Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

NHỮNG CUỐN SÁCH RA ĐỜI TỪ KHÁT VỌNG

Trong bối cảnh xuất bản sách văn học có nhiều khó khăn, việc NXB Hội Nhà văn cho ra đời bộ sách mang hơi thở của đời sống văn học trong nước cũng như thế giới như thế này là một nỗ lực đặc biệt và cũng có thể gọi đó là “Những cuốn sách ra đời từ khát vọng, từ tâm tưởng” của những người yêu văn chương...

Tuần qua, NXB Hội Nhà văn (Hội Nhà văn Việt Nam) đã giới thiệu đến báo chí, truyền thông trong nước một loại hình sách hoàn toàn mới mẻ với tên gọi sách chuyên đề “Viết & Đọc”. Theo qui định xuất bản, “Viết & Đọc” không được đánh số vì không phải là tạp chí, bởi vậy NXB Hội Nhà văn đặt tên cho mỗi số theo một mùa trong năm với “Chuyên đề mùa xuân”, “Chuyên đề mùa hạ”, “Chuyên đề mùa thu” và “Chuyên đề mùa  đông”.

Trong bối cảnh xuất bản sách văn học có nhiều khó khăn, việc NXB Hội Nhà văn cho ra đời bộ sách mang hơi thở của đời sống văn học trong nước cũng như thế giới như thế này là một nỗ lực đặc biệt và cũng có thể gọi đó là “Những cuốn sách ra đời từ khát vọng, từ tâm tưởng” của những người yêu văn chương...

“Viết & Đọc” số đầu tiên ra vào quí III năm 2018, vì thế gọi là “Viết & Đọc chuyên đề mùa thu 2018”, sau đó là “Chuyên đề mùa đông”, “Chuyên đề mùa xuân” và hiện nay, công tác chuẩn bị bản thảo cho “Chuyên đề mùa hạ” đang gấp rút được hoàn thiện. Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà văn Tạ Duy Anh, tủ sách chuyên đề này là “giấc mơ” mà họ đã ấp ủ từ hơn 20 năm nay.
Ban Biên tập chuyên đề “Viết & Đọc” giới thiệu với báo chí về ấn phẩm mới ra mắt.

Để có cuốn sách “bằng xương bằng thịt” cầm trên tay như hiện nay, các biên tập viên của NXB Hội Nhà văn như Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Hàn, Tạ Duy Anh, Trần Đức Tiến, Nguyễn Trung Dân, Trần Nhã Thụy, Vũ Hồng, Trần Lê Khánh, Đào Bá Đoàn, Nguyễn Chí Hoan, Nguyễn Văn Sơn cùng với các cộng tác viên là những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nhà báo, họa sỹ tên tuổi trong nước và ngoài nước đã phải nhiều ngày “chụm đầu” bàn bạc và vất vả lo liệu từ khâu bản thảo bếp núc cho đến việc lo liệu nguồn tài chính. Bởi vì, việc cân đối thu - chi để xuất bản và phát hành một cuốn sách 300-400 trang là một việc làm không hề đơn giản.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Giám đốc NXB Hội Nhà văn cho biết, nếu như không có một số Mạnh Thường Quân yêu văn học tài trợ cho dự án thì không biết đến bao giờ giấc mơ xuất bản những cuốn sách mang hơi thở đời sống văn học đương đại trong và ngoài nước của những nhà văn gắn bó với NXB từng có tên gọi trìu mến là “Tác phẩm mới” mới có cơ hội trở thành hiện thực.

Có Mạnh Thường Quân “ra tay”, Ban Giám đốc NXB Hội Nhà văn vô cùng vui mừng nhưng cũng vô cùng áy náy, bởi lẽ nhà tài trợ lại chỉ muốn “ẩn danh” nên không thể in lời cảm ơn họ trên bìa sách được. Vì thế, chỉ có thể “đền đáp” mối thâm tình với văn chương ấy bằng cách làm sao đưa đến cho độc giả những sản phẩm văn học có chất lượng tốt nhất.

Không chỉ có thế, chuyên đề “Viết & Đọc” cũng đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của các họa sĩ danh tiếng trong nước. Tranh làm bìa trong 3 số đầu của “Viết & Đọc” là tác phẩm của các họa sĩ Lê Thiết Cương, Phạm An Hải và Đỗ Trung Quân. Với quan niệm, các phụ bản hội họa cũng là một văn bản khác của các tác phẩm văn chương, “Viết & Đọc” đã giới thiệu những phụ bản đen trắng ấn tượng của các họa sĩ tên tuổi ở nhiều thế hệ trong và nước ngoài.

Quả thực, cầm trên tay 3 cuốn chuyên đề đã ra mắt bạn đọc với các chuyên mục rất có tính thời sự văn học như: “Thư biên tập”, “Ấn tượng 90 ngày”, “Tác phẩm mới”, “Tác giả trẻ”, “Tác phẩm đọc lại”, “Chân dung và ghi chép”, “Đối thoại”, “Văn học trong nhà trường”, “Phê bình và Tiểu luận”, “Tư liệu”, “Những người nổi tiếng thế giới”..., thì thấy Ban biên tập của tủ sách chuyên đề này đã có những sự đầu tư lớn, có chiều sâu và thực sự đã ít nhiều tạo ra một ấn tượng cho bạn đọc với bản sắc riêng của mình.

Mỗi chuyên mục đều là sự tìm tòi, đặt hàng, biên tập chỉn chu để mang lại những ấn phẩm tốt nhất có thể như: “Thư biên tập” là quan niệm của “Viết & Đọc” về cuộc sống và sự sáng tạo; “Tác phẩm đọc lại” là cách nhìn của bạn đọc đương thời về những tác phẩm nổi tiếng trong quá khứ; “Đối thoại” giống như là một cuộc trao đổi hoặc tọa đàm trực tiếp với các nhân vật tên tuổi trong nước và nước ngoài về một chủ đề - vấn đề lớn được đặt ra...

Qua các ấn phẩm đã được xuất bản, bạn đọc cũng có cơ hội nhìn thấy được con đường của một nền văn học mới bắt đầu được hình thành từ cách viết, cách cảm nhận đời sống, cách nhìn xã hội của những tác giả còn rất trẻ thông qua chuyên mục “Tác giả trẻ”.

Chuyên mục “Ấn tượng 90 ngày” là những bài viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo… về một sự kiện, một vấn đề hoặc một điều gì đó có hiệu ứng, tác động trên diện rộng đã và đang diễn ra trong xã hội trong 3 tháng (90 ngày). Chuyên mục “Tư liệu” trong mỗi số đã xuất bản là những tư liệu độc đáo lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam và liên quan đến những nhân vật đã góp phần làm thay đổi xã hội, thay đổi thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau...

Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, từ số “Chuyên đề mùa hạ 2019”, “Viết & Đọc” sẽ mở thêm một chuyên mục mới có tên: “Văn học và Nhà trường”. Ban biên tập hiện đang có những nỗ lực và kỳ vọng chuyên mục này giúp cho thầy cô dạy môn văn và học sinh - sinh viên trong các nhà trường tiếp cận thêm chiều kích của các tác phẩm văn học được giảng dạy, hiểu được hoàn cảnh ra đời tác phẩm đó và quan niệm của nhà văn khi viết tác phẩm đó.

Đồng thời chuyên mục “Văn học và Nhà trường” cũng giới thiệu các tác phẩm văn học được giảng dạy trong các trường tiểu học và trung học ở một số nước tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Úc và cả văn học trong nhà trường ở các nước Hồi giáo... nhằm tìm ra những điểm chung về tính nhân văn tiêu biểu trong các tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong trường học. Với chuyên mục này, Ban biên tập dự định sẽ in các tác phẩm ấy bằng 2 thứ tiếng, bao gồm bản dịch và văn bản gốc để nếu ai có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn cũng có thể dễ dàng tiếp cận được.

Được biết, hiện nay, NXB đã liên kết với một số đơn vị để mở rộng cách và các kênh phát hành như làm việc với Báo Nhi đồng để cùng họ phối hợp phát hành sách chuyên đề “Viết & Đọc” trong nhà trường; tổ chức các buổi tọa đàm, nói chuyện chuyên đề ở quy mô rộng hơn, hiệu quả hơn...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

Với các chuyên đề theo mùa của “Viết & Đọc”, chúng tôi muốn giới thiệu đến độc giả trong nước tất cả những gì mới mẻ nhất, độc đáo nhất của văn học trong nước cũng như thế giới trong một cách thức, một cách nhìn mà các tờ báo hay tạp chí văn chương trong nước chưa làm như vậy hoặc sẽ không làm như vậy. Chúng tôi sẽ từng bước giới thiệu đến độc giả những nền văn học vẫn còn xa lạ, bí ẩn, thậm chí là độc giả Việt Nam không được biết đến như văn học Triều Tiên dưới thời Chủ tịch Kim Joong-un, văn học ở các nước Hồi giáo, văn học châu Phi... với mục đích kiếm tìm và đưa đến cho độc giả cơ hội những vẻ đẹp thực sự của văn chương.

Trong thời buổi hiện nay, văn hóa đọc hay việc đọc sách văn chương là vô cùng khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ vẫn cứ làm với ý chí muốn làm những gì tốt nhất, làm bền bỉ, kiên trì nhất. Lúc đầu cũng có những người thờ ơ, và còn bảo chúng tôi “Văn chương giờ ít người đọc thì làm làm gì?”, nhưng chúng tôi sẽ vẫn làm kể cả khi chỉ còn 1 độc giả.

Tôi luôn nói như thế với các cộng sự của mình để thể hiện sự quyết tâm, tâm huyết và khát vọng của người yêu văn chương. Nhưng rất đáng mừng là chúng tôi đã đón nhận được nhiều tín hiệu khả quan: 3 chuyên đề đã in ra với số lượng 2.000 bản/số đã được bán hết. Hiện giờ chúng tôi có muốn tặng ai cũng không còn và có những bạn đọc đã đặt mua dài kỳ cho cả 2 năm.

Nhà văn Tạ Duy Anh:

Có thể nói, những cuốn sách chuyên đề như thế này đã là giấc mơ của chúng tôi 20 năm qua, từ khi tôi gắn bó với công việc ở NXB Hội Nhà văn. Nhưng có quá nhiều vấn đề, nhiều điều kiện mà chúng tôi không thể đáp ứng được, trong đó có việc thiếu đi một người “thuyền trưởng”. Phải đến khi có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người đã “kích” vào đúng cái “điểm huyệt” mà chúng tôi nuôi khát vọng từ ngày xưa.

Anh em chúng tôi ngồi lại với nhau, nêu ý tưởng và bàn bạc nhưng trong lòng cũng không dám mơ ước cuốn sách được ra đời chỉn chu, đẹp đẽ, sang trọng như thế này. Chúng tôi có một quyết tâm rất cao, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng làm được số nào sẽ làm hết sức mình, đặt tất cả những gì hay nhất vào số đó, giống như việc trong nhà có cái gì ăn ngon là mang ra đãi khách hết và hôm sau lại tốc lực lo cho bữa khác, không bớt lại, không để dành. Tất cả là để cống hiến cho độc giả.

Công tác biên tập cho các ấn phẩm này là cực kỳ mệt, nhưng thù lao tính ra chỉ được 700 ngàn đồng/tháng, nếu như làm để kiếm sống thì không ai làm cả. Nhưng nhờ có niềm đam mê, chúng tôi ai cũng thấy hào hứng và đầy tâm huyết. Quan điểm biên tập của chúng tôi là: phấn đấu để sau này, nhà văn nào có tác phẩm được in ở đây đều cảm thấy đó là một niềm vui, niềm vinh dự đáng trân trọng.

NGUYỆT HÀ
Nguồn: VNCA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng mới nhất

TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI CUỘC THI “MỘT NỬA LÀM ĐẦY THẾ GIỚI”

Sau 8 tháng diễn ra, cuộc thi truyện ngắn viết về phụ nữ “Một nửa làm đầy thế giới” do NXB Văn hóa - Văn nghệ tổ chức (với sự tài trợ giải t...

Bài đang đọc nhiều