Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

VĂN HÀO PHÁP HONORÉ DE BALZAC: CUỐI CÙNG CÒN LẠI TÌNH YÊU

Honoré de Balzac dự định bộ "Tấn trò đời" của ông sẽ có 143 tập. Tuy nhiên, ông mới chỉ kịp hoàn thành 90 tập. Dẫu vậy, đó vẫn là bộ sách khổng lồ và vĩ đại, miêu tả sâu sắc và rộng rãi không chỉ bức tranh xã hội Pháp đương thời mà còn nêu bật được những "tấn trò đời" vĩnh cửu với những tiểu thuyết xuất sắc qua nhiều thời đại như "Miếng da lừa" (1831), "Eugenie Grandet" (1833), "Cha Goriot" (1834), "Vỡ mộng" (in năm 1843), "Bước thăng trầm của kỹ nữ" (1845)...

Honoré de Balzac sinh ngày 20/5/1799 tại thành phố Tours. Cha ông, Bernard-Franois Balssa, là viên chức thuộc ngành quốc phòng, chuyên cung cấp quân trang quân dụng cho sư đoàn đóng ở đô thị nhỏ này.
Văn hào Honoré de Balzac của Pháp

Khi nhà văn tương lai cất tiếng khóc chào đời, người cha đã ở tuổi 53. Người mẹ, Anne-Charlotte-Laure Sallambier, vốn là cô con gái ngoan trong một gia đình tư sản ở Paris, kém chồng tới 32 tuổi. Ông Bernard-Franois Balssa đôi khi nửa đùa nửa thật khoe về dòng dõi quý tộc cổ kính Balzac d'Entraigues mà dường như ông là một hậu duệ.

Về sau, người con trai đã biến câu chuyện vui này thành một sự kiện bất khả bác bỏ và lấy đó làm họ cho mình và ghi lên trên các lá thư và các cuốn sách. Nhà văn cũng sử dụng gia huy Balzac d'Entraigues để vẽ trên xe ngựa của mình khi đi tới Vienna. Trong khi đó, tất cả những tài liệu còn lại cho tới hôm nay đều không có gì minh chứng cho dòng dõi quý tộc của nhà văn.

Tuổi thơ của nhà văn đã trôi qua ở ngoài tổ ấm gia đình. Ngay từ khi còn đỏ hỏn, Honoré đã được vú nuôi, một phụ nữ nông dân bình dị, nuôi dưỡng. Từ khi lên 4 tuổi tới năm 11 tuổi, cậu đã phải trải qua nhiều học xá khác nhau.

Những ngày tháng u ám nhất trong tuổi thơ của nhà văn tương lai là bảy năm sống trong Trường Vendôme, một học xá khá kín nằm dưới quyền điều hành của các tu sĩ theo dòng Oratory ở Saint Philip Neri (những tu sĩ sống với cộng đồng tôn giáo nhưng không tuyên thệ). Hai trăm học trò đã phải nhất nhất tuân theo kỷ luật khắc nghiệt của các tu sĩ. Phạm bất cứ lỗi lầm nào dù nhỏ đến mấy cũng bị phạt nặng bởi roi vọt hay bị giam trong phòng kín lạnh lùng.

Ngay từ nhỏ, Balzac đã nổi tiếng là một học trò cẩu thả, có tính tình u uẩn. Chính trong hoàn cảnh sống như thế, Honoré đã sớm tìm tới sách vở. Cậu bé thường ngồi lỳ trong thư viện của trường. Và mày mò tự viết nhưng đã chỉ khiến đám bạn đồng lứa chế giễu và mỉa mai đặt cho biệt danh "Thi sĩ".

Khi Balzac 15 tuổi, người cha được chuyển về Paris. Đó là năm 1814, khi đế chế của Napoléon vừa sụp đổ. Nước Pháp lại trở thành vương quốc của dòng họ Bourbon. Theo đòi hỏi của cha, nhà văn tương lai vào học Trường Luật, đồng thời làm một chân thư ký ở Văn phòng luật sư Jean - Baptiste Guillonnet - Merville. Tuy nhiên, Blazac cũng giấu cha mẹ để dự giảng những tiết về văn học ở Sorbonne và say mê đọc những cuốn sách lịch sử và triết học ở thư viện.

Tới năm 1819, Balzac tốt nghiệp xuất sắc Trường Luật nhưng đã khiến cha mẹ ngạc nhiên khi quyết định chỉ chuyên về viết văn. Khi đó, cha ông đã về hưu và cả gia đình chuyển tới ở một thầnh phố nhỏ gần thủ đô. Một mình Balzac ở lại Paris, trong một khu công nhân và tá túc ở một căn phòng áp mái nhỏ trong cảnh túng bấn. Viết thư cho em gái, nhà văn lớn tương lai hài hước: "Anh trai của em, người đang được hứa hẹn một vinh quang như thế, hiện ăn uống hoàn toàn như một vĩ nhân, nói cách khác tức là đang chết đói".

Thử nghiệm văn học đầu tiên trong thể loại bi kịch của Balzac đã bị "hội đồng gia đình" phê phán kịch liệt. Thấy vậy, Honoré đã chuyển sự chú ý sang các tiểu thuyết "gôtích", thế giới của những ác nhân không trái tim, nơi nảy sinh những tội ác dã man tàn bạo nhất, nơi khám phá ra những tội ác rùng rợn nhất và những mỹ nhân mềm tính luôn ở hiền gặp lành.

Trong giai đoạn đầu kéo dài tới 5 năm, Blazac kết hợp với một "thợ văn" giàu kinh nghiệm cho xuất bản tới cả chục cuốn tiểu thuyết nhưng vẫn không sao thoát khỏi cảnh sống "bóc ngắn cắn dài". Túng thiếu, cho tới tuổi tam thập, Blazac cố tình duy trì cảnh sống không vướng víu đàn bà. Đó là giai đoạn mà nhà văn vĩ đại trong tương lai tỏ ra rụt rè, nhút nhát tới... bệnh hoạn, chỉ đơn giản bởi ông cũng cảm thấy sợ sức mạnh dục tình trong chính lòng mình.

Thêm vào đó, hiểu rõ mình chỉ là một gã đàn ông chân ngắn, vụng về, ông rất sợ trở thành kệch cỡm nếu hành xử như những trai lơ thời ấy trước mặt các mỹ nhân sắc nước hương trời. Và họa hóa phúc, chính nỗi sợ giáp mặt mỹ nhân đã khiến Balzac sống trong cô độc lại giúp ông ngồi lâu hơn cạnh bàn viết và sáng tạo.

Từ Paris, thi thoảng Balzac trở về thành phố ngoại ô sống cùng cha mẹ. Và tại đó, năm 1821, ông đã làm quen với Laure de Berny, một phụ nữ đã ở tuổi 45, có không chỉ một đứa con, rất bất hạnh trong đời sống gia đình. Chồng của chị, Gabriel de Berny, con trai một thống đốc, thành viên tòa án Hoàng gia, hậu duệ của một dòng họ quý tộc lâu đời.

Thị lực của Balzac khi đó ngày một trở nên tồi tệ hơn. Thân mẫu của nhà văn buộc ông phải cùng làm việc với con trai của Laure. Hai người gần như là đồng niên. Chẳng bao lâu sau, thân mẫu của nhà văn mới phát hiện ra một số chi tiếp khiến bà phải "cảnh giác". Bà có cảm giác như cậu con trai tài hoa của bà đang phải lòng cô bé xinh đẹp kém mình vài ba tuổi Emmanuel, con gái của Laure de Berny. Thế nhưng, thực ra, trái tim của nhà văn trẻ lại thổn thức vì "mẫu hậu" Laure, người đàn bà đã sinh cho chồng mình tới 9 đứa con!--PageBreak--

Laure de Berny, mối tình đầu của Balzac, đã đóng một vai trò trọng đại trong cuộc sống của ông.

"Nàng đối với tôi vừa là mẹ, vừa là bạn gái, vừa là khách đồng hành, vừa là gia đình, cố vấn, tri âm tri kỷ. - Sau này Balzac nhớ lại. - Nàng đã biến tôi thành nhà văn, an ủi tôi khi còn non tơ, nàng đánh thức trong tôi thẩm mỹ, nàng khóc và cười với tôi, nàng luôn tới với tôi như một giấc mơ hạnh ngộ, làm dịu đi mọi nỗi đau đớn của tôi... Không có nàng hẳn là tôi đã chết...".

Laure de Berny đã làm mọi việc mà một người phụ nữ có thể làm được vì Balzac. Mối quan hệ giàu nhục cảm giữa hai người kéo dài qua không chỉ một thập niên, từ năm 1822 tới năm 1833. Balzac về sau đã viết: "Không gì có thể so sánh được với tình yêu của người phụ nữ dâng hiến cho người đàn ông hạnh phúc của mối tình đầu".

Laure de Berny đã không ngay lập tức đáp lại niềm cảm xúc của Balzac nhưng đã không thể cứng lòng mãi được trước sự chân thành và nồng nhiệt của nhà văn trẻ. "Trời ơi nàng đẹp quá trong lễ hội đêm qua! Nàng đã quá nhiều lần về với tôi trong mơ, rạng rỡ, cuốn hút, nhưng tôi xin thú thực là, đêm qua nàng đã vượt lên trên đối thủ duy nhất của mình, tiên nữ trong giấc tôi mơ...".

Và một đêm tháng 5 ấm áp, Laure de Berny đã quy thuận nhà văn. Balzac hào hứng: "Ôi Laure yêu quý! Anh viết về em và xung quanh anh đang là bầu im lặng của đêm, cái đêm đang sống động trong anh ký ức về những nụ hôn nồng cháy của em! Tôi còn có thể nghĩ về điều gì khác nữa? Tôi lúc nào cũng thấy trước mắt cái ghế đá mà trên đó ta đã ngồi, tôi cảm thấy đôi bày tay thân thiết của em lúc nào cũng ôm ấp trìu mến lấy tôi và những cánh hoa trước tôi dẫu đã héo vẫn nguyên mùi hương thanh khiết...".

Bà Laure de Berny khi ấy còn đầy nhiệt huyết. Nhưng rồi mối quan hệ giữa hai người bị tiết lộ. Xã hội lên án. Trong khi đó các dự án in ấn của Balzac đều thất bại. Laure giúp đỡ ý trung nhân không chỉ bằng lời nói, mà cả bằng những hành động vật chất cụ thể. Họ đã là bạn của nhau tới phút cuối của cuộc đời bà, năm 1836.

Laure de Berny đã là nguyên mẫu của một trong những nhân vật nữ trong tiểu thuyết "Những bông huệ đồng bằng", dẫu rằng chính Balzac đã nói nhân vật văn học chỉ là sự phản chiếu yếu ớt của người đàn bà trong đời thực. Cũng chính từ bà Laure de Berny, Balzac chỉ nhìn thấy niềm hứng khởi của mình ở những người phụ nữ vượt lên trên ông ở kinh nghiệm đời sống và tuổi tác. Những mỹ nữ trẻ trung đòi hỏi nhiều và chỉ có thể đáp ứng được ít, không còn làm ông quan tâm nữa. "Nàng tứ thập làm ta hứng khởi, nàng hai mươi có nghĩa gì đâu...".

Nữ công tước D' Abrantès, goá phụ của tướng Junot, khi Balzac làm quen với nàng vào năm 1829, ở Versailles, đang bị chìm trong nợ nần và không được xã hội thượng lưu kính trọng. Nàng đã buộc phải mang hồi ức của mình ra mặc cả với đời. Nữ công tước đã không phải khó khăn gì lắm để lôi nhà văn trẻ Balzac ra khỏi vòng tay của người phụ nữ luống tuổi Laure de Berny.

Không rõ vì một lý do gì đó nhưng cho tới phút cuối cùng của đời mình, Balzac luôn bị mê hoặc bởi những tước vị quý tộc. Và ông cảm thấy hãnh diện khi có được mối quan hệ tình cảm với nữ công tước D' Abrantès. Mặc dầu giai đoạn "hương nồng lửa đượm" không kéo quá dài nhưng về sau, quan hệ giữa hai người vẫn là thân hữu. Nữ công tước D' Abrantès đã giúp Balzac vào với salon của bà Récamier và một số những nhân vật thượng lưu khác. Còn nhà văn thì giúp mỹ nhân này hoàn thành những hồi ức của nàng.

Cũng trong thời gian đó, Balzac đã gặp gỡ với một người phụ nữ nữa, rất không xinh đẹp nhưng đã yêu ông như cơ hội hạnh phúc duy nhất của đời mình. Và họ đã có với nhau những ký ức khó quên, đầy cảm hứng sáng tạo.

Quả thực là không có phụ nữ xấu, quan trọng là ta biết nhìn ra giá trị nhan sắc của họ. Nàng đã giúp cho nhà văn thấu hiểu hơn giá trị tâm hồn của người phụ nữ sống là dâng hiến: "Một phần tư giờ mà tôi có thể ở cạnh nàng đã cho tôi nhiều hứng khởi hơn cả đêm ở trong vòng tay của một nữ nhân trẻ tuổi...".

Tuy nhiên, người đàn bà đứng tuổi đó hiểu rằng, chị không có sức quyến rũ đàn bà có thể gắn bó nhà văn một lần là mãi mãi. Hơn nữa, chị cũng không thể tiếp tục lừa dối chồng mình hay bỏ ông ta trong cảnh bất hạnh. Và vì thế, chị chỉ muốn có một tình bạn dịu dàng với nhà văn thôi.

Trong những lá thư gửi Balzac, chị công khai nói những ý kiến của chị về các tác phẩm của nhà văn. Balzac cảm ơn chị: "Nàng chính là độc giả của tôi. Tôi tự hào vì đã làm quen được với nàng, với người đã giúp tôi có được khát vọng luôn phải trở nên hoàn thiện hơn...".

Trước khi chết, Balzac, nhìn lại đoạn đời đã qua, đã thú nhận rằng, người đàn bà không xinh đẹp ấy mới chính là người bạn gái tuyệt vời nhất của ông. Và ông cầm lấy bút, sau một thời gian dài biệt vô âm tín, viết thêm một lá thư cuối cùng cho chị...

HOÀNG PHONG
Nguồn: CAND

Câu chuyện văn hoá khác:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều