bóng, bóng bội nhân như trong nhà kính vạn gương, tạo ra một ý niệm trùng phức về cái bóng. Đó là chưa kể đến thi ảnh của bóng, cũng là một thứ bóng. Có thể nói, trong “Cung oán ngâm khúc” cái bóng là lăng kính của Nguyễn Gia Thiều, cái nhìn thế giới của ông, cái nhìn nghệ thuật của ông”… Theo tôi, có thể xem đây là một phát hiện rất thú vị của Đỗ Lai Thúy. Với “bút pháp của ham muốn” này, Đỗ Lai Thúy cũng lý giải một cách sắc sảo và tinh tế về thơ Hoàng Cầm, Chế Lan Viên, Xuân Diệu và một số tác giả khác. Nói chung về điều này, nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy đã góp thêm một cách nhìn đầy đủ và độc đáo về một số hiện tượng văn học ở nước ta, bằng phương pháp kiểm chứng phân tâm học...

Thực ra, theo Jacques Lacan, “phân tâm học không phải là một văn bản. Đó là một tiền văn bản. Nó không lời mà sinh ra lời. Nhà phân tâm học không phải chỉ lý giải một văn bản của vô thức đã có sẵn, anh ta vừa lý giải vừa sinh ra nó”. Ở phương Tây khoảng đầu thế kỷ 20, phê bình phân tâm học đã một thời được xem là một phương pháp phê bình được nhiều người ưa thích, mặc dầu, đó không phải là một phương pháp phê bình độc tôn. Ở nước ta cũng vậy, khoảng đầu thế kỷ trước, phê bình phân tâm học cũng đã có một thời làm nên sóng gió, đem đến cho đời sống văn học một sinh khí mới, mà Trương Tửu là một đại diện tiêu biểu. Thế nhưng nó đã sớm chết yểu, vì những lý do ngoài văn chương và khoa học. Kể từ khi có sự đổi mới từ nghị quyết cởi trói của đảng cầm quyền, phương pháp phê bình phân tâm học lại được nhìn nhận lại, công bằng hơn, thấu đáo hơn. Đến Đỗ Lai Thúy thì dường như nó được sống lại một cách đàng hoàng, đem lại không khí hồn nhiên cho đời sống phê bình văn học. Lý thuyết phân tâm học của S.Freud (người Áo) và của nhà tâm lý học phân tích K.Jung (người Thụy Sĩ) lại có cơ hội được khuấy lên, trước hết là ở các giảng đường đại học, bởi giá trị vốn có của nó trong hệ thống các giá trị tư tưởng và nhận thức thẩm mỹ của nhân loại.

Đỗ Lai Thúy là một nhà nghiên cứu và phê bình văn học viết chân dung các nhà văn, nhưng anh viết chân dung nhà văn bằng một cách rất riêng. Nói về hai tác phẩm thuộc thể loại này của mình, tác giả viết: “Từ Chân trời có người bay, đến Vẫy vào vô tận là cùng một bút pháp: tùy bút chân dung. Chân dung nhìn nghiêng, chân dung học thuật. Nhưng nếu ở cuốn trước các vấn đề được triển khai theo chiều ngang, chiều xã hội, chiều hữu thức, thì ở cuốn sau lại chủ yếu theo chiều dọc, chiều siêu thức, tâm linh. Tuy vậy, bạn đọc cũng có thể bắt gặp tọa độ của hai chiều kích này đậm nhạt ở mỗi chân dung”. Và tác giả kết luận: “Thế hệ các nhà khoa học đã qua không có chân trời, hoặc chỉ có một chân trời mà họ cố công tìm kiếm. Đấy là chiến công mà cũng là giới hạn của họ. Thế hệ mới hôm nay có nhiều chân trời để bay. Vấn đề là khát vọng bay. Viết Chân trời có người bay và Vẫy vào vô tận không để tôn vinh quá khứ, mà để kiến thiết một hiện tại”.

Viết chân dung văn học theo hơi hướng thể loại tùy bút, nhà văn Đỗ Lai Thúy đã thêm vào hành trang viết của mình một hướng tiếp cận tác phẩm và tác giả khá mới mẻ và hình như nó đã tạo ra một lực hấp dẫn riêng. Vấn đề cốt lõi là qua những trang tùy bút chân dung văn học, Đỗ Lai Thúy bao giờ cũng đưa ra được những nhận xét thấu đáo và chuẩn xác về nhân vật chân dung, hay là chân dung tác giả văn học. Đấy mới là chỗ khả thủ của anh vậy!

Nhìn chung, Đỗ Lai Thúy thành công ở phương diện phê bình học thuật. Ở phương diện này, anh như một người lính xung trận, đôi khi với tư cách một người mở đường. Trong mấy chục năm qua, những tìm tòi của anh không hẳn là hoàn toàn mới mẻ, nhưng nó được anh xây dựng và vận dụng lý thuyết vào việc làm sáng tỏ bản nguyên, đầy đủ các giá trị của tác phẩm văn học và nghệ thuật. Sức hấp dẫn của các công trình nghiên cứu của Đỗ Lai Thúy, chính là ở sự nhuần nhuyễn giữa lý luận và tác phẩm văn chương, tạo ra một cấu trúc phê bình mới, một loại hình tư duy mới trong phê bình văn học.

“Mọi con đường đều dẫn đến thành Rôm”. Mỗi hình thức phê bình đều có giá trị riêng, sức mạnh riêng, nhưng đều góp phần làm cho đời sống phê bình văn học thêm phong phú, giàu tính nhân loại và nhân văn. Thêm nữa, nó còn có giá trị định hướng cho sự phát triển phong phú của một nền văn học.

Lặng lẽ khiêm nhường, âm thầm bền bỉ tích lũy kinh nghiệm và kiến văn, không ngừng sáng tạo, theo tôi, nhà văn, nhà lý luận phê bình Đỗ Lai Thúy chính là một nhân cách và một tài năng đáng trân trọng!

VŨ BÌNH LỤC
Nguồn: Văn Nghệ số 12/2019



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều